Lặng nhìn thế sự lòng lơ đãng
Thiên giới thân tâm cõi an nhàn
Một tràng chiêng vang lên, Nghị Chánh hướng mắt lên chờ nghe nói về Giang Nam Thất Hiệp.
Nhưng Phi Yến chưa mở miệng, thì một nữ khách nhân lên tiếng hỏi:
- Không biết thất đương gia ngài ấy dáng mạo có kiệt xuất như lời đồn thổi hay không?
Nghị Chánh nhìn cô gái tuổi khoảng đôi tám, khuôn mặt đầy đặn trông cũng dễ nhìn, nàng ta vừa nói vừa che miệng cười.
- Có – Phi Yến nói – Y rất phong nhã, lại nữa, trí tuệ vô cùng cao siêu, so với Gia Cát Lượng thì không thua kém bao nhiêu cho nên cái biệt danh Gia Cát Tái Lai chính là vì đó mà ra.
- Thế trong bảy người đương gia người nào giỏi võ công nhất đây? - Trung niên mặt nhỏ hỏi.
Phi Nhi nói:
- Câu trả lời có trong Binh Khí Phổ ấy, trận tỉ võ của các đương gia, để ta kể mọi người nghe.
Nàng kể:
- Đại đương gia sử Thiếc Đầu Lôi, nhị đương gia dùng đòn tay nên gọi là Nam Hiệp Thần Quyền, tam đương gia sử Phục Y kiếm, tứ đương gia và lục đương gia có biệt danh Xạ Tiễn Cung Lôi Thủ, ngũ đương gia sử đơn đao, thất đương gia dùng một cây quạt trắng làm binh khí.
Khách nhân gật gù, Phi Nhi nói xong không nói gì thêm, các khách nhân giục:
- Rồi trong họ ai đánh hơn ai?
- Nói nhanh lên, ta rất thích nghe về các nhân vật này!
- Vậy thì tốt quá! – Phi Nhi dùng dùi đánh vào chiêng phát một tiếng “keng” rồi nói – Lão đây cũng rất thích kể chuyện về bảy người Giang Nam Thất Hiệp!
- Riêng tôi chỉ thích nghe về chuyện của vị minh mẫn nhất trong bảy người Giang Nam Thất Hiệp.
Một giọng nói nhỏ nhẻ, đoán phải là của một vị cô nương.
Lại thêm một người muốn biết về Cửu Dương, Nghị Chánh nghe cô gái nói vậy lia mắt nhìn sang Cửu Dương nhưng thấy Cửu Dương trước sau vẫn ngồi liền tù tì uống rượu, mặc kệ không lý đến.
Nghị Chánh không khỏi cười thầm.
Phi Yến cũng cười tít mắt, nói:
- Đương nhiên nội tổ ta sẽ kể về hắn, nhưng trước hết, mọi người nghe nội tổ nói về võ công của sáu người đương gia kia trước đã.
Phi Yến dứt lời, “nội tổ” nàng là Phi Nhi nói:
- Mọi người nên biết, thanh đao của ngũ đương gia đã được chọn từ các loại sắt tinh tuý, đúc kết mà thành, nhưng không phải chỉ đơn giản như vậy, mà sau đó nó còn được trui rèn suốt năm năm mới hoàn chỉnh, có thể nói, nó là một trong những loại binh khí tối độc nhất trong giới võ lâm ngày nay.
Rồi Phi Nhi giả làm Tàu Chánh Khê, phóng lại trước mặt Phi Yến, sử cây đao cong đâm thẳng vào phần hạ bộ của em gái.
Phi Yến vờ làm Tôn Hứa Khải, cũng làm động tác tuốt Phục Y kiếm đang đeo quanh hông nàng ra đỡ một chiêu.
Nhưng Phục Y kiếm của Phi Yến chỉ là một sợi dây thắt lưng, mọi người thấy vậy cười vang.
Phi Nhi đánh chiêu đầu tiên chạm vào sợi dây lưng, rồi lại thu đao, sau đó giơ đao lên, khua một vòng trên đầu, trước khi quét mũi đao hướng về mặt Phi Yến.
Phi Yến lại vung sợi dây lưng lên đánh trả.
Nhưng lần này, Phi Nhi chỉ đánh ra hư chiêu, nàng dùng tay không cầm đao, vỗ đánh mạnh vào hạ bộ Phi Yến.
Đấy chính là một trong những chiêu thức quen thuộc của Tàu Chánh Khê, đao pháp và đòn tay phối hợp trên dưới với nhau có tên Thái Cực Đồ Đao.
Nghị Chánh mở to mắt xem Phi Yến sẽ tránh né ra sao, không ngờ tránh cũng rất nhanh, rõ ràng là đang dốc hết tinh thần đỡ nhát đao, vậy mà, khi tay Phi Nhi gần vỗ vào bụng, thì đột nhiên Phi Yến đưa tay không cầm sợi dây, điểm vào huyệt “chi câu” trên tay chị gái, thế là phá được thế công từ Phi Nhi.
Tiếng vỗ tay vang lên rào rào.
Phi Nhi nhìn Phi Yến nói:
- Tam ca, người ta thường nói ra ngõ gặp anh hùng, công phu của tam ca thật là tuyệt.
Ngũ đệ bị thua rồi!
Nghị Chánh thấy hai “ông cháu” diễn tả trận tỉ thí võ công giữa Tàu Chánh Khê và Tôn Hứa Khải khá là vui nhộn, cũng vỗ tay khen hay.
Đúng là võ công Tôn Hứa Khải trên Tàu Chánh Khê, đương nhiên là Tôn Hứa Khải không đả bại Tàu Chánh Khê chỉ bằng với hai chiêu.
Sau khi Phi Nhi nói câu cam bái hạ phong xong lại giả làm Khẩu Tâm.
- Hôm nay – Phi Nhi nói với Phi Yến - Thần khí của tam đệ thật là tốt, mà cũng lâu lắm rồi mấy huynh đệ chúng mình không luyện võ với nhau, vậy huynh xin thọ giáo vài chiêu với tam đệ, được chăng?.
Truyện Huyền Huyễn
Phi Yến gật đầu.
Phi Nhi nói:
- Hảo! Vậy đại ca không khách sáo!
Các khách nhân thấy nhân vật tiếp theo là đại đương gia, trong lòng phấn khởi, có người còn rời ghế đứng lên nói:
- Đại đương gia là đại ca chắc là võ công hơn tam đương gia!
Phi Nhi không trả lời, đứng thẳng người lên, ưỡn ngực để có tướng tá dềnh dàng như Khẩu Tâm, sau đó vung hai tay ra hai bên, phát ra tiếng quất vùn vụt như hai ngọn roi da.
Nghị Chánh thấy Phi Nhi đang diễn chiêu thức Độc Lư Hương.
Phi Nhi dùng đòn tay xuất thủ không nhanh bằng Khẩu Tâm, khí lực cũng không mạnh bằng Khẩu Tâm, Nghị Chánh tự nhủ, vì mỗi lần Khẩu Tâm xuất Độc Lư Hương, tiếng xé gió phát ra, nghe liên tiếp nhau như tiếng mưa.
Khẩu Tâm có thân hình rất to, cho nên khi chàng đi thủ pháp này chàng dùng đôi chân và thân mình của chàng mô phỏng hoàn hảo thần thái của chiếc lư hương.
Hai tay Khẩu Tâm cũng to, và dài ngoằng, được Khẩu Tâm sử như hai cây thương để đi thủ pháp Độc Lư Hương, thể hiện sự vững chắc, liền mạch, từng chiêu thức kín đáo khi phòng thủ, thần tốc và bất ngờ khi tấn công.
Phi Yến vẫn khua sợi dây lưng trong tay đảo trái đảo phải cản đòn tay của tỉ tỉ.
Nhưng lần này Phi Nhi giả làm Khẩu Tâm, một người lợi về chiêu thức và sức mạnh, hơn Tôn Hứa Khải một bậc nên Phi Yến thoái lùi liên tục.
Mọi người bị cuốn vào vở kịch đến nỗi tỏ vẻ lo ngại cho Phi Yến, vì thần sắc trên mặt nàng bất ổn, còn Phi Nhi thì vẫn ổn định, khí lực vẫn đầy đủ, thân pháp cùng bộ pháp hoàn toàn không chậm lại.
Hai người đánh được đến hai mươi mốt chiêu, trong một lần Phi Nhi xuất đòn tay, la lớn lên, tiếng la như tiếng gió lồng vào ống tay áo vang lên gấp rút, để mô tả cái khí thế giống như núi lở của Khẩu Tâm.
Phi Yến hô lên:
- Mãng Xà Thần Kiếm!
Nghị Chánh biết Phi Yến sắp sử một trong hai tuyệt kỹ kiếm pháp của Tôn Hứa Khải, kiếm pháp này, khi Tôn Hứa Khải đảo kiếm thì thân kiếm sẽ khúc xạ ánh mặt trời hoặc là ánh đèn, phát ra tia sáng uốn lượn như một con bạch xà.
Kiếm phong từ mũi kiếm sẽ vọt ra, bay về phía địch nhân, kiếm chiêu nửa hư nửa thật, tưởng là thật mà lại là hư, tưởng là hư nhưng lại thật.
Khi Khẩu Tâm thấy Tôn Hứa Khải sử chiêu này, Nghị Chánh nhớ Khẩu Tâm đã tiếp chiêu bằng cách vạch Thiếc Đầu Lôi được xếp lại như một bát quái đồ trong ngực áo ra.
Khẩu Tâm nhanh tay vạch ngực áo ra, thế là Thiếc Đầu Lôi như một tấm gương phản chiếu quầng kim quang phát ra từ thanh kiếm, làm chớp lên những tia bạch quang của trường kiếm.
Kiếm chiêu của Tôn Hứa Khải vì vậy mà đi lệch hướng, không trúng mục tiêu nữa.
Khẩu Tâm cũng vì vậy mà tránh được tuyệt kỹ kiếm pháp của Tôn Hứa Khải.
Rồi nhân lúc Tôn Hứa Khải còn chưa tiếp chiêu, Khẩu Tâm tung mình nhảy lên, đánh một chưởng xuống đỉnh đầu Tôn Hứa Khải.
Tôn Hứa Khải không kịp biến chiêu, chỉ còn cách dùng tay không cầm kiếm tung chưởng đánh ra.
Tay trái Tôn Hứa Khải đón tiếp phát chưởng của Khẩu Tâm, còn tay phải cầm kiếm đâm xuống đất để giữ thế.
Hai bàn tay gặp nhau nghe bùng một tiếng.
Tôn Hứa Khải không đứng vững phải khụy xuống đất.
Lúc này Phi Nhi trèo lên bàn dùng tay ấn xuống tay Phi Yến, hai bên duy trì như thế một lúc.
Khí lực của Phi Nhi mạnh hơn, lại có thế đè từ trên xuống nên hai chân Phi Yến cứ dần dần khụy xuống đất.
Khách nhân không hẹn mà cùng vỗ tay hoan hô.
Phi Nhi trèo xuống đất, làm động tác thu nội công về.
- Sát Thủ Thiếc Đầu Lôi đúng là danh bất hư truyền! – Phi Yến chắp hai tay lên tiếng tán dương - Đệ chịu thua rồi!
- Thế đại đương gia chẳng cần Thiếc Đầu Lôi, đã đả bại được tam đương gia ư? - Một khách nhân lên tiếng hỏi.
Phi Nhi gật đầu.
Nghị Chánh cũng gật gù, đúng là võ công của Khẩu Tâm, chỉ cần hai tay, đã thừa sức áp đảo được Nghĩa Đảm Kiếm Khách Tôn Hứa Khải, chẳng cần dùng tới Thiếc Đầu Lôi.
Người tiếp theo, Nghị Chánh thấy Phi Yến diễn tả là Tần Thiên Nhân.
Phi Nhi nói:
- Tổng đà chủ ưa khen đệ thông minh, võ công lại cao, huynh cũng muốn xem xem, mấy năm nay đệ không ở tổng đà đã cùng bà đi giang hồ học thêm được những gì?
Nói rồi phát chiêu đánh ngay.
Phi Yến giả làm Tần Thiên Nhân, nhưng không vội vã xuất chiêu đánh trả.
Khách nhân vẫn tưởng Tần Thiên Nhân cả nể nên chỉ phòng thủ chứ chẳng chịu tấn công, sốt ruột hô lên:
- Nhị đương gia đừng nhường nữa, ngài đánh lại đi!
- Phải rồi đánh lại đi, không cần phải cả nể vì người đó là đại ca đâu!
Phi Nhi lại vung tay, miệng hô:
- Tam Thập Lục Quyền, tiếp chiêu!
Phi Yến vẫn nhường chị gái, tuy những thế đánh của Phi Nhi rất hung mãnh bắt buộc Phi Yến phải lui nhưng bộ tấn của Phi Yến rất vững, khiến Phi Nhi cứ đánh mà vẫn không thể nào bắt xê dịch được.
Bao nhiêu quyền, chưởng, Phi Nhi đánh ra đều bật ngược trở lại, chẳng khác gì đập vào thỏi sắt, bấy giờ mọi người mới ồ lên, nhớ ra Tần Thiên Nhân nổi danh trong giang hồ là một cao thủ đòn quyền.
Sang chiêu năm mươi lăm, Phi Yến mới vung tay đánh trả.
Nàng cũng sử dụng những đòn tay cũng như chị gái nhưng thế thức động tác ngắn nhỏ tinh vi hơn, phát kình cũng nhanh, quyền pháp vì vậy dày đặc hơn.
Các khách nhân vỗ tay rào rào.
Hiểu Lạc cũng vỗ tay khi nó thấy Phi Yến diễn được cái thế đánh nhanh và gọn của Tần Thiên Nhân, khi Tần Thiên Nhân đánh, đặc điểm là động tác chỉ một “khí,” nghĩa là một lần hít thở, là thành quyền, y như câu “quyền ngạn phiên tử nhất quải tiên.
”
Phi Nhi cho tay vào ngực áo nàng, mọi người đều biết nàng đang chuẩn bị lấy Thiếc Đầu Lôi ra, vô cùng hồi hộp.
Phi Yến liền hô lớn “Tỏa Chỉ Công,” rồi dùng hai tay bấu vào cổ tay tỉ tỉ.
Tỏa Chỉ Công là chiêu thứ hai mươi hai trong bộ Hổ Hạc Song Hình Quyền của Thiếu Lâm, khi Tần Thiên Nhân sử chiêu này, là ngăn được Khẩu Tâm lấy Thiếc Đầu Lôi ra.
- Hay!
- Hay!
- Rất hay!
Mọi người vỗ tay hoan hô.
Phi Nhi và Phi Yến dừng lại một chút, nâng vạt áo lên lau mồ hôi trên mặt.
Phi Nhi nói:
- Nhị đệ, võ công thật lợi hại.
Phi Yến chắp tay cung kính, nói:
- Cũng là đại ca nhường đệ.
Rồi Phi Yến diễn tiếp trận tỉ võ, lần này nàng nói:
- Các vị hãy nhìn cây quạt này.
Phi Yến rút trong ngực áo ra một cây quạt xếp.
– Nan quạt chẳng phải là một thứ thép bình thường – Nàng nói - Mà bất cứ thợ rèn nào trong vòng đôi ba giờ cũng làm thành, trong quyển phẩm bình vũ khí trong thiên hạ, Lộ Thần tiên sinh viết: “Phi đao của Long Thiên Hổ rất sắc bén, liệt vào hàng thứ nhất, nhưng cây quạt của thất đương gia, đem so với phi đao của Võ Ma cũng sắc bén không kém.
” Bởi vậy mới nói trận đánh giữa hai truyền nhân của Võ Ma và Võ Thánh e là không thể tránh khỏi được.
- Ý của ngươi là – Thanh niên áo xám viền đen ngắt lời Phi Yến – Thất đương gia có thể đả bại nhị đương gia à? Ta cứ tưởng Nam Hiệp Thần Quyền là đệ nhất phương Nam chứ?
- Đúng rồi, tuyệt kỹ của nhị đương gia, Thiên Thủ Quyền không phải là thứ võ công duy nhất có thể đấu lại Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao sao?
Trung niên mặt nhỏ nói.
Phi Yến thảy cây quạt cho chị gái cầm giữ, lại lấy từ trong áo ra một cây tiêu, ngó vào lỗ thổi trên thân tiêu nói chầm chậm:
- Nói thật, cái đó là do ta đoán, ta chưa từng thấy thất đương gia ngài ấy tỉ thí với các đương gia.
Khi các đương gia tỉ thí võ công, ta nghe nói thất đương gia chỉ đứng bên thổi tiêu trợ lực cho các đương gia.
Nghị Chánh gật gù quay sang Cửu Dương.
Đúng là khi các đương gia so tài cao thấp với nhau, Cửu Dương thường đứng dưới cây bồ đề cạnh một hình rơm thổi tiêu.
Cho nên ngoài Giác Viễn ra, thì Nghị Chánh và các đương gia, thậm chí Cửu Nạn cũng không biết rõ võ công Cửu Dương tiến triển tới mức độ nào? Những người trong hội không biết, thì đương nhiên Lộ Thần, người viết Binh Khí Phổ càng không biết.
Thông thường, khi các đương gia tỉ võ, một chân Cửu Dương đạp lên tảng đá dưới hình nộm rơm, hai vạt áo dài màu trắng của chàng theo gió bay lên, mắt chàng trông theo hướng Tây, động tác nhuần nhuyễn, âm thanh êm dịu, tiếng tiêu của Cửu Dương vang xa nghe du dương tao nhã.
Tiêu của Cửu Dương là tiêu chín khúc, được làm bằng tre, loại tiêu chín khúc này là quý nhất trong các loại tiêu.
Nghị Chánh nhớ lúc Tôn Hứa Khải đánh nhau với Tàu Chánh Khê, chàng đứng xem trận tỉ võ, tai thì nghe Cửu Dương thổi bài Đào Xuân Hoa.
Trong đó có hai câu Nghị Chánh rất thích: “Thùy gia ngọc địch ám phi thanh, tán nhập xuân phong mãn Lạc thành.
” Nghĩa là tiếng tiêu ngọc nhà ai thoảng đưa tới, hòa trong gió xuân bay khắp thành Lạc Dương.
Khi Tàu Chánh Khê cử đao lên quay một vòng trên đầu, Cửu Dương thổi đoạn hoa đào bị cuốn xoay tròn trong cơn gió lốc, tiếng tiêu vang lên cao hơn, nhịp cũng gần hơn.
Tôn Hứa Khải sử Mãnh Xà Thần Kiếm, ánh sáng trắng chiếu ra, Cửu Dương thổi sang bài Bạch Phát Tiên.
Tần Thiên Nhân đấu quyền với Khẩu Tâm, âm thanh của tiếng tiêu Cửu Dương đang êm ái mơ hồ bỗng cũng đổi điệu cao bổng lên đầy vẻ sát phạt tựa hồ như có tuyết lở trên đỉnh Thiên Sơn, như thiên binh vạn mã đang ầm ầm kéo đến.
Cửu Dương biết rất nhiều bài nhưng có năm bài ruột, một là Đào Xuân Hoa, hai là Long Phụng Ngâm, ba là Bi Đao Ca, bốn là Đại Thiên Sơn, năm là Bạch Phát Tiên.
Bài thì khẳng khái kịch liệt, bài thì uyển chuyển triền miên, bài nào cũng có chỗ hay riêng biệt.
Hiểu Lạc cũng nghe nhắc tới tiếng tiêu của Cửu Dương, tự nhiên nó cũng muốn nghe chàng thổi tiêu, cả năm bài tiêu tấu trỗi lên từ đầu đến cuối một lần.
Tiếng tiêu thanh thoát thấu suốt tầng mây, phủ khắp bốn phương.
.