Đông A Nông Sự

Chương 78: Đại Triều Hội 2






Bách tiếp tục:
- Như vậy nếu người Trung Quốc muốn buôn bán những thứ này đến người Tây dương phải đi thuyền cỡ 1 năm.

Người Tây dương lấy được hàng, vận chuyển lên bộ qua một đoạn để đến trung tâm văn minh của họ là một vùng biển kín trong lục địa, gọi là Địa Trung Hải thì mất mấy tháng nữa.

Chính là vị trí này.
Hắn lại chỉ qua đoạn kênh đào Su-ê nối Ấn Độ Đương với Địa Trung Hải ở bản đồ đầu tiên.

Các quan ồ lên.
- Thì ra là vậy.
Lại có người hỏi:
- Tại sao Hán triều đã khai thông con đường buôn bán sang Tây phương từ thời Hán Vũ Đế mà còn mất công vận chuyển xa xôi trên biển.
- Cái này cần tính lợi ích kinh tế.

Vận chuyển trên bộ tuy gần hơn nhưng chỉ thông tới những nước tiếp giáp với nhà Hán, muốn vận chuyển hàng đi xa hơn về phía Tây, phải đi qua một loạt các nước và nếu như một trong số các nước đó xảy ra chiến tranh hay một nước nào đó nảy sinh mưu đồ lũng đoạn thì toàn bộ hoạt động của tuyến đường tắc nghẽn.

Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên trên tuyến đường bộ lại vô cùng khắc nghiệt, núi cao lạnh lẽo, sa mạc cằn cỗi nóng bỏng, lại thêm bão cát.

Phương tiện vận chuyển duy nhất là thồ hàng trên lưng lạc đà, do vậy số lượng hàng thồ không nhiều và thời gian vận chuyển lâu.

Nếu đi trên biển, thuyền trở được nhiều hàng hơn, trên biển tuy có nhiều nguy cơ thiên nhiên nhưng nếu hanh thông thì lợi nhuận lớn hơn, tính ra an toàn hơn so với đi trên bộ.
- Đúng vậy! Đúng vậy, một số người gật đầu tán đồng.
Bách lại chuyển sang bản đồ thứ ba.

- Đây chính là bản đồ Đại Việt ta với 12 lộ phủ.

Các ngài nhìn xem, so với các đại quốc thì còn nhỏ bé nhưng so với mấy nước đảo xa thì cũng là nước lớn rồi.

Như vậy có thể xếp Đại Việt vào những nước trung bình.

Đây là vị trí của Kinh Thành, Lý đế rất sáng suốt, dời đô về Thăng Long là nước đi đúng đắn.

Đây là vị trí trung tâm đất nước, thuận lợi cho thương mại phát triển.

Các lộ Tam Giang, Đà Giang, Như Nguyệt Giang như cánh tay vươn ra các vùng biên viễn.

Nếu cứ định đô ở Hoa Lư thì khó quản được các vùng này.
- Ở miền biển, Vân Đồn chính là cảng lớn, các ngài nhìn xem, nếu từ Quảng Châu, Phúc châu đi thuyền xuống, nhất định phải qua Vân Đồn, xa hơn ở phía nam phải vòng qua cảng biển Chiêm Thành, Chân Lạp rồi mới đi được tiếp về phía các đảo xa rồi sang phía Tây.
- Xét khoảng cách thì thấy nếu không có gì hấp dẫn thương nhân có thể bỏ qua Đại Việt mà đi xuống phía nam luôn.

Nhưng không thể không dừng lại ở Chiêm Thành, Chân Lạp để tiếp nước ngọt.

Như vậy, chúng ta cần làm sao cho bọn chúng không thể không qua Đại Việt, sau đó tìm cách khống chế Chiêm Thành, Chân Lạp là con đường này nằm gọn trong tay chúng ta.

Chỉ cần không dùng cách mổ gà lấy trứng thì đây sẽ là nguồn lợi muôn đời cho con cháu.
Các trọng thần ồ lên, hai vua thì đã xuống sát ba tấm bản đồ, trầm ngâm suy nghĩ.

Ai cũng đang trong những luồng suy ngẫm riêng, không khí trầm xuống một chút.

Những thông tin này quá mới mẻ, lại chỉ do một người thiếu niên tự biên tự diễn.

Mọi người biết hắn nói có sách, mách có chứng, những điều này lại không có một chút sơ hở nhưng cần thời gian để đánh giá lại.

Một lúc Thái Tông nói:
- Ba tấm bản đồ này vô cùng quý gia, lệnh Hàn Lâm Viên thuộc ba tấm da trâu lớn, lấy người thân tín sao chép bản đồ lên da trâu rồi đưa vào cung, tuyệt đối giữ gìn cơ mật quốc gia.

Ai làm lộ ra, chém!
Một người đứng ra chắp tay:
- Thần tuân chỉ.
Thái tông lại nói tiếp:
- Những lời Sơn Tây Hầu nói đều là mong muốn của ta cùng các Đại thần, nhưng đấy cũng chỉ là dựa trên vị trí quốc gia để đề xuất hướng đi của Đất nước.

Thực hiện được hay không còn nhiều yếu tố nữa.
- Thượng hoàng anh minh! Tất cả những trình bày vừa rồi của thần chỉ là tổng quan.

Giống như xem mây trong gương, trăng trong nước thôi.


Cái thần đưa ra tiếp theo là một số ý kiến để có thể đạt được “Giấc mộng Đông A”.
- Giấc mộng Đông A!
- Đúng vậy, Giấc mộng Đông A là giấc mơ của con dân Đại Việt về một triều đại thịnh trị thật sự dựa trên lãnh đạo của hoàng gia.

Mong ước đất nước dưới triều Trần đạt được sự thịnh vượng, hướng tới vinh quang quốc gia.
- Giấc mơ này rất lớn, muốn hoàn thiện nó không chỉ cần sự góp sức của tầng lớp quý tộc, quan lại.

Mà chính quý tộc, quan lại phải làm cho tất cả các tầng lớp khác, bất kì ai, bất kể sinh ra ở đâu đều tin mình có thể trở nên giàu có.

Chỉ có làm như thế các ngài mới có thể làm cho Đại Việt giàu mạnh, áp đặt được lân bang và hướng tới vinh quang của Đại Việt.
- Những lời ngươi nói đi xa kinh điển của thánh nhân.

“Sĩ, nông, công, thương” vốn là gốc của xã hội.

Không thể thay đổi được.
Một đại lão râu dài tỏ vẻ không hài lòng:
- Vậy ta hỏi ngài, nếu không có lưỡi cày, cuốc thì có có cày ruộng được không?
- Cày được nhưng rất vất vả.
- Không phải vất vả mà là quá vất vả, không có lưỡi cày, cuốc ngài dùng tay bới đất thì hàng tháng mới xong sào ruộng.

Vậy lý gì mà thợ rèn sắt lại phải xếp sau nông dân một bậc? Ta ở trên mỏ mấy tháng, những việc công nhân công bộ làm được, hơn trăm nghìn lần người khác khua môi múa mép.

Cũng hỏi tiếp đại nhận, mỗi năm ngài đóng thuế cho triều đình bao nhiêu?
- Cái này cần về hỏi ngu phụ trong nhà, nhưng nhà ta tri thư đạt lễ, thuế má chưa bao giờ nợ của triều đình.

Một năm đóng ngàn quan là bình thường.
- Ngài có biết Mã Dược Điếm là hiệu buôn thuốc trên phố thuốc Bắc, phủ Phụng Thiên một năm đóng thương thuế cho triều đình trên dưới vạn quan.

Vậy sao ngài xếp trên Mã Quốc An bốn bậc?

- Vậy là ngươi đánh đồng ta với lũ con buôn hám lợi.
Mặt đại lão đỏ bừng.
- Không ai đánh đồng ngài cả.

Thuế thu được chính là quốc khố.

Quốc khố dùng vào việc gì? Làm đường, đắp đê, trả bồng lộc cho chính các ngài … lại còn vào việc binh mã.

Ngài đóng vào ngàn quan có nghĩa là khi giặc Thát tràn sang, ngài đang giúp triều đình nuôi 100 quân sĩ kháng địch.

Còn Mã Quốc An tuy hắn là con buôn hám lợi, hắn đang giúp triều đình nuôi 1000 quân sĩ dũng mãnh lao vào chém giặc đấy.
- Ta nói ở đây không phải là cổ vũ cho thói buôn gian bán lận mà các ngài phải hiểu, muốn xã hội phát triển, tất cả các tầng lớp đều phải đóng góp.

Tại sao chúng ta không cho họ cơ hội đóng góp cho đất nước.

Các ngài bổng lộc vẫn hưởng, vẫn thu tô thuế trên đất phong, các tầng lớp khác cần cho họ cơ hội được thể hiện.
- Ta nói đơn giản thế này.

Nếu ngành tơ lụa phát triển, không phải nông dân trồng dâu nuôi tằm sẽ có tiền sao? Triều đình thu được thêm thuế má.

Bọn thương nhân sẽ phải gom tơ lụa từ dân bán cho bọn thương lái Tống, Nguyên? Triều đình lại được thu thuế? Bọn thương nhân Tống, Nguyên phải qua cảng Đại Việt ta trao đổi? Lại thu một lần thuế nữa? Ngài không thấy chỉ một việc, triều đình ba lần thu thuế.

Tiền này để làm gì? Chính là để trả bổng lộc cho các ngài.