Hai tiếng sau, Trần Phổ và Châu Dương Tân ngồi trên chuyến tàu cao tốc đến Vân Nam.
Đợt này, hai người ngồi khoang thương gia, chứ không ngồi khoang hạng hai giống những đồng nghiệp khác. Trần Phổ nhất quyết đi cho được, kiên quyết làm thủ tục xuất viện, Đinh Quốc Cường cũng phải bó tay. Tuy nhiên, Trần Phổ cũng quý trọng mạng sống, lỡ như vết thương chuyển biến xấu thì lại phải nhập viện, không thể tìm được Lý Khinh Diêu trong thời gian nhanh nhất. Vì vậy, anh tự bỏ tiền túi đặt vé hạng thương gia, nằm sấp cả chặng cho miệng vết thương thoáng khí, còn tiện thể nhờ bác sĩ trong đội đến truyền dịch. Thế nên Châu Dương Tân cũng được “hưởng sái” hạng thương gia.
Đoàn tàu lao vun vút, hoàng hôn dần buông, Trần Phổ cũng không rảnh rỗi, lúc nào cũng dán mắt vào tin nhắn trong nhóm công việc và các tài liệu trong tay.
Nơi họ sắp đến là Phổ Nhĩ.
Lúc đầu, Lộ Tinh đã vượt biên trái phép từ Phổ Nhĩ, giao Lý Mỹ Linh cho một nhóm người lạ mặt.
Và tại con đường cao tốc phát hiện ra con búp bê, điểm cuối cùng vừa hay lại là Phổ Nhĩ.
Có thể khẳng định rằng, Tạ Tân Nhụy cũng đưa Lý Khinh Diêu đến Phổ Nhĩ.
Nhưng Phổ Nhĩ là một thành phố cấp địa khu, dù phát triển kém đến đâu thì cũng cực kỳ rộng lớn. Vả lại họ vẫn chưa tra ra được chiếc xe Tạ Tân Nhụy lái.
Giống như mò kim đáy bể.
Trần Phổ chống tay lên má, liên tục suy nghĩ, phải làm thế nào mới có thể nhanh chóng tìm được họ? Điểm đột phá nằm ở đâu?
Suy nghĩ hồi lâu mà vẫn không có manh mối, Trần Phổ sực nhớ đến một câu nói đơn giản nhưng triết lý mà Đinh Quốc Cường từng nói: Khi không có hướng đi và manh mối, ta có thể thử tìm hiểu gốc rễ của vấn đề, nó thường sẽ giúp ta tìm ra câu trả lời.
Gốc rễ của khó khăn anh hiện đang đối mặt là gì?
Tìm Tạ Tân Nhụy và Lý Khinh Diêu, thực ra chính là đang tìm Lý Mỹ Linh.
Muốn tìm được Lý Mỹ Linh, gốc rễ ở đâu?
Đương nhiên là Hướng Tư Linh đã chết.
Trần Phổ cau mày, ngẩng đầu nhìn cảnh vật không ngừng lướt qua ở bên ngoài cửa sổ, bỗng nhiên đầu óc linh lợi.
Anh vừa nghĩ đến một vấn đề.
Một vấn đề liên quan đến Hướng Tư Linh, một vấn đề tiềm ẩn trước đây đã bị họ xem nhẹ, bỏ qua song lại rất mâu thuẫn.
Hướng Tư Linh, một người sinh ra và lớn lên ở Tương Thành, tốt nghiệp đại học xong liền đảm nhiệm vị trí quản lý cấp cao trong công ty gia đình, tại sao lại quen biết tay anh chị ở Vân Nam? Có thể giúp Lộ Tinh vượt biên trái phép, còn có thể giấu Lý Mỹ Linh vào tay đối phương?
Đừng nói là cô ta đi du lịch Vân Nam và tình cờ quen biết, không thể nào. Những tay anh chị này thuộc dạng tam giáo cửu lưu, ẩn chứa nhiều bí ẩn, có khi còn thuộc một tổ chức tội phạm nào đó. Người bình thường muốn móc nối cũng không tìm được đường. Hơn hai mươi năm cuộc đời Hướng Tư Linh gần như không thể có bất cứ mối liên hệ nào với loại người này.
Vậy tại sao cô ta lại làm được?
Đầu óc Trần Phổ hoạt động hết công suất, anh liên tục đánh giá, suy đoán, ngòi bút trong tay chấm nhanh lên trang giấy.
Cứ từ từ, Trần Phổ, từ từ suy nghĩ. Anh tự nhủ, mày nhất định sẽ nghĩ ra.
Chắc chắn là có manh mối nào đó, hoặc là dấu vết nào đó từng xuất hiện trong vụ đại án này nhưng lại bị anh bỏ qua và cũng bị tất cả mọi người bỏ qua.
Trực giác cảnh sát mách bảo anh, nhất định là có.
Tìm ra chúng.
Anh sẽ tìm ra được chúng.
…
Trong một lúc nào đó, một tia sáng đột nhiên rọi vào đầu Trần Phổ.
Anh nhớ ra một chuyện.
Lộ Tinh từng khai rằng, kẻ đưa Lý Mỹ Linh đi lúc ở Phổ Nhĩ là một gã đàn ông cao to xăm kín cánh tay. Trời tối mịt nên anh ta không nhìn rõ khuôn mặt của bọn họ.
Nhưng tại sao Trần Phổ cứ cảm thấy cụm từ gã đàn ông “xăm kín cánh tay” còn từng xuất hiện ở đâu đó trong vụ án này?
Là ở đâu?
Là ai đã từng nhắc đến gã đàn ông này?
Lộ Tinh, Lý Mỹ Linh, Hướng Tư Linh, La Hồng Dân…
Tôn Viễn An, Diệp Tùng Minh…
Diệp Tùng Minh!
Anh nhớ ra rồi.
Trong sổ ghi chép của Diệp Tùng Minh cũng đã từng đề cập đến gã đàn ông xăm kín cánh tay. Đó là vào những ngày anh ta chuẩn bị rời khỏi Tương Thành, giấu tờ báo cáo phá thai kia, lo lắng bất an, nghi thần nghi quỷ. Nhưng có hai lần, anh ta đều bị cùng một tên đàn ông theo dõi. Một lần là ở cửa phòng khám, một lần là lúc anh ta và bạn gái ở công viên.
Gã đàn ông xăm kín cánh tay này rất có thể là người của La Hồng Dân. Trong giai đoạn nhạy cảm lúc Lạc Hoài Tranh bị bắt giữ, gã đàn ông này đã theo dõi sát sao thầy trò Tôn Viễn An và Diệp Tùng Minh, không cho họ vạ miệng. La Hồng Dân là một chủ thầu khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, sau này dần dà phát triển lớn mạnh, nghành nghề của họ ẩn chứa nhiều ngóc ngách tối tăm, dưới tay ông ta chắc chắn cũng nuôi một số kẻ không sạch sẽ.
Vậy vấn đề được đặt ra là, gã đàn ông xăm kín tay giấu Lý Mỹ Linh và gã đàn ông Diệp Tùng Minh từng gặp có phải là một người hay không?
Nếu khả năng là cùng một người, vậy điểm chung và mối liên hệ giữa họ là gì?
…
Là Hướng Tư Linh!
Nghĩ đến Hướng Tư Linh, Trần Phổ sực nhớ đến một câu chuyện nhỏ khác.
Ngay từ lúc lật lại bản án giúp Lạc Hoài Tranh, Hướng Tư Linh đã nói dối mình mắc hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, không nhớ chuyện tối hôm đó, còn đổ tội hiếp dâm lên đầu Hướng Vĩ. Khi đó, cô ta còn viện ra rất nhiều lý do giải thích tại sao mình không báo cảnh sát. Bởi vì Lý Mỹ Linh đã dùng ảnh khỏa thân đe dọa cô ta, còn nói sẽ đổ điêu là cô ta ngủ với đám lưu manh. Hướng Tư Linh còn nói một câu là, nếu cô ta không nghe lời, họ nạt sẽ bán cô ta sang Đông Nam Á.
Một người bình thường, một cặp bố mẹ ở Tương Thành, dù đe dọa người ta cũng không thể nào nói ra lời nói như vậy. Chắc chắn Lý Mỹ Linh và Hướng Vĩ cũng không có đủ khả năng để làm vậy.
Là La Hồng Dân.
La Hồng Dân từng đe dọa Hướng Tư Linh như vậy.
Cũng tức là Hướng Tư Linh có lẽ biết rõ dưới tay La Hồng Dân còn có mạng lưới đường dây ở Vân Nam và Đông Nam Á.
Vậy liệu có phải sau khi La Hồng Dân chết, mạng lưới này đã vào tay Hướng Tư Linh và đã sử dụng thủ đoạn với Lý Mỹ Linh, vợ của La Hồng Dân?
Đúng là nực cười.
Trần Phổ nhận ra khả năng này cực kỳ cao. Bởi vì Hướng Tư Linh giỏi nhất là lợi dụng tất cả những người xung quanh mà cô ta có thể lợi dụng. Sau khi La Hồng Dân chết, cô ta đã tiếp quản toàn bộ mạng lưới quan hệ và tài sản của ông ta, mua chuộc thêm một tay xã hội đen là việc dễ như trở bàn tay.
Vì vậy, bây giờ chỉ cần tìm được gã đàn ông xăm kín cánh tay thì sẽ tìm được Lý Mỹ Linh cũng như là Tạ Tân Nhụy và Lý Khinh Diêu.
Dù sao phần lớn các tay xã hội đen đều làm việc vì tiền bạc lợi ích.
Trần Phổ không nằm yên nữa, anh ngồi dậy, khoanh chân, không ngừng tính đi tính lại. Châu Dương Tân nằm cạnh gọi anh: “Trời ạ, ông cố ơi, ngồi dậy làm gì đấy?” Anh cũng không quan tâm.
Phải nhanh, nhất định phải nhanh. Không ai biết mụ điên Tạ Tân Nhụy này sẽ còn làm ra chuyện gì.
Có cách nào nhanh nhất để tìm ra gã đàn ông xăm kín cánh tay không?
Trần Phổ nghĩ đến một cái tên: Tiết Lệ.
Tấm da Hướng Tư Linh từng sử dụng. Anh nghĩ, với cái tính cẩn trọng của Hướng Tư Linh, chắc chắn sẽ không sử dụng số điện thoại đứng tên mình để liên lạc với gã đàn ông xăm kín tay đó. Vậy rất có thể cô ta đã sử dụng số điện thoại của Tiết Lệ.
Trần Phổ lập tức gọi điện thoại, yêu cầu đồng nghiệp trong cục kiểm tra lại danh bạ điện thoại của ba người La Hồng Dân, Hướng Tư Linh và “Tiết Lệ” và lịch sử cuộc gọi trong hai năm gần đây xem có số điện thoại nào đến từ Vân Nam hay không.
Khi tàu cao tốc sắp đến ga, kết quả điều tra của các đồng nghiệp đã được gửi đến.
Song kết quả lại nằm ngoài dự liệu của Trần Phổ.
Trong điện thoại Tiết Lệ không lưu bất kỳ số điện thoại nào, cũng không có lịch sử cuộc gọi với bất kỳ người nào đến từ Vân Nam. Cũng phải, Trần Phổ nhận ra mình đã đoán sai, nếu không trước đây khi cảnh sát điều tra kỹ càng tấm da “Tiết Lệ” này thì đã phát hiện ra rồi.
Trong danh bạ điện thoại của La Hồng Dân có năm số điện thoại Vân Nam, hai số là của quan chức địa phương, hai số là quản lý cấp cao chi nhánh Vân Nam của Tập đoàn Hoa Dự. Còn có một số điện thoại được lưu là “Quyền”, không rõ thân phận, đã gần hai năm nay không liên lạc gì.
Còn trong điện thoại của Hướng Tư Linh, ngoài số điện thoại của quản lý cấp cao chi nhánh Vân Nam, còn có số điện thoại liên lạc của sáu học sinh nghèo trên khắp cả nước mà cô ta hỗ trợ, tất cả đều được đánh dấu, chẳng hạn như XXX học sinh nghèo tỉnh XX.
Trong số đó có một học sinh nghèo đến từ Vân Nam, số điện thoại thuộc vùng Phổ Nhĩ. Dữ liệu đăng ký cũng cho thấy số điện thoại này được đăng ký dưới tên một thiếu niên mười tám tuổi làng X ở Phổ Nhĩ Vân Nam, nhìn ảnh của thiếu niên thì trông rất bình thường.
Sau đó, đồng nghiệp trong cục đối chiếu kỹ lưỡng thì phát hiện số điện thoại này trùng khớp với số điện thoại lưu tên “Quyền” trong điện thoại của La Hồng Dân.
Nếu đây thật sự là học sinh nghèo Hướng Tư Linh giúp đỡ thì tại sao số điện thoại này lại xuất hiện trong điện thoại của La Hồng Dân từ nhiều năm trước?
Trần Phổ nhìn đăm đăm vào số điện thoại này một lúc, bỗng nhiên cầm điện thoại, gọi điện trong ánh mắt khiếp đảm của Châu Dương Tân.
Sau bảy tám hồi chuông, đối phương mới bắt máy, bực bội hỏi: “Alo? Ai đấy?”
Rõ là giọng của đàn ông trưởng thành, tiếng ồm ồm và trầm thấp.
Châu Dương Tân thót tim.
Trần Phổ cầm điện thoại, đôi mắt thăm thẳm, suy nghĩ một lát, anh cười nói: “Anh Quyền ạ, cô Hướng Tư Linh tổng giám đốc Hướng Tư Linh bảo em gọi cho anh hỏi xem người đã đến chưa.”
Đầu bên kia lặng thinh.
Trần Phổ cũng giữ im lặng, hơi thở ổn định.
Lúc này, đối phương mới nói: “Sao cô ấy không tự gọi?”
Trong lòng Trần Phổ như có một tảng đá đang lăn xuống kêu ầm ầm, giọng càng tự nhiên hơn: “Dạo này tình hình hơi căng, không tiện ạ.”
Anh Quyền đầu bên kia bật cười, nói: “Thế à. Cậu là ai?”
“Em đương nhiên là người của sếp Hướng, nếu không sao có được số này ạ.”
Đối phương “ừ” một tiếng, nói: “Yên tâm đi, cô Tạ và trợ lý của cô ấy vừa mới tới, nghỉ ngơi một đêm, ngày mai tôi sẽ giao người cho họ, sẽ không có sai sót gì đâu.”
Hành động to gan lớn mật này khiến Châu Dương Tân nghệt ra.
Cúp điện thoại, không cần Trần Phổ nhắc, Châu Dương Tân đã gọi cho Đinh Quốc Cường. Trần Phổ cầm điện thoại, nói: “Thầy ạ, thầy lập tức cử người truy tìm định vị của số điện thoại này. Em đã tìm được Tạ Tân Nhụy, Lý Khinh Diêu và Lý Mỹ Linh rồi!”