Một canh giờ sau, một tay Lữ Nghị Trung cầm dù, tay kia cầm bốn gói giấy màu vàng nhạt đi như bay tiến vào ngôi miếu hoang rồi vòng ra sau bếp.
Căn bếp này được chàng nhờ các tú tài xây cho nữ thần y.
Thật ra thì đó chỉ là một mái lá chắn mưa đằng sau ngôi miếu mà thôi, bên dưới mái lá đặt một cái bàn cho tiện việc sắc thuốc, trên bàn bày đầy rễ cây và lá khô, nồi niêu, vài chồng chén bát, dưới đất lại có thêm mười mấy cái lò than để nữ thần y sắc thuốc.
Những người chạy nạn không chỉ mắc phải chứng bệnh dịch mà còn nhiều căn bệnh khác.
Lữ Nghị Trung ngó thấy một học sinh đứng cạnh nữ thần y sắc thuốc.
Hắn đang dùng kim ngân hoa, lá cối xay, cỏ chỉ thiên, sài đất và dây thồm lồm sắc thành một nồi.
Nghị Trung biết toa thuốc này là dùng để chữa chứng viêm da lở loét.
Chàng lại thấy một học sinh khác đang ngồi ngâm một thau lá trầu không, lá bồ giác, lá ba chạc, lá mần tưới, lá sòi, lá mỏ quạ và lá diếp cá hoà với phèn chua.
Nghị Trung biết toa thuốc này chính là dùng để rửa sạch các vết lở trên thân thể của các bệnh nhân.
Chàng cũng ngó thấy một học sinh nữa lấy lá dâu cái, lá trầu vò nát hai thứ lá này và cho vào chén, đổ nước sôi rồi mang đưa cho một bệnh nhân bị đau mắt, học sinh đó nói bệnh nhân đưa mắt bị đau sát miệng chén để xông hơi nóng bốc lên.
Người bệnh nhân đó lập tức làm theo.
Nghị Trung gật gù hài lòng, những học sinh này, đều là người của Hắc Viện, chàng nhờ họ đến ngôi miếu này giúp nữ thần y sắc thuốc, luôn tiện làm những việc giặt giũ, nấu nướng, phân phát cơm và chăm sóc các bệnh nhân.
Nghị Trung tiến lại gần nữ thần y.
Nàng đang bưng một cái niêu, thuốc trong đó hãy còn bốc khói bay nghi ngút, nàng nhờ chàng cầm hộ cái chén và gói giấy dầu nhỏ.
Chàng đặt mấy gói giấy xuống bàn, bảo nàng:
- Đây là đồ tô muội cần, còn đây là dịch thần tiên, tuyết đại hạn và cam lộ.
- Cám ơn Lữ huynh.
Nghị Trung gật đầu, cầm cái chén và gói giấy dầu lên giúp nàng, nói thêm:
- Kho thuốc trong trường học chúng ta chỉ còn lại bấy nhiêu, bây giờ huynh sẽ đến tiệm thuốc Chu Minh tìm thêm.
Nghị Trung nói xong theo nữ thần y đi vào trong miếu.
Nữ thần y mang niêu thuốc đến bên Thiền Phúc, thằng bé đang nằm lim dim mắt.
Nữ thần y nhờ Nghị Trung đánh thức thằng bé.
Nghị Trung đặt cái chén và gói giấy dầu xuống chiếu, đỡ Thiền Phúc ngồi dậy.
Sau đó chàng phải rời khỏi căn miếu.
- Thuốc này hơi đắng – Nữ thần y quỳ xuống bên cạnh Thiền Phúc nói - Tiểu đệ đệ ráng uống vào rồi ăn bánh quế hoa này.
Lúc này Nghị Trung đi tới cửa miếu, mưa vẫn còn rơi nặng hạt.
Chàng nghe nữ thần y nói quay đầu nhìn nàng, Nghị Trung thấy nàng lấy gói bánh quế hoa của nàng đem cho Thiền Phúc.
Trong lòng Nghị Trung xúc động, khẽ cười.
Nghị Trung căng dù che rồi vẫy tay chào nữ thần y.
Nữ thần y khẽ gật đầu chào lại chàng, thoáng mắt chàng đã mất hút trong màn mưa.
Nữ thần y nhìn lại Thiền Phúc, thấy chén thuốc trên tay nó đã được nó uống cạn, lòng nàng nhẹ tênh như những chiếc bóng mưa ngoài kia.
- Thế nào? – Nữ thần y xoa đầu thằng bé, nói bằng giọng trìu mến - Đệ uống nhanh như vậy không cảm thấy đắng ư?
Thiền Phúc trả chén cho nữ thần y, dùng tay áo quẹt ngang miệng đáp lời nàng:
- Đắng chứ, đắng đến không thể nào đắng hơn.
Nữ thần y nhìn gương mặt nhăn nhó của thằng nhóc, cười nói:
- Tỉ thấy tiểu đệ đệ uống một hơi cạn sạch còn tưởng là thuốc không đắng với đệ nữa.
Thiền Phúc le lưỡi, rồi cầm cái bánh quế hoa trong gói giấy dầu lên cắn một miếng to, nhai nhồm nhoàm.
Nữ thần y nhìn Thiền Phúc ăn bánh, nàng nhớ tới Hiểu Lạc, không biết bây giờ nó ra sao? Đã bao lâu rồi nàng không nghe tin tức gởi về từ Tứ Xuyên? Nữ thần y chớp chớp mắt, ngăn tiếng thở dài, nàng lại đưa mắt nhìn những bệnh nhân khác đang nằm trong miếu, mỗi người đều có một cái chiếu và gối, chăn.
Thiền Phúc vừa ăn bánh quế hoa vừa len lén nhìn nữ thần y, nhưng khi ánh mắt nàng chạm vào mắt nó, nó lại lẩn tránh sang hướng khác.
Nữ thần y biết nó đang nhìn những vết sẹo trên mặt nàng, nàng mỉm cười.
- Tiểu đệ đệ đừng sợ - Nữ thần y nói - Hồi còn nhỏ do tỉ đây bất cẩn đã ngã vào nồi cám heo vừa mới nấu xong bị bỏng hết cả mặt, bỏng cả phần cổ và bụng.
May mà còn sống, nhưng người chẳng ra người, ma chẳng ra ma từ ngày ấy.
Nữ thần y nói xong Thiền Phúc nói:
- Tỉ tỉ à, tuy là gương mặt tỉ bị như thế nhưng đệ không sợ, trái lại, đệ còn thấy tỉ như một vị Bồ Tát sống xinh đẹp nữa, tỉ dịu dàng, lại lương thiện, nhất là rất tốt bụng, giống một vị ca ca mà đệ biết.
Nữ thần y nhìn thằng bé:
- Nghị Trung ca ca là người rất tốt.
- Huynh ấy rất tốt, nhưng đệ nói vị ca ca khác.
- Đệ nói vị ca ca nào? – Nữ thần y đặt cái niêu xuống bên chiếc chiếu của Thiền Phúc.
- Huynh ấy… Đệ không biết tên, vì đệ chỉ gặp huynh ấy có vài canh giờ nhưng huynh ấy đã giúp gia đình đệ, cho tiền đệ mua gạo, lại dạy nhiều lý lẽ cho đệ nữa.
Nữ thần y nhìn cánh tay Thiền Phúc, nó nói tới đây không ăn bánh nữa.
Thiền Phúc trả cái bánh vào trong bọc, ngồi xếp bằng trên chiếu, chùi chùi tay vào quần.
- Lý lẽ gì vậy? – Nữ thần y hỏi – Tiểu đệ đệ kể tỉ nghe huynh ấy đã dạy lý lẽ gì cho đệ đi.
Thiền Phúc như thể tìm lại được một người bạn đã xa cách lâu năm.
- Ca ca ấy nói – Thiền Phúc nhắm mắt, lắc lư cái đầu như các tú tài mà nữ thần y hay thấy trong Hắc Viện khi họ đang trả bài cho Lữ Nghị Trung – Đã là một đấng nam nhi thì không được sợ cực khổ, dù cho Thái Sơn có đổ xuống trước mặt cũng không được rơi lệ.
Cho nên chén thuốc vừa rồi của tỉ đã không làm khó được đệ.
Nữ thần y nghe Thiền Phúc nói nàng chờ cho nó mở mắt, nâng cái chén lên.
Miệng của Thiền Phúc méo xệch đi.
- Lại phải uống thêm một chén thuốc nữa ư? - Nó hỏi.
Nữ thần y nheo mắt:
- Chẳng phải lúc nãy đệ vừa mới nói làm nam nhi thì cho dù Thái Sơn có đổ xuống trước mặt cũng không khóc lóc à?
- Đệ có khóc đâu nào.
Thiền Phúc khẽ mím môi rồi nó cầm cái chén, nhưng chờ một lúc mà nữ thần y không rót thuốc từ trong niêu.
Nữ thần y giở nắp chiếc niêu, thuốc bên trong đã cạn.
- Tỉ chỉ đùa với tiểu đệ đệ, thuốc đã hết sạch.
Mà mỗi ngày tiểu đệ đệ chỉ cần uống một chén thuốc để giảm sốt là đủ, không cần phải uống hai chén trong cùng một ngày.
Thiền Phúc cười.
Nữ thần y cầm cái chén, nói:
- Tỉ thật khâm phục đệ, thật đó, khi nãy đệ đã có thể uống một hơi cạn chén thuốc, vị ca ca của đệ ngoài là một người thầy giỏi thì đệ là một học trò rất ngoan ngoãn.
Thiền Phúc cười.
Nữ thần y đặt cái chén bên cạnh niêu thuốc.
- Tay của tiểu đệ đệ bị thế nào mà ra đến nỗi?
Nữ thần hỏi, Thiền Phúc nói:
- Cũng tại đệ đây vô dụng, nhìn thấy cha bị bệnh lại không giúp gì được cho cha mẹ, mấy ngày nay đệ đã đi tìm công việc ở khắp nơi trong chợ mà không ai chịu mướn đệ, họ đều nói đệ còn nhỏ, tới lúc mẹ đệ quá đói bụng đến sắp ngất xỉu, đệ bèn đánh liều đi ăn cắp bánh bao về cho mẹ, nhưng không may nên bị người ta phát hiện, đánh đệ, đệ chính là… bần cùng sinh đạo tặc, phải không tỉ?.
ngôn tình hay
- Đệ đừng gọi mình là đạo tặc – Nữ thần y khẽ chạm vào cánh tay đang bị thương của Thiền Phúc - Bây giờ đệ hãy an tâm tịnh dưỡng, chuyện tìm công việc, mai này tỉ sẽ tìm cách giúp đỡ.
- Đa tạ tỉ tỉ.
Nữ thần y nhẹ nhàng vuốt ve lên xuống cánh tay đang nằm trong băng vải của Thiền Phúc, phát hiện thằng bé bị trặc gân cốt.
Thiền Phúc khẽ nhích người sang bên một chút.
Nữ thần y dừng tay, nàng biết nó đang đau.
Nữ thần y thu tay về.
Quả thật Thiền Phúc cắn chặt hai hàm răng vào nhau.
- Ca ca đó có nói hiện thời nếu mình ráng chịu đựng cực khổ thì trong tương lai sẽ có ngày được nhàn hạ không?
Nữ thần y hỏi Thiền Phúc.
Nó nghiến răng nói:
- Có ạ, ca ca nói nếu hôm nay chúng ta chịu được đau đớn đó chính là rèn luyện thể chất.
- Ca ca còn nói những gì?
- Ca ca nói nhiều lắm, huynh ấy là người mà trong truyện Tam Quốc gọi là Gia Cát Lượng đó, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, chắc huynh ấy là Gia Cát Lượng tái thế.
Nữ thần y nhớ đến Cửu Dương, ở trong hội chàng ấy được ví như Gia Cát Lượng tái thế.
Thiền Phúc nói:
- Huynh ấy nói làm quân tử phải bất khuất, can kiện tự cường.
- Can kiện tự cường có nghĩa là gì?
- Can kiện tự cường nghĩa là đạo làm quân tử thì phải giống như mặt trời mọc, người quân tử chỉ được dựa vào chính mình, không được dựa dẫm một thế lực khác.
Đạo làm quân tử cũng như ngôi sao trên trời trong đêm tối phải làm nhiệm vụ soi sáng và chỉ lối cho người khác.
Nữ thần y đã từng đọc qua Kinh Dịch, trong đó có câu: “Minh xuất địa thượng Tấn quân tử dĩ tự chiêu minh đức.
” Nghĩa là: “Lửa từ mặt đất tấn cao.
Nên người quân tử chuốt trau tính Trời.
” Người quân tử thấy mặt trời mọc lên từ lòng đất, cũng bắt chước làm cho tàn lửa thiên chân trong mình ngày một thêm sáng tỏ.
Mặt trời vốn quang minh, bị trái đất che khuất mới không soi sáng được.
Thần trong con người vốn quang minh, bị dục tình tham sân si che khuất mới không soi sáng được.
Vậy làm người thì phải khử nhân dục thì vừng Dương thiên lý mới bừng sáng.
Dịch dạy con người đi đến chỗ phối thiên huyền hóa nên khuyên tự cường bất tức, để theo gương trời tự chiêu minh đức làm rạng tỏ vầng sáng thiên chân ở trong tâm hồn.
Nữ thần y tiếp tục hỏi Thiền Phúc về đạo lý mà nó đã học được từ vị ca ca nọ.
Thiền Phúc nói:
- Ca ca đó ngoài khuyên đệ phấn đấu không ngừng để tiến lên còn nói người quân tử coi trọng nhất chính là đạo đức, các đức tính như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Cho nên câu nói “quân tử phải bất khuất can kiện tự cường” chính là để khuyên người quân tử hãy nên tu tâm dưỡng tính để làm cho phẩm chất đạo đức tài năng của mình ngày càng sáng như mặt trời hiện lên từ mặt đất, rồi tiến mãi không ngừng, ví với hình ảnh mặt trời càng đến Ngọ càng sáng chói rực rỡ.
Nữ thần y chờ cho Thiền Phúc nói hết, gật đầu:
- Ví dụ này của vị ca ca nghe rất ý nghĩa.
Thiền Phúc nói:
- Chưa hết, ca ca cũng dạy đệ: “Hư sơn cử lộ cầu di kính, ngọc hải vô nhai khổ tác châu,” câu này có nghĩa học vấn là vô bờ bến, học là cần phải có sự siêng năng và cố gắng.
Dầu cho làm vua cũng phải là người có học thức, không được sợ khổ và sợ khó mà không học, không được sợ mệt nhọc mà không học.
Một nhà vua khi có được kiến thức thì mới có tất cả, nhà vua có thể trị vì tốt cho thiên hạ bá tánh, có công mài sắt có ngày nên kim, nếu thực sự được như vậy thì quân binh mới hàng phục, can đảm, đi làm việc đại nghĩa cho hoàng đế.
- Làm vua cũng phải có học thức.
Tỉ thích câu nói này của ca ca đệ.
Thiền Phúc toét miệng ra cười.
Nữ thần y lại tấm tắc gật đầu thốt lời khen vị ca ca nọ, rồi nhân lúc thằng bé đang cười rất vui vẻ nàng không báo trước, cầm lấy cánh tay bị thương của nó, nhanh như chớp bẻ phần tay bị trặc khớp lại trả đúng vào vị trí.
Thiền Phúc la lớn một tiếng.
- Tiếc quá – Nữ thần y nói – Vị ca ca của đệ không dạy đệ câu “binh quý xuất kỳ bất ý” rồi.
Nữ thần y nói rồi nàng chun mũi lại mà cười.
Thiền Phúc ngộ ra thì ra nữ thần y hỏi về vị ca ca của nó là để đánh lạc hướng nó, để nó không phản kháng nàng chạm vào cánh tay đang đau.
Cái này trong binh pháp gọi là “công kỳ vô bị xuất kỳ bất ý,” tấn công kẻ thù lúc họ không phòng bị, hành động khi họ không ngờ tới sẽ giành thắng lợi.
- Xin lỗi tiểu đệ đệ.
Quả thật Thiền Phúc nghe nữ thần y nói với nó:
- Nếu tỉ cho đệ hay trước là tỉ sẽ sửa khớp tay lại cho đệ chỉ e đệ không để tỉ chạm vào cánh tay.
Hai mắt Thiền Phúc ngấn lệ, nó vẫn còn rất đau.
Nữ thần y thấy vậy thu nụ cười.
- Xin lỗi tiểu đệ đệ, tỉ biết đệ đang rất đau, nhưng có bệnh thì phải điều trị, nếu tỉ không làm vậy cánh tay của đệ sẽ tàn phế.
Thiền Phúc mím môi, lấy tay gạt lệ nói:
- Vâng ạ, cám ơn tỉ tỉ, đệ sẽ không khóc, ca ca đó nói làm nam nhi không thể dễ dàng chảy nước mắt, đệ sẽ không khóc.
- Đệ còn nhỏ tuổi vậy mà đã can đảm hơn rất nhiều người lớn tuổi rồi.
Nữ thần y gật đầu, đoạn nàng cầm lấy cái chén và niêu thuốc, đứng lên.
– Gặp người khác – Nữ thần y tiếp – Họ đã trào nước mắt.
Thiền Phúc nói:
- Hy vọng có ngày tỉ gặp vị ca ca của đệ, đệ thật muốn hai người gặp mặt.
Nữ thần y cười.
Thiền Phúc nói:
- Đệ gặp huynh ấy ở Hồi Cương.
Hai chữ “Hồi Cương” vọng vào tai nữ thần y.
Chợt cảnh tượng năm xưa hiện về trong đầu nàng, một cảnh tượng vô cùng rõ nét, nàng nhớ năm đó, nàng đã đưa một người nam nhân về một gian nhà tranh trên đỉnh Thiên Sơn chăm sóc, chàng ấy bảo với nàng tên là Á Mạt Đạt, một cái tên nam nhân thông dụng nhất của người ở vùng Hồi Cương, lại nhớ tới lần Á Mạt Đạt trèo lên vách núi dựng đứng sừng sững chỉ để hái tổ yến sắp phải mất mạng, để tặng cho nàng, khi đó nàng đã không tự chủ được, nhìn chàng chăm chú, nhủ bụng người hoàn mỹ như chàng vậy, ở vùng hẻo lánh núi non như Thiên Sơn khó mà gặp được.
Bên ngoài căn miếu mưa vẫn không ngừng trút xuống, bầu trời đang nhờ nhờ đục đục bỗng sáng lên, tiếp theo là tiếng sấm chớp ầm ĩ.
Nữ thần y bừng tỉnh, cảnh cũ với người đàn ông Á Mạt Đạt biến mất trong đầu nàng.
Nữ thần y nhìn Thiền Phúc, nói:
- Cám ơn tiểu đệ đệ đã chia sẻ những câu nói của vị ca ca ấy với tỉ, tỉ sẽ mãi ghi nhớ, bắt đầu kể từ hôm nay, dầu cho có đi đâu, tỉ cũng không sợ, vì khi trời tối tỉ sẽ cố trở thành ngôi sao trên trời dẫn đường, ban ngày lại trở thành mặt trời soi sáng cho người khác.
Còn khi ở trên thảo nguyên thì tỉ sẽ ca hát, để tiếng ca của tỉ dẫn lối cho người ta trên đại mạc, có phải ca ca đó cũng nói như thế?
- Đúng ạ - Thiền Phúc nói - Tiếng ca của chúng ta trên thảo nguyên sẽ dẫn lối cho người khác, làm sao tỉ biết ca ca đó đã nói như thế?
Thiền Phúc mở to mắt ngạc nhiên hỏi nữ thần y, nó đã quên bẵng đi cánh tay đang còn rất đau, và càng thêm ngỡ ngàng khi nghe nữ thần y đáp:
- Con người đứng trong trời, dưới đất, phải dùng tâm, để lĩnh ngộ.
Tâm tịnh thì tự nhiên sẽ nhậm ứng tùy tâm, như vậy sẽ hiểu hết được ý nghĩa của cuộc sống, chỉ có người làm được điều đó mới có thể sống một cuộc đời ung dung tự tại, không cần phải lo sợ, u buồn gì cả.
Ca ca đệ bảo làm người phải nên yêu đời.
- Tại sao tỉ lại biết về những điều huynh ấy nói? Đệ thấy tỉ hình như quen biết huynh ấy, xin tỉ nói tên cho đệ biết, được chăng?
Nữ thần y không trả lời.
Thiền Phúc nói:
- Huynh ấy cũng không chịu nói tên của huynh ấy cho đệ biết, chỉ nói có những người không cần thiết phải biết tên, cũng không cần phải thường gặp mặt nhau, nhưng chỉ cần mỗi lần gặp nhau là mỗi lần ý nghĩa, và hiểu rõ về đối phương là được.
Thiền Phúc nói xong, nữ thần y nói:
- Lưỡng tình nhược thị cửu trường thì, hựu khởi tại triêu triêu mộ mộ.
Nữ thần y dứt lời mang chiếc niêu và cái bát quay mình bước ra khỏi căn miếu, bỏ lại Thiền Phúc đang ngồi ngơ ngác giương cặp mắt nhìn theo nàng.
Hai câu thơ Thước Kiều Tiên của Tần Quán thời Bắc Tống nàng đọc vừa rồi, Thiền Phúc cũng nghe được từ vị ca ca kia.
(còn tiếp).