Đạo Mộ Bút Ký

Quyển 6 - Chương 43: Đào lên được thứ gì?




Edit: Earl Panda

Mình vẫn chưa được giải thoát arrgggggg =__=

*****

Tôi lấy làm lạ, lập tức mò lại gần, gạt chân Bàn Tử ra để nhìn cho kỹ. Quả nhiên, có một phần tro hương rơi xuống những đường kẽ hở nhỏ xíu trên mặt đá, tạo thành một số đường cong rõ nét. Hơn nữa, những đường nét này rất mượt, không phải kẽ nứt tự nhiên của đá tảng.

Tôi thường xuyên làm bản rập, biết đây cũng là một loại tương tự với bản rập vậy. Phương pháp dùng bột phấn mịn để làm nổi rõ những dấu vết trên mặt đất, cũng giống phương pháp dùng bút chì tô lên giấy để nhìn thấy vết hằn của trang trước thường thấy trong phim gián điệp vậy. Tức là hiển nhiên trước đây từng có người khắc cái gì đó trên bề mặt đá trước bàn thờ này.

Tôi phấn khởi hẳn lên, lập tức cầm lư hương đổ hết tro bụi xuống đất, rồi dùng hai tay bôi gạt ra khắp mặt đất. Chả mấy chốc. trên mặt đất và cả vách đá bắt đầu xuất hiện vô số đường nét nhỏ xíu.

“Đây là…” Bàn Tử cũng nhận ra điều khác thường.

“Đây chắc là do công nhân đào hang khắc xuống.” Tôi nói.

“Nhìn xem, chưa chi bí thư Lôi đã hiển linh rồi kìa!” Bàn Tử reo lên, “Hiệu suất còn nhanh hơn chúng ta nữa!”

“Đừng vội mừng sớm như vậy.” Tôi bảo, dàn đều tro hương ra khắp mặt đất.

Bàn Tử cũng ngồi xổm xuống hỗ trợ, Muộn Du Bình cũng xông đến giúp một tay, chúng tôi dàn đều tro hương ra cả một khoảng rất lớn. Chả mấy chốc, một hàng chữ xiên xiên xẹo xẹo dần dần hiện lên trước mặt chúng tôi.

Hàng chữ này mỗi chữ đều to cỡ cái bàn cờ vua, toàn bộ là dạng phồn thể, nét chữ cực ngoáy, lại có một số nét mờ mờ không rõ, nhưng số lượng rất nhiều, phải đến ba mươi bốn mươi chữ, to to nhỏ nhỏ đầy mặt đất.

Nhìn nét chữ thì có lẽ là cùng một người khắc.

Đều là chữ Hán, nhưng có một số chữ tôi chưa từng thấy bao giờ, chắc là phát âm của tiếng địa phương.

Bàn Tử ngờ vực hỏi: “Chẳng lẽ các công nhân hồi xưa cũng giống tụi mình bây giờ, cũng viết chữ dưới đất để thảo luận vấn đề à?”

Tôi lắc đầu nói không phải, hàng chữ này rất liền mạch, chứng tỏ người khắc đã viết cả một đoạn văn hẳn hoi, có điều vết khắc rất nông, có lẽ cũng giống chúng tôi, dùng cục đá viết viết vẽ vẽ qua quýt lên vách đá thôi, không cần dùng đến đồ nghề chạm khắc.

Là một người như thế nào, có mục đích gì, lại viết xuống hàng chữ này trước bức tượng thần nhỉ? Không nghĩ ra nổi, nhưng mấu chốt vấn đề có lẽ nằm ở hàng chữ này.

Tôi thử đọc, chữ viết theo hàng dọc, nhìn sơ chẳng hiểu gì, tôi phải đọc kỹ từng chữ từng chữ một rồi dùng một cục đá viết lại sang bên cạnh.

Là một đoạn văn rất đơn giản.

Ngày mùng bảy tháng mười một.

Tường đông, bên trái bảy thước, có mười sáu.

Tường tây, bên trái ba thước, có bảy.

Tường bắc, bên trái năm thước, có mười.

Tường nam, bên trái sáu thước, có bốn.

Đếm kỹ, nội trong ba ngày đào ra rồi làm lại.

“Đây là… ghi chép số liệu để khai thác quặng?” Tôi ngờ vực nói.

Xem ngữ cảm toàn bộ đoạn văn, hình như là một lời nhắn, một lời nhắc nhở của một ông quản đốc cho những người khác trước khi rời đi. Hơn nữa còn có một lời dặn dò: Đếm kỹ. Nghe giống lời của cấp trên dành cho cấp dưới.

“Đông tây nam bắc?” Bàn Tử nhìn quanh một lượt, “Đây là ghi chép phân bố của mỏ ngọc à?”

Tôi lắc đầu, phương hướng của mỏ ngọc hoàn toàn là do tự nhiên hình thành, không có bất cứ quy luật gì cả, chỉ dựa vào một mặt cắt rồi định ra bên trái mấy thước gì đó hoàn toàn không có tác dụng gì sất. “Có mười sáu”, “có bảy”, “có mười”, “có bốn”, nghe giống như một loại ký hiệu đo lường gì đó, như thể đang đêm cái gì đó trên tường.

Lại nhìn mặt tường phía đông, trên tường chẳng có gì cả, chỉ có bề mặt sần sùi tự nhiên của mỏ ngọc xen lẫn đá núi, đường nét các vết sậm màu của ngọc rất phức tạp, cứ như những mạch máu của đá núi vậy, căn bẳn không thể dùng những con số nhỏ bé như “mười sáu” để thể hiện. Hơn nữa còn có một câu cuối cùng: nội trong ba ngày đào ra rồi làm lại, hình như ý nói “mười sáu”, “bảy” là vật gì đó cản trở đến quá trình khai thác mỏ.

Là cái gì nhỉ? Chẳng lẽ lại là yêu tinh đá Pech(*) cứng chắc không gì sánh dược? Nhưng mà Pech cứng muốn chết, lại nặng đến hàng trăm tấn, làm sao có thể đào ra trong vòng ba ngày được?

(*) Một loại yêu tinh(?) trong thần thoại Scottland, ngoại hình rất giống Gnome nhưng cực kỳ khỏe và là những thợ mỏ, thợ điêu khắc đá tuyệt vời. Có mặt trong game Dungeons and Dragons.

Cả ba chúng tôi cùng đứng lên, đi sang đầu bên trái của vách hang phía đông, dùng ngón tay ước lượng cự ly sáu thước để xem có gì không.

Cách sáu thương, vẫn là bề mặt đá cùng vô số dấu vết ngọc thạch màu lục sẫm, ngoài ra chẳng có gì cả.

Tôi với Bàn Tử nhìn nhau, kỳ thực, tất cả các vách đá ở đây bọn tôi đã kiểm tra kỹ lắm rồi, nhìn thêm nữa cũng chẳng được gì.

“Cái thứ gì đó người kia vết, phải chăng đã bị đào ra rồi?”

Cũng có khả năng này, nhưng suy nghĩ kỹ một chút, trong đầu tôi lại nảy lên một suy nghĩ rất kỳ quái.

Tôi quay trở lại trước bàn thờ, gom hết tro hương dưới đất lại, bỏ vào lư hương. Sau đó cầm lư hương đến trước vách đá kia, bôi tro đầy lên đó.

Vốn trên vách đá chẳng có gì cả, nhưng sau khi tôi quét vài lượt tro hương lên đó, quả nhiên, trên bề mặt đá dần dần xuất hiện vài đường cong, hình như là đường viền của cái gì đó.

“A?” Bàn Tử kinh ngạc kêu lên, “Sao cậu biết?”

“Lời nhắn này quá mơ hồ, là kiểu lời tổng kết cuối cùng ấy, cho nên chắc chắn trên vách đá cũng còn những lời nhắn khác nữa.” Tôi nói, tiếp tục bôi tro lên tường.

Chẳng mấy chốc, vô số đường nét bất quy tắc xuất hiện trên vách đá. Tôi tháo đèn pin cường lực xuống, bật lên. Đường nét rất rõ ràng, giống như nét vẽ phác thảo vậy, trước dùng những đường thẳng ngắn để phác họa sơ lại hình dáng vật thể.

Nhưng mà, chúng tôi chẳng nhìn ra được cái gì liên quan giữa các đường nét này với những đường mạch ngọc trên vách đá cả. Cứ như thể là những nét vẽ phác thảo, dùng để tham khảo khi muốn cắt xẻ vật gì vậy.

Cho dù như vậy, tôi vẫn cảm thấy toàn thân mình run lên bần bật, rất nhiều mảnh ghép nhỏ bắt đầu dần dần ghép lại thành các tổ hợp trong đầu tôi, tôi biết, bên trong vách đá này chắc chắn có cái gì đó, bằng không người ta đã không khắc những đường vẽ này ở đây. Bọn họ muốn đào thứ đó ra, nên mới đánh dấu như thế.

Vì sao lại không nhìn thấy gì nhỉ? Chẳng lẽ vẫn sai phương pháp rồi?

Nghĩ đoạn, tôi hỏi: “Hai người có ai biết, trong quá trình khai thác mỏ ngọc thì có bước nào đặc biệt không?”

Bàn Tử lắc đầu bảo: “Không phải cứ dùng thuốc nổ là xong à?”

Muộn Du Bình lại nói: “Trước tiên dùng lửa đốt, sau hắt nước lạnh lên, đá tảng tự nhiên sẽ nứt ra.”

“Hắt nước lên? Đi! Đi múc nước!” Tôi lập tức kêu lên, cũng không biết mình rốt cuộc đang muốn chứng minh cái gì nữa, nhưng tôi có linh cảm rất mạnh, là mình đã đụng đến điểm mấu chốt rồi!

Tôi vọt vào trong hang động bên kia, thắt nút ống quần bộ đồ lặn của tôi, múc nước, rồi quay trở lại, cùng Bàn Tử hắt nước lên vách đá.

Cứ như vậy, hắt được khoảng chục lần, màu sắc vách đá do bị ngâm nước mà bắt đầu đổi màu sẫm dần.

Lui ra sau vài bước để nhìn, do đã hắt nước lên, các đường mạch ngọc trở nên mờ đi không thấy rõ nữa, những phần đá khác cũng trở nên trơn trượt, bóng loáng. Hóa ra đá này cũng là ngọc thạch, chẳng qua hàm lượng khác biệt một chút, so với những dấu vân phỉ thúy màu lục kia thì chúng chẳng khác gì đá núi bình thường.

Cùng lúc đó, chúng tôi nhìn thấy, trong vách đá kia dường như có cái bóng ẩn hiện.

Là bóng người.