Đông A Nông Sự

Chương 105: Cao Gia 2






Mọi người chuyển sang một căn phòng khác, chỉ thấy tường vách trong gian nội thất xây thành hình tròn, dưới đất rắc đầy cát mịn, trên mặt cát vạch rất nhiều nhưng ký hiệu ngang dọc và hình vuông hình tròn, lại viết những chữ Thái, Thiên nguyên, Địa nguyên, Nhân nguyên, Vật nguyên.

Bách nhìn thấy không biết nói gì, “Giờ này con chơi mặt hàng giải phương trình này sao?”
Cái này gọi là thuật Thiên nguyên trong Toán kinh, Chính là phương trình nhiều bậc trong đại số hiện nay, hắn đã đọc toán kinh Đinh Nhu ghi chép lại, bốn chữ Thiên Địa Nhân Nguyên tức số chưa biết mà đại số ngày nay viết là X, Y, Z.
Lão nhân đến nơi, phất tay áo:
- Ở đây có các đề toán thuật khó khăn nhất mà tổ tiên truyền lại, chúng ta ngày đêm suy nghĩ cách giải, đến nay còn những bài này là chưa làm được.

Nếu ân công giải được các đề toán này, Cao gia xin theo ngài nghe sai phái.
- Không dám, không dám …
Bách lấy trong người ra một sổ nhỏ, cầm cây bút chì của mình.

Ghi chép lại các đề toán này, chuyển nó sang ký tự toán A rập.

Ở thời hắn đã có cách giải các phương trình bậc 2, bậc 3 tổng quát ở phổ thông.

Cái này còn tích hợp vào máy tính cầm tay, thực không có gì khó.

Chỉ là trong này có một đề giải phương trình bậc ba tương đối khó, nằm ở dạng đặc biệt.

Bách rất nhanh giải xong mấy câu dễ, lại tiếp tục chuyển sang câu cuối cùng kia.
Ba người đàn ông Cao gia chăm chú quan sát hắn.

Thái Đường thì có vẻ ung dung, một là nàng chẳng giúp được gì, hai là nàng đã nhiều lần thấy hắn giải toán, tin tưởng trên đời không gì làm khó được hắn, chỉ ngồi một bên quan sát.

Qua một lúc người thanh niên tên Trường Cung nói:
- Công tử đã nhận thức được toán thuật tổ tiên ta để lại chưa.

Những đề này được Cao gia nghiên cứu ngàn năm chưa có lời giải.

Công tử có chút khinh thường rồi.

Bách tay vẫn đang viết, thấy Trường Cung nói vậy cũng ầm ừ:
- Đúng vậy, đề cuối cùng này có chút khó khăn cần dùng cách phân tích đa thức thành nhân tử bằng phương pháp hệ số bất định …
Ba người kinh ngạc, lão nhân hỏi tiếp:
- Những đề khác ân công đã làm xong rồi?
- Xong rồi! chờ một tý nữa sẽ xong nốt câu này.
Ba người không dám tin nhưng cũng chỉ đành yên lặng.

Lại qua một khắc nữa.

Hắn buông bút thở phào một hơi:
- Xong rồi đây.

Giờ ta giải câu nào trước?
Cao Điền Công chỉ vào một đề nói:
- Thử câu này trước, ta nghiên cứu câu này rất lâu nhiều lần thấy đã sắp giải được rồi lại đi vào ngõ cụt.
- Trước tiên ta dạy các ông một định lý.

Định lý này do thầy ta trong lúc nghiên cứu về thuật thiên nguyên nghĩ ra.

Ân sư qua nhiều lần chiêm nghiệm, ngộ ra được các kết quả đúng của thuật thiên nguyên lúc nào cũng có một mối quan hệ với nhau:
Hắn lấy một cây gậy trúc, giải thích qua một lần về định lý Vi-et.

Lại dùng định lý này áp dụng giải luôn phương trình bậc 3 trên.

Ba người nhà họ Cao tròn mắt, họ đều là người rất thông minh, lại đã bỏ nhiều công sức giải các bài toán phương trình này nhiều lần, chỉ là chưa lần ra được cách giải tổng quát thôi.

Sau khi mất hai canh giờ hiểu được định lý Vi-et thì thầm kinh ngạc.

Từ nay những phép thiên nguyên không phải đều có thể giải sao?
Ba người tự quay sang, thử áp dụng cách này với các bài toán khác thì thấy, đúng là ngoài bài khó nhất kia thì bài nào cũng có manh mối sáng tỏ.


Lão nhân thở dài, chắp tay với Bách:
- Cao gia phục rồi, thuật toán này đúng là kỳ diệu, Nam Sơn cư sĩ tìm ra được một mối quan hệ giữa các kết quả đúng của thuật thiên nguyên phải là kỳ tài ngàn năm mới gặp.

Chúng ta không bì được.

Sau này xin nghe công tử sai phái.
- Không dám, thầy ta thường nói trong kiến thức thì không có người cao người thấp, chỉ có người biết đứng trên vai người khổng lồ mới là người lĩnh ngộ được nhiều nhất.

Toán thuật là thứ uyên thâm, ân sư khi bôn ba hải ngoại cũng học được rất nhiều phép toán của các quốc gia xa xôi khác.

Ân sư rút ra kết luận, chỉ có không ngừng cập nhật những thành tựu mới thì toán thuật mới có đột phá.
- Ta theo lời thầy, đang thành lập một Bác vật học phủ.

Nơi này không dạy thi thư, không đào tạo khoa cử mà dạy dân chúng bách nghệ trong thiên hạ.

Để thành thạo bách nghệ thì phải nắm vững toán học.

Sau đó dạy nông nghiệp, dạy khai mỏ, cơ khí, in ấn, buôn bán.

Sau này sẽ dạy thêm những nghề khác nữa.

Không biết Cao gia có đồng lòng giúp sức cho sự phát triển của nước nhà.
Lão nhân cười ha hả:
- Cái gông trên cổ Cao gia ngàn năm nay đã được tháo.

Ta cũng đã có ý định để cho người Cao gia ra ngoài mở mang tầm mắt.

Tiện đánh tiếng trống lớn để thi triển hết những tuyệt kỹ tổ tiên để lại.


Hôm nay gặp được ân công mới thấy, đạo học đúng là không tiến ắt lùi.

Ẩn cư ngàn năm làm cho những kiến thức của tổ tiên để lại như thanh kiếm báu để lâu ngày, cần mang ra mài giũa cho sắc bén.

Chỉ hiềm ta đã lớn tuổi, việc dạy học đành cho Điền Công đi làm, còn Trường Cung là tương lai họ Cao, mang trọng trách vì tổ tiên mà tạo nên những công trình vĩ đại, mong ân công tận tình dìu dắt.
- Ngài nghĩ thế là phải lắm.

Ta đi chuyến này không uổng công rồi.
- Mải mê quá mà đã đến nửa đêm, đã muộn lắm rồi.

Các ngươi bày tiệc để ta tiếp đón ân công và công chúa.
Lúc này Thái Đường bỗng nhớ đến một việc:
- Còn có việc này con quên mất gia gia …
- Có việc gì con cứ nói?
- Con có người bạn đi cùng, nhưng bị lạc mất ở trận đồ trước nhà.

Mong gia gia chỉ lối giúp huynh ấy, nói với huynh ấy con đã an toàn, mai sẽ gặp.
- Ta cũng quên khuấy đi mất.
Đoạn lấy một tờ giấy viết mấy dòng rồi sai một gia nhân đi báo tin.

Bách để ý thì thấy những gia nhân trong nhà đều câm điếc cả, kinh hãi thầm nghĩ sao Cao gia lại độc ác như vậy.

Điền Công tinh ý nói:
- Họ đều là người câm điếc bẩm sinh, Cao gia mới mang về cho làm gia nhân trong nhà, ân công đừng cả nghĩ.
Bách cười xấu hổ, mọi người chuyển sang một gian nhà lớn.

Bách giờ mới có thời gian để ý, ngôi nhà này tuy không to lớn nhưng thiết kế cầu kỳ.

Trên trần có gắn một loại đá gì đó mà khi thắp đèn lên, ánh sáng tản ra khắp phòng, tuy không được như anh đèn điện nhưng so với ánh đèn dầu tù mù thì một trời một vực.

Bàn ghế trong nhà rất có thẩm mỹ, thậm chí mang hơi hướng tân cổ điển sau này.

Ngay cả bộ bàn ăn cũng thiết kế hình tròn khảm trai cực đẹp.
Bách ngồi xuống cùng Cao lão, có thời gian hỏi han mọi người.


Hắn ngạc nhiên hỏi vì sao Cao gia lại ít nhân đinh như thế thì kinh ngạc được biết.

Cao gia đơn truyền từ đời nọ sang đời kia đã ngàn năm.

Trước nay chưa từng phân nhánh.

Việc này về mặt di truyền chắc chắn phải có bí mật gì đó.
Hoàng thất Nhật Bản chình là dòng họ thừa tập lâu đời nhất trên thế giới, được công nhận 125 vị Thiên hoàng chính thống kể từ Thiên hoàng hoàng đầu tiên là Thần Vũ năm 660 trước công nguyên cho đến thời kỳ hiện đại.

Thế mà hoàng thất Nhật Bản cũng đôi ba lần được kế thừa bởi nữ hoàng.

Bách băn khoăn Cao gia có bí thuật gì để duy trì đơn truyền cho nam trong một ngàn năm.
Cao lão chỉ nhìn hắn cười không đáp, dù gì Cao gia chính là cổ đại thế gia.

Có bí mật cũng không có gì là lạ.

Được một lúc thì mọi người vào tiệc, Cao lão vui vẻ chúc rượu Bách, lại mời Thái Đường ăn uống rất nhiệt tình.

Bách tò mò quay sang hỏi:
- Ta thấy công chúa và Cao lão dường như trước đây có quen biết.
Thái Đường vui vẻ:
- Đúng vậy, lúc bé gia gia làm cho ta rất nhiều đồ chơi, đến giờ ta vẫn giữ con búp bê gỗ gia gia làm cho ta.
Cao lão vuốt râu:
- Lúc trước ta giúp Trần Cảnh một việc, tiện lưu lại ở Tức Mặc, có gặp Thái Đường.
Bách lúc này như nghĩ ra điều gì:
- Có phải Cao gia trước nay vẫn có những người mang kỹ thuật ra truyền dạy cho mọi người hay không?
- Đúng vậy! Cao gia thành danh là nhờ thuật xây dựng, cơ khí, sao chỉ ở ngôi nhà nhỏ này mà giỏi được.

Vẫn phải thường xuyên kinh lịch bên ngoài.
- Thảo nào quanh vùng này có nhiều làng nghề rất nổi tiếng.
Cao lão ngửa đầu cười:
- Cũng không phải chỉ do Cao gia.