*chương Diary cuối cùng trong chùm bonus lì xì Diary 33~36 =]]
Tôi không còn thấy Edgar nữa. Bộ lễ phục đen cậu ấy mặc đưa tiễn tôi rốt cuộc lại trở thành đồ tang của chính cậu ấy.
Người ta đã thận trọng xới tung đống tàn tích nhưng không tìm thấy thi thể Edgar, đơn vị trực gác báo cáo với Andemund họ không thấy kẻ nào thoát ra khỏi tòa nhà. Rốt cuộc cục tình báo nhận định rằng “Ưng Non” đã chết, đó là chuyện của một bản cáo dài lê thê.
Nhưng tôi linh cảm cậu ấy còn sống.
Edgar có thói quen cất giữ tranh của mình trong một chiếc hộp sắt tây nhỏ có khóa và luôn mang theo người mỗi lần chuyển chỗ ở. Hầu hết số tranh ấy là vẽ chúng tôi, như cảnh cậu ta ôm tôi từ sau lưng, tiến vào cơ thể tôi, tôi bật ngửa đầu, trân mình thống khổ, luôn là lúc xẩm tối, ánh nắng chiều xuyên qua kính cửa sổ, phủ lên khăn trải giường lớp áo vàng cũ kĩ. Đầu giường có những bông cúc non xanh tím cậu ấy mang về. Những ngày giam cầm tôi, mỗi khi ra ngoài cậu ấy thường đem về vài món quà nhỏ, có khi là một chùm hoa dại, hay một bọc kẹo cho tôi.
Những bức tranh ấy có bức là thật, cũng có bức chỉ vẽ từ trí tưởng tượng của cậu ấy.
Cậu ấy luôn nâng niu đặt chúng vào hộp, rồi cười nói với tôi, cái hộp sắt tây này chứa hạnh phúc của cậu ấy.
Tôi lật coi báo cáo hiện trường cấp dưới trình cho Andemund, phần cuối đính kèm danh sách đồ vật rất dài. Có rất nhiều thứ, họ không bỏ sót thứ gì cả, kể từ cái bàn ăn bị cháy không còn ra hình thù, chiếc bút máy moi ra được từ kẽ nứt tường đến tàn tích của cái đèn chùm nóng chảy méo mó. Nhưng tôi không tìm thấy dòng nào nói đến cái hộp sắt tây nọ.
Nó biến mất.
Như thể Edgar đã mang theo nó rời khỏi thế giới này.
Trước chiến tranh, chính phủ từng phát động dân thành thị London đào hầm trú ẩn trong khuôn viên nhà để tránh không kích của Đức Quốc xã. Tôi không biết đôi vợ chồng Do Thái ấy có làm vậy không, cũng không biết nếu đường hầm ấy tồn tại thì lối vào ở đâu hay nó dẫn đến nơi nào.
Dù sao đó cũng chỉ là phỏng đoán của riêng tôi. Vì kể từ ngày đó cái tên Ưng Non đã hoàn toàn biến mất khỏi mọi cuộc trao đổi thông tin của tình báo Berlin.
Andemund nói với tôi rằng Edgar đã chết.
Anh ấy ghì lấy tôi, dịu dàng nói: “Alan, cậu ta chết thật rồi. Không ai có thể sống sót sau trận oanh tạc và hỏa hoạn như thế. Lính của anh đã kiểm tra rất cẩn thận, không hề có hầm trú ẩn. Em đang tự dối mình đấy.”
Một thời gian dài sau đó tôi không được về trang trại Plymton. Arnold nói để ngăn cản tôi bỏ trốn, Edgar đã cho rất nhiều thuốc giãn cơ vào thức ăn của tôi, sử dụng loại thuốc ấy trong thời gian dài cực kỳ hại người. Anh ta lập bệnh án cho tôi, bắt tôi nghỉ ngơi ít lâu.
Vậy nên tôi ở lại biệt thự của Andemund, chẳng làm gì cả, mỗi sáng dậy ngồi cạnh cửa sổ đọc sách, nghe radio, ngủ.
Không kích vẫn tiếp diễn, bom dội hàng ngày xuống quảng trường cách đó không xa.
Andemund bảo tôi đừng lo lắng, ở đây an toàn.
Tôi không biết vì sao ảnh nói vậy, nhưng thực sự cho đến khi chiến tranh chấm dứt, quảng trường gần đây chỉ còn là bãi hoang tàn ngổn ngang, mà riêng chỗ chúng tôi vẫn bình an vô sự.
Hầu hết thời gian Andemund không ở đây, chỉ cuối tuần ảnh mới trở lại. Chỉ cần nghe tiếng ổ khóa lách cách rồi cửa kẹt kẹt mở là tôi phi xuống lầu, đứng ngả ngớn cạnh cái bình hoa kiểng trong phòng khách bằng tư thế (tôi cho là) ngầu nhất và đá lông nheo đón ảnh: “Cưng nè, em thấy khỏe cực kì luôn, thôi mình về Plymton được rồi nhỉ.”
Ảnh đưa mắt nhìn từ đầu đến chân tôi rồi kiên định khóa cửa lại: “À, vậy để anh thử xem.”
Sau đó ảnh ném tôi lên giường, “thử” bằng các kiểu tư thế.
Cuối cùng ảnh sẽ nhận xét tỉnh rụi: “Cưng à, em rên rỉ còn yếu hơn trước, nghỉ thêm một thời gian nữa đi. Phòng 1 còn có anh.”
Andemund không hề hỏi chuyện gì đã xảy ra giữa tôi và Edgar suốt thời gian đó, tôi cũng chưa từng kể với anh ấy. Tôi nghĩ anh ấy biết, nhưng không thể trách cứ. Chỉ là từ khi tôi trở về mỗi lần làm tình anh ấy đều đặc biệt cuồng dại, chúng tôi làm rất lâu, trong mọi tư thế. Dù tôi rên lên đau đớn, anh ấy cũng không dừng lại, chỉ hết sức dịu dàng hôn lưng tôi, để rồi lại càng bạo liệt hơn.
Bao giờ tôi cũng bị giày vò đến chết đi sống lại, cổ họng khản đặc. Mỗi lần bị đẩy ngã trên bậu cửa sổ tôi hầu như đứng không vững, đầu gối run bần bật, hoàn toàn phải dựa vào bàn tay anh ấy đỡ dưới thắt lưng. Sau mọi chuyện anh ấy sẽ cúi xuống hôn tôi, nói: “Alan, em xem em rên rỉ cũng nhỏ đi rồi, nghỉ thêm ít lâu thôi.”
Một thời gian ngắn sau tôi lại đòi về làm việc, sự việc lại tái diễn y hệt như vậy.
Chưa bao giờ ảnh chủ động nhắc đến Edgar, tôi thì hỏi rất nhiều lần, bao giờ ảnh cũng nói: “Ưng Non chết rồi, Alan. Em đừng nghĩ nữa, ai chẳng phải chết, phải không?”
Qua mùa hoa oải hương tháng chín, Arnold đến thăm tôi. Anh ta ngồi trên chiếc sô-pha vải bông thêu hoa vụn của Andemund, vừa hút thuốc vừa kiểm tra cho tôi.
Gã bác sĩ tâm lý cảm thán: “Tự nhiên lại thấy bồ cũ của mình trong nhà người khác.”
Tôi cũng rất chi cảm thán tháng ngày bên nhau với anh ta, vậy là thử hỏi: “Chứ anh với bé hôm trước thế nào rồi?”
Anh ta rầu rĩ rít một hơi thuốc: “Bỏ rồi.”
“Lại có bồ mới hở?”
“Không có.”
Anh ta nghe tim và mạch cho tôi, rồi thử phản xạ chân tay: “Hồi phục khá đấy. Chà chà, bé Alan này, lần nào cậu cũng để mình thê thảm quá. Bữa thấy cậu ở chỗ Ưng Non tôi cứ nghĩ cậu tiêu rồi.”
Anh ta nằm dài ra sô-pha, vắt chéo chân, có vẻ rất thảnh thơi: “Alan, còn nhớ hồi trước tôi bảo tháng chính mình ra hồ ngắm oải hương không?”
“Sắp tháng mười rồi, giờ chắc họ gặt hết rồi. Sang năm đi không?”
Anh ta nheo mắt: “Ờ.”
Trước khi ra về, Arnold có vẻ trù trừ muốn nói gì đó. Rốt cuộc anh ta hỏi tôi: “Alan, cậu hỏi ngài Garcia chưa?”
“Hỏi gì?”
“Cậu không biết thật hay giả vờ không biết?”
Tôi không dám nhìn thẳng vào anh ta nữa.
Arnold ôm ghì lấy tôi, nói bằng giọng thật dịu dàng: “Đi nói chuyện với ngài Garcia đi. Lúc này còn tránh né được, nhưng cậu có tránh được cả đời không? À thì tất nhiên, bé yêu ạ, hai người mà thôi nhau được thì quá hay.”
Đầu tháng mười, tôi về trang trại Plymton. Andemund làm việc ở gác đỏ, Peter đứng khoanh tay dựa tường ngoài hành lang, thấy tôi liền mở cửa giùm. Phòng toàn mùi cà phê đen.
Tôi đi vào, bỏ thêm đường sữa vào tách cà phê của ảnh.
“Cưng à, uống thế này hoài hư dạ dày mất.”
Andemund cười mệt mỏi, ảnh ngả người ra ghế, tách hai chân ra: “Anh mệt quá, Alan, lại đây ngồi.”
Tôi đóng cửa ban công lại, bước tới ngồi lên đùi ảnh, hôn phần xương quai xanh lộ trên cổ áo sơ-mi phanh hở của ảnh: “Em yêu anh.”
Ảnh khẽ khép đôi mắt đẹp như đá mắt mèo, vòng tay ôm ngang eo tôi, bắt đầu cởi thắt lưng tôi: “Ừ, Alan, anh cũng yêu em.”
Vẫn nhắm mắt, ảnh nhận hai cuộc điện thoại, tay kia thì luồn vào quần dài tôi. Tôi gác cằm lên hõm vai ảnh, kiên nhẫn đợi ảnh cúp máy rồi mới ghé tai ảnh thì thầm: “Cưng à, nếu phải chọn giữa em và cục tình báo, anh sẽ chọn bên nào?”
Anh ấy trả lời gần như ngay lập tức: “Em.”
“Nói dối.” tôi nói: “Thư từ ra vào trang trại Plymton đều bị kiểm tra. Thật ra anh đã biết Edgar viết thư cho em bằng giấy viết thư hết hạn của không quân Hoàng gia từ bao giờ hả?”
Tôi nâng cằm ảnh lên: “Cưng ơi, trước khi để em đi, anh không hề nghĩ Edgar sẽ thực sự giết em sao?”
Tôi cảm giác được toàn thân Andemund sượng cứng lại. Ảnh chậm rãi mở mắt, rút hẳn thắt lưng của tôi vứt xuống sàn rồi bế tôi ngồi lên bàn làm việc: “Cưng à, em đang nói gì vậy?”
“Em đang nghĩ, rốt cuộc anh đã biết Edgar là Ưng Non từ bao giờ?”
Andemund không trả lời tôi. Làm như thể không hề nghe thấy tôi nói gì, anh ấy bất thần đẩy tôi ngã xoài ra bàn, thô bạo giật tung áo sơ-mi của tôi. Lưng tôi tì trên mặt bàn cứng đau buốt, tôi kêu lên bảo anh ấy ngừng lại, nhưng vô ích. Ảnh hôn tôi, hôn đến khi cổ họng tôi tắt ngấm không phát ra được tiếng nào nữa rồi thúc gối đẩy mở hai chân tôi, trườn xuống hôn mé trong đùi tôi, khiến tôi bỏ cuộc vô phương chống cự vì khoái cảm. Sau này tôi còn trải qua những cuộc “chất vấn” như thế vô số lần, lần nào cũng kết thúc bằng sự im lặng của Andemund và làm tình. Anh ấy vĩnh viễn không trả lời tôi, chỉ kịch liệt xâm phạm để tôi không còn tâm trí lẫn sức lực gạn hỏi anh ấy nữa.
Bằng tia lý trí cuối cùng sót lại trước khi bị nhấn chìm trong bể khoái lạc, tôi thường bi thương nhớ lại cảnh tượng ngắn ngủi khi mình xin nghỉ để về Cambridge với Edgar. Tôi nói tôi sẽ gặp Edgar, Andemund cười bảo để anh lái xe đưa em đi. Tôi bảo không cần. Ảnh hôn tôi, và chỉ có thế.
Lúc tôi được giải cứu, lính đeo súng vây kín căn nhà, Andemund đứng giữa bọn họ sừng sững như thần chết. Ban đầu tôi cho là họ tới cứu tôi, sau này mới hiểu rằng họ đến để đảm bảo Ưng Non phải chết.
Mọi chuyện ngay từ đầu đã là một cái bẫy, Andemund bình thản nhìn tôi nhảy vào, rồi lôi tôi thoát ra ngay trước khi tôi bị đẩy đến giới hạn cuối cùng.
Anh ấy thông qua tôi để giám sát Edgar rồi thâu tóm cả mạng lưới gián điệp Đức có liên hệ với cậu ta. Nghĩ lại những ngày trốn chạy của chúng tôi sao mà an toàn, bọn mật vụ Đức luôn bám riết lấy Edgar như chó săn đột nhiên bốc hơi như chưa từng tồn tại. Đầu tiên tôi nghĩ thật là may mắn, giờ mới vỡ lẽ chúng chắc hẳn đã bị Andemund xử lý cả rồi.
Tôi hiểu Andemund, anh ấy buộc phải xóa sổ Ưng Non, cơ sở tình báo của Berlin giữa lòng London, phá hủy mạng lưới thông tin của Đức Quốc xã. Nhưng tôi chỉ hy vọng trước tất cả ảnh đã cho tôi một chút ám chỉ, một chút thôi, thậm chí chỉ cần một câu “Alan, đi đường cẩn thận”.
Tôi bắt đầu ép mình không nghĩ đến chuyện này nữa để chú tâm vào giải mã. Tôi đặt loại mã bề ngoài rất giống “Mê” nhưng máy giải mã không thể giải được làm cái đích. Bởi vì đến nay phòng 1 đã thu được đến ba đoạn tin sử dụng thứ mã đó.
Mùa thu đến trong hơi thở chiến tranh, những phiến lá ngô đồng to bản bắt đầu lơ đãng rơi trên đường phố London.
Cuối cùng tôi cũng giải được mật mã đó.
Đó là một loại mã hoàn toàn thủ công, bởi vậy máy móc không thể phân tích được nó. Tôi giải được cũng chỉ nhờ trùng hợp.
Sau nhiều buổi ngồi mò khóa mã lê thê, một bữa tôi ngán ngẩm thử luôn ngày sinh của mình.
Văn bản xuất hiện cực kỳ ngắn, chỉ vỏn vẹn hai từ và một dấu chấm câu.
Alan Castor?