Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Chương 45: Văn Vận Phủ Thượng






Gió pha phôi thoảng qua anh nghe thấy
Nỗi nhớ ai day dứt chín tầng mây
Dù hai ta chung bước ở nơi đây
Mà tâm khảm chia nhị hồn tỉnh thức
Một buổi chiều Cửu Dương xuống núi để gặp Nghiêm Hồng Đạt.

Cửu Dương đi đến bờ sông gần chợ Hồ Lô.

Mùa này, bờ sông thưa người, vậy mà nơi gốc cây già thơ mộng kia Cửu Dương nhìn thấy có một cặp tình nhân đang ngồi.

Cửu Dương đi ngang qua hai người, chân chàng giẫm lên những chiếc lá rụng từ bao giờ.

Chiều nay sóng đánh nhẹ dưới sông, cây lá vẫn trụi khô mấy hàng bên kia cồn cát.

Ánh tà dương phả xuống mặt sông cho thấy những lượn sóng đang chậm chảy.

Cửu Dương đi tới một cây cầu nhỏ bắt ra ngôi nhà thủy tạ xây giữa dòng, nơi hẹn gặp Nghiêm Hồng Đạt, nhưng cũng đã có người chiếm ngự rồi, chàng bèn tiếp tục cất bước, tới ngồi xuống một băng đá nghe sóng vỗ nhẹ như tiếng ru vào bờ đá xanh.

Cửu Dương ngồi im đấy, chờ đợi, bóng chàng đổ dài như một thân cây chết khô lâu đời trên mặt sông.

Cửu Dương lặng người một hồi chàng lấy ống tiêu giắt trong thắt lưng ra, mân mê thân tiêu.

Cửu Dương nghe có bước chân người, tiếng bàn chân bước nhè nhẹ, nghĩ tới bài thơ nói về mùa thu của một thi sĩ, có những bước nai vàng êm ái trên lá khô, chàng thầm nghĩ chân người này khi bước đi còn nhẹ hơn như thế nữa.

Phi Nhi tới đứng ở một đầu ghế đá thấy trên thân ống tiêu có khắc dung mạo một cô nương.

Cửu Dương ngẩng đầu lên nhìn Phi Nhi, nở một nụ cười với Phi Nhi.

Chàng có nụ cười thật đẹp, môi đầy đặn, hàm răng trắng khỏe.

Phi Nhi nhìn nụ cười của Cửu Dương không chớp mắt, vẫn còn chưa tin hôm nay nàng một mình chủ động đi theo chàng, lại dám cả đến gợi chuyện cùng chàng, chuyện mà lâu nay chỉ có Phi Yến mới dám làm.

Từ trước khi gặp người đàn ông này, Phi Nhi rất tự phụ nàng là người thông minh, vừa giỏi võ công, lại nữa nàng có nhan sắc, dẫu không chim sa cá lặn thì cũng rạng rỡ như hoa mai, thanh khiết tựa trăng rằm.

Bọn đàn ông trên đời này không ai có thể sánh với nàng, nhưng khi gặp chàng, nàng mới biết cảm giác thua thiệt là thế nào.

Phi Nhi mạnh dạn cười đáp trả Cửu Dương, sau đó cũng mạnh dạn nói ra lời đã chuẩn bị trong đầu nàng:
- Hồi chưa được ở trên khu trại với huynh và các cống sinh, chiều nào muội cũng đến ngồi ở đây, ngắm cảnh chiều tàn trên bờ sông, nhưng hôm nay lại thấy bờ sông này khác hẳn thường ngày.

- Khác với ngày thường như thế nào?
Cửu Dương hỏi, sau đó chàng nhổm đứng lên, để nhường chỗ cho Phi Nhi.

Nhưng Phi Nhi kéo tay Cửu Dương ngồi xuống cùng nàng nói:
- Hôm nay cảnh vật ở bờ sông này lãng mạn hơn nhiều!
Đương nhiên Cửu Dương không phải một kẻ đần độn, trái lại, chàng rất nhạy cảm là đằng khác.

Cửu Dương nghe Phi Nhi nói, hiểu nàng đang muốn nói điều gì, tuy nhiên, trong lòng chàng vẫn nghĩ cảnh bờ sông này không đẹp bằng Tây hồ, bờ sông này chỉ lưa thưa những bóng cây, không có những rặng liễu mọc sát nhau như Tây hồ, cũng thiếu một con đường sỏi mà nữ thần y gọi là con đường lên thiên đàng, cầu Tây Lâm thả bóng xuống mặt hồ vào lúc trời xanh như một vòng tròn hoàn hảo, và quan trọng là vắng một người.

Nhưng Cửu Dương vẫn nhoẻn miệng cười với Phi Nhi, sau đó chàng vẫn giữ nụ cười mê đắm trên môi, nhưng chàng không còn nhìn Phi Nhi mà quay đầu đánh mắt ra bên kia cồn cát.

Phi Nhi không nghe Cửu Dương trả lời không thốt thêm câu nào nữa.


Hai người ngồi im một lúc lâu, Phi Nhi lặng lẽ quan sát Cửu Dương.

Người đàn ông này sở hữu thể hình dũng mãnh, và nam tính như loại đàn ông nàng hay thích.

Một người đàn ông tài sắc toàn vẹn, lại tự lập.

Hèn gì, Tiểu Tường một mực quyết tâm sẽ âm thầm đi bên đời chàng, cho dù sau này có phải chứng kiến chàng hạnh phúc bên vợ con chàng, Tiểu Tường bảo rằng Tiểu Tường cũng cảm thấy đáng!  Tiểu Tường đã từng tâm sự rằng người mà Tiểu Tường đang yêu là một người đàn ông mẫu mực, chung thủy, sống có tình, có nghĩa.

Nếu chàng bỏ đi tình yêu đầu đời một cách dễ dàng để đến bên Tiểu Tường thì chàng lại trở thành gã đàn ông tầm thường như bao kẻ khác.

Mà như thế thì đâu còn đáng để Tiểu Tường yêu?
Bấy giờ mặt trời đã hạ sơn, bóng tà dương chiếu rọi bóng núi bóng cây lên mặt sông rực rỡ.

Đôi tình nhân kia đang bắt đầu ra về.

Gió thổi mạnh trên tà áo cô gái, tóc nàng tung bay sang một bên vai, chàng trai giơ tay giúp người yêu giữ lấy tóc.

Cảnh đẹp và người tình tứ như tranh vẽ, Phi Nhi nhìn đôi uyên ương lại nghĩ đến cuộc đời nàng, Phi Yến và Tiểu Tường sao lại trớ trêu?  Tại sao ba người bọn nàng lại có mối tình yêu đơn phương như vậy?  Nên phải cảnh "tay trong tay vai kề vai chung bước" mà tủi lòng.

Cửu Dương cũng nhìn thấy những người trong thủy đình ra về, quay sang nói với Phi Nhi:
- Trời gió mạnh, muội nên về.

Đôi mắt Phi Nhi đang đầy vẻ u sầu trông theo đôi tình nhân, chợt nàng nghe Cửu Dương khuyên nàng ra về, Phi Nhi thu tầm nhìn, dùng ánh mắt chan đầy trách móc nói với Cửu Dương rằng:
- Huynh cũng thừa biết mùa này trời lạnh, mỗi chiều tối hay có tuyết rơi, bảo muội đi về sao huynh còn ở đây?  Muội biết huynh thương nhớ nữ thần y.

Nhưng có nhớ có thương, cũng không cần phải phơi mình ra ngoài sương gió như vầy đâu.

Nàng ấy cũng đâu có biết!
Cửu Dương lại phóng tầm mắt ra xa, chàng không có thói quen kể lể chuyện tình cảm của mình cho người khác nghe.

Phi Nhi thấy Cửu Dương giữ im lặng, tiếp tục nói:
- Thúc thúc của muội thường hay nói, cảnh đẹp còn phía trước, hà cớ ngoảnh lại để mỏi cổ?  Cuộc đời con người cũng giống như dòng sông, vẫn cứ tồn tại, dù có gặp biết bao nhiêu sóng gió, nó vẫn cứ chảy để phát triển, chúng ta cũng phải sống như dòng sông.

Ông nói con người nên buông bỏ hết tất cả các chuyện không vừa ý ở phía sau, hãy nhìn lên trước, để không bỏ dở những chuyện tốt đang chờ chúng ta phía trước.

Cửu Dương nghe Phi Nhi nói tự nhủ, nàng không hiểu đâu, trong chàng tuy có một nỗi nhớ không được đặt tên, một yêu thương không được gởi trao, nhưng chàng vẫn lâng lâng niềm hạnh phúc vì đã được yêu đúng cảm xúc của trái tim chàng!  Còn phần Lộ Thần, ông thường hay du hành khắp nơi, mục đích là để gặp các đại nhân vật trong võ lâm, cũng là muốn kiểm chứng các lời đồn đại và truyền thuyết mà ông thường nghe nói, luôn tiện để thăm viếng các di tích lịch sử, như mộ Đại Vũ.

Trong đời Lộ Thần đã từng đi qua Sơn Đông, Vân Nam, Hà Bắc, Chiết Giang, Giang Tô, Giang Tây, còn đến cả Hồ Nam, Vạn Lý Trường Thành và Sóc Phương.

Suốt đời ông sống một cuộc sống thong dong tự tại, ông chưa từng vừa ý ai.

Cho nên chuyện của chàng và Lộ Thần, thật tình không giống nhau.

Ánh mắt Cửu Dương vẫn dõi về phía chân trời đã nhuốm màu tím than, trong lòng chất chứa nhiều tâm sự.

Phi Nhi nhìn Cửu Dương một lúc đưa mắt nhìn dòng nước, một chiếc lá vàng theo cơn gió rơi xuống nước, Phi Nhi nhìn theo chiếc lá trôi lênh đênh, chép miệng:
- Đừng chấp lấy những gì đau đớn mãi
Tham, sân, si, nộ, ái, khổ vì ai?
Cũng do Ta, rong ruổi tháng năm dài
Say ly rượu, say bên đời ảo tưởng
Những lời này làm Cửu Dương mỉm cười, chàng quay sang nhìn Phi Nhi, cùng lúc Phi Nhi cũng đang quay sang nhìn chàng.


Phi Nhi tưởng chàng sẽ đáp lời nàng bằng đôi ba dòng thơ, nhưng Cửu Dương chỉ nói:
- Thì ra muội cũng là người có tâm hồn văn vẻ như Nghị Chánh vậy.

Một cơn gió tiếp tục thổi qua làm những chiếc lá khô còn sót lại trên một tàn cây rơi xuống sông.

Phi Nhi kéo cao cổ áo lên, rùng mình.

Gió thổi tạt vào mặt nàng khiến da mặt nàng như đau rát.

Nhưng không đau bằng câu nói vừa rồi của chàng, nàng hiểu câu nói vừa rồi của chàng ý chừng bảo với nàng là chàng và nàng tuy đang ngồi kề bên nhưng mãi mãi chỉ là hai đường thẳng song song, không bao giờ chạm vào nhau được.

Người nàng phù hợp, là một người khác.

Phi Nhi ráng giữ cho hai mắt nàng khô ráo, nàng càng hiểu tấm chân tình sâu nặng của chàng dành cho nữ thần y, lòng nàng càng ngổn ngang trăm mối.

Giờ gió lại thổi to, Phi Nhi ngồi im nhìn vạt nắng chiều in lên đợt sóng buồn buồn.

Ánh mắt buồn của Phi Nhi làm Cửu Dương mủi lòng, chàng cởi áo khoác đang mặc ra, và không chờ sự đồng ý đắp lên vai Phi Nhi.

Phi Nhi ngước nhìn chàng với nụ cười, nói:
- Được rồi, nếu huynh không sợ giá lạnh, thì muội ở đây với huynh.

Một mình huynh u sầu, chi bằng có hai người phân chia nỗi u sầu của huynh!
Cửu Dương im lặng, không phải hôm nay chàng tới đây để tưởng nhớ người trong lòng.

Nhưng chàng biết dầu chàng có giải thích với người con gái bên cạnh chàng.

Nàng ấy cũng không về.

Cửu Dương biết Phi Nhi cũng như Phi Yến và Tiểu Tường một mực muốn ở bên chàng.

Nên chàng có khuyên thế nào nàng cũng không về.

Cả ba cô gái đều tốt với chàng.

Nhưng theo chàng chỉ có khổ, nếu ở bên người khác nhất định đã hạnh phúc hơn nhiều.

Phi Nhi ngồi một lúc nàng cúi xuống nhặt một nhành cây khô lên, dùng nhành cây viết mấy chữ trên cát:
Sáng sớm tinh mơ lạnh thấu xương
Góc phố thân quen nhớ người thương
Tết đến xuân sang ngồi cô độc
Nửa kiếp tha phương lắm đoạn trường
Khi này có tiếng chân người từ xa vọng lại, Phi Nhi nhanh chóng dùng chân xóa đi mấy dòng chữ trên cát.

Cửu Dương cũng giắt ống tiêu vào thắt lưng, đứng dậy cúi đầu hạ bái một người đàn ông khoảng năm mươi:
- Xin chào Nghiêm đại thúc! – Cửu Dương nói.

Người đàn ông đứng trước mặt Cửu Dương chỉ mới ngũ tuần nhưng râu tóc đã bạc trắng, ông ta mặc trường bào màu nâu sậm, áo khoác ngoài màu đen, hai tà áo dài bay phất phơ.

Ông ta cũng cúi đầu nhỏ tiếng chào Cửu Dương:

- Tham kiến thất đương gia.

Người này là Nghiêm Hồng Đạt.

Họ Nghiêm có gương mặt với hai bên góc hàm thon gọn, cằm không quá dài hay bành to, xương hàm và cằm tạo dáng tương tự hình bầu dục nhưng gương mặt không phải dài quá mức.

Đường nét thanh mảnh nhưng không quá sắc.

Mắt với tròng đen nhiều hơn tròng trắng.

Mũi cao vừa phải.

Khuôn miệng chữ Tứ, răng trắng và đều.

Họ Nghiêm chào Cửu Dương xong đánh mắt sang Phi Nhi, hỏi:
- Vị này là!
Phi Nhi bối rối trước ánh mắt đầy ý nhị của Nghiêm Hồng Đạt, nàng biết Nghiêm Hồng Đạt thấy nàng khoác áo khoác của Cửu Dương, tưởng nàng là ý trung nhân của chàng.

Phi Nhi cúi mặt lẩn tránh tia nhìn của Nghiêm Hồng Đạt, tự thẹn, nàng không như Phi Yến, gặp Phi Yến đã rất tự nhiên bái lễ Nghiêm Hồng Đạt rồi.

- Dạ, nàng ấy - Cửu Dương nói - Là người trong phân đà Tứ Xuyên.

Phi Nhi nghe giọng Cửu Dương bình thản như không, trong khi nàng bối rối cực độ vì sự hiểu lầm của Nghiêm Hồng Đạt, chàng lại bình thản vô cùng.

Sau khi hỏi thăm qua lại một lúc lâu, Nghiêm Hồng Đạt lấy một quyển sách cất trong tay áo ra trao cho Cửu Dương, nói:
- Bộ Văn Vận Phủ này, có tất cả là bảy quyển, hôm nay nhờ thất đương gia coi giúp một quyển, xin được sự chỉ dạy của thất đương gia.

Cửu Dương quay sang Phi Nhi, nói:
- Thời buổi này mà còn người yêu nước, dám bảo tồn tinh hoa của Hán văn, khiến vãn bối bọn chúng ta khâm phục, người vừa dũng cảm vừa có công đức, chỉ có Nghiêm đại thúc!
Nghiêm Hồng Đạt cười nói:
- Thất gia đừng nói vậy, xin cô nương cũng đừng tin.

Nghiêm Hồng Đạt tôi rất lấy làm xấu hổ.

Quyển một của bộ Văn Vận Phủ, thất gia xem xong tôi phải nhờ ngài biên soạn giúp cho, sau đó thơ cục của chúng tôi mới in ra bản chính thức.

Khắc bản in sách đáng lẽ phải tiến hành từ lâu rồi nhưng mấy năm nay thân thể tôi đa bệnh, nhãn lực lại kém, quyển này đã được những người tài giỏi nhất trong thơ cục chúng tôi biên tập, nhưng tôi vẫn không hài lòng.

Cửu Dương cầm quyển sách, nói:
- Hiện giờ bọn vãn bối đang chạy nạn, tiền bạc mang theo đã tiêu cả, chỉ còn nhờ vào thú rừng và cây trái trên núi dằn bụng.

Thật tình cảm thấy vô dụng, không trợ giúp được cho thơ cục đại thúc khoản ngân phí, cho phân đoạn khắc bản in sách.

Nhưng vãn bối sẽ xem quyển này rồi đưa ra góp ý trong vòng mười ngày tới đây.

- Không sao - Nghiêm Hồng Đạt cầm tay Cửu Dương nói bằng giọng cảm động - Có tiền ra tiền, có sức ra sức.

Thơ cục chúng tôi phải cám ơn thất gia mới đúng, bây giờ chúng tôi an tâm được phần nào rồi!
Cửu Dương hỏi:
- Nghiêm đại thúc chuẩn bị in thơ Tống, không biết có xếp đặt in thơ Đường chăng?  Những bài thơ của Đường Thái Tông biểu hiện trí huệ uyên thâm, ý chí khoáng đạt, đức độ nhân từ.

Đại thần Dương Sư Đạo dưới đời Đường có viết hai câu mà nghĩa phụ của vãn bối thường hay ngâm: “Sảng khí trường không tịnh, cao nhâm cốc tư khoan.

”  Sư phụ cũng hay nói phẩm chất dung dị, cao khiết của những bài thơ trong thời kỳ Trinh Quán đã ảnh hưởng sâu rộng đến các thế hệ sau này.

Nghiêm Hồng Đạt cười:
- Đúng là ý kiến văn hào thi sĩ giống nhau.

Tổng mục lục tất cả thơ Đường là nằm trong quyển hai của Văn Vận Phủ, tôi cũng đã mang tới đây.

Cửu Dương lại tiếp tục nhận xấp giấy dày cộm, đặt lên quyển sách vừa rồi.


Nghiêm Hồng Đạt nói:
- Thời kỳ Thịnh Đường Hoàng Kim đã xuất hiện nhiều nhà thơ vĩ đại, như thi tiên Lý Bạch, thi thánh Đỗ Phủ, cùng với Mạnh Hạo Nhiên và Vương Duy.

Các nhà thơ này nổi tiếng về thể loại thơ miêu tả phong cảnh tự nhiên.

Cửu Dương gật đầu:
- Vâng, còn có Cao Cát và Sầm Tam, cũng là những thi nhân của cuộc sống thôn dã, hay “Thi gia Phu tử” Vương Xương Linh, rồi những năm sau này có Bạch Cư Dị, là điển hình của thi ca sau thời kỳ Thịnh Đường.

Nghiêm Hồng Đạt nói:
- Những nhà thơ đời Đường cũng thường viết về nhân sinh, vạch trần những mặt đen tối của xã hội, biểu đạt sự mẫn nhuệ, dũng khí, trách nhiệm đối với dân tộc, cũng như nhãn quan tiên liệu và rộng lớn với những lý tưởng chủ đạo như Tế Thế, An Bang.

Những văn nhân đó đều là những thi tác bác đại, đúng là hùng hồn, đúng là thâm viễn, các bài thơ của họ siêu việt thời gian và trở thành đại biểu của tinh thần dân tộc chúng mình.

Cửu Dương gật đầu, đưa mắt nhìn xuống mặt sông, ngâm bốn câu thơ trong bài “Bỏ ta mà đi:”
- Câu hoài dật hưng tráng tư phi
Dục thướng thanh thiên lãm minh nguyệt
Trừu đao đoạn thủy thủy canh lưu
Cử bôi kiêu sầu sầu canh sầu
Nghiêm Hồng Đạt nghe bốn câu thơ của Lý Bạch, trong lòng sảng khoái, lại đọc hai câu thơ của Vương Duy viết trong bài “Ngắm sông từ xa” đáp trả:
- Giang lưu thiên địa
Ngoại sơn sắc hữu vô trung
Hai người một già, một trẻ, cùng nhìn nhau bật cười.

Nghiêm Hồng Đạt vừa cười vừa nói:
- Xin cám ơn Thất gia đã chịu xem hai quyển Đường thơ và Tống thơ, còn những quyển kia, khi ngài xong, tôi lại mang tới nữa.

Thất gia cũng biết rồi đó, triều đình ban chỉ cấm vận in ấn văn học Hán thất, phát hiệu Văn Tự Ngục, thành ra chúng tôi chỉ có thể xuất bản trong lén lút, nên không dám mời ngài đại giá quang lâm, rềnh ràng đến thơ cục ở Thạch Môn.

Bấy giờ thơ cục Thạch Môn tỉnh Tứ Xuyên là nhà xuất bản và phát hành sách lớn nhất ở Trung Nguyên vào thời vua Thuận Trị và những năm đầu đời vua Khang Hi.

Phi Nhi nhìn Cửu Dương, không ngờ chàng tài giỏi đến chừng này, ngay cả Nghiêm Hồng Đạt trong Thạch Môn cũng phải đích thân tới nhờ chàng.

Phi Nhi nghe Cửu Dương nói:
- Vãn bối rất lấy làm vinh hạnh vì Nghiêm đại thúc nghĩ vãn bối có đủ tư cách, vãn bối sẽ tận hết sức lực, biên tập hai quyển thơ này, hy vọng không làm Nghiêm thúc thất vọng.

Nghiêm Hồng Đạt khoát tay nói:
- Thất gia, xin đừng nói vậy, kiến thức của thất gia sâu như biển, tôi và những người trong Thạch Môn đã biết cả rồi, ngài thông thạo về văn thơ, nếu nói ngài đứng nhì ở Giang Nam không ai dám đứng nhất đâu, có ngài giúp sức thơ cục của chúng tôi, chúng tôi có hy vọng hoàn thành các bản in ấn, bằng không, sang năm cũng không kịp in sách.

Nói rồi Nghiêm Hồng Đạt bái chào Cửu Dương rồi quay đi.

Cửu Dương cùng Phi Nhi quay về khu trại của các cống sinh.

Trên đường đi, Phi Nhi vẫn còn dùng ánh mắt ngưỡng mộ nhìn Cửu Dương, rồi nàng nhìn xấp thơ Đường trong tay Cửu Dương, đôi mắt xinh đẹp của Phi Nhi sáng lên.

- Xin để muội giúp huynh – Phi Nhi nói – Được chăng?  Đối với Đường thi, muội đặc biệt thưởng thức, cả bộ Đường thi muội học thuộc một ngàn hai trăm bài, để muội thử sức xem, coi có giúp gì được cho huynh không?
Phi Nhi nói rồi thấy Cửu Dương dường như đang do dự, nàng níu tay áo chàng, hai mắt mở to, chớp chớp:
- Muội trên núi này suốt ngày ngoài chuyện luyện võ ra chẳng có gì làm, chi bằng nhân cơ hội này huynh cho muội một việc làm, được chăng?
Cửu Dương nhìn Phi Nhi, thấy mỗi khi cô gái này phấn khởi là đôi mắt có cái gì đó thuyết phục, mắt Phi Nhi mở to, như điều khiển kẻ nhìn vào đôi mắt nàng, tia nhìn của nàng, như không cho phép bất kỳ ai từ chối yêu cầu gì từ nàng.

Chàng cũng không thể chối từ, dễ dãi gật đầu.

- Đây là chuyện lớn trong giới văn học – Cửu Dương nói - Bất kể là ai có lòng, muốn được trải nghiệm cũng là việc tốt.

Phi Nhi nói:
- Vậy về việc xếp đặt thứ tự từng bài thơ Đường, huynh giao cho muội?
Phi Nhi nói rồi lại nhận được cái gật đầu từ Cửu Dương.

(còn tiếp).