Đoàn Tàu Trong Sương Mù

Chương 11




Tuy toa ăn ở Nga không trang hoàng lộng lẫy như hồi ở Mông Cổ nhưng nom cũng rất tinh tế: ghế da đỏ sẫm, rèm xếp ly, khăn trải bàn hoa văn đẹp mắt, thảm lông sang trọng khiến người ta cảm giác như đang lạc vào những khoang tàu sang trọng của các tuyến đường sắt Châu Âu đầu thế kỷ 20.

Nhóm Văn Tuyết ngồi trong góc, gọi mấy món đặc sản Nga. Trong lúc chờ đồ ăn, bàn bên cạnh truyền đến âm thanh ồn ào, hoá ra mấy người đàn ông Xla-vơ [1] đang đấu nhau. Người thua cuộc phải uống hết nửa chai vodka, mặt đỏ gay thở hào hển, còn những tên khác vỗ tay cổ vũ.

[1] Người Slav (Xla-vơ) là một nhóm chủng tộc tại khu vực Ấn u với ngôn ngữ cùng thuộc nhóm ngôn ngữ gốc Slav. Đây là một nhánh của các dân tộc Ấn- u và sống chủ yếu tại khu vực châu u, chiếm khoảng một phần ba dân số khu vực này. Vào thế kỉ 6, người Slav tại phía đông châu u đã di cư đến nhiều khu vực khác nhau của châu lục, bao gồm Đông u, Trung u và Balkan. Một số lượng đáng kể người Slav cũng đến định cư tại Siberia và Trung Á, bên cạnh đó cũng có những nhóm người Slav di cư sinh sống trên khắp thế giới (Theo Wikipedia).

Đêm dài ngao ngán, nhưng rượu bia sẽ giải quyết nỗi chán chường, còn có thể thôi miên bản thân, chỉ cần một cái chớp mắt là một đêm trôi qua. Uống nhiều chút nói không chừng ngủ một giấc dậy tàu đã đến nhà ga.

Văn Tuyết hứng khởi quan sát trong chốc lát, quay đầu nhìn hai người đàn ông, hỏi: “Hai người đã từng uống vodka chưa?”

Trịnh Khải Nhiên dẩu môi, tỏ vẻ khinh miệt: “Thứ đấy có gì ngon, còn không bằng rượu xái bên mình, anh đây chỉ xem nó như nước lã thôi.”

May mắn bàn bên cạnh không hiểu tiếng Trung, nếu không chắc chắn đã xắn áo nhào vào bộp nhau với anh ta, nói không chừng sẽ có một trận battle rượu xái và vodka nổ ra.

“Thật á?” Văn Tuyết không tin lắm, “Hay gọi một chai thử xem?”

Phương Hàn Tẫn thẳng thừng: “Cậu đang uống thuốc mà.”

“Có à?” Sao cô chả nhớ gì sất.

“Sáng nay bác sĩ có kê đơn cho cậu, trong toa thuốc có kháng sinh.”

Văn Tuyết chợt thấy cụt hứng, hậm hực trả lời: “Thế thì thôi.”

“Kháng sinh kỵ chất cồn đấy, cậu muốn thì cứ việc” khuyên nhủ hết sức chân thành.

Cô vẫy tay gọi tiếp viên trên tàu, nghiên cứu thực đơn lần nữa, cuối cùng quyết định gọi một ấm trà hoa đậu biếc đặc sản của Nga.

Nhân viên phục vụ vừa rời khỏi, Trịnh Khải Nhiên lập tức tặc lưỡi, tầm mắt lượn tới lượn lui giữa hai người.

Anh ta quay sang vỗ bả vai Phương Hàn Tẫn, nở nụ cười đầy thâm ý với Văn Tuyết.

“Nhìn người anh em của tôi này, rất để ý chuyện của cô em nhé. Tục ngữ nói gì nhỉ, ‘dễ kiếm bán vô giá, khó tìm được tình lang’ [2], em dâu à, em phải trân trọng người ta đấy biết chưa.”

[2] Hai câu trích từ bài thơ “Tặng cô gái nhà bên” của Ngư Huyền Cơ. Bản dịch thuộc về thivien.net.

Văn Tuyết suýt nữa phun sạch ngụm trà.

Cô đỏ mặt, cuống quýt kéo khăn giấy lau miệng nhằm che đậy sự xấu hổ, hơi tức giận nói: “Anh Trịnh này, chúng em chỉ là bạn bè bình thường thôi, anh đừng có mai mối bừa nữa được không?”

Phương Hàn Tẫn nhấp ngụm trà, đưa mắt ngắm cảnh ngoài cửa sổ, tỏ vẻ chuyện chẳng liên quan gì đến mình.

Ô cửa thuỷ tinh phản chiếu gương mặt anh, trong mắt đượm ý cười khó phát hiện, giống như mặt hồ gợn sóng không thể mò ra dấu vết.

Trịnh Khải Nhiên: “Anh đây làm việc trên chuyến tàu này mười mấy năm, từng gặp gỡ bao nhiêu người, kinh qua bao nhiêu chuyện. Anh từng chứng kiến không ít cặp đôi nam nữ, lúc lên tàu là người lạ, khác quốc tịch, bất đồng ngôn ngữ, ấy mà chưa đến vài ngày đã thành cặp. Còn có đôi vợ chồng trẻ vừa kết hôn lên tàu đi du hí, chưa tới trạm dừng chân đã ồn ào muốn ly hôn…”

Anh ta kể liền tù tì vài phút, Văn Tuyết nghe đến ngu người: “Anh Trịnh, rốt cuộc anh muốn nói gì?”

“Ý anh là,” Trịnh Khải Nhiên chỉ vào mắt mình, thấp giọng tỏ vẻ nguy hiểm, “Anh đây chỉ cần nhìn thoáng qua là biết giữa nam và nữ có chuyện gì hay không.”

“…” Văn Tuyết hết đường chối, “Nhưng mà chúng em không có gì thật.”

Trịnh Khải Nhiên lơ đãng nhìn Phương Hàn Tẫn, ám chỉ Văn Tuyết: “Cô em không có, chẳng lẽ người khác cũng không?”

Phương Hàn Tẫn không kìm được cười khẩy, trêu chọc: “Anh là nguyệt lão đầu thai hay là thần Cupid hạ phàm? Thích ghép Couple vậy không bằng tổ chức hẹn hò nhóm trên tàu đi? Sau đấy đổi tên chuyến tàu này thành cầu se duyên luôn cũng được.”

Văn Tuyết đón ý nói hùa: “Rồi càng ngày càng nhiều nam nữ độc thân tìm đến đây, nhân viên trên tàu làm nên ăn ra, đều là nhờ vào đóng góp vinh quang của anh Trịnh đây, thăng quan tiến chức chỉ là chuyện sớm muộn thôi!”

Nói xong còn vỗ vai Trịnh Khải Nhiên, nghiêm túc gật gù, biểu cảm dường như đang nói rằng: Phát tài chớ bỏ bạn.

Trịnh Khải Nhiên há hốc mồm, sửng sốt chừng nửa phút.

Đến tận khi thức ăn được bày lên, hương thơm ngào ngạt xộc vào mũi thì anh ta mới như bừng tỉnh từ trong mộng.

“Hai người kẻ xướng người hoạ, bảo không có gian tình thì tôi đây cóc tin!”

Tin hay không thì tuỳ! Văn Tuyết lười giải thích, cắt nửa miếng xúc xích bỏ vào miệng nhai.

Cuối toa ăn lờ mờ truyền đến tiếng nhạc. Cạnh quầy bar, một cô nàng tóc vàng mắt xanh ngồi trên chiếc ghế cao, ôm ghi-ta trong ngực, ngón tay gảy nhẹ dây đàn.

Sau chuỗi giai điệu khoan khái, toa ăn dần yên ắng.

Cô gái ấy khẽ khàng cất tiếng cùng chiếc ghi-ta. Cô ngâm một bản ballad không tên, giọng ca khàn khàn biếng nhác, như đang vô hình quyến rũ người nghe.

Cứ thế ca xong một bài, xung quanh vang lên tiếng vỗ tay tay thưa thớt.

Văn Tuyết tò mò hỏi Trịnh Khải Nhiên: “Trong toa ăn còn có biểu diễn nhạc sống ạ?” Cô nói với giọng điệu tiếc nuối, “Biết vậy mấy hôm trước nên đến đây.”

Trịnh Khải Nhiên bật cười: “Biểu diễn gì cơ? Trên tàu chán quá nên vài hành khách mang theo nhạc cụ ngẫu hứng hát giải sầu thôi.”

Tiếng ghi-ta lại vang lên lên, khúc dạo đầu lúc này tương đối vui tươi, cô gái cất giọng, đây là một bài hát tiếng Trung khá quen thuộc với mọi người.

Không ít khách Trung Quốc cũng ngân nga theo điệu nhạc, bầu không khí náo nhiệt hơn hẳn, trong phút chốc toa ăn biến thành nơi tổ chức liên hoan.

Kết thúc bài này, mọi người vẫn chưa thoả lòng, tiếng vỗ tay càng thêm nồng nhiệt.

Phương Hàn Tẫn bỗng ghé sát tai Văn Tuyết thì thầm: “Có từng nghe bài tiếng Nga nào chưa?”

Văn Tuyết ngạc nhiên, lắc đầu.

Có một thời gian, các bài hát tiếng Nga rất phổ biến trong nước, nhưng rất cả đều dịch sang lời tiếng Trung, sau đó được các ca sĩ quốc nội cover lại. Cô chưa từng nghe một bài hát tiếng Nga gốc nào cả.

Phương Hàn Tẫn cong môi cười, bưng chén trà uống một hơi cạn sạch rồi đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi.

Văn Tuyết nhìn theo bóng lưng anh xuyên qua lối đi toa ăn, thẳng bước đến bên quầy bar.

Anh cúi đầu nói gì đó với cô nàng người Nga.

Một chặp sau, cô ấy ngẩng đầu mỉm cười với anh, nhảy xuống khỏi chiếc ghế dài rồi đưa cây ghi-ta cho anh.

Phương Hàn Tẫn ngồi trên ghế, đặt ghi-ta lên đầu gối, đôi chân tuỳ ý mở rộng.

Xung quanh quầy bar rất tối, chỉ có ánh đèn trên cao tỏa ra ánh sáng ấm áp, màu vàng dìu dịu nhẹ nhàng khắc hoạ hình dáng của anh.

Anh cúi đầu, lưng cong cong, ngón tay thon dài lướt qua dây đàn –

Một chuỗi giai điệu từ từ vang lên, những dây đàn hệt nhau, chỉ vì lực gảy khác nhau nên âm thanh phát ra êm ả và hiền hòa hơn hẳn.

Khúc dạo đầu nhẹ nhàng đi đến hồi kết, tiếng ghi-ta im bặt, chỉ còn lại giọng nam ngâm nga du dương.

Anh hát tiếng Nga, chất giọng trầm khàn pha lẫn cảm giác tang thương, khẽ khàng xướng lên giai điệu trầm buồn, hệt như người đàn ông đang buông lời tình tứ với người thương.

Cách đó không xa, Văn Tuyết chăm chú nhìn anh thật lâu.

Dưới ánh đèn mờ, dáng vẻ cô đơn của người đàn ông trông như bức tranh sơn dầu muôn màu muôn sắc, đong đầy những chuyện xưa.

Cô đột nhiên hơi hối hận vì không mang theo máy ảnh.

Nhưng có vài thứ máy ảnh không thể nào lưu giữ. Ví như cung đàn khe khẽ của anh, ví như một cái nhìn thoáng qua của anh, hoặc ví như tiếng tim đập liên hồi của cô vào giây phút này.

Nghĩ như vậy, cô không còn tiếc nuối nữa.

Bởi điều tốt đẹp trên thế gian này cũng chỉ là phù du.

Gặp được chưa chắc đã có được.

Có tiếng ngân nghe khẽ rót vào tai, Văn Tuyết quay sang nhìn Trịnh Khải Nhiên, hơi kinh ngạc: “Anh cũng biết hát ạ?”

“Đây là bài của nhóm Lyube, nhóm nhạc yêu thích của đàn ông xứ Nga đó. Bài này tên gì nhỉ…” Trịnh Khải Nhiên cau mày cố nhớ lại, vỗ đầu thật mạnh: “À, Khẽ gọi tên anh [3].”

[3] Có thể nghe bài này ở đây

“Khẽ gọi tên anh”… Văn Tuyết thầm lặp lại trong lòng mấy lần.

Tựa bài hát mang đậm phong cách văn học nghệ thuật, rất phù hợp với giai điệu trầm buồn này.

“Em thấy không chỉ mỗi đàn ông đâu mà cả phụ nữ Nga cũng mê như điếu đổ kia kìa.”

Giọng cô chua chua, Trịnh Khải Nhiên cảm thấy lạ, nhìn theo tầm mắt cô – cạnh quầy bar, cô nàng người Nga kia đang nhìn Phương Hàn Tẫn không chớp mắt, mang theo nét cười e thẹn, sóng nước dạt dào.

Giai điệu vừa dứt, Phương Hàn Tẫn lịch sự cúi chào, trả lại cây ghi-ta cho cô nàng nọ.

Cô ấy vẫn dõi theo anh, không biết nói gì, chỉ thấy Phương Hàn Tẫn nghiêng người tựa vào quầy bar tán gẫu cùng cô ấy.

“Sợ chưa?” Trịnh Khải Nhiên nhướng mày, vẻ mặt như đang xem kịch hay.

Văn Tuyết tức tối bảo anh ta im miệng.

Trịnh Khải Nhiên thầm buồn cười, thích nhau đến độ này rồi mà vẫn chưa chịu thừa nhận là sao?

Anh ta thở dài thườn thượt, ra vẻ thổn thức, “Gái Nga giống hệt với thời tiết ở đây ấy. Khi yêu thì mềm mại hệt mặt hồ Baikal mùa hạ, trong mắt chỉ có dịu dàng và sự ngọt ngào. Khi không yêu nữa thì lạnh lùng như gió vùng Siberia lạnh lẽo xát muối trái tim ta.”

Văn Tuyết nhìn anh ta, ánh mắt mang theo mấy phần dò xét.

Ái chà, có phải có chuyện xưa ở đây không nhỉ?

Trịnh Khải Nhiên bị cô nhìn đến mức xoắn xuýt, lúng túng cười giải thích: “Anh từng nghe một người bạn nói thế…”

Văn Tuyết nở nụ cười thấu hiểu.

Làm gì có người bạn nào ở đây.

Văn Tuyết chống cằm nhìn anh ta, hồn nhiên thắc mắc: “Anh Trịnh này, kể chuyện của bạn anh đi.”

Trịnh Khải Nhiên xoa mũi, giả ngu: “Chuyện lâu rồi, anh cũng chả nhớ rõ…”

“Không sao cả, uống chút rượu sẽ nhớ thôi.” Không đợi Trịnh Khải Nhiên đáp, Văn Tuyết đã vẫy tay gọi tiếp viên toa tới, “Một chai vodka, à không, một chai rượu xái.”

Chờ Phương Hàn Tẫn hàn huyên xong với cô gái kia trở lại chỗ ngồi, chai rượu trên bàn đã cạn phân nửa.

Trịnh Khải Nhiên đỏ mặt, nói chuyện đã hơi líu lưỡi, còn Văn Tuyết vẻ mặt bình tĩnh, uể oải tựa vào lưng ghế ôm tách trà nhấm nháp.

Phương Hàn Tẫn nhíu mày, ánh mắt nhìn sang Văn Tuyết hơi bất mãn.

Văn Tuyết thản nhiên ngẩng lên nhìn anh, “Tôi có uống tẹo nào đâu.”

Lúc này vẻ mặt Phương Hàn Tẫn mới dịu lại.

Nhìn sang Phương Xuân Sinh, thằng bé nằm úp sấp trên bàn, mi mắt run rẩy, không ngừng ngáp ngắn ngáp dài.

“Uống đủ chưa?”

“Ừ, cậu thì sao?” Văn Tuyết nhếch môi, cười như không cười, liếc sang phía quầy bar, “Tán phét đủ chưa?”

Cô nàng người Nga ngồi trên ghế cao, mái tóc vàng óng xõa ngang lưng, làn da trắng ngần như búp bê Barbie.

Phương Hàn Tẫn cười: “Nói đủ rồi. Về thôi.”

Anh cầm áo khoác treo ở lưng ghế choàng lên vai Phương Xuân Sinh, đoạn ôm lấy cậu bé. Cơ thể cậu bé gầy còm, nhác thấy cũng chả nặng hơn chiếc ghi-ta kia là bao.

Trịnh Khải Nhiên xách nửa chai rượu lảo đảo theo sau. Tối qua anh ta trực ca đêm, hôm nay có thể nghỉ ngơi phủ phê, một mình nâng chén uống đến tận khi say tí bỉ mới thôi.

Văn Tuyết thanh toán xong, rảo bước theo sau họ.

Nhóm người xuyên qua hành lang thật dài, đưa Trịnh Khải Nhiên về phòng trực.

Căn phòng trống trơn, diện tích chỉ bốn năm mét vuông cũng chỉ có thể chứa vừa một chiếc giường lớn, một chiếc bàn nhỏ – vừa là bàn đặt cạnh giường ngủ vừa là bàn làm việc. Quần áo chỉ treo được phía sau cửa, còn vali đặt dưới chân bàn.

Trịnh Khải Nhiên nằm phịch xuống giường, vẫy tay với họ: “Về đi, anh không say, chỉ cần ngủ một giấc là được.”

Văn Tuyết nhìn anh ta hồi lâu, bỗng thốt lên một câu: “Anh Trịnh, anh bảo người bạn kia là mình sẽ không chờ nữa.”

Trịnh Khải Nhiên nhắm mắt, mất một lúc mới trả lời: “Được thôi.”

Văn Tuyết đóng cửa phòng trực ban, nhìn Phương Hàn Tẫn đứng đợi bên ngoài, cả hai đều không lên tiếng.

Trở lại phòng riêng, Phương Hàn Tẫn chậm rãi khom lưng đặt Phương Xuân Sinh lên giường.

Làm trẻ con thật tốt, có thể ngủ ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào. Không giống người lớn bọn họ, đêm càng khuya, tâm sự càng nặng nề.

Phương Hàn Tẫn lấy chăn đắp cho cậu bé, cẩn thận vuốt phẳng mép chăn, động tác rất đỗi nhẹ nhàng.

Anh rót một cốc nước nóng để lên bàn.

Xuyên qua làn khói mờ, Văn Tuyết ngắm sườn mặt anh đến mê mẩn.

“Cậu biết chăm sóc cho người khác thật đấy.” Cô cười trêu, “Không biết còn tưởng cậu là bố thằng bé.”

Phương Hàn Tẫn ngồi cạnh giường, tựa lưng vào bậc thang ngẩng đầu nhìn cô, đáy mắt dâng trào sự mỏi mệt.

“Nếu nó là con trai tôi thì tốt biết mấy.”

Văn Tuyết hỏi trong vô thức, “Vì sao?”

Em trai và con trai thì khác nhau thế nào? Chẳng phải đều là quan hệ máu mủ à?

Phương Hàn Tẫn khép mắt, thật lâu không trả lời.

Khi người ta không buồn ngủ nhưng họ vẫn chọn nhắm mắt, phần lớn là để che giấu cảm xúc, bởi lẽ ánh mắt không biết nói dối.

Văn Tuyết đang định hỏi tiếp thì đột ngột bị anh cướp lời: “Trịnh Khải Nhiên đang đợi ai à?”

Văn Tuyết thảng thốt.

Anh đang cố tình đánh trống lảng đây mà.

Thôi thì ai cũng có bí mật. Nếu anh không muốn nói thì không cần phải miễn cưỡng.

“Đúng thế.” Văn Tuyết thở dài, “Đợi tận bảy năm, cậu nói xem anh ấy có ngốc không.”

Khi còn trẻ, Trịnh Khải Nhiên có đi lính vài năm. Sau khi xuất ngũ, anh ta được sắp xếp làm việc trên chuyến tàu này. Làm đến năm thứ hai, anh ta gặp gỡ một cô gái người Nga, vì thường xuyên qua lại nên hai người cứ thế thành đôi.

Nhắc đến cô gái kia, ánh mắt Trịnh Khải Nhiên vô cùng dịu dàng, khóe miệng cong cong: “Cô ấy tên Lilia, có nghĩa là hoa huệ trong tiếng Nga.”

Nhìn thấy biểu cảm ấy của anh ta, Văn Tuyết cuối cùng cũng biết được sự dịu dàng của một trang nam tử hán là gì.

Lilia du học ở Trung, vì quê cô ấy là một thành phố nhỏ không có sân bay, trùng hợp thế nào mà cô ấy lại ở gần tuyến đường sắt này, nên chuyến tàu đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của cô ấy để đi lại giữa nhà và trường học.

Giống với Văn Tuyết, Lilia suýt nữa cũng bị gã đàn ông chung phòng xâm phạm. Nhưng cô ấy nóng tính, lại biết mấy chiêu thức phòng thân, chưa đợi nhân viên tàu hoả đến hiện trường thì gã nọ đã bị cô giẫm bẹp trên đất, hay tay vặn ngược ra sau.

Khi ấy Trịnh Khải Nhiên vẫn là một thanh niên đầy nhiệt huyết, nhìn thấy gã đàn ông kia nằm trên đất, anh ta tức đến mức đóng sầm cửa, sau đó đạp mấy cú vào người gã nọ.

Anh ta túm lấy cánh tay gã hèn kia, đang muốn nhấc gã lên thì bỗng nghe được tiếng “rắc”. Nhoáng cái mặt gã kia bí xị, bật khóc thảm thiết.

Trịnh Khải Nhiên trợn tròn mắt – căn cứ vào âm thanh ấy thì anh ta đoán tay gã nhẹ thì trật khớp, nặng thì gãy xương.

Lần này coi như toi đời, không những không đảm bảo được công việc mà còn có khả năng vướng phải kiện tụng.

Đương lúc anh ta đang lúng túng thì Lilia vỗ ngực nói với anh ta bằng vốn tiếng Trung ngặt nghèo: “Nhìn thấy cảnh sát, cứ nói là tôi làm.”

Dứt lời, cô túm tóc gã đàn ông bỉ ổi kia, hung dữ uy hiếp: “Nếu mày dám cáo trạng thì bà đây sẽ đánh gãy cái chân chó của mày!”

Gã nọ sợ tới mức nước mắt nước mũi chảy ròng ròng, liều mạng lắc đầu: “Em không dám, em không dám nữa!”

Trịnh Khải Nhiên mắt chữ A mồm chữ O.

Sau đó chuyện tiến triển vô cùng thuận lợi. Cảnh sát đến, gã xấu xa kia ngoan ngoãn nhận tội, sắc mặt Lilia trắng bệch, vẻ như vẫn chưa hết shock, vừa khóc vừa xin lỗi nói mình sợ quá nên phút chốc không phân rõ phải trái.

Diễn xuất của cô đã thuyết phục được cảnh sát. Để trấn an cô, họ cũng nói rằng cô phòng thủ chính đáng, hứa sẽ không truy cứu trách nhiệm.

Vai Lilia run rẩy, thỉnh thoảng nức nở vài tiếng, dùng khăn giấy thấm nước mắt. Nhân lúc người khác không để ý, cô nháy mắt với Trịnh Khải Nhiên, đôi con người xanh thăm thẳm ánh lên sự tinh ranh.

Trịnh Khải Nhiên phải thừa nhận rằng trong khoảnh khắc đó, anh ta đã hoàn toàn rơi vào tay giặc.

“Vậy về sau thì sao?” Phương Hàn Tẫn hỏi.

Văn Tuyết cũng hỏi Trịnh Khải Nhiên câu ấy: “Vậy về sau thì sao?”

Sau tất cả, một khi tình yêu đã bắt đầu thì quá trình cũng như nhau, ngọt ngào như mật, gắn bó như keo sơn.

Cuối cùng là chia tay, nhưng họ cũng có nỗi khổ riêng.

Khi trả lời câu này, Trịnh Khải Nhiên đã ngà ngà say, cất giọng chua chát: “Cô ấy học đại học ở Bắc Kinh bốn năm, mùa đông mùa hè năm nào cũng phải lên chuyến tàu này. Cho nên mỗi năm chúng tôi chỉ có thể gặp hai lần, bốn năm tổng cộng bốn lần.”

“Năm cô ấy tốt nghiệp, cô ấy dẫn tôi về quê. Ấy là một thành phố nhỏ bên hồ Baikal, phong cảnh rất đẹp, ven đường trồng một hàng cây bạch dương. Chẳng có mấy toà nhà cao tầng, nhịp sống chậm rãi, tóm lại đó là một nơi đáng sống. Cô ấy hỏi tôi có muốn định cư ở đó hay không. Tôi suy nghĩ cả đêm, hôm sau tôi bảo với cô ấy tôi không muốn.”

“Cô ấy cười, khi cô ấy cười thật đẹp, đôi mắt kia như hồ Baikal mùa hạ lung linh trong nắng. Cô ấy nói, cô ấy cũng không muốn.”

“Cô ấy nói rằng con người giống với một chú chim, dang rộng đôi cánh muốn vút bay thật cao để có thể ngắm nhìn nhiều nơi. Cô ấy bảo tôi rằng cô ấy đang xin học liên thông từ thạc sĩ lên tiến sĩ ở Mỹ, phải mất ít nhất bảy năm.”

“Tôi hỏi cô ấy, em có về nữa không? Cô ấy không đáp.”

“Sau đấy cô ấy đi rồi, còn tôi vẫn ở đây…Cũng không thể nói là đang đợi cô ấy được, chỉ là sống thế này quen rồi, đi tàu từ Bắc Kinh đến Moscow, khi tàu đến ga thì nghỉ ngơi mấy ngày rồi lại quay về, bắt đầu một vòng lặp mới, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.”

Kể xong một chuyện câu dài, Trịnh Khải Nhiên lại buồn buồn nốc thêm ngụm rượu, mùi vị cay nồng lan tới đáy lòng.

Số phận anh ta vĩnh viễn bị mắc kẹt trên chuyến tàu này.

Trước kia có thể anh ta vẫn không cam tâm, nhưng bây giờ nhận ra, đời người ai ai cũng có một chốn riêng dành cho mình. Tựa như mỗi ngọn núi, mỗi mặt hồ đều có tọa độ trên bản đồ. Có người phiêu bạt nửa đời vẫn miệt mài tìm kiếm, có người căng ngàn cánh buồm mới được an cư lạc nghiệp.

Mà toạ độ của anh ta đã được an bài từ lâu, ngay trên tuyến đường sắt dài xuyên lục địa Á- Âu này đây.

Trước khi rời toa ăn, Trịnh Khải Nhiên nhẹ giọng nói nốt một câu tựa như đang thì thầm: “Lẽ ra mùa hè này cô ấy đã trở về rồi.”

Giờ đã vào đông.

Không phải mọi sự chờ đợi đều được đáp lại. Không phải cuộc tình nào cũng đơm hoa.

Cô gái ấy không bao giờ xuất hiện nữa, và có lẽ, đây chính là câu trả lời của cô ấy.