Bọn công nhân lại bận bận rộn rộn, đứa xây cất nhà cửa, kho chứa, đứa khai quặng, đứa làm lò luyện sắt.
Lượng than cốc khá ít, nay sắp hết, có mấy đợt bổ sung từ bên ngoài vào nhưng hắn đã thấy hiện tượng thiếu nguyên liệu hụt cục bộ, các khâu chưa ăn khớp với nhau.
Bách lo lắng, gọi thợ đến, đưa bản vẽ bắt chúng làm hai thanh sắt đường ray, lại sai chúng làm một toa kéo có bánh khít với ray, việc này cũng phải tốn đến hàng tuần.
Hôm nay, Bách nhận tin báo, trưa nay Trần Thủ Độ sẽ đến nơi.
Hắn cho bọn công nhân làm sẵn vài công cụ và vũ khí để lão xem.
Quá trưa, không như Bách nghĩ, một đoàn nghìn người kéo vào, nhìn từ đỉnh núi, rồng rắn dài nối đuôi nhau qua con đường độc đạo nhỏ hẹp.
Trần Thủ Độ được khiêng kiệu vào, còn mang theo cả bọn con hầu, lão đã già, không còn sức đi ngựa nữa.
Vừa đến nơi đã kéo Bách và Trần Cung vào nhà, lão có vẻ nóng ruột rồi.
Bách thì cứ từ từ, sai bọn con hầu đi lấy nước cho lão rửa mặt.
Làm gì mà vội thế.
Lão nhìn mấy nông cụ trên bàn, lại thấy một thanh gươm, vài mũi giáo bọn công nhân làm, lưu luyến không rời tay.
Ngắm nghía nửa ngày mới hỏi:
- Mỏ này liệu khai thác được bao lâu?
Bách cười:
- Với cái tốc độ này thì còn lâu, thái sư không phải lo.
- Ta chỉ là lo lắng, vừa rồi thấy chất lượng sắt nơi này tốt như vậy, nếu hết sớm thì thật đáng tiếc.
Nhưng cũng làm sao được, con người là xác thịt chân tay, làm sao đào nhanh được, ta mang cho ngươi rất nhiều người để ngươi sử dụng cốt để đẩy nhanh tiến độ.
Công cuộc làm ra trăm vạn cân sắt phải thực hiện, càng nhanh càng tốt.
- Ta tính rồi, khai thác túc tắc thế này cũng được.
Nhưng chúng ta cần tối ưu hoá quá trình khai thác, chúng ta đang bị chậm ở một số khâu trong chuỗi cung ứng.
- Nói nghe xem.
- Trần Vệ uý ở đây mấy hôm nay thấy sao?
- Việc khai mỏ, đào và vận chuyển ngày càng nhanh, nhưng quặng làm ra ngày càng nhiều mà không kịp nấu.
- Đúng thế, chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ cung cấp than cốc, lại tăng số lò luyện sắt lên, nhưng ở Trại cau không tiện.
Ta đề xuất đưa lò luyện ra gần sông Như Nguyệt.
Nơi này thuận lợi hơn, than cốc luyện xong mang đến đấy rất gần, sắt nấu xong có thể theo thuyền đi khắp nơi, vật tư ta cần cũng vậy, đấy là lợi thế khi gần bến cảng.
- Nhưng như vậy mất công đưa quặng ra ngoài bờ sông.
- Có cách làm việc này.
Mở một con đường, đồng thời làm đường ray vận chuyển để dùng trâu, bò kéo quặng ra vào là xong.
- Đường ray là gì.
- Ta đã làm bản mẫu, ngài ra xem sẽ hiểu.
Ray tàu đã làm xong một đoạn dài chừng hai mươi mét.
Gỗ kê dưới ray cũng đã bắt chắc chắn xuống đường.
Đoạn ray đầu tiên này hắn làm chính là đoạn từ cửa mỏ mở về hướng khu nhà công nhân.
Thợ công bộ rất khéo tay, hai toa kéo cũng được hoàn thành, nối với nhau bằng móc sắt.
Bọn thợ còn nói không khó hơn làm cái xe ngựa là mấy.
Trần Thủ Độ đi đến gần cửa mỏ, hiếu kỳ quan sát đường ray và toa kéo.
Bách sai mấy tên công nhân thử chất quặng lên khoang, lại lấy một con trâu buộc dây vào.
Con trâu ngoãn ngoãn kéo thử hai toa kéo, chạy băng băng trên đường.
Trần Thủ Độ mặt như hoa nở, sợ soạng cái toa kéo như bảo vật, lầm bẩm:
- Giá mà có vật này, lại kéo từ biên giới về Thăng Long, thì mẫu thân sao phải chết nơi đất khách.
Lão bần thần một lúc quay lại nói với Bách:
- Kỳ vật như vậy, khi nào nước ta nhiều sắt, có thể làm khắp thiên hạ hay không?
- Không thể?
- Tại sao?
- Chả nhẽ cứ để bọn trâu bò ỉa đái khắp cả nước sao?
Bọn công nhân bụm miệng cười, Trần Cung lừ mắt với bọn chúng làm chúng im bặt.
- Không nên làm đường này cả nước, nhưng dùng cho vận chuyển, khai mỏ thì không gì tốt hơn.
Kế hoạch sản xuất ta đã lên rồi, ở đâu, cần bao nhiêu người đã nói rõ.
Phương pháp luyện sắt cũng đã cùng công nhân cải tiến, giờ mỏ cũng dần ổn định có lẽ ta nên về trang viên của mình thôi, ta ở trên này đã mấy tháng rồi.
- Chỉ mấy tháng đã làm được công trình đồ sộ thế này cũng là công lao của ngươi, nếu nhân công đã bố trí đầy đủ, các khâu cung ứng đã hoàn thiện, sản lượng cũng đã tính toán ổn thoả, chúng ta cũng nên về kinh bẩm báo với Thái thượng hoàng và Quan gia, hai người đã sốt ruột lắm rồi.
Lại quay lại bảo Trần Cung:
- Ngươi lưu thủ thân tín ở lại, cùng ta về kinh, từ nay việc an toàn bảo mật của mỏ cần đặt lên mức cao nhất, quân cấm vệ duy trì trăm người, quân địa phương ta sẽ sai Lưu Diễm bố trí đóng ở gần đây để tiếp ứng, lúc nào cũng có thể cùng các ngươi đối phó với tình huống nguy cấp.
- Tuân lệnh Thái Sư.
- Ta ở đây kiểm tra công việc ba ngày rồi chúng ta về thôi.
Quan gia cũng phái một viên quan ngũ phẩm đến làm việc tại đây.
Thành lập luôn một cơ quan là Thiết Sứ, viên quan này là phó Thiết Sử Triệu Tân, phụ trách công việc toàn mỏ.
Ba ngày này ngươi bàn giao các kế hoạch, hướng dẫn hắn tận tình để hắn có thể tròn chức trách.
Lúc này Bách mới để ý có một người bên cạnh Trần Thủ Độ, người này không có gì đặc biệt, thuộc dạng làm tốt việc của mình, không gây chú ý cho người khác.
Hắn cười chắp tay:
- Mong Minh Tự chỉ giáo.
- Tốt lắm! Ta có mấy điều cần trao đổi với Triệu đại nhân, nhưng chúng ta cứ từ từ thảo luận, không cần gấp gáp …
Tối đấy Bách lại cùng bọn công nhân ăn bánh tẻ, trại tăng thêm ngàn người, có vẻ chật chội lắm.
Nhưng bọn công nhân toàn là người nhanh nhẹn, rất nhanh chúng sẽ cất nhà, mở rộng khu mỏ, dù sao đây cũng không phải việc chúng lần đầu làm.
Bách cũng kệ cho Triệu Tân thể hiện tài điều phối, hắn gác chân lên ghế trúc, đu đưa ăn bánh tẻ, nhà hắn hiện nay đã bị Trần Thủ Độ chiếm dụng, lão đang được bọn con hầu chăm sóc.
Lão già biến thái không biết có chết luôn trong đấy không? Ăn no lại bị bọn công nhân quây lại bắt kể chuyện.
Chuyện kể cả tháng nay, hắn cố tình dài dòng văn tự để không nhanh hết, mỗi hôm chỉ kể hai, ba hồi, đến nay mới khoảng hơn ba chục hồi, đang bước vào đoạn Lưu Bị Tam cố thảo lư, Gia Cát Lượng Long Trung Vạch Kế.
Hắn say sưa kể đến đoạn “…Vậy trước phải lấy Kinh châu làm nhà, sau lấy Tây Xuyên mà khai cơ nghiệp, tạo thành cái thế chân vạc rồi sau mới mưu đồ đến cái đất Trung nguyên”.
Đằng sau bỗng có tiếng:
- Gia Cát Lượng chia ba được thiên hạ nhưng tham công tiếc việc, sau này chết vì mệt mỏi.
Người Thục thì thương lão nhưng dân vùng khác thì chửi bới.
Lão chết sớm thì nước Thục nhanh mất, đỡ tốn thời gian Tam phân thiên hạ, dân chúng cũng bớt khổ cực.
Truyện Tam quốc ngươi kể có vẻ thiên lệch, miêu tả Thục Hán như quân Thiên tướng, ứng mệnh trời mà đến, tả quân Nguỵ như đồ phản nghịch còn Đông Ngô vui đâu chầu đấy.
Văn Hưu mà ở đây, kiểu gì cũng tranh biện với ngươi.