Đẹp Quá Cũng Nguy Hiểm, Sinh Viên Thể Thao Cần Cẩn Thận

Chương 29: Cởi áo có cơ bắp mới là nam thần chân chính




Dứt lời, không chờ bé thỏ Diệp phản ứng lại, Kình Phong đã lùi hai bước ra sau.

Tình cờ là bấy giờ huấn luyện viên phía sau đang gọi, anh bèn quay đầu đáp lại, sau đó chỉ để lại một gương mặt nghiêng quá đỗi đẹp trai rồi vội vã chạy đi.

Để Diệp Luân ngốc tại chỗ, nghiêng đầu sờ tai rồi đơ người ngồi xuống.

Thật lâu sau, vành tai mới đỏ dần lên từng chút, được những sợi tóc nhuyễn che lại, trừ khi đến gần, nếu không sẽ rất khó phát hiện.

Rất nhiều người trên khán đài đều dõi theo Kình Phong, tất nhiên cũng nhìn thấy màn này. Động tác quá mập mờ, trái tim thiếu nữ cứ nhảy “thình thịch” mãi.

Nhìn kỹ lại phát hiện: Ồ, là một cậu trai.

Thế là một nửa thì thở phào, nửa còn lại cảm thấy: Ối, đáng yêu hơn nữa.

Hai hiệp tiếp theo, bất ngờ hồi hộp ập đến không ngừng.

Một trăm giây tạm nghỉ nhanh chóng kết thúc, cầu thủ hai bên vào lại sân, tiếp tục theo chỉ huy của thầy trọng tài.

Chỉ nhìn vị trí đứng thôi mà cầu thủ của Đại học H đã cảm nhận một cách rõ ràng rằng bầu không khí đã khác trước: Đại học Y đã đổi chiến thuật phòng thủ 3-2[14], bỏ luôn hình thức phân chia khu vực mà chuyển sang chiến thuật hai kèm một với Kình Phong.

[14] Chiến thuật phòng phủ 3-2: hay còn gọi là chiến thuật phòng thủ khu vực 1-2-2, nhằm vào các đội bóng sử dụng nhiều những cú ném từ xa, bằng cách dùng cả 5 cầu thủ phòng ngự áp sát đối phương khiến đối thủ ít khi có được những khoảng trống thoải mái để ném bóng.

Là người mấu chốt kéo gần cách biệt, Kình Phong đã thu hút sự chú ý của nhóm huấn luyện Đại học Y. Cứ tiếp tục để mặc cậu nhóc này luồn trái lách phải như chốn không người là chuyện không thể được.

Thế nên hai kèm một, kèm chết Kình Phong!

Rất ít ai sử dụng chiêu tàn nhẫn này, nhưng một khi đã sử dụng thì hiệu quả khá rõ rệt.

Kình Phong cứ như một con ngựa hăng hái bị trói hai chân vậy, bất kể di chuyển sang bên nào cũng có người nhảy ra cản đường, dù có giỏi giang đến đâu cũng chẳng có dịp thể hiện, cả việc chuyền bóng cũng trở thành thứ xa xỉ.

Theo lẽ thường thì việc hai kèm một có lợi cũng có hại, Kình Phong bị hạn chế kèm chặt, chứng minh rằng có một đồng đội sẽ không bị ai kèm.

Đại học Y đã dự tính trước, sự phối hợp của ba người khác còn kín kẽ hơn cả nửa trận đầu, chạy nhiều hơn, di chuyển nhiều hơn để bổ sung chỗ trống. Nhất thời Đại học H thật sự không tìm được chỗ đột phá nào rõ ràng.

Thế thì điểm mấu chốt cho nửa trận đấu sau đã rõ: mất sức!

Hai bên “tra tấn” lẫn nhau, điểm số cũng giằng co qua lại, mãi mà chẳng có bên nào kéo xa được khoảng cách.

Tiếng còi vang, hiệp ba kết thúc, Đại học Y tạm thời dẫn trước bảy điểm.

Lúc cầu thủ xuống sân, ai nấy đều mồ hôi nhễ nhại, há mồm thở hồng hộc, quần áo trên người đã ướt đẫm dán sát lên lưng.

Là đối tượng được chăm sóc nhiều nhất, tất nhiên Kình Phong là người mệt nhất. Anh lặng lẽ tìm một chỗ trống ngồi xuống, tứ chi nhũn ra, chẳng hơi sức đâu để quấn lấy Diệp Luân trêu ghẹo nữa.

Huấn luyện viên cũng lo lắng đi qua: “Sao rồi, hiệp bốn còn chơi được không?”

Cũng không trách được huấn luyện viên lo lắng như thế. Hai tiền phong phụ xuất sắc của Đại học H đều đã tốt nghiệp rời trường vào mấy tháng trước, mấy tân sinh viên dự bị ít nhiều gì cũng còn chỗ chưa ổn, cứ để họ ra sân thì e là chưa bắt được tiết tấu đã thua trận mất rồi.

Kình Phong cũng rõ tình trạng đội mình, anh lau mồ hôi, gật đầu một cách cương quyết.

Huấn luyện viên vỗ vai anh: “Vất vả rồi, đánh xong trận này cho cậu nghỉ ngơi thêm vài ngày!”

Giờ giải lao ngắn ngủi đã quá, hiệp bốn bắt đầu.

Biết được hậu quả mất sức cực nhanh khi theo chiến thuật phòng thủ hai kèm một, đại học Y cũng không chịu nổi, bèn đổi về chiến thuật phòng thủ 3-2 như nửa trận trước, chỉ là phòng thủ bên phía Kình Phong sẽ cứng hơn.

Điểm số cứ tăng dần, di chuyển giằng co nhau, tình hình chiến đấu vô cùng căng thẳng.

Theo thời gian, người tinh ý đều nhìn ra được hành động và phản ứng của Kình Phong đã chậm dần, đã mắc hai lỗi trong lúc quan trọng, khiến Đại học H bị mất năm điểm.

Nhưng đây cũng là chuyện bất đắc dĩ thôi.

Là người chơi suốt trận duy nhất trong cả hai đội, dùng chiến thuật để thu hút sự chú ý và khiến đối thủ tập trung kèm cặp, thật ra thể lực của anh đã đến cực hạn từ lâu rồi, bây giờ còn chạy được hoàn toàn là nhờ có ý chí không muốn chịu thua chống đỡ thôi.

Cứ miễn cưỡng tiếp dường như cũng chẳng xảy ra kỳ tích gì, thầy huấn luyện viên quả quyết hô tạm dừng…

Đổi người!

Còn năm phút hết trận đấu, tiền phong phụ số 7 của Đại học H bị đổi ra, khán đài vang lên từng tiếng xuýt xoa.

Kình Phong nâng cánh tay lau mồ hôi, đi ra khỏi sân, trông có vẻ đã thật sự rất mệt, bước chân hơi loạng choạng rồi. Hai đầu gối nhũn ra, dường như sẽ ngã quỵ bất cứ lúc nào.

Thầy huấn luyện vóc dáng cao to, thấy thế vội dìu anh, vừa đưa người vào phòng nghỉ bên cạnh vừa nâng tay gọi: “Cậu bạn kia, sang đây một chút.”

Bé thỏ con nào đó bị chỉ lại ngơ ngác, quay sang trái rồi lại quay sang phải nhìn: “Dạ, em ạ?”

“Là em đó.” Huấn luyện viên nói thẳng: “Da trắng bóc ấy.”

Miêu tả này đúng là trúng phốc không còn gì để cãi…

Lẫn trong một đống da ngăm, quả thật Diệp Luân là người trắng trẻo nhất.

Chỉ đành miễn cưỡng lết sang, nghe thầy huấn luyện viên nói với Kình Phong: “Cho cậu ba phút nghỉ ngơi thật tốt, hai phút sau ra sân tiếp. Kéo dài để thêm giờ sẽ bất lợi cho chúng ta, cậu phải chuẩn bị sẵn sàng, ra sân dứt điểm luôn cho thầy.”

Kình Phong đã hết sức nói chuyện, bèn dùng ánh mắt trả lời: Em hiểu.

“Rồi còn bạn này, nào nào nào.”

Huấn luyện viên kéo vai Diệp Luân: “Phiền cậu mát-xa hai chân và cánh tay giúp cậu ấy để thả lỏng cơ bắp. Trước đó vận động cường độ lớn quá, căng chặt cả rồi, không thả lỏng nữa sẽ bị chuột rút mất.”

Diệp Luân chớp mắt: Rìa sân có cả đống người, sao cứ phải gọi em?

Thầy huấn luyện viên trải đời nhiều, cũng có suy nghĩ riêng, nghĩ bụng cậu cầm khăn và chai nước của cậu ấy, lời nói cử chỉ thân thiết như vậy, không phải anh em cũng là bạn gay, không tìm cậu thì tìm ai?

Chậc chậc chậc, người đã ăn cơm nhiều hơn mấy cậu chàng này mười mấy năm đúng là giác ngộ khác biệt.

“Mau lên mau lên, đừng lề mề nữa, không có thời gian đâu.”

Huấn luyện viên thúc giục, Diệp Luân cũng biết chuyện đang gấp, cậu vội đặt đồ trong tay sang bên, ngồi xếp bằng trước mặt Kình Phong, cầm lấy bắp chân anh xoa bóp thật mạnh tay.

Nếu là người khác có lẽ sẽ nghĩ chệch đi, không chừng còn chê chỗ này chỗ nọ. Nhưng Diệp Luân lại không có suy nghĩ này, bởi Kình Phong là người rất thân thiết với cậu, ngủ chung giường lâu thế rồi, chỗ nào thấy được sờ được cũng thử qua hết, không phải người ngoài nữa.

Cơ bắp hoạt động quá độ, xoa vào vừa mỏi vừa nhức, Kình Phong đau đến mức hít sâu. Thật lâu sau mới phản ứng được người trước mặt là ai, vừa thấy thế là sốt ruột, vội vươn tay kéo lại: “Không cần đâu, mau đứng lên…”

Trong ấn tượng của anh, cậu chủ Diệp được cưng chiều từ bé thì phải được người ta nâng niu trong tay để yêu thương, không thích hợp làm bất kỳ việc tay chân thô tục nào.

Bản thân Diệp Luân lại chẳng để bụng gì, cậu thuận thế túm lại cổ tay anh, lướt lên xoa bóp cơ bắp ở cánh tay. Vừa làm vừa ngửa đầu nhìn anh, hai mắt sáng long lanh: “Mỏi không? Còn chỗ nào khó chịu nữa?”

Kình Phong cố nhịn xúc động muốn cúi đầu hôn ngấu nghiến lên môi cậu, trong lòng đã điên cuồng tự hỏi: tại sao bạn cùng phòng lại đáng yêu thế chứ??? Ngoài miệng lại vẫn từ chối trông cực kỳ cứng đầu: “Hết rồi, đều ổn cả, cậu đứng lên đi.

“Ngồi vững ngồi vững, đừng động đậy lung tung.” Diệp Luân giữ chặt đùi anh lại: “Còn hơi sức thì để lại lúc ra sân mà xõa, cứng đầu với tôi làm gì?”

“Không phải… sh shh shhh, đau.”

Bé thỏ Diệp nhấn lên cơ bắp trên tay anh, cười xấu xa: “Ồ, chỗ này à.”

Kình Phong: “…”

Câu đó nói sao nhỉ, à “thiếu hiệp xin tha mạng”.

Xét về phương diện “động khẩu” thì tỷ lệ thắng của anh quá nhỏ, thường thì chỉ có thể dùng vũ lực giải quyết vấn đề thôi. Song, điều bất hạnh chính là bây giờ đừng bảo anh bế Diệp Luân lên, chỉ nhấc tay nhấc chân trước cậu thôi là anh đã chẳng có lấy can đảm rồi.

Đánh không lại biết làm sao? Chịu thôi.

Trước đây Kình Phong không chống cự được nhan sắc của Diệp Luân, bây giờ càng chẳng chống cự được dáng vẻ ngoan ngoãn dịu dàng của cậu, chỉ muốn vươn tay ôm chặt cậu bế lên chân mình ngồi. So với mát-xa, cho anh chôn cả khuôn mặt mình vào cổ của Diệp Luân hít thật sâu hình như còn có hiệu quả hơn đấy.

Song, hiện thực lại vả mặt chan chát: tay nhức chân mỏi, dám nghĩ nhưng chẳng dám làm.

Thật ra anh rất không muốn Diệp Luân đến gần mình trong tình trạng mồ hôi đầy người mà trông còn nhếch nhác như thế, nhưng nhìn vẻ mặt của đối phương dường như không chê bai gì.

Chí ít thì bé thỏ Diệp cũng đang ôm chân anh, xoa một cách vô cùng sung sướng.

Chỉ có hơi nhức thôi…

Kình Phong cắn răng chịu đựng, âm thầm tự cổ vũ mình: vì chiến thắng! Nhưng thực tế thì nước mắt cũng sắp ứa ra rồi.

Hai trăm giây không phải thời gian dài.

Có lẽ ngoài sân đã qua vài lượt hồi hộp, nhưng trong cuộc sống đời thường, thật ra đây chỉ như khoảng thời gian mà sáng bạn thức dậy rồi đi vệ sinh một chuyến thôi.

Thời gian nghỉ ngơi quá ngắn, muốn chu toàn mọi mặt là điều không thể, Diệp Luân chỉ kịp ấn xoa những vị trí quan trọng một lần.

Tay còn đặt trên bắp đùi Kình Phong định mát-xa cho anh thì thầy huấn luyện viên lại vội vã đi đến: “Sắp đến giờ rồi, chuẩn bị xong chưa?”

Nói thật, còn lâu mới xong. Nhưng lùi bước trong giờ phút quan trọng không phải là tính cách của Kình Phong, anh gật đầu, nắm tay bàn tay Diệp Luân đang vươn ra, mượn sức đứng lên rồi đáp với giọng kiên cường: “Xong rồi.”

Lần này Diệp Luân không nói “cố lên” nữa, chỉ lặng lẽ dùng khăn lau mồ hôi sau gáy của anh.

Thêm một lần đổi người.

Bấy giờ chỉ còn một phút hai mươi tám giây là kết thúc trận đấu, Đại học H kém năm điểm.

Sau khi ra sân, đầu tiên Kình Phong thay cầu thủ vừa ra sân ban nãy ném phạt một lần, tư thế hoàn hảo, cú ném hoàn hảo, hoàn hảo đến mức chẳng hề nghi ngờ, vào rổ!

Một điểm vào tay.

Quyền giữ bóng về lại trong tay Đại học Y, đối phương chiếm ưu thế dẫn trước, bèn cố ý giảm nhịp điệu, cứ chuyền bóng qua lại, di chuyển đổi vị trí mà không phát động đợt tiến công nào có hiệu quả cả.

Đại học H không có thời gian dây dưa với họ, chỉ có một cách duy nhất: cắt bóng!

Bốn điểm là điểm số chênh lệch khá lúng túng, hai trái bóng không đủ để đảm bảo thắng lợi, mà cầu thủ đội bóng rổ của Đại học H đã không còn nhiều thể lực để chơi thêm hiệp phụ gian khổ nữa, thế nên – cú ném ba điểm!

Chỉ có cú ném ba điểm mới nhanh chóng lật ngược được tình thế.

Cầu thủ đội bóng rổ Đại học H rất rõ, bèn lần lượt đứng ngoài vạch ba điểm, nhưng thành viên cầm bóng đều bị bên Đại học Y nhanh chân kèm cặp, bất đắc dĩ quá chỉ có một lựa chọn, chuyền bóng!

Kình Phong vươn cánh tay dài đón bóng, nâng bước chạy vào khu vực cấm, gần như muốn ba bước lên rổ hoặc bắt bóng bật bảng. Tư thế tấn công cực hung mãnh, đối thủ nhanh chóng rút về phòng thủ, cả đồng đội cũng sốt ruột: Đừng mà á á á, hai phút không đủ xem đâu anh trai ơi!

Chính lúc đang suy nghĩ như thế thì Kình Phong đã giẫm lên vạch ném phạt, cơ thể nhảy lên không trung, cổ tay đã làm sẵn tư thế ném bóng. Nhưng điều không ai ngờ đến đó là ngay vào giây cuối anh lại đột nhiên xoay tay, quả bóng rổ bất ngờ bay về phía sau.

Phía sau Kình Phong là ai?

Hậu vệ ghi điểm số 8 đứng ngoài vạch ba điểm!

Sau khi nhận bóng ngay lập tức ném rổ, cầu thủ của Đại học Y vừa đáp xuống đất, còn chẳng có cách nào nhảy thêm lần nữa trong thời gian ngắn thì đã phải mở to mắt nhìn quả bóng đỏ bay lên giữa trời, rồi “soạt” một tiếng, vào rổ!

Đại học H thuận lợi ghi thêm ba điểm.

Còn năm mươi bốn giây nữa là kết thúc trận đấu.

Trong khoảng một phút, cuối cùng Đại học Y đã không thể ác ý kéo dài nữa, họ quả quyết tấn công!

Nhưng quá vội vàng nên phối hợp chưa nhuần nhuyễn, tiết tấu hơi rời rạc khiến vị trí và góc độ của tiền phong phụ khi ném rổ không được tốt, quả bóng đập “bộp” một tiếng lên vành rổ, lăn vài vòng rồi rơi ra ngoài.

Cơ hội!

Trung phong của Đại học H liều mạng tung người lên, dùng cơ thể mình làm ưu thế để tranh giành với đối thủ, lấy được quả bóng trong khu vực cấm rồi xoay người ném một đường chuyền dài…

“Kình Phong!!!”

Còn chàng tiền phong phụ số 7 đã nhanh chóng xoay người đổi vị trí ngay trước khi anh ta gào lên.

Có lẽ đây là sự ăn ý trong truyền thuyết, và cả lòng tin tuyệt đối với đồng đội: tin rằng chắc chắn anh ta sẽ giành được bóng, chắc chắn sẽ không trì hoãn, và đã phản ứng đúng lúc đúng thời điểm.

Quả bóng bay qua nửa khoảnh sân, không còn trớn nữa nên bắt đầu rơi nghiêng xuống, bấy giờ hậu vệ dẫn bóng số 13 của Đại học H đang ở gần vạch giữa sân, thuận thế nhận bóng rồi quả quyết tiếp tục một đường chuyền dài!

Hai đường chuyền dài liên tiếp!

Bảng hiển thị gần bức tường phía Bắc đã bắt đầu những giây đếm ngược cuối cùng, thắng hay thua quyết định ở hành động này:

Năm giây…

Kình Phong đến vạch ba điểm, anh không dừng lại mà vẫn tiếp tục chạy lên trước.

Bốn giây…

Vạch ném phạt!

Ba giây…

Quả bóng đã bắt đần rơi xuống, Kình Phong đón bóng một cách chính xác!

Hai giây…

Nhảy bật lên trước bảng, úp rổ!!!

“Soạt”

“Hoét”

Tiếng vang khi bóng vào rổ và tiếng toét còi kết thúc trận đấu vang lên cùng một lúc.

Gần như ngay khoảnh khắc ấy, khán đài phía Đại học H vang lên những tiếng hoan hô đinh ai nhức óc, vang vọng đến mức khiến cả cửa sổ thủy tinh cũng run “kình kịch”. Tất cả mọi người đều không nén nổi sự vỡ òa trong cảm xúc, ôm chặt lấy người bên cạnh mình bất kể rằng có quen biết hay không, vừa hò hét vừa nhảy cẫng lên, to giọng chúc mừng.

Ai đang cầm đồ trong tay thì bỗng chốc đều cầm không chắc nữa, cứ ném hết lên trời, cả nhà thi đấu tràn đầy những vỏ chai rỗng, nón rách và vớ thối bay múa tung tăng, sôi nổi vô cùng.

So với sự kích động và phấn khích của họ, các cầu thủ trong sân cũng chẳng kém là bao, nói một cách chính xác hơn thì họ mới là những người vui vẻ nhất, sung sướng nhất.

Tuy chỉ là một trận đấu giao hữu các trường, quy mô và đẳng cấp đều chẳng bằng Hội thao Đại học toàn quốc, nhưng là phía đội bóng chưa từng giành chiến thắng lần nào, thắng trận này là bất ngờ và khích lệ cực kỳ lớn.

Trong những tiếng cuồng hoan, cả anh chàng ngốc trầm lặng như Kình Phong cũng trở nên “hoang dại”.

Không chịu được đồng đội bên cạnh cứ “giật dây”, anh nhanh chóng cởi áo đồng phục của mình ra vung hai vòng, sau đó tiện tay ném ra rìa sân. Vừa quay đầu thì thấy Diệp Luân vốn ngồi trên chiếc ghế dài khu nghỉ ngơi cũng đã đứng dậy, bấy giờ đang vừa vỗ tay vừa nói gì đó với thầy huấn luyện viên.

Khoảnh khắc ấy, không biết trúng loại tà gì, hoặc có lẽ chỉ là xúc động nhất thời.

Tóm lại, lý trí mà Kình Phong luôn lấy làm tự hào bỗng chốc từ bỏ anh, anh cứ thế để trần khuôn ngực cường tráng, nửa người trên nhễ nhại mồ hôi chạy thẳng đến chỗ bé thỏ Diệp.

Sau đó nhân lúc đối phương không kịp phản ứng, anh choàng tay ôm chặt eo cậu nhấc bổng lên.