Khi anh ấy nói ra ngày 1 tháng 6, đầu óc Lý Khinh Diêu liền kêu ong ong. Cô cố gắng bình tĩnh lại, lắng nghe kỹ lưỡng.
“Anh chắc chắn là ngày 1 tháng 6 chứ? Tại sao anh lại nhớ rõ như vậy?”
Đường Bác Đào sờ đầu: “Hiếm khi thấy người khác gặp khó khăn, tôi làm việc tốt nên ấn tượng rất sâu. Ngoài ra, lúc đó tôi nhìn thấy dì tôi ghi lại ngày tháng vào sổ làm việc cho nên tôi nhớ rất rõ. Thời gian tan làm mỗi ngày đều cố định, sao mà nhầm được.”
Ngày 1 tháng 6.
Lưu Đình Muội mà Đường Bác Đào nhìn thấy vào lúc nửa đêm ngày 1 tháng 6 vẫn chưa chết, thậm chí còn lang thang một mình ở bên ngoài.
Trong khoảnh khắc ấy, một thứ gì đó chua xót bít kín lấy lồng ngực Lý Khinh Diêu. Những câu hỏi cô muốn hỏi tiếp theo nghẹn ứ ở cổ họng.
Bấy giờ, mẹ Đường Bác Đào cũng vỗ đùi, “Mẹ nhớ ra rồi. Dì cả con từng nhắc đến chuyện này. Cái thằng này, nửa đêm nửa hôm gặp được người cảnh sát cần tìm, còn tự ý giải quyết. Đồng chí cảnh sát, cô gái này không phạm tội chứ? Con trai tôi thật thà lắm, nó không biết gì đâu.”
Đường Bác Đào xị mặt nhìn mẹ mình: “Sao cô ấy có thể phạm tội được ạ? Khuôn mặt cô ấy y như thiên sứ thánh chiến ấy.”
Thấy sắc mặt Lý Khinh Diêu tái đi, Hạ Dũng Trách liền hỏi tiếp: “Tại sao anh lại đưa cô ấy đến chỗ dì cả của anh?”
Hai mẹ con đều lưỡng lự nhìn cậu ấy.
“Dì cả tôi làm việc tại Ủy ban Nhân dân.”
“Dì nó làm việc tại Ủy ban Nhân dân.”
Lý Khinh Diêu từ từ thở ra, cuối cùng cô hỏi anh ấy: “Khi anh phát hiện cô ấy, bên cạnh cô ấy có người khác không? Hoặc là anh có nhìn thấy ai ở quanh đó không?”
“Không có. Con đường đó vắng tanh, ngoài cô ấy ra thì không một bóng người.”
“Trên mặt đất thì sao? Có gì lạ không? Có thể vẫn còn có người nằm trên mặt đất nhưng anh không để ý không? Anh nhớ được không?”
Đường Bác Đào giật nẩy mình, anh ấy lại ngẫm nghĩ, rồi lắc đầu: “Chắc là không. Sau khi phát hiện cô ấy, tôi còn quan sát kỹ lưỡng xung quanh, sợ cô ấy đánh rơi đồ nhưng không nhìn thấy gì cả. Nếu có người nằm ở gần đó, tôi chắc chắn sẽ phát hiện, mắt tôi 10/10 mà.”
Lý Khinh Diêu nhờ Đường Bác Đào đưa họ đến nơi phát hiện Lưu Đình Muội tối hôm ấy.
Không ngờ họ phải đi 15 phút mới tới nơi. Vị trí này cách khá xa phòng khám Viễn Đông và tòa nhà số 17. Nếu tiếp tục đi ra ngoài thì sẽ ra khỏi Gia viên Triều Dương. Cửa hàng tiện lợi Đường Bác Đào làm việc hồi đó nằm ngoài khu dân cư, cho nên anh ta mới đi qua con đường này.
Bây giờ trời đã tối đen như mực, đèn đường xung quanh thưa thớt, Lý Khinh Diêu đứng ở vị trí Đường Bác Đào chỉ, rọi đèn pin quan sát xung quanh.
Phía Đông và phía Tây đều là tòa nhà ở của gia viên Triều Dương, phía Bắc là một ngôi trường Tiểu học, phía Nam là một nhà máy diện tích nhỏ.
Nếu toàn bộ lời nói của Đường Bác Đào đều là sự thật, tối hôm đó, tại sao một cô gái có trí lực thấp như Lưu Đình Muội lại một mình đi một quãng đường xa như vậy? Lại còn bị thương và ngất xỉu ở đây?
Trực giác mách bảo Lý Khinh Diêu lời nói của Đường Bác Đào đáng tin.
—
Dì cả của Đường Bác Đào sống ở tòa số 23 Gia viên Triều Dương, lúc này bà ấy đang ở nhà.
Dì cả khoảng bốn mươi bảy, bốn mươi tám tuổi, sở hữu khuôn mặt phúc hậu, vui tính nhiệt tình. Nghe họ trình bày lý do đến đây, dì cả ngẫm nghĩ, một lát sau dì nói: “Tôi nhớ chuyện này! Tối hôm ấy Bác Đào nửa đêm nửa hôm gõ cửa nhà, tôi sợ chết khiếp. Thằng bé này cũng gan thật, không biết báo cảnh sát. Sau đấy, tôi nhìn thấy cô gái đó, cô ấy đẹp lắm, tôi còn nghĩ bụng không biết có phải bạn gái nó không.”
Đường Bác Đào đỏ mặt: “Dì ơi, dì đừng chuyện nọ xọ chuyện kia chứ. Cháu kiếm đâu ra được một cô bạn gái xinh như vậy chứ, mơ cũng chẳng dám mơ nữa là.”
“Rồi rồi rồi, quay lại chuyện chính. Lúc đó trên đầu cô gái ấy vẫn còn quấn băng, hình như là bị thương. Bác Đào, cháu còn nhớ không?”
“Nhớ ạ.”
“Tôi bảo Bác Đào về trước đi. Chúng tôi làm công tác dân sinh gặp nhiều rồi, sợ cô gái này có chuyện khó nói. Có Bác Đào đàn ông đàn ang ở đây, cô ấy sẽ ngại nói ra. A dè cô gái này hỏi ba câu đáp một câu, lại còn nói nói năng lộn xộn, thế là tôi mới nhận ra…” Dì cả chỉ vào đầu: “Hình như chỗ này của cô ấy có vấn đề.”
Lý Khinh Diêu gật đầu.
“Thế thì trách nhiệm này lớn rồi. Tôi cũng không dám cho cô ấy ở lại tùy tiện nên đã đề nghị gọi điện nhờ cảnh sát giúp cô ấy tìm người thân và đưa về. Nào ngờ, đầu óc cô gái ấy hình như đã tỉnh táo lại.” Dì cả thở dài, “Cô ấy quỳ xuống cầu xin tôi, nói lắp ba lắp bắp, không thể về nhà, hình như là nói người nhà ép cô ấy cưới một người đàn ông 48 tuổi để đổi lấy sính lễ. Giờ đã là thời đại nào rồi, tôi giận quá nên tạm thời không báo cảnh sát. Sau đó, tôi lại xem căn cước của cô ấy, họ tên, ngoại hình, địa chỉ thường trú đều đúng như cô ấy nói. Tôi nhớ là họ Lưu…Lưu, Lưu…”
“Lưu Đình Muội. Cô ấy mang theo căn cước ạ?”
“Đúng rồi! Chính là cái tên này! Có căn cước. Tôi thấy cô ấy đáng thương, lại yếu đuối nên để cô ấy tạm ở lại nhà tôi một đêm. Tuy rằng đầu óc cô ấy chậm chạp, nhưng hình như vẫn có thể tự lo liệu cuộc sống mà cũng thành niên rồi, không muốn về nhà. Tôi biết đưa cô ấy về nhà chính là về với hố lửa, tôi tôn trọng mong muốn của cô ấy, không báo cảnh sát, vậy cũng không sai đúng không? Cô gái này chắc chắn là đào hôn từ quê lên, nếu đã đến Gia viên Triều Dương của chúng ta, giúp được bao nhiêu thì tôi cứ giúp.”
“Sau đó thì sao?”
“Cô ấy ở lại nhà tôi hai ngày, thấy tôi quét nhà nấu cơm, cô ấy dường như cũng sáng dạ nên đã giúp đỡ tôi, tay chân nhanh nhẹn lắm. Cơ mà đầu óc cô ấy lúc tỉnh lúc mê, không hay nói chuyện, cô ấy cũng nói không nhớ rõ tại sao tối hôm ấy mình lại ngất xỉu trên đường. Cô ấy nói cứ nghĩ đến là đầu lại đau, hình như đã quên thật rồi. Thi thoảng cô ấy còn khóc, tôi hỏi cô ấy tại sao khóc thì cô ấy lại nói không biết. Có lần tôi nhìn thấy cô ấy cầm kim tiêm đâm vào cánh tay, tôi sợ hết hồn, tưởng cô ấy nghiện ma túy. Nào ngờ cô ấy nói mình bị bệnh tiểu đường cho nên phải tiêm hàng ngày. Tôi xem lọ thuốc thì đúng là thuốc trị tiểu đường thật.
Tôi thiết nghĩ cứ tiếp tục như vậy cũng không phải cách hay, cô ấy cũng cần có chốn nương thân. Sau đó, tôi chợt nảy ra một ý, đưa cô ấy đến Viện Phúc lợi Đại Hải. Tôi quen chủ nhiệm Tống Huy ở đó, bà ấy là một người tốt bụng, Viện Phúc lợi của họ chuyên nhận những đứa trẻ có vấn đề về đầu óc, có những người đã hơn hai mươi tuổi nhưng người thân không chăm sóc, cũng không chu cấp nữa nhưng vẫn sống ở Viện Phúc lợi và họ cũng nuôi. Lưu Đình Muội có chân có tay, đã lớn chừng này rồi, tuy rằng đầu óc hơi chậm chạp nhưng vẫn tốt hơn những đứa trẻ bại não ở đó. Cô ấy có thể làm việc, có thể làm người chăm sóc. Đến đó kiếm miếng ăn và tiền thuốc men chắc không thành vấn đề.”
“Lưu Đình Muội có đồng ý đến Viện Phúc lợi không?”
“Cô ấy ngơ ngác suốt ngày, không biết đang nghĩ gì. Đưa cô ấy đi thì cô ấy đi thôi.”
—
Lý Khinh Diêu và Hạ Dũng Trạch cầm số điện thoại liên lạc và địa của của Viện Phúc lợi Đại Hải, rời khỏi nhà dì cả họ Đường thì đã là mười giờ khuya. Mặc dù ngày hôm nay, họ lần theo dấu chân tối hôm đó của Lưu Đình Muội, càng đi càng xa nhưng Lý Khinh Diêu có cảm giác ngày họ tìm được cô ấy đã ngày càng gần.
Hóa ra cô đã nghĩ sai rồi. Lưu Đình Muội thật sự không chết, xem ra cô ấy còn trốn thoát khỏi ba người đó.
Cô có rất nhiều điều muốn hỏi cô ấy.
Thế nhưng, dù họ tìm được Lưu Đình Muội vẫn còn sống sau bảy năm, thì cô ấy có thể trả lời và sẽ trả lời thật ư?
—
Sáng hôm sau, Lý Khinh Diêu và Hạ Dũng Trạch vội vàng đến Viện Phúc lợi Đại Hải.
Đây là một Viện Phúc lợi phi công lập do các nhà hảo tâm cùng quyên góp xây dựng, chuyên nhận những trẻ em mắc chứng tự kỷ, bại não mà gia đình không đủ khả năng chăm sóc.
Viện trưởng hiện tại họ Tô, là một phụ nữ khoảng năm mươi tuổi. Sau khi nghe họ trình bày lý do đến đây, viện trưởng Tô lắc đầu: “Năm 2018 tôi mới tiếp quản Viện Phúc lợi cho nên chuyện cô cậu hỏi tôi không nắm rõ. Nhưng nếu Lưu Đình Muội đã từng đến Viện Phúc lợi chúng tôi, chắc chắn sẽ nằm trong hệ thống. Tôi không có ấn tượng về cái tên Lưu Đình Muội này, có lẽ chưa từng thấy trong hệ thống.”
Lòng Lý Khinh Diêu chùng xuống.
Viện trưởng Tô mở máy tính ở trước mặt họ, dù là trong ghi chép bảy năm trước hay là hiện tại, quả thực không có tên Lưu Đình Muội. Lý Khinh Diêu lại kiểm tra người đến viện bảy năm trước, chỉ có hai trẻ em bại não, một bé năm tuổi, một bé bảy tuổi, không thể nào là Lưu Đình Muội.
“Vậy chủ nhiệm Tống Huy đâu ạ?” Lý Khinh Diêu hỏi. “Năm đó có lẽ bà ấy đã nhận Lưu Đình Muội.”
Ánh mắt của viện trưởng Tô rất phức tạp. Bà ấy nói: “Bà ấy đã không còn làm việc ở đây lâu lắm rồi.”
“Vậy cô có thông tin liên lạc hoặc là địa chỉ nơi làm việc của bà ấy bây giờ không ạ?”
Viện trưởng Tô viết lên tờ giấy một địa chỉ, đưa cho họ.
Trại giam nữ Thành Nam.
“Bảy năm trước, Tống Huy bị kết án tù chung thân.” Viện trưởng Tô nói. “Cô cậu là cảnh sát, có lẽ có thể gặp bà ấy. Tình huống cụ thể, cô cậu hỏi bà ấy đi.”
Những tưởng là liễu xanh hoa thắm lại thôn xa (*), ngờ đâu đường quanh co khúc khuỷu, quanh đi quẩn lại lại lạc trong màn sương mù dày đặc.
Trích từ bài thơ Du Sơn Tây thôn – Lục Du. Bản dịch của Lâm Trung Phú.
Lý Khinh Diêu hỏi: “Xin hỏi, chúng tôi có thể dạo quanh Viện Phúc lợi được không?”
“Đương nhiên là được. Nhưng lưu ý đừng làm phiền giáo viên và các em nhỏ của chúng tôi. Các em rất nhút nhát, có nhiều em dễ bị kích động.”
Nói là Viện Phúc lợi song thực ra là nối ba ngôi nhà dân thông với nhau, sân cũng nối với nhau, chỉnh trang đơn sơ, có hơn hai mươi đứa trẻ sống chen chúc với nhau. Những đứa trẻ ấy nhỏ thì bảy, tám tuổi, lớn thì hai mươi tuổi cũng có, chúng đã sống ở Viện Phúc lợi được mười mấy năm rồi. Lý Khinh Diêu để ý thấy, đôi giày đi trên chân của một số đứa trẻ đã rách nhưng lại giặt rất sạch. Con trai chiếm khoảng 2/3, con gái chiếm 1/3.
Ngoài ký túc xá, phòng sinh hoạt thường ngày của các em, ở đây còn có một phòng đọc sách và một phòng giải trí. Trong phòng đọc sách để những quyển sách vải xé không rách, hầu hết đều đã rất cũ. Trong phòng giải trí cũng chủ yếu là đồ chơi nhựa, thú nhồi bông, không có những đồ chơi nhỏ, có lẽ là sợ các em bất cẩn nuốt phải.
Lý Khinh Diêu dự tính sẽ trích một phần lương tháng sau để quyên góp cho họ. Cô vừa định rời khỏi phòng giải trí thì chợt nhìn thấy một đồ vật nằm trong góc phòng, cô đứng im tại chỗ.
Cô đã từng nhìn thấy món đồ đó.
Trong tư liệu Trần Phổ thu thập, có một số bức ảnh chụp ông cụ chủ sạp hàng búp bê mà Lý Cẩn Thành mua tối hôm đó. Trên sạp của ông cụ còn bày năm, sáu con búp bê cùng loại.
Loại búp bê đó chỉ bằng nửa cánh tay, khuôn mặt tròn trịa màu hồng đáng yêu, tóc xoăn màu nâu đen, mặc váy lụa trắng, đi giày da nhỏ màu đỏ. Gia công không tinh xảo, thậm chí còn khá ẩu.
Con búp bê cùng loại trước mặt cô trông đã rất cũ kỹ và rách nát, mái tóc xoăn không biết đã bị ai nhổ mất, chỉ còn lại một nửa. Khuôn mặt cũng bị tô đen, chiếc váy trắng đã chuyển sang màu xám. Lý Khinh Diêu ngồi xuống, lấy nó ra từ trong đồng đồ chơi. Cô cúi đầu quan sát một lúc rồi lật nó lại.
Trên nửa bên đầu trụi lủi rụng hết tóc ở phía sau, có người đã dùng bút đen viết những chữ nguệch ngoại:
Lý Cẩn Thành.