Về đến nhà, Thẩm Thứ bị dì Trần và chú Lý vây quanh hỏi một lượt. Sau khi biết Thẩm Thứ thật sự sắp kết hôn, dù trong lòng thấy chuyện kết hôn này tới quá nhanh nhưng năm nay Thẩm Thứ đã hai mươi tám, hai người bọn họ là bậc cha chú cũng không khỏi ưu phiền vì chuyện này.
Bây giờ anh muốn kết hôn, việc này luôn khiến mọi người vui vẻ.
Dì Trần mắt ứa lệ, nhỏ nhẹ hỏi Thẩm Thứ: “Con đến thăm bà chủ đi rồi báo tin vui này cho bà ấy biết.”
Bà là người mà mẹ Thẩm Thứ mang đến cho nên mới gọi mẹ anh là bà chủ. Song khi Thẩm Thứ tám tuổi, mẹ anh đã qua đời vì bạo bệnh.
Mẹ anh tên là Trương Tuyết Uyển. Năm ấy bà đã có hôn ước nhưng tiếc thay lại gặp gỡ Thẩm Nam Bình, sau đó khư khư cố chấp muốn gả cho ông ta, thậm chí chưa kết hôn đã có thai.
Quan niệm của ông bà ngoại bảo thủ, không chấp nhận nổi hành vi trái đạo đức của con gái mình nên đã tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ máu mủ.
Sau khi mẹ kết hôn, lễ Tết có trở về thăm hỏi nhưng đều bị nhà họ Trương từ chối cho vào nhà.
Sau này khi mẹ anh mất vì bạo bệnh, trong lễ tang của bà, bà ngoại suýt hỏng mắt vì khóc quá nhiều. Bà cụ ân hận vì mấy năm nay tức giận mà không chịu gặp con gái. Mặc dù ông ngoại không tỏ ra đau khổ nhiều, nhưng khi ông cụ túc trực bên linh cữu cả đêm, đôi mắt cũng rơi lệ đến mức đỏ bừng.
Lúc ông cụ đi còn sờ sờ đầu Thẩm Thứ rồi hỏi: “Cháu có trách ông bà ngoại không?”
Thẩm Thứ lắc lắc đầu: “Không trách được, bởi vì mẹ luôn nhớ đến ông bà mà.”
Điều anh nói là sự thật, mẹ anh có một đôi bàn tay viết thư pháp rất khéo, còn biết đánh đàn, bằng cấp cao, là một cô gái đa tài.
Đó là những điều mà bà đã dạy cho con mình, cũng nói với anh rằng đây là thứ mà ông bà ngoại đã từng dạy bà.
Bọn họ giận bà vì thứ tình yêu sâu đậm và trách nhiệm đó.
Bây giờ Thẩm Thứ nhớ lại những lời này, cảm thấy quả nhiên nhà họ Trương đã nhìn rõ được Thẩm Nam Bình rồi, kẻ này không thể nào lấy làm chồng được.
Nếu một người đàn ông có tinh thần trách nhiệm thì đã không để người phụ nữ mình yêu có thai trước khi kết hôn.
Sau đó Thẩm Nam Bình muốn cưới mẹ Thẩm Nguyên vào nhà nhưng ông cụ Thẩm không đồng ý. Lo lắng danh tiếng là một nhưng áp lực từ nhà họ Trương là mười.
Lúc hay tin Thẩm Nam Bình có con ngoài giá thú đã hai tuổi, nhà họ Trương lập tức yêu cầu đưa Thẩm Thứ đến chỗ bọn họ nuôi nấng, dưới danh nghĩa là con nuôi của Trương Sơ Bình.
Trương Sơ Bình là cậu của Thẩm Thứ. Người cậu này đã cho người đến đánh Thẩm Nam Bình phải nhập viện nửa tháng.
Đây là sự việc trong lòng ai cũng biết nhưng hai bên gia đình đều lựa chọn áp chuyện này xuống mà không xé rách mặt nhau.
Thái độ nhà họ Trương như vậy cũng đúng thôi. Sau khi trách móc con trai mình xong, ông cụ Thẩm tới nhà họ Trương tạ lỗi, còn nói Thẩm Thứ nên được nuôi nấng dưới danh nghĩa của cha ruột.
Ông cụ biết rõ con trai mình không đáng tin nên đã tự mình nghiêm khắc dạy dỗ Thẩm Thứ.
So với việc dạy dỗ Thẩm Nam Bình ngày xưa còn nghiêm trọng hơn nhiều. Áp dụng gia pháp ngày càng khắt khe hơn.
Lúc Thẩm Thứ bị đánh cho bị thương khắp người, nửa đêm dì Trần đều sẽ lại đây thoa thuốc giúp anh. Bà vừa ôm anh vừa len lén lau nước mắt.
Khi đó Thẩm Thứ cảm thấy dì Trần và Trương Tuyết Uyển thực ra rất giống nhau. Cả hai người đều tỏa ra một cảm giác ấm áp.
Cuối tuần, Thẩm Thứ và dì Trần đến nghĩa trang viếng mộ Trương Tuyết Uyển, thậm chí còn mang theo món ăn mà Trương Tuyết Uyển rất thích ăn lúc còn sống.
Thắp nhang xong, dì Trần nói với Thẩm Thứ: “Bà chủ có gửi ngân hàng một số thứ. Bà chủ bảo nếu sau này con kết hôn thì đó là quà cưới cho vợ con.”
Đó là một chiếc nhẫn ngọc lục bảo quý giá, nhưng vì kích cỡ dành cho nữ giới nên nhẫn hơi bé. Sau này khi Thẩm Thứ nhận được nhẫn, anh bèn nghĩ thầm nếu ngay cả ngón út mà Úc Tùng Niên đeo không vừa thì mình phải mang đi sửa lại một lần nữa rồi.
Sau ngày rời khỏi sơn trang Thanh Thủy, Thẩm Thứ lao vào công việc bận rộn của mình như con thiêu thân. Mỗi ngày anh chỉ có thể trò chuyện với Úc Tùng Niên dăm ba câu, rồi cả hai nói chúc ngủ ngon với nhau.
Tuy nói rằng phải đến thăm hỏi người lớn trong nhà, Thẩm Thứ vẫn cứ nấn ná mãi không chịu đến gặp ông cụ Thẩm.
Anh âm thầm ghi nhớ chuyện này trong lòng rồi nhờ thư ký chừa một ngày trống giữa lịch trình dày đặc của mình. Trước khi để Úc Tùng Niên gặp ông nội, anh phải thuyết phục ông nội mình trước.
Anh bảo không muốn Úc Tùng Niên phải chịu đựng ấm ức. Lời đã nói ra ắt phải thực hiện được.
Đang suy nghĩ thì nhận được tin nhắn của Úc Tùng Niên.
Bên kia gửi một tấm ảnh tới, chỉ thấy bàn tay phải rất đẹp của Úc Tùng Niên dính đầy bùn, trên ngón trỏ còn thêm một vết cắt dài.
Vết thương chưa được xử lý, xung quanh trắng bệch, máu tươi rỉ ra, nhìn rất đau.
Úc Tùng Niên nói: “Lúc lên lớp không cẩn thận bị xước.”
Gửi xong còn kèm theo một icon con cá mèo khóc lóc.
Thẩm Thứ nghiêm túc trả lời: “Bị cái gì cắt phải đấy?”
Úc Tùng Niên lại gửi thêm tấm hình nữa, đó là một bộ xương điêu khắc bằng đất sét chưa hoàn thành, bộ xương cốt sắt lộ ra ngoài, bên trên có vô số vị trí nhọt hoắt, chắc chính nó đã làm ngón tay của Úc Tùng Niên bị thương.
“Cái này nên đi bệnh viện tiêm đấy.” Thẩm Thứ nghiêm túc nói
Nhưng Úc Tùng Niên có vẻ không quan tâm lắm, còn nói với anh rằng những người học điêu khắc hay bị thương kiểu này, nếu lần nào cũng phải tiêm chắc tiền thuốc còn đắt hơn cả tiền học phí mất.
Nhìn nhật ký nói chuyện và chiếc nhẫn trong tay, một ý niệm thôi thúc Thẩm Thứ không ngừng.
Chờ đến khi anh tỉnh táo lại thì bản thân đã đi đến trường xưa, giờ là trường Úc Tùng Niên đang làm việc.
Vào những ngày còn cắp sách đến trường, anh cũng quen biết một vài bạn bên học viện Mỹ thuật. Thỉnh thoảng vẫn đi chơi với nhau nên anh biết rất rõ vị trí của khoa điêu khắc.
Trường học không thay đổi gì nhiều, ven đường trồng rất nhiều cây phong, đến mùa thu lá rơi đầy khiến cho không ít nhiếp ảnh gia và nữ sinh đến đây chụp ảnh.
Bây giờ vẫn là mùa hè, anh và Úc Tùng Niên kết hôn sẽ vào mùa thu ư?
Những ý nghĩ này cứ xoay vần trong đầu, rồi anh dừng trước cửa khoa điêu khắc.
Phòng học của khoa điêu khắc nhìn rất bình thường, là một dãy nhà gỗ thấp tầng, thuận tiện cho sinh viên mang vác đồ.
Một khoa điêu khắc không đến bốn năm mươi người, theo những tấm ảnh mà Úc Tùng Niên gửi, Thẩm Thứ dừng lại trước một căn phòng đầy thạch cao và tượng đất.
Thậm chí không cần phải tìm kiếm gì, chỉ liếc mắt một cái thôi anh đã nhận ra Úc Tùng Niên đang đứng trước những bức tượng đất đó.
Cậu mặc một chiếc áo phông đen và quần yếm bảo hộ lao động. Trên người quấn đai quanh vòng eo hẹp, chân mang giày bảo hộ dành cho thợ hàn. Ăn mặc phóng khoáng nhưng vẫn không hề thiếu đi khí chất đàn ông. Dù ở giữa dàn sinh viên thì cậu vẫn cứ là hạc giữa bầy gà.
Có lẽ Thẩm Thứ đứng ở phía cửa quá dễ thấy nên một người cao to, trong tay còn cầm thanh gỗ to đi tới nói: “Anh tìm ai?”
Thẩm Thứ chỉ chỉ về phía Úc Tùng Niên đang đưa lưng về phía mình rồi nói với sinh viên: “Phiền cậu gọi người kia giúp tôi với.”
Nam sinh nhìn vào đôi mắt Thẩm Thứ, rồi quay người hô: “Tiền bối Úc ơi! Có người tìm anh này!”
So với việc sinh viên gọi cậu ấy là anh đẹp trai thì Thẩm Thứ để ý xưng hô của sinh viên với Úc Tùng Niên hơn.
Tiền bối? Không phải Úc Tùng Niên là giáo viên à? Theo số liệu điều tra cho thấy dù chỉ là một câu đơn giản nhưng Thẩm Thứ đã mặc định Úc Tùng Niên là thầy rồi.
Nhưng giờ ngẫm lại, muốn dạy ở khoa điêu khắc trong nước cần phải có bằng tiến sĩ, mà tuổi tác của Úc Tùng Niên rõ ràng không phù hợp.
Hơn nữa lúc trước xem hồ sơ, trong đó ghi rằng việc học ở nước ngoài của Úc Tùng Niên vẫn chưa hoàn thành, tạm thời đang ở trạng thái tạm nghỉ.
Tại sao không quay về học nốt mà vẫn ở đây hướng dẫn sinh viên thì Thẩm Thứ không hiểu lắm. Úc Tùng Niên cũng chưa kể anh nghe việc này.
Sau khi Úc Tùng Niên nghe thấy, quay đầu lại nhìn thấy Thẩm Thứ, vẻ mặt cậu lập tức trở nên kinh ngạc.
Ngay giây phút Thẩm Thứ nhìn thấy biểu cảm của Úc Tùng Niên anh đã bắt đầu hối hận.
Cứ lẳng lặng như thế, hành vi không nói tiếng nào mà đi thẳng vào trường học của người ta đã rất bất lịch sự và cực kỳ vượt rào rồi.
Nếu Úc Tùng Niên có tức giận vì điều đó, Thẩm Thứ vẫn chưa nghĩ ra cách nào để khiến cậu nguôi giận.
Hứng thú dạt dào qua đi, còn lại chỉ là sự căng thẳng vô tận.
Úc Tùng Niên đứng lên rồi đi nhanh về phía anh, trên mặt là nụ cười tươi rói đầy vui sướng: “Sao anh lại đến đây?!”
Hành động của họ đã khiến cho một vài sinh viên chú ý.
Trong một lớp học chưa đến mười học viên, bây giờ đã có không ít người dừng lại mọi hành động để nhìn về phía bên này.
Sau khi Úc Tùng Niên tiến về phía Thẩm Thứ, cậu vừa giơ tay lên thì phát hiện trên tay mình dính đầy bùn đất và còn đang cầm một con dao khắc đất sét. Cậu nhanh chóng rụt tay lại rồi lập tức chạy ra chậu nước rửa tay.
Bầu không khí của lớp điêu khắc vô cùng thoải mái và thư thái. Lúc bấy giờ có một bạn sinh viên nữ bạo dạn đặt câu hỏi: “Tiền bối, anh đẹp trai này là bạn của anh hả? Anh ấy có người yêu chưa thế?”
Vấn đề đặt ra khiến mọi người đều cười vang. Thậm chí có người còn lên tiếng giả vờ trách móc bạn sinh viên đó. Nói rằng cứ thấy anh nào đẹp là lại hỏi mấy câu như vậy, hại anh nào cũng hoảng sợ chạy mất.
Thẩm Thứ không biết nên giới thiệu bản thân thế nào, thế nên đành phải trao quyền giải thích sang cho Úc Tùng Niên.
Dù Úc Tùng Niên có giới thiệu với sinh viên thế nào anh đều có thể lý giải được.
Chỉ thấy sau khi Úc Tùng Niên cẩn thận rửa sạch tay xong rồi mới tới cạnh Thẩm Thứ, vừa nắm lấy lòng bàn tay anh, kéo anh đến bên mình: “Có đối tượng rồi, đối tượng là anh, sắp kết hôn. Tới khi đó các em nhớ đến phát kẹo mừng đấy.”
Lớp học chỉ im lặng trong vài giây rồi lại bị tiếng gào khóc inh ỏi bao phủ. Có người còn dùng dụng cụ gõ uỳnh uỳnh xuống đất, kích động dùng ngôn ngữ tay chân bày tỏ cảm xúc hiện tại của mình.
Thấy Thẩm Thứ thừ cả người vì lời công khai lớn mật của mình, Úc Tùng Niên bèn đặt ngón trỏ lên miệng rồi thở dài nói: “Các em đừng quậy nữa. Dọa người yêu của anh thì phải làm sao bây giờ?”