Cuối cùng Arnold không cho tôi cái đồng hồ quả quýt của anh ta.
Tôi hỏi, gã bác sĩ tâm lý rỗi việc đứng ngả ngớn ngoài văn phòng số 1 sẽ đáp: “Hơ, quên mang mất tiêu.”
Từ khi tôi trở lại trang trại Plymton, chúng tôi ít gặp nhau hơn nhiều. Anh ta chỉ tiện đường ghé qua chỗ tôi mỗi khi về báo cáo, Arnold ưa đứng dựa cạnh bàn tôi tán chuyện, phát biểu quan điểm của mình về chiến tranh, nhưng gần đây những buổi như vậy cứ thưa dần.
Một bữa tôi đứng dựa cột điện màu xám đầu đường London chờ xe bus, vừa hay gặp gã bác sĩ đào hoa lái xe jeep quân dụng đưa bồ đi hóng gió. Thấy tôi ngoắc lại anh ta có vẻ lúng túng, mãi mới miễn cưỡng lùi xe dừng lại cạnh chỗ tôi, ló đâu ra hỏi: “Quá giang không?”
“Số 7 Downing Street đi.”
Arnold ngờ ngợ hỏi lại: “Whitehall à? Alan, đừng dấn sâu vào quá.”
“Không sao.”
Tôi ngồi ghế sau, nhỏ bồ ngực bự của anh ta ngồi ghế phụ lái, cô em chỉ chừng mười tám mười chín tuổi, bộ dạng khá e lệ khép nép, phải cái trông quả ngực kia ít cũng phải cỡ D, mùi nước hoa xức đầy quần áo làm tôi gay cả mũi.
Tôi ra hiệu với Arnold… kỳ này tới bến quá nha.
Anh ta liếc thấy qua gương chiếu hậu, có vẻ càng bối rối tợn: “À, hôm nay là cuộc hẹn đầu tiên của tôi và Jea, vừa hay lại gặp cậu.”
Em bồ anh ta quay lại nhìn tôi: “Hi, chàng đẹp trai. Anh tên gì?”
“Alan.” tôi giữ vững hình tượng hào hoa phong nhã: “Alan Castor. Tôi có vinh dự được giúp gì em không, quý cô?”
Cô nàng quay sang Arnold: “Bạn anh chán thiệt. Mọi khi ảnh cũng vậy hở?”
Arnold phì cười: “Cậu ta là toán học gia, tốt nghiệp khoa toán Cambridge đấy.”
Đoạn, anh ta hỏi tôi: “Cậu với ngài Garcia thế nào rồi?”
Tôi nhún vai đáp: “Bình thường, vẫn thế.”
Arnold có vẻ ngạc nhiên nhưng không hỏi thêm gì nữa. Chạy qua quảng trường Trafalgar là có thể thấy hành lang lát cẩm thạch trước Whitehall, chếc xe jeep chuyển hướng rẽ vào con phố nhỏ bên trái, tấm biển “Downing Street” gắn trên bức tường xám nơi góc đường. Arnold dừng xe trước một tòa nhà màu trắng đồ sộ rồi để bạn gái đợi trong xe.
Tôi xuống xe, ngẩng đầu nheo mắt đọc: Văn phòng tác chiến nội các. Số 7 Downing Street.
“Alan.” Anh ta gọi tôi lại, do dự một hồi mới nói: “Nếu cậu đi gặp C thì nhớ thận trọng. Có gì cần giúp cứ nói với tôi.”
Tôi ngạc nhiên: “Anh biết C à?”
“Tôi không biết, ông tôi biết. Đó là ông trùm thực sự của cục tình báo, ngài Garcia phụ trách MI-6, Linderman phụ trách MI-5, ông ta nắm cả cục tình báo.”
“C trông thế nào?”
“Tôi không biết, rất ít người được gặp mặt ông ta. Cậu gặp thì biết thôi.”
Anh ta quay lại xe, nắng chiều đổ bóng anh ta dài trên ngã tư.
Tôi gọi giật Arnold lại, chỉ cái xe: “Arnold, đó là em thứ mấy rồi?”
“Thứ ba từ hồi mình thôi nhau.” anh ta nghĩ nghĩ, hình như đang cảm thấy không đúng lắm: “Cứ như chúng ta chẳng có gì bao giờ ấy nhỉ.”
“Anh nên tìm lấy một người mà ổn định đi.”
Gã bác sĩ phong lưu vẩy tay: “Tôi còn tính chơi vài năm nữa.”
Đúng như đã trả lời Arnold, tôi và Andemund thực tình chẳng mấy tiến triển, tôi thậm chí còn không có thì giờ gặp ảnh. Annie nói phân nửa thời gian ngài Garcia không có mặt ở trang trại Plymton. Cụ thể anh ấy đi đâu tôi cũng chịu.
Nhận được bản sao lá thư lần trước, ngày 13 tháng 5 tôi đã trở lại phòng 1, chân vẫn bó bột, cây can kè kè bên cạnh, tôi chính thức bắt tay vào thiết kế máy giải mã.
Tôi luôn băn khoăn về dòng chữ viết tay của C: Hãy chuyển cho Alan Castor, học viện mật mã Chính phủ MI-6. (C)
Thế tức là C bỏ qua Andemund để liên hệ thẳng với tôi, ông ta chỉ định đích danh tôi thiết kế máy giải mã “Mê”.
Andemund không cho tôi một lời giải thích nào về chuyện này, hôm sau hôm tôi về, anh ấy chỉ ký một tờ thông báo rằng tôi có toàn quyền lãnh đạo văn phòng số 1.
Thông báo cũng là trợ lý Annie đưa cho tôi, với chữ kí hoa mỹ của Andemund trong góc giấy.
“Alan, ngài Garcia rất tin tưởng cậu.” Annie đưa tay đỡ những lọn tóc quăn bồng bềnh: “Nếu không ngài ấy đã chẳng giao vị trí quan trọng này cho cậu.”
Cô ấy nhìn tôi: “Tôi nghe nói Hà Lan đầu hàng rồi. Alan, chúng ta sẽ thắng, đúng không?”
Tôi đáp: “Chúng ta sẽ thắng.”
“Nghe nói Đức Quốc xã đang thiêu chết người Do Thái và gián điệp nước ngoài.”
“Ngài Garica sẽ không phái cô đi làm nhiệm vụ ở vùng bị chiếm đóng đâu.” tôi cố gắng an ủi cô ấy: “Ở trong nước cô rất an toàn mà, đừng lo. Cô đi rồi lấy ai giải quyết công việc cho ảnh? Sẽ không có chuyện gì đâu.”
Tôi nhận thấy Annie khẽ rùng mình.
Cô ấy gật đầu: “Tôi sẽ không sao.”
Annie đột nhiên siết chặt tay tôi: “Cuối tháng sáu, nhất định cậu phải làm xong máy giải mã nhé.”
Một thời gian dài sau đó, tôi không còn thấy Annie nữa.
Sau này có người nói cho tôi biết, sau khi Hà Lan đầu hàng, mạng lưới tình báo của chúng tôi bị tổn thương trầm trọng, bốn điệp viên chủ chốt bị Đức Quốc xã bắt giữ, đưa vào trại tập trung Auschwitz. Andemund đưa ra kế hoạch giải cứu họ, Annie đã chủ động xin đi tiền trạm, mua chuộc lính Đức ở trại tập trung.
Một ngày trước khi lên đường, cô ấy giúp Andemund giao tài liệu lần cuối cùng, hôm đó cô ấy đứng trước mặt tôi trên hành lang, nói: “Alan, cuối tháng sáu, nhất định cậu phải làm xong máy giải mã nhé.”
Từ đó, tôi chính thức trở thành người phụ trách văn phòng số 1.
Ngày 31 tháng 5, rốt cuộc cũng được gỡ khối thạch cao chết tiệt trên đùi, tôi nhận được tin C yêu cầu gặp mặt mình.
Mấy ngày này tôi chỉ thấy Andemund vài lần.
Anh ấy đã đổi xe, chuyển sang đi Rolls-Royce Phantom III, vẫn màu đen. Mấy lần tôi thấy Peter mở cửa xe, anh ấy bước xuống từ ghế sau, bên cạnh là những người tôi chẳng biết.
Hôm ấy phải đúng giờ cơm trưa, tôi xuống nhà ăn, tình cờ gặp Andemund trong hành lang.
Anh ấy gọi tôi lại: “Alan.”
Andemund mặc rất trang trọng, Âu phục màu xám và cà-vạt sẫm, như kiểu vừa dự một sự kiện chính thức nào đó về. Đó là lần đầu tiên tôi thấy anh ấy sau chuyện Lena.
Ảnh đứng trước một bức tranh tĩnh vật phục chế, ánh nắng sớm đọng trên lát bánh mì phết mật dường như loang ra khỏi lớp vải quết sơn dầu để đổ xuống mái tóc vàng sáng của anh ấy. Anh ấy lại gầy hơn trước, lưng thẳng tắp, môi mím chặt, hốc mắt hõm sâu vì mệt mỏi, mà cái nhìn vẫn sáng ngời tinh anh. Anh ấy luôn quá hiếu thắng, chưa bao giờ để tôi thấy vẻ yếu ớt của mình, vậy nên đứng trước tôi lúc này lại là nhà lãnh đạo cứng rắn của MI-6, Andemund Garcia.
Ảnh ra hiệu bảo người đi cùng đi trước.
“C muốn gặp em, Alan. Sáu giờ chiều mai, số 7 Downing Street.”
Tôi gật đầu.
“Anh không nên để Annie đến vùng bị chiếm đóng. Cô ấy có thể sẽ chết ở đó.”
“Cô ấy sẽ sống trở về, Annie là một trong những người ưu tú nhất của anh. Nước Anh cần cô ấy.”
Tôi im lặng đứng thần người, không biết nên nói gì cho phải.
Đột nhiên Andemund ôm ghì lấy tôi.
Thực tình không kịp đề phòng.
Chúng tôi lạc lại phía sau, hành lang trống trải không còn ai khác, anh ấy cứ thế ôm tôi rất lâu.
Ngực tôi dán trên ngực anh ấy, dường như tôi nghe được tiếng tim anh ấy đập trong ***g ngực.
Thật lâu sau, anh ấy mới nói: “Alan, ơn Chúa em không sao.”
Tôi hỏi anh ấy: “Nếu Lena trong sạch, anh sẽ lấy cô ta như hôn ước đúng không?”
Người Andemund chợt cứng đờ, cánh tay ôm tôi siết chặt đến gượng gạo.
Tôi ngẩng lên, thấy anh ấy đang cúi đầu nhìn tôi, hàng mi mảnh dài rũ xuống.
Anh ấy nói gần như khổ sở: “Anh sẽ làm thế. Em biết sớm muộn anh cũng phải kết hôn với con gái một gia đình quyền lực.”
“Alan.” giọng Andemund luôn rất nhẹ, và dịu dàng tựa như tiếng chuông gió lanh canh trên cửa sổ quán bar trước học viện năm xưa: “Bảo anh đừng kết hôn đi.”
“Em bảo đừng anh sẽ nghe sao?”
Có đôi khi Andemund thực sự bướng bỉnh như một đứa trẻ: “Anh muốn nghe em nói.”
“Vậy được.” tôi nhún vai: “Cưng à, dẹp đàn bà con gái đi, lấy em được rồi.”
Giờ nhớ lại, câu nói giỡn lúc ấy nghe cứ như một lời cầu hôn.
Andemund buông tôi ra, cười híp mắt: “Ừ.”
Đột nhiên anh ấy kéo tay trái tôi lên, nhẹ nhàng hôn mu bàn tay tôi, trịnh trọng như một nghi thức.
Sau đó anh ấy bỏ đi.
Hôm sau tôi quá giang xe Arnold đến số 7 Downing Street, Văn phòng tác chiến nội các, trình diện C.