Để Ta Đi Vào Giấc Mơ Của Nàng (Dư Ảnh Mộng)

Chương 42-2: (Ngoại truyện) ngày tháng cuối đời của hắc hoàng




Chàng họa sư trẻ tuổi vừa rụt rè vừa cẩn trọng bước theo vị thái giám đi trước. Hai bên hành lang hoa lệ có không biết bao nhiêu cấm vệ nghiêm trang đang dõi mắt theo hai người, khiến cho họa sư cảm thấy việc hít thở chưa bao giờ khó khăn đến thế.

Hai ngày trước, chủ phường họa nói với chàng rằng Hắc Hoàng đang tuyển những họa sư tài ba vào hoàng cung vẽ tranh. Chàng vốn có đôi bàn tay khéo léo, việc có người trong cung đến tìm cũng không có gì quá bất ngờ. Hắc Hoàng có công thống nhất lãnh thổ Vân Triều cùng nhiều nước nhỏ, trong đó có Long Hà, Lạc Chinh, cùng hai mươi năm trị vì lỗi lạc của ngài đã để lại lòng tin cùng tín ngưỡng của dân chúng. Thế nhưng vị họa sư được triệu vào cung có hơi sợ hãi, một phần vì mấy tin đồn bên lề về Hắc Hoàng mà dân gian âm thầm truyền nhau. Thứ nhất, Hắc Hoàng không thích phụ nữ, cả đời không lấy hoàng hậu hay phi tần, ngay cả thái tử hiện tại cũng là cháu trai gọi ngài là “Hoàng thúc”. Một kẻ không thích phụ nữ, liệu có sở thích bất chính với nam tử trẻ tuổi không? Thứ hai, nghe nói Hắc Hoàng là một người mù. Một người mù lại muốn triệu họa sư vào cung vẽ tranh, để cho kiếp sau ngắm chắc? Họa sư nghĩ nghĩ như vậy, cảm thấy đáy lòng khổ sở không thôi.

Vị thái giám đi phía trước như có mắt trên lưng, đương lúc họa sư gào thét trong lòng thì chợt quay đầu liếc chàng một cái sắc lẹm, cong miệng nói: “Họa sư, cậu nghĩ nhiều rồi!”

Họa sư há to miệng, người trong cung đều biết đi guốc trong bụng kẻ khác sao?

Hai người đi qua một cánh cửa sơn son thiếp vàng, vào trong một căn phòng rộng lớn. Ở trong đó bóng người lố nhố, đích thị là hàng trăm họa sư già trẻ đang thong thả vẽ tranh. Họa sư trẻ mới đến liền thở phào một hơi, quay sang hỏi thái giám: “Quên hỏi công công, hiện tạita phải làm gì đây?” Thái giám tà tà cười nói: “Không vội, không vội! Hoàng thượng muốn mỗi người đều có một bức tranh đẹp. Hãy vẽ lạigiấc mơ của cậu đi!” Họa sư ngẩn ra: “Vẽ lại giấc mơ?” Thái giám gật đầu: “Đúng vậy!  Trong vòng một tuần phải nộp  lại tranh, không có tranh không có tiền thưởng!” Họa sư im lặng, thái giám liền cười mỉm bước ra ngoài.

Đi được chừng chục bước thì vị thái giám đó chợt cong gập người xuống, miệng hô: “Kính chào thái tử điện hạ.” Người thanh niên mới đến mặc áo đen thêu chỉ vàng, khuôn mặt hơi dửng dưng, chợt hỏi: “Sao Hoàng thượng lại mời đám họa sư về làm gì? Ngài cũng có nhìn thấy đâu!” Lời nói này đánh đúng tâm lý mọi người, nhưng đối tượng được nhắc tới lại có lai lịch quá lớn, không khỏi khiến thái giám đang khom người phải đổ mồ hôi lạnh.

Trần Văn Lạc vốn dĩ không chờ câu trả lời của bọn nô tài. Chàng liếc nhìn căn phòng kia một cái rồi vung tay áo rời đi.

Chàng hỏi thị vệ thân cận: “Hiện giờ hoàng thượng đang ở chỗ nào?” Thị vệ kia đáp: “Bẩm điện hạ, hoàng thượng đang ở Mộng Tiên Cung.” Trần Văn Lạc giơ tay xoa xoa trán. Ông chú này cái gì cũng tốt, chỉ có việc đặt tên cùng trang trí cung điện là quá sến súa khiến chàng nổi hết da gà.

Chàng đi thẳng đến Mộng Tiên Cung, thì thấy Hắc Hoàng đang ngồi nhắm mắt đung đưa trên một chiếc xích đu bằng mây, xung quanh là vườn hoa xinh xắn đang độ nở hoa. Hắc Hoàng chỉ mới bước vào tuổi trung niên, đường nét anh tuấn còn chưa hoàn toàn biến mất. Ngài ngồi đó như một pho tượng đẹp đẽ, chỉ là thiếu chút sức sống mà thôi.

Trần Văn Lạc không hành lễ, mở miệng oán trách: “Có vị vua nào như hoàng thúc? Từ lúc con mười sáu tuổi ngài đã hoàn toàn buông bỏ chính sự, toàn bộ già trẻ lớn bé trong cung đều để một tay con nuôi!” Hắc Hoàng vẫn giữ yên tư thế, chỉ hơi nhướn nhướn mày, cười nói: “Con nghĩ bản thân là ai nuôi lớn, dạy dỗ? Trẫm khổ công nuôi nấng con, chẳng phải vì ngày này sao?” Trần Văn Lạc tức tới nghẹn họng, lẩm bẩm: “Con muốn đi chu du thiên hạ!” “Chẳng phải năm con mười lăm tuổi trẫm đã cho con đi rồi sao?” “Thế nhưng sau đó hoàng thúc bắt con gánh vác toàn bộ chính sự!”

Hắc Hoàng có chút trầm ngâm. “Thái tử phi sắp sinh con, nếu đó là con trai thì con bắt đầu bồi dưỡng được rồi.” Ngài bổ sung: “Thật ra con gái cũng có thể làm nữ hoàng, quan trọng là tố chất phải tốt.”

Trần Văn Lạc thật muốn ngửa mặt lên trời gầm lớn.

Thị vệ bên cạnh nghiêm mặt, hai người này lúc gặp nhau luôn bắt đầu bằng một màn nhảm nhí này.

Hắc Hoàng vươn vai xong mấy cái liền hỏi: “Lại có chuyện cần hỏi ý kiến trẫm?” Trần Văn Lạc thành thật nói: “Dạo gần đây trong triều bắt đầu phân chia bè cánh, e rằng có kẻ không muốn ngồi yên.” Hắc Hoàng gật gật đầu: “Cũng gần sáu năm rồi trẫm không hỏi đến, bọn họ không khỏi rục rịch. Nếu đã vậy, con phải giải quyết cho tốt.” Trần Văn Lạc cười cười: “Hoàng thúc cũng giữ mạng cho cẩn thận. Con cũng không muốn thăng chức sớm quá đâu.”

Hai người bàn bạc một chút, Trần Văn Lạc chợt nói: “Hoàng thúc, người cho mời họa sư vẽ tranh gì vậy? Có cần con khắc tranh nổi cho người không?” Hắc Hoàng mỉm cười bí ẩn đáp: “Không cần. Chỉ là muốn ôn lại chút chuyện xưa thôi…”

Trần Văn Lạc vừa rời khỏi, một người mặc áo giáp mang khuôn mặt bất đắc dĩ bước ra. Hắc Hoàng nói: “Ngươi thở dài cái gì? Lúc nãy trẫm cũng đâu bảo ngươi trốn?” Trường Dũng đau khổ nói: “Hoàng thượng, người quên sao? Người đang đóng vai vị vua lẩm cẩm không màng thế sự, nếu thái tử bắt gặp thần ở đây thì biết giải thích thế nào?” Hắc Hoàng hừ lạnh: “Ngươi theo ta mấy chục năm, đem mấy bức tranh đến tặng thì có gì không giải thích được?” Trường Dũng đại nguyên soái thường ngày oai phong lẫm liệt lúc này mới “a” một tiếng, gãi gãi đầu.

Hắc Hoàng liền nói: “Mau mau đem mấy bức tranh lại đây, để xem bọn họ vẽ gì.” Trường Dũng liền mở một bức, miêu tả: “Vị họa sư này lớn tuổi, vẽ một bụi trúc, dưới bụi trúc là một người đọc sách. Có lẽgiấc mơ của hắn là quay lại thời trẻ, chọn nghề khác chăng?” Hắc Hoàng bật cười: “Già rồi nên suy nghĩ không thú vị. Chọn họa sư trẻ một chút đi.” Trường Dũng mở một bức nữa, trong đó vẽ chiếc mấy người con gái đẹp đang đánh đàn ca hát trên thuyền hoa, mặt sông lờ mờ ẩn hiện giữa làn sương khói như tiên cảnh. Ông thuật lại cảnh sắc trong tranh cho Hắc Hoàng nghe. Hắc Hoàng cười nói: “Cũng có ý tứ, thế nhưng vẫn rất phàm tục.” Một vài bức tranh nữa được lật ra, cuối cùng Hắc Hoàng nói: “Trẫm mệt rồi, hôm nay đến đây thôi. Mấy chuyện trẫm dặn dò, ngươi nhớ kỹ đừng quên.” Trường Dũng nào dám quên chứ! Ông vội cung kính đáp: “Hoàng thượng yên tâm, thần nhất định bảo hộ điện hạ kín kẽ không bỏ sót cọng lông nào.”

Trường Dũng lui ra một lúc, Hắc Hoàng chậm rãi móc một cuộn tranh nhỏ đã vàng ố từ trong ngực. Ngài vuốt ve bên ngoài cuống tranh, khẽ lẩm bẩm: “Ta đã sớm biết người thú vị như nàng, thế gian làm gì có kẻ thứ hai đâu?”

***

Trong mơ, có một người áo trắng đến đánh cờ với Hắc Hoàng.

Người đó đi một nước cờ, cười nói: “Ngài sắp gặp lại nàng ấy rồi.”

Hắc Hoàng mỉm cười: “Thật tốt.”

Người kia chế nhạo: “Ngài xem, ngài si tình với nàng ấy như vậy, thế mà một chữ cũng không chịu nói.”

Hắc Hoàng nhướn mày nói: “Rõ ràng ta bảo nàng ấy ở lại.”

Người áo trắng thở dài: “Ta đã khuyên nhủ ngài mấy ngàn năm rồi, ngài vẫn ít lời như thế. Nàng ấy trẻ như vậy, làm sao mà hiểu ý tứ sâu kín quá mức của ngài?”

Hắc Hoàng nhớ lại lần cuối cùng ôm nàng trong vòng tay, tay ngài toàn là máu, hơi thở cùa nàng cũng không còn. Ám Đội quỳ xuống báo rằng nàng bị tứ hoàng tử Lạc Chinh hãm hại.

Sau đó, ngài đưa nàng về kinh đô Vân Triều, táng nàng trong hoàng lăng, trả thù cho nàng.

Hai mươi năm trước, ngài phá vỡ lời thề của mình, tuyên chiến với Lạc Chinh. Cựu hoàng hậu Tuyết Chinh vì hổ thẹn với quốc mẫu, treo cổ tự sát. Con trai của nàng cùng tiên đế được Hắc Hoàng nuôi lớn, phong làm thái tử. Một màn kịch mới hay làm sao!

***

Hè qua, thu về. Trong mấy khu vườn xa hoa của hoàng cung, vài chiếc lá khô vàng bắt đầu lác đác rơi. Như mọi ngày, Trần Văn Lạc từ trong chăn bò dậy lúc mặt trời còn chưa mọc, được hầu hạ trang phục nghiêm chỉnh rồi mới lên triều. Cũng như mọi ngày, chiếc ghế chạm rồng cao ngất ở chính giữa điện lại bỏ trống. Trần Văn Lạc liền ngồivào chiếc ghế bành thoải mái ở ngay chếch phía dưới, thay mặt hoàng đế bàn chính sự.

Đám đại thần phía dưới nhao nhao tranh luận hết biện pháp phòng lụt tới kế hoạch tổ chức tiệc sinh nhật cho hoàng đế. Sáu năm rồi hoàng đế chưa từng thượng triều, cũng không trực tiếp đưa ra bất kỳ mệnh lệnh nào, nhưng ngài vẫn là hoàng đế. Sáu năm rồi, những đại thần cùng gia quyến chỉ được nhìn mặt ngài trong những dịp long trọng, dần dần khái niệm về sự tồn tại cùng vai trò của ngài cũng trở nên hết sức mơ hồ.

Trần Văn Lạc bận bịu cả một buổi sáng, buổi chiều còn phải ngồi trong Ngự thư phòng giải quyết tấu chương. Chàng mở một bức mật hàm gửi từ ông ngoại của chàng – cũng là quận chủ Lạc Chinh đương nhiệm.

Thái giám thân cận thấy khuôn mặt Trần Văn Lạc tái mét thì hoảng hốt chạy lại gọi: “Thái tử điện hạ?” Chàng giống như sực tỉnh từ cõi mộng, đôi tay run rẩy khép lại bức mật hàm, khẽ nói: “Các ngươi lui ra hết đi.”

Trần Văn Lạc bần thần suốt một buổi chiều. Hắc Hoàng sai người gọi chàng đến đánh cờ, chàng cũng từ chối. Thật ra, cho tới buổi tiệc sinh nhật của Hắc Hoàng một tháng sau đó, Trần Văn Lạc không đến thăm ngài lần nào.

Mặt trời đã khuất bóng, ánh đèn trong cung vẫn chiếu sáng lấp lánh như ban ngày. Vị Hắc Hoàng thường ngày không thấy mặt hiện tại ngồi ở vị trí chủ tọa của buổi tiệc sinh nhật thứ bốn mươi lăm củachính ngài, phía dưới là mấy bàn lớn đại thần và gia quyến. Ngài hướng đôi mắt không ánh sáng vào cõi hư không, nói vài lời vô hại, buổi tiệc bắt đầu. Thức ăn được đưa lên, nhạc công vào vị trí, điệu múa xinh đẹp của mấy vũ công hoàng gia cũng nối tiếp được trình bày. Cũng may Hắc Hoàng không phải là kẻ độc đoán, tuy ngài không nhìn thấy nhưng cũng không cấm ca múa, cũng không đặt ra quy định hà khắc gì. Không khí buổi tiệc vui vẻ không kể xiết.

Thái tử Trần Văn Lạc ngồi ngay bên tay trái Hắc Hoàng, thế nhưng ngoài vài câu chúc mừng cho có lệ, chàng cũng không nói thêm gì với Ngài. Nếu thái tử không mải lo uống rượu, chàng sẽ nhìn thấy Hắc Hoàng thật ra không bình tĩnh như vẻ bề ngoài. Ngài thường nghiêng đầu về hướng phát ra âm thanh lạ, mấy ngón trên bàn tay không cầm ly rượu lại thỉnh thoảng gõ nhè nhẹ lên mặt bàn.

Không hề báo trước, một tiếng huýt sáo chói tai vang lên.

Trần Văn Lạc chỉ cảm thấy cả người bị một lực vô cùng lớn kéo mạnh ra sau. Mấy tiếng “vun vút” xé gió kéo đến, rồi có tiếng hét: “Thích khách!!!” Chàng vừa mới thoát ra khỏi cơn choáng váng, liền khản giọng gào to: “Bảo vệ hoàng thượng!” Ánh mắt chàng dừng lại trên người vị hoàng đế uy nghiêm mà lặng lẽ đã cách mình một khoảng xa. Chàng cố giãy khỏi tay người đang kéo mình, la lên: “Buông ta ra, tanói bảo vệ hoàng thượng, có nghe không?!!” Kẻ kia bất đắc dĩ nói: “Điện hạ yên tâm, hoàng thượng đều đã có tính toán trước…”

Sự việc chỉ diễn ra trong nháy mắt. Làn mưa tên từ trên trời kéo xuống, không biết đả thương bao nhiêu cung nhân. Từ đám vũ công có mấy kẻ kẻ rút dao xông thẳng về phía chủ tọa, động tác nhanh không thể tả. Có tên thích khách táo bạo vượt qua đội quân cấm vệ, càng ngày càng đến gần chỗ Hắc Hoàng đang ngồi bất động. Mắt thấy tính mạng người mù cô độc kia bị đe dọa, mà bản thân lại bị kiềm giữ không thể làm bất cứ điều gì,Trần Văn Lạc nghĩ mấy mạch máu trong não mình sắp vỡ tới nơi rồi.

Chàng nấc nghẹn: “Khốn kiếp…”

Đột ngột, tất cả dừng lại.

Mấy tên thích khách bỗng dưng đồng loạt ngã xuống như con rối bị đứt dây, ngay cả tên đang đến gần Hắc Hoàng cũng vậy. Một đội quân mấy chục người áo đen thần bí bỗng thoắt xuất hiện như bóng ma trước mặt Trần Văn Lạc, cung kính hành lễ với Hắc Hoàng rồi biến mất.

Tầm nhìn của Trần Văn Lạc nhòe đi vì nước mắt. Chàng nghe giọng nói trầm trầm của Hắc Hoàng trấn an mọi người, lệnh chữa trị người bị thương, xử lý thích khách. Chàng thất thiểu đi về phía Hắc Hoàng, khẽ gọi: “Hoàng thúc…” Hắc Hoàng dịu dàng nói: “Con là đàn ông, sao lại dễ mất bình tĩnh như thế?” Trần Văn Lạc cảm thấy oan ức, thế nhưng ngay sau đó lại bị lửa giận thay thế. Chàng nghiến răng la lên: “Mau mau gọi thái y…”

Từ khóe môi của Hắc Hoàng chảy ra một dòng máu đen, khuôn mặtcủa ngài cũng bắt đầu chuyển sang màu xám. Tuy vậy, ngài vẫn mỉm cười.

Những lúc Hắc Hoàng thoát khỏi cơn mê man, Trần Văn Lạc vẫn luôn túc trực bên giường ngài. Hắc Hoàng nói: “Độc này, không phải con hạ sao?” Trần Văn Lạc giận dữ đáp: “Vì sao con phải hạ độc người?” Hắc Hoàng cười khẽ: “Lá thư đó…”

Lúc Lạc Chinh còn chưa được sát nhập vào Vân Triều, Tuyết Vương Gia đã âm thầm về phe của Hắc Hoàng. Dù con gái của ông chết trong tay Hắc Hoàng, suốt hai chục năm qua ông cũng chưa hề có nửa lời oán thán. Mà một tháng trước, ông gửi thư tiết lộ cái chết thê thảm củahoàng hậu Tuyết Chinh cho cháu ngoại mình, cũng là thái tử Trần Văn Lạc, yêu cầu chàng trả thù cho mẫu hậu của mình.

Trần Văn Lạc nói: “Mẫu hậu đã chết từ rất lâu rồi. Từ lúc con biết nhận thức, vẫn là hoàng thúc ở bên cạnh chăm sóc cho con từng li từng tí. Lúc con tám tuổi ngã ngựa gãy tay, chính hoàng thúc ở bên khuyên bảo con, bầu bạn để con không sợ hãi.” Chàng nghẹn ngào nói: “Con chỉ luôn nghĩ, mẫu hậu đã làm nên tội ác tày trời gì, để hoàng thúc phải hận bà như vậy?” Hắc Hoàng mệt mỏi đáp: “Bà ấy, là họa củaVân Triều. Ông ngoại con, sắp tới cũng không giữ lại được. Con hiểu chứ?” Trần Văn Lạc gật đầu: “Con hiểu…”

Hắc Hoàng thở một hơi dài. Đứa trẻ này lớn lên vẫn dễ bảo như vậy, vẫn yêu thương ngài như vậy, thật giống với hoàng huynh của ngài biết bao. Ngài thật muốn kể cho Trần Văn Lạc nghe những chuyện lúc trẻ của ngài cùng hoàng huynh, thật muốn kể cho chàng biết ngài ngàn vạn bất đắc dĩ bao nhiêu mới phải cướp đi của chàng một người mẹ. Mặc dù cho tới bây giờ, ngài vẫn luôn nỗ lực bù đắp lại tội lỗi đó, cũng như tội lỗi chiến tranh mà ngài đã gây ra cho muôn dân bách tính. Thế nhưng hiện tại cơn buồn ngủ của ngài lại kéo tới, trong cơnmơ màng bất tận đó, bóng đen sẽ được thay thế bẳng hình ảnh củangười con gái ngài từng yêu thương đang mỉm cười dịu dàng.

Trần Văn Lạc nắm chặt lấy bàn tay Hắc Hoàng, bình tĩnh mất hết. Chàng vừa khóc nức nở vừa chất vấn: “Hoàng thúc, tại sao lại uống ly rượu độc đó?” Có đánh chết chàng, chàng cũng không tin Hắc Hoàng không biết trong rượu ấy có gì. Chàng gọi mấy lần, hỏi mấy lần, mới nghe giọng yếu ớt của Hắc Hoàng đáp lại: “Ta đi gặp lại nàng ấy…” Rõ ràng ngài không còn nghe rõ chàng vừa hỏi gì. Trần Văn Lạc lại yếu ớt gọi, thế nhưng mãi mãi cũng không có tiếng trả lời.

Trần Văn Lạc vừa khóc vừa lê bước khỏi tẩm cung của hoàng đế. Chàng một mình đi giữa hoa viên rộng lớn, ngửa đầu nhìn lên, chợt thấy một vầng sáng rực rỡ xẹt ngang qua bầu trời.