Đông A Nông Sự

Chương 17: Chu Vi Hình Tròn






Bách cùng Đinh lão đưa Văn Hưu về nhà họ Đinh.

Đoàn người đến nhà lúc đã quá giờ Ngọ.

Già trẻ nhà họ Đinh đều ra đón Lê Văn Hưu, sau khi sắp xếp chỗ cho hắn nghỉ ngơi thì tiệc rượu tẩy trần buổi chiều cũng được bày lên.

Tiệc này để gia chủ tiếp khách nên bày ngay ngắn ở sảnh đường, chỉ có nam nhân tham gia, Đinh Nhu là hàng cháu cũng không được ngồi.

Món ăn cũng toàn đồ đặc sản cao quý.

Món chính là cá anh vũ hấp.

Đây là loại cá chỉ có ở vùng ngã ba Bạch Hạc.

Loài cá này có bộ vảy óng ánh, sặc sỡ rất đẹp.

Đầu cá rất đặc biệt, nhất là cái môi cá bằng sụn rất to và dày như mõm lợn.

Sau khi an vị, lão Đinh mời rượu Lê Văn Hưu rồi giới thiệu món cá:
- Hiền điệt thử món cá này xem, đây là cá Anh vũ.

Loài cá chỉ ăn rêu tảo và sống ở nước trong, trong những hang đá sâu và khi nước lạnh mới mò ra tìm mồi.

Khi bắt về phải làm sạch cá, sau đó ướp gừng và một vài loại gia vị vào bụng, thêm chút nước mắm ngon.

Cuối cùng cuốn cả con cá vào một tấm lá gừng và hấp cách thuỷ.

Thịt cá thơm ngon vô cùng nhưng nếu chỉ mang đi ra khỏi vùng này là biến vị.

Lê Văn Hưu thử một miếng cá, nhắm mắt cảm nhận một hồi rồi quay sang nói với Lão Đinh:
- Bình sinh Hưu chưa được ăn mỹ thực nào thế này, thịt cá ngọt mà không tanh, nếu được dùng một từ để đánh giá thì chỉ có thể là từ “tươi”.

Ăn một miếng mà sảng khoái tâm can, như tinh tuý của ba sông hợp lại, xứng với danh xưng “Văn Lang đệ nhất ngư”.

Xin cảm tạ Đinh gia đã hậu đãi, Kính mời Đinh lão một chén để tỏ lòng thành.
Cả nhà họ Đinh cười thoải mái, chủ vui vì khách hài lòng, rượu nâng hết chén này đến chén khác.

Hai nhà vốn có quan hệ sâu xa nên sau khi phá đi lớp màng ngăn cách vì nhiều năm không gặp mặt, không khí vui vẻ thân mật đã được đẩy lên.

Lúc này, Đinh lão mới quay sang dò hỏi:
- Tiểu nữ nhà ta cũng đã ở trong nhà hiền điệt được hơn năm, nó có làm phiền gì hiền điệt không?
- Đinh lão khách sáo quá rồi, gia mẫu tuổi già có Tú nhi làm bạn, yêu quý không để đâu cho hết.

Tiểu muội lại thông tuệ, ta thường đưa nàng đến bên cạnh Quốc học viện để cùng làm bạn với văn nhân nhã sĩ kinh thành.

Không ai là không khen ngợi.

Lại cùng bọn thái học sinh trong Quốc học viện thi tài mấy bận, ta cũng được thơm lấy cái danh tiếng của nàng.
- Hiền điệt quá lời, nó tài giỏi đến đâu mà so sánh được với tam khôi của năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16.
- Đinh lão chưa nghe câu Trường giang sóng sau xô sóng trước.

Ta cùng bọn Nguyễn Hiền, Đặng La Ma còn vênh vang khi nho học triều ta mới được khôi phục.

Sau này đi khắp đại giang mới biết, người tài vô số, cỡ tài năng như ta nhiều như sao trên trời, thế hệ trẻ bây giờ cũng nhiều người khiến ta kinh ngạc.
- Lão nghe nói khi xưa hiền điệt lấy được Bảng nhãn khi mới 17, Thám hoa Đặng Ma La thì mới 14, còn Nguyễn Hiền thì thật không có gì để nói, 13 tuổi là Trạng Nguyên.

Xưa nay chưa từng có, bọn trẻ bây giờ làm sao so sánh được?
- Đúng là ta so với Nguyễn Hiền và Đặng Ma La thì còn kém lắm, hai người kia trong trăm vạn mới có một người.

Lại cùng xuất hiện trong một khoa thi, làm cho Hưu này cảm thán, ôi Nguyễn Hiền sao lại mất sớm như vậy, từ khi hắn mất đi ta cũng không còn cái hào khí tranh đấu trong văn đàn nữa.

Nhưng Đinh lão có biết tiểu nữ của ngài vừa rồi đấu toán thuật với người ta, liên tiếp thắng được 8 thái học sinh, còn một người duy nhất không phục, hai người đấu nhau đo chu vi của hồ Giám [1] bên cạnh Quốc học viện.

Ai tính ra nhanh, kết quả sai lệch ít hơn thì thắng.

Thái học sinh kia mới kéo dây đo được nửa hổ thì tiểu nữ của ngài đã đo xong, lại chỉ lệch vài thước so với số liệu của công bộ.

Kết quả này khiến cả kinh thành và công bộ hoang mang.

Chiêu Minh Vương đang bắt ta gặng hỏi nàng thuật tính này?
Bách nghe vậy thì phì cười, hồ Giám vốn có hình gần tròn, chắc chắn cô nàng căng dây từ gò Kim Châu ra bờ hồ để tính được bán kính.

Rồi chỉ việc nhân với 2 pi là xong, nhưng người thời này có thể biết đến số pi và áp dụng như vậy.

Quả là không dễ.

Hành động phì cười của hắn làm mọi người ngạc nhiên, quay lại nhìn hắn.

Lê Văn Hưu có vẻ không vui:
- Chẳng hay lời ta nói có gì buồn cười.

- Không dám! Xin Bảng nhãn thứ lỗi, ta chỉ đang nghĩ đến một chuyện vui mà thất lễ.

Xin hỏi Bảng nhãn có phải Đinh Tú cô nương đo dây từ gò kim châu ra phía bờ hồ không?
- Hôm đó ngươi cũng ở đó xem à?
- Không có! Ta đoán thôi, nhưng chắc có lẽ nàng đo hai ba lần gì đó về các phía khác nhau để lấy một số trung bình cho tăng thêm độ chính xác.
- Quả có thế.

Nàng đo ba lần về ba hướng.

Một lần 120, một lần 110 và một lần chỉ được 90 thước.
- Vậy chu vi hồ Văn có lẽ vào khoảng 670 thước đúng không?
Im lặng, không khí bỗng như trầm xuống, cả nhà họ Đinh thì không nói lời nào vì muốn nghe kết quả.

Lê Văn Hưu thì không có phản ứng.

Đinh Tú tính ra chu vi hồ Giám 640 thước nhưng số liệu công bộ tính toán là 665 thước Người này tính còn chính xác hơn.

Hắn nhìn Bách một lúc lâu rồi quay sang hỏi Đinh lão:
- Công thức tính đó lão truyền cho đệ tử, lão học lại từ ngoại công của ta mà sao ngoại công ta lại không truyền cho ta.
- Hiền điệt cả nghĩ rồi.

Công thức này ta không hề biết? Nhưng chẳng nhẽ Hoàng Bách nói đúng?
- Sao thế được, cả tiểu nữ và đệ tử của lão đều biết.

Sao lão lại dám chối là không biết!
- Lê Văn Hưu, ông không tính ra được, không có nghĩa là mọi người đều không tính ra được.

Đinh lão nói là không biết, tức là không biết! Ông có bao giờ nghĩ người thợ mộc, uốn cái bánh xe gỗ, làm thế nào để làm vành bánh xe không thừa không thiếu một ly?
- Có phải ý ngươi là cũng phải đo bán kính vành bánh xe.
- Tất nhiên là như thế, dựa vào bán kính vành bánh xe to hay bé mà chuẩn bị nguyên liệu là kỹ năng cơ bản.

Bảng nhãn cứ đi hỏi những người thợ mộc chuyên làm xe ngựa, sẽ có người nói cho ngài biết cách tính chu vi dựa vào bán kính hình tròn.

Đinh Tú chỉ là xác định lại con số bán kính đấy để nó có độ chính xác cao nhất mà thôi.
Lê Văn Hưu thất thần một lúc, hắn là người cựu kỳ thông minh.


Trên lịch sử ghi lại rất nhiều truyền kỳ.

Khi còn bé một lần chơi cùng chúng bạn quanh lò rèn.

Thấy cái dùi vở đẹp, Lê Văn Hưu tần ngần lấy xem.

Người thợ rèn biết hắn thích nhưng chắc không có tiền mua nên nói nếu đối được vế đối của ông sẽ cho hắn cái dùi vở.

Lê Văn Hưu ưng thuận.
Ông thợ rèn ra vế đối: “Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở”.

Lê Văn Hưu đối liền: “Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên”.

Nói vậy để thấy tài ứng đối của Lê Văn Hưu.

Nhưng hắn lên kinh ứng thí.

Gặp ngay hai tên quái thai Nguyễn Hiền, Đặng Ma La.

Tuy hắn dốc sức cố gắng giành được Bảng Nhãn, nhưng hào quang mãi mãi ở trên hai kẻ 13,14 tuổi đã giành Tam Khôi kia.

Nhiều lúc hắn cũng nghĩ: Nếu mình sinh sớm hay muộn một chút, thì cái danh vị Quan Trạng kia có phải là của hắn hay không?
[1] Hồ Văn (hoặc hồ Giám) trên phố Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) đối diện khu di tích Văn Miếu.

Giữa hồ có gò Kim Châu, trên gò dựng Phán Thuỷ đường (là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa).

Đây vốn là một bộ phận trong công trình kiến trúc chung của Văn Miếu - Quốc tử Giám.