Danh Gia Vọng Tộc

Chương 64




Dương Tùng Chi đột nhiên lên tiếng khiến mọi người quay hết sang nhìn, y ngồi đường hoàng ngay ngắn*, dáng lưng thẳng tắp, thần sắc nghiêm nghị, phong thái điềm tĩnh ung dung, cứ như thể câu hỏi ban nãy chỉ do hiếu kỳ nên mới thốt ra.

*Nguyên văn là cụm “Đại đao khoát phủ”, cụm từ dùng để miêu tả khí thế mãnh liệt của quân đội khi đương đầu với kẻ địch và cách làm việc dứt khoát quyết đoán. Cụm từ này có xuất xứ từ cụm từ dùng để chỉ dáng ngồi thẳng tắp đường hoàng của Dương Tùng Chi.

Theo lý mà nói, đây là việc nhà họ Diêu, chưa kể tới Dương Tùng Chi, ngay cả Trấn Quốc Công Dương Kiến có mặt tại đây cũng không thể tùy ý xen vào. Hôm nay Diêu gia xảy ra sự tình nhường này, đáng lẽ Dương Tùng Chi nên tỏ thái độ tôn trọng mà vờ như không biết, tránh đi chỗ khác, nhưng bởi chị em Cẩm Sắt vừa được phủ Trấn Quốc Công cứu giúp, hơn nữa lại được đích thân Dương Tùng Chi đưa trở về, thêm vào đó, Diêu thị không dám đắc tội với phủ Trấn Quốc Công, vì thế thấy Dương Tùng Chi không có ý định rời đi, tộc trưởng cũng chẳng dám mở miệng yêu cầu, cho nên cứ để y đứng ngoài quan sát từ đầu tới giờ.

Bỗng nhiên thấy Dương Tùng Chi lên tiếng, tộc trưởng chợt quay sang nhìn, y bỗng cảm thấy vị thế tử Trấn Quốc Công này sao bây giờ chẳng còn vẻ hòa nhã ân cần như lúc trước, ban nãy tuy cậu ta không tươi cười nhưng chí ít còn điềm đạm ôn hòa, ngược hẳn với vẻ mặt lạnh lùng nghiêm nghị như thể mặt Diêm Vương hiện giờ, dù cậu ta chẳng giận dữ nhưng toàn thân toát đầy vẻ oai nghiêm lạnh lùng. Tộc trưởng bất chợt ngẩn ra, y đoán Dương Tùng Chi đang tỏ thái độ bất bình vì phán xử bất công mà dòng họ dành cho chị em Cẩm Sắt, y bỗng nhiên nhớ tới ban nãy Dương Tùng Chi từng nói Cẩm Sắt có ơn cứu mạng Bình Nhạc Quận chúa, tức thì trong lòng vạn phần lo lắng. Có điều nói tới vấn đề gia sản Diêu Hồng để lại, dù y là tộc trưởng nhưng cũng chẳng muốn tư lợi, y sẵn lòng đứng về phía chị em Cẩm Sắt, chủ trì công lý. Bất luận thế nào, bởi thái độ hiện giờ của Dương Tùng Chi, y bỗng coi trọng chị em Cẩm Sắt thêm vài phần.

Y còn chưa đáp, Dương Tùng Chi liền tỏ ra ôn hòa đôi phần, tiếp tục cất tiếng: “Tộc trưởng chớ trách, ta chỉ thấy hơi lạ, theo quy tắc của gia tộc, khối gia sản này nên do dòng chính của mỗi chi đứng lên cùng kinh doanh, chờ tới lúc Văn Thanh trưởng thành sẽ giao lại cho em ấy mới phải, tại sao trong ba năm qua đều do một tay Diêu Ngô thị quản lý?”

Tộc trưởng thấy sắc mặt Dương Tùng Chi lại biến đổi thì thầm khẩn trương, y cất tiếng: “Thế tử không biết đấy thôi, năm đó hai đứa trẻ đưa linh cữu về, do linh đường* đặt tại nhà cũ, cho nên tất cả gia sản đều để tạm trong mấy căn khố phòng ở đây. Sau này do Diêu gia bận tranh chấp việc nuôi dưỡng với phủ Thượng Thư nên sự tình cứ náo loạn hết cả lên, vì thế chuyện gia sản đành tạm gác lại. Đợi đến khi hết thảy ổn định thì đã qua hơn nửa năm, các cửa hàng và điền trang đều do Đại phòng của Lễ Hách tiếp quản, vả lại luận thân sơ, Lễ Hách cũng có quan hệ gần gũi nhất với hai đứa nó, khối gia sản này do Đại phòng thay mặt quản lý cũng là chuyện đương nhiên, bởi vậy sau khi bàn bạc nhóm trưởng bối quyết định để Đại phòng của Lễ Hách quản lý khối gia sản này. Thật ra hàng năm chúng ta đều kiểm tra lại sổ sách, Diêu Ngô thị cũng không được tùy ý thay đổi quyền hạn của quản sự các cửa hàng và điền trang, cho nên tóm lại không hoàn toàn do một mình Ngô thị quản lý.”

*Linh đường: Là nơi để linh cữu, nơi để quan khách tới viếng.

Dương Tùng Chi gật đầu tỏ ý đã hiểu, sau đó tiếp lời: “Theo lý mà nói, ta là người ngoài, không tiện nhiều lời, nhưng Diêu tiểu thư có ơn cứu mạng chị gái ta, lúc đưa Diêu tiểu thư xuống núi, chị gái còn đặc biệt sai người dặn dò, nhất định phải tìm hiểu rõ ràng* chuyện Diêu tiểu thư bị người mưu hại. Bây giờ mặc dù sự tình đã sáng tỏ, nhưng gã sai vặt Lai Thăng này liệu có cấu kết với vị chủ nhân nào đó trong phủ hay không vẫn còn chưa rõ. Ta tuy là người thô lỗ, nhưng vẫn hiểu trong quy trình thẩm tra một vụ án, động cơ gây án là rất quan trọng. Nói hậu nhân** của Mã gia tới trả thù dù sao vẫn có phần khiên cưỡng, nhất là chuyện đã qua hơn mười năm, thật ra nếu chị em Diêu tiểu thư gặp chuyện, chỉ có những người được hưởng lợi trực tiếp từ việc này mới có nhiều khả năng là hung thủ.”

*Nguyên văn là cụm “Thủy lạc thạch xuất”, nghĩa là lúc nước rút thì sẽ hiện ra tảng đá. Cụm từ này nguyên gốc để chỉ một hiện tượng tự nhiên, sau này được dùng với nghĩa phơi bày chân tướng, tra ra manh mối, chân tướng sự việc.

**Nguyên văn là “Hậu nhân/Hậu sinh”: Người đời sau, thế hệ sau, con cháu.

Dương Tùng Chi nói vậy tựa hồ chỉ thiếu điều mắng thẳng vào mặt Diêu Lễ Hách và Ngô thị rằng họ chính là những kẻ bày mưu tính kế, sắc mặt hai người họ tức thì thoắt trắng thoắt hồng, Diêu Lễ Hách căn bản không dám mở miệng làm mất lòng Dương Tùng Chi. Y cũng sợ y càng tranh cãi kịch liệt thì Dương Tùng Chi sẽ càng ra mặt đòi lại công bằng cho chị em Cẩm Sắt. Trong nhất thời y ngồi thẳng đơ, nét mặt đầy gượng gạo.

Còn Ngô thị thì ban nãy bước vào đã thấy Dương Tùng Chi ngồi ở vị trí trên cao, nhưng nàng ta không biết thân phận của y nên vẫn âm thầm hoài nghi, đến khi Dương Tùng Chi cất tiếng, tộc trưởng gọi y là thế tử, Ngô thị mới chợt hiểu ra. Nàng ta vừa thấy khẩn trương vừa thấy buồn bực, khẩn trương bởi chị em Cẩm Sắt quả thực được phủ Trấn Quốc Công coi trọng, buồn bực bởi sự đố kị ghen ghét càng ngày càng lan tỏa. Nhưng dù khó chịu tới đâu, ngay cả lão gia nhà mình còn chẳng dám đắc tội, nàng ta sao dám đụng vào.

May mà Dương Tùng Chi chỉ nói một câu, sau đó vòng vo sang chuyện khác: “Ta nói như vậy bởi sợ dân chúng bên ngoài nghe chuyện sẽ có suy nghĩ như vậy. Thế chẳng phải oan cho Đại phòng của Diêu Đồng Tri quá hay sao? Theo ta thấy, chi bằng nhân dịp này xem kỹ lại khối gia sản, mang khế ước của các cửa hàng điền trang và các loại sổ sách giao lại cho mọi người trong tộc cùng quản lý, trước nhất để Đại phòng của Diêu Đồng Tri tránh khỏi hiềm nghi, đơm đặt lung tung*, hơn nữa cũng hợp với quy tắc lâu năm của các gia tộc, để người ngoài khỏi chê cười Diêu thị phá vỡ quy củ, tộc trưởng và Diêu đại nhân thấy có được chăng.”

*Nguyên văn là cụm “Thuyết tam đạo tứ”, nghĩa là “Nói ba thành bốn”, đây là thành ngữ miêu tả việc một người không làm tròn trách nhiệm, công việc của mình, cả ngày chỉ biết nghị luận bậy bạ, ăn không nói có, đơm đặt, đặt điều.

Dương Tùng Chi tỏ ra bận tâm tới thanh danh của Diêu Lễ Hách, nhưng ý tứ châm biếm mắng mỏ trong đó, ai cũng đều nhận thấy. Tuy ngoài mặt y hỏi xin ý kiến mọi người, nhưng trên thực tế ngữ khí càng giống kiểu ra lệnh hơn. Suy cho cùng hôm nay Diêu Lễ Hách yếu thế, tộc trưởng cũng không thể bênh vực, còn Diêu Lễ Hách và Ngô thị càng không dám mở miệng phản đối.

Diêu Lễ Hách ngay lập tức cung kính khom người, thốt đầy cảm kích: “Thế tử gia nói phải.”

Tộc trưởng gật gù nói: “Nếu Lễ Hách cũng ưng thuận, vậy hai ngày tới các chi phái quản sự sang đối chiếu lại sổ sách, sau đó chia nhau tiến hành quản lý. Tứ nha đầu cũng không còn nhỏ, hai năm sau là tới tuổi lấy chồng, nên bắt đầu học quản gia, quản lý sổ sách, chờ sắp xếp xong xuôi mọi việc, con hãy trông coi mấy cửa hàng đi.”

Hôm nay Cẩm Sắt vốn muốn đưa chuyện gia sản ra thảo luận, nhưng không ngờ nàng còn chưa cất tiếng, Dương Tùng Chi đã mở miệng thay. Nếu nàng đề xuất chuyện này, Ngô thị chắc chắn sẽ càng căm ghét nàng, sợ rằng dù nàng có ra vẻ vô tội tới đâu cũng sẽ bị Ngô thị lột trần, nhưng giờ có Dương Tùng Chi trợ giúp, Cẩm Sắt đương nhiên cảm kích vô cùng.

Nghe tộc trưởng nói vậy, nàng lập tức cung kính cúi người hành lễ, Ngô thị thì vừa tức vừa vội. Nàng ta còn chưa ngớt sững sờ thì lại nghe Dương Tùng Chi lên tiếng: “Năm xưa lúc đưa gia sản vào phủ chắc hẳn đều có sổ sách kèm theo, ta tin trong ba năm qua được Diêu phu nhân lao tâm tổn sức trông coi, các cửa hàng điền trang hẳn là ngày một phát triển, thu về vô số tiền tài.”

Ngô thị khó lòng đáp lại, sắc mặt thoắt đỏ thoắt tái, tộc trưởng gật đầu nói: “Đương nhiên có sổ sách đi kèm, năm xưa trong tộc có lưu một bản, chỗ hai đứa nhỏ cũng lưu một bản.”

Dương Tùng Chi mỉm cười, bưng trà lên nhấp, còn Cẩm Sắt thì nháy mắt ra hiệu với Văn Thanh, Văn Thanh bước lên rồi quỳ gối, cất giọng đầy biết ơn: “Thím là trưởng nữ họ Ngô của gia tộc thương nhân đại hộ, miền Tây có câu tục ngữ: “Nghìn vàng khó cầu Ngô thiếu nữ, một cô vào cửa hóa vạn kim”. Câu nói này nhằm khen ngợi thiếu nữ Ngô gia giỏi giang tháo vát, tinh thông quản gia buôn bán. Kỳ thực có thím quản lý gia sản, chị em con vô cùng yên tâm. Có điều bây giờ tộc trưởng ra lệnh chuyển cho mọi người cùng lo liệu, chị em con đương nhiên hết lòng nghe theo. Sự quan tâm săn sóc của dòng họ, chị em con khắc tạc trong lòng, không dám lãng quên, ông nội dạy dỗ con rằng làm người, điều quan trọng nhất chính là không được quên đi gốc gác, bởi vậy con suy đi nghĩ lại, quyết định rằng nếu có một ngày con chẳng may qua đời sớm như phụ thân, vậy khối gia sản này xin sung vào công quỹ của dòng họ, chia đều cho tất cả thân nhân có tên trong gia phả, coi như thể hiện tấm lòng con.”

Diêu Văn Thanh dứt lời, trong phòng tức thì không một tiếng vang, tất cả mọi người đều trợn tròn mắt khiếp hãi, dường như chưa thể hiểu nổi cậu vừa nói gì. Ban nãy lúc ở trên xe ngựa, Cẩm Sắt đã dặn Văn Thanh phải thề như vậy. Nếu đám người họ Diêu bất chấp thể diện, giữa thanh thiên bạch nhật dám thuê người sát hại chị em họ, vậy nàng cần gì phải niệm tình nghĩa, chi bằng lật bài ngửa, khiến sau này dù bọn họ có ra tay cũng phải kiêng dè.

Cẩm Sắt không lộ mảy may, nàng cũng mở to mắt, làm bộ khiếp sợ nhìn đăm đăm Văn Thanh, sau đó cuống quýt kêu to: “Mậu Nhi, em nói linh tinh gì vậy!”. Dứt lời đôi mắt chợt đỏ ửng, như thể khó lòng chấp nhận nổi, nước mắt giàn giụa, vội vã quỳ gối, nức nở thưa: “Em con trẻ người non dạ, nói năng chẳng để tâm, mong tộc trưởng và các vị chú bác đừng trách.”

Giờ phút này Ngô thị liên tiếp bị đả kích, sững sờ tới mức ngơ ngẩn thần hồn, nàng ta chỉ biết rằng đống của cải đồ sộ kia coi như đã hoàn toàn cách xa hẳn. Một khi đã giao lại tài sản cho người trong họ, nàng ta sẽ chẳng thể tùy tiện động vào, hơn nữa với tuyên bố của Văn Thanh, dù nàng ta có tìm cách hại chết thằng bé thì cũng chẳng kiếm được tí lợi lộc nào. Nếu chia đều cho những người có tên trong gia phả, vậy còn lại được mấy phần?! Chẳng bằng cứ tận tâm nuôi dưỡng chị em nó như trước, vậy nàng ta còn có thể kiếm lời từ chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Ngô thị tức giận không biết làm sao, còn nhóm trưởng bối nhìn điệu bộ chị em Cẩm Sắt quỳ gối mà trong lòng dâng nỗi hổ thẹn vô ngần, dẫu gì cũng chỉ là hai đứa trẻ, thế mà bị bức bách đến nỗi phải thốt lời nguyền rủa chính bản thân để bảo toàn tính mạng, người ngoài mà biết được chẳng hiểu sẽ đánh giá một nhà họ Diêu thế nào đây. Hơn nữa, đứa bé này xử sự như vậy, rõ ràng bởi vô cùng sợ hãi, hết cách mới phải dùng tới chiêu “rút củi dưới đáy nồi”, chẳng lẽ chuyện lần này quả thật do chi của Diêu Lễ Hách bày mưu? Nếu không tại sao đứa bé này phải thốt lời như thế!

Nhóm trưởng bối bất giác xúc động, hơn nữa thế tử Trấn Quốc Công còn đang ngồi ở đây, gương mặt già nua của tộc trưởng càng hiện vẻ xấu hổ, một lát sau y mới hít sâu một hơi, đích thân đứng dậy tới đỡ Cẩm Sắt lên rồi nói: “Các con đều là những đứa bé ngoan, yên tâm, trước kia chúng ta sơ sẩy, ít quan tâm để ý tới hai đứa, sau này sẽ không như vậy nữa…”

Cẩm Sắt nghe vậy, rồi nhận thấy ánh mắt lạnh lẽo của nhóm người Diêu Lễ Hách và Ngô thị chiếu sang, trong lòng chợt thấy trào phúng. Hôm nay chị em nàng đưa nhóm trưởng bối vào phủ, coi như đã làm mích lòng Ngô thị và Diêu Lễ Hách, ban nãy chuyện gia sản càng như đổ thêm dầu vào lửa, lời tuyên bố của Văn Thanh còn nhắm thẳng vào bọn họ, bức mặt nạ giấy xem như bị xé toang, sau này sẽ chỉ còn lại sự tử tế bề ngoài và đủ loại thủ đoạn đón chờ chị em nàng.

Cẩm Sắt cũng chẳng sợ sự căm hờn của bọn họ, bởi trước kia thay vì phải lo lắng đối phó với trăm phương ngàn kế, bây giờ làm ầm tới mức này, ngược lại chị em nàng càng có lợi, sau này Diêu Lễ Hách và Ngô thị dù có làm gì cũng đều phải lo lắng đắn đo tới ánh mắt của mọi người. Hơn nữa, như lời Văn Thanh nói, dù bọn họ mưu hại em ấy thành công hay không thì cũng chỉ chuốc lấy nhục nhã mà chẳng thu được gì. Rốt cuộc công sức, sự thận trọng của nàng trong những ngày qua đã được đền bù.

Sự việc chấm dứt tại đó, nhóm trưởng bối an ủi chị em Cẩm Sắt đôi câu, sau đó lần lượt được Diêu Lễ Hách đưa rời phủ, Dương Tùng Chi thì nán lại, y nói muốn tới Thư Huyên viện của Văn Thanh ngồi một lát.

Diêu Lễ Hách phải tiễn các vị trưởng bối, nên không thể tiếp đãi Dương Tùng Chi, y muốn sai con thứ Diêu Văn Kiệt thay mặt, nhưng lại bị Dương Tùng Chi khước từ, Diêu Lễ Hách đành phải để Cẩm Sắt và Văn Thanh đãi khách.

Hai chị em cùng Dương Tùng Chi rời phòng khách sang Thư Huyên viện, tới khu đất trống, khi thằng nhóc sai vặt khiêng Văn Thanh đi trước một quãng xa, Dương Tùng Chi mới cau mày nhìn Cẩm Sắt rồi lên tiếng: “Diêu gia cũng được coi là một thế gia vọng tộc, vậy mà chẳng ngờ gia phong* bại hoại tới vậy, nàng có từng nghĩ tới việc cùng Văn Thanh tới kinh thành sinh sống chưa?”

*Gia phong: Nề nếp gia đình.

Cẩm Sắt nghe vậy ngẩng đầu trông, thấy trong đôi mắt Dương Tùng Chi đượm vẻ lo âu và ân cần rõ rệt, thấp thoáng xen lẫn cả nét thương xót, nàng bất chợt nhoẻn cười đáp: “Thực ra tình cảnh của tiểu nữ giống hệt như ngài thấy đấy, chị em tiểu nữ chỉ là hai đứa trẻ không nơi nương tựa, được gửi nuôi trong họ, so với phủ Đồng Tri hưng thịnh như mặt trời ban trưa thì bên trọng bên khinh đã quá rõ ràng, huống chi để bảo toàn thanh danh họ Diêu, tộc trưởng và nhóm trưởng bối đương nhiên sẵn sàng bỏ qua chuyện này. Thế tử cũng không cần cảm thấy bất bình thay, tiểu nữ nhất định sẽ…” Cẩm Sắt vừa nói, đôi mắt vừa sáng rực lên, nhưng ánh mắt đầy vẻ lạnh lẽo, nàng tiếp lời: “Nhất định sẽ đòi lại hết món nợ này!”

Những hành động trong mấy ngày qua của nàng không thể qua mắt được Dương Tùng Chi, sợ rằng trong lòng y chắc cũng chẳng hề coi nàng là một thiếu nữ trang nhã, khoan dung độ lượng, bởi thế vừa dứt lời, thấy y tỏ ra kinh ngạc, nàng lập tức chớp chớp mắt, mỉm cười gian xảo nói: “Tiểu nữ là người hẹp hòi, có thù tất báo, sau này thế tử đừng nên chọc vào.”

Dương Tùng Chi trái lại chỉ mỉm cười, y cảm thấy nỗi thương xót ban nãy của mình có phần dư thừa, một thiếu nữ thông tuệ điềm đạm, không ngừng cố gắng nỗ lực, lại có tính cách cương quyết xen chút giảo hoạt, quả là tài ba hơn vô khối nam nhân trên đời, vốn cũng chẳng cần y thương xót và lo lắng thay.

Dương Tùng Chi nở nụ cười tự giễu, nhưng lại khiến người khác cảm thấy vô cùng hòa nhã, dưới ánh dương, gương mặt khôi ngô tuấn tú của y toát vẻ hào khí đậm chất thiếu niên, khiến người ngắm nhìn mà như trông thấy cảnh ánh nắng chiếu sáng vực sâu vạn trượng*, bầu trời quang đãng bao la**. Cẩm Sắt ngước nhìn y, nàng cũng nhoẻn miệng cười tươi, sau đó cúi người thi lễ rồi nói: “Có điều tiểu nữ vẫn phải cảm tạ thế tử đã tiễn tới tận đây, hơn nữa ban nãy còn mở lời giúp đỡ.”

*Trượng: Đơn vị đo chiều dài, 1 trượng bằng 10 thước.

**Nguyên văn là cụm từ “bầu trời vạn dặm không mây”.

Dương Tùng Chi cười cười, đưa tay ra trước mời nàng đứng dậy, coi như thừa nhận sự cảm tạ của nàng, sau đó y cất tiếng: “Tại sao năm xưa khi đang ở Giang Châu, Liêu tiên sinh bỗng nhiên về kinh lúc khuya khoắt, khiến cho nửa đường bị đám đạo tặc Cửu Vân Sơn sát hại?”

Trước kia đại cữu* Liêu Quân của Cẩm Sắt từng nhậm chức Trực giảng** của Thái học viện***, còn truyền thụ tri thức cho Dương Tùng Chi, bởi vậy Dương Tùng Chi mới gọi người là Liêu tiên sinh. Cẩm Sắt nghe y hỏi chuyện qua đời năm xưa của cậu thì hiểu ra y muốn làm người hòa giải, tháo gỡ khúc mắc giữa hai chị em và phủ Thượng Thư, nàng bỗng cảm thấy buồn bã, gượng cười đáp đầy nặng nề: “Năm xưa ông nội qua đời trên đường trở về Giang Châu, chị em tiểu nữ vô cùng đau khổ. Sau khi cậu tỏ ý muốn đưa chị em tiểu nữ trở về nhà ngoại ở kinh thành với họ hàng bên nội, người trong tộc hiển nhiên không đồng ý, vì thế thành ra tranh chấp, lúc đó cậu từng hỏi chị em tiểu nữ có muốn cùng cậu về kinh hay không, nhưng khi ấy trong lòng tiểu nữ lắm mối bận tâm phiền hà, chẳng nghĩ được gì, bởi vậy đáp rằng muốn chờ tới lúc an táng ông nội xong xuôi. Đâu ngờ tối đó, cậu đột nhiên rời phủ cùng đám hạ nhân. Chú thím chỉ giải thích với tiểu nữ rằng, vì gia tộc không đồng ý để chị em tiểu nữ về kinh, cho nên cậu mới tức giận, hơn nữa còn mang lòng oán trách chị em tiểu nữ một lòng với bên nội, không chịu theo cậu, bởi thế nên mới giận dữ bỏ đi, có điều tiểu nữ nhớ rất rõ, ban ngày mặc dù cậu không vui cho lắm, nhưng không hề tỏ ra tức tối, thậm chí còn an ủi chị em tiểu nữ rằng cậu sẽ ở lại tiễn đưa ông nội đến cùng, khuyên lơn chị em tiểu nữ không cần âu lo suy nghĩ. Ai ngờ đêm đó cậu mất mạng dưới tay đám đạo tặc tại Cửu Vân Sơn. Lúc đưa thi thể cậu về kinh, ngoại tổ mẫu**** bệnh không dậy nổi, cậu hai và cậu ba mang người tới Giang Châu làm loạn một trận, sau này có lẽ do ông bà ngoại vẫn còn cảm thấy phẫn nộ, nên đâm ra oán giận chị em tiểu nữ, thư từ lễ vật mà tiểu nữ gửi về kinh đều biệt tăm biệt tích*****, kể từ đó coi như cắt đứt liên lạc với nhà ngoại.”

*Đại cữu: Cậu (anh của mẹ/anh của vợ), cậu cả.

**Trực giảng: là một chức quan thời phong kiến, giữ trách nhiệm làm trợ giáo, phụ tá cho tiến sĩ, có quyền giảng dạy, truyền thụ kinh thư.

***Thái học viện: Là trường học với cấp học cao nhất thời phong kiến, bắt nguồn từ thời nhà Chu, phát triển mạnh từ thời nhà Hán – Hán Vũ Đế. Từ thời Nam Bắc triều Thái học viện còn được gọi là Quốc Tử Giám, nhưng trong Quốc Tử Giám có nhiều cấp học từ thấp tới cao, mà Thái học viện là một trong số đó.

****Ngoại tổ mẫu, ngoại tổ phụ: Bà ngoại, ông ngoại.

*****Nguyên văn là thành ngữ “Thạch trầm đại hải”, nghĩa là “đá chìm đáy biển”. Giải nghĩa: Ném một tảng đá xuống biển thì nó sẽ chìm xuống, khó mà tìm thấy. Cụm từ này dùng để ví việc mất liên lạc, mất tin tức, bỏ vốn đầu tư nhưng không thành công/thua lỗ, có nguồn gốc từ tác phẩm Tây Sương Ký của Vương Thực Phủ. Có nghĩa tương đương với cụm từ “Biệt tăm biệt tích”.

Cẩm Sắt dứt lời, sắc mặt Dương Tùng Chi bỗng đanh lại, mặc dù y cảm thấy trong chuyện này có nhiều uẩn khúc, nhưng dù sao đã qua ba năm, lại là chuyện nhà người khác, y cũng không thể nói năng tùy tiện, y đành mím chặt môi, chiếc cằm cương nghị toát đầy vẻ sắc nhọn.

Cẩm Sắt liếc nhìn y, sau đó cất lời: “Ngài cũng thấy sự tình xảy ra trùng hợp quá ư… Ôi, chỉ trách năm ấy tiểu nữ trẻ người non dạ, bây giờ dù muốn tìm hiểu cũng muôn vàn khó khăn.”

Dương Tùng Chi nghe vậy hít sâu một hơi, lòng tràn ngập suy nghĩ, nhưng y không nhiều lời nữa, chỉ nói: “Nếu nàng muốn gửi thư về kinh thành, ta sẵn lòng giúp nàng chạy một chuyến.”

Biết Dương Tùng Chi cố ý làm dịu cảm giác nặng nề, Cẩm Sắt đương nhiên vui vẻ hùa theo, nàng nhướng mày nhìn y từ trên xuống dưới, sau đó cất tiếng: “Vị thiếu gia này khí độ bất phàm, phú quý toàn thân, làm chân chạy việc thì phí của trời* quá, chi bằng làm sư phụ dạy võ cho em trai tiểu nữ thì thích hợp hơn. Chờ tới lúc chị em tiểu nữ hồi kinh, mong thế tử vui lòng dạy dỗ thuật cưỡi ngựa bắn cung cho Văn Thanh.”

*Nguyên văn là “Bạo điễn thiên vật”, bạo là làm tổn hại, lãng phí; điễn: diệt sạch; thiên vật chỉ của trời, sinh vật tự nhiên, thiên nhiên. Cụm từ này dùng để chỉ sự tổn hại, tàn phá tới các sinh vật tự nhiên và sự lãng phí tài vật, tiêu xài hoang phí. Cụm từ có nghĩa tương đương là “tàn phá môi sinh”, “phí của trời”.

Nghe Cẩm Sắt nói vậy, Dương Tùng Chi liền biết nàng ắt hẳn đã có đối sách, cũng quyết tâm rời khỏi Diêu gia trở về kinh thành, y nghĩ tới việc chẳng bao lâu nữa sẽ được gặp gỡ nàng thường xuyên, nghĩ tới việc nàng lớn lên dưới tầm mắt y, hơn nữa bị Cẩm Sắt dõi đôi mắt sáng từ trên xuống dưới như vậy, trái tim y bất chợt giật thót, sau đó đập dồn dập như trống bỏi. Y vội vã nhìn qua chỗ khác, ánh mắt dán chặt vào chóp cây thông xanh tươi lấp lánh ánh dương, rồi nở nụ cười đáp: “Ta rất quý Văn Thanh, rất mong chờ và sẵn lòng giúp đỡ.”

Hai người vừa nói chuyện vừa tới cửa thùy hoa, Cẩm Sắt bước vào sâu trong là tới Y Huyền viện, còn Thư Huyên viện của Văn Thanh lại ở phía trước, gã sai vặt của Văn Thanh đang đứng chờ cách đó một quãng, Cẩm Sắt điềm nhiên cúi người hành lễ với Dương Tùng Chi rồi nói: “Tiểu nữ không tiễn thế tử nữa, hôm nay đã làm phiền tới xa giá của Quận chúa, mong thế tử thay tiểu nữ tạ ơn Vân tỷ tỷ.”

Dương Tùng Chi thấy đám bà vú gác cổng ló đầu thăm dò sang bên này thì không tiện nhiều lời thêm, y gật đầu đáp ứng, sau đó trở gót bước nhanh. Cẩm Sắt mang theo nhóm người Liễu ma ma vào trong, ai ngờ nàng vừa vòng qua ảnh bích* thì bỗng thấy Diêu Cẩm Ngọc đứng gần hòn non bộ với vẻ mặt căm giận, đương lạnh lùng nhìn chằm chằm nàng, bộ dạng như thể muốn bổ nhào tới ăn tươi nuốt sống.

*Ảnh bích: Là bức tường phù điêu được xây để làm bình phong ở cổng, còn có tên gọi là bức bình phong, bức tường, trong kiến trúc cổ truyền Trung Quốc dùng để che chắn tầm nhìn. Trước kia nhân dân cho rằng trong nhà thường có quỷ tới chơi. Nếu như là hồn phách của tổ tiên về thăm nhà thì mang nghĩa tích cực, nhưng nếu để cô hồn dã quỷ bước vào nhà thì sẽ mang tới tai họa. Nếu có bức tường phù điêu ở cổng, quỷ nhìn thấy cái bóng của chính nó, sẽ bị sợ hãi mà đi mất. Hơn thế nữa, bức tường phù điêu còn có công dụng che chắn tầm mắt của người ngoài, dù có mở rộng cổng chính cũng không ai nhìn rõ nội viện bên trong. Bức tường phù điêu còn có thể làm vật trang trí, tăng khí thế cho căn nhà.

Bức tường phù điêu có thể được xây ở khu cửa chính, khu cửa phụ của căn nhà, có hình chữ nhất (一), hoặc hình chữ bát (八), mái giống nóc nhà, hình tứ giác, xây bằng gạch, kết cấu ba phần đế, thân, đỉnh. Ở giữa bức tường được chạm khắc nhiều hoa văn cát tường, hoặc các chữ mang lại điềm lành như Phúc Thọ. (Edit theo wiki, baidu)

Cẩm Sắt thản nhiên như thường, trong lòng khẽ dâng niềm trào phúng, xem ra cô chị gái tốt đẹp của nàng đã nghe được chuyện xảy ra ở phòng khách, nàng đây cũng chẳng muốn diễn vở tình chị em thắm thiết ngấy chết người với nàng ta nữa đâu.