Để Hôn Em Lần Nữa

Chương 29




Đức ló đầu lên từ một góc đầy dây dợ, gương mặt nhăn nhó khó có thể trở thành ví dụ minh hoạ cho tính từ “đẹp trai” mà trưởng nhóm vừa gán. Anh chàng đi về phía Quỳnh, chưa kịp khép cửa đã chép miệng lầu bầu với cô:

- Hôm nay bên phòng em làm gì mà độc giả đổ vào kinh thế. Server quá tải làm bọn anh toát mồ hôi, chỉ lo sập.

- Thì toàn tin hot nhiều người chết mà! Bọn em còn không kịp đi ăn trưa – Quỳnh thở dài, cô chìa chiếc hộp trong tay cho Đức – Đây là quà em hối lộ bạn Pizza, anh cầm về nhé. Có ngại không?

- Ngại ơi là ngại ý chứ! – Đức chắp tay làm điệu bộ ngượng ngùng như thiếu nữ.

- Hay để em kiếm cái túi giấy đẹp đẹp gài nơ để anh giả làm quà?

- Thôi khỏi – Đức chồm tới giằng lấy cái hộp, mở ra nhìn – Trông ngon nhỉ! Thế mà chỉ cho chó thôi chứ người không được ăn à?

Quỳnh bật cười. Trước khi cô kịp nghĩ ra cách đối đáp tương xứng với câu hỏi nhảm nhí của Đức thì anh chàng đã lách vào sau cửa, nháy mắt:

- Hôm nào anh bố trí cho nó gặp em để cảm ơn nhé.

Không cần biết câu trả lời của Quỳnh, Đức đóng sập cửa lại, không chút lịch sự. Quỳnh chẳng lấy làm phiền lòng. Cô hợp với lối giao tiếp thẳng tuột thế này hơn là những kiểu cách lịch lãm giữ kẽ vốn vẫn thường thấy trong những thứ vẫn được coi là tình bạn giữa nam và nữ. Quay người đi dọc hành lang tới lối thang bộ, cô mở cửa bước xuống chỗ chiếu nghỉ, đặt túi rác xuống một góc mà các nhân viên quét dọn vẫn dành để tập kết những loại rác bán được rồi nhanh chóng trở lên. Nhưng Quỳnh chưa kịp chạm tay vào cánh cửa, nó đã từ từ mở ra, không phải vì gió thổi.

*

Đăng chỉ dám liếc sang khuôn mặt hơi xanh của người đứng cạnh một giây rồi đưa mắt lảng ra chỗ khác. Phòng họp rộng có vô số thứ để nhìn ngó. Dãy ghế im lìm, mặt bàn trống trơn, chiếc màn chiếu trắng tinh, bình hoa giả xỉn màu kê trong góc… tất cả chúng đều rất buồn tẻ, nhưng an toàn cho cảm xúc. Anh khoanh tay trước ngực, nghe giọng mình vang lên xa lạ:

- Em không thích mọi người trong phòng?

Cô rùng mình, chẳng rõ vì phòng họp quá vắng và lạnh hay vì câu hỏi quá thẳng thừng và đột ngột. Cô nhìn sang, cố đọc trong đôi mắt đang nhìn thẳng lên bức màn chiếu kia một chút gợi ý nào đó để nương theo mà trả lời câu hỏi, nhưng không thành công. Khi cô còn loay hoay giữa hai lựa chọn, phủ nhận cho phải phép xã giao hay thừa nhận cho đúng với suy nghĩ thật và lương tâm, Đăng đã nghiêm giọng:

- Không nói gì tức là không thích, đúng không?

- …

- Cho tôi biết lý do!

- …

- Cho tôi biết lý do! – Ngưng một giây, thấy Quỳnh vẫn không có vẻ gì là muốn cất lời, anh nói nhanh như vị quan toà kết án khi đã quá thừa chứng cứ – Em lúc nào cũng vậy, cư xử không giống ai, thái độ lì lợm, thiếu hoà đồng, luôn gây phiền phức…

Nghe đến lý lẽ cuối thì Quỳnh cảm thấy không thể không “bật” lại. Cô nhún vai, lời nói nghe có vẻ thật nhún nhường nhưng vẫn lộ ra chút cương quyết và bực bội:

- Tôi nghĩ mình không làm gì để bị coi là luôn gây phiền phức.

Thật vậy, cô chẳng gây phiền phức gì cả. Đúng là cô cư xử khác thường, nhưng cô đã cố gắng rất nhiều để hoàn thành công việc cũng như lấy lòng đồng nghiệp. Không đi muộn về sớm, không chat chit facebook, luôn dịch và đưa lên đúng hạn kể cả khi có tin bài đột xuất…, cô thậm chí còn chủ động đỡ việc cho Cúc Anh và Lân, hai người hay bị nhắc nhở thúc giục nhất, khi họ chỉ vừa mới bóng gió than vãn đôi câu. Ngay cả biên tập viên phụ trách chuyên mục thường đăng bài dịch của cô, một nhà báo đã qua tuổi về hưu từ lâu, rất khó tính, kiệm lời và thường xuyên không có mặt ở toà soạn, cũng đã tìm vào tận bàn để tặng cô một cái vỗ vai khen ngợi. Thế nhưng, mặc cho cô có cố gắng đến mức nào, Đăng không bao giờ thèm ghi nhận. Anh ta chỉ nhìn mọi thứ cô đang làm hiện nay qua lớp sương định kiến đã bao phủ anh ta từ bốn năm trước và đến bây giờ vẫn chưa thèm tan. Quỳnh mím môi, sắp xếp nhanh những lời tự bào chữa. Nhưng cô còn chưa kịp mở miệng thả chúng ra, Đăng đã ngoặt vấn đề sang một hướng khác hẳn:

- Em thích Đức, phải không?