Sau khi Kỳ Anh mất Tích Nhân thương nhớ không nguôi, tất cả những hình ảnh của nàng, dù lức Kỳ Anh cả người lông lá không khác khỉ vượn, đến khi trở về với hình dạng thực sự trông như mới trên hai mươi xinh đẹp tuyệt trần, Tích Nhân đều thấy thân thương yêu quí vô cùng. Hắn không muốn rời bỏ nơi nhiều kỷ niệm này, nên vẫn tiếp tục ở lại và vâng lời Kỳ Anh hàng ngày nghiên cứu thêm kiếm chiêu, quyền pháp từ những bí lục nàng lưu lại. Mấy tháng sau, Tích Nhân thấy rằng đi đâu ở đâu hắn cũng không thể quên Kỳ Anh, như vậy tại sao phải ở mãi trong đáy vực? Hắn có những bổn phận mà người mẹ hiền trước khi chết trông cậy. Hắn cũng phải làm những gì mà Kỳ Anh đã mong mỏi ở hắn trước khi mất nữa chứ? Vào một buổi chiều, Tích Nhân nói lời giã biệt bạch ưng, con vật như cũng hiểu ý, sáng hôm sau nó không rời thung lũng sớm như thường lệ. Khi hắn vào thạch động đẩy hòn đá to lấy Phượng hoàng ngọc lệnh, và ít châu ngọc phòng thân, đu dây lên vực đá, bạch ưng bay theo vần vũ trên đầu. Vì không biết đang ở đâu, nhưng nhớ trước đây Kỳ Anh đưa đi hướng tây bắc, bây giờ Tích Nhân xuống núi nhắm hướng đông nam, bạch ưng lại đáp xuống cắn áo hắn. Mấy lần như vậy, Tích Nhân hỏi:
- Phải chăng tiểu ưng muốn đưa ta đi đâu? Nếu vậy cứ bay thấp dẫn đường.
Bạch ưng đảo một vòng rồi là nhắm hướng nam bay đi. Tích Nhân chạy theo. Đây là vùng núi cao chớn chở, sườn núi có khi thẳng đứng, liên tiếp chập chùng. Chim ưng bay trên không, nhưng Tích Nhân đi dưới đất, dù khinh công có thể phi qua bờ bụi, phóng qua gộp đá, nhưng lên xuống một ngọn núi cũng mất khá lâu. Bạch ưng tiếp tục vần vũ chờ hắn. Mãi đến chiều đến một thung lũng nhỏ, cỏ xanh mơn mởn, suối chảy róc rách, thông reo, én liệng, hươu nai từng bầy, cảnh sắc rất đẹp. Bạch ưng bay lên một ngọn đồi, Tích Nhân chạy lên theo, thấy đỉnh đồi bằng phẳng, ở giữa đỉnh có một gian nhà gỗ nhỏ đã hoang tàn, dây leo che phủ. Bạch ưng đậu trên mái nhà. Tích Nhân xô cánh cửa, và chờ đợi giây lát cho mùi xú uế bay tản mới bước vào. Aùnh sáng lờ mờ trong căn nhà cho Tích Nhân thấy trong nhà nhện giăng kín, trên chiếc bàn gỗ đóng kín bốn phía như cái tủ ở giữa nhà để một cái hộp đen dài. Bên trong, sát vách, trên bộ ván một cụ già mặc bạch bào đang ngồi nhắm mắt theo tư thế tọa thiền, ngoài ra không có gì cả.
Tích Nhân cung kính vòng tay:
- Xin kính chào tiền bối.
Cụ già không lên tiếng. Tích Nhân chào lần thứ hai cụ già cũng không trả lời. Nhìn nhện giăng khắp nơi, lắng nghe cụ già không có hơi thở. Tích Nhân biết cụ già có lẽ là chủ nhân của bạch ưng và đã chết từ lâu. Với bạch ưng, mấy tháng nay Tích Nhân xem nó không khác gì bạn của mình nên nên quỳ gối dập đầu cung kính:
- Không biết tiền bối đã qui tiên, mở cửa xúc phạm làm động đến di thể xin tiền bối tha thứ.
Tích Nhân lạy đến lạy thứ ba, những tiếng lè xè bỗng vang lên, chiếc hộp đen trên bàn di chuyển từ từ lên cao, và phía dưới một cái hộp đen khác được nâng lên, và chiếc hộp đen chợt bị đẩy nhanh ra ngoài, gần mép bàn. Trên đầu hộp có mảnh giấy nhỏ: “ Hài tử! Hộp này tặng ngươi”.
Tích Nhân nâng chiếc hộp lên thấy nhẹ nhàng, mở ra xem, bên trong có chiếc áo đen đệt bằng một thứ tơ đặc biệt, rờ tay lên thấy mát lạnh, một hạt châu, một cây trủy thủ đen nặng chình chịch, một quyển sách dày với một phong thư:
“Ta là Trương Thái Thanh, giáo chủ đời thứ mười hai Ngũ độc giáo. Ngũ độc giáo nổi tiếng giang hồ, nhưng chuyên dùng độc, còn võ công chân chính thì thua xa các võ phái ở Trung Nguyên. Ta rất khó chịu vì việc này, vì thế để công tìm tòi mong sáng chế cho Ngũ độc giáo một môn võ công đặc biệt. Một hôm dạo chơi ở hồ Động đình ta thấy giống chim ưng bay liệng bắt cá, thân pháp, móng vuốt kỳ ảo vô cùng. Chim ưng đã thu hút ta, vì thế sau đó cho người tìm chim ưng đem về nuôi, tập luyện cho thân quen, rồi hàng ngày nghiên cứu thân pháp của chúng. Ta say mê nghiên cứu võ công từ chim ưng, không muốn bị ai quấy nhiễu nên ở riêng một mình, quên hết công việc của Ngũ độc giáo và người vợ trẻ, kém hơn ta gần ba chục tuổi và mới có đứa con thôi nôi. Sau năm năm ta sáng chế được một bộ trảo pháp đặt tên là thiên ưng trảo, và một bộ khinh công đặt tên Thiên ưng phi đằng. Ta vui mừng từ nơi ẩn cư trở về Ngũ độc giáo để khoe với Tần Giáng Tiên, vợ ta và mọi người. Ta dùng khinh công thiên ưng phi đằng trở về trong đêm, khinh công của ta đã qua tất cả những trạm canh mà cao thủ bản giáo không ai phát giác được. Hỡi ôi! Vì thế mà ta chứng kiến cảnh đau lòng. Giáng Tiên mà ta tưởng đang chờ mong, sẽ bất ngờ vui mừng ngày trùng phùng và sự thành tựu của ta, thì nàng đang trong vòng tay sư đệ ta. Ta muốn giết chúng, nhưng nghĩ lại ta đã bỏ đi quá lâu, ta cũng có lỗi và chắc chắn đứa con gái của ta sau này biết ta giết mẹ nó cũng sẽ vô cùng đau khổ. Vì thế, ta đã âm thầm ra đi. Ta đến chỗ này, thấy cảnh sắc rất đẹp nên quyết định ẩn cư và thề không bao giờ trở về Trung nguyên nữa. Hơn mười năm, để quên đời, ta chú tâm nghiền ngẫm võ công, lại thấy thiên nhiên là thầy dạy võ công siêu việt nhất trên đời. Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của gió bão, gió bão có thể xô ngã cây to, cành lớn, nhưng không thể làm ngã cộng cỏ non. Không có sức mạnh nào như thác, nhưng thác không làm sứt mẻ bờ đá. Không có gì cứng như đá, nhưng đá lại bị nước xoi mòn..Cái lý nhu cương thật khó lường, cương có thể thắng nhu nhưng nhu cũng có thể thắng cương. Ta cũng nghiền ngẫm, đối chiếu võ công của các môn phái, từ quyền chưởng đến binh khí ta lại thấy hoa dạng, rườm rà có khác nhau, nhưng rút lại thì căn bản cương hay nhu cũng giống nhau. Chiêu thức càng bỏ bớt huê dạng càng là chiêu thức độc đáo. Thiên ưng trảo của ta sáng chế từ bảy mươi hai đường, dần dần rút xuống, và cuối cùng ta thấy rằng nếu tâm ta thanh tĩnh, đứng trước kẻ thù dữ coi như trẻ con, trước gió lớn không ngại, trước lửa dữ không màng, chiêu thức tùy tâm mà phát, tùy cương, tùy nhu, ra chiêu mà vô chiêu, hữu thức mà vô thức, tùy ý, tùy tâm mới là tuyệt chiêu, tuyệt thức, bất bại trước mọi địch thủ. Ta nghiền ngẫm và giác ngộ đến đây, thì ta cũng biết ngày giờ tọa hóa đã đến, viết thư này cho kẻ hữu duyên. Quyển sách để lại, tất cả là hình vẽ. Ta vẽ từ bảy hai đường thiên ưng trảo lúc ban đầu và cuối cùng đi đến một tư thế duy nhất tùy ngươi lấy đó mà suy gẫm. Chút máy móc để lại chỉ để thử xem ngươi là người có đức độ hay không mà thôi. Chiếc áo kim ty thiên tầm có thể hộ mạng vì đao kiếm tầm thường không thể làm rách. Hạt châu là hùng hoàng châu, người mang nó có thể tỵ bách độc. Cây ngũ độc thần trủy thân năm sắc, chém sắt như chém bùn, đã tẩm hàng trăm chất độc khác nhau và ta đã trừ bỏ hết chất độc trên đó. Ba vật này đều là bảo vật trấn sơn của Ngũ độc giáo. Sau này nếu ngươi gặp con gái ta, thấy nó là người có thể giáo hóa, giác ngộ, có thể cải biến Ngũ độc giáo từ một tổ chức tội ác thành một tập thể hành thiện, thì truyền giùm võ nghệ của ta cho nó, nói cho nó biết tại sao ta ra đi, giao ba bảo vật cho nó, và giúp nó thực hiện tâm ý của người cha chưa bao giờ thấy mặt. Nếu con ta không phải là người có thể làm việc này, hay quá ác độc thì ngươi hãy dùng tam bảo và võ công của ta giải tán Ngũ độc thần giáo. Sau khi ngươi lấy hộp này hãy dùng lửa hỏa thiêu căn nhà và thân xác của ta.”
Tích Nhân đọc lá thư di lưu của Trương Thái Thanh, cúi lạy ông ba lạy:
- Vãn bối đã có duyên gặp gỡ, nguyện sẽ làm theo những gì mà tiền bối căn dặn.
Cất những vật được tặng, ra ngoài, Tích Nhân vận công lực thành lửa đốt căn nhà gỗ. Khi ngọn lửa đang bốc cháy mạnh, bạch ưng đang bay vần vũ trên trời kêu một tiếng bi ai, rồi đâm đầu xuống như sao sa. Tích Nhân không ngờ bạch ưng thông linh và trung thành với chủ như vậy, thương tiếc vô cùng.
Rời đỉnh đồi xuống bờ suối, Tích Nhân hái ít trái rừng ăn đỡ đói, lấy chiếc áo thiên ty mặc thử rất vừa vặn với mình và thấy trời đã tối bèn đốt lửa đem sách Trương thái Thanh lưu lại lật xem.
Hình vẽ và bị chú của tập bí kíp hấp dẫn ngay Tích Nhân. Hắn vừa cầm sách vừa luyện thử. Hôm sau, tiếp tục tập luyện theo bộ bí kíp, khi đã thuần thục chưởng pháp và khinh thân Phi ưng, hắn lại nghiền ngẫm đến những lời Thái Thanh về sức mạnh thiên nhiên, lý lẽ cương nhu trong trời đất. Vốn đã học qua rất nhiều thứ võ công từ những bí lục của Kỳ Anh và Đằng tiên bí kíp của mình, Tích Nhân hàng ngày ngồi yên, hay phân tích tìm ra chỗ hay chỗ dở của các môn võ, trong mấy tháng có nhiều ngày Tích Nhân quên ăn quên ngủ, có khi trời mưa như trút vẫn ngồi bất động, nhưng cũng chỉ nhận thấy được những chỗ cao siêu, những chỗ rườm rà của các thứ võ công mà không thể nào thấu đạt đến trình độ vô chiêu, vô thức. Một hôm Tích Nhân nghĩ rằng đây cũng chỉ là chỗ mà Trương thái Thanh suy nghĩ mà thôi, chưa hẳn ông ta đã làm được trong mười năm nghiên cứu, thì hắn cũng không thể nào ở mãi giữa chốn núi rừng này. Sau khi nghĩ như vậy, Tích Nhân vái lạy nơi hỏa thiêu di thể Trương Thái Thanh, rời thung lũng. Với khinh công thiên ưng phi đằng, Tích Nhân thấy lên núi, xuống núi dễ dàng hơn, có thể để thân hình rơi từ vài ba trượng trên cao xuống bên dưới, cho dù ở giữa vách đá cheo leo cũng có thể lấy lại thăng bằng dễ dàng. Vừa đi, vừa ngắm đồi núi mênh mông, vừa thực tập thiên ưng phi đằng, chiều hôm ấy, khi băng qua một dãy núi cao, Tích Nhân nhìn xuống phía trước mặt thấy một bản làng, khoảng vài chục căn nhà sàn. Mấy năm côi cút một thân một mình trong rừng núi, gặp bản làng đầu tiên, nhìn thấy những căn nhà, từ các mái tranh nâu những làn khói lam toả lan ôm ấp, Tích Nhân cảm thấy như đang được hít thở một thứ sinh khí kỳ diệu của cuộc sống, của con người, và cảm thấy thèm được tiếp xúc, được nghe tiếng nói người khác, và cũng thèm một chén cơm, một chén trà nóng vô cùng. Hơn nữa, nghĩ mình cũng cần phải hỏi thăm đường để biết đang ở đâu, Tích Nhân dùng khinh công xuống núi, tiến vào bản. Đây là một bản nhỏ nằm trong một vùng thung lũng núi non bao bọc, dù mùa đông cảnh sắc xinh đẹp lạ thường. Những căn nhà sàn lợp tranh, nằm e ấp dọc theo sườn núi thông trúc xanh rì. Chạy quanh chân núi là con suối nhỏ, rải rác có những chiếc cầu gỗ bắc ngang. Giữa thung lũng là một hồ nước độ vài mẫu, lấp lánh như gương. Bên bờ cỏ xanh mướt, trâu bò, lừa, ngựa thung dung gặm cỏ. Năm ba đứa nhỏ chạy đuổi nô đùa. Xuống đến chân núi, Tích Nhân phải băng qua một cánh đồng cỏ mới đến được phía bản làng. Có lẽ thân thể cao to của hắn nổi bật lên giữa cánh đồng, được những đứa trẻ nô đùa chú ý, chúng chạy vội về nhà, vừa chạy vừa la, và phút chốc tiếng cồng, tiếng trống vang lên dồn dập. Khi Tích Nhân đến gần bờ suối, từ trong những căn nhà, đàn ông, đàn bà, kẻ vác gậy, người cầm liêm ba, đủ loại vũ khí túa ra như sắp lâm trận. Tích Nhân ngạc nhiên vì từ lâu cũng biết các sắc dân miền núi rất hiếu khách, không hiểu tại sao mình mới đến nơi họ lại hung hăng như vậy?
Người dân trong bản túa ra, nhảy qua suối, bao lấy hắn thành một vòng tròn, Tích Nhân cung tay:
- Tại hạ mới đến đây chẳng hay đã đắc tội gì với quý vị?
Đám đông bật lên nhiều tiếng la mắng:
- Ngươi là đồng bọn của lũ giết người..!!
Trong lúc mọi người ồn ào, thì có tiếng đằng hắn, từ phía sau mọi người rẽ ra, nhường chỗ cho một cụ già độ bảy tám chục tuổi, một cô gái, và một thiếu niên bước vào. Cụ già thân hình to cao, ba chòm râu bạc trắng làm nổi bậc khuôn mặt ngâm đen, rắn rỏi, cặp mắt sáng quắc. Oâng cụ cầm trên tay một cây trường côn. Cô gái đi bên trái độ mười bảy mười tám, gọn ghẽ trong bộ võ phục màu xanh, đội khăn đen. Bộ võ phục ôm gọn vóc dáng cân đối, Chiếc khăn đen làm nổi bậc làn da trắng nuốt, và đôi mắt to đen, xinh đẹp tuyệt vời. Có lẽ ngoài Trần Kỳ Anh, Tích Nhân chưa gặp cô gái nào xinh đẹp như cô ta. Cô gái tay cầm kiếm. Thiếu niên như cụ già cầm một cây côn. Thiếu niên trông rất phương phi, mày thanh mắt sáng.
Tích Nhân nghĩ cụ già có lẽ là bản trưởng nên lại vòng tay:
- Vãn bối là Lê Tích Nhân, tình cờ đi ngang qua đây muốn xin nhờ bữa cơm chiều và hỏi thăm đường, không hiểu có sự hiểu lầm nào mà mọi người xem vãn bối như kẻ tử thù?
Oâng lão chăm chú nhìn Tích Nhân, hỏi:
- Ngươi từ đâu đến?
Tích Nhân làm sao biết mình ở địa phương nào nên chỉ lấy tay chỉ:
- Từ phía tây bắc tới.
Oâng lão tức giận:
- Đúng là đồ nghiệt súc, dám rỡn mặt với ta!
Dứt lời cây côn trong tay lão bủa tới, kình lực rất mạnh. Theo kình lực của ông lão, Tích Nhân nghĩ những cao thủ mà hắn đã gặp như Lý đại Hùng, thiên thủ tam kiếm chưa phải là đối thủ của ông ta.
Thấy ông lão chưa chi đã dở chiêu đoạt mạng, và cũng muốn biết võ công của mình học hôm nay tới đâu, Tích Nhân đứng một chỗ, hai bàn chân không di động, theo đường côn đoán ra thế thức mà ngã người ra sau, chồm tới trước, lách qua tả hay hữu để tránh né. Đánh ra mấy chiêu, đều là những tuyệt chiêu của mình mà thấy đối thủ chỉ thung dung lách người tránh thoát trong đường tơ kẻ tóc, biết gặp người chẳng phải tầm thường, ông lão nhảy thối lui, giọng dè dặt:
- Xin cho biết tôn tính đại danh. Đến đây vì việc gì?
Tích Nhân thấy ông lão ra tay không nhân nhượng, nhưng mặt không có vẻ tà ác, nên lại cung tay:
- Thật tình vãn bối chỉ tình cờ qua đây. Vì đã mấy năm theo đại tỷ học võ trong lòng núi, không biết nơi đó là đâu nên không thể trả lời câu hỏi của tiền bối mà thôi.
- Các hạ võ công cao cường, hẳn đại tỷ là nhân vật danh vang bốn biển.
Tích Nhân thở dài:
- Đại tỷ Trần Kỳ Anh chẳng phải là người Đại Việt, mà vốn là bang chủ Phượng hoàng bang ở trung nguyên.
Oâng lão cau mày:
- Đã là người võ lâm ở vùng biên giới, không nghe biết tình hình võ lâm bên nước Minh ra sao, chẳng hóa kiến thức quá ư kém cỏi? Lão phu nghe Phượng hoàng bang đã lâu không còn hoạt động. Phượng hoàng tiên tử tuyệt tích giang hồ, chẳng lẽ mười mấy năm qua bà ta chỉ lo dạy dỗ cho thiếu hiệp?
Tích Nhân:
- Vãn bối có nhiều việc khổ tâm không thể nói rõ hành tung đại tỷ tỷ xin tiền bối thứ lỗi.
Khi trả lời cho ông lão, Tích Nhân nghe từ xa có tiếng chân ngựa phi nước đại. Oâng lão cũng nghe thấy đưa mục quan về đầu đường. Giây lát sau sườn núi năm con ngựa xuất hiện phi tới như bay và dần dần thấy rõ năm tay kỵ mã. Người đi đầu độ năm mươi cởi con ngựa ô, đầu đội khăn dày, thân thể cao to, hai huyệt thái dương gò cao, mặt núng nính thịt, tay cầm đại đao . Kế lão, một mụ đàn bà độ bốn mươi, mặt mày son phấn lòe loẹt, cỡi ngựa hồng, đeo kiếm; một thanh niên mập mạp to lớn cầm đao, cởi ngựa hồng, độ hai chục tuổi. Hai người kia, một cởi cỡi ngựa hồng, một cỡi ngựa bạch. Người cỡi ngựa bạch mặc võ phục xanh đeo kiếm, bao kiếm có tua vải hồng bay phất phơ, độ bốn chục tuổi. Người cỡi ngựa hồng tay cầm thương, Tích Nhân không ngờ gặp lại trong lúc này, đó là Tôn Cường, ngũ tỷ phu của Hoàng Thu Hà.
Đến nơi, lão to lớn nhảy xuống ngựa:
- Không thông báo trước, đường đột tới Vân trung xin Nùng thúc thúc tha tội.
Oâng già tức giận:
- Ma vạn Lý! Ngươi đã để thuộc hạ đến đây giết kẻ vô tội, cướp lấy lừa ngựa, còn dám vác mặt tới, thật chẳng coi Nùng bản Thanh ta ra gì!
Ma vạn Lý vòng tay:
- Thứ lỗi, thứ lỗi, biết nghiệt tử ở nhà đã gây nên tội, nên tiểu điệt vội vàng đem hắn đến đây xin lỗi Nùng thúc thúc. Nghiệt tử sở dĩ hồ đồ cũng vì Tiên Nhi quá vô tình với nó. Chuyện con nít giận hờn gây nên hiểu lầm, tiểu điệt đến đây định thương lượng để đền bù thiệt hại cho Vân trung cốc.
Oâng lão cười gằn:
- Hay lắm! Nếu Ma động chủ có hảo ý để giữ hòa khí giữa chúng ta, mấy chục con ngựa hãy đem đến hoàn trả. Còn tính mạng Nùng tam và Nùng ngũ, thì cắt đầu Ma vạn Hùng đền mạng. Nếu được như vậy thì lão phu không còn lời gì để nói.
Người thanh niên lớn tiếng:
- Thật là hồ đồ!
Ma vạn Lý quát:
- Hùng nhi không được vô lễ!
Oâng ta vòng tay:
- Lúc Nùng Thừa Vũ hiền đệ còn sống ngoài tình láng giềng còn coi vãn bối không khác gì anh em và đã có lần hứa gã Tiên Nhi cho Hùng nhi. Vãn bối chỉ có Hùng nhi là con trai, mẹ nó quá nuông chiều thành ra ngỗ nghịch, nhưng nó cũng không đến nỗi nào. Nếu thúc thúc xét lại, không cự tuyệt cuộc hôn nhân, thì Hùng nhi nhất định sẽ ăn năn và trở nên người tốt mà Vân trung cốc và Bách nhạn động cũng vì thế mà đời sống hòa bình, nương tựa lẫn nhau.
Oâng lão xua tay:
- Giang sơn dị cải, bản tính nan di. Một tên hung tàn như gã bao giờ trở thành người tốt được? Ta có thay đổi ý kiến, Tiên Nhi cũng không bao giờ lấy gã.
Mụ đàn bà cười lanh lãnh:
- Hùng nhi là tiểu chủ Bách nhạn động muốn lấy ai lại không được? Nể tình Nùng lão dù sao cũng là gia gia của Thừa Vũ nên mấy lượt đem sính lễ đến xin cưới bị từ chối, Bách nhạn động vẫn nhẫn nhịn. Hôm nay, chúng tôi đến đây muốn có một lời dứt khoát, Nùng lão có chịu giữ lời hứa của Thừa Vũ, cho Tiên Nhi về làm dâu nhà họ Ma hay không?
Nùng bản Thanh, quắc mắt:
- Ta cự tuyệt thì sao?
Người đàn ông đeo kiếm, khoát tay, ngăn không cho Ma phu nhân trả lời, chậm rải từng tiếng:
- Mã đại ca và đại tẩu muốn hai nhà trở thành sui gia là điều rất tốt sao Nùng tôn ông từ chối? Theo tại hạ, tôn ông không những gã cháu gái cho thiếu động chủ, mà cũng nên đem Vân trung cốc đặt dưới sự lãnh đạo của thiếu động chủ. Như vậy, mới còn đất sống! Vân trung cốc, kể từ khi Nùng thừa Vũ phu phụ bị tay sai của Hồ quý Ly tàn hại, Nùng tôn ông lại đóng cửa từ khách, không tiếp xúc với giang hồ, không lo trả thù đã làm cho võ lâm khắp vùng biên giới coi thường. Võ lâm trọng nhất là tín nghĩa, việc tôn ông từ hôn làm cho võ lâm càng thêm thất vọng. Chính vì thất vọng với Vân trung cốc, mà Trần mỗ cũng phải đến đây để giúp Ma đại ca lấy lại công đạo.
Tôn Cường tiếp lời gã này:
- Nhìn cây thương trong tay mỗ, tôn ông biết tại hạ từ đâu tới. Hoàng sư phụ và tất cả Thần thương trang quyết định ủng hộ Bách nhạn động.
Oâng lão Nùng bản Thanh cả cười, tiếng cười ngạo nghễ và chua chát:
- Lão Hoàng Mật từ lâu muốn lãnh đạo dân tộc Nùng, định mượn dịp trừ cái gai Nùng bản Thanh ta chứ gì? Hà! nhưng lão có đích thân đến đây cũng dễ đã thắng nổi cây côn trong tay ta huống chi là cái thứ như ngươi!
Oâng ta chỉ người cầm kiếm:
- Còn ngươi, phải chăng có chút ít tên tuổi là Thanh hồng kiếm khách, Trần Ngải, võ sĩ của Phạm sư Oân năm xưa? Ta tiếc cho ngươi cũng có chút công lực, nhưng hết theo phản tặc nay lại giúp cho ma quỷ! Các ngươi tưởng theo Ma vạn Lý kéo đến đây có thể làm ta sợ sệt mà gã cháu ta cho tên ngợm Vạn Hùng hay sao?
Ma phu nhân gằn từng tiếng:
- Hôm nay Bách nhạn động không lấy lại công đạo, không rời khỏi Vân trung cốc. Tín nghĩa võ lâm phải lấy võ công giải quyết. Trước hết ta phải bắt con nhãi Tiên Nhi về cho Vạn Hùng, xem thử sau khi ván đã đóng thuyền nó có còn làm cao nữa hay không?
Ma phu nhân vừa chưởi rủa vừa tuốt kiếm phóng tới Nùng Tiên Nhi. Nùng bản Thanh đưa trường côn cản lại, nhưng Ma vạn Lý cũng đã theo liền với vợ, cây đao dài tung ngay một chiêu cực kỳ mãnh liệt. Tiên Nhi và cậu thanh niên, người cử côn, người cầm kiếm xông ra. Ma vạn Hùng cũng cầm đao xông lên. Giây lát, họ chia ra ba cặp, Ma vạn Lý đánh với Nùng bản Thanh, Ma phu nhân đánh với Nùng Tiên Nhi. Tích Nhân thấy Nùng bản Thanh có thắng Ma vạn Lý cũng phải mất mấy trăm chiêu, ngược lại thì Tiên Nhi dù có kiếm pháp liền lạc kín đáo nhưng thiếu hoả hầu. Cậu em học côn pháp của ông cũng đến nơi đến chốn nhưng thiếu công lực nên sẽ khó thắng Ma phu nhân và Ma vạn Hùng. Tích Nhân không có cảm tình với anh em họ Hoàng, nhất là khi biết Hoàng Thu Hà định lợi dụng mình càng ghét hơn nữa, nên tự nhiên muốn giúp cho ông cháu Nùng bản Thanh. Hắn chưa nghĩ ra cách giúp, thì dân trong bản ùa lại tấn công Tôn Cường và Trần Ngải. Tích Nhân họ cũng không chừa vì tưởng tất cả là đồng bọn. Hơn mười mấy người, đàn ông, đàn bà cầm cuốc, xẻng, đinh ba.. không chiêu, không thức cứ nhắm đầu hắn đánh bổ, đánh sả xuống. Biết họ là những người dân thường, Tích Nhân một mặt nhảy tránh, một mặc giựt lấy vũ khí của họ ném đi. Tôn Cường trái lại không nhân nhượng, ngồi trên ngựa hươi cây thiết thương, kình lực phát ra vù vù, như một viên tướng xung trận vào một đám quân ô tạp, chỉ trong nháy mắt đã đâm và đánh chết mấy người. Trần Ngải võ công cao hơn Tôn Cường, thanh kiếm vung lên tỏa ra một vòng kiếm quang xanh biếc. Đinh ba, cuốc xẻng bị kiếm chặt cụt, nhưng có chút nương tay, không giết dân làng. Nùng bản Thanh thấy dân làng bị chết thảm quát to:
- Tất cả bọn ngươi hãy rút hết qua khỏi suối cho ta. Nhanh lên! Không thì chết uổng mạng.
Mặc cho Nùng Bản Thanh la hét dân làng thấy anh em bị chết càng hăng máu, bất kể sống chết xông lên và lại bị mất thêm mấy mạng. Thấy Tôn Cường giết người vô tội, Tích Nhân hét lên một tiếng, như con đại bàng phóng vút ra khỏi vòng vây, phóng tới quát:
- Biết chút võ nghệ để giết người vô tội hay sao? Hôm nay ta không thể nào không trừng trị bọn ngươi!
Thấy hắn phóng tới, biết là người có võ công ngọn thương của Tôn Cường theo thế mãnh xà xuất động lia tới với tất cả kình lực. Đã từng học sơ thương pháp họ Hoàng, Tích Nhân lách mình tránh ngọn thương, đợi đi hết trớn, vùng tay chụp lấy. Tôn Cường hét:
- Tên mọi muốn chết!
Cán thương trong tay hắn xoay tròn, sức xoay rất mạnh. Tích Nhân không để hắn đắc ý, dùng nội lực nắm chặt, giật mạnh. Tôn Cường bị giật ngã xuống ngựa, tay thả cán thương. Tích Nhân bằng một chiêu kỳ dị, cây thương trong tay hắn vừa quay đúng nửa vòng thì rời khỏi tay và cắm phụp xuống vai Tôn Cường.
Tích Nhân quắc mắt nhìn Tôn Cường:
- Ta chưa muốn giết người, chỉ trừng trị nhẹ để từ nay ngươi không lạm sát bừa bãi nữa. Muốn sống thì hãy chạy đi. Đừng để ta đổi ý.
Một cánh tay bị hủy trong nháy mắt, Tôn Cường biết gã rách rưới trước mặt võ công cao không thể tưởng tượng nổi. Cánh tay bị hủy còn hy vọng chữa lành, chứ nếu ngọn thương phóng xuống ngực hay bụng thì đã trở thành xác chết mất rồi! Sợ hãi Tôn Cường gượng đứng lên ghiến răng giựt ngọn thương ra khỏi vai, điểm huyệt cầm máu, rồi ba chưn bốn cẳng chạy trốn. Dân làng thấy hắn ra tay đả thương Tôn Cường, không coi hắn là kẻ thù nữa nới rộng ra ngoài.
Ông cụ Nùng bản Thanh đang kịch chiến với Ma vạn Lý mà trong lòng bồn chồn vô cùng. Oâng nhận rõ hai cháu chỉ rán cầm cự vài chục chiêu nữa sẽ bị Ma phu nhân và Ma vạn Hùng đả thương, trong khi dân làng lại bị Tôn Cường và Trần Ngải sát hại rất nhiều, không biết làm sao che chở cho họ. Giờ thấy Tích Nhân ra tay giúp đỡ, mới ra chiêu đã loại trừ Tôn Cường lấy làm phấn chấn la lớn:
- Tiên Nhi, Thừa Lân! Hai cháu gắng giữ bình tĩnh ứng phó. Oâng nội sẽ tiếp tay ngay.
Nùng bản Thanh không còn lo âu, phấn chấn thần uy, ngọn côn trong tay liền trở nên linh động phi thường, Ma vạn Lý lập tức bị ông ta áp đảo. Tiên Nhi và Thừa Lân cũng phấn chấn, cây kiếm và cây côn cũng liền linh hoạt trở lại.
Trần Ngải thấy hắn mới ra tay đã giết ngay một cao thủ võ lâm như Tôn Cường, có chút úy kỵ:
- Xin cho biết tôn tính đại danh?
Tích Nhân hừ mũi:
- Một kẻ ỷ vào võ công và báu kiếm giết người dân vô tội như ngươi không đáng hỏi danh tính của ta. Muốn sống hãy bỏ lại thanh kiếm chạy đi, bằng không hôm nay chỗ này là mồ chôn của ngươi.
Trần Ngãi, nhảy xuống ngựa cả cười:
- Thanh hồng kiếm khách đâu phải thành danh chỉ trong giây lát? Được lắm! Hôm nay để xem đây là mồ chôn của ta hay ngươi!
Trần Ngãi đứng lấy thế, chỉ ngọn kiếm xanh lè ra phía trước, lưỡi chúc xuống:
- Xin mời lấy binh khí.
Tích Nhân chộp một cây đinh ba cầm tay:
- Xin mời!
Trần Ngải thuộc hàng cao thủ võ lâm, xông pha nam bắc mấy chục năm, nắm vững lý lẽ khi cao thủ đấu nhau, trước khi chưa tìm ra sơ hở của địch thủ, không vội ra tay. Trần Ngãi trong thế chuẩn bị, cặp mắt thu hết định lực nhìn Tích Nhân. Kỳ lạ, cặp mắt của ông ta lần lần thu liễm, Tích Nhân đứng yên, đứng bình thường, tay cầm đinh ba một cách ung dung, nhưng Trần Ngãi không thể tìm thấy đâu là chỗ sơ hở để phóng kiếm. Hắn không tìm thấy sơ hở của Tích Nhân, nhưng giây lát sau đó cây kiếm của hắn lại cử động, cử động vì đôi mắt Tích Nhân. Cặp mắt Tích Nhân làm cây kiếm Trần Ngải lần lần múa lên vùn vụt, như mưa sa gió táp, hắn bị cặp mắt Tích Nhân thu hút, cặp mắt như ngọn đèn, như lưỡi gươm, nhắm ngay vào những chỗ sơ hở của đường kiếm Thanh hồng. Trần Ngãi liên tiếp biến chiêu để che đậy những chỗ sơ hở. Tích Nhân không ra tay, nhưng Trần Ngãi cứ múa kiếm, như đang ở trong thế đối đầu với một kiếm thủ vô cùng lợi hại, lần lần hơi thở nặng nhọc, đường kiếm rời rã, chân liên tiếp thối lui, và cuối cùng quỵ xuống, ói ra một búng máu. Oâng ta chống kiếm xuống đất la lớn thiểu não:
- Mạng ta hết rồi!
Ông ta thiểu não nhổ cây kiếm lên đâm vào cổ.
Trần Ngải tự đâm cổ cái chết như cầm chắc, ai có thể ngăn cản ông ta, nhưng mũi kiếm vừa chạm da, thì ông ta không thể đẩy mũi kiếm đi sâu hơn. Tích Nhân từ xa mấy trượng đã phóng ra một viên đá nhỏ bắn đúng huyệt hội tông trên cánh tay cầm kiếm. Tích Nhân tiến tới, Trần Ngải còn ngồi bệt trên đất quắc mắc:
- Ngươi muốn làm nhục ta?
Tích Nhân thở dài:
- Tiền bối đứng lên đi đi! Vãn bối mong rằng một cao thủ có kiếm pháp tuyệt luân, có tinh thần bất khuất như tiền bối, nếu hành hiệp trượng nghĩa, tế khổn phò nguy thì ích lợi cho nhân quần biết mấy! Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo. Vãn bối chỉ muốn có mấy lời mong tiền bối nghĩ lại.
Tích Nhân phất tay giải huyệt cho ông ta.
Trần Ngải đứng lên, nhìn Tích Nhân đang quay lưng bước đi ngẩn ngơ giây lát, rồi la lên:
- Xin dừng bước.
Tích Nhân dừng chân, Trần Ngải vội quỳ gối:
- Xin thiếu hiệp thu dụng Trần Ngải làm nô bộc. Sớm hôm chỉ điểm!
Tích Nhân ngạc nhiên:
- Chẳng lẽ tiền bối còn muốn đùa cợt?
Trần Ngải dập đầu sát đất:
- Hoàng thiên hậu thổ chứng minh, đây là tất cả thành tâm của Trần mỗ.
Tích Nhân vận công đề phòng, bước lại đỡ ông ta lên:
- Sao tiền bối lại có ý nghĩ lạ kỳ như vậy? Tích Nhân chỉ là tên cùng đinh mới bước chân ra giang hồ.
Tích Nhân thả tay ra Trần Ngãi lại quỳ gối:
- Trên hai chục năm lăn lộn, hết đánh với quan binh, thì tranh giành tên tuổi trong hắc đạo, Thanh hồng kiếm khách chưa từng bị ai đả bại dễ dàng, khí kiêu ngạo càng chồng chất. Hôm nay, gặp chủ nhân, võ công và tài đức làm cho Ngải tôi vô cùng khâm phục và chợt nhìn ra đâu là sáng tối. Không hiểu chủ nhân là ai, tôi nguyện suốt đời tận trung phò tá. Với tài đức của chủ nhân tôi biết theo người sẽ được dịp góp phần phò trì chánh nghĩa, sám hối lỗi lầm. Nếu chủ nhân không thu nạp và chỉ điểm, thì tôi đành tự sát..
Thấy Trần Ngải rất cương quyết, Tích Nhân cũng nghĩ mai sau mình còn phải trả thù nhà, có thêm một cao thủ như ông ta sẽ giúp ích rất nhiều, nên lại đỡ ông ta lên, Trần Ngãi dùng sức gằn lại:
- Nếu chủ nhân không thu nạp, Trần Ngải sẽ không đứng dậy.
Tích Nhân cảm động:
- Được! Thúc thúc đứng lên đi, tôi chấp nhận cho thúc thúc theo tôi hành tẩu giang hồ và sẽ đối xử với thúc thúc như tình ruột thịt.
Trần Ngải rập đầu ba cái:
- Cảm tạ chủ nhân.
Bấy giờ trận chiến giữa ông cháu Nùng bản Thanh và vợ chồng Ma vạn Lý sắp ngã ngũ. Có lẽ khi đánh với Tiên Nhi, thấy chồng lâm nguy, Ma phu nhân đã bỏ Tiên Nhi giúp chồng. Tiên Nhi rảnh tay lại cùng Thừa Lân vây lấy Vạn Hùng. Mã phu nhân trở thành người phải bay qua chạy lại giúp chồng và con, nhưng cách cứu ứng đó đã không làm cho cha con Ma vạn Lý đủ sức cầm cự.
Tích Nhân nhìn cuộc chiến hỏi Trần Ngải:
- Ma vạn Lý là người thế nào?
- Ma đại ca cũng không phải là người gian ác. Đối với bạn bè rất có nghĩa khí. Chỉ có điều quá nể vì Ma phu nhân.
- Trần thúc thúc nghĩ chúng ta có thể dàn xếp họ được không?
- Chỉ sợ Ma vạn Hùng không lấy được vợ không cam tâm, Ma phu nhân thấy con bực tức thì không chịu được.
- Đầu mối là Ma phu nhân! Điều gì làm cho bà ta quan tâm nhất?
- Có lẽ là đứa con trai!
- Vậy thì ta dùng cách trị này xem thử có hiệu quả không?
Dứt tiếng, Tích Nhân phóng vào trận, thân pháp như quỷ mị, và khi Tích Nhân bước ra cục trường, tay đã nắm giữ Ma vạn Hùng, lớn tiếng:
- Các ngươi dừng tay ngay.
Tiếng nói đầy nội lực của hắn có mãnh lực làm cho mọi người không ai bảo ai cùng nhảy ra phía sau, ngưng tay.
Tích Nhân lấy lưỡi trủy thủ năm sắc đâm một nhát trên vai Mã vạn Hùng, rồi cũng nhanh tay cầm máu lại cho gã.
Mã phu nhân thấy con bị đâm một nhát dao, lòng đau như cắt không còn sáng suốt nhìn rõ tình hình, vội quát to và tung kiếm chém tới Tích Nhân, vừa tấn công vừa gầm to:
- Ngươi dám hại con ta!
Tích Nhân chờ lưỡi kiếm chém xuống, đưa lưỡi ngũ độc thần trủy lên, cây kiếm liền bị cắt thành hai đoạn. Mã vạn Lý là người từng xông pha giang hồ, thấy con mình bị bắt dễ dàng, và nhìn thấy cây trủy thủ năm sắc trong tay Tích Nhân, nghĩ đến một việc, lo sợ rùng mình, vội nhảy lại cản vợ, và hỏi:
- Xin hỏi tôn giá là ai?
Tích Nhân đẩy Vạn Hùng lại cho ông ta:
- Ta là người tình cờ đi ngang qua đây, không hiểu lắm về sự mâu thuẫn giữa vợ chồng các ngươi và Vân trung cốc, nhưng thấy các ngươi đến đây giết người bừa bãi, nên phải ra tay trừng trị. Tôn Cường bị ta phế một cánh tay. Trần Ngải tiền bối sớm biết ăn năn nên một lòng theo ta hành hiệp. Oâng ta cho biết ngươi cũng không phải là kẻ cùng hung cực ác, nên thay vì trừng trị vợ chồng ngươi, ta lại có ý giảng hòa giữa Bách nhạn động và Vân trung cốc, ngươi nghĩ sao?
Ma phu nhân lớn tiếng:
- Ngươi tưởng ngươi là ai kia chứ! Hoàng đế cũng chẳng dễ ăn nói với vợ chồng ta như thế?
Trần Ngải:
- Từ nay thiếu hiệp là chủ nhân của Thanh hồng kiếm khách ta! Ma đại tẩu ăn nói giữ lời!
Ma phu nhân không tin ở tai mình, trố mắt:
- Trần đại ca nói gì thế?
Trần Ngải rõ từng tiếng:
- Thiếu hiệp là chủ nhân của Trần mỗ. Ai xúc phạm đến chủ nhân là kẻ thù của Trần mỗ.
Võ công của Trần Ngải rất cao, vợ chồng Ma vạn Lý đã bỏ rất nhiều công phu để mời giúp, hai vợ chồng liên thủ cũng chưa chắc thắng, vì thế Ma phu nhân ú ớ:
- Ngươi, ngươi..
Ma vạn Lý thấy cây kiếm ngũ sắc trong lòng ngờ ngợ, và thấy tình hình biến chuyển hoàn toàn bất lợi cho mình, vòng tay:
- Chẳng hay tôn giả có liên hệ gì với ngũ độc thần giáo?
Tích Nhân không trả lời thẳng mà hỏi lại:
- Ma động chủ biết Ngũ độc thần giáo thì phải biết thần giáo tam bảo? Đã nhìn ra ngũ độc thần trủy còn phải hỏi làm gì?
Ma vạn Lý và Ma phu nhân mặt tái mét, Ma phu nhân la lên:
- Hùng nhi!
Tích Nhân:
- Ta nghe Ma động chủ từng là bạn của con trai Nùng lão cốc chủ, và Vạn Hùng muốn lấy cháu gái Nùng cốc chủ. Như vậy, dù sao Nùng cốc chủ cũng là vai ông của Ma vạn Hùng, thế nhưng hắn dám lên tiếng chưởi bới, ta nghĩ phải trừng trị hắn chút đỉnh. Ngũ độc thần trủy có tẩm bách độc, trong thiên hạ ngoài ta, không ai giải được. Nếu Vạn Hùng chịu ăn năn sửa đổi làm người tốt, ta sẽ trị độc cho. Ngược lại, kẻ ngỗ nghịch như hắn không nên để sống.
Ma vạn Lý có một người con, và biết sự độc hại của Ngũ độc giáo như thế nào nên qùy lạy:
- Xin tôn giả tha mạng cho Hùng nhi, từ nay chúng tôi quyết quản thúc nó.
Ma phu nhân nghe tên Ngũ độc giáo đã hồn phi phách tán, biết con bị hạ độc càng lo sợ, ngã ra bất tỉnh. Ma vạn Lý vội bò dậy đỡ vợ, khốn khổ:
- Xin đại hiệp tha mạng cho Hùng nhi.
Tích Nhân vòng tay hỏi Nùng bản Thanh:
- Xin Nùng lão bá và Tiên Nhi cô nương cho biết, nếu Vạn Hùng ăn năn giác ngộ, làm người tốt, lão bá và cô nương có chấp nhận cuộc hôn nhân?
Nùng vạn Thanh thở dài:
- Thúc Vũ hứa hôn khi Tiên Nhi còn thôi nôi, và Vạn Hùng mới lên bốn. Nói bội ước, thì Vạn Hùng năm mười lăm đã lấy vợ, tức là đã bội ước trước. Hiện nay trong nhà y tỳ thiếp năm sáu người. Thử hỏi Tiên Nhi là một cô gái xấu xa, thì họ Ma có để ý đến hôn ước hay không? Ngoài sắc dục, Vạn Hùng còn giết người bừa bãi, cả vùng ai cũng biết tính ác độc của hắn. Lão phu nghĩ Thúc Vũ còn sống cũng không thể nào vì lời hứa trong chén rượu mà chấp nhận hôn nhân.
Ma phu nhân tỉnh dậy lên tiếng cải ngay:
- Vạn Hùng là con một cần người nối dõi, trong khi Tiên Nhi lại sang tận Nga Mi học võ, thì làm sao chờ đợi được? Còn giết người? Hắn giết ai? Giết bọn không tuân lệnh chủ nhân, lấy gia pháp xử trị sao gọi là giết người bừa bãi?
Tiên Nhi cứng rắn:
- Ta thà chết còn hơn làm vợ một người như hắn.
Tích Nhân hỏi Ma vạn Lý:
- Ma động chủ khi cưới vợ cho con có đến Vân trung động xin cưới Tiên Nhi cô nương trước hay không?
Ma vạn Lý ngập ngừng:
- Cái đó!..Cái đó..
Nùng bản Thanh:
- Nếu cháu gái lão Hoàng Mật không vì sanh khó mà mất cách đây hơn bốn năm. Bọn họ Ma các ngươi có dám nhắc đến hôn ước với nhà họ Nùng ta hay không? Hừ! Lão Hoàng Mật âm thầm cọng tác với Tri châu Tư Minh Hoàng Quảng Thành, muốn bành trướng thế lực tay sai nhà Minh, nên làm sui gia với Bách nhạn động để tạo vây cánh. Phải chăng khi cháu lão mất, lão mới đồng ý và giúp các ngươi khai thác hôn ước năm xưa với nhà ta? Ta nằm trong ruột lão Hoàng Mật! lão cho rằng Vạn Hùng làm rể Vân trung cốc cũng sẽ lôi kéo được Vân trung cốc chúng ta. Nếu không, thì giết ta và Thừa Lân, thì Vân trung cốc cũng thuộc về Vạn Hùng. Hừ! Ta còn cầm được cây trường côn, các ngươi đừng hòng đạt được mục đích!
Tích Nhân hỏi Trần Ngải xem thử ông ta có thật lòng và thẳng thắn hay không?
- Lời của Nùng cốc chủ đúng sai thế nào?
Trần Ngải cung kính:
- Thưa chủ nhân, lời Nùng tiền bối nói ra không sai lắm. Thuộc hạ sở dĩ có mặt ở đây một phần cũng do Hoàng Mật nhờ cậy.
Tích Nhân:
- Xin Trần thúc thúc cho biết rõ hơn.
Trần Ngải thở dài:
- Nói thì hơi dông dài! Nhà Trần từ đời Nghệ Tông về sau, vua hèn quan yếu, Qúy Ly chuyên quyền mặc tình làm mưa làm gió. Chính vì chán ghét Hồ Qúy Ly, lúc bấy giờ còn lấy họ Lê, thuộc hạ đã theo Phạm minh chủ khởi binh hy vọng chấn chỉnh lại nước nhà. Nhưng Phạm sư Oân khi lấy được kinh thành lại tự cao tự mãn quên hết mục đích ban đầu. Nùng tôn ông trước đây chưởi thuộc hạ rất đúng! Thuộc hạ thấy Sư Oân không còn có lòng vì dân vì nước nên bỏ ra đi, nhờ đó còn sống đến ngày hôm nay, nhưng cũng không khỏi mang tiếng bất trí và phải tránh né triều đình. Lăn lộn giang hồ, thuộc hạ có tiếng là bất phân chính tà, có lúc đánh giết quan binh, làm bạn với hắc đạo. Trong những người chứa chấp là Hoàng Mật. Từ khi Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần, nhân sĩ Đại Việt chia làm hai phái, một phe cho rằng nhà Trần đã chấm dứt nên theo về chúa mới, một phe tìm phương khôi phục nhà Trần. Phe này liên hệ với Trần Khang, một người nghe đâu là tôn thất, con cháu của Trần nguyên Bưu đã sang nhà Minh nhờ can thiệp. Hoàng Mật là người tích cực trong việc khôi phục nhà Trần và sốt sắng chuẩn bị nhân sự để làm lực lượng tiền phong và hướng đạo đón quân Minh đưa vua Trần về nước. Thuộc hạ ở trong thế chống Hồ qúy Ly, nên thuận theo Hoàng Mật. Việc ép hôn đối với Tiên Nhi cô nương, dĩ nhiên làm theo kế hoạch của Hoàng Mật. Thuộc hạ cũng biết đây là sự quá đáng, nhưng nghĩ rằng tất cả cũng vì việc nước nên đã tiếp tay cho Ma động chủ.
Ma phu nhân:
- Ngươi nói vậy mà không thấy thối sao? Hừ! Chẳng phải ngươi đã nhận ba trăm lạng vàng của chúng ta mới chịu có mặt? Còn Hoàng thúc thúc! chính ta phải năn nỉ nhiều lần ông ta mới chịu chấp nhận cho chúng ta đi cưới con qủy Tiên Nhi cho Hùng nhi, thì thử hỏi ông ta có âm mưu nào trong việc này?
Trần Ngải cười khẩy:
- Ba trăm lạng vàng phu nhân đưa cho tại hạ hay Hoàng Mật? Ta chẳng nhận một chỉ nào. Hoàng Mật có nói với ta, nếu ta giúp cho hai vợ chồng ngươi đạt được ý nguyện, thì ngoài việc sau này nhân sự, ngựa chiến của Vân trung cốc và Bách nhạn đều được huy động ủng hộ quân Minh, vợ chồng các ngươi cũng đã tặng trước ba trăm lạng vàng để góp phần tài chánh cho đại cuộc. Như vậy, giúp cho hai ngươi lấy lại thể diện bị từ hôn là công tư đều vẹn. Ta đến Bách nhạn động chỉ vì lời nói này của Hoàng Mật. Tin hay không tùy các ngươi.
Ma vạn Lý than thở:
- Phu nhân không nên cố chấp nữa. Trong giang hồ ai không biết Thanh hồng kiếm khách chẳng sợ đất trời, luôn trọng chữ tín. Lời nói của Trần đại hiệp không thể không tin. Chúng ta bị lợi dụng mà không biết đấy thôi.
Oâng ta hướng về Tích Nhân:
- Xin tôn giả lấy lượng hải hà tha cho Hùng nhi.
Tích Nhân lấy viên hùng hoàng châu thảy lên thảy xuống trong tay:
- Hùng hoàng châu cũng là một trong tam bảo. Giải bách độc của ngũ độc thần trủy chỉ có hùng hoàng châu mà thôi. Nhưng trước khi cứu mạng hắn, ta muốn vợ chồng ngươi phải thề đền bù thiệt hại cho Vân trung cốc. Việc hứa hôn của Thúc Vũ tiền bối năm xưa chính các ngươi đã bội hôn trước đi cưới cháu lão Hoàng Mật cho Vạn Hùng, thì nay phải bỏ qua không được ép uổng nữa. Ma phu nhân cũng phải hứa với ta, từ nay phải kiềm chế Vạn Hùng, thê thiếp giới hạn không quá năm người, không được giết bất cứ người nào không biết võ công thì ta mới giải độc cho hắn, còn không sẽ để hắn chết một cách vô cùng đau khổ.
Ma phu nhân ngang bướng, nhưng cũng rất sợ tên tuổi ngũ độc giáo, nhất là biết con bị trúng độc, cúi đầu. Ma vạn Lý thấy vợ ngoan ngoản, vội vàng:
- Tôn giả đã dạy, Bách vạn động từ nay nghe theo sự sai bảo, quyết chẳng nuốt lời. Nếu có điều gì sai phạm đất trời trừng phạt.
Đã lạm dụng danh nghĩa Ngũ độc giáo, Tích Nhân nồ thêm, cười:
- Nếu các ngươi nuốt lời, trời đất đâu chưa biết, Bách nhạn động sẽ như thế này!
Tích Nhân vận công, dùng ngũ độc thần trủy phát ra một đường, tức thì cỏ cả một vùng hơn trượng bị chém ngã sát đất. Người có khả năng phát ra kiếm khí như vậy võ lâm chỉ nghe đồn, chưa ai thấy, làm họ vừa ngưỡng phục vừa sợ hãi. Vợ chồng Ma vạn Lý vội quỳ gối:
- Chúng tôi cả đời chẳng dám nuốt lời.
Tích Nhân cầm viên hùng hoàng châu tiến lại Vạn Hùng, tên này sợ hãi vội quỳ theo cha mẹ. Tích Nhân đặt viên hùng hoàng châu lên vết thương Vạn Hùng, bảo hắn:
- Từ nay ngươi nên tu nhân tích đức, sửa đổi tánh tình thì mới thừa kế sự nghiệp cha mẹ lâu dài được. Ngươi có thấy vì ngươi mà gia gia ngươi đã mất ba trăm lượng vàng, suýt nữa để Bách nhạn động bị người lợi dụng hay không?
Vạn Hùng cúi đầu:
- Tiểu nhân biết tội.
Tích Nhân thu viên Hùng hoàng châu bỏ vào túi, nói:
- Ngươi đã vô sự, vết thương chỉ vài bữa là lành.
Vạn Hùng lí nhí:
- Đa tạ..
Tích Nhân hỏi Nùng bản Thanh:
- Tiền bối muốn Bách vạn động đền bù như thế nào?
Bản Thanh cảm khái:
- Thúc Vũ khi nhỏ hay thường qua lại với Vạn Lý nên lão phu xem Vạn Lý không khác gì con cháu. Sau này thấy Vạn Lý thân mật với Thần thương trang và giới hắc đạo nên lão phu xa lánh mà thôi. Nay nếu Vạn Lý biết hối cải, tích đức hành thiện thì số người chết oan kia cũng ngậm cười nơi chín suối mà thôi. Người đã chết còn đòi mạng sao được. Trâu bò, lừa ngựa chỉ là những vật tầm thường lão phu đâu có hơn thua gì!
Ma vạn Lý cảm động, khóc:
- Nùng thúc thúc! Cháu có lỗi với Thúc Vũ và thúc thúc vô cùng. Nghĩ lại thật lấy làm xấu hổ.
Nùng bản Thanh tiến lại đỡ Vạn Lý lên:
- Ngươi nhìn biết lỗi lầm, ta cũng thấy an ủi vô cùng. Hy vọng từ nay chúng ta sống bình an, thân thiện như xưa.
Ma phu nhân cảm động:
- Mọi sự cũng vì tôi chiều con và nông nổi mà ra. Vũ nương tôi xin thề với thúc thúc chúng tôi sẽ không để điều gì đáng tiếc xảy ra.
Nùng bản Thanh cười bao dung:
- Có lời của cháu ta tin tưởng lắm. Trời đã tối, thôi mọi người hãy tới nhà ta uống chén rượu cười xòa, bỏ qua mọi chuyện.
Ma phu nhân:
- Xin thúc thúc cho vài bữa. Thúc thúc không chấp nhưng chúng tôi cũng phải làm điều gì để tỏ sự ân hận với những người chẳng may..
Nùng bản Thanh:
- Cũng được! Lúc nào cũng được. Nếu các ngươi xem ta là thúc thúc, thì ta cũng xem các ngươi như vợ chồng Thúc Vũ.
Vợ chồng Ma vạn Lý và Ma vạn Hùng cung kính cáo từ Tích Nhân và Bản Thanh lên ngựa.
Nùng bản Thanh đợi ba người đi khỏi cung tay:
- Không biết Ngũ độc giáo chủ giá lâm xin miễn chấp.
Tích Nhân vội vàng:
- Vãn bối may mắn gặp được di thư và tam bảo của Trương giáo chủ để lại mà thôi, vãn bối thật chưa biết Ngũ độc giáo như thế nào xin tiền bối đừng hiểu lầm.
Nùng bản Thanh:
- Thì ra như vậy, nãy giờ lão phu lấy làm ngờ vực vì Giáo chủ Ngũ độc giáo hiện nay là đàn bà họ Tần, nghe nói bá đạo vô cùng, nhưng cung cách của thiếu hiệp thì lại hoàn toàn khác.
Oâng ta mời:
- Trời đã tối, không hiểu lão phu có hân hạnh được đón tiếp thiếu hiệp?
Tích Nhân:
- Vãn bối mấy năm sống trong rừng núi tập luyện võ công. Hàng ngày chỉ ăn cá nướng và hoa quả để sống. Đây là lần đầu tiên gặp lại bản làng và đang thèm miếng cơm vô cùng.
Nùng bản Thanh cười ha hả:
- Tiên Nhi, ngươi hãy về nhà nấu ngay cho ông nội một nồi cơm lớn. Hẹn ngươi trong một giờ phải có một bữa cơm thịnh soạn đãi quí khách.
Tiên Nhi cười lên ánh mắt:
- Xin tuân lệnh.
Nàng xoay qua kéo vài cô nữa chạy đi ngay. Bản Thanh dặn dò người trong bản lo cho thi thể những người bị chết, rồi mời Tích Nhân và Trần Ngải:
- Xin mời thiếu hiệp và Trần đại hiệp theo lão phu.
Trần Ngải lại bên ngựa lấy cái bao nhỏ, hỏi:
- Con ngựa này theo vãn bối đi khắp nơi, không biết lão cốc chủ có thể cho người săn sóc giùm?
- Việc ấy Trần đại hiệp không phải lo ngại.
Ông lấy tay chỉ, một trung niên vội vã đến dắt con ngựa đi cho ăn uống.