Đế Hoàng Tôn

Chương 11: Lạc Long Quân




Vừa bước chân ra khỏi phạm vi tế đàn, một cảm giác lạnh lẽo bỗng lan khắp toàn thân gã thanh niên.

Những cơn gió gào thét tràn tới từ bốn phương tám hướng, mang theo vô số âm thanh hỗn loạn như tiếng oán linh vô tận từ nơi sâu thẳm nhất của mười tám tầng địa ngục.

Chỉ một bước thôi, nhưng lại như hai thế giới!

Trước mặt hắn là không gian bao la vô tận, nhưng chỉ toàn là màu đen, một thứ màu đen âm u không chút sức sống.

Khung cảnh càng trở nên rùng rợn khi trong không gian tăm tối trước mặt thấp thoáng bóng dáng sừng sững của những tảng cự thạch, phóng tầm mắt nhìn lại y hệt những tấm mộ bia, khiến người ta có cảm giác đang lạc vào nghĩa trang của người khổng lồ.

Mặt đất màu đen mênh mông bát ngát, từ những khe nứt kéo dài vô tận trào lên một thứ sương mù kỳ dị như là tử khí từ địa ngục u minh, bao phủ cả phiến thiên địa này khiến không gian càng thêm sắc màu thần bí chết chóc.

Tuy nói là muốn rời khỏi tòa tế đàn này, thế nhưng bốn phương tám hướng hư vô mờ mịt, biết đi nơi nào?

Gã thanh niên tiến tới bên cạnh một tảng cự thạch, cao tới mười mấy mét nhưng bề mặt lại tương đối thoải, có thể trực tiếp leo lên. Có điều hắn không leo mà trực tiếp xông lên.

Đứng ở độ cao mười mấy mét nhìn ra xa, không ngờ lại nhìn thấy những điểm sáng yếu ớt trong không gian u ám, điều này khiến hắn kinh hãi. Hóa ra nơi này không hề tăm tối như hắn tưởng, bên ngoài kia tồn tại những điểm sáng trôi nổi trong không gian, tuy rất yếu ớt nhưng vẫn có tác dụng nhất định với thị giác.

Cuối cùng, ánh mắt của hắn dừng lại. Ở một khoảng cách xa xôi, đương nhiên là ở trong phạm vi mà mắt người vẫn có thể nhìn thấy, thấp thoáng bóng dáng dường như là của một tòa kiến trúc to lớn trải dài vô tận. Tuy không thể nào nhìn rõ ràng nhưng hắn vẫn nảy sinh cảm giác cổ lão tang thương.

- Gì...gì thế kia? Kiến trúc ư?

Gã thanh niên trượt xuống đất, không đắn đo mà lập tức cất bước đi về phía trước thăm dò.

Mặt đất ở nơi này tất cả đều là do loại đất màu xám cùng lớp đá vụn đen như nham thạch tạo thành, rộng lớn mênh mông, thỉnh thoảng nhấp nhô những khối nham thạch cực lớn, càng tăng thêm vẻ ghê rợn.

Đưa mắt nhìn lên trời, hiện tại dù rất tối tăm nhưng vẫn không thấy bất kỳ ngôi sao nào, không biết là do hôm nay trời không sao hay chúng đã bị làn khói dày phun lên từ những khe nứt che phủ hết.

Cước bộ vẫn không dừng lại, đôi mắt như cú vọ không ngừng dò xét xung quanh, hắn đang đặt cơ thể ở trong trạng thái đề phòng cao độ, từng tế bào đều sẵn sàng bùng nổ ngay lập tức khi nguy hiểm ập đến.

Khi không biết thứ gì đang chờ đợi phía trước, chuẩn bị tuyệt đối trước mọi tình huống có lẽ là bản năng của nhân loại.

Không khí yên tĩnh một cách đáng sợ, có cả một chút gì đó nặng nề, chỉ có tiếng bước chân giẫm vào sỏi đá chậm rãi vang lên.

Mặc dù xa nhưng không ngờ đã đi được gần một cây mà vẫn chưa đến nơi, nhìn tình hình kiểu này e rằng vẫn phải đi thêm một đoạn đường tương tự.

- Ồ, gì thế kia?

Gã thanh niên hơi khựng lại, rồi rất nhanh bước về phía trước.

Giữa nền đất sỏi hắc ám, nổi bật lên một mảnh màu đỏ sẫm, nhìn hình dáng bên ngoài rất giống một miếng ngói cổ.

- Trời, thật sự là mái ngói?

Khi nhặt miếng đá màu đỏ sẫm phủi bụi này lên, gương mặt tang thương lập tức lộ vẻ kinh dị, thức này chính xác là ngói cổ do con người làm ra. Không chỉ vậy, ở xung quanh còn có một vài mảnh ngói vỡ khác, khiến hắn dù rất điềm tĩnh nhưng cũng không khỏi có chút kích động.

Đã có gạch ngói vụn, phía trước nhất định cũng có kiến trúc, trên phiến mặt đất này có người ở, không chỉ đơn giản là một tòa tế đàn phủi bụi tháng năm.

Hy vọng tăng lên, cước bộ cũng theo đó mà nhanh hơn.

Dưới bầu trời hắc ám mờ mịt, gió nhẹ hây hây, mang đến sự lạnh lẽo.

Lại tiến lên hơn trăm mét, bóng dáng trải dài của tổ hợp kiến trúc dần dần hiện rõ, chỉ có điều không lạc quan như hắn tưởng tượng.

Thứ đầu tiên đập vào mắt hắn là một tòa kiến trúc đã sụp đổ, dường như là một tòa đình đài cổ xưa, bị sự bào mòn của năm tháng làm sập, rõ ràng đã trải qua một quãng thời gian hoang phế tính bằng thế kỷ.

- Chết tiệt, đừng bảo là một khu phế tích nhé!

Dưới ánh sáng mông lung của những quang điểm tán loạn trong không khí, tổ hợp kiến trúc đã hiện ra một cách mơ hồ. Có thể nhận ra phía trước dường như là từng tảng loạn thạch chất chồng lên nhau, cao thấp không đồng đều, lại cài răng lược.

Điều khiến hắn cảm thấy không ổn, đó là tổ hợp kiến trúc này so với suy đoán của hắn thì lớn hơn, đồng thời cũng cổ xưa hoang phế hơn rất nhiều.

Gã thanh niên dừng lại trước một đại môn đổ nát, có lẽ là lối vào chính của tòa di tích này, mặc dù đã bị năm tháng bào mồn không còn lại bao nhiêu, nhưng vẫn có thể tưởng tượng ra sự hoành tráng của nó.

- Kiểu kiến trúc này, là kiến trúc điện đài cổ của phương Đông!

Kiến trúc cổ luôn có những điểm vô cùng đặc trưng mà dù không hiểu gì về kiến trúc cũng có thể nhận ra, đặc biệt là kiến trúc cổ phương Đông.

Đảo mắt nhìn đại môn, ánh mắt của gã thanh niên nhanh chóng tập trung vào một bên cửa, nơi đó có một tấm biển đồng rất lớn lặng lẽ nằm yên, như là một vị lão nhân tuổi xế chiều yên tĩnh chờ đợi cái chết đang đến.

Tấm biển đồng dài tới hơn hai mét rưỡi, bề mặt loang lổ rỉ sét, những kỳ lạ là bốn chữ cổ khắc trên đó lại vẫn y như mới, tràn ngập thụy khí, như bốn con rồng đang uốn lượn trong tầng mây, lại như ngọn lửa đang vờn quanh thiêu đốt vạn vật chúng sinh.

“Dấu son hỏa tự in rồng lượn

Bút thảo đường văn dáng phượng bay

Trí tuệ mở đường văn hiến cũ

Tinh hoa xây dựng nước non này”

Một loại chữ cổ quá mức xa xưa, có lẽ vượt qua cả thời đại Hồng Bàng, một loại chữ gắn liền với các bậc thủy tổ, một loại chữ của riêng người Việt, vẫn được gọi với cái tên “Hỏa tự”, hay một cái tên cổ rJ0Fb hơn: Khoa đẩu tự.

Một bản Ngọc phả thời Trần Thái Tông có dòng ghi: “Nghiêu thế, Việt thường Thị Kiến thiên tuế thần quy, Bối hữu khoa đẩu”, có nghĩa là: “Thời Nghêu, người Việt thường cống nạp thần rùa, trên lưng có ghi chữ Khoa đẩu”.

Đến ngày nay vẫn còn rất ít tác giả nghiên cứu lại vấn đề này, tuy nhiên sự tồn tại của nền văn minh Khoa Đẩu của dân tộc Việt cổ là một sự thật lịch sử không thể phủ nhận. Ngoài những ký hiệu vạch liền và vạch đứt cùng các dãy chấm đen và chấm trắng ghi trong hai bảng Âu Đồ và Lạc Thư, chắc chắn dân tộc Việt cổ đã phát triển một hệ chữ viết hoàn chỉnh, mới có thể tạo nên nền Lịch Toán Can Chi nổi tiếng để phục vụ nền nông nghiệp còn để lại dấu vết cho đến ngày nay.

Gã thanh niên chăm chú quan sát, cố gắng phiên dịch lại bốn chữ cổ này.

Chưa hề có một từ điển chính xác nào cho hệ thống chữ Khoa đẩu, thực tế lượng chữ được các nhà sử học giải mã ra cũng vô cùng ít ỏi, hơn nữa rất khó nhớ, vì thế hắn tốn rất nhiều thời gian và tâm sức cho việc này.

- Hai chữ cuối cùng, nếu không nhầm có lẽ là “thủy phủ”!

Đưa bàn tay sờ lên dòng chữ cổ, các ngón tay lướt theo nét chữ, hắn có thể cảm nhận được sự tang thương của tháng năm.

- Chữ đầu tiên, là chữ Lạc...Lạc...chữ thứ hai, là rồng...long! Lạc Long ư?

Khóe miệng khẽ giật giât, gã thanh niên đứng dậy lùi lại mấy bước, ánh mắt tràn ngập sự không thể tin tưởng.

Hắn ngạc nhiên! Hắn kinh hãi! Hắn khiếp sợ! Hắn nghĩ mình bị điên!

Đến giờ phút này rồi, đã trải qua rất nhiều chuyện, tòa tế đàn, đi xuyên qua không gian, đến bút tích của các vị anh hùng dân tộc, còn thứ gì có thể khiến hắn kinh hãi đến vậy?

Nếu như tấm biển này đề tên của các vị vua Hùng, hay của An Dương Vương, thậm chí Nghiêu, Thuấn, thì hắn cũng không có cảm giác gì.

Thế nhưng cái tên trên đó, lại là một nhân vật được đánh giá là không có thật, là thần thoại, là sự tưởng tượng về nguồn gốc cao quý của người dân Việt cổ.

Hai chữ Lạc Long, có lẽ bất kỳ người Việt nào cũng sẽ nghĩ ngay đến một nhân vật nổi tiếng và vĩ đại bậc nhất trong cổ tích thần thoại...

... Lạc Long Quân!