Đăng quan sát từng thay đổi trong dáng điệu của Quỳnh. Cô hơi cúi mặt,
vờ bận bịu dùng giấy ăn lau một vết tương tưởng tượng trên bàn để lảng
tránh cái nhìn ráo riết mà anh đang chậm rãi thả dần xuống. Tiếng nói
chuyện điện thoại của Đức càng xa, cô càng ngồi thẳng hơn, ngay đơ đến mức người ta
sẽ phải nghĩ rằng có chiếc thước kẻ gỗ nửa mét vừa mới bị khâu dính vào
sau lưng. Biết không thể đánh bóng mặt bàn mãi, cô định chuyển mục tiêu
về món edamame quen thuộc. Nhưng ngay khi cô mới liếc nhìn về phía chiếc mẹt con đựng đậu, Đăng đã kịp kéo nó về phía mình. Anh thật muốn nghe
cô lên tiếng phản đối và đòi lại quá đi mất!
Quỳnh không dễ mắc vào cái bẫy lộ liễu mà Đăng giăng sẵn như thế. Với
sắc mặt vừa tối vừa nặng, sầm sì giống hệt đám mây tích điện trong cơn
dông của anh ta, có trời mới biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu như cô tỏ ý tranh giành món đậu. Im lặng đổi mục tiêu sang món bò, cô phải cố
gắng lắm mới không vội vàng gắp liền vài miếng thịt một lúc hay lập cập
đánh rơi đũa giữa chừng. Dù sao thì kích thước long trọng của đĩa thịt
bò cũng làm cô vững tâm. Nó đã choán quá nhiều chỗ trên bàn, chẳng ai có thể xê dịch đi đâu nữa.
- Hoá ra em vẫn chẳng thay đổi gì! – Đăng cảm thấy mình phải “khai chiến”.
Như đã chuẩn bị sẵn tinh thần, Quỳnh ngẩng luôn lên nhìn anh, không bận
tâm đến miếng thịt bò to bản còn hơi lúng búng trong miệng. Đăng liếc
vội xuống bàn tìm một mục tiêu khác cho mắt. Bất cứ lúc nào ánh nhìn của anh lang thang đến gần khuôn miệng nũng nịu ấy, anh cũng có những suy
nghĩ không thể kiểm soát được. Từ tốn cầm đũa lên hướng về đĩa cơm cuộn
như thể đang chăm chú chọn lựa, anh nói mà không nhìn cô:
- Em vẫn hèn nhát trước trở ngại, lúc nào cũng chỉ biết vội vàng quay lưng né tránh.
Im lặng. Trong giây lát, đáp lại câu chỉ trích thẳng thừng của anh là
một sự im lặng tuyệt đối, thậm chí có thể nghe thấy rõ cả tiếng những
thớ giấy trên cửa rung nhè nhẹ theo bước chân Đức đang đi đi lại lại một cách khá sốt ruột ngoài hành lang. Rồi sau đó, chỉ có tiếng đũa của cô
khẽ quấy wasabi trong bát tương kikkoman. Đăng bực bội nhìn xoáy vào
vầng trán và đôi lông mày thậm chí không nhíu lấy một gợn của Quỳnh, gắt thêm một câu như võ sĩ tung đòn tấn công vớt sau đòn đầu bị hụt:
- Đấy, em lại như thế. Lúc nào cũng lảng tránh! Em đã bao giờ biết ngẩng cao đầu đối mặt với cái gì chưa?
- Rồi ạ – Quỳnh ngẩng lên, nhìn thẳng vào vẻ cáu gắt vô lý của Đăng. Cô
định nói thêm rằng mình đang ngẩng cao đầu đối mặt với anh đây chứ đâu,
nhưng rồi lại im lặng chờ đợi câu chất vấn tiếp theo.
- Tại sao em lại chuyển trường?
Ngay từ lúc phỏng vấn, thấy hồ sơ của mình được lật qua lật lại trên tay Đăng, Quỳnh đã nghĩ rồi một ngày cô sẽ phải trả lời về chuyện này, dù
được nhận vào làm hay không. Nhưng giống như đi thi vấn đáp trước một
giáo sư khét tiếng ưa vặn vẹo, thí sinh có ôn tập kỹ đến đâu cũng vẫn
lạnh toát cả người trước câu hỏi mà mình rõ ràng đã đoán biết.
- Chuyện dài dòng lắm ạ – Quỳnh ngập ngừng – Em cũng không biết phải kể thế nào.
Quỳnh đang bối rối. Quỳnh đang bối rối hơn bình thường. Quỳnh đang bối
rối gấp đôi bình thường. Đôi mắt cô nhìn anh mà không hề thấy anh. Gò má càng lúc càng xanh hơn. Nếu đủ kiên định để liếc xuống miệng cô, anh sẽ còn thấy nó mím chặt mà vẫn run run… Đăng tự nói với mình là không nên
tra tấn tinh thần Quỳnh nữa, nhưng đồng thời anh cũng nhủ thầm rằng anh
cần biết rõ về điều đó…
- Thế trả lời từng câu vậy nhé! – chẳng cần đợi phản ứng của cô, anh nói tiếp luôn – Em chuyển trường khi nào?
- Dạ, đầu năm thứ hai.
- Tức là ngay sau khi đi Sơn La về?
- Không, sau đó hơn một tháng ạ.
- Thầy Hiện có gặp hay nói gì với em không?
- Dạ không.
- Còn mấy bạn cùng đoàn?
Càng lúc những biểu hiện của Quỳnh càng gần với sự hoảng loạn. Đến câu
hỏi về bạn cùng đoàn thì cô thực sự không thể gượng nổi. Cô buông đũa,
nói nhanh:
- Xin lỗi, em ra ngoài một chút.