Danh Môn

Chương 375: Cựu ái tân hoan(b)




Trương Hoán cúi đầu trầm tư chỉ chốc lát rồi lại hỏi: “ Ta vẫn còn có một nghi vấn. Nếu như số lớn dân cư chuyển đến thành trấn. Vậy ai đi trồng lúa chăm sóc dâu, ta lo lắng sẽ xảy ra vấn đề lương thực.”

Lý Bí đúng là đã sớm tính trước. Ông ta đi tới trước bản đồ Đại Đường, nhặt lên cây gỗ chỉ chỉ vào vùng đất rộng lớn phía nam Trường Giang mà bảo: “ Lương thực nhiều ít tùy thuộc vào hai nhân tố số lượng dân cư trồng lương thực và sản lượng trên một mẫu. Nếu như số lượng dân cư trồng lương thực không đủ, vậy có thể nghĩ cách về sản lượng trên một mẫu. Ở phía bắc sông Hoài thì sản lượng trên một mẫu phần lớn là hai ba trăm cân, hơn nữa lại hai năm trồng có ba vụ. Mà ở phía nam Giang Hoài sản lượng trên một mẫu lại có thể đạt tới bốn năm trăm cân, hơn nữa một năm trồng hai vụ. Thậm chí khu Lĩnh Nam vẫn còn có thể trồng một năm ba vụ. Như vậy tính ra chỉ cần một nửa số người trồng là có khả năng thỏa mãn nhu cầu lương thực cả nước. Hơn nữa phía nam không chỉ có sản lương nhiều hơn, thôn tính ruộng đất cũng không nghiêm trọng, triều đình có khả năng thông qua phương thức trao ruộng để dời nông dân xuống phía nam.”

Tài trí của Trương Hoán cũng được sự sáng tỏ của Lý Bí thúc đẩy, hắn tiếp nhận cây gỗ rồi cũng chỉ vào bản đồ mà nói: “ Thời Đường sơ quyết định giao ruộng là tốt, thúc đẩy mọi người sản xuất. Nhưng cho phép mua bán ruộng vĩnh viễn lại mở ra lỗ hổng để sau này thôn tính ruộng đất. Vì thế cho nên trong thời gian ngắn ngủn trăm năm không nghi ngờ đã phá hỏng chế độ đất đai. Huyền Tông hoàng đế mấy lần hạ chỉ cấm tiệt việc thôn tính ruộng đất cũng không làm nên chuyện gì. Cho nên lần lại giao ruộng này ta chuẩn bị chỉ chia ruộng theo nhân khẩu, không trao ruộng vĩnh viễn. Quyền ruộng đất thuộc về triều đình trung ương, do triều đình thành lập Khuyến Nông Thự để quản lý. Không thu tô thuế, không được mua bán, quan phủ địa phương cũng không có quyền thu hồi ruộng đất. Nếu như muốn vào thành làm công thương ngiệp thì phải đem đất trả lại cho Khuyến Nông Thự. Ở địa phương quan phủ có thể giải quyết việc di chuyển hộ tịch. Nếu như không sống nổi trong thành lại có khả năng quay về nguyên quán xin ruộng đất. Như vậy dân chúng tóm lại có một con đường sống, không đến mức bị buộc tới đường cùng mà tạo phản. Mặc dù đối với triều đình thì quản lý số hộ dân có hơi khó khăn, nhưng đối với giải quyết hai vấn đề lớn là ruộng đất và tích trữ nô lệ khiến cho dân chúng được tự do hơn thì đó cũng không tính là gì. Ta nghĩ bình thường dân chúng luôn hy vọng an cư lạc nghiệp, từ xưa đều là quan bức dân phản, chưa từng có chuyện ngược lại là dân bức quan. Dân chúng bình thường tại nơi nào đó mà sống không nổi có thể bỏ chạy lấy người. Ngược lại, cũng có thể từ đây nhìn ra tình hình cai trị ở nơi nào đó, đối với quy chế quan viên địa phương cũng có lợi. Đương nhiên, ở trong đó cũng còn có rất nhiều vấn đề chi tiết. Ví dụ như quan phủ địa phương làm khó dễ đối với di chuyển hộ tịch .v..v... nhưng những điều này là vấn đề còn có thể giải quyết, không cản trở đại cục. Mấu chốt là chế độ, chúng ta cần trước hết ban hành chế độ rồi sẽ đi hoàn thiện chi tiết.”

Lý Bí nghe xong những câu nói này mà không khỏi ngơ ngác nhìn Trương Hoán. Ông ta thật không ngờ Trương Hoán lại có suy nghĩ nhìn xa như thế. Trăm ngàn năm qua, bao nhiêu nhà thống trị các triều đại đều dùng trăm phương ngàn kế để khống chế dân chúng về mặt ruộng đất, điều mà họ gọi là trung hưng cũng chỉ là làm một chút nhượng bộ khi mẫu thuẫn đã cực kỳ sâu sắc để xoa dịu oán khí của dân chúng. Còn nhà thống trị như Trương Hoán suy nghĩ hộ tới lợi ích của tầng dân chúng dưới chót thì cũng là đế vương đầu tiên mà ông ta được biết. Đại Đường mà có vị quân chủ tài trí mưu lược kiệt xuất như thế này thì lo gì thời đại thịnh vượng không tái xuất hiện.

Lý Bí nghĩ tới Lý Long Cơ hết lòng lo lắng làm suy yếu tướng quyền, cuối cùng lại là nuôi hổ gây hoạ khơi ra chuyện An Lộc Sơn làm loạn. Đại Đường bởi vậy từ thịnh chuyển sang suy. Nghĩ tới Lý Hanh hà khắc thiếu tình, dễ tin hoạn quan coi thị dân như cỏ rác. Nghĩ đến Lý Dự hùng tâm hừng hực nhưng lại không quả quyết, thế cho nên tuổi trẻ mất sớm. Những cảnh đó trong suốt mấy chục năm ròng rã khói lửa trôi qua trước mắt ông ta. Trong lòng Lý Bí trào dâng kích động, ông ta “ bùm!” một cái quỳ rạp xuống đất, tâm tình trào dâng mà nói: “ Thần nguyện vì bệ hạ cúc cung tận tụy, chết cũng không thôi!”

“ Xin Tướng Quốc mau mau đứng lên!”

Trương Hoán vội vàng đem đỡ ông ta lên, cười cười bảo: “ Hiện tại ta còn là Hữu Tướng Giám quốc, gọi bệ hạ thì ta không đảm đương nổi.”

Vừa nói, hắn mời Lý Bí ngồi xuống, chính mình lại uống một ngụm trà, trấn định lại hứng thú rồi mới từ từ bảo: “ Lại nói về việc tiền giấy, ta cảm giác được trong đó có rất nhiều lỗ hổng. Làm không tốt thì sẽ trở thành mối nguy hại lớn lao cho dân chúng. Nhưng tức thời lại không rõ duyên do, hy vọng tiên sinh đánh thức hộ ta. “

Lý Bí cũng uống một ngụm trà để nhuận cổ họng, cũng khiến cho mình bình tĩnh trở lại. Ông ta cẩn thận suy nghĩ một lát liền nói: “ Đô đốc dùng tiền giấy, coi chúng như là lượng tiền lớn liền rõ ràng thần bí ở trong đó. Một văn ngang năm mươi văn, điều này kỳ thật là biến thành tước đoạt tài sản của dân chúng. Thời Túc Tông đế đã từng đúc quá nhiều tiền Càn Nguyên Trọng Bảo, dùng một đổi lấy năm mươi, lấy hai mươi hai cân làm thành xâu tiền. Đó cũng là thủ đoạn bất đắc dĩ vào lúc khủng hoảng tài chính. Kết quả là dân chúng căn bản không cho mua nợ. Đến thời Thôi Viên chấp chính cũng cố gắng thi hành chi phiếu của quan, kết quả cũng không được thương nhân đón nhận. Nói đến tận cùng thì có lẽ là vấn đề tín dụng của triều đình. Hiện tại quốc khố trống rỗng, sức dân mệt mỏi, nếu thi hành tiền giấy thì chỉ có thể là chiếm đoạt tiền tài của dân. Cho nên bần đạo đề nghị tạm thời không nên suy nghĩ việc tiền giấy. Nhưng lại phải tìm phương pháp nghĩ cách mở rộng sản lượng đồng cùng vàng bạc, cho phép lưu thông vàng bạc trong dân gian. Khích lệ phường tiền phát triển quy mô để dân gian tự mình nghĩ biện pháp giải quyết vấn đề bất tiện sử dụng tiền bằng đồng, làm cho triều đình chỉ cần nắm chắc việc đảm bảo thu chi cân bằng, hoàn thiện pháp luật. Lâu ngày, khi hàng hóa phồn thịnh, quốc khố dồi dào thì chuyện phát hành tiền giấy mới là việc nước chảy thành sông.”

Lý Bí phụ tá hoàng triều Đại Đường mấy chục năm, thường được gọi là Bố Y ( áo vải) Tướng Quốc, đối với bụng dạ đế vương đã hoàn toàn nắm chắc thấu đáo. Rất nhiều lúc đế vương hành động hoàn toàn tùy theo ý mình, tất cả cứ theo nhiệt tình. Có lúc rõ ràng biết sai rồi cũng không chịu nhận lỗi. Cho nên đối xử với nhiệt tình của đế vương thì mấu chốt là ngay từ đầu không được ngăn cản, đối với đề nghị của bọn họ thì trước tiên phải khích lệ rồi sau đó lại từ từ dẫn dắt đến phương hướng chính xác. Cũng như sự nhiệt tình của Trương Hoán đối với tiền giấy, hắn mặc dù có thể đoạt ngôi vị thiên hạ, nhưng dù sao cũng chưa từng làm Tướng Quốc nên không biết mối nguy hại của tiền mệnh giá lớn. Nhưng hắn đồng ý đón nhận mới điều mới, có lòng mở rộng phát triển thì đó cũng là chuyện tốt. Cho nên Lý Bí cũng không lập tức nhảy dựng lên dùng một gậy đánh bạt đi, mà là chậm rãi dẫn đường để cho Trương Hoán biết hậu quả phát hàng tiền giấy khi triều đình đang mệt mỏi.

Trương Hoán cũng biết rõ trong lòng nên hắn cười cười, việc tiền giấy liền tạm thời để sang một bên.

Mệt nhọc cả ngày, Trương Hoán cảm giác đầu mình dường như sưng to lên vài phần, huyệt Thái Dương co giật từng đợt đến đau. Hắn thấy đêm đã khuya liền nhẹ nhàng đặt bút xuống vuốt vuốt huyệt Thái Dương. Lại vươn vai ưỡn người để kéo dãn cái lưng mệt mỏi. Bấy giờ mới đứng lên nói với thân binh: “ Hôm nay chỉ đến đây thôi, các ngươi thu dọn cả đi!”

Vài tên thân binh lên tiếng, tay chân lanh lẹ thay Trương Hoán đem một số văn thư quan trọng vào nội thất khóa kỹ, lại dập lư hương, búng tắt ngọn đèn rồi hộ tống hắn đi vào phía nội viện.

Phủ đệ của Trương Hoán rộng cả trăm khoảnh hết sức to lớn, tổng cộng chia làm bốn khu lớn là tiền trạch, hậu viện, phòng khách, quân doanh. Phòng khách chủ yếu là cho phụ tá của hắn như là đám người Lý Bí ở. Còn quân doanh chính là chỗ để năm trăm thân binh đến phiên trực mỗi ngày làm nơi dừng chân. Ngoài năm trăm binh lính bảo vệ bên trong thì ở ngoài phủ của hắn còn có một quân doanh lớn hơn nữa với ba nghìn người đóng quân để bảo vệ nghiêm ngặt cho an toàn của Trương Hoán cùng người nhà hắn. Nhất là hiện tại hắn có thân phận phi quân phi thần, còn trên thực tế đã là người thống trị tối cao của Đại Đường nên bảo vệ lại càng là nghiêm ngặt.

Thư phòng của hắn ở cách nội viện không xa, đi hơn mười bộ liền đến cạnh cửa nội viện. Ở chỗ này có hơn một trăm tên thân binh bảo vệ. Ai nấy đều thân khoác áo giáp, lưng đeo hoành đao, cung tên trên vai. Ánh mắt bọn họ lạnh lùng nhìn chăm chú vào tình hình chung quanh không bỏ qua bất cứ một điểm đáng ngờ nào. Mọi người thấy đô đốc đến đây thì lập tức đứng thẳng người thân thể để bày tỏ sự ngưỡng mộ.