Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Chương 40: Vi Kỳ Dị Học Nan Tinh Hạ






Thế là mọi người theo Phi Yến và Cửu Dương đi vào một quán rượu trong chợ.

Trong đám người đi coi náo nhiệt có một kẻ mặc áo xanh da trời, đầu đội chiếc nón rơm to vành, phủ thêm chiếc khăn sùm sụp màu trắng như tuyết che lấp khuôn mặt, lặng lẽ đứng nhìn vào quán rượu.

Tự khi Cửu Dương tiến vào chợ Hồ Lô thì người này đã theo dõi chàng rồi.

Phi Yến bảo một người đàn ông khoảng bốn mươi tuổi, ngũ quan cân đối, người gầy cao, vận đồ nâu, là chủ quán rượu tên Tứ Bình đem hết rượu trong quán mang ra.

Lát sau toàn thể rượu trong quán được tiểu nhị bưng ra, mùi thơm ngào ngạt dâng khắp nơi.

Phi Yến nhìn Cửu Dương cười nói:
- Để ta nói nguyên tắc của cuộc thi đố rượu này cho huynh nghe.

Cửu Dương im lặng lắng nghe, Phi Yến nói:
- Cuộc thách đố này là pha rượu, đoán tên, không phải uống rượu đâu.

Cửu Dương gật đầu, Phi Yến cầm ba cái li lên:
- Huynh đài có thể tùy tiện pha ba li rượu, mỗi li có thể dùng bao nhiêu thứ rượu cũng không sao hết, ta sẽ nếm qua rồi nói ra tên những loại rượu đã pha.

Huynh đài có câu hỏi gì không?
Cửu Dương lắc đầu, mấy năm quen biết Tiểu Tường, chàng cũng có kinh nghiệm pha rượu.

- Chủ quán à – Một người đứng sau Cửu Dương hỏi Tứ Bình - Có tấm bình phong không?
- Đúng rồi – Nghị Chánh cũng đã nghĩ qua việc này, cũng nhìn Tứ Bình, nói - Lấy bình phong ra che, để huynh ấy đứng phía sau.

Tứ Bình gật đầu, một lát sau bình phong được bưng ra.

Phi Yến vẫn giữ nguyên nét cười quay mặt đi.

Phi Nhi tiến lại gần Phi Yến dùng một tấm vải màu đen bịt đôi mắt Phi Yến.

Cửu Dương ở đằng sau tấm bình phong thoáng cau mày suy nghĩ một chút rồi cầm hai loại rượu lên, bắt đầu rót ra li.

Khi Hiểu Lạc mang rượu đến cho Phi Yến, Phi Yến tháo tấm vải đen che mắt, đôi mắt Phi Yến rất đẹp, lớn, nổi bật dưới hàng lông mi cong vút.

- Li rượu này – Phi Yến nói - Được pha từ hai loại Hồng Vân Tửu và Đào Tiên Đơn.

Hiểu Lạc quay lại nhìn Cửu Dương, nhận được cái gật đầu.

Nghị Chánh đứng ngoài bình phong giật mình.

Không thể thế này, Nghị Chánh lẩm bẩm, cô gái này đã uống một giọt rượu nào đâu?  Chàng cứ tưởng Tiểu Tường là người nếm rượu giỏi nhất thế gian, chẳng ai trên đời bì được Tiểu Tường, không ngờ có người chưa uống đã có thể ngửi biết là loại rượu gì!
- Đúng vậy không hở huynh đài? - Phi Yến hỏi, miệng cười như hoa nở.

Cửu Dương cũng như Nghị Chánh còn chưa hết ngỡ ngàng, hai loại rượu vừa rồi, mùi hương rất nhạt, nếu không nếm thử không thể phân biệt vị đắng của trái đào tiên và vị chua của men gạo.

Cửu Dương còn chưa pha tiếp li rượu thứ hai, Nghị Chánh nói:
- Để tôi.

Phi Yến cười dễ dãi, quay mặt đi.


Nghị Chánh đi ra đằng sau bình phong cầm mấy bầu rượu lên, một lát sau Hiểu Lạc mang rượu đến cho Phi Yến.

Nhưng Nghị Chánh cũng không lừa được cái lưỡi của Phi Yến.

Lần này Nghị Chánh ấm ức, nên trong li đã pha rất nhiều loại rượu nhưng Phi Yến chỉ cần nếm một chút đã trả lời được.

Phi Yến nói:
- Li rượu này được pha từ sáu loại rượu với dung lượng khác nhau, trong đó Lãnh Vân được rót nhiều hơn các loại rượu kia, các loại kia gồm Hải Mộc, Kim Sơn, Tích Dương, Đào Tam Phân, rồi sau cùng là Ngọc Linh.

Những người đứng trong quán rượu bất giác ngẩn ngơ.

Ngay cả Phi Nhi, dầu đã thừa biết tài thử rượu của Phi Yến cũng không khỏi gật đầu tán thưởng.

Phi Nhi thấy li rượu Hiểu Lạc mang lại, Phi Yến nếm một chút không uống nữa, nàng bèn cầm lấy uống một ngụm, còn đang nặn óc tìm xem những loại rượu nào mùi vị như vậy thì Phi Yến đã kể một lèo khiến nàng phục lăn.

Mọi người cũng phục lăn khi nghe Phi Yến tiếp:
- Rượu Lãnh Vân là danh tửu Hà Bắc, được chế tạo bằng gạo nếp cái hoa vàng.

Người ta trồng loại nếp này trên cánh đồng dưới chân Thái Hành Sơn.

Rượu này là lễ vật tri huyện Hà Bắc hay dâng đến kinh thành vào mỗi mùa xuân, và thường được ngự phòng sử dụng trong những buổi tiệc có nấm đông cô.

Lần này thì tai Hiểu Lạc ù như xay lúa, chờ mãi không thấy Nghị Chánh lên tiếng, nó đi ra phía sau tấm bình phong, giật giật tay áo Nghị Chánh.

Nghị Chánh hoàn hồn cúi mình xuống, Hiểu Lạc chỉ tay vào mấy chục vò rượu trên bàn:
– Sư bá à, sư cô ấy nói tên mấy loại rượu đó có đúng không vậy?
Nghị Chánh hít vào một hơi, lúc nãy chàng ấm ức nên cầm rất nhiều các vò rượu lên, không nhớ hết tên, Nghị Chánh hạ thấp giọng:
– Ta chỉ nhớ mỗi rượu Hải Mộc à.

– Con nghi lắm!
Hiểu Lạc nói với Nghị Chánh, rồi quay sang Cửu Dương, liếm môi hỏi Cửu Dương:
– Hồi nãy sư phụ có để ý nhìn thấy sư bá dùng những loại rượu nào không?  
Cửu Dương còn chưa trả lời, Hiểu Lạc nói:
– Sao hồi nãy sư bá không để mấy loại rượu đã pha sang một bên?
Nghị Chánh gãi gãi đầu ra vẻ có lỗi.

Phi Yến nói:
– Tiểu nữ biết mọi người nghi ngờ lời của tiểu nữ, nhưng thật sự thì bất kỳ người nào có tửu lượng tốt cũng sẽ nếm ra được một cách dễ dàng!
Nghị Chánh đường đường là một đấng nam tử, tuy tửu lượng không bằng Cửu Dương nhưng hằng tuần đều chén thù chén tạc với Tàu Chánh Khê, vậy mà bị một cô nương tuổi tác chưa quá đôi chín vơ đũa cả nắm, liệt chàng vào hạng “tửu bôi mít đặc” luôn.

Nghị Chánh tức sôi, nhưng chẳng biết cách nào chống chế, bèn khịt mũi chất vấn:
– Thế rượu Tích Dương và rượu Kim Sơn là rượu gì, cô tả thử coi?
Phi Yến chẳng bối rối mảy may, lim dim mắt nói:
- Rượu Tích Dương là loại rượu được chế biến bằng phương pháp ngâm lá Tích Dương với mật ong.

Còn rượu Kim Sơn là thứ rượu chỉ dùng gạo lứt nếp chiêm để nấu và đặc biệt là khi nấu thì không cần xay trắng mà chỉ xay lứt, nghĩa là lớp cám bọc bên ngoài hột gạo vẫn còn giữ lại.

Nghị Chánh nghe Phi Yến trả lời làu làu, chỉ biết nghệt mặt mà nhìn.

Nàng kể về rượu Tích Dương gì đó, chàng ngơ ngác đã đành.


Nhưng đến khi nàng mô tả cụ thể cái thứ gạo lứt đó, chàng không phải là người bếp núc nên càng hoang mang hơn nữa.

Nghị Chánh lại hỏi về rượu Hải Mộc, bụng bảo dạ cái này ta hay đến mua của quán Tiểu Tường lắm nên biết rành nhất đây, còn lâu mới lòe được ta!
Ngờ đâu Phi Yến nói:
- Rượu Hải Mộc có mùi vị thơm ngọt, vốn dĩ là món đặc sản của người tộc Hắc Mộc Na.

Rượu này được ngâm ủ từ trái Hải Mộc nên có màu nâu, óng sáng, trái này thường hay mọc đầy ở trên Thiên Sơn.

Cây ra hoa trắng, kết thành từng chùm trong mùa xuân và cho quả vào mùa thu khi khí trời chuyển lạnh.

Nghị Chánh gật gù cho là phải, sau đó hỏi tiếp về rượu Đào Tam Phân, lại được nghe giọng nói thánh thót như tiếng chim vang lên:
- Rượu Đào Tam Phân được ngâm từ trái đào tiên, cây này mọc ở núi Hy Mã Lạp.

Cây cho quả xanh, bên trong chứa đầy nhựa trắng, lá cây nhỏ bằng đồng xu và có màu xanh nhợt.

Cây ra hoa năm cánh màu hồng tía.

Nghị Chánh đứng nghe Phi Yến thao thao bất tuyệt, chân mỏi, đầu lại đau, cục tức thì bị nghẹn ngang cổ không trôi xuống được, bèn tức tối chất vấn tiếp:
– Thế còn rượu Ngọc Linh, cô nương thử tả…
Cửu Dương liền xua tay:
– Thôi khỏi tả nữa, bây giờ nghỉ một chút đi!
Phi Yến nhìn Cửu Dương:
– Huynh chịu thua mau vậy rồi à?
Hiểu Lạc níu tay Cửu Dương:
– Cuộc tỉ thí còn một li rượu nữa mà sư phụ!
Cửu Dương khoát tay:
– Li thứ ba để lát nữa pha tiếp, bây giờ ta phải! đi nhà sau một chút!
Dứt lời không để ai hỏi tới hỏi lui thêm câu nào nữa, Cửu Dương cầm tay Nghị Chánh lôi tuột ra khỏi tấm bình phong, đi xuyên rèm ra phía nhà sau.

Vừa qua khỏi tấm rèm che căn nhà trước với khoảnh sân nhà sau, Nghị Chánh đã thắc mắc ngay:
– Bộ huynh bị đau bụng thiệt hả?
– Đau đâu mà đau!
Cửu Dương nhe hàm răng trắng bóng ra cười:
– Đó là huynh đây phịa ra thôi!
– Phịa ra? – Nghị Chánh trố mắt – Sao lại phịa ra?
Cửu Dương thở dài:
– Chứ ở lại làm gì?  Ở lại để thua cho sớm à?  Để huynh đây dùng thời gian này suy nghĩ một chút đã.

– Ờ há - Nghị Chánh gật gù.

Hai người đi vào nhà sau, nhưng Cửu Dương chỉ đứng đăm chiêu suy nghĩ, rồi nghĩ suy, lát hồi bế tắc vẫn hoài bế tắc.

Nghị Chánh ở căn nhà xí kế bên nói:
- Cô gái đó so với Lâm đại tiểu thư và nữ thần y thật là một trời một vực.

Huynh còn nhớ chuyện sinh thần của Tiểu Tường năm trước không?
Nói xong dùng chỏ hích vào tấm vách ngăn hai căn nhà xí.


Cửu Dương nói:
- Làm sao mà quên cho được.

Đúng là tửu lượng của Lâm Tố Đình và nữ thần y thật kém.

Nghị Chánh nói làm Cửu Dương nhớ tới năm ngoái, lần sinh thần Tiểu Tường.

Lúc đó chàng, Nghị Chánh, nữ thần y và Lâm Tố Đình mời Tiểu Tường đến Hắc Viện chơi.

Nữ thần y và Lâm Tố Đình uống mấy li đã say.

Khi tiệc tàn, mọi người tiễn Tiểu Tường về, sau đó quay trở về nhà, lúc đi đến Tây hồ, Lâm Tố Đình chỉ trên cao nói:
- Đẹp thật, nhìn mặt trời sáng chưa kìa!
- Sai bét! – Nghị Chánh cười - Đó là mặt trăng!
Lâm Tố Đình lên giọng:
- Mặt trăng đâu mà mặt trăng.

Huynh ngu bỏ xừ!
Nghị Chánh bị chê tối tăm mày mặt, tức mình chỉ tay vào trán Lâm Tố Đình cãi:
- Huynh mà ngu?  Trời đang tối mịt, có muội bảo là mặt trời mới ngu!
Hai người cãi nhau cho đến khi không chịu được nữa, Lâm Tố Đình quay sang nữ thần y khi này đi lảo đảo bên cạnh Cửu Dương, Lâm Tố Đình hỏi nữ thần y:
- Này muội, hãy nói xem cái vật đang chiếu sáng trên kia là mặt trời hay mặt trăng?
Nữ thần y cau mày nhìn lên trời chăm chú, lát hồi quay sang lỏn lẻn hỏi Cửu Dương:
- Thiên Văn này, Đình tỉ đang hỏi cái bên trái hay bên phải đây?
Bợm nhậu đi đến cầu Tây Lâm, say bí tỉ bèn dừng lại không đặt chân lên cầu, sau hồi Lâm Tố Đình nhìn cây cầu la lên:
- Thôi chết!  Cầu có một bây giờ thành hai rồi!  Phải làm sao giờ?
Đoạn nàng quay sang Cửu Dương, lo âu hỏi chàng:
- Giờ sao đây thất ca?  Rủi mà bước nhầm cái cầu "ảo" là ngủm luôn!
Nữ thần y khôn vặt:
- Có lẽ là vì hồi nãy chúng ta chỉ làm có một chầu rượu với Tiểu Tường nên một cầu mới thành hai.

Hay là bây giờ chúng ta đến quán Tiểu Tường làm thêm một chầu nữa bảo đảm một cầu biến thành ba rồi tụi mình qua cái giữa là chắc ăn!
Cửu Dương nhớ lại lời của nữ thần y, chàng mỉm cười.

Cửu Dương và Nghị Chánh ra khỏi hai căn nhà xí, đi lòng vòng trong khoảnh sân trước nhà bếp.

- Khi nãy cô nương áo hồng đó – Nghị Chánh ám chỉ Phi Yến – Nói ra nguyên liệu những thứ rượu thật tình cô ấy am hiểu về rượu rất nhiều nhưng không biết có hơn được Tiểu Tường hay không?
Cửu Dương không trả lời Nghị Chánh, chàng đang đi, bỗng chạy vào góc bếp chỉ vào một vật, miệng reo lên:
- Đây rồi, đây rồi, chính là nhà ngươi rồi, thứ ta đang cần!
Nghị Chánh giương mắt ếch:
- Cái này cũng được sao?
Cửu Dương phẩy ống tay áo, nói chắc như đinh đóng cột:
- Tới nước này không được cũng phải thử một phen xem sao!
- Dầu gì cũng thảm bại hạ phong – Nghị Chánh thở dài có vẻ không tin - Bây giờ chỉ còn trông cậy vào hiệp cuối cùng này thôi.

Đoạn chàng ngoắt một người đang lau chùi trong nhà bếp.

Cửu Dương và Nghị Chánh vén rèm đi từ nhà sau ra.

Nghị Chánh đi sau Cửu Dương, tay bưng một cái hũ, miếng vải đỏ hãy còn bịt kín trên miệng hũ chưa khui ra.

Đám đông vẫn còn háo hức chờ đợi.

Trong khi chờ đợi, bọn họ cũng khui rượu.

Đêm đó quán rượu bỗng dưng đông khách nườm nượp, đúng là tiền vô như nước.

Cửu Dương bảo Nghị Chánh khui cái hũ, rót chất lỏng trong vắt vào một cái li nhỏ.


Tứ Bình chạy lại nói nhỏ vào tai Cửu Dương:
- Vị khách này, rõ ràng lão đây đã cho người mang hết rượu trong quán này ra rồi mà, sau bếp làm gì còn hũ rượu nào, huynh lấy đâu ra vậy?
Cửu Dương háy mắt một cái.

Tứ Bình hiểu ý lui ra.

Nghị Chánh không sai Hiểu Lạc mà chàng đích thân mang li lại nói với Phi Yến:
- Loại rượu đặc biệt này, bảo đảm cô nương không thể nào đoán ra được đâu!
Phi Yến bĩu môi, cầm cái li, nâng lên ngửi một cái, phát hiện rượu này không có mùi buộc nàng phải nếm thử một ngụm.

Phi Yến lại nếm thêm một ngụm nữa, cho tới khi nàng uống hết li rượu, đám đông vẫn không nghe nàng nói nguyên liệu trong li.

Lại nữa cặp chân mày Phi Yến chau lại, rõ là đang suy nghĩ rất sâu.

- Thế nào?  Rượu này uống vào cảm giác thật là mát mẻ dễ chịu phải không? – Nghị Chánh nói.

Phi Yến im lặng.

Hiểu Lạc vỗ tay bôm bốp:
- Con đã nói mà, bất kỳ người nào gặp sư phụ con cũng phải chịu thua!
Phi Yến chạy lại bên Cửu Dương, miệng hỏi vồn vập:
- Ta thua đó, huynh nói đi, đó là thứ rượu gì thế?
Cửu Dương nở một nụ cười toàn thắng, đoạn định rời đi.

Phi Yến vòng ra phía trước chắn đường chàng:
- Khoan đã, huynh không thể đi, huynh hãy cho ta biết loại rượu đó được cất từ những nguyên liệu gì đi!
- Chúng tôi e rằng phải thất lễ - Nghị Chánh ỡm ờ nói - Không thể tiết lộ với cô vì đó là thứ rượu gia truyền của chúng tôi.

- Nói cho ta biết đi mà – Phi Yến vẫn không dịch chuyển, lại nữa trì kéo tay áo Cửu Dương lại.

Nghị Chánh vẫn một mực lắc đầu:
- Huynh đừng nói.

Phi Yến kề tai Cửu Dương, nói:
- Nói nhỏ nhỏ cũng được.

Sự láu cá của cô gái khiến Cửu Dương buồn cười.

- Đã nói thì lớn nhỏ gì cũng thế thôi! - Nghị Chánh nói.

Phi Yến còn đang ngúng nguẩy ra chiều giận dỗi, thì khi này từ trong đám đông bỗng có một người cất cao giọng hô:
- Nguyên liệu gì, là nước lã chứ có phải rượu gì!
Đám đông quay nhìn người mặc áo xanh da trời vừa mới thốt lên lời này.

Người đó chậm rãi gỡ nón rơm rộng vành xuống, bước lại gần Cửu Dương.

Nghị Chánh cũng kịp nhìn thấy Tiểu Tường, tự nhủ: “trên đời có lẽ chỉ có nàng là hiểu Cửu Dương.

”  Trong lòng Nghị Chánh lại càng cảm thấy tội nghiệp Tiểu Tường.

Phi Nhi nhìn từ đầu tới chân Tiểu Tường.

Cửu Dương đi rồi, Phi Yến hãy còn kêu lên thảng thốt:
- Nước lã?  Là nước lã thật sao?
Rồi nàng bưng cái vò chứa toàn nước lã, uống một ngụm nói:
- Đúng là nước lã thật tuyệt diệu!  Từ lâu, ta đã quen lấy rượu để làm giảm cơn khát, nên đã quên vị của nước ra sao, không ngờ nó lại có vị thanh khiết tuyệt vời đến vậy!.