[Cô ấy để lại con búp bê ở Viện Phúc lợi.]
[Em chớ cả nghĩ, chưa tìm được thì chưa tìm được thôi.]
——
Tống Huy, nguyên Phó Viện trưởng kiêm Trưởng ban Giáo dục của Viện Phúc lợi Đại Hải, 52 tuổi, tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học tại Đại học Tương Thành. Sau khi tốt nghiệp, bà ấy đã làm công tác tâm lý và giáo dục trẻ em suốt nhiều năm. Năm 28 tuổi, Tống Huy gặp chồng mình là Tô Phong Hùng, năm kế hai người liền kết hôn.
Tô Phong Hùng là người nông thôn, bần hàn sinh quý tử. Ông ta cũng tốt nghiệp Thạc sĩ tại một trường Đại học 985, sau đó nhậm chức tại một cơ quan công cộng chuyên quản lý công tác phúc lợi xã hội. Năm 40 tuổi, Tô Phong Hùng tiếp quản một Viện Phúc lợi công lập và trở thành viện trưởng. Bởi vì quản lý quy củ, tổ chức rất nhiều hoạt động sôi nổi nên Tô Phong Hùng nhận được khá nhiều lời khen ngợi và cũng có tiếng tăm tốt trong ngành. Tống Huy và chồng mình vợ chồng đồng lòng, sau đó bà ấy cũng vào làm việc tại Viện Phúc lợi.
Sau này, khi viện trưởng tiền nhiệm của Viện Phúc lợi Đại Hải qua đời, theo sự điều phối và phân công của cấp trên, Tô Phong Hùng đảm nhiệm chức viện trưởng Viện Phúc lợi Đại Hải quy mô nhỏ. Nhưng thực tế, người phụ trách công tác quản lý toàn diện và thường xuyên có mặt tại viện là Tống Huy, mỗi tuần Tôn Phong Hùng chỉ đến hai lần để chỉ đạo công việc.
Vào đêm ngày 15 tháng 6 bảy năm trước, Tống Huy đã chính tay giết chết Tô Phong Hùng – người chồng đầu ấp tay gối cùng bà ấy suốt 16 năm.
Hiện trường vụ án là tại phòng riêng của Tô Phong Hùng ở sân sau của Viện Phúc lợi Đại Hải. Tống Huy khai nhận, bình thường bà ấy sống tại sân trước, ở gần ký túc xá của các em để tiện xử lý các tình huống khẩn cấp ban đêm. Chỉ khi Tô Phong Hùng đến, hai người họ mới chuyển sang căn phòng phía sau. Căn phòng này nằm khá xa những căn phòng khác, ngoài ra còn có cửa riêng đi vào Viện Phúc lợi. Vì vậy, không có thầy cô nào nghe thấy tiếng động đêm hôm đó. Hơn nữa, Viện Phúc lợi chỉ lắp camera an ninh tại cổng, phòng sinh hoạt hàng ngày và phòng ngủ của các em. Đêm hôm đó, tất cả các camera đều bị người ta tắt từ trước, vì vậy mãi đến sáng ngày hôm sau, Tống Huy đầu thú, mọi người mới biết có án mạng xảy ra.
Lý Khinh Diêu và Hạ Dũng Trạch xem hồ sơ năm đó, trong hồ sơ ghi chép rất tỉ mỉ. Tống Huy đã dùng một cái bình hoa trong phòng đập mạnh vào sau đầu Tô Phong Hùng nhân lúc ông ta không để ý. Khi Tô Phong Hùng mất khả năng phản kháng, bà ta lại đâm liên tiếp nhiều nhát, cho tới khi ông ta tắt thở. Hung khí chính là con dao chặt thịt sắc bén trong nhà bếp của Viện Phúc lợi.
Khi các cảnh sát đến nơi, Tống Huy đã giặt sạch quần áo dính máu của mình, bà ta cũng đã dọn dẹp sạch sẽ hiện trường, thay một bộ quần áo tươm tất chỉnh tề, bình tĩnh để cảnh sát còng tay. Chỉ có Tô Phong Hùng thì như một con heo bị người ta xẻ thịt, nằm sõng soài trên sàn nhà.
Theo kết quả điều tra và khẩu cung của Tống Huy, bà ấy đã bị Tô Phong Hùng bạo hành gia đình nhiều lần. Ngoài ra, Tô Phong Hùng thường xuyên mua dâm, cá độ bóng đá, thậm chí còn từng gọi gái đến căn phòng này của Viện Phúc lợi, làm xằng làm bậy khiến Tống Huy cảm thấy cực kỳ nhục nhã. Tống Huy là người gốc Tương Thành, gia cảnh khá giả. Sự nghiệp của Tô Phong Hùng lên như diều gặp gió phần lớn là nhờ vào gia đình nhà vợ nâng đỡ. Tống Huy muốn ly hôn, nhưng Tô Phong Hùng lại kiên quyết phản đối. Ông ta sợ mất đi sự giúp đỡ từ nhà vợ, cũng sợ Tống Huy sẽ tiết lộ những chuyện đó ra ngoài.
Phía cảnh sát đã điều tra ra được tài khoản và dòng tiền mà Tô Phong Hùng sử dụng để tham gia cá độ bóng đá ở nước ngoài, còn có cả lịch sử mua dâm. Trên hung khí, ngoại trừ dấu vân tay chi chít của Tống Huy, họ còn tìm được dấu vấn tay của bốn người khác trong căn phòng này. Trong đó, hai dấu vân tay đã được đối chiếu, trùng khớp với dấu vân tay của hai cô gái hộp đêm. Còn có hai dấu vân tay chưa thể xác định, nhưng nhiều khả năng cũng là dấu vân tay của gái bán hoa.
Hai tháng trước khi xảy ra vụ án, Tống Huy vừa đệ đơn ly hôn lên tòa sán. Theo lời khai của bà ấy, tối hôm đó hai người đã cãi vã gay gắt về việc Tô Phong Hùng cá độ bóng đá, trong cơn nóng giận, bà ấy đã ra tay giết người.
Tuy rằng Tống Huy là người bị hại trong cuộc hôn nhân, nhưng nhìn từ những dấu hiệu đêm hôm đó, rõ ràng bà ấy đã chuẩn bị, lên kế hoạch trước và giữ được sự bình tĩnh cao độ chứ không xuất phát từ hành vi tự vệ chính đáng. Chứng cứ xác thực, động cơ rõ ràng, cuối cùng Tống Huy bị tuyên án tù chung thân.
Sau khi Tống Huy bị giam giữ, toàn thể nhân viên của Viện Phúc lợi đã chung tay ký đơn, liệt kê những cống hiến không ngừng nghỉ của Tống Huy tại Viện Phúc lợi trong suốt năm năm nay. Tống Huy hiếm muộn, bà ấy không chỉ yêu thương các em như mẹ ruột, chăm sóc từng ly từng tí cho những đứa trẻ không nơi nương tựa, thậm chí còn dùng toàn bộ khoản tiết kiệm và thu nhập của mình để cải thiện điều kiện sống cho các em nhỏ, giáo viên và nhân viên. Mỗi nhân viên đều viết một thỉnh nguyện thư dài hàng ngàn chữ, chân thành và thiết tha. Những em nhỏ bị bại não, tự kỷ, ai có thể ký tên thì ký tên, ai không thể ký thì lăn dấu vân tay. Chồng thỉnh nguyện thư dày cộp ấy thấm đẫm nước mắt.
Nhưng luật pháp không khoan nhượng.
—
Trại giam nữ Thành Nam.
Khi Tống Huy ngồi xuống trước bàn, Lý Khinh Diêu không khỏi ngạc nhiên.
Bà ấy mặc quần áo tù nhân nhưng được giặt giũ rất sạch sẽ. Tóc mai của bà ấy đã điểm bạc, mái tóc ngắn đen pha trắng cũng được chải chuốt gọn gàng. Bà ấy trông rất gầy gò, song cũng rất trắng, đôi tay nhẹ nhàng đan vào nhau và đặt trên đùi, ngồi thẳng lưng. Khuôn mặt không trang điểm tuy nhiều nếp nhăn nhưng vẫn toát lên phong thái nho nhã tri thức.
Bạn sẽ cảm thấy, nếu thay một bộ quần áo lịch sự thì người phụ nữ này nên ngồi chễm chệ trên giảng đường đại học hoặc một phòng trà tao nhã chứ không lâm vào cảnh tù tội giống như bây giờ.
Tống Huy cũng rất kiệm lời, bà ấy không hỏi lý do họ đến, chỉ ngồi chờ đợi trong yên lặng.
“Chào cô Tống Huy.” Lý Khinh Diêu nói, “Hôm nay chúng cháu đến là có việc muốn nhờ cô giúp đỡ.”
“Cháu nói đi.” Giọng nói của bà ấy cũng rất dịu dàng và dễ nghe, có điều hơi khàn một chút. “Nếu giúp được, tôi nhất định sẽ gắng hết sức.”
Dường như họ chỉ là hai con người bình đẳng đang nói chuyện với nhau, chứ không phải là cảnh sát và phạm nhân.
Trong lòng Lý Khinh Diêu nảy sinh một chút hảo cảm.
Cô lấy bức ảnh năm xưa của Lưu Đình Muội, đẩy đến trước mặt Tống Huy: “Cô từng gặp cô gái này chưa ạ?”
Tống Huy nhìn chằm chằm vào bức ảnh, bàn tay gầy gò trắng nõn ra cầm lấy bức ảnh. Bà ấy tập trung nhìn, một lát sau mới nói: “Xin lỗi. Tôi không có ấn tượng.”
“Cô nghĩ kỹ lại đi.” Lý Khinh Diêu nhìn dán vào đôi mắt tĩnh lặng của bà ấy. “Ngày 5 tháng 6 năm 2017, một nhân viên công tác tên Lưu Phương thuộc Ủy ban Nhân dân Gia viên Triều Dương. Cô ấy là bạn thân của cô đã nhiều năm, cô ấy đưa cô gái này đến Viện Phúc lợi Đại Hải, cô ấy nói rất rõ ràng là chính cô đã nhận.”
Tống Huy nghĩ ngợi, một lúc sau bà ấy trả lời: “Cháu nói như vậy, tôi mới nhớ ra quả thực có chuyện đó. Ngại quá, tại vì đã qua quá lâu, tôi lại ở trong tù, rất ít tiếp xúc với người và việc trước đây nên đã quên đi rất nhiều chuyện.”
Lý Khinh Diêu chỉ mỉm cười.
“Cô có thể kể cho chúng cháu nghe, sau khi Lưu Đình Muội đến Viện Phúc lợi Đại Hải, cô ấy làm gì mỗi ngày? Có những biểu hiện gì không ạ?”
“Cô…cô ấy rất tốt. Sau khi Lưu Phương đưa cô ấy đến, giải thích rõ tình hình, tôi thương cô ấy không nơi nương tựa nên đã cho cô ấy ở lại Viện Phúc lợi làm nhân viên tạp vụ. Tuy nhiên, cô ấy làm việc còn tốt hơn cả tôi dự tính. Mỗi ngày, cô ấy là người đầu tiên thức dậy, dọn dẹp sạch sẽ Viện Phúc lợi, nấu ăn cũng rất ngon. Thậm chí cô ấy còn sẵn sàng giúp đỡ các giáo viên trông nom các em nhỏ. Tiếng Anh của cô ấy cũng rất giỏi, viện chúng tôi có một số em nhỏ mắc chứng tự kỷ, trí lực tốt hơn tất cả các em khác một chút, có thể học tập đơn giản nên cô ấy đã dạy các em chữ cái Tiếng Anh ABCD đơn giản. Các em nhỏ đó rất vụi mừng, nói rằng sau này mình nói chuyện được với người nước ngoài rồi.”