Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Chương 6: Độc Kinh Phủ Trung Hạ






Mỗi khi dùng sức bên tay thuận, Tôn Hứa Khải thấy lồng ngực đau nhói bèn chuyển thanh kiếm sang tay nghịch đâm bọn quan binh.  Nhưng sử kiếm bằng tay nghịch hiển nhiên chiêu thức không còn quen lề lối thông thường nữa nên Thanh binh đỡ được đường gươm của chàng khá dễ dàng.  Thế là Tôn Hứa Khải vừa đánh vừa phải lui, thoáng chốc đã bị lính Thanh ép sát vô hàng thông.  Bỗng nghe tiếng gió sau lưng, chàng kịp thời nghiêng người tránh né.
Thì ra ở phía sau, một toán lính chẳng biết phục kích từ bao giờ, chỉ chờ có thế lập tức ra tay.  Tuy đã tránh được một hai mũi, nhưng nhìn trường thương tua tủa đang đâm tới Tôn Hứa Khải không khỏi ngậm ngùi than thở:
- Rốt cuộc ta cũng phải phơi thây chốn rừng hoang này!
Nhưng trước lúc chết, họ Tôn tính chịu mấy nhát rồi liều chút hơi tàn hòng kéo theo một hai mạng.  Đúng lúc Tôn Hứa Khải chấp nhận số phận thì đột nhiên một thứ xoay tít như bánh xe gió vù vù liệng qua khiến bọn lính rú lên, đồng loạt buông trường thương ôm tay đau đớn.  Chỉ thấy một người cũng mặc trang phục dạ hành che kín mặt mũi, chân đạp cây nhẹ tựa chim én lao vút tới, ung dung đón lấy vật màu trắng đang xoay một vòng lượn trở lại.  Hóa ra là một cây quạt xếp.  Dạ hành nhân đáp xuống bên cạnh Tôn Hứa Khải, kêu lên áy náy:
- Xin lỗi tam ca, đệ tới muộn!
Tôn Hứa Khải thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, chàng lắc đầu, vỗ vai đồng bạn, nói bằng giọng cảm khái:
- Không muộn.  Dù có chết nhưng được gặp thất đệ lần cuối là huynh mừng lắm rồi!
- Huynh nói vớ vẩn gì thế, từng này chẳng đủ nhét kẽ răng hai huynh đệ chúng mình.
Cả hai cười lên ha hả.  Chợt Tôn Hứa Khải nhớ ra, dùng giọng lo lắng hỏi:
- Mọi người bên kia thế nào rồi?
- Không tốt lắm nhưng vẫn cầm cự được.  Đệ không yên tâm về huynh nên mở đường máu đuổi theo, may mà vừa tới kịp.  Phù!
Tôn Hứa Khải nghe vậy mắt ánh tia hổ thẹn, nói:
- Thất đệ, xin lỗi...!huynh...
- Tam ca đừng tự trách, trước mắt phá vòng vây rồi nói - Dạ hành nhân khoát tay.
Tôn Hứa Khải gật đầu.  Hai huynh đệ liền áp lưng sát vào nhau cùng tử chiến với quân Thanh.  Quân Thanh bao vây họ càng lúc càng đông, tưởng như không thể nào đếm hết được, thực như đàn ruồi bu chén mật.  Nhìn đâu cũng không thấy kẽ hở nào để tẩu thoát.  Nhưng võ nghệ của dạ hành nhân vừa mới tới đó vô cùng cao cường, lâm nguy vẫn không loạn.  Chỉ thấy cây quạt trắng trong tay y thiên biến vạn hóa, bóng quạt đầy trời, trập trùng biến ảo khôn lường, kín kẽ tưởng như không gì có thể chui lọt.  Khi xòe ra thì sắc bén tựa đao, lấy mạng người trong chớp mắt.  Lúc xếp lại có thể đỡ, gạt, đâm, thậm chí bất thần kẹp lấy lưỡi thương của đối phương rồi xoay người một cái, dùng chính loại thương khí đó phi thẳng tới kẻ đối diện.  Thế nên giữa vòng vây mà chẳng khác nào hổ lạc bầy dê, thoáng chốc đã giết được vài chục tên.
Quân Thanh không khỏi hốt hoảng, hàng trước vội vã thoái lùi.  Dạ hành nhân thoáng thấy cơ hội liền hú lên một tiếng, người quạt hợp nhất xoay tít như một cơn lốc xoáy xộc thẳng vào hàng ngũ kẻ địch.

Người tới đâu, lính Thanh rú lên thảm thiết tới đó, lũ lượt đổ gục như thân chuối gặp phải dao chém.
Phía bên phải vì vậy mà hở ra một lỗ lớn.  Tôn Hứa Khải luôn bám sát theo sau, hai huynh đệ lập tức tẩu thoát.  Hai người tháo chạy một hồi nhưng vẫn chỉ loanh quanh trong khu rừng thông rất rộng này.

Chạy thêm một quãng, Tôn Hứa Khải bị mất quá nhiều máu nên không đi nổi nữa, dạ hành nhân bèn dìu tam sư huynh nấp ở đằng sau một thân cây.  Đó là một cây tùng đại thụ rất to, đường kính phải năm người dang tay ra đứng xung quanh cũng chưa chắc ôm trọn được.  
Tôn Hứa Khải ngồi xuống tựa lưng vào gốc cây nghỉ ngơi, lấy từ trong ngực áo ra một quả binh lang vén khăn che mặt lên bỏ vào miệng nhai.  Sau khi dạ hành nhân quỳ xuống xem xét vết thương của tam sư huynh, nhíu mày nói:
- Phải lập tức rút cây đao mới cầm máu được, huynh chịu đau chút nhé!
- Được, đệ cứ làm đi!
Dạ hành nhân liền cẩn thận rút con dao ghim trong ngực Tôn Hứa Khải ra.  Trông vậy mà lưỡi dao cắm khá sâu, khiến họ Tôn phải nghiến răng nhăn mặt.  Đắp tạm thuốc cầm máu, giây lát sau Tôn Hứa Khải thở ra một hơi nhẹ nhõm.  Nhưng lòng sư đệ nặng trĩu, nhìn máu đen trên lưỡi dao nằm trên đất là biết Tôn Hứa Khải đã trúng độc rồi.  Hơn nữa trông gương mặt tam sư huynh xanh xao, đôi môi tím ngắt, hiển nhiên khí lực đang dần suy tàn.  Dạ hành nhân khẽ thở dài một hơi.
Trong lòng dạ hành nhân lại nghĩ tới chuyện hôm bữa có biên thư nhờ học trò trao cho nữ thần y khuyên nữ thần y đi Hồi Cương lánh nạn, đừng trở về Hàng Châu nữa.  Dạ hành nhân càng nghĩ lại thầm rủa bản thân mình tơi bời, vì dù cho thoát khỏi trùng vây lần này thì khi đưa được tam sư huynh trở về tổng đà Hàng Châu lấy ai mà giải độc được đây?  Còn đường đến Hồi Cương thì quá xa xôi.
“Ôi, ông Trời thực khéo trêu người!”  Dạ hành nhân ảo não nhủ thầm.
Bấy giờ khí sắc Tôn Hứa Khải càng lúc càng kém, chất độc thực lợi hại, binh lang không giúp gì được.  Tôn Hứa Khải thấy tình hình của chàng bất lợi, chàng thở từng hơi nặng nhọc, nhìn sư đệ nói:
- Thất đệ à, huynh không ổn rồi.  Đệ cứ đi đi, bỏ mặc tam ca, chạy trước đi!
- Tam ca, huynh coi đệ là hạng người gì chứ?  Nếu đi thì cùng đi, còn không chúng ta cùng liều chết! - Dạ hành nhân nói cứng.
Tôn Hứa Khải muốn đấm lên thân cây một cái thật mạnh để trút cơn phẫn hận, nhưng không còn sức lực chỉ có thể thốt:
- Chỉ vì ca vô dụng, còn làm liên lụy đệ!
Dạ hành nhân đang định an ủi tam sư huynh vài câu, đúng lúc đó có tiếng chân người rầm rập từ đằng xa vọng đến.  Dạ hành nhân nấp đằng sau thân cây ló đầu ra nhìn, liền thấy một đội quân thiếc giáp đông đảo hùng hậu đang ùn ùn kéo tới.  Dẫn đầu lại có một người tuổi tác không quá hăm lăm thân khoác giáp bạc, gương mặt xương xẩu thiếu biểu cảm, hai mắt sâu hun hút như hai cái hố tăm tối, tay  cầm một thanh trảm mã đao, mũi đao chênh chếch hướng xuống đất, toát ra sát khí lạnh người.  Sau vài nhịp thở, cả quân lẫn tướng chỉ còn cách chỗ hai huynh đệ ẩn nấp khoảng chừng vài chục bước chân.

Nhưng gã tướng quân đó bỗng giơ tay làm hiệu, toàn quân lập tức dừng lại, hàng ngũ tề chỉnh không chút xao động.
"Kẻ này không tầm thường!"  Dạ hành nhân lẩm bẩm, tâm trạng càng thêm trầm trọng.  Gã không ngại quần chiến nhưng một đội quân kỷ luật có sự chỉ huy của tướng tài rõ ràng khó chơi hơn đám quân ô hợp lúc nãy rất nhiều.
Quả vậy, dạ hành nhân nhận xét không sai.  Vì người mặc giáp bạc đó tên Trương Dũng, là kẻ khá có danh tiếng trong hàng ngũ tướng lĩnh kinh thành.  Hiện họ Trương đang giữ chức phó soái Mai Lặc Chương Kinh, trực thuộc chủ soái Chính Bạch kỳ Định Viễn đại tướng quân.
Mà nhắc đến Định Viễn đại tướng quân cũng phải nói qua một chút.  Lúc này triều đình Mãn Thanh vẫn khá coi trọng quân công, cho nên đệ nhất dũng sĩ Mãn Châu Ngao Bái, người có danh vọng rất cao trong đám tướng lĩnh mới xếp đầu trong tứ mệnh đại thần.  Ngao Bái bất mãn với một việc làm của tiên đế nên khi tiểu hoàng đế Khang Hi lên ngôi, tìm cách hạ bệ, trong tay Ngao Bái nắm Ngũ kỳ nên dẫn đến không ít kẻ a dua hùa theo, đối với tân hoàng bằng mặt mà không bằng lòng.
Dưới áp lực ấy, còn may Khang Hi vẫn được một số người trung thành như cha con Sách Ni, Sách Ngạch Đồ hay Mã Tề hết lòng phò tá.  Song đáng kể nhất phải kể đến sự ủng hộ của vị Định Viễn đại tướng quân này.  Tuy còn khá trẻ nhưng Định Viễn đại tướng quân nổi tiếng văn võ song toàn tài năng trác tuyệt, bắt đầu cầm quân đã lập vô số chiến công, là người duy nhất có thể đối trọng với Ngao Bái trong quân đội.  Và Trương Dũng cũng chính là một trong năm “ngũ hổ tướng” đắc lực của Định Viễn đại tướng quân.
Lần này Trương Dũng mang quân đến Sơn Tây là theo kế hoạch của thượng cấp.  Ngay khi nhận được phi điểu báo tin Khang Hi sẽ đi Sơn Tây, Định Viễn đại tướng quân đang trấn giữ đường biên giới Trung - Nga đoán sẽ có đám người giang hồ tự xưng Giang Nam Thất Hiệp, một đám dư nghiệt tiền triều tìm đến hành thích, bèn lệnh cho Trương Dũng ngày đêm dẫn một số quân thiếc giáp từ biên giới Trung - Nga về Sơn Tây.
Đường về Sơn Tây rất xa, lại bị một số sát thủ gọi là Huyết Trích Tử do Ngao Bái đào tạo cản trở ở Thịnh Kinh nên Trương Dũng tới chậm một chút, may là Mã Tề bế Khang Hi chạy khỏi rừng thông.  
Ngoài nhiệm vụ đem binh tới cứu viện cho Khang Hi ra, Trương Dũng còn có thêm một nhiệm vụ khác nữa.
Trương Dũng đứng trong rừng thông nhớ lại nhiệm vụ quan trọng thứ hai được giao phó.  Định Viễn đại tướng quân đã nói: “Chuyến đi này, e là làm khó Trương phó tướng rồi.  Bảy người đương gia của Thiên Địa hội không phải là bọn võ phu giang hồ, vì nếu chỉ là một đám thất phu, võ công có cao cường đến mấy cũng chẳng thể bằng sức vài người chống lại thiên quân vạn mã.  Bảy người này rất có đảm lượng.  Trong nhóm có một kẻ càng tuyệt đối không thể coi thường.  So với võ công, tài trí của hắn thập phần lợi hại.  Mấy vụ tập kích quan quân triều đình ở Giang Nam đều do bàn tay kẻ này vận trù sắp xếp kế hoạch.  Không những thế, hắn thông thuộc nhiều nơi, quen biết rộng, nên còn giữ nhiệm vụ liên lạc bốn phương và thám thính tin tức.  Thực xứng danh là kẻ đa mưu túc trí, ứng biến linh hoạt.”
Trương Dũng nhớ mình đã trả lời: “Định Viễn đại tướng quân, nói vậy đây là một nhân vật quan trọng rồi.”  Định Viễn đại tướng quân gật: “Đúng vậy.  Nếu chiêu mộ được kẻ này, nói không ngoa rằng đó là người thích hợp để giúp hoàng thượng bày mưu lập kế tiêu trừ đám gian thần tặc tử, củng cố vững chắc ngai vàng, kiến lập đại nghiệp thiên thu vạn đại.”  
“Định Viễn đại tướng quân ngài đề cao hắn quá chăng?”  Trương Dũng nhớ chàng có phần không phục hỏi: “Dẫu sao cũng chỉ là kẻ giang hồ thảo mãng thôi.  Mạc tướng thấy có ngài phò tá hoàng thượng là đủ lắm rồi.”  
Định Viễn đại tướng quân lắc đầu: “Trương phó tướng chớ khinh thường người trong chốn dân gian.  Chẳng phải trước lúc Gia Cát Lượng vang danh thiên hạ cũng chỉ là kẻ làm ruộng ở Long Trung đó sao?  Luận hành quân đánh trận, chúng ta có kinh nghiệm nhưng không lâu bằng Ngao Bái cho nên về âm mưu quỷ kế chúng ta nhất định phải chiêu mộ cho được người này.”
“Sao hắn có thể sánh với Khổng Minh chứ?”  Trương Dũng nhớ chàng vẫn còn chưa phục nói.  Định Viễn đại tướng quân đặt tay lên vai chàng bảo với chàng rằng giang hồ ca tụng và đặt cho người này cái danh hiệu Gia Cát Tái Lai, rồi bàn với chàng những câu nói để thuyết phục khuyên răn Gia Cát Tái Lai trở giáo quy hàng triều Thanh, phò trợ đương kim hoàng thượng tiêu trừ đại gian thần Ngao Bái.  Một nhiệm vụ vô cùng khó khăn nhưng nếu làm được, Định Viễn đại tướng quân nói, Trương Dũng chàng đã ghi đại công rồi!

Bởi vậy khi Trương Dũng vừa mang quân tới bìa rừng, chàng đứng từ xa nhìn thấy binh khí của một kẻ trong bọn liền nhớ tới lời mô tả của Định Viễn đại tướng quân: "Kẻ này hay dùng một chiếc quạt trắng làm binh khí, nan quạt bằng sắt, khi đánh phát ra tiếng leng keng chói tai khiến đối phương nhiễu loạn tâm thần."  Trương Dũng liền biết đó là mục tiêu Định Viễn đại tướng quân tìm kiếm.  Trương Dũng không chút chần chờ, lập tức xua quân ào vào rừng.
- Xin hỏi Cửu Dương tiên sinh, thất đương gia của Thiên Địa hội có ở đó hay chăng? - Trương Dũng hắng giọng nói to.
Dạ hành nhân nghe vậy thầm ngạc nhiên, song vẫn đứng lên, ung dung bước ra đáp:
- Có thì thế nào?
- Nghe danh tiên sinh đã lâu!
Thì ra dạ hành nhân này chính là Cửu Dương, đứng hàng thứ bảy trong Giang Nam Thất Hiệp.  Song chàng ta không chào hỏi cũng chẳng vòng tay đáp lễ Trương Dũng, chỉ dửng dưng nhìn họ Trương.
Trương Dũng đã chắp tay chào hỏi song nhận lại chỉ là vẻ thờ ơ lạnh nhạt từ Cửu Dương, Trương Dũng không vì thế mà tức giận, lại hỏi:
- Tiên sinh thấy binh sĩ của ta thế nào?
"Tên này định giở trò chi đây?"  Cửu Dương thầm lấy làm lạ nhưng ánh mắt chàng chẳng thèm ngó lấy một cái, đáp gọn lỏn:
- Tinh nhuệ thiện chiến, kỷ luật nghiêm minh lắm!
Trương Dũng được đối phương khen ngợi, không khỏi tự đắc gật gù:
- Ta từng nghe người giang hồ ca tụng cây quạt trong tay thất đương gia rất lợi hại.  Vừa nãy đã được chứng kiến, quả nhiên danh bất hư truyền...
Đột nhiên Trương Dũng cao giọng:
- Vậy tiên sinh nắm chắc mấy phần phá được vòng vây của bọn ta?
- Không đến nửa phần! - Cửu Dương thản nhiên đáp.
Trương Dũng bật cười, dùng giọng mỉa mai nói:
- Hừ, e là tiên sinh quá tự mãn rồi.  Ta thấy một chút hy vọng cũng chẳng có đâu!
- Vậy thì thế nào? - Cửu Dương dùng giọng tỉnh bơ hỏi.
- Thì Trương Dũng ta khẳng định hôm nay sẽ là ngày giỗ của tiên sinh đó!
Trương Dũng im lặng vài giây như để đối phương có thời gian cân nhắc, dịu giọng nói tiếp:
- Có điều nếu theo chúng tôi về kinh thành, thì không những tính mạng tiên sinh được bảo toàn mà...
- Ha ha!  Vị tướng quân này, ngươi coi ta là trẻ lên ba chắc? – Cửu Dương chẳng chờ đối phương dứt lời ngon ngọt, cười lớn cắt ngang.
Trương Dũng nhíu mày tắt tiếng, trong lòng không khỏi bực bội, hóa ra nãy giờ mình đã phí lời.  Song rất nhanh trấn tĩnh lại, Trương Dũng nhẩm lại một lượt sách lược của Định Viễn đại tướng quân, rằng: “Trước nên khích bác, sau nói lời ngon ngọt.  Nếu không thuyết phục được y thì hãy ra tay bắt sống, nhất định không được để thoát…”
Trương Dũng ngẫm nghĩ lựa lời một chốc xong, lắc đầu thở dài:
- Đáng tiếc, đáng tiếc, thật là đáng tiếc…
Lúc này Cửu Dương đã mơ hồ nhìn ra dụng ý của đối phương rồi.  Nhưng phần vì để khẳng định phán đoán này, phần khác muốn kéo dài thời gian giúp Tôn Hứa Khải phục hồi phần nào sức lực, chàng ta bèn nhàn nhã hỏi:
- Đáng tiếc cái gì?
- Là bản tướng tiếc cho tiên sinh, một người lòng mang chí lớn, tâm hoài đại nghiệp không đi làm việc đại chí đại nghĩa lại hòa cùng đám thất phu tặc tử làm điều phản nghịch!
Trương Dũng không để đối phương kịp đáp trả, vội bồi thêm:
- Hơn nữa một thân nam nhi đại trượng phu hùng tài vĩ lược lại đi bám váy phò trợ mụ già!
- Ha ha ha!
Tuy bị chửi bới khích bác Cửu Dương vẫn cười lớn, thầm nghĩ: "Rốt cuộc đã lòi ra bản chất của kẻ mãng phu!"  Đoạn thong thả đáp trả:
- Từ xưa tới nay, phàm là người hiểu biết tất sẽ tìm tới người có tài, đức, trí, dũng, tự nguyện dốc hết lòng phò tá người đó trở thành minh chủ, không kể đấng minh chủ ấy là nam hay nữ, chỉ cần có thể giúp bá tánh no cơm ấm áo.  Hơn nữa tổng đà chủ Thiên Địa hội là tiền triều công chúa, hoàn toàn xứng đáng để những nam nhi đại trượng phu hùng tài vĩ lược xả thân phò trợ lên ngôi cửu ngũ cao quý.  Còn hoàng đế Mãn Châu các người vốn đời đời ở nơi quan ngoại, đem quân xâm chiếm đất đai Trung Nguyên.  Cứ cho là qui luật tự nhiên triều đại này suy ắt có triều khác thay thế nhưng nếu là một đấng minh quân, việc đầu tiên nên làm là lấy đức thu phục chúng sinh.  Hai đời vua Mãn Châu các người lại uy hiếp bá tánh, dùng máu và đầu người xây dựng nền móng!
Trương Dũng biết Cửu Dương đang ám chỉ chuyện triều đình bắt người Trung Nguyên để tóc đuôi sam, song không tiện tranh luận việc này, bèn theo lời dặn của tướng quân, cười khẩy nói lảng đi:
- Lòng dạ mềm yếu sao có thể làm chuyện đại sự.  Năm xưa, Đường Cao Tổ khởi sự ở Thái Nguyên, trước tình thế triều Tùy tan rã đã do dự bất quyết, may mà có con trai thứ hai của Đường Cao Tổ là Lý Thế Dân năm lần bảy lượt khuyến khích, Đường Cao Tổ tiến hành nổi dậy, buộc Tùy Cung Đế phải nhường ngôi, khoác lên vai áo vàng lập ra triều Đường.  Và cũng chính Đường Thái Tông là người không e sợ miệng lưỡi thế gian, đã dám xách động chính biến Huyền Vũ Môn.  Nếu không có sự kiện tranh giành quyền lực diễn ra vào ngày 2 tháng 7 năm 626 thì đâu có một Đại Đường thịnh thế độc nhất vô nhị trên thế giới thời bấy giờ!
Trương Dũng thấy Cửu Dương ngẩn người câm lặng, nghĩ đối phương đã thông suốt, hăng hái nói văng bọt mép:
- Vì mưu đồ đại sự cho nên hai vị ấy mới phải làm chuyện bất đắc dĩ.  Nhưng sau khi lên làm quân chủ, họ đều là bậc minh quân, lấy đức trị chúng sinh.  Xin hỏi Cửu Dương tiên sinh hậu thế sau này có ai mà không kính ngưỡng họ?  Sau khi hoàng đế Đại Thanh thống nhất Mãn, Hán, Hồi, Mông, Tạng cũng sẽ dùng đức trị vì như họ!
Trương Dũng cứ thao thao bất tuyệt mà không biết rằng ngoài những buổi Cửu Dương cùng Giác Viễn đại sư luyện tập võ nghệ sau chùa Thiếu Lâm, chàng ta còn theo Mã Lương phu tử dùi mài kinh sử, ôn luyện văn thơ.  Mã Lương vốn là một thầy giáo dạy học ở các trường học miền Nam.  Sau này mới cùng một số bạn bè đứng ra tự mở trường dạy miễn phí cho đám trẻ nghèo khó nhưng ham học, đặt tên là Hắc Viện.  Trong trường có rất nhiều học sinh nhưng Cửu Dương chính là học trò tâm đắc nhất của phu tử, thậm chí được phu tử yêu mến nhận làm nghĩa tử.  Mã Lương là viện trưởng đầu tiên của Hắc Viện.  Sau khi ông mất thì Cửu Dương trở thành viện trưởng đời hai của trường học này.
Cho nên trái với những gì Trương Dũng lầm tưởng, một người thuộc làu kinh sử như Cửu Dương khi nghe Trương Dũng múa may mồm mép chỉ cảm thấy buồn cười, nhủ bụng không ngờ tên võ tướng trông thô lỗ này lại chịu khó học thuộc sử Đường đến thế.
Bất quá chàng ta chẳng buồn tranh cãi, chỉ nói cứng như đinh đóng cột:
- Nay bọn ta lọt vào tay các người, muốn chém muốn giết cứ việc tùy ý, cần chi nói nhiều!
Trương Dũng không khỏi thất vọng, song chưa chịu từ bỏ nhiệm vụ khuyên địch quy hàng, tiếp tục tặc lưỡi nói:
- Tiên sinh ơi hỡi tiên sinh, với tài nghệ và kiến thức của ngài quan trường mới là nơi để ngài dung thân, phát triển sự nghiệp tạo phúc cho muôn dân.  Chuyện này đối với Cửu Dương ngài và trăm họ bá tánh mà nói đều lợi cả đôi đường.  Không phải hay sao?  Hoàng thượng thánh minh, sau này nhất định sẽ không bạc đãi ngài.  Hà cớ gì cứ ngoan cố không chịu nghe?  Sao hả?  Ta nói như vậy, ngài nghĩ thế nào?
Cửu Dương bỗng lấy làm lạ, chỉ bằng mấy lời tầm thường thế này mà đòi thuyết phục chàng quy hàng thì kẻ địch quá ngây thơ rồi.  Nhưng cớ sao gã này cứ nhì nhèo mãi không buông?  Cho nên chàng liền tập trung suy nghĩ, thầm phán đoán về dụng ý thật sự của đối phương.  Bất giác quay sang bắt gặp tam ca liếc nhìn mình, ánh mắt là lạ như thấp thoáng nỗi băn khoăn, Cửu Dương giật mình bừng tỉnh.
Thử nghĩ mà xem, Giang Nam Thất Hiệp bọn họ, trong khi sáu người bị coi là phản tặc cần phải tru diệt, riêng mình chàng lại được đối xử đặc biệt, trước đích danh gọi ra nói chuyện, sau lấy lễ đối đãi rồi dùng lời thiết tha khuyên bảo.  Chuyện này nếu truyền ra thì dù có chạy thoát được hôm nay cũng không tránh khỏi người trong hội xì xào bàn tán.  Đến lúc đó dẫu bảy người tình như thủ túc nhưng ai dám chắc qua sự kiện này quan hệ giữa chàng và cả bọn không có vết gợn.  Quả nhiên chia rẽ ly gián mới là dụng ý sâu xa của kẻ địch.
Cửu Dương cười khổ, bèn nói nhỏ:
- Tam ca, cẩn thận kế ly gián!

Nhưng ngẫm lại, một kẻ nom lỗ mãng như tên họ Trương này khó có khả năng dùng tâm kế.  Vậy hẳn là do cao nhân nào đó đứng sau bày ra rồi.  Thế là Cửu Dương càng thêm cảnh giác.
Về phần Trương Dũng, nói hết nước hết cái song đối phương chỉ một mực im lặng, y bực tức kêu:
- Ngài không nghe theo lời ta khuyên, mai này thiên hạ phỉ nhổ đừng hối hận.  Sao một kẻ có tài năng, tự cho mình là hiểu biết lễ nghĩa lại đi làm chuyện hành thích hoàng đế, làm việc đại nghịch bất đạo, thiên tru địa diệt như vậy chứ?
Tôn Hứa Khải được sư đệ nhắc nhở, bấy giờ mới vỡ lẽ, lòng có chút ngượng ngùng.  Tai lại nghe tên giặc khốn kiếp chửi sư đệ như vậy, máu nóng dồn thẳng lên đỉnh đầu.  Lửa giận nổi phừng phừng, Tôn Hứa Khải thò đầu ra khỏi thân cây lớn tiếng mắng:  
- Mẹ kiếp, con bà tám đời tổ tông nhà tụi bây, nhất là cái tên cẩu quan kia, nói mà không biết ngượng ư? Bọn ta còn chưa chửi nhà ngươi bất trung bất nghĩa?  Còn dám nói sư đệ ta khụ khụ…
Vì vận sức lấy hơi đột ngột động tới vết thương nơi ngực thành ra chưa hết câu Tôn Hứa Khải đã ho sặc sụa.  Cửu Dương đặt tay lên vai Tôn Hứa Khải ý như muốn bảo tam sư huynh bình tĩnh lại, sau đó nghiêm mặt đáp:
- Tên võ quan vô lại kia, ta nghe giọng nói của ngươi, rõ ràng cũng xuất thân người Hán, cớ sao lại đi phò trợ đám người dị tộc?  Ngươi nghĩ ngươi như vậy, là anh hùng, là hảo hán hay sao?  Giang sơn gấm vóc người Hán chúng ta hôm nay lọt vào tay lũ mọi rợ Mãn Châu, để chúng tự ý phân chia, cai trị bằng đòn roi hà khắc.  Hằng ngày đâu đâu cũng có chuyện bất bình, ngươi có thể nhắm mắt làm ngơ hay sao?
Trương Dũng trợn mắt chưa biết đối đáp thế nào, Cửu Dương lại nói tiếp:
- Ta nghĩ thay vì nhận giặc làm cha trợ Trụ vi ngược, bị người sau ngàn đời nguyền rủa.  Bây giờ còn chưa muộn đâu, hãy quay giáo theo ta phò trợ tổng đà chủ, đưa người trở thành một Võ hoàng đế thứ hai, một quân chủ nhân nghĩa trị quốc anh minh, giúp người Hán đem đám người Mãn đuổi ra quan ngoại…
Cửu Dương nói chưa xong nhưng Trương Dũng chẳng muốn nghe tiếp nữa, thầm nghĩ tên này ngoan cố không chịu quy hàng rồi, Trương Dũng bèn lên tiếng cắt lời Cửu Dương, cách xưng hô với Cửu Dương cũng thay đổi đi:
- Chim khôn biết lựa cành lành mà đậu, kẻ biết thời cơ mới là trang tuấn kiệt.  Chẳng lẽ ngươi chưa nghe qua câu đó à?
Xem chừng cũng quá ngán ngẩm rồi, Trương Dũng cáu tiết xua tay nói tiếp:
- Mà thôi đi!  Bản tướng chẳng thèm nhiều lời với nhà ngươi nữa.  Bây giờ ta đếm ba tiếng, nếu như ngươi còn không chịu vác mặt ra quy hàng thì chỉ có con đường...!chết!
Dứt lời bèn hô to:
- Một!
Đoạn Trương Dũng giơ tay làm hiệu, đoàn quân thiếc giáp phía sau đồng thanh thét lớn:
- Haiii!!!
Cửu Dương trầm mặc nhìn Tôn Hứa Khải rồi ngoảnh đầu về phía ngôi chùa Quan Âm.  Chàng ta nghe văng vẳng trong gió tiếng hò reo chém giết dữ dội, tiếng vũ khí chạm nhau loảng xoảng xen lẫn tiếng súng đạn nổ đùng đùng.  Quân Thanh đã dùng tới thứ vũ khí lợi hại này, chỉ sợ tổng đà chủ và mấy vị đương gia kia lành ít dữ nhiều rồi.
- Đằng nào huynh cũng khó thoát kiếp nạn này, để huynh cầm chân bọn chúng, đệ mau chạy đi! - Tôn Hứa Khải giục.
Nhưng Cửu Dương chỉ lắc đầu bởi chàng đã có quyết định của riêng mình.  Cửu Dương quay sang Tôn Hứa Khải, giọng nhẹ tênh như chẳng để ý sinh tử đang kề bên:
- Tam ca, còn nhớ lúc bảy người huynh đệ chúng ta cắt máu ăn thề có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu không?  Phúc thì chưa thấy song ít nhất cũng được như tâm nguyện, chúng ta không sinh cùng năm nhưng lại được chết cùng ngày cùng tháng!
Tôn Hứa Khải nghe vậy không khỏi nghẹn ngào, bao lời khuyên nhủ định thốt ra lại nuốt ngược trở lại.

Thất đệ đã quyết ý như vậy y còn biết nói gì đây.  Trong lòng Tôn Hứa Khải cảm động vô cùng, đặt tay lên vai sư đệ, siết thật chặt:
- Thất đệ, nếu có kiếp sau chúng ta lại là huynh đệ tốt!
Hai người thoải mái hàn huyên chẳng cần biết bọn quân thiếc giáp đã hô đến tiếng thứ ba.  Dứt ba tiếng mà không thấy Cửu Dương vác mặt ra hàng, Trương Dũng bực mình xẵng giọng:
- Đúng là thân lừa ưa nặng, nói nhẹ không nghe cứ thích phải nặng tay!
Đoạn y vung cây trảm mã đao chém vào không khí, quát lớn:
- Lên!
Chỉ chờ có vậy, đoàn quân thiếc giáp hò hét xông lên như sóng vỡ bờ, ùa tới vây lấy hai người.  Do bọn chúng ai cũng trang bị giáp bọc sắt nên hai huynh đệ vô cùng chật vật, chỉ còn biết vừa đánh vừa lùi.  Hơn nữa thương thế trong mình Tôn Hứa Khải không nhẹ, chống trả một hồi cũng đành vùng vẫy trong tuyệt vọng.  Trước khi Tôn Hứa Khải gục xuống, định vung kiếm tự sát còn hơn chết nhục trong tay Thanh binh thì Cửu Dương đã cản lại:
- Tam ca!  Chưa đến đường cùng, tội gì phải thế!
Dứt lời Cửu Dương quát lên một tiếng, mượn lực từ thân cây kế bên, xoay người thi triển liên hoàn cước khiến hai ba tên lính trước mặt ngã dúi dụi vào đồng bọn phía sau.  Tranh thủ lúc đội hình đối phương rối loạn, Cửu Dương lập tức dìu Tôn Hứa Khải xoay người bỏ chạy.
- Còn muốn trốn sao?  Đuổi theo cho ta!
Trương Dũng liền ra lệnh.
Một binh sĩ nghe Trương Dũng hạ lệnh liền cảm giác lạnh buốt như có một lớp băng nằm ngay trên đỉnh đầu hắn, cơn lạnh chạy dọc từ đằng sau cổ men theo sống lưng hắn, chạy một mạch dài xuống tận gót chân làm cho da gà nổi đầy hai cánh tay.  Tên lính bước lên thưa:
- Bẩm Trương phó tướng.
- Chuyện gì?
- Nhìn hướng bọn chúng chạy, thuộc hạ e là...
Trương Dũng thấy tên này ấp a ấp úng, không khỏi bực mình gắt:
- Làm sao cứ lúng búng như trẻ con tập nói thế!?
- Dạ, hướng bọn chúng tẩu thoát đó là tới hẻm núi Đá Ma!
- Hẻm Đá Ma!  Đó là cái gì?
Trương Dũng nhíu mày.
- Nghe nói nơi đó không ít thợ săn khi đuổi theo con mồi vô tình chạy vào bỗng dưng biến mất tăm tích.


Một số người gan dạ đi vào tìm kiếm cũng cùng chung số phận.  Kẻ may mắn sống sót trở ra được thì điên điên khùng khùng, sống dở chết dở, lay lắt thêm mấy ngày cũng chết.  Đặc biệt khi gặng hỏi chuyện xảy ra trong khe núi họ tỏ ra vô cùng hoảng loạn.  Từ đó dân địa phương sợ hãi chẳng dám bén mảng lại gần.
Trương Dũng nhăn mặt, trầm giọng hừ lạnh:
- Giả thần giả quỷ, hồ đồ nhảm nhí!
Một tên lính khác nói:
- Thuộc hạ có bà con ở Sơn Tây, họ nói đó là một khu phế tích bỏ hoang, tứ bề núi đá bao quanh.  Trên mặt đất rải rác rất nhiều hố sâu như lỗ giếng không rõ để làm gì, bà con thuộc hạ nói nhiều khả năng đám thợ săn do bất cẩn rơi xuống đó.  Có điều...
- Có điều thế nào? - Trương Dũng sốt ruột quát.
Tên lính ấp úng:
- Dạ...!Thuộc hạ nhớ có năm đến Sơn Tây thăm người bà con này đã vào rừng này chơi, thuộc hạ cảm nhận, đúng là trong hẻm đó có điều gì đó rất bất thường, ngột ngạt khó thở cứ như...!cứ như, như ai đó đè lên ngực vậy.
- Hừ, nói linh tinh.  Trương Dũng ta trước nay chỉ tin thanh đao trong tay mình, há lại đi sợ chuyện ma quỷ vớ vẩn này!
Trương Dũng nạt nộ thủ hạ, đoạn hô lớn:
- Truyền lệnh bản tướng tất cả lên hết truy bắt phản tặc cho ta, sống thấy người chết phải thấy xác.  Kẻ nào còn nói năng xằng bậy làm dao động lòng quân liền xử theo quân pháp!
Chúng tướng dạ ran, lập tức đốc thúc binh lính rầm rập đuổi theo.  Chạy không bao xa quả nhiên đến một khe núi cây cối rậm rạp xơ xác, đi vào chừng vài chục bước lại là một khoảng trống rộng rãi, xung quanh ngổn ngang những thanh gỗ mục nát, nhìn hình dáng hẳn lúc trước dùng làm trụ chống và giá đỡ.  Mặt trời vừa hay bị rặng núi che khuất một phần, chỉ hắt được xuống thứ ánh sáng mờ mờ.  Trong không khí vẩn lên một thứ mùi khó chịu khiến người ta tức thở.  Binh lính gặp khung cảnh kỳ dị này liền không tránh khỏi thấp thỏm lo âu.
- Cẩn thận nhìn hố dưới chân! - Một người lính đang dẫn đầu hô to nhắc nhở.
Trương Dũng nhíu mày quan sát xung quanh, không khó để thấy Cửu Dương đứng cách đó không xa.  Bên cạnh, Tôn Hứa Khải đang ngồi tựa lưng vào một bức tường đổ, xem chừng đã sức cùng lực kiệt.  Thế là Trương Dũng đắc ý cười gằn:
- Cửu Dương, xem ngươi còn chạy đi đâu được nữa?  Chịu chết đi thôi!
Cửu Dương nói:
- Muốn giết được huynh đệ ta, các ngươi cũng phải trả cái giá không nhỏ đâu!
- Hừ, chết đến nơi còn khoác lác.  Bắt chúng cho ta!
Trương Dũng quát một tiếng, toán quân đi đầu lập tức dàn thành hình vòng cung chậm rãi tiến lên.

Nhưng vòng vây càng siết chặt mục tiêu, tâm trạng Trương Dũng trái lại càng bất an.  Nhìn đối phương tỏ vẻ thong dong, trực giác của một người cầm quân dày dạn sa trường mách bảo y có điều gì đó không bình thường.
Quả nhiên đang chắp tay sau lưng, tả thủ Cửu Dương bỗng vươn ra, trên tay lập lòe một mồi lửa.  Mắt liếc vòng vây trùng trùng đang khép chặt, chàng ta mỉm cười sau tấm khăn che mặt rồi nhẹ nhàng buông tay.  Ánh lửa lóe lên, chầm chậm rơi xuống phút chốc biến mất dưới một hố sâu bên cạnh.
Khoảnh khắc thấy Cửu Dương ném xong mồi lửa, liền đó kéo Tôn Hứa Khải trốn sau bức tường đổ, trái tim Trương Dũng nảy lên một cái, y không rõ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo song trong lòng cồn cào bất an.  Một sự tĩnh lặng bao trùm cả khe núi.  Thậm chí Trương Dũng nghe rõ tiếng đập thình thịch trong lồng ngực mình.
Trương Dũng còn chưa kịp hô to cảnh báo, thình lình một tiếng nổ kinh thiên động địa đập vào tai.  Mặt đất rung lên rần rần sụt lở từng mảng, vô số cột lửa đỏ rực phun ra từ những hố sâu trên mặt đất, cả khe núi chớp mắt như một Hỏa Diệm Sơn bốc cháy ngùn ngụt.
Ngay khi đó có người xô một cái thật mạnh khiến Trương Dũng ngã nhào.  Được một binh sĩ che chở, Trương Dũng nằm rạp trên mặt đất mà mặt mũi tái mét, thất kinh hồn vía nhìn toán quân đi đầu đã biến thành những bó đuốc sống đang gào thét đau đớn rồi từ từ gục xuống quằn quại trong biển lửa.
- Thưa phó tướng, phải mau thoát khỏi đây thôi.
Một tên lính cuống quít giục.
Cũng may vị trí của Trương Dũng ở giữa đoàn, tương đối gần với lối vào.  Bọn thân binh bèn ném khiên xuống đất dập lửa làm thành một con đường, quát tháo binh lính nhường đường rồi liều chết che chắn cho chủ tướng, chật vật một hồi cũng thoát khỏi chảo lửa địa ngục trần gian.
Nhưng phần đông thì không được may mắn thế.  Quân Thanh hoảng loạn chà đạp, xô đẩy nhau để giành một con đường sống.  Song chỉ càng làm bọn chúng níu chân lẫn nhau, chạy tới đâu lửa tràn theo tới đó khiến vô số người chết vì bỏng.
Bởi thế lửa quá mãnh liệt, phụt lên hừng hực từ những lỗ giếng mà quân của Trương Dũng trang bị thiếc giáp, vô tình chẳng khác nào những miếng sắt bị nung đỏ nóng rẫy áp lên da thịt, đau đớn không sao tả xiết.  Thế là bọn chúng cuống cuồng lột bỏ giáp trụ, vừa đạp lên nhau vừa la khóc ầm trời.  Chỉ ước gì bọn chúng vận áo tang may bằng vải thô như bọn kỳ binh hộ giá ngoài đại điện.
Phải một lúc sau sức lửa mới giảm bớt, vẫn còn cháy chỉ còn cây cối và gỗ mục quanh đó.  Chỉ chờ có thế, Cửu Dương kéo Tôn Hứa Khải chui ra khỏi nơi ẩn trú.  Hai huynh đệ dìu nhau lom khom tìm đường thoát.
Khói lửa mịt mù rất khó thấy đường đi song như đã có chuẩn bị, Cửu Dương xác định đúng phương hướng, hai huynh đệ nín thở để khỏi chết ngạt rồi chạy thật nhanh theo lối đã dự tính trước.  Trong cảnh hỗn loạn, Thanh binh kẻ nào kẻ nấy chỉ lo thoát thân đâu còn lòng dạ nào để ý ai với ai nữa.  Vì thế bọn họ dễ dàng trà trộn thoát ra ngoài.
Vừa dừng chân tạm nghỉ, Tôn Hứa Khải liền ho sặc sụa, dù thở không ra hơi vẫn không quên tán dương huynh đệ:
- Thất đệ, đệ thực lợi hại!  Một mồi lửa đã nướng trọn cả đội quân tinh nhuệ!
Nhưng Cửu Dương chỉ lắc đầu, đoạn đáp bằng giọng nặng nề:
- Vạn bất đắc dĩ mà thôi.  Nếu không buộc phải "tìm đường sống trong chỗ chết" đệ thật không muốn tạo sát nghiệp kiểu này!
Thoáng trầm ngâm, Tôn Hứa Khải thở dài:
- Ta hiểu nỗi khổ tâm của đệ nhưng đã đi con đường vì đại nghiệp phục quốc này, chúng ta đâu có nhiều lựa chọn...
Tôn Hứa Khải nói chưa hết câu đã ôm ngực ho khù khụ, gương mặt tím tái đỏ bừng.  Cửu Dương lo lắng hỏi:
- Hay trước mắt cứ tìm một nơi an toàn để tam ca ẩn náu đã?
- Không...!không sao!  Lửa lớn còn không thiêu chết được bọn ta, thế này ăn nhằm gì.  Đệ đừng lo, ta vẫn cầm cự được!  Mau tới đại điện hội họp với mọi người!
Xem ra Tôn Hứa Khải vẫn canh cánh trong lòng chuyện không bắt sống được Khang Hi làm con tin cứu sống mọi người.  Thế là Cửu Dương xúc động gật mạnh đầu:
- Đi!
Hai người tiếp tục dìu nhau hướng tới bìa rừng.  Bất quá vừa dợm bước ra khỏi rừng thông liền thấy hàng hàng cung thủ đang giương cung lắp tên cùng vô số trường thương tua tủa, chĩa lên trời rậm rạp như rừng.  Ba quân nghìn nghịt, thật không rõ là đông tới bao nhiêu.
Trước trận, dù Trương Dũng đã chỉnh trang giáp trụ song râu tóc tán loạn, đen nhẻm tro than đang bầm gan tím ruột gào thét:
- Cửu Dương!  Bản tướng phải băm vằm ngươi ra mới hả giận!
Quả thực chỉ cần một hiệu lệnh của Trương Dũng là hàng ngàn hàng vạn mũi tên cùng lớp lớp trường thương sẽ nhằm vào hai người họ phóng tới, dù bản lĩnh bằng trời cũng không thoát khỏi tình cảnh như con nhím.
Cửu Dương bèn dìu Tôn Hứa Khải dứt khoát lộn trở lại vào rừng.  Trong lúc vội vã cả hai đều không biết một cuộn trúc nhỏ cỡ bó đũa đã rớt ra từ trong người Cửu Dương.
Một tên lính cung kính dâng lên cho Trương Dũng:
- Bẩm phó tướng, trong lúc truy đuổi nghịch tặc đã nhặt được vật này!
Trương Dũng không do dự cầm lấy mở ra xem.  Chỉ thấy sau khi trải rộng hai ống trúc liền hiện ra bức tranh vẽ một thiếu nữ.  Vừa nhìn thoáng qua, cặp mắt sâu không thấy đáy của Trương Dũng bỗng dưng lóe sáng lên.  Mặt mày thiếu biểu cảm của Trương Dũng bỗng hiện ra nét ngẩn ngơ, đôi mắt sáng chăm chú nhìn hình vẽ đến xuất thần.
Đó là chân dung một thiếu nữ với nét đẹp vô cùng diễm lệ, không những nàng xinh đẹp mà từng nét vẽ còn làm nổi bật lên vẻ thuỳ mị đoan trang, sống động tuyệt vời.  Nói không ngoa rằng người họa sỹ vẽ bức họa này quả thật có đôi tay như thần, đã thành công thổi vào hình hài trên đấy một linh hồn.  Hoặc giả, biết đâu tâm sự của người nghệ sĩ hoàn toàn ký thác vào đó thì tác phẩm mới có thể có thần đến như vậy.Lại nói tiếp về trận đánh giữa Cửu Nạn và Sách Ngạch Đồ, sau khi dùng trảo không chộp trúng cổ Sách Ngạch Đồ, Cửu Nạn xòe năm ngón tay ra, xuất chưởng nhắm vào mặt Sách Ngạch Đồ.  Sách Ngạch Đồ xuất chưởng đánh trả lại.  Nhưng hóa ra Cửu Nạn chỉ giả vờ để dụ Sách Ngạch Đồ ứng chưởng mà thôi.  Chờ họ Sách xuất chưởng rồi Cửu Nạn lập tức hạ tay xuống, ngả nửa người ra sau tránh né chưởng pháp, cùng lúc hất chân lên, mũi bàn chân hất trúng vào cánh tay đang xuất chưởng của Sách Ngạch Đồ.
Sách Ngạch Đồ lãnh cước pháp vào khớp cánh tay, la lên một tiếng, xương cánh tay đã bị nứt.  
Cửu Nạn thẳng người dậy, định thừa thắng xông lên giết Sách Ngạch Đồ thì may cho Sách Ngạch Đồ, có hai tên lính Thanh gần đó vung trường thương đâm vào hai bên hông Cửu Nạn.
Sách Ngạch Đồ nghiến răng cố nén cơn đau, lui về sau bốn bước.  

Cửu Nạn nhảy lui về sau nửa thước, hai tên lính liền đâm thương vào nhau.  Phụp!  Hai mũi thương xuyên qua bụng hai tên Thanh binh, ruột lòi ra sau lưng, chết đứng trong sân chính điện.
Cửu Nạn định tấn công Sách Ngạch Đồ thì may lúc này, Đông Quốc Duy xuất hiện.  Đông Quốc Duy dẫn một đội quân trang bị súng ống chạy vào cổng chính điện.
Cửu Nạn nghe tiếng chân quay lại nhìn.  
Sách Ngạch Đồ thấy viên tướng già mập mạp, khuôn mặt như bị thịt, mũi lân, cằm nún đứng, và mắt như lá tre xuất hiện, cả mừng quay mặt nhảy lên nóc nhà chính điện, rời khỏi vòng chiến để Đông Quốc Duy ứng phó Cửu Nạn.  
Chờ cho Sách Ngạch Đồ đi khỏi, Đông Quốc Duy hô khẩu lệnh, một loạt đạn đùng đùng bắn vào Cửu Nạn.  
Cửu Nạn và mấy người đương gia bị kẹp ở giữa, rơi vào cảnh lưỡng nan thọ địch, mấy người đương gia phải đối phó với Thanh binh trong chính điện đánh ra trong khi Cửu Nạn bị đội hỏa thương của Đông Quốc Duy ở ngoài cổng tấn công vào trong.
Tâm cơ máy động, Cửu Nạn bèn cong tay thi triển Kim Cang Trảo chộp lấy một trong hai tên lính Thanh đang chết đứng hòng dùng làm tấm khiên thịt chắn đạn.  Dè đâu trảo vừa chạm đỉnh đầu tên lính, lồng ngực Cửu Nạn bỗng đau điếng khiến cả người loạng choạng, mới hay đã trúng đạn rồi.
Đôi mắt lục đương gia Trần Trạch Lâm sắc bén như mắt chim ưng vẫn bao quát bên trong và ngoài chính điện, thấy vậy vội thi triển khinh công bay ra sân cứu viện Cửu Nạn.
Trần Trạch Lâm đeo một tấm khăn che mặt che đi khuôn mặt dài, đường nét nhọn, cứng cáp, các góc cạnh như quai hàm, gò má, mi cốt đều lộ rõ.  Trần Trạch Lâm đúng là người tướng Kim nên có sắc tố da hơi tối.  Đôi mắt như loài chim ưng đanh thép, lúc nào trông Trần Trạch Lâm cũng nghiêm nghị, trầm tĩnh và không hề để lộ nỗi vui buồn trong tâm khảm.  
Ở trong hội Trần Trạch Lâm có biệt hiệu Ưng Nhãn Phán Quan.  Người trong hội đặt cho chàng biệt danh này vì ở trong hội họ Trần nổi tiếng là không bao giờ khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình.  Trần Trạch Lâm còn rất thanh liêm và nghiêm khắc.  Đối với nhiều người trong hội thì còn oai vệ hơn cả Cửu Nạn vì họ Trần trứ danh là một đương gia xử án công minh, chấp pháp vô tư, nhất là trong những lúc chấp chưởng hình đường.  Người trong hội kháo nhau rằng thành viên nào mà phạm phải hội qui của bang phái thì cho dù kẻ đó có ẩn náu ở chân trời góc bể cũng không thoát khỏi Trần Trạch Lâm được.  Kẻ phạm tội chắc chắn bị lục đương gia phái thuộc hạ bắt về để xử tội.  Bởi thế cho nên hết thảy hàng vạn huynh đệ và bằng hữu tứ phương hễ mỗi lần nghe nhắc danh tánh Trần Trạch Lâm thì không ai là không hoảng sợ kinh hồn mất vía.
- Tổng đà chủ! - Trần Trạch Lâm bước tới gần Cửu Nạn kêu lên.
Tứ đương gia Hoành Đình nghe tiếng kêu của Trần Trạch Lâm cũng vội lao ra ngoài sân đến bên Cửu Nạn.
Hoành Đình là loại người tướng Thổ, bên dưới tấm khăn che mặt là phần quai hàm rộng.  Họ Hoành có vầng trán ngắn, mũi nhỏ, lông mày thẳng, mắt to, sắc da vàng.  Ở trong hội Hoành Đình ngồi ở chiếc ghế thứ tư nên các hội viên gọi bằng tứ đương gia, trong giang hồ chàng còn có biệt danh Xạ Tiễn Cung Lôi Thủ.
Trần Trạch Lâm và Hoành Đình đứng hai bên tả hữu Cửu Nạn.  Lúc này Cửu Nạn vẫn còn miễn cưỡng cử động linh hoạt, một tên lính Thanh nhân cơ hội đánh lén từ phía sau lưng, Cửu Nạn nhảy lên cao một trượng, quét ngang ống tay áo một cái làm gãy mũi thương của tên lính Thanh.  Trần Trạch Lâm và Hoành Đình tung hậu cước đá chân ra phía sau, hai bên ngực tên lính trúng cước, nằm sấp trên đất không động cựa.  Cửu Nạn đáp xuống đất, trấn an hai người đương gia của mình:
- Không sao, còn chưa trúng chỗ yếu hại.  Mau tiêu diệt bọn lính hỏa thương!
Binh khí mà Hoành Đình và Trần Trạch Lâm sử dụng đều là trường cung, quả thực rất phù hợp đối phó với hỏa lực quân Thanh.  Hoành Đình và Trần Trạch Lâm còn trẻ mà chẳng khác nào hai cao thủ xạ tiễn lão luyện lâu năm, hai người vừa bước xéo lên một bước đứng chắn cho Cửu Nạn vừa liên tay kéo cung không ngừng.  Tiếng cung của hai người bật nghe veo véo liên hồi, một trận mưa tên khiến quân Thanh ngã đổ nháo nhào, phút chốc giết được hàng chục tên lính hỏa thương.  Nhưng cuối cùng hai người cũng không chống lại được súng ống phương Tây.  Khi hàng xạ thủ thứ hai của Đông Quốc Duy nổ súng, hai người bị đạn bắn trúng đầu gối quỳ sụp xuống đất.  Còn đang đau đớn, gắng gượng rút tên đeo ở trên lưng để tiếp tục bắn thì trước ngực lại trúng một loạt đạn nữa, liền mất mạng tại chỗ.
Cửu Nạn chứng kiến hai người đương gia chết thảm, căm phẫn dợm xông lên nhưng hàng lính hỏa thương thứ ba nã đạn đùng đùng.  Bất đắc dĩ Cửu Nạn phải liên tục xoay người nhảy tránh.
Nhị đương gia Tần Thiên Nhân đang bị vây công trong chính điện thấy vậy nghiến răng chịu vài thương, đột phá vòng vây xông ra.  Tần Thiên Nhân ngồi ở chiếc ghế thứ hai trong hội phục Minh, với chiều cao ngang ngửa Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi nhưng họ Tần có tấm lưng dầy nên trông lực lưỡng hơn.  Mảnh vải đen che đi diện mạo ấn tượng của Tần Thiên Nhân.  Chàng có đôi mày hình chữ nhất xanh đậm, vắt ngang trên hai mắt to đen, mũi thẳng và cao, đôi môi có độ dày bằng nhau, đều đặn, cân xứng và chiếc cằm vuông vức khiến khuôn mặt không thiếu vẻ cương quyết.  Khi Tần Thiên Nhân đi đứng tướng tá toát ra vẻ oai hùng khó tả.  
Tần Thiên Nhân thấy một chiếc lư hương đúc bằng đồng bày giữa sân chính điện, cao hơn chàng một tấc, vừa dày vừa to.  Tần Thiên Nhân lấy hết sức bình sinh xuất Hoàng Xà Địa Cước đá một cú mạnh như sấm sét khiến chiếc lư đồng xoay ngang rồi đổ ầm lăn đi, vừa may chắn trước người Cửu Nạn.  
Một loạt tiếng keng keng vang lên liên hồi, song đạn bắn vào lư đồng chỉ để lại vài vết xước nhỏ.  Hơn nữa khi đỉnh thờ đổ xuống làm tro bụi rơi vãi tung bay mù mịt, khoảnh sân chùa bỗng chốc như chìm trong tấm lưới xám xịt.  Đội hỏa thương không thấy được thích khách.  Nhân cơ hội đó, Tần Thiên Nhân đỡ lấy Cửu Nạn giục:
- Tổng đà chủ, chúng ta tạm thời rút lui!
- Không được, còn chưa giết được hoàng đế – Cửu Nạn mím môi đáp.
Thực ra Cửu Nạn chỉ là nói vậy, chứ bà đã thấy Khang Hi rời khỏi chính điện rồi, nhưng bà uất hận vì cái chết của Trần Trạch Lâm và Hoành Đình cho nên dù biết không thể nào đánh lại quân hỏa thương cũng không chịu rời khỏi.  
Cửu Nạn thốt lên nghẹn ngào:
- Ta không cam lòng để Hoành Đình và Trạch Lâm chết vô ích như vậy.  Ta phải bắt tên quan huy động bọn lính hỏa thương cùng chết chung với hai người họ!
Tần Thiên Nhân nhìn hai sư đệ nằm đó, cũng đau đớn không kém Cửu Nạn nhưng chàng cắn răng tiếp tục khuyên nhủ:
- Chỉ cần tổng đà chủ còn, bang hội chúng ta còn, có thể báo thù rửa hận.  Nếu bây giờ không rời khỏi nơi này chết oan uổng dưới tay quân hỏa thương mới phụ sự hy sinh của họ!
Sau một thoáng trầm ngâm, Cửu Nạn đành nặng nề gật đầu.  Vừa may lúc đó lại có ngũ đương gia Tàu Chánh Khê tiếp ứng.
Tàu Chánh Khê trông thấp hơn Tần Thiên Nhân gần một cái đầu, binh khí họ Tàu sử dụng là một thanh đại đao nhưng khi đi lại giang hồ có ngoại hiệu Bát Bộ Truy Hồn vì là người duy nhất trong các học trò của Giác Viễn sở hữu khinh công Đạt Ma Độ Giang.  Tàu Chánh Khê ngồi ở vị trí thứ năm nên các bằng hữu và thành viên Thiên Địa hội gọi là ngũ đương gia, một trong bảy người Giang Nam Thất Hiệp rất được bang hội trọng dụng.  Cũng vì ở cương vị đương gia nên Tàu Chánh Khê trở thành một nhân vật đắc lực bên cạnh Cửu Nạn, thường được Cửu Nạn giao nhiệm vụ huấn luyện binh mã ở tổng đà Hồi Cương hay còn gọi là đồn Bạch Nhật.  Tấm khăn che mặt che đi khuôn mặt phương phi của Tàu Chánh Khê, diện mạo của chàng không thể gọi là đẹp đẽ, hai vành tai dày, lỗ tai lớn, mắt dài nhỏ, lông mày rõ ràng sắc nét, khóe miệng rộng, nhếch cao, hai bên cằm đầy đặn.  Tàu Chánh Khê là người tướng Hỏa nên tính cách chủ về lễ, tính tình nồng nhiệt, ban phát, thích giúp người.
Thế là Tần Thiên Nhân và Tàu Chánh Khê người lăn lư đồng người dìu Cửu Nạn, cả ba nấp phía sau cùng bỏ chạy.  Chiếc lư đồng nặng vạn cân như hòn núi nhỏ lăn ầm ầm, lăn tới đâu bọn lính hỏa thương kinh hồn táng đởm chạy tán loạn đến đó, nhờ thế ba người họ thuận lợi xuống núi.  Song tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, bất ngờ lại đụng độ một toán quân phục sẵn.  Một nam nhân lưng dài hơn chân, mặt rỗ hoa, cằm hẹp, sống mũi hếch lên đứng ở giữa đoàn quân chỉ huy.  Nam nhân này độ hăm bốn hăm lăm tuổi, tên Nhạc Thăng Long, trong Chính Bạch kỳ nắm giữ chức Giáp Lạt Chương Kinh.  Thương pháp của họ Nhạc có thể tự thị là cao thủ chốn công môn.
- Lũ giặc cướp, mau mau chịu chết! - Nhạc Thăng Long quát.
Lính của Nhạc Thăng Long hò hét xông lên.
Tàu Chánh Khê liều mình khua đao đánh át vào trận địch quyết mở con đường máu cho Tần Thiên Nhân đưa Cửu Nạn thoát hiểm.  Có điều Tần Thiên Nhân vừa bị thương vừa phải dìu Cửu Nạn nên khi Tàu Chánh Khê thành công mở một lỗ hổng, Tần Thiên Nhân không làm sao thoát nhanh ra được.  
Lỗ hổng liền khép lại, Tàu Chánh Khê, Tần Thiên Nhân và Cửu Nạn lại bị binh lính tập kích tứ bề.
Lúc song thương của hai tên lính Thanh đồng thời công đến, Tần Thiên Nhân lừa thế cướp được một cây thương, tiện tay dùng làm binh khí chống trả kẻ địch.
Nhạc Thăng Long đứng ngoài đốc chiến, lúc này sát tâm máy động, quyết hạ cho được Tần Thiên Nhân để giết Cửu Nạn nên xách thương gia nhập vòng vây.
Tần Thiên Nhân vốn là cao thủ quyền gia, không quen dùng thương.  Nhưng chiêu số quyền thuật tác dụng chỉ trong phạm vi gần, nếu không nhập nội thì không đánh bại Nhạc Thăng Long được.  
Nhạc Thăng Long nhìn nửa thân trên Tần Thiên Nhân và Cửu Nạn chảy máu nên chẳng việc gì phải vội, trước tiên cứ thủ kín như bưng.  Cây huyết đương thương không ngừng múa tít trên tay khiến Tần Thiên Nhân vừa vướng một tay phải dìu Cửu Nạn không sao tiếp cận Nhạc Thăng Long được.  
Nửa khắc trôi qua, Cửu Nạn mất quá nhiều máu lả đi.  Tần Thiên Nhân lại phải quàng một tay Cửu Nạn qua vai chàng cõng lấy thân hình mềm oặt, càng không thể đột phá vòng nguy khốn.
Thêm nửa khắc nữa, đường thương của Nhạc Thăng Long không đánh vào Tần Thiên Nhân nữa mà đổi hướng công đến mặt Cửu Nạn.
Tần Thiên Nhân cả kinh vẫy thương gạt, song vì lo bảo vệ Cửu Nạn mà bị mũi thương của tên lính phục bên hông đâm cho một nhát vào vai.  Còn đang giật mình thì tay cầm binh khí lại nhận thêm một vết chém nữa, cử động vì thế mà chậm hẳn lại.  Nhạc Thăng Long đâu để lỡ cơ hội này, càng tấn công ráo riết.
Phía Tàu Chánh Khê cũng chẳng khá hơn là bao, sau một hồi Tàu Chánh Khê tả xung hữu đột, quân địch chẳng ít đi thì chớ mà càng lúc càng đông.  Tàu Chánh Khê đành lực bất tòng tâm, không tài nào phá được vòng vây.
Đúng lúc Tàu Chánh Khê tưởng đâu cả ba người bọn chàng phải bỏ mạng ở Sơn Tây rồi, thình lình biến cố xuất hiện.
Chỉ thấy một bóng người toàn thân vận y phục đỏ rực như máu, lướt tới tựa vệt sao băng ngang trời.  Song kiếm trong tay người đó nhoáng lên, chỉ với hai chiêu đã ép Nhạc Thăng Long thoái lui ba bốn bước.  Từ dáng hình yểu điệu Tàu Chánh Khê dễ dàng nhận ra là một cô gái.  Bất quá chàng không biết đó là ai vì trên mặt nàng đeo một chiếc khăn lụa đỏ rực.
Kiếm pháp của cô gái hoa mỹ, lại thêm y phục đỏ chói dưới ánh mặt trời ban trưa trông lộng lẫy rực rỡ như một con phượng hoàng lửa.  Nhạc Thăng Long không khỏi hoa mắt chóng mặt, luống cuống tay chân.
- Ngươi là ai?  Có biết trợ giúp phản tặc là trọng tội tru di cửu tộc hay không?
Nhạc Thăng Long bực mình, quát tháo ỏm tỏi, nhưng nàng ta chỉ im lặng.  Nhờ có cô gái cầm chân họ Nhạc, Tàu Chánh Khê và Tần Thiên Nhân nhẹ nhàng hẳn, mới an tâm quay sang tấn công đám quân Thanh.
Nhạc Thăng Long lại khổ không nói nên lời.  Dựa vào thân pháp như quỷ mị, huyết y nữ tử luôn tránh lấy cứng đối cứng với chàng.  Cho nên dù thương pháp chàng mạnh mẽ có thừa, lại như đánh vào không khí, hết sức khó chịu.  Ngược lại song kiếm trong tay cô gái bám sát chàng không rời, phối hợp vô cùng lợi hại, liên miên bất tuyệt như sóng vỗ bờ khiến Nhạc Thăng Long không biết đâu mà lần.
Rõ ràng họ Nhạc nhận thấy mũi kiếm lóe lên nhằm bên mé trái bèn dợm bước sang phải.  Ngờ đâu một mũi kiếm khác như độc xà đã đợi sẵn từ khi nào, sẵn sàng đưa chàng vào tử lộ.  Nhạc Thăng Long kinh hãi không kịp né tránh, trong lúc gấp rút phải vứt thương rùn người nhào xuống đất, lăn mấy vòng ra ngoài mới thoát được độc chiêu.
Vừa khiến Nhạc Thăng Long chạy bạt ra xa, cô gái liền vung kiếm, cách không chém liên tiếp mấy nhát nhanh gọn vô những cây cổ thụ mọc gần đó.
Xoẹt xoẹt xoẹt!  
Từ khoảng cách gần trượng, làn kiếm khí nhoáng lên nhanh như chớp, vụn gỗ bắn tứ tung.  Lập tức mấy cây đại thụ rầm rầm đổ xuống khiến đất đá nhất thời bốc lên mù mịt.  Đám quân Thanh hoảng sợ dạt cả ra.  Chỉ chờ có thế cô gái hô lớn:
- Chạy mau!
Rồi cùng với Tàu Chánh Khê và Tần Thiên Nhân đưa Cửu Nạn trốn thoát..