*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Biên tập: Bột
Chú Ngô và anh về đến nhà, bị thím Ngô cằn nhằn vì đưa trẻ con đi bán củi.
Bà ấy thấy không ổn, lại không biết phải tỏ vẻ tức giận tới mức nào. Giận điên lên có lẽ sẽ khiến người khác nghĩ bà tỏ vẻ cho họ xem, bởi có trách chú Ngô thế nào, thì vất vả cũng đã vất vả rồi. Nhưng nếu chỉ giận cho có, e là càng giả tạo hơn.
Thím Ngô vừa nói vừa để ý vẻ mặt của cậu Tư, anh vẫn bình tĩnh, không oán hận chút nào. Vẻ cuống quýt và lưỡng lự của bà ấy khiến chú Ngô đắc ý lắm, bởi ông cảm thấy mình và cậu Tư có giao hảo, mà vợ thì không.
Nghĩ tới việc này, ông ấy vừa khoe “Ôi dào!” vừa thân mật kéo cậu Tư, không nhìn thím Ngô nữa: “Cứ ru rú trong thôn mãi, cu cậu không được ra ngoài lại ngột ngạt thì sao?”
Ông ấy kéo cậu Tư tới bàn ăn, ngửi thấy mùi cơm chín nên cầm bánh bao lên trước, tiếp đó cho cậu Tư một cái: “Hôm nay cu cậu còn mua sách bằng tiền mình kiếm được đấy!”
Bọn họ về nhà quá muộn, lũ trẻ trong nhà đã ăn cơm và lên giường ngủ từ lúc sẩm tối rồi. Lúc này chỉ còn lại mấy người, thím Ngô cũng không biết phải nói gì, đành xoay người đi hâm rượu cho chồng.
Cậu Tư nhận bánh bao, càng khiến chú Ngô thấy anh là một cậu bé ngoan. Ông ấy thoải mái, cười híp mắt hỏi: “Trước đây đã tự kiếm và tiêu tiền bao giờ chưa? Có phải lần đầu không?”
Ông ấy không biết chuyện nhức nhối trong nhà mẹ đẻ thím Ngô, chỉ cho là cậu Tư được gửi đến tạm thời. Chú Ngô cũng lấy làm lạ khi cậu chủ nhỏ như Nhan Trưng Bắc bị đưa từ xa tới, còn không có người hầu chăm sóc, nhưng ngẫm lại thì gia tộc lớn con đàn cháu đống, thằng bé này chỉ không được yêu thương mà thôi.
Người có tiền mà, sinh một nhà mười đứa trẻ cũng đặng. Nói không chừng, làm cha làm mẹ như họ còn không xót mấy cậu chủ nhỏ bằng ông thương con mình. Chú Ngô nghĩ tới đây thì gắp một đũa thức ăn, xới thêm bát cơm cho anh, dặn đi dặn lại: “Ăn nhiều vào. Đêm mà lạnh, ta lấy thêm chăn cho cháu.”
Kể từ đó về sau, cậu Tư muốn làm việc nặng sẽ bị thím Ngô ngăn cản. Bà vừa xua tay, vừa chỉ cuốn sách mới mua mà săn sóc anh một cách vụng về: “Đi đọc sách đi, đọc sách đi.”
Anh thấy nhàm chán nên tự bê ghế ra, ngồi dưới gốc đại thụ ở cửa nhà. Đó là gốc đa khổng lồ, cây lâu năm gốc rễ tươi tốt, đôi lúc đến vụ, người trong thôn còn tổ chức tế bái.
Cuốn sách kia bất giác khiến anh nhận ra cuộc sống ở nhà họ Nhan trước đó không phải là ảo mộng, bởi đâu có đứa trẻ nào trong thôn được học tiếng Anh từ nhỏ.
Sao lại là ảo mộng được đây? Nhan Trưng Bắc nhếch miệng, vai diễn cuộc đời này phân đôi, nếu anh không phải cậu chủ nhỏ ở thành Tín Châu, chẳng lẽ lại là đứa con nhà nông trong thôn này?
Nhưng đâu có đứa con nhà nông nào bị xa cách và khách sáo như vậy.
Nhan Trưng Bắc thở hắt ra, chính anh cũng không biết nên cảm thấy thế nào, thôi thì đến đâu thì đến, thản nhiên đón nhận đi vậy. Cha anh tuy là quân nhân, bản chất lại là một đạo gia. Đạo gia thích nhất câu “Tái ông mất ngựa, tiền bạc châu báu, vận may và hân hoan khắp thiên hạ đều vô chủ, chẳng biết lúc nào sẽ ban xuống cho ai đó.”
Chi bằng cứ thản nhiên đón nhận.
Anh mở trang bìa, bên trên có ghi tên của người chủ cũ. Đó chắc chắn là một quan chức giàu sang hoặc thương nhân nào đó, không rõ tại sao cuốn sách sưu tầm này lại lưu lạc tới tận chợ phiên.
Đây cũng không phải tác phẩm vĩ đại sâu sắc gì, mà là cuốn thần thoại Hy Lạp.
Ngày còn bé anh từng đọc rồi, nhưng khi ấy là truyện nhi đồng, không sinh động được như bản đầy đủ. Anh bất giác quên khá nhiều chuyện, vậy nên mới quyết định ngồi đọc lại.
Đọc đến mối tình vụng trộm của Aphrodite (1) và Ares (2), cậu Tư mới cảm khái thì ra bản nhi đồng lược bớt nhiều đến thế.
(1) Aphrodite là một nữ thần Hy Lạp cổ đại gắn liền với tình yêu, sắc đẹp, niềm vui và sự sinh nở. Vị thần còn gắn liền với Kim Tinh, hành tinh được đặt theo tên của nữ thần La Mã Venus, người mà được dựa trên Aphrodite. Nữ thần Hera gả Aphrodite cho đứa con trai xấu xí mà thọt chân Hephaistos của mình, Aphrodite thấy chống như vậy nên không chung thủy, mà lăng nhăng với các thần khác, kể cả người trần, trong đó có Ares.
(2) Trong thần thoại Hy Lạp, thần Ares là một trong mười hai vị thần trên đỉnh Olympus. Ares là con trai cả của thần tối cao Zeus và nữ thần Hera. Ares là thần của chiến tranh, thần của các chiến binh và của các trận đánh khốc liệt.
Anh chợt ngơ ngẩn, ngẩng đầu nhìn ánh nắng mỏng manh len lỏi giữa từng kẽ lá. Ánh nắng không chói chang, chỉ vụn vặt như hạt bụi vàng.
Cậu Tư cảm thấy khoan khoái, quên béng mất cuốn sách trong tay rồi nhẹ nhàng nhắm mắt lại.
Bên tai chỉ còn tiếng gió nhẹ lướt qua tán lá, âm thanh nô đùa của trẻ nhỏ nhà nông từ nơi xa, tiếng gằn lấy sức của cánh đàn ông.
Và cả tiếng gãy rụm của cành cây.
Anh mở mắt, trông thấy cô bẽ giẫm gãy cành cây kia.
Thì ra là người quen.
Cô không còn xa cách như mấy ngày trước, lúc này đang bám vào gốc đa khổng lồ kia, thò đầu nhìn anh.
Bị cậu Tư bắt gặp, cô cũng không ngượng ngập tẹo nào, như thể mấy ngày trước sập cửa không tiếp anh không phải chuyện gì đáng sượng sùng với cô vậy. Ánh mắt của cô bé sáng rực, cậu Tư nhìn hoài mà cô vẫn chỉ đứng ở đó.
Cô không nhìn Nhan Trưng Bắc, bởi anh vẫn giống như trước, không thay đổi gì và không đến mức đột nhiên khơi dậy tò mò trong cô. Cậu Tư nhìn theo ánh mắt của cô đến cuốn sách trên tay mình, sau đó bất giác thẳng lưng.
Cậu Tư thầm đắc ý, ngay cả lúc chú Ngô mở sách mới mua, bảo giải thích, anh cũng không đắc ý đến vậy Bây giờ chỉ vì cô bé này thay đổi thái độ, anh chợt thấy mình rất đỗi “siêu phàm”.
Nếu là bình thường, anh sẽ nghĩ bản thân thật kém cỏi. Người khác không để ý tới, mình lại cố gắng khoe mẽ, hệt như con công xòe đuôi. Nhưng lúc này là cơ hội nghìn năm có một, mấy ngày trước anh đã vắt kiệt não để tìm cách vớt vát mặt mũi cho mình, giờ chưa cần người nhà làm chỗ dựa, anh đã tự có chút vốn liếng rồi.
Anh cầm lên, mong mỏi dấy lên khiến tất cả lãnh đạm, không đếm xỉa gì đó bị vứt sạch, Nhan Trưng Bắc càng muốn dịch từng câu từng chữ này cho cô nghe hơn. Giọng anh không lớn, đứng xa chẳng nghe được là bao, bởi vậy cô bé cũng rối rắm mãi, không biết có nên đi qua không.
Cậu Tư liếc thấy cô len lén ngả người về phía trước để thăm dò, nhưng vẫn không chịu qua đây. Anh nóng ruột quá rồi, không để tâm tới thể diện gì nữa, còn dẹp luôn cả quyết tâm không chủ động nói chuyện với cô sang một bên. Anh để sách xuống, hỏi cô: “Em có muốn qua đây không?”
Cô bé rụt về nhanh như chớp, cậu Tư thấy mỗi góc áo của cô, chỉ sợ người chạy biến mất.
Lúc này cậu Tư nào dám chưng vẻ kiêu ngạo, anh lên giọng gọi cô: “Anh… Anh kể cho em nghe!” Anh thấy cô sắp mất hút nên vội vội vàng vàng: “Cho em xem sách cùng nữa, được không!”
Một lúc lâu sau, anh cho là ai kia lại bỏ mặc mình nên tiu nghỉu cúi đầu. Vậy mà từ phía thân cây bên kia, lại ló ra cái đầu nho nhỏ.
Anh nở nụ cười xán lạn, quên luôn cả thất vọng và buồn bực lúc trước. Nhan Trưng Bắc không còn lạnh nhạt, xa cách, thay vào đó là ngốc ngốc vẫy tay gọi cô: “Lại đây đi!”
Cô bé hơi chần chừ, sau đó vẫn bước đến bên cạnh anh, ngồi xuống chỗ rễ cây. Cô vốn bé nhỏ, giờ càng thấp hơn cậu Tư. Ánh mắt của cậu Tư rơi xuống bím tóc của cô, mà cô chỉ ngẩng mặt nhìn sách trong tay cậu Tư.
Cô nghiêng đầu nhìn một lúc lâu, sau đó hỏi anh: “Đây là chữ gì ạ?”
Dù cô chưa học nhưng cũng biết chữ trên sách này khác chữ trên câu đối nhà mình. Thấy cô cuối cùng cũng mở miệng nói chuyện, còn là hỏi mình, cậu Tư khoe khoang: “Tiếng nước ngoài đấy, trông khác chữ Trung Quốc đúng không?”
Anh mong cô nghĩ mình thông thái, bởi trong thôn không bao người biết chữ, nói chi tới nhận mặt được tiếng nước ngoài. Nhưng Cận Tiêu không biết chữ, tiếng nước ngoài hay chữ Hán cũng như nhau cả thôi.
Có điều, những chữ viết trên giấy ấy có lực hấp dẫn với cô như định mệnh vậy. Nhà bà nội không có sách vở, có độc quyển lịch ố vàng đã khiến cô thấy “hàn lâm” lắm rồi. Trên đó viết những chữ thần bí lại đầy sức hút, thỉnh thoảng cô lại lấy rơm rạ vẽ bừa theo, nhưng thực chất cũng không biết mình đang vẽ cái gì.
Cậu Tư như người bán hàng rong đon đả giới thiệu mặt hàng của mình, từ đầu tới cuối đều là một rổ những thứ cô bé siêu thích. Ánh mắt anh sáng lên, thân thiện giở sách rồi giới thiệu, còn hỏi cô muốn nghe chuyện nào, chuyện về thần Zeus (3) hay Hephaestus (4). Dù Cận Tiêu không hiểu, nhưng vẫn dạt dào hứng thú với mỗi chuyện.
(3) Thần Zeus: hay Dzeús, Dias hoặc thần Dớt, là thần trị vì các vị thần và là thần của bầu trời cũng như sấm và sét trong thần thoại Hy Lạp. Thần Zeus được coi tương đương như thần Jupiter trong thần thoại La Mã, là một trong những vị thần tối cao.
(4) Hephaistos: (còn gọi là Hephaestus) là vị thần trong thần thoại Hy Lạp. Ông là vị thần của kỹ nghệ, bao gồm nghề rèn, thủ công, điêu khắc, kim loại và luyện kim, và lửa. Thần được thờ phụng trong khắp các trung tâm chế tạo và công nghiệp ở Hy Lạp, đặc biệt ở Athena.
Cận Tiêu cũng rất hiểu phép, biết đây là đồ của người khác, đã xem chung thì phải nể mặt một chút. Cô khách sáo thật phải phép: “Anh thích chuyện nào ạ?”
Việc này cũng giống dịp lễ tết cô được sum họp với cha mẹ và các anh mình. Khi ấy họ thường tới chúc tết hàng xóm và được tặng đồ chơi, đồ chơi vốn nên nhường em út, nhưng cô luôn ngoan ngoãn hỏi các anh thích món nào.
Khi phải để ý tới ánh mắt của người khác, cô luôn chọn nhượng bộ. Cậu Tư lại cho là cô hỏi chuyện mình thích thật bèn được lời như cởi tấm lòng, nào là chuyện này lê thê quá, nào là nhân vật kia thật bạc tình phụ nghĩa.
Anh vừa kể đã tuôn như suối, bởi nào có ai bằng lòng nghe cảm tưởng của anh. Tới lúc cậu Tư nhận ra, anh đã phân tích hơn nửa cuốn sách, ấy vậy mà cô bé kia cũng không cản lại, chỉ yên lặng lắng nghe.
Nhan Trưng Bắc ngượng ngùng gãi đầu, anh cũng thấy mình nói những thứ này không ổn lắm, cuối cùng đành phải giở sang trang khác, hỏi cô: “Hay là kể cho em nghe chuyện tình của Cupid (5) và Psyche (6) nhé?”
(5) Trong thần thoại La Mã, Cupid (tiếng Latinh: Cupido, có nghĩa là “khao khát”) là vị thần của ham muốn, tình yêu tình dục, quyến rũ và cảm xúc. Cupid thường được miêu tả như là con trai của nữ thần Venus và thần chiến tranh Mars. Sử sách miêu tả Cupid là một bé trai không bao giờ lớn có đôi cánh trắng và luôn mang bên mình cung và hai mũi tên, mũi tên vàng và mũi tên đồng. Mũi tên vàng bắn vào ai người đó sẽ yêu người đầu tiên mình nhìn thấy say đắm, ngược lại mũi tên đồng khiến người bị bắn ghét cay ghét đắng người đó.
(6) Psyche: là con gái út của một vị vua thế nên từ bé đã được sống trong môi trường hoàng tộc. Nàng có sắc đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”. Thậm chí, một số người còn cho rằng nàng đẹp hơn cả thần Venus.
Anh vừa giở sách vừa kể không ngừng nghỉ, như thể một vị thần nào đó trong chúng thần đã thi pháp, kích hoạt máy nói trong anh vậy: “Là vị thần Tình Yêu ấy, mọi người đều cho rằng ông ấy là một bé trai đúng không? Thật ra ông ấy cũng có chuyện tình đẹp lắm đấy.”
Cận Tiêu cúi đầu nhìn trang sách anh giở sang rồi hỏi dè dặt. Vì vừa rồi nghe không hiểu nên cô hơi xấu hổ vì không biết chữ, nhưng lòng tò mò vẫn thôi thúc cô muốn biết những cái tên kia. Cô lấy hết dũng khí để hỏi: “Thần Tình Yêu là gì ạ?”
Cậu Tư quay sang nhìn cô, đột nhiên á khẩu, không trả lời được.
Từ nhỏ cô đã được nghe kể rất nhiều chuyện, từ Bát Tiên quá hải (7), Ngưu Lang Chức Nữ đến các truyền thuyết trong dân gian, nhưng không có ai là thần Tình Yêu.
(7) Bát Tiên quá hải (Tám vị Tiên vượt biển): Bát tiên trong truyện Đông Du Ký, hồi 48 có đoạn: “Tám vị tiên đến biển Đông, Lã Động Tân nói: ‘Mỗi người tự trổ phép thần thông mà qua biển được không?"”. Ý nói mỗi người có cách riêng của mình, hoặc mỗi người dùng bản lĩnh của mình để cùng nhau đua tài.
Anh hơi chán nản, thầm trách mình thiếu suy nghĩ, đáng ra không nên nhắc đến nhiều thứ khó giải thích như vậy. Nhan Trưng Bắc ngước mắt, cô bé lại đỏ mặt, nhấp nhổm không yên.
Hình như không phải ngượng ngùng, mà là xấu hổ.
Cậu Tư cuống lên, lắc đầu với cô: “Không không, thần Tình Yêu là thần của phương Tây, em không biết là phải.”
Trước đây anh cũng không biết mình ăn nói vụng về đến vậy. Bị anh bóc trần, cô bé càng khó chịu mà cúi gằm đầu xuống. Cậu Tư không còn cách nào khác, đành vội vàng nhìn sách, không đọc phần dạo đầu hay giới thiệu nữa mà vào nội dung luôn.
Anh vừa đọc vừa liếc trộm, sợ cô vẫn để bụng, không chú ý nghe anh kể chuyện.
Cô bé khẽ nín thở, nhìn chằm chằm vào chữ trong sách, như đang xác nhận lại mỗi lời, mỗi lời anh kể đến từ những chữ thần kỳ trên trang giấy kia thật.
Cậu Tư bình tĩnh lại, khẽ nở nụ cười. Gió lướt qua tóc họ, anh vừa niết lề sách vừa kể cho cô nghe: “Con gái cả và con gái thứ hai của nhà vua đều được gả cho người có quyền có thế, chỉ cô con út là chưa lấy chồng.”