Để Làm Hà Ngọc Hối Hận

Chương 16: Ông ngoại khó đút cơm




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.



Chuyện của bà ngoại kể rất là chậm, phải mất mấy hôm Nữu Nữu mới nghe bà ngoại kể đến đoạn bà 6 tuổi.

Nhưng chuyện này cũng có liên quan đến việc Nữu Nữu toàn ngắt lời bà.

Khi bà ngoại kể đến đoạn hồi nhỏ bà rất xấu, Nữu Nữu nhìn mặt bà ngoại, nói cực kỳ nghiêm túc: “Khà Khọt quá đáng quá, bà ngoại làm gì giống con ma lem đâu.”

Còn tới lúc bộ bút dạ màu bố Hà Ngọc tặng thằng bé bị Khương Minh Trân làm hỏng, Nữu Nữu nghe mà bật khóc.

Con bé nằm dựa lên đùi bà ngoại, lau nước mắt bằng khăn giấy rồi lại hỉ nước mũi, lí nhí nói: “Khà Khọt đáng thương quá, bà ngoại ơi, bà làm thế là sai rồi.”

Chờ bà ngoại kể hết buổi lễ cắt băng của nhà họ Khương, Nữu Nữu hưng phấn kể trước nội dung của đoạn sau.

“Con biết ạ, sau này bà trở thành đầu bếp, là đầu bếp của nhà hàng lớn! Món bà ngoại nấu là ngon nhất thế giới, Nữu Nữu thích ăn nhất ạ!”

Bà ngoại xoa nắn gương mặt nhỏ đáng yêu của cô bé, hỏi nó: “Nữu Nữu đói chưa? Bà ngoại nấu cơm cho con nhé?”

Đương nhiên là Nữu Nữu vâng ngay.

Chờ ăn hết bữa trưa, con bé sốt sắng muốn nghe tiếp đoạn sau của câu chuyện.

“Bà ngoại, bà muốn để Khà Khọt hối hận thế nào ạ? Về sau cậu ta có hối hận không ạ?”

Bà ngoại cười tủm tỉm nói với con bé: “Bao giờ bà ngoại rảnh bà lại kể chuyện cho con nhé, ông ngoại con phải ăn cơm rồi.”

Những lúc ăn cơm, ông ngoại đều phải để bà ngoại bón từng miếng.


Ông không thể cử động được nửa người, tự mình ăn rất là khó khăn.

Nữu Nữu còn thèm thuồng, đáp một tiếng “Dạ”.

Thường ngày, lúc ông ngoại ăn cơm, con bé sẽ chạy ra ngoài chơi một mình. Hôm nay thì khác, nó dọn chiếc ghế tre ngoài ban công vào phòng ông ngoại. Nữu Nữu tràn ngập hiếu kì với ông ngoại và bà ngoại, con bé ngồi trong góc phòng, ôm lưng ghế, quan sát bà ngoại bón cơm như thế nào.

Một cái đệm chuyên dụng được lót sau lưng ông ngoại. Lót cho ông xong, sợ nước canh bất cẩn sớt ra, bà ngoại còn chuẩn bị một cái yếm đeo cổ cho ông ngoại.

Chiếc yếm đeo cổ kia có màu xanh thiên thanh, lớp vải trông rất mềm mại.

Quần áo ông ngoại mặc đó giờ đều là màu thẫm, rất hợp với gương mặt ít khi nói cười của ông ngoại. Chiếc yếm cổ đeo lên người ông, phá hủy sự nghiêm túc kia trong nháy mắt, biến ông ngoại thành một em bé.

Nữu Nữu nhìn yếm đeo cổ, ông ngoại nhìn Nữu Nữu.

Theo ánh mắt mới lạ của cháu gái, ông cúi đầu nhìn chiếc yếm nhỏ trên ngực mình.

Bây giờ ông ngoại không muốn đeo yếm cổ nữa rồi.

“Không đeo đâu.” Ông ngoại ngọ nguậy, không phối hợp với động tác của bà ngoại.

“Phải đeo chứ, ngày nào mà mình chả đeo.” Bà ngoại nắm chặt cái yếm nhỏ vươn người theo, thành thạo buộc một cái nơ bướm sau gáy ông, cố định chiếc yếm đeo cổ tử tế.

Miệng ông ngoại hơi nhệch và đưa ra, đấy là ông đang dẩu miệng, chứng tỏ ông không vui.

Bà ngoại hiểu ông ngoại nhất, bà nhìn đứa cháu gái nhỏ ngồi đằng sau họ, hỏi ông.

“Sao, ngượng à? Sợ Nữu Nữu nhìn à?”

Ông ngoại không trả lời bà.

Ông ngoại đeo yếm cổ xong thì trở thành một đứa bé già đầu.

Bây giờ ông cáu kỉnh, trông lại càng giống hơn.

“Nữu Nữu cũng sẽ không chê cười mình đâu.”

Nữu Nữu vội hùa theo bà ngoại, gật gật đầu với ông ngoại.

Yếm đeo cổ là bước đầu tiên để chuẩn bị cho giờ cơm, một mình bà ngoại bận rộn liên hồi: bà đặt một cái bàn cơm nhỏ lên giường, lấy thức ăn của ông ngoại ra khỏi nồi cơm điện, đặt từng món lên chiếc bàn nhỏ.

Tay trái bà cầm cái bát không, tay phải cầm thìa. Bà ngoại múc một thìa cháo, thổi cho nguội thật cẩn thận rồi đưa đến sát miệng ông ngoại.

Ông không mở miệng to lắm, nhưng bà ngoại rất điêu luyện. Bà đưa cái thìa vào miệng ông, nhấc phần đuôi thìa lên, phối hợp với độ cung của miệng ông ngoại, thế là đút xong một miếng.

Món cá đù vàng đã được bà ngoại lọc hết xương từ trước, nhưng bà lo vẫn còn xương, nên trước khi đút cho ông ăn, bà lại kiểm tra một lần, tiện thể dấp nước tương lên cá cho ông.

(Cá đù vàng (yellow croaker): cá lù đù vàng, hay cá sóc, bên Tàu thì gọi là cá hoa cúc vàng. Là một loại cá phân bố ở biển Tây Bắc Thái Bình Dương.)



Toàn bộ quá trình này, Nữu Nữu đều ngồi một bên nhìn chằm chằm.


Ông lão trẻ con như đứng đống lửa, như ngồi đống than. Ăn hết non nửa bát cơm, ông bắt đầu không phối hợp.

“Không ăn nữa.” Ông nói với bà ngoại.

Bà ngoại cảm thấy kỳ quái: “Không ăn được nữa à?”

“No rồi.”

Bà duỗi tay sờ sờ bụng ông, lép kẹp mà.

“Mới ăn mấy miếng, sao đã no được?”

“Để anh tự ăn.” Ông ngoại giơ cái tay còn cử động được ra, định để bát cơm vào khuỷu tay mình.

Ăn như thế làm sao mà tiện được.

Bà ngoại cướp cái bát từ tay ông đi.

“Em không cho mình tự ăn,” Giọng điệu bà có vẻ rất dữ dằn, giọng như đang quát nạt, nhưng thực ra lại là dỗ dành ông: “Em thích đút cho mình! Mình không để em đút là em giận đấy!”

Một thìa cơm lại được đưa đến, bà bắt ông ngoại há mồm: “A ——”

Ông ngoại đành phải nghe theo bà: “A ——”

“Ngoan quá,” bà xoa xoa đầu ông: “Ít nhất phải ăn hết nửa bát, chốc nữa em bóc trái cây cho mình.”

“Bà ngoại.”

Liên tưởng đến câu chuyện bà kể trước đấy, đứa cháu gái nhỏ đột nhiên hỏi: “Khương Minh Trân hồi nhỏ khó bón cơm hơn, hay là ông ngoại khó bón cơm hơn ạ?”

“Phì,” bà ngoại cười, liếc nhau với ông ngoại: “Để bà ngẫm lại đã.”

Tay bà cũng không dừng lại, bà bón thêm cho ông mấy miếng nữa.

Thế là bà đưa ra kết luận.

“Khương Minh Trân khó hơn, ông ngoại con ngoan hơn con bé ấy nhiều.”

“Nữu Nữu đang nói gì thế? Mình hồi nhỏ làm sao cơ?” Ông ngoại được khen ngoan hai lần liên tiếp, đặt câu hỏi.

Nhân lúc ông đang nghe lời, bà bưng bát cơm đút cho ông ăn tới tận đáy bát.

“Dạo này em đang kể cho cháu nó nghe chuyện hồi bé đấy.”

Ông ngoại không nói lời nào, nhìn bà.

“Mình cũng muốn nghe sao?”

Ông ngoại lập tức gật đầu.

“Mình cũng nghe à?” Bà cười ông: “Không phải mình biết cả rồi sao, em kể cho Nữu Nữu nghe, mình hóng hớt làm gì.”

“Ông ngoại ông ngoại,” Nữu Nữu nhảy xuống khỏi ghế tre, chạy đến mép giường ông ngoại: “Ông cũng biết Khà Khọt sao ạ? Bà ngoại nói, bà gả cho ông, là để làm……”


Úi chà, hình như cái này không được kể.

Nữu Nữu vội vàng che miệng lại, liếc mắt nhìn bà ngoại, sợ mình không cẩn thận tiết lộ bí mật của bà.

“Để làm Hà Ngọc hối hận à?” Ông ngoại thông minh đoán ra lời mà Nữu Nữu chưa nói xong.

“Được, vậy ăn nốt miếng cuối này rồi lại tán gẫu nhé.”

Một thìa đầy, thêm cả món cá đù vàng dính nước tương ngon lành được đưa đến trước mặt ông.

Không uổng công được khen ngoan, miệng ông mở thật lớn, quyết đoán ăn hết cả thìa.

Chiếc yếm đeo cổ rốt cuộc cũng được tháo ra.

Bà ngoại dọn dẹp bộ đồ ăn, đi ra ngoài rửa bát. Nữu Nữu chiếm vị trí của bà ngoại, nói chuyện với ông ngoại.

“Ông ngoại, về sau Hà Ngọc có hối hận không ạ?”

Ông cẩn thận suy ngẫm một lát, nói với con bé: “Theo ông được biết, thì hoàn toàn không đâu.”

“Hả?” Nữu Nữu kéo ngữ điệu câu cảm thán này thận dài, nghe có vẻ rất là thất vọng.

Tuy rằng Khương Minh Trân trong câu chuyện rất bướng, lại còn khó ưa, nhưng Nữu Nữu biết, cô bé ấy chính là bà ngoại mà nó yêu quý nhất, cho nên nó hy vọng Khương Minh Trân có thể “báo thù” thành công.

Không thỏa mãn với câu trả lời mà ông ngoại đưa ra, Nữu Nữu lại đi tìm bà ngoại.

Chiếc bát trong tay còn chưa rửa xong, bà ngoại đã bị cô cháu nhỏ túm lấy vạt áo, đòi bà kể tiếp câu chuyện.

“Bà kể cho con nghe ngay đây,” tay bà đầy bọt, bà cần mẫn cọ cọ rửa rửa: “Con giúp bà đi hỏi ông ngoại con, xem ông ấy muốn ăn trái cây gì nhé?”

Nữu Nữu chạy đi, rồi một lát sau lại chạy về.

“Ông ngoại nói, không ăn trái cây. Ông ngoại hỏi buổi chiều bà có muốn dẫn ông ra ngoài chơi không, ông mua khoai lang khô cho bà ạ.”

Bà ngoại bật cười.

Ánh nắng ngoài cửa sổ rất rạng rỡ, Nữu Nữu ngửa đầu, thấy bà ngoại cười đẹp vô cùng.

Đôi mắt bà ngoại, cũng chứa đầy ánh dương.