Đông A Nông Sự

Chương 73: Giấc Mộng Đông A 2






- Vinh quang quốc gia?
- Đúng vậy, ngài đã nói với ta, triều Lý dẫn quân đánh Ung Châu, Khâm Châu, chiến thắng quân Tống trên Như Nguyệt Giang đã là đỉnh cao tự chủ của nước ta từ xưa đến nay rồi.

Vậy ngài có nghĩ, nước Tống cũng chỉ là một quốc gia trong bao nhiêu quốc gia khác.

Nếu chúng ta chỉ chăm chăm đối ngoại với nhà Tông, sợ sệt nhà Nguyên thì e rằng con mắt quá hạn hẹp rồi.

Vinh quang quốc gia của Đại Việt là hướng tới sự nể trọng của tất cả các đất nước trong khu vực, khiến tiếng nói của chúng ta có sức nặng, ảnh hưởng tới tất cả các nước.
- Thật có cách để đạt được điều đó.
- Tất nhiên là có, nhưng để đạt được nó phải dám ước mơ, làm việc cần mẫn để thực hiện những ước mơ đó và đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.

Mục tiêu đó có thể 20 năm sau, 50 năm sau, thậm chí 100, 200 năm sau.

Nhưng phải có người khởi xướng nó, nếu chúng ta tại thời điểm này, không làm, thì con cháu chúng ta mãi mãi không đạt được mục tiêu này, chúng sẽ thầm phỉ nhổ chúng ta đấy.
Trần Quang Khải trầm ngâm, rơi vào suy tư, hắn làm quan đầu triều, đúng là loanh quanh chỉ nghĩ làm sao chống ngoại xâm, phá bỏ lệ thuộc, chưa bao giờ nghĩ chúng ta sẽ làm thế nào ảnh hưởng đến nước khác, có chăng chỉ là bọn Chiêm Thành, Chân Lạp, sang đánh rồi rút về.

Nay nghĩ lại đúng là có chút hạn hẹp, triều đình cũng cử tình báo thu thập lân bang nhưng hiểu biết về thế giới thời nay quá ít, bên kia bờ biển có gì? những hòn đảo xa kia đi bao lâu thì tới? Bọn thương nhân Trảo Oa [1], Lộ Lạc [2], Tam Phật Tề [3] đến từ đất nước thế nào?
- Vậy thế này đi, người hoàn thiện bản kế hoạch này, ta sẽ mời Thượng hoàng, Quan gia và một số Đại thần đến nghe ngươi trình bày, có được không?
- Cảm tạ Vương gia đã cho ta được giãi bày.
- Ta từ khi sinh ra đã được vua cha chỉ dạy nghiêm khắc, được thầy giỏi ra sức truyền đạt lại được Sư phụ ngày đêm bảo ban.

Nhưng từ khi gặp ngươi, ta càng ngày càng cảm thấy nghi ngờ năng lực của mình.


Rút cuộc những thứ trong đầu ngươi là do ai dạy? Ta cảm thấy nam nhân 16 như ngươi, không thế có đủ thời gian mà tiếp thu nhiều thứ như thế.
Suy nghĩ của Quang Khải là suy nghĩ của rất nhiều người đang tiếp xúc với Bách, hắn quá già dặn, kế cả Nguyễn Hiền khi xưa thì cũng chỉ gọi là đứa trẻ thông minh thôi.

Hắn thuộc lòng Tứ thư, ngũ kinh, văn từ trau chuốt, nhưng cái kiểu xâu chỉ qua vỏ ốc, làm thơ chữ Điền thì chỉ là trò khôn vặt, thực tế chẳng có lợi gì cho đất nước.

Tên này khác, hắn làm việc luôn có kế hoạch.

Muốn làm gì đào tận gốc rễ, tường tận rồi mới thôi.

Khi hắn làm ở mỏ nghe nói chỉ vì đào ra quá nhiều quặng mà than cốc chưa kịp tới, hắn điều chỉnh ngay kế hoạch tổng thể, chỉ mấy ngày là đâu lại vào đấy, tất cả các khâu chạy trơn tru.

Quặng đào ra có là có than cốc đến, công nhân không một người vì thiếu nguyên liệu mà nhàn rỗi.

Trần Cung có tài điều binh khiển tướng mà thiếu chút quỳ xuống phục hắn sát đất.

Hơn nữa những kiến giải về chính trị của hắn độc đáo, người xưa cái gì hay thì học, cái gì dở thì phê bình, không hề cứng nhắc.

Đặc biệt hơn nữa, tên này có rất nhiều kiến thức tổng quát về thế giới này, không ai bì được.
Chỉ có Bách là khó xử, hắn không muốn thế đâu.

Ai chả biết khoe tài dễ gặp hoạ.

Nhưng không làm không được.

Chỉ 15 năm nữa, người Mông Cổ sẽ tràn sang.

Lúc ấy gọi cho sang mồm thì là “Thanh Dã”, nhưng thực chất, CMN chính là không đánh được người ta thì bỏ chạy, chờ người ta cướp phá chán, thiếu đồ ăn, mệt mỏi, bệnh tật bỏ về thì ta lao ra truy sát.

Lần nào cũng mang tiếng thắng trận nhưng sau khi thắng trận trong nước đến cái quần lót không còn.

Nếu không nghĩ ra cách thì Hào Khí Đông A gì gì đó chỉ mang viết sử được thôi, nhân dân sau mỗi cuộc chiến thì khổ như chó lạc, không biết lúc hô chữ “Đánh” ở Diên Hồng, các bô lão có nghĩ đến không? Thế nên hắn phải làm, hắn xuyên Việt về đây tự thấy ông trời giao cho mình trọng trách, để bốn chữ Hào Khí Đông A kia không chỉ còn là hư danh nữa.

Hắn nếu tính ra thì năm nay đã ba lăm, qua cái tuổi Tam thập nhi lập rồi, so với Quốc Tuấn, Văn Hưu thì hơn 5,6 tuổi, so vua con Thánh Tông, Quang Khải thì hơn tới 15 tuổi.

Chỉ có lão thành như Trần Thủ Độ, Thái Tông mới có kinh nghiệm hơn hắn.

Hơn nữa hắn sinh ra vào thời đại công nghệ thông tin, nguồn tri thức phong phú hơn bây giờ gấp trăm, ngàn lần.

Việc mọi người nghe kiến giải của hắn kinh ngạc là bình thường.

Nhưng nếu xuyên việt về đây, không phải ai cũng được như hắn, được đào tạo bài bản, đã có bằng tiến sĩ.

Nói đến đây thật đáng buồn thay.

Thời của hắn tuy lãnh đạo đất nước suốt ngày ra rả trên đài báo về vấn đề trọng tri thức.

Nhưng đây chính là thời đại tri thức không có giá nhất trong lịch sử.

Chưa bao giờ có một thời đại nào mà nói đến hai từ Tiến sĩ, lại có người bĩu môi.

Đây là hậu quả đến từ hai phía, đầu tiên là do chính những người trí thức tự hạ thấp phẩm giá của mình.

Hắn còn nhớ mình bức xúc như thế nào khi có người đổi 200 triệu lấy tấm bằng Tiến sĩ.

Vậy còn ai tin tưởng vào năng lực của họ đây? Nhưng cũng phải hiểu không phải trí thức nào cũng thế, những người kia là thiểu số, con sâu bỏ rầu nồi cành thôi.

Đa phần những trí thức đều là người có quá trình học tập và nghiên cứu nghiêm túc.

Bản thân hắn mới thấu hiểu điều này nhất.

Để được công nhận học vị là cả một quá trình tư duy lâu dài nhằm giải quyết một vấn đề khoa học.

Vấn đề này có thế mang tính chất đại chúng, nhiều người hiểu, nó cũng có thể rất hàn lâm, chỉ có số ít những người cùng chuyên môn mới hiểu hết.

Nhưng xã hội thì khác, câu hỏi thường trực là anh nghiên cứu cái của khỉ gì thế? Cái đấy để làm gì? Hắn tức điên khi có người so sánh bổ đề cơ bản của Ngô Bảo Châu chẳng mạng lại gì cho đất nước hơn một lão nông thiết kế cái máy gieo hạt tự động? Mọi người quên mất một điều, tất cả những cái họ đang sử dụng, là hằng trăm, hàng nghìn thế hệ tri thức đã phát triển các lý thuyết trước đó.

Nếu không có Newton nghiên cứu về động lực học thì lấy đâu ra các máy móc với cơ cấu chuyển động phức tạp như ngày nay.

Thế mới nói, nếu không có tri thức cơ bản thì mãi mãi trì trệ thôi.

Hắn phát hiện ra rằng người có bằng Tiến sĩ không giỏi hơn người khác nhưng chắc chắn một điều là có tư duy lo-gic giải quyết vấn đề tốt hơn.


Cái này chính là khác biệt.
- Đại vương nên hiểu rằng, tuổi đời không phản ánh tri thức.

Vì trong cùng một khoảng thời gian, người có phương pháp tiếp thu tốt hơn sẽ học được nhiều kiến thức hơn.

Ta hướng dẫn đại vương một phương pháp học, gọi là sơ đồ tư duy? Đây là cách để ghi nhớ, tổng hợp, phân tích một vấn đề ra thành một dạng của lược đồ phân nhánh.

Rất đơn giản, …
Hắn hướng dẫn Trần Quang Khải cách lập sơ đồ tư duy đơn giản, đây là phương pháp rất hữu dụng với những người như Quang Khải, cả trong học tập và công việc.

Vị trí của hắn không dễ làm, quản lý quá nhiều sự vụ.

Hắn lại là người cầu toàn, luôn muốn công việc được kiểm soát chặt chẽ, nhưng con người đâu phải cái máy.

Đôi khi có những việc đã bàn luận rồi nhưng quên mất, đến khi nhớ ra thì đã qua thời điểm vàng.

Sơ đồ này sẽ giúp Quang Khải khắc phục điều đó, lại cũng dễ học.

Bách hướng dẫn Quang Khải một buổi chiều là hắn đã thành thạo rồi.
[1] Java
[2] Vương quốc Lavo
[3] Srivijaya ở đảo Sumatra