Dịu Dàng Đến Vô Cùng

Chương 1




TRÊN CHUYẾN BAY TỪ SEOUL đến San Francisco, Carol được xem bộ phim Sức hấp dẫn chết người [1], cô không rõ như thế có đến mức “chết người” không?

Lúc bắt đầu, Carol thấy rất hào hứng. Một lúc sau mới phát hiện hình như đã từng xem phim này, câu chuyện rất quen, có điều trước đây xem bản tiếng Trung Quốc, lần này xem bản tiếng Anh. Bản tiếng Trung Quốc dịch tên phim là Dịu dàng đến vô cùng. Từ rất lâu, cô không hiểu tại sao tên phim lại được dịch như thế.

Với tên phim ấy, Carol nghĩ nhân vật chính phải rất trẻ, rất đẹp, cực kỳ hấp dẫn, nếu không làm sao có thể “đến vô cùng” được? Xem xong phim mới thấy nam nhân vật chính trong phim không có gì hấp dẫn, chỉ là một người đàn ông trung niên, cũng không phải đẹp trai, tuấn tú gì.

Nội dung cũng rất cũ, một người đàn ông đã có gia đình, trong lúc vợ con đi vắng, anh ta có một đêm tình với một cô gái vừa quen biết. Tất nhiên anh ta cũng chỉ chơi bời vậy thôi, vợ về, sẽ quên ngay cô ta, lại là người chồng tốt. Nhưng cô gái tình một đêm kia nhiều lần tìm người đàn ông này, bám lấy anh, dọa có mang và tự tử, thậm chí bắt cóc con gái anh ta để làm con tin. Cuối cùng, cảnh sát bắt cô gái, hết chuyện.

Hồi ấy xem cũng có thể coi là “đến vô cùng”, tuy không thật hấp dẫn. Sức hấp dẫn không thể nói “đến vô cùng” được, cô gái kia không chịu kết thúc cuộc tình sau một đêm, cô ta định biến cuộc tình một đêm thành cuộc tình một đời. Nếu nói “đến vô cùng” thì đấy là điểm yếu “đến vô cùng” của nhiều người con gái.

Carol xem bộ phim ấy cùng mẹ, xem xong, mẹ rất cảm động, bảo có nhiều cô gái sẵn sàng làm người thứ ba, phá hoại gia đình người khác. Trên đời có rất nhiều cuộc hôn nhân và gia đình hạnh phúc bị tan nát vì những người con gái như thế. Bộ phim rất hay, thiện giả thiện báo, ác giả ác báo, những người con gái như vậy rất đáng bị trừng phạt.

Carol không muốn tranh luận với mẹ, cô biết tại sao mẹ lại căm giận những cô gái ấy, nhưng cô có cách nhìn riêng. Tại sao lại trách cô gái? Chẳng qua cô gái ấy rất chân tình, liệu có nên trách một người chân tình? Phải trách người đàn ông kia, chỉ gặp gỡ chơi bời chốc lát, rất vô trách nhiệm, đã kích thích khát vọng yêu của một cô gái; anh ta không hề nghĩ đến tình yêu, chẳng qua chỉ là đổi món, ăn vụng khi vợ đi vắng.

Carol rất không bằng lòng kịch bản phim xem cô gái ấy như một người điên, tâm trí không bình thường, đổ trách nhiệm lên đầu cô ấy, giúp người đàn ông thoát tội. Về sau, không biết Carol học được đâu từ “người đàn bà bị ruồng bỏ” đại ý nói một cô gái bị đàn ông ruồng bỏ là vô cùng nguy hiểm, vì cô ta sẽ tìm mọi cách để giữ thể diện, cho dù có phải làm hại người khác hoặc bản thân cũng không tiếc.

Carol cảm thấy cô gái ấy điên cuồng phục thù chính là như vậy. Người đàn ông ruồng bỏ cô ta, coi cô ta như một thứ đồ chơi rẻ tiền tùy ý vứt đi lúc nào cũng được, vừa đi coi như xong. Cô gái ấy là một công chức, tuy không phải là người gặp đâu chơi đấy, tất nhiên cô không nghĩ đối phương là người chơi bời tùy tiện.

Carol hiểu cô gái ấy, nhưng không đồng ý với cách thức báo thù bất chấp mọi lẽ, vì thực tế cho thấy cô ta xả thân cho một người đàn ông như thế liệu có đáng không? Tất nhiên, Carol cũng không nghĩ được cách nào khác, nếu có cách nào đó vừa trừng phạt được người đàn ông kia vừa không phạm pháp thì tốt.

Carol không biết mình trong trường hợp ấy sẽ xử sự thế nào, nhưng cô có thể khẳng định mình sẽ không để chuyện như thế xảy ra. Không phải Carol nói yêu một người đàn ông đã có gia đình là hư đốn, trụy lạc, xã hội ngày nay không còn ai đánh giá như thế nữa. Trường hợp mà Carol nói đó là yêu đến độ si mê, si mê một người biết rõ là không yêu lại mình, anh ta có cơ hội tận hưởng thể xác của mình, như vậy không là si mê thì là gì?

Carol bỏ tai nghe ra, nhắm mắt, không muốn xem tiếp bộ phim đó nữa, vì xem xong lại buồn, sẽ bất giác nghĩ đến một người về mặt huyết thống cô phải gọi bằng bố, nhưng về tình cảm cô vẫn gọi là ông ấy.

Ông ấy đã ly hôn với mẹ từ lúc Carol còn nhỏ, nguyên do là ông ấy dạy học xa nhà có quan hệ nồng ấm với một cô sinh viên tiên là Tú Trân; ông ấy nói với mẹ Carol rằng Tú Trân đã có mang, nếu không lấy nhau cô ấy sẽ tố cáo hoặc tự tử.

Hai người ly hôn rất nhẹ nhàng, Carol không hề hay biết vì trong cuộc sống hình như không có gì thay đổi. Ông ấy vẫn dạy ở một trường sư phạm một huyện nhỏ. Mẹ và Carol ở trên tỉnh, ông ấy cách vài tuần mới về nhà một lần, mỗi lần ông ấy về mẹ không còn tâm trạng nào để chơi với Carol, bảo Carol đi chơi một mình, mẹ và bố ở trong buồng.

Sau ngày ly hôn hai mẹ còn vẫn ở trên tỉnh, chỉ có khác trước là ông ấy không còn vài tuần lại về nhà một lần nữa. Đối với Carol, ông ấy không về lại càng tốt, vì mẹ là của riêng mình.

Nếu trong lớp không có một cậu học sinh tên là Vương Lâm hay đưa chuyện thì Carol đã sớm quên ông ấy rồi. Nhưng một hôm, Lâm rất bí mật nói với Carol:

- Bạn biết không, bố bạn là kẻ đểu cáng đấy, bố bạn dụ dỗ ngủ với một cô sinh viên, làm cho cô ta to bụng, đành phải ly hôn với mẹ bạn để lấy cô kia. Bố tớ nói đấy là tiền dâm hậu thủ.