Đạo Mộ Bút Ký

Quyển 4 - Chương 33: Ám hiệu nhàm chán




Editor: Yoo Chan

Beta: Thanh Du

~0O0~

‘Huyền Vũ cự thi’. ‘Huyền Vũ cự thi’ chó chết!

Nghĩ thông rồi, tôi thấy tất cả mọi thứ đều sáng tỏ, không kìm được mà cười phá lên. Đây hoàn toàn là hiểu lầm, bốn chữ mà chú Ba nói căn bản không phải bốn chữ này, chẳng qua những quan niệm trong Táng kinh đã ăn sâu bám rễ trong đầu chúng tôi nên vừa nghe phát âm bốn chữ gần giống thế đã đinh ninh chính là nó. Hơn nữa đúng như tôi đã đoán từ trước, ám hiệu này thực chất không phải là ám hiệu. Chú Ba đã dùng một cách vô cùng tài tình, khiến cho câu này của ổng gần như nói trắng ra luôn. Có thể nhắc lại ngay trước mặt người khác, nhưng ý tứ thực sự thì chỉ có tôi mới hiểu.

Xem ra chú Ba đã sớm đoán biết, có thể những người đi cùng tôi vào trong hoàng lăng này chưa chắc đã là những người mà ổng an bài từ trước.

Mấy người kia nhìn sắc mặt tôi biến đổi rõ rệt thì biết ngay tôi đã ngộ ra điều gì, vội hỏi tôi đã nghĩ thông chưa.

Tôi bèn giải thích: “Đúng là chúng ta đã nghĩ sai hướng rồi. Chú Ba nói những lời này ‘tôi’ có thể hiểu. nguyên nhân chủ yếu không phải vì tôi với ổng có điểm gì giống nhau, mà do tôi đã lớn lên ở Hàng Châu từ nhỏ.”

Mọi người vẫn chưa hiểu, Bàn Tử hỏi lại: “Vậy có nghĩa là mấy lời này có liên quan đến phong cảnh ở Hàng Châu hả? Không phải chứ, Bàn gia tôi đã đi qua Hàng Châu nhiều lần nhưng chưa từng nghe Hàng Châu có nơi nào tên là ‘Huyền Vũ cự thi’ mà?

Phan Tử lắc đầu: “Anh liên thiên cái gì vậy, tôi dám chắc nó không liên quan gì đến phong cảnh, người lớn lên tử nhỏ ở Hàng Châu cũng chưa dám chắc đã quen thuộc hết những danh thắng di tích ở đó nữa là. Anh xem ông Ba nhà chúng tôi sống ở Hàng Châu đã hơn mười năm mà chỉ biết mỗi cái Tây Hồ. Lần trước ông ấy dẫn chúng tôi lên núi Bảo Thạch uống trà mà rồi lại lạc đến tận đâu đâu, cuối cùng đi mãi đến tối mới thấy Ngọc Tuyền.”

Tôi gật đầu, quả thực tôi cũng là người như vậy. Ai nói dân buôn đồ cổ phải thích mấy di tích cổ chứ, tôi mới đến thăm có vài nơi thôi.

Bàn Tử nhíu mày, nói với tôi: “Không liên quan gì đến phong cảnh à? Thế con mẹ nó là cái gì? Sao cậu không nói toẹt ra đi, tôi sốt ruột muốn chết rồi đây.” Nói rồi lau lau mồ hôi.

Tôi cũng không úp úp mở mở nữa, nói với hắn: “Cái này rất đơn giản, người lớn lên ở Hàng Châu tuy không nhất thiết phải quen thuộc phong cảnh, nhưng chắc chắn có thể nghe hiểu thổ ngữ Hàng Châu. Đây mới là điểm mấu chốt.”

Tất cả mọi người đều sửng sốt, ngây người ra một lúc, hiển nhiên cũng đã mơ hồ hiểu ra vấn đề, nhưng vẫn chưa rõ ràng lắm. Bàn Tử hỏi: “Là cách phát âm?”

Tôi gật đầu. Trong số những người ở đây, chỉ có tôi là thông thạo thổ ngữ Hàng Châu. Phan Tử quanh năm ở Trường Sa, cũng có thể nghe hiểu tiếng Hàng Châu nhưng hiểu biết sâu sắc về thổ ngữ thì không có. Bàn Tử là người bắc, nghe giọng nói đủ biết cả năm quanh quẩn trong thành Bắc Kinh. Thuận Tử lại càng khỏi phải bàn, đến tiếng phổ thông còn nói chưa lưu loát. Nếu chú Ba dùng tiếng Hàng Châu nói một câu, quả thực chỉ có tôi mới hiểu nổi.

Đáng tiếc là Thuận Tử không giỏi tiếng Hán nên chỉ nhớ được cách phát âm, không nghe ra được ngữ điệu biến hóa ở nửa đầu và nửa sau câu nói, cho nên lời nói từ miệng hắn đi ra chỉ là một câu hoàn toàn không có ngữ điệu.

Phan Tử vỗ vỗ đầu, nói: “Mẹ kiếp, đúng là tôi không nghĩ đến cái này. Vậy ‘Huyền Vũ cự thi’ kia, nếu nói bằng thổ ngữ Hàng Châu thì có ý gì? Cái này cũng có vẻ khó đọc nha.”

Tôi cười nói: “Để yên nghe tôi phân tích hết đã. Thật ra mật ngữ của chú Ba không phải bốn chữ, mà là sáu chữ ‘Huyền Vũ cự thi chi địa’. Chữ ‘Huyền” thứ nhất, tiếng Hàng Châu phát âm là “Viên” lại gần giống với ‘Duyên’. Chữ ‘Vũ’ phát âm cũng na ná chữ ‘hồ’. Nhưng ở Hàng Châu, từ ‘hồ’ này có thể đọc là hồ cũng có thể đọc là hà. “cự” đồng âm với ‘cừ’, ‘thi’ đồng âm với ‘thủy’, ‘địa’ đồng âm với ‘để’ —- Vậy gộp lại chính là ‘duyên hà cừ thủy chi để’ (dưới đáy rạch nước chạy dọc sông)

Tôi vừa giải thích xong, mọi người ‘A” lên một tiếng, đều tỏ vẻ tỉnh ngộ. Bàn Tử gật gù, đương nhiên tôi dịch ra như vậy là hoàn toàn hợp lý, không có sơ hở nào cả.

Phan Tử ‘hừ’ một tiếng, lầm bẩm nói ông Ba đúng là ông Ba, nếu Trần Bì A Tứ mà nghe được mấy lời kia thì có đánh chết lão cũng không thể suy ra theo hướng này, chắc chắn sẽ tìm ý nghĩa của ‘Huyền Vũ cự thi’ đến nổ tung đầu luôn.

“Rạch nước dưới lòng sông?” Bàn Tử đã chuẩn bị lên đường “Nhưng nơi này làm gì có sông? Hay sông nằm trong hoàng lăng?”

Tôi nói: “Trong lăng chắc chắn không có sông, cùng lắm chỉ có suối thôi, bởi vì mực nước sông không thể khống chế, nước quá cao sẽ bị ngập, nước quá thấp thì lại phá thế, hơn nữa nước sông sẽ làm bại lộ vị trí của cổ mộ. Sông ở đây chỉ có thể là con sông đào này thôi.”

Cơ mặt của Phan Tử đều co giật cả lên: “Chúng ta đi bậy đi bạ, hóa ra lại đi đúng đường sao?”

“Cũng chưa chắc chắn hoàn toàn.” Tôi lắc đầu, dù sao còn chưa bước vào hoàng lăng, không biết tình hình bên trong thế nào, nhưng dựa theo dấu hiệu hiện tại cùng với những tư liệu đã từng xem qua thì phân tích của tôi vẫn có cơ sở.

“Nếu nói sông chính là con sông đào này, vậy rạch kia… con mẹ nó… không lẽ chính là cái chỗ chúng ta vừa xem qua kia…” Bàn Tử đứng dậy, nhìn về phía con rạch tuẫn táng chứa đầy tượng đá kia, quả thực trùng khớp với ám hiệu chú Ba để lại. Chúng tôi quay đầu lại nhìn, tim đập rộn ràng.

“Nhưng…” Phan Tử vẫn thấy không ổn, “Con ‘rạch’ kia không có ‘nước’.”

Tôi lắc đầu nói: “Lúc ấy chú Ba cũng chưa tiến vào hoàng lăng này. Ổng nói những lời này có lẽ cũng chỉ dựa theo những gợi ý tìm được ở bên ngoài, có thể dựa theo sách cổ hoặc địa đồ. Mà người vẽ ra địa đồ hoặc viết ra sách cổ đương thời cũng không lường trước sẽ có một ngày con sông đào kia bỗng dưng cạn khô.”

Trên những tảng đá kè quanh sông này có dấu vết bị ăn mòn, chắc chắn sông này trước kia từng có nước. Nhưng trải qua hàng ngàn năm, nguồn nước dẫn vào sông, có thể là mạch nước ngầm hoặc là suối nước nóng, đã khô cạn. Nước sông không được bổ sung nên dần dần ngấm vào lòng đất, cuối cùng cũng khô cạn theo.

Bàn Tử đã mất hết kiên nhẫn, “rắc” một tiếng kéo chốt an toàn khẩu súng, nhìn chúng tôi hất đầu ra hiệu: “Các đồng chí, khó khăn lắm lợi ích cá nhân của chúng ta mới thống nhất làm một với lợi ích cách mạng, còn chờ cái gì nữa, con mẹ nó cùng lên đi.”

Chúng tôi không tìm ra lí do gì để phản bác lời đề nghị của Bàn Tử lúc này, nhưng lập tức xuất phát thì đúng là quá nóng vội. Phan Tử kéo hắn xuống, nói: “Đã có manh mối rồi, tình thế trái lại không gấp. Anh xem cậu Ba bị thương nặng như vậy, còn chưa được nghỉ ngơi kia kìa. Anh muốn đi một mình hay muốn bảo chúng tôi vứt cậu ấy lại đây chờ chết?”

Bàn Tử ngẩn người, ngẫm lại thấy cũng có lý, nhưng hắn thực sự bị dục hỏa đốt người, bèn vỗ vai Thuận Tử: “Này, hay tôi với anh đi trước thám thính, tóm mấy con chim làm đồ ăn. Cứ để hai người họ ở đây nghỉ ngơi, đảm bảo thu hoạch không kém số tiền ông Ba kia trả cho anh.”

Không ngờ Thuận Tử cũng lắc đầu, nói: “Nhiệm vụ của tôi là đưa cậu ta” chỉ vào tôi, “đến trước mặt ông Ba kia. Về sau các người sống chết thế nào tôi không quản, nhưng hiện giờ tôi phải trông chừng cậu ta.”

Tôi nghe thế thì cười đắc chí, quay sang Bàn Tử: “Giờ đã rõ ai mới là VIP ở đây chưa?”

*Đù, vậy là lại thêm một mạng gia nhập đoàn kị sĩ hộ giá công trúa =)) Và Tà nó có vẻ rất khoái chí với địa vị này =))*

Bàn Tử xì một tiếng khinh miệt, khó chịu nói: “Được! Các người cứ ở đây nghỉ ngơi đi, Bàn gia ta tự đi một mình. Chờ đến khi ông kiếm được mấy món bảo bối mang về, xem các người có tiếc nhỏ dãi ra không. Ông nói trước cho mà biết, thứ gì ông tìm được là của ông, tuyệt đối không chia cho các người đâu!” Nói rồi vác súng lên hùng dũng bước đi.

Mới đi được vài bước, hắn đột ngột dừng lại rồi quay đầu trở về. Chúng tôi thấy thế thì phá ra cười, hỏi hắn sao thế, sợ rồi hả?

Bàn Tử hừ một tiếng, tung cước đá văng cái ba lô của mình, ngồi đối diện với cái đèn bão, nói: “Sợ cái con khỉ biển, các người đúng là muốn đuổi ông đi, Bàn gia ta đâu có ngu. Chờ lát nữa ông lấy được mấy món béo bở, ba người lại hè nhau xông vào cướp, dù ông có là mãnh hổ cũng khó địch lại bầy lang sói, để các người chiếm lợi, không khéo còn bị các người giết người cướp của nữa, ông không dại mà đâm đầu vào vụ làm ăn mù quáng này.”

Phan Tử thấy Bàn Tử vẫn còn bực bội, mới thừa cơ chế nhạo: “Cái này gọi là lòng dạ tiểu nhân, anh nghĩ rằng tụi này ai cũng giống anh sao.”

Tôi sợ hắn lại nổi điên lên, bèn ngắt lời cả hai: “Được rồi, đừng ai nói gì nữa. Giờ tính ra cũng là nửa đêm rồi, tuy ở dưới này không thấy sắc trời nhưng chúng ta cũng phải nắm bắt được thời gian mà nghỉ ngơi.”

Phan Tử nhìn đồng hồ, cũng gật đầu, vặn đèn bão cho sáng thêm, xung quanh lập tức ấm áp hơn hẳn. Sau đó anh lấy túi ngủ ra bơm căng, mọi người đều chui vào làm một giấc.

Bàn Tử châm một điếu thuốc, nói hắn không buồn ngủ, để hắn gác ca thứ nhất. Tôi liếc hắn một cái, nói đến nửa đêm anh tuyệt đối không được tự ý đi chôm đồ. Vào huyền cung rồi anh muốn lấy gì thì lấy, còn bây giờ thì yên phận chút đi, con mẹ nó anh đừng để tôi coi thường.

Bàn Tử giận dữ nói hắn đâu phải hạng người đó? Hắn gác đêm, đảm bảo chúng tôi đều an toàn.

Đi đường mệt mỏi, lên đến đỉnh núi tuyết đã là chạng vạng tối, từ khi tiến vào cung điện dưới lớp băng cho tới bây giờ đã hơn mười tiếng. Hơn nữa chúng tôi hoạt động với cường độ tương đương với lao động chân tay một ngày một đêm, hết leo núi, chạy như điên lại nhảy xa, cùng với cú ngã lúc nhảy xa thất bại, tôi đã mệt rã rời, vừa chui vào túi ngủ lập tức thiếp đi.

Tôi có cảm giác mình ngủ rất say. Là người bệnh nên tôi không phải gác đêm, khi tỉnh lại thì xung quanh vẫn một màu tối đen, đèn bão đã tối đi rất nhiều, người gác đêm cũng chuyển sang Phan Tử. Anh đang tựa vào một tảng đá hút thuốc, cạnh đó là Bàn Tử ngáy pho pho như sấm.

Tôi nhìn đồng hồ, biết mình mới ngủ có 5 giờ, có điều những lúc bị thương nặng tôi đều ngủ rất ngon. Do cơ thể tái tạo mạnh mẽ nên người gần như rơi vào trạng thái nửa hôn mê, khi tỉnh dậy đầu óc nhẹ nhàng khoan khoái nhưng thân thể lại càng mệt mỏi, xương sống ở thắt lưng bắt đầu đau tệ hại.

Tôi xoa xoa mặt, chui ra khỏi túi ngủ, vặn vẹo mấy khớp tay chân rồi bảo Phan Tử đi ngủ đi, tôi sẽ canh gác một lát. Nhưng Phan Tử nói không cần, hồi ở Việt Nam đã có thói quen ít khi ở trên giường, mỗi ngày đều ngủ không quá ba tiếng.

Tôi cũng đành mặc anh, ngồi vào tảng đá bên cạnh, cũng muốn hút một điếu thuốc cho tỉnh táo đầu óc.

Hai người rơi vào im lặng trong chốc lát, bỗng Phan Tử bảo tôi thử đoán xem chú Ba hiện giờ ra sao? Có gặp chuyện gì bất trắc không?

Tôi thấy nét mặt anh chất chứa sự quan tâm và lo lắng thật lòng, trong lòng cũng cảm thấy xúc động. Theo lý mà nói, Phan Tử từng ra chiến trường, đã quen với mưa bom bão đạn, sinh tử ly biệt, đáng ra sẽ không có loại tình cảm sâu sắc như vậy. Nhưng ngược lại, lòng trung thành và tin tưởng của Phan Tử đối với chú Ba khiến cho cháu trai như tôi cũng thấy hổ thẹn. Không biết trước đây giữa Phan Tử và chú Ba đã xảy ra chuyện gì, nếu có cơ hội tôi thực sự cũng muốn hỏi.

Tôi an ủi anh: “Anh yên tâm đi, lão cáo già kia tuyệt đối sẽ không bạc đãi bản thân đâu. Ổng lớn mạng lắm, nếu có gặp chuyện không hay thì cũng chẳng đợi đến bây giờ mới xảy ra chuyện. Bây giờ chúng ta chỉ cần chiếu cố bản thân mình là được rồi, lúc này người cần phải lo lắng chính là chúng ta, bởi chúng ta chẳng biết gì cả.”

Phan Tử gật đầu, thở dài một tiếng thiểu não nói: “Tiếc là đầu óc tôi không được nhanh nhẹn, những việc ông Ba làm tôi không tài nào hiểu nổi. Bằng không những chuyện nguy hiểm như thế này ông Ba không cần phải đích thân làm, cứ giao cho tôi là được.”

Tôi cười khổ trong lòng, nghĩ bụng việc chú Ba đang làm cũng không đến nỗi quá mức nguy hiểm, mà ngược lại, tôi có cảm giác người gặp nguy hiểm nhất chính là chúng tôi. Chúng tôi luôn đi sau chú Ba, phán đoán ý tứ của ổng, sau đó bị ổng nắm mũi dắt đi. Cứ tiếp tục như thế, vận khí dù tốt đến đâu thì cũng có ngày gặp họa.

Ví dụ như lúc này đây, chú Ba có thể để lại manh mối về cửa vào huyền cung cho chúng tôi từ rất sớm, chứng tỏ trên người ổng có thứ gì đó giúp ổng biết trước kết cấu của địa cung này. ‘Duyên hà cừ thủy chi để” đây là một câu thể văn ngôn, giọng điệu của chú Ba không giống vậy, câu này chắc chắn lấy từ trong sách cổ. Mà theo lời Thuận Tử thì chú Ba một mình đi vào núi tuyết xem xét, hiển nhiên ổng cũng không rơi vào tay đám người A Ninh. Nếu ổng thuận lợi đi vào miệng núi lửa này, rất có thể bây giờ đã ở trong huyền cung dưới hoàng lăng.

Có thể đoán sơ sơ thế này, vật đã giúp chú Ba biết trước kết cấu địa cung có lẽ chính là mục đích đi Tây Sa mấy tháng trước của ổng, cũng có thể giải thích vì sao công ty của A Ninh lại xuất hiện ở đây. Mục tiêu của bọn họ hẳn cũng không phải ngôi mộ dưới đáy biển lần trước, mà là Vân Đỉnh thiên cung trên này. Bọn họ hợp tác với chú Ba đi Tây Sa, chẳng qua là muốn vào mộ huyệt dưới đáy biển để tìm manh mối về hoàng lăng bí mật trong lòng dãy Trường Bạch mà thôi.

Mà khi ở trong hải mộ kia, A Ninh cũng tách khỏi chúng tôi một lúc rất lâu. Trong khi chúng tôi bị những bẫy rập và cơ quan trong hải mộ chọc cho suýt phát điên, mệt mỏi muốn chết, cô ả này đã làm những gì trong hậu điện? Có phải cũng giống như chú Ba, tìm được điểm mấu chốt để đi xuống hoàng lăng trong lòng đất này? Chúng tôi không thể biết được. Nhưng vừa rồi ở tiền điện nhóm đã gặp mấy thi thể trang bị kĩ càng đến tận chân răng, chứng tỏ đội ngũ của A Ninh đã xuống nơi này trước chúng tôi rồi. Căn cứ theo lời Thuận Tử, đội ngũ bọn họ quá lớn, chắc chắn không thể nào vượt qua được tuyến biên phòng. Thế mà họ lại có thể vào đến tận đây mà không mất một cọng tóc nào, chứng tỏ bọn họ biết một con đường bí mật mà không ai khác biết.

Điều này ít nhất cũng có thể chứng minh đám người A Ninh biết những chuyện mà chúng tôi không biết.

Chúng tôi và bọn họ ở hai thế hoàn toàn khác biệt nhau. Chúng tôi hoàn toàn ‘không biết gì’, không thể đoán trước trong huyền cung có thứ gì đang chờ đợi mình. Tình cảnh này đúng là cực kì gay go, nhưng chúng tôi vẫn phải tiếp tục tiến lên, không thể lùi bước được nữa, lùi lại mới là hỏng bét.

Những lời này tôi không thể nói ra với họ, bởi vì đối với Phan Tử, chú Ba là tất cả. Chú Ba muốn anh làm chuyện gì thì anh nhất định phải làm, không cần biết đến mục đích. Đối với Thuận Tử, hắn hoàn toàn là người ngoài cuộc, đối với hắn đây chỉ là một phi vụ mua bán, hắn chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng. Mà Bàn Tử lại càng đơn giản, hắn do người ‘gắp Lạt Ma’ mời đến, trong lăng mộ có những gì mới là quan trọng, chú Ba của tôi, đối với hắn chỉ là một cái tên đầy phiền phức mà thôi. Những phân tích nảy sinh trong đầu tôi lúc này, xem ra chỉ hữu dụng với một mình tôi, cũng chỉ có mình tôi quanh quẩn giữa những bí ẩn mơ hồ mà thôi.

Đây là lần đầu tiên tôi nảy sinh cảm giác hâm mộ đối với cuộc sống đơn giản của những người kia.

Lại nói lái sang chuyện khác, Phan Tử liền hỏi thân thể tôi thế nào rồi, tôi nói cũng đỡ một chút, được ngủ một giấc, cơ thể tôi đã khá hơn nhiều. Bây giờ không cần người đỡ cũng có thể gắng gượng đi lại, nhưng đương nhiên vẫn chưa thể đánh nhau được. Phan Tử nói hay là cậu nghỉ ngơi thêm một lát đi, khó tìm được nơi nào yên tĩnh như ở đây, mà cũng rất an toàn, chỉ sợ vào địa cung rồi sẽ không có cơ hội nghỉ ngơi nữa.

Tôi thấy cũng đúng, đã định chui vào túi ngủ tiếp, nhưng vẫn không sao ngủ lại được. Bàn Tử bên cạnh đang liên tục nói mớ bằng thứ tiếng mà tôi nghe không hiểu nổi, có vẻ như đang cò kè mặc cả với ai đó. Lúc hắn nói mớ ác liệt nhất, Phan Tử nhặt một viên đá nhỏ ném trúng đầu hắn, ăn đá xong Bàn Tử lập tức yên lặng trở lại. Nhưng chỉ được một lát lại bắt đầu lảm nhảm, càng ngày càng điếc tai. Lúc trước còn mệt mỏi nên tôi không nghe thấy gì, nhưng bây giờ muốn ngủ lại cũng thực khó khăn.

Nhắm mắt lại, cố gắng chịu đựng hai tiếng đồng hồ, Phan Tử lấy một hòn đá lớn hơn chọi cho Bàn Tử tỉnh hẳn. Lần này ai cũng đừng mong ngủ thêm, cả Thuận Tử cũng bị dựng dậy.

Sửa sang lại trang bị thật cẩn thận, ăn thêm một chút lương khô, chúng tôi lại đi về hướng con rạch bồi táng. Những pho tượng đá hình người màu đen đã hư hỏng vẫn đứng sừng sững, im lìm ở đó, đội ngũ kéo dài rồi biến mất trong bóng đêm vô tận hai đầu.

Tôi được đỡ xuống rạch tuẫn táng, thoáng cái đã đi vào giữa đám tượng đá. Đứng trên cao nhìn xuống những bức tượng này cũng không có cảm giác gì mãnh liệt, nhưng xuống rồi mới thấy chúng cao ngang ngửa tôi, nhìn quanh chỉ thấy vô vàn cái bóng xen kẽ nhau, khiến lòng tôi sinh ra một cảm giác vô cùng bất an.

Bàn Tử chiếu đèn pin về hai phía, nhìn tôi hỏi: “Ông Ba nhà các cậu bảo chúng ta đi theo hướng nước chảy, nhưng giờ chỗ này đã cạn nước, chúng ta nên đi thế nào đây?”

Tôi nhìn sang Phan Tử. Trong cuộc chiến tranh tự vệ phản kích với Việt Nam, Phan Tử có tham gia giai đoạn chiến tranh đặc biệt, có lẽ đã từng nghiên cứu những vật như thế này.

Phan Tử lại gần một bức tượng đá, sờ sờ vết nứt trên mặt, rồi chỉ về hướng mà các bức tượng quay mặt về, nói: “Xem vết nước chảy trên những tượng đá này, đầu bên kia hẳn là hạ lưu.”

Bàn Tử cũng tiến lại, nhưng không nhìn ra nguyên cớ vì đâu mà Phan Tử khẳng định được như vậy, bán tin bán nghi nói: “Mạng người quan trọng, anh đừng có đoán bừa đó.”

Phan Tử không thèm để ý đến hắn, nói chúng tôi cẩn thận một chút. Mọi người bắt đầu lần theo con lạch, tiến vào bóng đêm sâu thẳm trong lòng con sông đào.

Tôi không có chút ý niệm nào về chiều dài của con sông đào này. Lúc ở trên vách đá đốt pháo sáng quan sát, cả hoàng thành đều ở tít đằng xa, chúng tôi đại khái chỉ nhìn thấy đỉnh của khối kiến trúc, con sông đào này bị khu rừng chết xung quanh che khuất. Lúc đứng trên cây cầu, ánh sáng đèn pin lại không đủ để chiếu sáng toàn bộ bóng đêm, vậy nên chúng tôi cứ đi dọc theo rạch tuẫn táng đến nửa giờ vẫn chưa thấy điểm kết thúc của cái đáy sông vô cùng tĩnh mịch này.

Độ cao của rạch tuẫn táng không đồng đều, có vài đoạn tượng người bị vỡ vụn rất nghiêm trọng, giống như bị thứ gì cực lớn dẫm lên. Loại đá vô danh để tạc tượng này rất cứng, vậy mà cũng vỡ nát. Tôi thậm chí còn phát hiện dưới đáy con rạch thi thoảng lại bắt gặp đầu hoặc tay chân của tượng đá, hình như bên dưới rạch tuẫn táng còn chôn một tầng những bức tượng như thế này nữa.

Hoặc có thể con rạch này ban đầu cũng bị chôn vùi dưới lòng đất, nhưng vì nguyên nhân nào đó mà công trình bị tạm dừng, thành ra có rất nhiều tượng đá không bị vùi lấp.

Càng đi càng thêm tối, ban đầu đèn pin chiếu vào bờ sông còn có một tia phản quang, ít nhất còn có vật tham chiếu. Cứ đi mãi đi mãi, đến cả bờ sông cũng không chiếu tới nữa, tứ phía đều là bóng tối vây hãm, chúng tôi cũng tự động giảm tốc độ. Phan Tử nhắc nhở chúng tôi tỉnh táo một chút, tuyệt đối không được phân tâm.

Lúc này, Bàn Tử đang đi tuốt đằng trước bỗng dừng lại. Chúng tôi định tiến lên xem sao thì thấy hắn giơ tay ra dấu cho mọi người dừng lại.

Tôi lại gần hắn, nhìn theo ánh đèn pin thì hóa ra đã đi tới cuối rạch tuẫn táng rồi. Những hàng tượng đá đã biến mất, trước mặt là một khối đá cực lớn dùng để kè bờ sông, chắc là đã tới đầu kia của sông đào. Trên kè đá bên bờ sông hình như trạm trổ thứ gì đó cực lớn trông giống tượng Phật khổng lồ ở núi Nhạc Sơn (1). Do đèn pin không thể chiếu sáng được toàn cảnh nên không biết là cái gì. Chỉ thấy dưới đáy bờ kè có một cái động vuông vắn bị đá vụn che lấp, hiện giờ phần lớn số đá vụn đó đã bị dịch sang một bên, lộ ra một cái miệng hang tối đen như mực.

Giống như bài đạo lúc trước chúng tôi chui vào, cái động này cũng là một trong những thông đạo do nhóm thợ xây lăng năm đó lén đào ra, đây là lối thoát duy nhất của bọn họ nếu có ngày địa cung bị phong bế.

“Lại có một đường hầm đào ngược ra à?” Phan Tử kinh ngạc nói: “Cửa ra sao lại ở đây? Chuyện này không thể xảy ra được.”

“Sao lại không thể?” Bàn Tử hỏi: “Động đâu phải do anh đào.”

Phan Tử nói: “Nơi này lúc đó còn ngập trong nước, anh cho những công nhân này đều là cá à?”

Tôi khoát tay bảo bọn họ đừng cãi nhau nữa, lúc này Thuận Tử kêu lên một tiếng, gọi chúng tôi lại: “Lại đây xem, có thứ gì lạ lắm.”

Nói đoạn chiếu đèn pin vào, chúng tôi nhìn vào chỉ thấy trên tảng đá cạnh cái động có người khắc lại mấy chữ.