Đi Đâu Về Đâu

Chương 25: Làm một con sói giữa đàn dê cũng đâu có dễ hơn làm một con dê giữa đàn sói




...............................

Dân làng vốn đã quen với nếp sống nghỉ tay khi mặt trời lặn, và bắt tay làm việc khi mặt trời mọc.

Tờ mờ sáng ngày mới, Lý Tiếu Bạch đã bị lay dậy.

Đương ngái ngủ bị Lod tròng qua loa cho một cái áo phông vừa to vừa xí cùng một cái quần đùi y chang của y, rồi bị dắt xuống gác.

Quý ngài sát thủ huyết áp thấp, tóc tai bờm xờm ngả đầu lên vai quý ngài siêu trộm, gục lên gục xuống mấy bận mới hồ mê gặm xong bữa sáng, và rồi ra cửa trong lời căn dặn của bà Rama…

Gió sớm hây hây, chim ca lảnh lót, dân làng ven đường cười đùa… Lý Tiếu Bạch liền tỉnh.

Mở mắt ra đã thấy chiếc ô tô đỗ đầu làng giờ đâu mất rồi.

Thay vào đó là một chiếc xe đạp kiểu nữ.

Trong giỏ xe còn đặt một bó hoa dại mộc mạc.

Tay lái thì buộc ruy băng hồng.

Chuông xe còn thắt nơ bướm.

Cậu lặng lẽ liếc Lod…

Quý ngài siêu trộm đủng đỉnh bước qua, vòng cặp chân dài, trơ trẽn ngồi lên xe. Sau đó y cười tươi tắn vỗ vỗ yên sau gọi quý ngài sát thủ, “Lên đi Honey, tớ đèo!”

Lý Tiếu Bạch, “…”

Dọc đường ra cảng, Lod cứ nghêu ngao hát.

Chiếc xe đạp kiểu nữ cọc cạch, cọc cạch, chở một sát thủ, một giỏ hoa tươi, trong bầu không khí thanh lành vương hơi ẩm của Andalusia, lững thững lăn bánh về phía trước…

Lý Tiếu Bạch tỉnh rụi ngồi ở yên sau, tựa vào lưng người ngồi trước. Cơn gió trong lành thổi phất phơ lọn tóc cậu làm cậu phải nheo mắt… Cái tên ngồi trước cứ hát ê a lời bài hát và giai điệu nào đó hết sức dấm dớ, hay hay không thì chưa bàn, nhưng niềm vui này thật dễ dàng lôi cuốn người xung quanh, Lý Tiếu Bạch ở gần y nhất đương nhiên dễ bị lôi cuốn nhất, bởi vậy khóe miệng cũng không nhịn được, khẽ nhếch cong cong…

“Đồ vịt đực.” Cậu chê.

“Hông sao, hát hay không bằng hay hát” Y cười khì khì.

Chuông xe đạp vẫn leng keng hoài trên con đường ngoằn ngoèo màu trắng nơi thôn làng Malaga…

...............................

Thị trấn Malaga là cảng nổi tiếng của Tây Ban Nha.

Dân địa phương muốn mua hải sản đều đi thẳng ra cảng, có sẵn thực phẩm tươi sống mới đánh bắt từ biển về, tảng sáng trước khi thuyền buôn đến chở đi, người ta thường tranh thủ bán với giá cả phải chăng. Từng đống từng đống tôm cá nhảy tanh tách xếp đầy sạp quán hải sản hai bên cảng, ngư dân Tây Ban Nha cường tráng xắn tay áo cầm xẻng xúc từng loạt hải sản lớn bỏ vào giỏ, vào thùng nước cho khách hàng…

Malaga xưa nay là đất tập trung buôn bán trao đổi của Á Âu Phi. Người Phoenicia(1), người Ấn, người Hy Lạp, người châu Phi, người Do Thái, người Tây Ban Nha, người Gypsy… đủ loại dân tộc đều chiếm một phần dân số tại vùng đất này. Chính vì nguyên nhân là vậy, Malaga luôn là một thành phố cởi mở, dân chúng với đủ màu da, nói đủ loại ngôn ngữ, mặc đủ loại áo quần trang sức đi đi lại lại rộn ràng trong phiên chợ sáng, hình thành một sự hòa hợp lạ lùng.

Cứ thế, một siêu trộm và một sát thủ xuất hiện dắt theo một chiếc xe đạp nữ màu hồng lại chẳng phải điều đáng chú ý.

Xe đạp vẫn cứ dựng tạm đó, chẳng cần khóa.

Lý Tiếu Bạch rút tờ giấy ghi đồ bà Rama dặn mua ra xem, nhẩm một lần:

Trứng tôm, cá, hàu, bột mỳ, hạnh nhân đã lột vỏ, một hũ mật to, chuông cừu…

“Vậy thì…” Lạnh te cất tờ danh sách mua sắm đi, quý ngài sát thủ vô thức đi làm thuê cho bà chủ bình tĩnh bước về phía sạp bán hải sản, “Mua cá trước.”

Lod cười đến là tít mắt, khoác vai cậu kéo sang một bên bến cảng, đong đưa ngón tay nói Honey, tớ ăn cá chưa bao giờ phải trả tiền… Thế rồi quay đến chỗ chiếc thuyền đánh cá neo gần đó nhất, y gọi lớn, “Hola! Các chú, hôm nay thiếu người không? Hai thanh niên trai tráng có sẵn đây các chú cần không?!”

Thế là…

Mười phút sau.

Hai người ngồi xổm giữa núi hải sản tham gia dây chuyền sản xuất của các chú ngư dân…

Ngư dân A, “Ôi xời, hai nhóc hôm nay tay nghề múa dao xịn nhỉ! Lần đầu tiên tôi thấy có người chưa cần chạm cá đã cắt gọn đầu cá, bong bóng cá ngay trên không trung!”

Ngư dân B, “Đúng đúng, đứa kia cũng lợi hại, tôi còn chưa kịp thấy nó làm sạch nội tạng từ hồi nào, quá nhanh luôn!”

Ngư dân C, “Thực ra tôi thấy đứa kìa mỗi khi làm sạch cá xong còn ném vào mặt đứa kia mà không rơi cá có vẻ lợi hại hơn nữa…”

Ngư dân D, “Còn tôi lại thấy đứa kia dùng mặt đỡ mấy trăm con cá mà không nóng gáy thì đúng là trâu bò…”

Thuyền trường, thâm trầm nhả khói, “Đàn ông mà không tức giận chỉ có một nguyên nhân ấy là đuối lý. Mấy ông toàn dân độc thân không biết đó thôi, vợ chồng cãi nhau đều thế đó”

Các ngư dân, “Ra là vợ chồng son xích mích nhau hả?”, “Đang trút giận hả?”, “Ra là đang trút giận…”

Trong lời ra tiếng vào, Lý Tiếu Bạch đeo tạp dề của ngư dân, vừa vung tay lại chém viu viu một con cá, sát khí tỏa bốn phía!

Chém vừa ác liệt vừa chuẩn xác!

“Ối!” Lod bụm mũi ngồi phịch xuống, cầm con cá biện giải lí nhí, “Ho… Honey… Nghe tớ nói nè, lao động là vinh quang… Ái daaa!”

Đến giờ thuyền đánh cá ra khơi, các công việc tạm thời đều chấm dứt.

Các chú ngư dân chia cho Lod và Lý Tiếu Bạch mỗi người một thùng tôm cá hải sản tươi sống.

Quý ngài sát thủ ôm thùng mà sửng sốt.

Đây, là lần đầu tiên, nhận được thù lao mà không phải đổi bằng giết người.

Lod đứng kế biếng nhác dụi dụi vai cậu, đoạn vén áo cả hai lên ngửi ngửi, tấm ta tấm tắc, “Honey, hai bọn mình chung một mùi nè” Sau đó y kéo cậu thẳng tiến quầy hàng cổ xưa trong thị trấn.

Chung một mùi sao?

Cậu bỗng muốn cười.

Chung một mùi… Thật sự là vậy thì hay quá rồi…

...............................

Đa số các cửa hàng Malaga vẫn là kiểu chưng tủ bày bán xưa cũ, mỗi tiệm tạp hóa đều ẩn chứa sự ấm cúng quyến thuộc, trang sức trưng bày đủ kiểu độc đáo, các tủ hàng cũng được trang trí hấp dẫn, đặc sắc, hàng hóa hằng hà sa số loại chất đầy gian phòng nho nhỏ, túi tắm đóng gói đều là giấy kraft thủ công, có đóng con dấu quán, được đôi bàn tay khéo léo của người bán hàng thuần thục gấp thành chiếc túi giấy xinh xắn sau đó đặt gọn ghẽ từng món hàng của khách vào…

Lý Tiếu Bạch đứng dưới bảng hiệu hình con mèo đen của một tiệm tạp hóa, hai tay đút túi quần đứng tựa lưng vào bức tường rêu phong cũ kỹ, dưới chân đặt hai thùng hải sản, chờ Lod và chủ tiệm béo ú thảo luận mật nào ngon hơn.

Còn chưa trưa mà người trên đường đã thưa thớt, thi thoảng mới có người tản bộ.

Góc đường có tiếng nhạc đứt quãng truyền tới hình như được bật từ đĩa hát nào đã cũ lắm. Một con chó già ơi là già nằm úp sấp đối diện cửa tiệm, đầu gác trên móng nhắm mắt ngủ gà ngủ gật.

Trong bầu không khí bình yên, cậu cũng không nhịn được ngáp một cái, ngẩng đầu nhìn bảng hiệu hình con mèo đen được đúc từ sắt đen theo phong cách truyền thống, mặt mũi con mèo trông ngu si, bốn cái chân nhỏ xíu vòng thành hình vòm xinh đẹp, xung quanh trang trí bằng dây nho, đuôi mèo cong lên, bên trên còn cột một cái nơ bướm, bên dưới còn treo một quả chuông, đong đưa đong đưa theo gió…

Cậu lại ngáp dài, ngao ngán lay lay cái dây chuông, âm thanh leng keng, leng keng phút chốc ngân nga nơi con phố đậm phong cách Nam Âu…

Một quả bóng la đà bay qua trước mắt, mắc tại một nhánh cây cao cao, lay động, lay động.

Nom thật giống những lúc Lod nhún nhảy rung đùi, cậu nghĩ, thế là chống tay lên cửa sổ nhẹ nhảy lên, túm trúng quả bóng, một chân đạp lên bảng hiệu hình con mèo nhằm giảm độ rơi, đoạn khom người nhảy xuống, gió xốc lên tấm áo phông rộng thùng thình phơ phất, cậu vững vàng đáp đất.

“A!” “Oa!” Dậy lên tiếng kêu xuýt xoa của lũ trẻ…

“Mẹ ơi! Cái anh kia như con mèo ý!” Âm thanh ồn ào ríu rít.

“Không lễ phép gì cả, mau cảm ơn anh đi.” Tiếng bà mẹ phúc hậu.

Cậu lơ ngơ cầm bóng bay đứng tại chỗ.

“Cảm ơn anh mèo!” Thằng bé con chạy tới, đôi mắt to sáng rỡ gắt gao nhìn cậu.

Cô bé con thì thẹn thùng níu váy mẹ nấp sau người lớn, líu ríu nói nửa câu bằng chất giọng non choẹt, “… Anh mèo, bóng bay…” Ừm, tuy là quan tâm đến quả bóng hơn là nói lời cảm ơn, nhưng theo góc nhìn của anh mèo Lý Tiếu Bạch thì cũng coi như là cảm ơn rồi.

Bà mẹ vội sửa lời, “Không phải mèo, phải gọi là anh lớn! A, cậu bé à, cảm ơn cháu đã giúp nhà cô lấy bóng về nhé…”

Cậu né bàn tay đưa đến định nhận bóng của bà mẹ, cộc lốc mà rằng, “Nó là của tôi.”

“Ơ!?”

Bàn tay vươn ra của bà mẹ cứng đờ giữa chừng…

Gió lạnh thổi qua…

Người qua đường chỉ trỏ chỉ trỏ…

“Ơ?” Cơ mặt bà mẹ mãi mới cử động lại được, “Cháu bảo gì cơ? Hình như cô nghe lầm…”

“Tôi bảo là…” Quý ngài sát thủ có phần mất kiên nhẫn mở miệng, song một bàn tay từ đằng sau đã vụt lên che kín câu nói giật gân suýt thoát ra của cậu nào đó! Lod lanh lẹ cầm quả bóng nhét vào tay bà mẹ đang đứng đơ cả ra, cười cười làm hòa…

“A ha ha ha Nhóc này thích đùa ấy mà, đây bóng bay của cô đây, cầm đi. Ô, anh bạn, sau này đừng làm mất đồ nha! Em gái cũng thế nha, buộc dây vào cổ tay ấy! Đây đây để anh buộc giúp em nha… Vậy tạm biệt mọi người nha, hẹn gặp lại! Đi đứng cẩn nha nha!”

Đến tận khi bóng ba mẹ con đã đi xa, Lod mới thở phào, bỏ tay xuống.

Cậu hẩy tay y ra, cũng chẳng thèm nhìn, chỉ lầu bầu, “Của tôi cơ mà.”

Lod yếu đuối vịn tường, “Honey, đây hổng phải thế giới động vật, ai cướp được thì là của người đó… Lẽ nào được tớ soi sáng cho bao lâu mà cưng vẫn chưa hun đúc ra được tí tinh thần vĩ đại giúp đỡ người khó khăn cơ nhỡ nào hay sao?”

Cậu cóc thèm đoái hoài, ôm đồ mới mua đi thẳng về phía trước.

Hai người một trước một sau bước chậm lâu thật lâu, rồi ngài sát thủ mới dừng chân, ngoái đầu nhìn Lod, hỏi khe khẽ, “Lod, tôi không hề giống với nơi này, phải không?”

Lod không trả lời. Y cảm thấy nụ cười bất lực kia của cậu sao mà buồn bã.

...............................

Tại bến cảng, xe đạp hồng kiểu nữ không khóa biến thành một chiếc Jeep cùi bắp màu xanh lá sẫm hết sức tục tằn và đương nhiên là cũng không khóa.

Sau hôm về làng, Jeep cùi bắp biến thành Cadillac sang trọng.

Rồi ba ngày sau, cạnh sạp bánh rán, Cadillac lại biến thành một con lạc đà.

Mọi người đều bình thản đổi phương tiện giao thông cho nhau.

Quan trọng là đi đâu, chứ không phải đi bằng gì.

Một tháng tiếp theo, sau bao lần biến hóa của đủ loại phương tiện, Lod dung dăng dung dẻ dắt quý ngài sát thủ thăm thú khắp Tây Ban Nha một vòng.

Nào cung điện Hoàng gia(2), nào đấu trường bò tót, nào sào huyệt hải tặc, nào viện bảo tàng, nào các trang viên lâu đời, nào những hầm rượu thần bí… Cái quốc gia nửa thô kệch nửa tao nhã này, giống hệt như sân vườn nhà Lod vậy.

Nhưng nơi y thích đi nhất vẫn là nhà triển lãm.

“Xem bức này nè, Những Cô Nàng Ở Avignon(3), tranh Picasso năm 1907, cũng thuộc diện tranh thời kỳ đầu. À, bức này hàng dỏm thôi, bức gốc ở nhà bà tớ ấy. Kìa, bức kia nữa, Poireaux, Crane et Pichet(4), tranh Picasso năm 1944, dữ dội không? Cơ mà cũng dỏm nốt, tranh gốc để ở nhà Diana tại Paris.”

“Lod, cậu trộm sạch bách toàn bộ nhà triển lãm Tây Ban Nha à?”

“Suỵt, bé mồm thôi, tớ chỉ cắt truyền hình máy quay chứ không cắt truyền thanh đâu nha. Mí lị không phải trộm sạch bách toàn bộ Tây Ban Nha, tớ trộm sạch bách toàn thế giới được hôn?”

“… Cậu chỉ trộm mỗi tranh Picasso thôi?”

“Ừa.”

“Tính tuổi thì… Ông ta là ông nội cậu?”

“Hê! Tớ đâu có mang họ Picasso!”

“Thế nghĩa là sao?” Sao lại quá chấp nhất với tranh Picasso nhường ấy? Sao chị gái cậu lại trùng tên trùng họ với cháu gái ông ta?

“Ừm, có rất nhiều, rất rất nhiều, rất rất rất nhiều lý do… Hơn nữa dù sao cũng cần việc để làm, con người sống phải có việc để làm mới có hy vọng, tốt nhất nên là việc gì đó khó làm, chẳng hạn như, sưu tầm tranh của Picasso. Cưng biết Picasso có tổng cộng bao nhiêu tranh không? Nghe đồn không ít hơn ba mươi nghìn tấm, hơn nữa hầu hết chúng đều thuộc sở hữu của Hoàng cung, Chính phủ các quốc gia hoặc trong tay các nhà sưu tầm. Muốn sưu tầm, có khi cả đời tớ cũng sưu tầm không hết. Cưng không biết cứ thế cuộc đời tớ sẽ rất phong phú hay sao?”

“…”

“Hu hu, Honey đang chế giễu tớ trong lòng hả…?”

“Không.” Cậu ngoảnh mặt đi… rồi nghĩ, chắc là tôi, hâm mộ cậu…

Tuy Lod nói rằng y không mang họ Picasso, song nếu chị gái y là Diana có tên tuổi cháu gái Picasso đàng hoàng, vậy thì Lod có lẽ cũng có ràng buộc ít nhiều nào đó với gia tộc nọ. Picasso cả đời phong lưu với biết bao người phụ nữ, con riêng không ít, tài sản sau này để lại cũng ngất ngưởng tầm cỡ tài sản quốc gia. Lod chấp nhất đến mức này với các tác phẩm của ông ta, chỉ e có quan hệ với nhau không bình thường.

Cậu quyết định mai mốt rời làng, sẽ đi điều tra chuyện gia tộc nọ.

Bình sinh cậu không phải tuýp truy cứu gốc gác vấn đề, song lần này, cậu không muốn để sự chấp nhất đánh cược bằng cả đời Lod chôn mãi trên một người phụ nữ có tên Diana.

Nguyên do này, sẽ làm cậu hơi bị thất vọng.

Còn về phần làm sao mà thất vọng, cậu lười nghĩ.

Và khi Lod quyết định dẫn cậu đi xem bức gốc Guernica(5), y coi bộ hưng phấn hơn hẳn.

“Nó là kiệt tác của Picasso.” Y cảm thán, “Ông ta không phải người tốt… Cưng biết đấy. Nhưng bức tranh ấy, đích thị là kiệt tác! Khi đứng trước nó, tớ chỉ thấy mình ngạt thở. Có lẽ khi vẽ bức tranh này, ông ta đã trút cả sự phẫn nộ của mình xuống ngòi bút… Nói thật, tớ nghĩGuernica còn đẹp hơn cả những bức vẽ đắt giá của ông ta.”

“Cậu thích nó à?”

“Là bức tranh tớ yêu nhất. Hơn nữa, nó được mang về Tây Ban Nha đúng ngày tớ sinh, tớ đồ rằng đó là một lời chúc phúc dành cho sự chào đời của tớ…”

“Lod, cậu biết bức tranh ấy vẽ thảm cảnh bị ném bom mà?”

“Đả đảo chiến tranh! Đó là đả đảo chiến tranh! Tớ nói là chúc phúc thì nó chính là chúc phúc!”

“Tùy cậu… Xem ở đâu đây? Hầm ngầm?”

“À không, bức này tớ không trộm.”

“Chà?” Cậu nhướng mày, cảm thấy khó tin.

Lod cười cười, “Tớ đoán mục đích ông ta vẽ nên bức tranh ấy là để cho càng nhiều người xem càng tốt. Nên tớ không giấu nó đi.”

Cậu nhìn y, “Ít khi nào thấy cậu nói năng chính nghĩa vậy đó.”

“Nè nè, tớ cũng có niềm tin của tớ chứ bộ.”

“Vậy giờ đến bảo tàng Reina Sofia(6) ư?”

“Không có ở đấy đâu.” Lod nhắm mắt, đung đưa ngón tay, “Honey, cưng phải nhớ, hàng gốc trên đời này chỉ nằm trong tay tư nhân, những gì các viện bảo tàng, các nhà triển lãm trưng bày đều chỉ là rởm. Bức tranh này sau năm 1981 đưa về đây lập tức được phục chế thành ba bản, chia ra treo ở Reina Sofia và hai nhà sưu tầm, trong khi tranh gốc thì được giấu trong phòng châu báu của Hoàng cung Tây Ban Nha.”

“Tức là giờ đi Madrid hở?”

“Lại sai.” Lod đắc chí, “Vừa mới nói xong còn gì, tớ yêu bức tranh ấy nhất. Không chỉ bởi nó là bức vẽ đẹp nhất của Picasso mà còn vì nó là kiệt tác tuyệt vời nhất của chúng tớ!”

“Thật trâng tráo…” Cậu lẩm bẩm, tim thầm lật đi lật lại chữ “chúng tớ” này.

Cái tên bị mỉa mai vẫn tiếp tục oang oang khoe mẽ chiến tích, “Nè, tớ đã bảo bức tranh ấy phải bày ra cho mọi người cùng xem, sao có thể để nó mốc ở hầm ngầm Hoàng cung chật chội? Thế nên là chúng tớ ăn trộm nó trước! Cưng tưởng tượng ra nó to khủng bố cỡ nào không? Ngang gần 8 mét, dọc cũng hơn 3 mét! Đi trộm tranh tối kỵ là gấp tranh, nên theo lẽ thường, bức nào kích cỡ vượt quá 1 mét đều rất khó hành động, a… Lần ấy đúng là kiệt tác của chúng tớ…”

“Ờ, vậy giờ chúng ta đi hả?”

“Honey…” Lod bị sự lạnh nhạt của đối phương đả kích, phụng phịu xỏ giày, “Người thường nghe vậy xong sẽ phải tò mò hỏi là ‘các cậu đi bằng cách nào’ chứ?”

“Rồi, các cậu đi bằng cách nào.” Giọng hết sức lãnh đạm.

“Honey… Hu hu…”

...............................

Hóa ra bức kiệt tác trọn đời này của Picasso, được đặt ngay ở làng Malaga.

Picasso hồi bé sống tại một căn nhà con con hai tầng, hiện nay đã được mở rộng làm bảo tàng cho vị vĩ nhân này.

Guernica được treo trên một mặt tường hành lang, bên cạnh ghi giới thiệu vắn tắt lên tấm bảng nho nhỏ bằng hai ngôn ngữ Tây Ban Nha và Anh, trong đó cũng ghi rõ đây chỉ là tranh mô phỏng.

Châm biếm thật. Lý Tiếu Bạch nghĩ, đoạn nghiêng đầu nhìn bức tranh, “Bức này ấy à?”

“Ừ… Ừ mà?” Lod hơi sựng lại, nhoài người tới trước, dán mặt vào tấm kính nhìn chằm chằm một lúc lâu, “Quái lạ…”

“Sao vậy?”

“Con thỏ tớ vẽ ở góc tranh không thấy đâu nữa rồi…” Ai kia kiên quyết lấy kính chế tạo đặc biệt ra, che trước mắt kiểm tra lại góc trái dưới tranh lần nữa.

“Cậu vẽ thỏ vào họa phẩm nổi tiếng thế giới?”

Cậu sực nhớ ra cảnh tượng trước kia với bức tranh Cậu Bé Với Ống Điếu đắt tiền nhất thế giới… Phải phải, tên này hình như có thói quen viết chữ sau các bức tranh! Vậy thì dùng mực đặc biệt vẽ con thỏ lên góc tranh Picasso cũng không tính là lạ…

Lod đã chẳng còn tâm trí trả lời câu hỏi của cậu nữa, nghiên cứu cái mép tranh suốt cả hồi lâu lắc, cuối cùng sầm mặt kết luận, “Bị tráo rồi, bức này cũng dỏm nốt, mẹ!”

Hóa ra, bây giờ mới đáng gọi là châm biếm đây… Lý Tiếu Bạch nhìn xa xăm.

Ngay tối hôm ấy, quý ngài siêu trộm vẫn chưa từ bỏ ý định, lẻn vào viện bảo tàng lôi bức tranh ra khỏi kính quan sát nghiên cứu thêm lần nữa, rốt cuộc phải đau khổ chấp nhận sự thật thảm thiết “tranh do thần trộm ăn trộm đã bị ăn trộm”…

Mà càng đáng giận hơn, bức dỏm này lại là bức do Lod tự vẽ.

“Mỗi bức tớ trộm đều chỉ vẽ một bức nhái, tìm ngược trở lại chắc chắn tóm được kẻ đánh tráo.” Lod nghiến răng, “Chết cũng phải tra ra là ai!”

Lý Tiếu Bạch không quá mặn mà mới công việc này nhưng vẫn đồng hành cùng ngài siêu trộm lên Madrid, liên lạc với Nanae Ashita và Itsuki bên Nhật, điều tra tung tích bức tranh gốc.

Nhưng bức tranh mất tích quá bí ẩn, tai mắt nhanh nhạy như Lod mà còn không biết, hiển nhiên muốn điều tra cũng vô cùng khó khăn. Tra hơn nửa tháng vẫn chưa thấy kết quả, mà Itsuki lại dặn Lod hãy cẩn thận vì dạo này hình như có ai đó khá kỳ quái đang tìm y.

Mơ mơ hồ hồ, Lý Tiếu Bạch đoán ra đấy là ai.

Bỗng chốc thấy rét lạnh, và bắt đầu nảy sinh ý định phải rời khỏi đây.

Lod chờ tin trong một tháng lại khá bình tĩnh, hàng ngày chỉ ngồi ở cầu thang vẽ Guernica, đến nỗi mỗi đêm Lý Tiếu Bạch nằm mơ cũng ngửi thấy mùi thuốc vẽ…

Thuốc vẽ vẽ bức tranh chỉ có hai màu, không phải đen thì là trắng.

Trâu tượng trưng cho sự tàn bạo, ngựa tượng trưng cho nỗi đau, con người bị giày xéo, vươn tay kêu gọi hòa bình… Nhưng cũng chỉ là lời thuyết minh của Chính phủ mà thôi. Cặp mắt màu phỉ thúy của Lod dừng trên bức tranh đen trắng, rồi sáng ngời nhìn sang cậu, “Cưng thấy gì ở nó?”

“Chết chóc.”

Lod phì cười, “Đấy là ưu điểm của tranh trừu tượng, mỗi người xem lại nhìn ra các ý nghĩa khác nhau. Giống như cưng và tớ, nhìn vào lại là hai ý nghĩa khác.”

“Thế à…” Cậu điềm nhiên gật đầu, cậu cũng nghĩ vậy.

“Ê ê, mấy lúc này chí ít cưng cũng phải tò mò hỏi ‘cậu nhìn ra ý nghĩa gì’ chứ?” Lod bất đắc dĩ xoay bút vẽ chỉ vào bản mặt tỉnh rụi của ngài sát thủ.

Mà cậu thì lại không tiếp tục chủ đề này.

“Lod.” Quay sang gọi y, hình ảnh sườn mặt cậu bị ánh nắng ngoài cánh cửa sát đất chiếu rọi thành ra chập chờn, “Trong vòng một năm tới, đừng rời khỏi đây… Nhé?”

“Oa, tớ biết là cưng thích nơi này nhưng chẳng ngờ thích tới mức đó à nha!” Lod nhướng mày, “Ở với cưng thì được thôi, cơ mà trước giờ tớ chưa bao giờ ở nơi nào tận một năm.”

“Không, ý tôi là, cậu ở lại, tôi đi.”

Lod bàng hoàng.

...............................

Khi bức nhái vẽ xong cũng là lúc bên Itsuki báo tin, đã tìm thấy nơi đang giữ bức gốc rồi.

Bất ngờ là Lod không xông xáo đi ngay, thậm chí còn đỉnh đương giúp người làng lo liệu cưới hỏi. Không rõ là chịu nghe lời Lý Tiếu Bạch hay y có tính toán khác.

Ngày tổ chức đám cưới, thằng nhãi Lod tỷ năm mới về làng một lần bị dân làng chuốc xỉn quắc cần câu… Y chệnh choạng vỗ tay giậm chân quanh đống lửa, đánh nhịp cho mọi người khiêu vũ.

Làng nhỏ, một cái đám cưới chính là tiệc tùng của cả làng. Chẳng cần phong bì xã giao hay đọc lời chúc tụng rườm rà như ở Trung Quốc, chỉ có lời chúc phúc của mọi người và hai con người yêu nhau âu yếm ái ân mà thôi. Sau bữa tiệc đứng, nhạc Tây Ban Nha nổi lên kèm tiếng guitar, tiếng vỗ bôm bốp náo nhiệt, và điệu nhảy Flamenco giàu sức sống bắt đầu rộ quanh đống lửa!

Nếu nói tinh thần đấu sĩ bò tót là cột sống kiên nghị và quả cảm của dân tộc Tây Ban Nha, thì điệu nhảy Flamenco chính là dòng máu băng rần rật trong cơ thể họ.

Vũ điệu vào hồi cao trào nhất, thậm chí cả cô dâu cũng vén đuôi váy cưới trắng tinh lên góp vui!

Lần đầu tiên Lý Tiếu Bạch được xem một màu trắng thuần khiết mà lại có thể nhảy một cách rực cháy và quyết liệt chừng ấy!

Động tác xinh đẹp nhất, nét mặt nghiêm túc nhất, ý vị đến kỳ diệu, không ai có thể dời mắt…

Chú rể đệm nhạc cho cô dâu là bậc tài tử tuấn tú, ôm guitar trong lòng thâm tình nhìn người con gái mình yêu, đầu ngón tay gảy lên từng làn điệu u uẩn mà tuyệt diệu khiến ai ai cũng cầm lòng không đặng, tham gia nhảy cùng…

Các ông già, bà già trong làng đều tụ tập quanh đống lửa, cảm thán rằng muốn nghe tiếng guitar hay nhất phải để thằng nhóc thối Lodrian đàn lên mới được! Mọi người liền sốt sắng đòi Lod đệm một khúc cho cô dâu làm quà cưới, Lod khăng khăng không chịu, thà chịu phạt uống ba vại rượu rõ to còn hơn, sau đó lăn kềnh sang ngài sát thủ, ngả vào lưng cậu thở hồng hộc, cười hềnh hệch…

“Sao không chịu đánh đàn cho chị ấy?” Sau khi đám thanh niên ồn ã giải tán, Lý Tiếu Bạch mới hỏi nhỏ.

“Flamenco… là điệu nhảy đặc biệt… Honey, cưng thấy cô dâu nhảy đẹp không?” Lod xoay người lại tựa đầu trên vai cậu, cùng ngắm nhìn khung cảnh sôi động.

Bị da thịt nóng rực bởi cồn của Lod hun nóng, cậu hơi ngọ ngoạy, chùng giọng đáp lời, “Đẹp lắm.”

Người kia không nhận ra động tác nhỏ bé ấy, càng dán rịt vào cổ người ta, ủ ê lẩm bẩm, “Cưng thấy đẹp là vì cưng chưa xem Diana nhảy đấy thôi, ấy mới là Flamenco đúng nghĩa… Cả đời này… tớ chỉ đệm nhạc cho chị ấy!”

Cậu thản nhiên hỏi lại, “Chỉ cho một mình chị ta thôi?”

Lod nhắm mắt, gương mặt ngập tràn hạnh phúc, “Chỉ cho một mình chị ấy thôi…”

Cậu đưa tay đẩy y ra, thế rồi đứng lên, lấy một cây guitar để chỏng chơ ở đó, cúi đầu vững vàng gảy đàn…

Ngài sát thủ hình như có một loại khí chất riêng biệt, nếu cậu muốn mình trở nên mờ nhạt, sẽ khó ai mà chú ý ra cậu.

Còn nếu cậu muốn hiện diện trước mắt toàn thể, mọi người sẽ rất khó dời tầm nhìn khỏi cậu.

Dẫu có là một nơi rộn rịp thế này, xung quanh cậu vẫn chờn vờn bầu không khí ổn an nhàn nhạt…

Cậu ngồi ngay chính giữa, chỉ trong chốc lát, xung quanh dần yên tĩnh.

“Lod.” Cậu ôm đàn guitar, bình thản nhìn y, “Tôi đệm nhạc, cậu nhảy đi.”

Đám đông cùng nhau trố mắt rồi ngay sau đó tức khắc cổ vũ rầm trời! Người thì vỗ trống, người thì huýt sáo đòi Lodrian ra nhảy! Mấy thanh niên trẻ tuổi còn nhào qua lôi lôi kéo kéo, ném Lod vào giữa đám đông…

“Ho… Honey… Tớ không biết cưng biết đánh guitar nha?” Lod ngơ ngác nhìn ngón tay thành thạo và xinh đẹp của ngài sát thủ.

“Điều cậu không biết còn rất nhiều.” Cậu ngẩng đầu liếc y.

Đám đông đã bắt đầu gõ tiết tấu, tiếng vỗ tay rộn rã nhiệt liệt làm ai nấy đều hứng khởi!

Đàn ông nhảy Flamenco khác hẳn sự quyết rũ của phụ nữ, điệu nhảy của họ vừa sôi nổi vừa mạnh mẽ, vỗ tay giậm chân vang dội, xoay tròn linh hoạt, gót chân mũi chân bàn chân nhanh nhẹn nện xuống mặt đất, tiết tấu giục giã, động tác hùng hồn, kết hợp với tiếng hò la của đám đông quanh ánh lửa rừng rực, dường như mỗi một tế bào đều đang nhảy múa!

Flamenco là điệu nhảy hợp với Lod nhất.

Người Gypsy đã đưa nó đến từ miền Bắc Ấn Độ, pha trộn với chất Ả Rập, Do Thái, Byzantine(7), chông chênh qua bao cuộc hành trình sau cuối hợp lại thành một thứ âm nhạc hỗn tạp, cắm rễ tại Tây Ban Nha, tự do và phiêu du như gió, tượng trưng cho thái độ nhân sinh khảng khái, cuồng nhiệt, phóng túng và không thể gò ép… Thái độ nhân sinh của trộm.

Flamenco, quả là điệu nhảy hợp với Lod nhất.

Kết thúc một điệu nhảy tinh tang, tiếng con gái la hét chói lói…

Cô dâu hào hứng đu cổ Lod hôn chùn chụt! Mặt chú rể tái mét, bắt tay cùng mấy thanh niên nữa nhét Lod vào thùng bia, lăn cồng cộc xuống đồi…

Lý Tiếu Bạch một mình ôm cây guitar nhìn Lod được mọi người bao vây hết sờ lại đùa từ xa, cậu thấy nhân sinh náo nhiệt ấy mới hợp với y.

Đúng thế, Lod là tuýp người rất dễ được yêu mến và chấp nhận.

Y hợp ở lại cùng đám đông.

Hoàn toàn tương phản với cậu.

Cậu đứng dậy, chầm chậm đi xuống theo con đường thoai thoải mà thùng bia vừa lăn, kiếm Lod.

Đêm đã khuya lắm, núi đồi nho nhỏ trải dày những cụm cỏ cây êm mềm, lác đác mọc vài đóa hoa, tỏa mùi hương dìu dịu, đều bị ngài sát thủ lạnh lùng đạp qua.

Thùng bia nằm dưới chân đồi, Lod uể oải ngồi bên trong, chỉ thò một cái đầu ra tựa lên thành thùng, xem ra rất thoải mái không định chui ra.

Cậu qua đó, cũng ngồi tựa vào thùng bia.

Bốn phía râm ran tiếng côn trùng khi khoan khi nhặt, bầu trời Andalusia vẫn chi chít những vì sao, rực rỡ khôn cùng, đám cưới nơi xa chốc chốc truyền đến tiếng cười và tiếng hát thấp thoáng càng khiến nơi này trở nên xa xôi, vắng lặng…

Lod nhìn về phía đôi tình nhân hạnh phúc trong đám cưới nơi lưng đồi, sẽ sàng mở lời, “Tớ và chị ấy, vĩnh viễn không có ngày này nhỉ?”

Cậu gật đầu, “Ừ.”

Lod mếu máo, “Hic hic… Cưng hơi bị phũ. Tốt xấu gì cũng nên an ủi, an ủi tớ chứ…”

“Cậu muốn tôi an ủi?”

Lý Tiếu Bạch quay mặt, lẳng lặng nhìn thẳng con ngươi màu phỉ thúy của y một lát…

Thế rồi chậm rãi nghiêng người, chếch mặt đi, hôn y…

Đó là một nụ hôn chân chất, giữa hai người không ai dấn sâu hơn, nhưng cũng không ai lui đi.

Chỉ là mơ màng, chỉ là khẽ khàng, trăn trở chuyển góc, cảm thụ hơi ấm từ đối phương.

Rồi khi rời nhau ra, Lod cười nhẹ, “Đây là an ủi tớ?”

Lý Tiếu Bạch quay mặt đi, “Không phải.”

Nét mặt của siêu trộm mắt xanh có phần bất đắc dĩ. Y thả người tựa ra thành thùng phía sau, ngẩng nhìn sao trời và thì thào, “Honey, cưng hôn giỏi đấy chứ…”

Nó hình như là câu cuối cùng Lod nói với cậu thì phải.

Sau này, Lý Tiếu Bạch đã nghĩ vậy.

. /.

Chú thích:

1. Phoenica: Nền văn minh cổ đại nằm ở miền Bắc khu vực Canaan cổ đại, với trung tâm nằm dọc vùng eo biển Liban, Syria, và bắc Israel ngày nay.

Nền văn minh Phoecinia là một nền văn minh dựa vào thương mại hàng hải trải khắp Địa Trung Hải trong suốt thời kỳ từ năm 1550 TCN tới năm 300 TCN. Người Phoenicia thường giao dịch bằng phương tiện thuyền galê, một loại thuyền lớn sử dụng sức người để di chuyển. Nền văn minh Phoenicia được tổ chức thành các thành bang, tương tự như Hy Lạp cổ đại. Mỗi thành bang là một đơn vị độc lập về chính trị, các thành bang có thể xung đột và thống trị nhau, các thành bang thường hợp tác thành các liên minh.

Phoenicia là xã hội cấp nhà nước đầu tiên sử dụng bảng chữ cái một cách rộng rãi. Bảng chữ cái ngữ âm Phoenicia được cho là nguồn gốc của những bảng chữ cái hiện đại, mặc dù nó không chứa nguyên âm (sau này được bổ sung bởi người Hy Lạp). Người Phoenicia nói tiếng Phoenicia, một thứ tiếng thuộc nhóm ngôn ngữ Canaan trong ngữ hệ Semitic. Thông qua thương mại hàng hải, người Phoenicia phổ biến việc sử dụng bảng chữ cái tới Bắc Phi và châu Âu. Người Hy Lạp đã sử dụng bảng chữ cái và truyền lại cho người Etrusca, những người đã truyền lại cho người La Mã.

2. Cung điện Hoàng gia: Một trong những danh thắng nổi tiếng nhất thành phố cổ kính Madrid.

Madrid là nơi ở chính thức của Quốc vương Tây Ban Nha xưa kia. Vị vua cuối cùng sống trong cung điện này là Alfonso XII. Ngày nay, nơi đây được sử dụng để tổ chức các nghi lễ trọng thể của quốc gia. Cung điện nằm ở phía Tây trung tâm thành phố Madrid, và phía Đông của con sông Manzanares hiền hòa, trong xanh.

Toàn bộ khu quần thể kiến trúc Madrid rộng 135.00 m2 với tổng thể 2.800 phòng. Đây là cung điện lớn nhất châu Âu. Madrid nổi tiếng là cung điện cổ kính lưu giữ hàng trăm tác phẩm nghệ thuật quý giá của các nghệ sỹ nổi tiếng thế giới như: Caravaggio, Valazquez và Francisco de Goya…Và nếu một lần đặt chân đến cung điện Hoàng gia Madrid chắc không ai có thể quên được nội thất được bài trí cầu kỳ sang trọng nạm bạc quý giá nơi đây.

Trong cung điện Madrid còn có phòng trưng bày các bộ áo giáp và dụng cụ chiến đấu của các ngự lâm quân ngày xưa và một phòng thuốc của hoàng gia. Bên ngoài cung điện là một khu vực tên Campo del Moro với những từng cây, bồn nước, công viên… Phía Nam cung điện là nhà thờ Hoàng Gia. Phía Tây là Plaza de Oriente – một công viên hoa kiểng được cắt tỉa khéo léo. Giữa công viên là tượng vua Felipe II cưỡi ngựa.

3. Những Cô Nàng Ở Avignon: Tranh sơn dầu của Picasso vẽ năm 1907 về năm người phụ nữ *** trong một nhà chứa tại đường Avinyo, Barcelona.

Trong tác phẩm này, lần đầu tiên Picasso thể hiện các hướng nhìn khác nhau cùng một lúc của vật thể ba chiều trên không gian hai chiều của bức tranh. Những Cô Nàng Ở Avignon không được coi là lập thể nhưng nó lại được coi là cột mốc quan trọng để tiến đến trường phái lập thể, bắt đầu thời kỳ Ảnh hưởng Phi châu (1908–1909) của Picasso.

4. Poireaux, Crane et Pichet:

5. Guernica: Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Picasso, bức Guernica đã được sáng tác trong thời kì chủ nghĩa cổ điển và siêu thực. Bức tranh mô tả cuộc ném bom vào Guernica của phát xít Đức trong Nội chiến Tây Ban Nha.

Dưới đây là cụ thể hơn về hành trình của Guernica, sở dĩ mình tìm hiểu kỹ về nó bởi mình muốn cảm nhận rõ hơn chút về bức tranh mà Lod theo đuổi, về những gì Lod trình bày trong truyện. Ai không cần có thể skip không đọc.

Trong ngày đau thương 26/04/1937, có tới 28 máy bay ném bom đã cày nát Guernica, thảm sát hàng ngàn người dân lành vô tội. Vụ ném bom đã tác động mãnh liệt đến nhà khai sáng trào lưu Lập thể, và chỉ sau nửa tháng diễn ra tấn thảm kịch, Picasso đã bắt đầu thực hiện bức tranh tường khổ lớn theo đề nghị của Chính phủ Tây Ban Nha còn non trẻ để kịp gửi tranh dự Hội chợ Thế giới (Expo) Paris 1937.

Sau khi được trưng bày tại Expo Paris, Guernica được đem đi triển lãm lưu động ở nhiều quốc gia trong một thời gian tuy không dài nhưng đã mau chóng trở thành một tác phẩm hội họa được biết đến nhiều nhất và khiến cuộc nội chiến Tây Ban Nha được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Kiệt tác hoành tráng này gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại về thảm họa của chiến tranh, đồng thời là một thông điệp hòa bình vĩnh cửu mà trong lịch sử mỹ thuật thế giới không có tác phẩm nào làm được như nó.

Guernica có chiều cao 3,5 m, dài đến 7,8 m – đúng như kích thước của những bức tranh tường khổng lồ, nhưng được Picasso vẽ bằng sơn dầu trên vải bố, mô tả những cảnh tượng chết chóc, bạo lực đẫm máu, sự hỗn mang, nỗi kinh hoàng, tuyệt vọng của nạn nhân chiến tranh. Tranh chỉ được vẽ bằng hai màu đen trắng nhằm chuyên chở tính thời sự như một bức ảnh báo chí và thể hiện tính chất chết chóc của chiến tranh.

Guernica có một hành trình thật dài đến với người xem nhiều xứ sở, hơn bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào khác từ cổ chí kim: từ Paris, bức tranh đến thủ đô các nước vùng bán đảo Scandinavia, London, Munich rồi trở lại Pháp. Sau khi Tướng Franco nắm quyền tại Tây Ban Nha, bức tranh được đưa sang Hoa Kỳ để triển lãm gây quỹ cứu trợ cho những người Tây Ban Nha lánh nạn phát xít. Khi Picasso đề nghị tìm một nơi an toàn cho Guenica, tác phẩm được giao cho bảo tàng MoMA ở New York gìn giữ và bảo quản.

Trong giai đoạn 1939 – 1952, Guernica được trưng bày ở nhiều nơi trên đất Mỹ, tới những năm 1953 – 1956, nó được triển lãm tại Brazil, sau đó có mặt trong triển lãm hồi cố lần đầu tiên của Picasso ở Milan (Ý), rồi đến các đô thị lớn ở châu Âu trước khi về lại bảo tàng MoMA để tham gia triển lãm nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh Picasso.

Từ MoMA, Guernica đến với công chúng ở Chicago và Philadelphia. Đến lúc này, đã xuất hiện những mối lo về tình trạng của tác phẩm sau nhiều năm chu du thế giới nên nó được đưa về lại MoMA, chiếm trọn một phòng ở tầng 3 của bảo tàng, bên cạnh có thêm một số phác thảo nghiên cứu vào thời kỳ đầu Picasso đến với mỹ thuật.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, căn phòng trưng bày Guernica ở MoMA trở thành nơi tập hợp những người phản chiến đến cầu nguyện cho hòa bình. Năm 1974, Tony Shafrazi, một người Mỹ phản chiến, do căm tức tổng thống Nixon tha bổng cho tên cuồng sát William Calley trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai đã có hành vi rồ dại là lấy sơn đỏ xịt lên bức Guernica dòng chữ “Hãy giết hết bọn dối trá!”. Hậu quả là tác phẩm bị hư hại bề mặt, cần phải phục chế.

Đầu năm 1968, tướng Franco đã từng đề nghị đưa Guernica về với Tây Ban Nha nhưng Picasso đã thẳng thừng bác bỏ, khẳng định rằng bức tranh của ông chỉ về với nhân dân Tây Ban Nha sau khi chế độ Franco cáo chung và nền cộng hòa trở lại. Picasso qua đời năm 1973. Đến năm 1975, Franco chết và dù chế độ mới đã ra đời tại Tây Ban Nha từ năm 1978, bảo tàng MoMA chưa chịu trả tác phẩm về với quê hương của nó. Sau nhiều áp lực của quốc tế cùng với những cuộc thương lượng giữa chính phủ Tây Ban Nha với MoMa, bảo tàng này đã chịu giao lại Guernica vào năm 1981. Bức tranh được đưa về bảo tàng Prado ở Madrid.

Năm 1992, Guernica được đưa từ bảo tàng Prado đến bảo tàng mỹ thuật quốc gia mang tên Hoàng hậu Reina Sofia cũng ở thủ đô Madrid, cho dù chính Picasso từng tuyên bố nếu Guernica trở về cố hương nó chỉ được trưng bày tại bảo tàng Prado. Đã có những phản ứng về việc di chuyển này, nhưng Guernica thích hợp hơn với bảo tàng Reina Sofia mới xây dựng, nơi trưng bày các tác phẩm của thế kỷ XX hơn là bảo tàng Prado cổ kính thích hợp với các tác phẩm từ thế kỷ XIX trở về trước.

Còn những người xứ Basque cực đoan vẫn đòi Guernica phải trở về với chính vùng đất từng xảy ra vụ thảm sát đẫm máu, nhất là sau khi bảo tàng Guggenheim Bilbao được xây dựng (thành phố Bilbao cũng thuộc xứ Basque), nhưng giới chức của bảo tàng Reina Sofia cho rằng bức tranh khổng lồ nay đã quá mong manh, khó chịu đựng nổi một lần chuyển chỗ nữa. Chính các chuyên gia của Guggenheim Bilbao cũng đồng tình với nhận định này.

Và câu chuyện dài về một kiệt tác hội họa của nhân loại có lẽ đã có hồi kết. Guernica đã có một bến để dừng chân vĩnh viễn, trên lý thuyết hiện thực chính là bảo tàng Reina Sofia, còn con đường của nó trong truyện hãy còn dài, còn dài…

(thông tin tham khảo: Poetry@Vietstamp)

6. Bảo tàng Reina Sofia: Bảo tàng quốc gia Tây Ban Nha dành cho nghệ thuật thế kỷ 20, nằm tại Madrid. Được thành lập vào 10/09/1992 và được đặt theo tên của nữ hoàng Sofia, bảo tàng nay còn được gọi tắt là Reina Sofia.

Bức Guernica trong Reina Sofia:

7. Byzantine: Tức đế quốc Đông La Mã, một đế quốc tồn tại từ năm 330 đến năm 1453, đóng đô ở Constantinopolis.