Để Hôn Em Lần Nữa

Chương 33




Đăng chỉ gật đầu rồi đi thẳng về bàn. Anh chẳng còn hứng thú gì với chuyện cứ phải lặp đi lặp lại lời nhắc nhở dành cho cô nhân viên yếu kém nhất phòng này nữa. Cúc Anh là cháu ruột của một vị “khai báo công thần” trong toà soạn. Cô học khoa ngoại ngữ của một trường dân lập lắm tai tiếng. Trong nhiều trường hợp, tấm bằng tốt nghiệp loại khá của trường này chỉ có tác dụng chứng minh rằng người được cấp bằng đã đóng tiền- gồm cả những khoản chính thức và không chính thức- đầy đủ trong vòng bốn năm chứ không phản ánh chính xác trình độ của họ. Vào làm từ năm ngoái, mặc dù đã được anh cùng những người khác chỉ dẫn, kèm cặp hết sức nhiệt tình và nghiêm khắc, Cúc Anh vẫn không tiến bộ là bao. Việc toà soạn phải tuyển thêm một biên dịch viên làm việc toàn thời gian giữa lúc tình hình doanh thu từ quảng cáo đang sụt giảm do suy thoái kinh tế cũng xuất phát từ năng lực trời ơi đất hỡi của cô nàng.

Vừa xếp tài liệu giấy tờ vào cặp, Đăng vừa thầm đếm trong đầu những nhược điểm của Cúc Anh. Dịch ẩu, dịch sai, xào xáo bài dịch của dân mạng, không có tinh thần trách nhiệm, không biết tiếp thu và rút kinh nghiệm, ăn nói bộp chộp vô duyên…, đôi khi Đăng tự hỏi tại sao mình vẫn giữ được thái độ điềm đạm đến vậy với dạng nhân viên 3D* như cô gái này. Chợt một tờ giấy gấp đôi là lạ rơi ra từ xấp tài liệu dưới cùng cắt đứt mạch kể tội trong tâm tưởng của anh. Mới chỉ mở ra đọc lướt được dòng đầu, Đăng đã ngẩng phắt lên, hỏi người mà anh vừa thầm kể tội bằng một giọng nóng nảy rất không bình thường:

- Quỳnh về lâu chưa, Cúc Anh?

- Em không để… – Cúc Anh ngẩng lên, vừa thấy vẻ mặt đằng đằng của người hỏi đã lập tức đổi câu trả lời – Chưa lâu ạ. Nó vừa ra khỏi đây thì em thấy anh đi vào, có việc gì hả anh?

Không còn ai trong phòng để đáp lại cô nàng.

* 3D: Không phải không gian ba chiều mà là viết tắt của Đuối Đủ Đường.

Quỳnh sốt ruột mở điện thoại xem giờ. Đã gần sáu rưỡi mà chưa thấy xe buýt đến, có lẽ nó lại đang đóng vai con voi kềnh càng loay hoay giữa một biển xe cộ ken đặc như kiến ở ngã tư nào đó gần đây. Tình hình giao thông Hà Nội càng ngày càng tồi tệ, ách tắc và tai nạn thay phiên nhau làm chủ đường phố. Cách đây vài tiếng, một cộng tác viên quen thuộc của toà soạn vừa bị ô tô đâm khi đang dừng xe sát vỉa hè nghe điện thoại. Nghe tin ấy, tuy đã biết người đó không bị nguy hiểm đến tính mạng, cô vẫn thấy lạnh toát sống lưng, trong đầu vẩn lên những kỷ niệm nặng nề liên quan đến hai đầu gối giờ đây luôn đau nhói mỗi khi cô co duỗi chân bất ngờ. Có lẽ ngày mai cô vẫn sẽ đi xe buýt đi làm thôi, dù số tiền trong túi hiện giờ đủ để cô đổ đầy hàng chục bình xăng chứ không phải non nửa bình nữa rồi.

Quỳnh mới chỉ chớm nghĩ đến người đã đem đến cho cô số tiền đó thì anh ta xuất hiện ngay trước mặt. Điệu bộ huơ tờ giấy gấp đôi lên không khí cùng vẻ mặt tức tối của anh ta trông giống hệt mấy bà bán hàng đanh đá khi chuẩn bị đốt vía doạ khách. Quỳnh đang rầu rĩ, thấy vậy tự nhiên cũng phì cười.

- Em có vẻ vui quá nhỉ! – Đăng cau mày, lật tờ giấy ra trước mặt cô – Vì viết được cái này chứ gì?

Quỳnh biết rõ nội dung tờ giấy. Chính cô, chừng nửa tiếng trước, đã nghĩ ra, gõ ra, in ra, rồi gấp đôi và đặt nó bên dưới chồng tài liệu trên bàn Đăng. Khi làm tất cả những việc đó, cô không nghĩ nhiều, nói đúng hơn là không nghĩ, về phản ứng của Đăng. Dĩ nhiên, cô càng không nghĩ đến tình huống chỉ vì tờ giấy có nội dung đơn giản với vỏn vẹn một trăm từ ấy, anh ta lại chạy ra tận đây để hạch hỏi cô.

Đăng nhìn vẻ lơ ngơ lần chần của người đứng trước mặt, những muốn túm lấy vai cô ta mà lắc cho đến khi một trong hai thứ, câu trả lời hoặc đầu cô ta rụng ra (tác giả xin lỗi vì miêu tả quá bạo lực, các bạn đọc đừng bắt chước). Nhưng mười mấy cặp mắt của những người chờ xe buýt đứng xung quanh cùng cặp mắt mở to của một ai đó cũng chờ xe buýt và đang chờ thêm cơn thịnh nộ của anh không cho phép anh làm điều đó. Chỉ tay về quán cà phê bên kia đường, anh nói nhanh:

- Sang kia nói chuyện!