Mây mù giăng kín lối
Âm khí phủ đầy trời
Âu cũng là điềm báo
Thế sự sẽ nổi trôi
Lúc mặt trời chưa lên tới nửa cây sào, Tần Thiên Nhân, Bạch Kiếm Phi và Vạn Văn Thông đã áp tải chuyến tiêu tới Hà Nam.
Nhóm quần hùng của Tần Thiên Nhân giao một phần ba số gạo mà họ cướp được ở Mã Hà Quan Sơn cho tiêu cục Hưng Chấn ở Hà Nam.
Khi mặt trời qua khỏi ngọn tre, đoàn người của Tần Thiên Nhân đi tới Khánh Dương, chờ khoảng nửa canh giờ, không thấy đoàn áp tiêu của Khẩu Tâm.
Bạch Kiếm Phi bắt đầu sốt ruột, nói với Vạn Văn Thông:
- Vạn huynh à, hay là mình bàn với nhị đương gia, cứ tới thẳng Cam Túc gặp Tàu ngũ gia, giúp Tàu ngũ gia đắp đê khoanh vùng, không cần chờ đoàn người của thiếu đà chủ, huynh thấy sao?
Vạn Văn Thông lắc đầu:
- Thiếu đà chủ muốn chúng ta phụ chở số gạo tới cho Tàu ngũ gia.
Chờ thêm hồi nữa, Bạch Kiếm Phi lại đứng ngồi không yên, nói:
- Hay là đoàn người của thiếu đà chủ xảy ra biến cố?
Vạn Văn Thông lại lắc đầu:
- Lộ trình của mình bí mật vậy, không lí nào xảy ra biến cố, chắc do lũ lụt nên đường sá tắc nghẽn gây trở ngại, chúng ta cứ việc chờ.
Tần Thiên Nhân ngồi trên ngựa cách Vạn Văn Thông và Bạch Kiếm Phi một đoạn, đưa mắt nhìn trời.
Tần Thiên Nhân nhớ lúc trước khi đoàn người của chàng, Vạn Văn Thông và Bạch Kiếm Phi xuất phát, Khẩu Tâm đã nói với chàng, Vạn Văn Thông và Bạch Kiếm Phi rằng sau khi giao lương thực đến Hà Nam thì đi đến huyện Khánh Dương, chờ đoàn người của Khẩu Tâm, để phụ mang số thảo lương cuối cùng đến cho Tàu Chánh Khê.
Khẩu Tâm dặn dò xong cùng Tôn Hứa Khải và Nhất Đình Phong dẫn anh em khiêng hai phần ba số gạo lấy được từ Mã Hà Quan Sơn lên đường tới ranh giới hai vùng Phúc Kiến Quảng Đông, để giao một mớ cho Trùng Khê Thiếu Lâm.
Hai chuyến áp tiêu này đều không có Hồ Quảng Đông và Lạc Thiết Môn, vì đã lâu không có tin tức của Cửu Nạn, nên Khẩu Tâm nhờ họ Hồ và họ Lạc tới đồn Bạch Nhật hỗ trợ Trần Tử Sang lãnh đạo các anh em ở Hồi Cương.
Hồ Quảng Đông và Lạc Thiết Môn thấy tổng đà Hồi Cương hiện thời như rắn mất đầu, đồng ý với Khẩu Tâm.
Lộ trình của đoàn áp tiêu do Khẩu Tâm dẫn đầu hoàn toàn suôn sẻ, nhưng khi đi tới gần huyện Bình Lương, qua khỏi Bình Lương là tới được Khánh Dương để gặp đoàn người của Tần Thiên Nhân thì Khẩu Tâm bèn thắng ngựa lại hô:
- Ngừng!
Tôn Hứa Khải cưỡi ngựa đi ngay phía sau Khẩu Tâm, thấy xa xa sương mù dầy đặc bốc lên tới lưng chừng trời, cho ngựa dừng lại nói:
- Thiếu đà chủ, huynh xem đằng trước, cuồng phong sắp đến.
Khẩu Tâm nói:
- Đó không phải mây đen mà là cát bụi dưới đất.
Tôn Hứa Khải nhìn kỹ rồi nói:
- Đúng là cát bụi dưới đất, nhưng tại sao lại nhiều cát bụi đến thế?
Khẩu Tâm lắc đầu:
- Huynh không biết.
Nhất Đình Phong cưỡi ngựa đi sau cùng, thấy phía trước người mình đột nhiên dừng cả lại, vội thúc ngựa chạy lên, hiểu chuyện xong lập tức nói với Khẩu Tâm và Tôn Hứa Khải:
- Chúng ta nên tấp vào đằng sau vách núi.
Khẩu Tâm gật đầu, quay nhìn các huynh đệ Thiên Địa hội nói:
- Mọi người, tấp vào phía sau vách núi, đề cao cảnh giác!
Mọi người làm theo.
Nhất Đình Phong nói với Khẩu Tâm muốn tới phía trước coi thử, nhưng Nhất Đình Phong vừa nói xong một thành viên trong hội nói:
- Nhất huynh, để cho ba anh em bọn đệ đi cho.
Người vừa lên tiếng là Thường Tịnh Đạo, anh cả trong ba anh em đồng sinh họ Thường.
Người giữa tên Tịnh Triệu.
Người nhỏ nhất tên Tịnh Viện.
Ba người năm nay hăm mốt tuổi, đều có gương mặt với chiều dài và chiều rộng gần bằng nhau, xương gò má không nhìn thấy rõ và mặt mày không góc cạnh, mắt mũi to môi dày, dáng người cả ba đều đậm và khỏe mạnh.
Thường Tịnh Tam Hiệp quê ở Vân Nam, là hậu duệ của Thường Tịnh Di, người sáng lập ra bộ môn khinh công Đạt Thanh Vân nổi tiếng phái Võ Đang.
Nhất Đình Phong nói:
- Vậy nhờ Thường Tịnh Tam Hiệp tiến lên đằng trước, nhưng bất luận thấy gì cũng khoan hãy ra tay, chỉ cần xem rõ rồi trở về báo với thiếu đà chủ đến ngài định đoạt.
Thường Tịnh Tam Hiệp đồng thanh hô dạ.
Thường Tịnh Đạo nói:
- Đi! Chúng mình đến đó xem!
Ba người không muốn những kẻ phía trước nghe được tiếng vó ngựa của họ bèn xuống ngựa thi triển khinh công Đạt Thanh Vân, khi tới gần cát bụi càng mù mịt hơn, ba người thấy một dãy người ngựa đứng thành đường thẳng ở vùng bình nguyên hoang dã phía trước, lại nghe thấy tiếng trống chiêng văng vẳng truyền tới.
Thường Tịnh Triệu giật mình nói:
- Chết rồi! Đó là quân binh!
Thường Tịnh Viện cũng nghe thấy tiếng truyền hiệu lệnh, trống chiêng vang như sấm sét, nói:
- Chúng ta mau mau tránh khỏi nơi đây.
Ba người đi thám thính về, Thường Tịnh Đạo nhìn Khẩu Tâm nói:
- Bẩm thiếu đà chủ, đằng trước là tụi quan binh.
Khẩu Tâm bèn bảo mọi người đi đường khác tới Khánh Dương, nhưng đoàn người đi chẳng được bao lâu, phía trước cũng có một đám bụi bay lên.
Lần này Khẩu Tâm, Tôn Hứa Khải và Nhất Đình Phong đích thân đi coi, ba người nấp sau một thân cây, ghé đầu nhìn ra, lại thấy loáng thoáng bóng ngựa và người chắn đầu họ phía trước, bóng người phía trước càng lúc càng lớn.
Ngoài đội kỵ mã này còn nghe có tiếng thiếc giáp khua lẻng kẻng.
Trong đám bụi xuất hiện một lá cờ trắng, thêu một chữ “Chính” rất lớn.
Ba người biết chữ này tượng trưng cho đoàn binh Chính Bạch kỳ.
Tôn Hứa Khải chau cặp chân mày thành một đường thẳng, ở rừng Sơn Tây, chàng đã từng giao đấu với đội quân thiếc giáp của đoàn binh Chính Bạch kỳ, nếm mùi lợi hại rất nhiều, nên hiểu rõ hiện thời đoàn người của chàng không thể nào địch nổi.
Nhưng khi nhìn sang Khẩu Tâm, chàng thấy gương mặt Khẩu Tâm không biến sắc mấy.
Tôn Hứa Khải, Khẩu Tâm và Nhất Đình Phong nhanh chóng rời khỏi chỗ nấp về tụ hội với các anh em Thiên Địa hội.
Khẩu Tâm nói cho mọi người rằng lộ trình đã bị bại lộ, bọn quan binh đang gí ở hai đầu Đông Tây, sau đó Khẩu Tâm dẫn mọi người giục ngựa chạy nhanh vào một khu rừng nằm phía Nam.
Mọi người cho ngựa chạy theo Khẩu Tâm, chỉ mấy chốc người của Thiên Địa hội đã cách xa hai đội quân này.
Trong lòng Tôn Hứa Khải đầy lo lắng, không biết đoàn người của Tần Thiên Nhân ra sao? Còn đang suy nghĩ, thì đột nhiên rừng Bình Lương đang vắng lặng như tờ vang lên những tiếng chân người.
Tôn Hứa Khải nghe Khẩu Tâm hạ lệnh cho người Thiên Địa hội gộp lại thành từng đội, cứ bốn người gộp thành một đội, chuẩn bị tinh thần để đánh.
(còn tiếp).