Đợi Tới Khi Ve Xanh Rơi Rụng

Chương 3




Căn phòng Lý Khinh Diêu thuê nằm trên tầng sáu. Phòng đã cũ lắm rồi, cũng may chủ nhà đã tân trang lại nhằm cho thuê, toàn bộ ngôi nhà ốp sàn gỗ, tường trắng sạch sẽ, và một vài đồ nội thất đơn giản.

Phòng cũng được dọn dẹp gọn gàng rồi. Sau khi về nhà, Lý Khinh Diêu gọi đồ ăn ngoài, sau đó quét dọn phòng ốc, treo tấm rèm màu xanh khói mới mua hôm cuối tuần lên, rồi bày thêm vài chậu sen đá tươi tốt.

Lúc này, đồ ăn cũng đã đến, cô đặt món salad nhẹ. Lý Khinh Diêu chậm rãi ăn xong, rồi đi tắm, thay bộ quần áo vải cotton mềm mại, rồi mới nhẹ nhàng thở phào nhẹ nhõm, đứng trước cửa sổ nhìn vọng ra ngoài.

Trời đã nhá nhem tối.

Xung quanh đây không có nhà cao tầng, Lý Khinh Diêu chỉ nhìn thấy được phần lớn ô phố. Nhưng căn phòng kia y như loài quái thú trơ xương, lặng im đứng sừng sững nhiều năm rồi. Trên những cây cột điện, ánh đèn đường tối mờ. Những khung cửa sổ sáng đèn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, có lẽ rất nhiều người mưu sinh nơi này vẫn chưa trở về, hoặc cũng có những tòa nhà đã không còn ai ở.

Lý Khinh Diêu lúc đọc sách cũng vậy, chống hai tay lên bệ cửa sổ, nghiêng người về phía trước, mũi chân nhón lên đâm nhẹ lên mặt đất. Cô đăm chiêu nhìn màn đêm đen kịt trước mắt.

Đến khi ánh mắt cô chú ý đến một cánh cửa sổ trên tầng cao nhất phía đối diện.

Chủ nhân căn phòng ấy chưa kéo rèm, có lẽ anh cũng không để ý. Trong phòng có một chiếc đèn màu vàng nhạt, chắc người đàn ông vừa tắm xong, thân trên để trần, mặc quần dài, đang cầm điều khiển chỉnh TV.

Với thị lực của Lý Khinh Diêu, hoàn toàn có thể nhìn rõ từng thớ bắp thịt của anh, và những đường cong rắn chắc chạy dọc từ bả vai đến bụng. Nhưng Lý Khinh Diêu không ngờ anh lại khá trắng. Ở độ tuổi này, anh không còn sự gầy gò của thiếu niên, cũng không thô kệch như tuổi trung niên, mà chỉ sở hữu thân hình cân đối, săn chắc và mạnh mẽ của người đàn ông trẻ tuổi.

Lý Khinh Diêu thầm kết luận: Mặt 90 điểm, thân trên 98 điểm.

Cô vốn định làm như không nhìn thấy, nhưng nhớ đến giọng điệu của anh ở dưới tầng lúc ban nãy, cô lại thay đổi suy nghĩ. Trong màn đêm tĩnh lặng, Lý KhinH Diêu huýt một tiếng sáo dài trong trẻo.

Trần Phổ đối diện lập tức ngẩng đầu, ánh mắt hai người giao nhau qua khoảng cách hơn mười mét giữa các tòa nhà. Anh lạnh lùng đi tới cửa sổ, kéo rèm cửa nghe cái “xoạt”.

Lý Khinh Diêu bật cười.



Năm năm trước, Trần Phổ đã mua lại căn nhà hai phòng mình hiện đang sống. Gia đình anh không hiểu nổi, bởi vì giá nhà ở đây thật sự không có giá trị đầu tư, nhưng Trần Phổ không hề giải thích với bất cứ ai.

Bố Trần Phổ là một chủ doanh nghiệp, vị thế tầm trung trong giới doanh nghiệp Tương Thành. Trần Phổ là con trai út trong nhà. Anh cả Trần Phổ chọn con đường khác bố mình, hiện đại đang là thư ký cho một vị lãnh đạo cấp thị. Còn anh hai tiếp quản công ty, hiện là chủ tịch mới của tập đoàn. Độc mỗi Trần Phổ, anh được mẹ và ông bà nuôi nấng từ nhỏ, lúc ấy điều kiện gia đình khá giả nên anh được nuông chiều quá mức. Hồi tiểu học, anh đã xưng bá ở trường Tiểu học trực thuộc Thực nghiệm. Lên trung học, tuy rằng thành tích Toán, Lý, Hóa rất tốt, nhưng bố mẹ anh cũng không hiểu anh học được cái thói lưu manh từ đâu, suốt ngày tụ tập bạn bè, gây gổ với người ta, ngồi vững trên cái ngai “đại ca” trường Trung học trực thuộc. Đánh nhau là chuyện thường như cơm bữa, ai cũng lo anh sẽ trở thành mầm hại cho Tương Thành.

Bố, anh cả và anh hai bàn bạc với nhau, một là cho anh nhập ngũ, hai là cho anh thi vào trường cảnh sát, để nhà nước dạy dỗ anh. Nếu không để thằng bé này theo nghề cảnh sát, thì e rằng tương lai bị cảnh sát gô cổ mất thôi. Nhập ngũ thì xa quá, hai người phụ nữ trong nhà nhất quyết không chịu, cuối cùng mọi người quyết định cho Trần Phổ thi vào trường cảnh sát. Tốt nghiệp có làm cảnh sát hay không không quan trọng, về làm việc cho công ty gia đình cũng không lo chết đói.

Trần Phổ không có ý kiến. Lúc ấy anh là thiếu niên nhiệt huyết mười bảy, mười tám tuổi, mơ hồ về tương lai, nghĩ làm cảnh sát cũng ngầu lắm.

Còn về bạn gái, hồi cấp ba, những cô gái theo đuổi anh đã xếp hàng dài từ cổng trước tới cổng sau trường. Ai dè trong lòng vị đại ca này chỉ có anh em xã hội, cuộc sống anh vây quanh bởi bóng rổ, trò chơi, hút thuốc, uống rượu, ngày nào cũng rong ruổi cùng đám anh em. Đến khi vào trường cảnh sát, muốn hẹn hò cũng muộn rồi.

Chỉ là gia đình anh không ngờ, Trần Phổ làm cảnh sát hình sự được tám năm rồi, hơn nữa, còn trở thành bộ dạng như bây giờ.

Chạng vạng hôm nay, về nhà rửa mặt xong, vành tai Trần Phổ mới dần khôi phục nhiệt độ bình thường. Anh tự nhận mình “tâm vững như thép”, vẫn đặt đồ ăn ngoài như bình thường — Hạt kê hầm gạo tẻ, thịt xào ớt của một nhà hàng hải sản cách đó 3,5 km.

Anh không cần dọn dẹp nhà cửa, mẹ anh đã thuê giúp việc làm theo giờ, mỗi tuần đến dọn dẹp ba lần, đều đến vào những khi anh đi làm. Trong lúc đợi đồ ăn, Trần Phổ chạy bộ trên máy tập thể dục nửa tiếng, rồi lại tập tạ thêm nửa tiếng nữa giống như bình thường, khi người anh ra đầy mồ hôi thì đồ ăn cũng đã tới.

Trần Phổ để đồ ăn lên bàn ăn. Anh thuộc tạng người nóng nên dù giờ là buổi tối mùa xuân anh cũng không thấy lạnh, chỉ mặc quần ngủ ra khỏi phòng thắm.

Đúng lúc Lý Khinh Diêu huýt sáo.

Trần Phổ không ngờ em gái Lý Cẩn Thành còn có cái nết này. Sau khi kéo rèm cửa lại, Trần Phổ lại thấy ảo não – Anh không phải phụ nữ, làm thế này như sợ cô thấy vậy!

Hơn nữa có thằng cấp trên nào chạy trối chết khi bị nữ cấp dưới của mình nhìn lén đâu! Ban nãy anh nên để trần đi đến cửa sổ, nghiêm khắc nạt cô quay vào phòng mới đúng.

Nhưng bây giờ kéo rèm ra thế nào cũng thấy ngu mà.

Trần Phổ nghiêm mặt, cầm chiếc áo T-shirt mặc vào, hít sâu một hơi, quyết định không so đo với cô nàng không hiểu chuyện này.

Anh ngồi xuống sô pha, bật một bộ phim trogn TV, mở từng hộp đồ ăn ra. Lùa được vài miếng cơm, anh vứt đũa đứng dậy, đi đến trước gương soi, lạnh lùng nhìn đăm đăm bản thân một lát, rồi vén áo T-shirt lên, nhìn cơ bụng, cười nhạt.



Ngày hôm sau trước khi đi làm, Trần Phổ tự động viên bản thân.

Thứ nhất, Lý Khinh Diêu là em gái Lý Cẩn Thành, đích thực cũng giống như em gái ruột anh. Thứ hai, anh cũng đã suy ngẫm lại, anh vốn ít tiếp xúc với con gái, bảy năm nay sống như hòa thượng. Gia đình làm mai anh cũng không có thời gian quan tâm, người khác phái mà anh có thể tiếp xúc cũng chỉ là nạn nhân hoặc nghi phạm. Do đó, anh cũng không hiểu được tình cách của con gái bây giờ.

Nhưng vừa tới phòng làm việc, Trần Phổ liền phát hiện mình nghĩ nhiều rồi, Lý Khinh Diêu khi đi làm và Lý Khinh Diêu tan làm hoàn toàn là hai người khác nhau.

Phương Giai là người lớn tuổi nhất trong đội, đã trạc bốn mươi, con trai sắp học cấp hai. Trần Phổ vừa mới ngồi xuống đã nghe thấy Phương Giai nói vui vẻ nói với Lý Khinh Diêu: “Tiểu Lý, em quen giáo viên ở trung tâm Tư Minh à?”

Hôm nay Lý Khinh Diêu mặc một chiếc áo khoác lửng màu trắng và quần ống rộng màu đen. Dưới lớp áo khoác là chiếc áo T-shirt ôm lấy vòng eo thon, cô dựa vào ghế, tay xoay xoay chiếc bút. Giọng cô vẫn nhẹ nhàng như thế: “Bạn học cấp ba của em dạy toán ở trung tâm Tư Minh, để em hỏi thử. Nhưng cũng không chắc trăm phần trăm đâu ạ.”

Phương Giai nói: “Được thế thì tốt quá! Trung tâm Tư Minh dạy toán tốt nhất trong toàn thành phố, gia đình anh lỡ mất đợt đăng ký kỳ này, muốn đăng ký mà không còn chỗ. Dù có được hay không, anh và chị cũng sẽ mời em một bữa!”

Lý Khinh Diêu xua tay: “Không cần đâu ạ!” Cô nhìn Trần Phổ bên này, khẽ cười: “Chẳng phải cuối tuần đã có đội trưởng mình mời ạ?”

Phương Giai càng cảm thấy cô gái mới tới này nhiệt tình giúp đỡ mọi người, lại không thích chiếm lợi, liền cười ha hả nói: “Đúng rồi, bòn đội trưởng, không đau lòng.”

Trần Phổ: “…”

Miệng đon đả đấy, tối qua huýt sáo với anh, thế đã xem anh là đội trưởng chưa?

—Hết chương 3—