Khi đi trên đồng tuyết, bình thường người ta đều đeo kính bảo hộ, không thì dùng kính râm bình thường cũng có thể ngăn ngừa hoặc giảm bớt tác động của chứng quáng tuyết.
Nhưng người Mỹ còn có một công trình nghiên cứu đưa ra kết luận chứng quáng tuyết thực ra là do hai mắt không tìm thấy vật thể làm tiêu điểm trong đồng tuyết (thường thì đứng trên núi tuyết chỉ có thể nhìn thấy một sắc trắng thuần), hai mắt căng thẳng quá độ mà thành tật.
Chứng quáng tuyết rất hiếm khi gây mù vĩnh viễn, nhưng một khi xuất hiện bệnh trạng thì tuyệt đối không được mở mắt, phải để đôi mắt có thời gian nghỉ ngơi.
Nói cách khác, căn cứ vào tình hình hiện tại, ước chừng mười hai giờ sau tôi mới có thể yên tâm mở mắt. Còn bây giờ dù thi thoảng hé mắt ra ngó đường một cái cũng phải cực kì cẩn thận.
Cũng có nghĩa là tôi chắc chắn phải ở lại đây một khoảng thời gian khá dài.
Nghĩ đến đây tôi cảm thấy cực kì cực kì ảo não, trong lòng tự nhủ tại sao khi lên xuôi chèo mát mái là thế mà đến lúc về lại thê thảm bậc này. Nếu trên đường tới đây tôi gặp chuyện bất trắc, có khi Muộn Du Bình còn phải đưa tôi về.
Nếu sớm đoán trước được chuyện này, mấy ngày qua tôi đã kiếm cớ tự đánh cho chân mình cà nhắc rồi. Iem bó tay với bạn Tà, để níu chân chồng bạn không tiếc tự đánh què chân mình, thật là tềnh thâm ý thiết quá xá -_-
Còn đang nhớ lại chuyện cũ mà sinh ấm ức, tôi chợt cảm thấy dưới mông lỏng lẻo, thế rồi nguyên mảng tuyết tôi đang ngồi bỗng trượt xuống.
Mảng tuyết phủ trên sườn núi một khi đã trượt xuống thì hoàn toàn không thể phanh lại, tôi còn chưa kịp phản ứng đã thấy mình vừa lăn vừa trượt thẳng xuống dưới, hai tay chỉ biết quơ quào loạn xạ khắp bốn vùng quanh.
Giờ khắc này không thể nhắm mắt nữa rồi, đã mấy lần tôi vùi tay thật sâu vào tuyết, mong tạo ra lực cản giữ mình dừng lại, song mỗi lần nắm tay chỉ làm lở xuống một khối tuyết lớn hơn.
Tôi vừa la hét trong kinh hoàng vừa lăn thẳng xuống triền dốc. Tôi biết dưới kia là một vách núi dựng đứng, độ cao bét ra cũng có 30m. Dù bên dưới phủ một tầng tuyết dày đi chăng nữa thì tôi cũng không thể bình yên vô sự.
Trước kia tôi có thể nhủ thầm chết thì chết sợ quái gì, nhưng hiện giờ lại không tài nào chấp nhận kết cục ấy. Tôi hoảng hốt quơ quào loạn xạ, nhưng ngay sau đó thân thể đã trượt ra khỏi vách núi, chơi vơi ngã xuống.
Khi rơi khỏi sườn núi được chừng 6, 7m, tôi nhận thấy cảnh vật xung quanh dường như đã biến thành một thước phim quay chậm, thậm chí tôi hoàn toàn có thể nhìn rõ quỹ đạo kỳ quái của những khối tuyết rơi xuống theo mình.
Tiếp đó tôi gần như ngã ngửa vào tuyết.
Từ độ cao 30m ngã xuống một lớp tuyết xốp như bông, nghĩ kĩ thì đây có lẽ là một chuyện đặc biệt thú vị. Tôi cũng không rõ thân thể mình vùi sâu vào tuyết đến chừng nào, nhưng chắc chắn nếu có người đứng trên mặt tuyết, nhất định sẽ thấy một cái hố hình người với tư thế cực kì quái gở.
Tuyết ở nơi này đặc biệt xốp, sau khi tôi ngã xuống, vô số mảnh tuyết vụn trên miệng hố cũng rơi xuống theo, đập thẳng vào mặt khiến đầu tôi ong ong nhức buốt. Nhưng rất may khi ngã xuống tôi cảm thấy mình không đập phải vật gì cứng rắn. Nếu trong tuyết có một vài tảng đá ngầm thì chắc chắn tôi không thể có cảm giác như hiện giờ.
Tôi gạt gạt lớp tuyết phủ trên mặt, cố gắng bò lên, thò đầu ra khỏi hố. Còn chưa kịp chửi thề mấy tiếng cho bõ tức, tôi bỗng cảm thấy phía trên hình như bị một cái bóng che phủ. Ngẩng đầu nhìn lên, vừa hay thấy mảng tuyết bị tôi khuấy động ban nãy giờ đang từ từ trượt xuống khỏi vách núi.
Thì ra cái bóng kia chính là mảng tuyết phủ trên triền núi. Nhìn thoáng qua, tôi ước chừng sẽ có khoảng một tấn tuyết đổ ụp xuống mặt mình, một lần nữa đẩy tôi xuống đáy hố sâu.