Đôi Nhạn Quay Về

Chương 38: Tấm lòng hiếu thảo (1)




Type: um-um

Hồi lâu sau, Thôi Xán dẫn theo hai người hầu lớn tuổi, bốn a hoàn trẻ, cùng vài thằng hầu, hộ vệ đến quán trọ, lại sai chưởng quầy đổi phòng, sắp xếp chỗ ở cho cả đoàn. Không lâu sau, lò sưởi đã được mang đến chỗ Minh Ngọc Nhi, ngoài ra còn có nước nóng, không để cô ta phải chịu cảnh tủi cực nữa. 

Bạch quản sự nhận được thư cũng tới thỉnh an Minh Ngọc Nhi, nhưng là đàn ông không tiện ở lâu trong phòng nữ giới nên ngồi chưa ấm chỗ, ông ta đã ra ngoài thu xếp công việc. 

Sở dĩ Thanh Hề giao việc này cho Thôi Xán, một là vì Minh Ngọc Nhi đã từng gặp nó, hai là vì Thôi Xán rất lanh lợi thông minh. Quả nhiên, khu phòng trọ xập xệ, cũ nát được Thôi Xán cho người dọn dẹp một thoáng đã trở nên sạch sẽ, tinh tươm. Thôi Xán còn bảo a hoàn cắt vài bức hoa giấy đơn giản để dán lên cửa sổ và chụp đèn lồng, biến gian phòng lạnh lẽo trở nên ấm áp, tràn ngập không khí năm mới. 

Lát sau, cơm canh được đưa tới, hai người hầu già bận luôn chân luôn tay, mượn nhà bếp làm bánh chẻo. Bạch quản sự còn đến Khánh Phong Lầu nổi tiếng Tế Nam đặt hai bàn tiệc, mỗi bàn giá tám lượng bạc. Đó là số tiền thưởng Tết mà phu nhân quốc công đưa cho ông ta trước khi lên đường. 

Mỗi bàn giá tám lượng bạc cũng đã là ghê gớm, sơn hào hải vị, vi cá, bào ngư, tổ yến đều có. Tám món rau, tám món nguội, mười sáu món nóng, tám đĩa bánh ngọt,, ngoài ra còn có tám loại hoa quả tráng miệng, bày đầy một phòng, không còn thấy dấu vết của bão tuyết lạnh lẽo bên ngoài nữa. 

Minh Ngọc Nhi tuy đang bệnh nhưng trước cảnh tượng náo nhiệt này, cũng phấn chấn lên đôi chút, ăn được một bát tổ yến hấp đường phèn và hai miếng bánh xốp. 

Ăn cơm tất niên xong, Bạch quản sự sai người hầu mang pháo hoa ra sân bắn, cảnh tượng vừa đẹp mắt vừa náo nhiệt. Ăn Tết bên ngoài phủ, không cần quá giữ lễ nghĩa, đám người hầu hò reo vui vẻ khiến lòng người ấm áp dễ chịu. 

Tiệc tàn, Thôi Xán và Khả Nhân cùng hầu hạ Minh Ngọc Nhi đi ngủ. 

Hôm sau, Thôi Xán thưa với Minh Ngọc Nhi:”Hôm qua nô tì đã nỏi Bạch quản sự, ông ấy nói biểu tiểu thư không khỏe, chưa tiện đi lại, trước tiên hãy ở lại Tết Nam, mời thầy thuốc đến chữa khỏi bệnh cho cô đã rồi hẵng lên đường, không việc gì phải vội cả. nô tì thiết nghĩ, ngày mai nên sai một hộ về về trước báo tin cho thái phu nhân và phu nhân.”

“Nhờ có ngươi thu xếp thỏa đáng.” Minh Ngọc Nhi sao có thể không đồng ý. 

Có thể do tâm trạng thay đổi, Minh Ngọc Nhi không cần lo lắng đến thái độ của Thanh Hề nữa nên bệnh tình thuyên giảm rất nhanh, mười ngày sau đã có thể ngồi dậy. Đúng lúc này, Thanh Hề cũng gửi thư đến. 

Đọc thư xong, Minh Ngọc Nhi thấy lòng nhẹ nhõm hơn rất nhiều, sắc mặt vui mừng không thể che giấu. 

“Tiểu thư, phu nhân quốc công viết gì trong thư vậy?” Khả Nhân tò mò hỏi. 

“Phu nhân quốc công bảo ta cứ yên tâm dưỡng bệnh cho tốt. Cô ấy đã dò hỏi kỹ càng rồi, đầu tháng tư năm nay mới đến kì tuyển nữ quan, nói chúng ta không cần sốt ruột, cô ấy đã cử một người họ hàng của Quốc công gia, cô ấy đã viết thư nhờ họ hàng mời một thầy thuốc nổi tiếng đến chữa bệnh cho ta rồi.”

Ngoài ra, Thanh Hề còn gửi cho cô ta một chiếc xe ngựa, nàng sợ cô ta ngồi xe cũ đi đường xa sẽ lại mắc bệnh. 

Quả nhiên, ngay buổi chiều hôm đó, người họ hàng của Tề Quốc công đã dẫn một vị phu nhân đến nhà trọ của Minh Ngọc Nhi. Vị phu nhân này có thân phận không hề nhỏ, chính là vợ của Tuần phủ Sơn Đông. Vì Minh Ngọc Nhi là biểu tiểu thư của phủ Tề Quốc công, Tuần phủ Sơn Đông không tiện ra mặt săn sóc nên mới bảo vợ mình đi thay. Tuần phủ phu nhân dẫn theo một thầy thuốc, cùng Minh Ngọc Nhi chuyện trò một lát rồi mới đi. 

Đến khi Minh Ngọc Nhi đến được kinh thành thì đã sang tháng hai. 

Tạm thời gác lại chuyện đó, giờ nói đến chuyện của phủ Tề Quốc công. 

Sau mùng ba Tết, khách khứa đến thăm hỏi chúc Tết không ngớt. Hôm đó, một người bạn đồng liêu khi tam gia Phong Nhạc nhậm chức tri huyện ở xa cũng đến kinh thành. Phủ Tề Quốc công nhà cao cửa rộng, không thể tùy tiện tìm đến nên người đó chỉ để lại một tấm thiệp mừng và ít quà quê. 

Quà là một giỏ quýt, đề rõ là gửi cho tam phu nhân. 

Người hầu nhận quà liền mang sọt quýt thẳng đền chỗ Đỗ Tình Lam. Đỗ Tình Lam không khỏi thắc mắc sao lại có một giỏ quýt được gửi từ nơi xa lắc xa lơ đến, liền hỏi: “Là ai mang đến?”

“Người đó không nói gì, chỉ gửi lời chào đến các phu nhân trong phủ, còn nói vì phu nhân thích ăn quýt nên mang tặng một giỏ.”

Mặt Đỗ Tình Lam thoáng chốc sa sầm, cô ta có bao giờ thích ăn quýt, người thích thứ quả chua loét này ngoài Hướng thị thì còn có thể là ai? Người tặng quà nói là gửi cho tam phu nhân, chứng tỏ khi nhậm chức ở ngoài, Phong Nhạc đã nói với mọi người rằng Hướng thị là phu nhân của y, khiến tất cả người ngoài đều không biết y còn có một người vợ chính thất là cô ta. 

Thế này thì còn ra thể thống gì nữa, chuyện liên quan đến danh phận này, Đỗ Tình Lam không thể nào bỏ qua được. 

“Mẹ, con chịu đựng hết nổi rồi. Đã rước một con hồ ly tinh về nhà thì chớ, hắn còn nói với người ta rằng ả kia là phu nhân của mình. Hắn coi con là cái gì chứ? Bây giờ đồng liêu của hắn lên kinh, gọi Hướng thị là phu nhân, còn con thì là gì? Bao năm nay, con vất vả sinh con đẻ cái, không có công lao cũng có khổ lao, hắn đối xử với con như thế này khác nào coi con như chết rồi?”

Đỗ Tình Lam đã hoàn toàn không còn dáng vẻ của một phu nhân cao quý nữa, tóc tai bù xù la hét inh ỏi, nói rằng nếu Phong Nhạc không bỏ Hướng thị thì cô ta sẽ bỏ chồng. Dứt lời, cô ta quay ngoắt đầu đi về nhà mẹ đẻ. 

Chuyện này khiến thái phu nhân giận đến choáng váng mặt mày, nằm liệt giường hai ngày liền. 

Có kể bao nhiêu chuyện cười cũng không thể chọc cho thái phu nhân vui, Thanh Hề lo lắng đến nỗi hai đêm mất ngủ. Thuốc của thái phu nhân đều do một tay nàng thử độ ấm, rồi tự tay bón cho bà uống hết mới yên tâm. Thái phu nhân không uống thuốc, nàng dỗ dành đủ kiểu, mới có hai ngày mà nàng đã mệt lả cả người. 

Cuối cùng, thái phu nhân thấy áy náy trong lòng nên mới chịu uống thuốc ăn cơm. Đến lúc này, Thanh Hề mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Ngay lập tức, nàng bị thái phu nhân đuổi đi ngủ. 

Đến giờ cơm tối, thái phu nhân nhìn trái ngó phải một hồi, không thấy bóng dáng Thanh Hề đâu, liền sai người đi gọi nàng dậy ăn cơm. Người hầu nói nàng không có ở trong phòng, thái phu nhân lại sai người đến Lan Huân Viện tìm, vẫn không thấy. Thái phu nhân lo cuống cả lên, sai người lật tung cả phủ lên tìm một lượt, ngay cả hoa viên cũng không bỏ sót, vậy mà vẫn chẳng thấy người đâu. Thế này thì có khác gì tuyết lạnh thêm sương, thái phu nhân về già tính khí có phần trẻ con, chỉ nói không có Thanh Hề thì không sống nổi. Vợ chồng Phong Nhạc  đã đủ làm bà đau đầu rồi, giờ lại đến Thanh Hề mất tích. 

Việc này kinh động đến cả bốn người con trai. Ngoại trừ Phong Nhạc đang phải sám hối trước bài vị tổ tông, ba người còn lại đều chạy đến chỗ thái phu nhân. Viên ma ma cũng sốt ruột chẳng kém, bà ta hiểu rõ nhất đối với thái phu nhân, Thanh Hề quan trọng tới mức nào. 

Lúc lão Quốc công mới qua đời, thái phu nhân đau lòng đòi sống đòi chết, mấy người con trai cũng không níu kéo nỗi mẹ, nếu không vì nhìn thấy Thanh Hề trong ngày giỗ đầu của chị gái mình là phu nhân An Định Hầu thì chỉ e thái phu nhân đã không sống nổi đến hôm nay. 

Thanh Hề lúc ấy rất đáng thương, sớm mồ côi mẹ, cha lấy vợ mới, không có ai chăm sóc. Thanh Hề như một con bứp bê bị bỏ rơi ngồi một mình trên giường, người hầu mải chơi chẳng đoái hoài gì đến nàng. Thái phu nhân nhìn cháu gái mà như đứt từng khúc ruột. 

Thái phu nhân liền bế Thanh Hề về phủ Tề Quốc công. Nàng hay ốm đau bệnh tật, không ít lần khiến bà phải lo lắng, nhờ vậy mà nguôi ngoai nỗi đau mất chồng, cũng xóa bỏ ý nghĩ quyên sinh. 

Càng lớn Thanh Hề càng xinh xắn đáng yêu, thái phu nhân nâng niu nàng như báu vật, trẻ con ngây thơ thành thực dễ được người lớn thương yêu. Mỗi dịp năm mới, phủ An Định Hầu đón Thanh Hề về nhà mấy hôm là thái phu nhân bực bội trong lòng. Bà nói như bị ai đó móc mất trái tim, ăn không ngon ngủ không yên, đến ngày mùng ba Tết mà không thấy Thanh Hề về, bả sẽ tự mình đến phủ An Định Hầu đón, bế nàng trong này rồi mới thấy yên tâm. 

Tâm can bảo bối bỗng dưng mất tích, thái phu nhân lại đang có bệnh, bảo sao bà không nóng ruột. 

Không lâu sau, bỗng nghe bên ngoài có tiếng reo: “Tìm thấy rồi, tìm thấy rồi, tìm thấy phu nhân quốc công rồi.”