Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Chương 112: Cử Hành Hôn Lễ Thượng






Mình ta bầu rượu nhìn nhau cạn
Giật mình gà gáy ánh đông sang
Trước giờ Ngọ khoảng một khắc, Tần Thiên Nhân đi vào lều Hồ Quảng Đông những tưởng sẽ chỉ có Hồ Quảng Đông và Vạn Văn Thông trong lều nhưng lại thấy đầy đủ tất cả mọi người.

- Ngày vui của thiếu đà chủ - Hồ Quảng Đông nói - Nên lão báo cho mọi người đến dự lễ.

Nhất Đình Phong xoa xoa tay nói:
- Chúng tôi đã phân chia nhiệm vụ cả rồi.

Lạc huynh là người bưng trà.

Trần huynh, ngũ đương gia, tam đương gia, đại đương gia đi đến lều tân nương vờ làm kiệu phu, phiền Trần huynh và ba vị đương gia đi lom khom cho giống tướng kiệu phu, tiếc là trong trại lính không có kiệu.

Vạn tiền bối là đại diện nhà trai, ngồi chỗ này.

Hồ tiền bối đại diện nhà gái, ngồi chỗ này.

Chúng tôi không tìm ra bao lì xì nên dùng tạm hai thỏi vàng, quà cưới thì mọi người tạm thời nợ thiếu đà chủ và tân nương tử, sau này thiếu đà chủ và phu nhân sinh con thì mỗi người tặng gấp đôi vậy.

Thiếu đà chủ thấy như vậy có được hay không?
Nhất Đình Phong quên nói nhiệm vụ của chàng cũng là người bưng trà, chàng nói xong, chạy lại chỗ bàn trà phủi phủi hai tấm đệm để một lát Tần Thiên Nhân và nữ thần y quỳ, lại vuốt hai tấm thảm mà Hồ Quảng Đông và Vạn Văn Thông sẽ ngồi cho ngay ngắn.

Mọi người thấy Nhất Đình Phong luýnh quýnh song rất nhiệt tình, ai cũng đều không nỡ cười.

Tần Thiên Nhân nghĩ đến chuyện sắp được kết hôn với người trong mộng của chàng, hồn phách bay đi đâu mất hết, thật sự hồ đồ.

Chàng nghe Nhất Đình Phong phân phó nhiệm vụ cho mọi người mà chỉ biết mỉm cười, không nói được lời nào.


Khẩu Tâm lắc đầu:
- Không được, hồi trước, thiếu đà chủ là nhị đệ của bần tăng, quyền huynh thế phụ, vậy bần tăng phải có vai trò chủ hôn.

Nhà gái thì do Hồ tiền bối làm chủ hôn, vì tiền bối là bạn tâm giao của Bảo thần y, chuyện đó thì rõ rồi.

Nhưng còn nhà trai, người chủ hôn đương nhiên phải là bần tăng, còn Vạn tiền bối làm bà mai.

Vạn Văn Thông đấm một cái lên vai Khẩu Tâm nói:
- Sao lại bảo lão phu làm bà mai?  Lão phải làm chủ hôn, đại đương gia mới làm bà mai.

Tôn Hứa Khải nói:
- Tối qua vãn bối đã nhờ Lâm đại tiểu thư làm bà mai rồi.

Vạn Văn Thông và Khẩu Tâm đồng ý Lâm Tố Đình thích hợp để làm bà mai, nhưng còn người chủ hôn cho nhà trai, hai người cãi qua cãi lại.

Vạn Văn Thông nói Khẩu Tâm là trù trì của Thanh Tịnh tự, cho nên bên họ nhà trai dĩ nhiên phải do mình đứng ra chủ hôn, chứ một vị đại sư đứng ra làm chủ hôn coi làm sao mà được!
Hằng ngày, Khẩu Tâm rất kiệm lời, thế mà hôm nay lại không chịu thua Vạn Văn Thông, cứ nói chàng phải làm chủ hôn, hai bên không ai nhường ai khiến mọi người cười xòa.

Mãi cho đến khi Tần Thiên Nhân hoàn hồn, nói buổi lễ còn thiếu một vai trò mọi người mới nhớ lại rằng vẫn chưa có ai lo việc xướng lễ.

Giờ Ngọ tới, Khẩu Tâm đứng ngoài cửa lều hô lớn:
- Kiệu đã tới ngoài ngõ, mời tân lang ra rước tân nương tử!
Tần Thiên Nhân bước ra thấy Trần Tử Sang, Tàu Chánh Khê, Tôn Hứa Khải đi trước, Lâm Tố Đình dìu nữ thần y đi phía sau.

Vậy là kiệu hoa chỉ có ba người “khiêng,” thiếu mất một “chân,” tuy có phần hơi thô thiển “một chút” không giống như điều chàng đã hứa với nữ thần y khi còn nhỏ nhưng gương mặt nàng vẫn tươi cười vui vẻ.

Tần Thiên Nhân cảm động lắm, hồi còn nhỏ, chàng từng bảo nàng, sẽ có ngày chàng rước nàng bằng kiệu bát cống sơn son thếp vàng.


Nàng sẽ ngồi trên bành kiệu, có lưng tựa và tay vịn, chiếc ghế này sẽ trang trí hình đầu rồng giống như chiếc long ỷ.

Phần hậu bành cao hơn thân bành, được chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt.

Màn kiệu thêu lý ngư hóa long, đòn kiệu chạm trỗ các cành lá rong rêu thủy sinh.

Nhưng ngày hôm nay, ngay cả một chiếc áo màu đỏ chàng cũng không có.

Còn nữ thần y thì vận bộ hỉ phục do Lâm Tố Đình tặng, hai bên tà áo thêu hình hai con phượng hoàng lấp lánh đang dang cánh chực bay.

Tóc nữ thần y được Lâm Tố Đình vấn lên, cực kỳ đơn giản, không có mũ phụng, và chiếc khăn đính những sợi tua đầy châu ngọc, lúc ẩn lúc hiện để che đi diện mạo nàng, mà chỉ vấn lên thành một búi thấp sau đầu và giắt một cây trâm khắc hình hoa cúc nghiêng nghiêng trên tóc.

Nhưng dung mạo vẫn vô cùng anh tú.

Trong đôi mắt những người dự lễ ánh lên những tia tán thưởng.

Lâm Tố Đình dìu nữ thần y đến trước mặt Hồ Quảng Đông.

Tần Thiên Nhân đứng trước mặt Vạn Văn Thông.

Khẩu Tâm lớn tiếng xướng lễ.

Hai vợ chồng quay ra cửa lều bái thiên địa trước, rồi tới bái hai vị trưởng lão.

Vì Tần Thiên Nhân là thiếu đà chủ nên Hồ Quảng Đông và Vạn Văn Thông trả lại nửa lễ, sau cùng hai vợ chồng hành lễ với nhau.


Khẩu Tâm nói phu thê giao bái xong thì đến màn dâng trà.

Lâm Tố Đình giúp tân nương vén tà áo để quỳ.

Đôi vợ chồng dâng trà, nhận lì xì, nữ thần y làm theo tục lệ đưa thỏi vàng cho Lâm Tố Đình cảm tạ bà mai, Lâm Tố Đình dìu nữ thần y trở về lều Tần Thiên Nhân chờ đêm động phòng.

Dầu không có màn thách rượu tân lang và kèn trống nhưng không khí vô cùng vui vẻ.

Nhất Đình Phong nói các nguyên liệu đã được chuẩn bị, chỉ cần chàng đi nhờ các hỏa công trong hội đem xào nấu là ăn nhưng Tần Thiên Nhân nói không nên mất thời gian cho việc đãi tiệc.

Tần Thiên Nhân nhắc chuyện binh mã sắp tấn công đồn Bạch Nhật, mọi người cười nói hả hê chợt ngưng bặt, ai cũng tưởng Tần Thiên Nhân đã nghĩ ra kế hoạch đánh lại binh đoàn Chính Bạch kỳ nhưng Tần Thiên Nhân chỉ phân chia nhiệm vụ cho mọi người làm.

Người kiểm kê chiến mã, người kiểm tra binh khí, chuẩn bị cho trận đánh.

Mọi người đồng thanh hô dạ, đúng là không nên vui mừng quá độ mà quên quân đội Chính Bạch kỳ đang trên đường tiến đánh vào đồn.

Duy có Nhất Đình Phong là vẫn còn tặc lưỡi tiếc rẻ, Nhất Đình Phong nói:
- Phải chi chúng ta được uống rượu, và có thêm thất đương gia lấy tiêu cửu khúc ra thổi bài Long Phụng Song Tấu thì khung cảnh ngày hôm nay sẽ càng thêm hoan hỉ.

Lạc Thiết Môn và Trần Tử Sang đồng thanh nói phải.

Nhất Đình Phong tiếp:
- Lại nữa nếu có thất gia nhất định sẽ được nghe một vài câu đố vui đáo để đây.

Mọi người gật đầu, Nhất Đình Phong lại tiếp:
- Chẳng hạn như câu này đây, năm ngoái gặp tại hạ ở phân đà An Tây, thất gia hỏi, huynh có biết tại sao mà khi bắn cung tên thì người ta hay nhắm một con mắt không?
Trần Tử Sang đáp ngay:
- Chắc khi đó Nhất huynh đã trả lời rằng khi bắn cung tên bao giờ cũng phải ngắm cho kỹ, làm theo nguyên tắc ngắm ba điểm: đích, điểm ruồi, và mắt.

Ba điểm này luôn nằm trên một đường thẳng thì khi bắn tên mới đi đến đích.

Do đó mình phải nhắm một mắt, nếu mở hai mắt thì hai mắt sẽ đóng vai trò là hai điểm thì sẽ không còn chuẩn nữa?

- Đúng là tôi đáp như thế, nhưng thất gia bảo trật rồi.

Trần Tử Sang vò đầu, từ lâu chàng nghe danh Cửu Dương là Gia Cát Tái Lai nên Cửu Dương mà bảo vậy hẳn là phải có lý thôi!
- Ồ - Trần Tử Sang nói - Vậy chứ tại làm sao?
- Ngài ấy bảo nếu nhắm cả hai mắt thì không thấy đường mà bắn.

Mọi người cười ầm lên.

Nhất Đình Phong lại nói:
- Nghe nữa nè, thất gia đố vậy chứ trời cách ta bao xa?
Mọi người nhíu mày suy nghĩ, vẫn là Trần Tử Sang đáp:
- Đường lên trời à, ha ha, ta đoán trời cách ta chắc chừng hai vạn dặm đó.

Vạn Văn Thông vuốt râu nói:
- Xa thế sao?  Lão nghĩ chắc không đâu, trời cách ta một vạn dặm là cùng thôi.

Nhất Đình Phong lắc đầu:
- Làm gì mà xa dữ vậy!  Từ đây lên trời chỉ chừng bốn trăm dặm thôi.

Đi mau lắm là ba ngày, đi chậm thì bốn ngày, còn vừa đi vừa về chỉ chừng sáu bảy này chi đó.

Lạc Thiết Môn nghe đáp trố mắt nói:
- Bằng chứng đâu mà Nhất huynh nói thế?
Nhất Đình Phong thản nhiên đáp:
- Thì ta đây nghe thất gia bảo cứ tính theo lệ, thường thường hễ hai mươi ba ông Táo lên trời, đến ba mươi mình đón ổng về.

Các vị thử dựa vô đó mà truy thử xem.

Mọi người lại được một phen cười nghiêng ngả, ai cũng nhớ cũng mong Cửu Dương có mặt ở đồn Bạch Nhật, sau khi Nhất Đình Phong gây những trận cười lớn chàng đi làm nhiệm vụ của mình, những người khác cũng rời khỏi căn lều.

.