Bên cạnh thang điện quả thật có một lương đình nằm ngay trong vườn, cách đó chừng hơn mười bước chân.
Tần vương thả bước chầm chậm, tựa như thực sự ngắm cảnh. Tôi đi theo phía sau y, không nói lời nào.
“Ngươi có biết lai lịch của đình này không?” – Tần vương bỗng nhiên hỏi.
Lòng tôi đang loạn như ma, chẳng có chút hứng thú nào với mấy thủ đoạn của y – “Nô tỳ không biết.”
“Đình này có từ thời tiền triều, Chương Đế* vì Đậu Hoàng hậu** mà xây nên.” – Tần vương nói – “Nghe nói năm đó, chính ở nơi này, Vũ Lăng hầu Vân Triều từng khuyên Đậu Hiến dẫn binh đi xa, chớ quay về Lạc Dương.”*_Chương đế hay còn gọi là Hán Chương Đế (chữ Hán: 漢章帝; 56 – 9 tháng 4 năm 88), là vị Hoàng đế thứ ba của nhà Đông Hán, và là Hoàng đế thứ 18 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 75 đến năm 88. **_Chương Đức Đậu hoàng hậu (chữ Hán: 章德竇皇后;? - 14 tháng 8, 97), cũng gọi Chương Đức Đậu Thái hậu (章德竇太后), Đông Hán Đậu Thái hậu (東漢竇太后), là Hoàng hậu duy nhất của Hán Chương Đế Lưu Đát trong lịch sử Trung Quốc. Nghe thấy cái tên này, tôi không khỏi ngẩn ra.
“Đậu Hiến nghe lời Vân Triều, dẫn binh ra ngoài. Hòa Đế* muốn diệt trừ vây cánh của Đậu Hiến, tất nhiên kiêng dè Đậu Hiến thân ở binh doanh nên mới lần lữa chưa dám động thủ. Nhưng thời gian trôi qua, Đậu Hiến chung quy không bỏ được vinh hoa ở Lạc Dương, thu quân hồi triều. Sau khi đại quân vào thành, Hòa Đế lập tức phát chiếu bắt giữ, Vân Triều thân là đồng đảng, cũng bị hạ ngục gϊếŧ chết.” – Tần vương nhìn tôi – “Chuyện này khi cô còn bé được nghe lão nhân trong cung thuật lại. Sau này ở bên ngoài nhiều năm, mỗi lần nhớ lại, cô đều lấy đó để tự suy ngẫm.”*_Hán Hòa Đế (chữ Hán: 漢和帝; 79 – 13 tháng 2, 105), là vị Hoàng đế thứ tư của nhà Đông Hán, và là hoàng đế thứ 19 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 88 đến năm 105, tổng cộng 17 năm.“Ồ?” – Tôi cười một tiếng – “Không biết điện hạ vì sao lại lấy đó để tự suy ngẫm? Chẳng lẽ là tự so với Đậu Hiến sao?”
Tần vương nói – “Đậu Hiến chết là do lơ là, tự đại, tuy có người tài chỉ điểm cũng khó tránh bị tiêu diệt, đó chính là tấm gương cho ta và ngươi.”
Tôi nói – “Điện hạ hồ đồ rồi sao? Mấy ngày trước Toàn Cơ tiên sinh lại xuất hiện mà tổ phụ của nô tỳ đã qua đời từ lâu, nô tỳ và Toàn Cơ tiên sinh hoàn toàn không liên quan gì đến nhau.”
“Toàn Cơ tiên sinh?” – Tần vương nhìn tôi, hỏi vặn lại – “Có can hệ gì tới ngài ấy ư? Cô chỉ đang nói với ngươi về Vân thị.”
Tôi nổi đóa.
Chuyện tới nước này, tôi chỉ đành đến đâu hay đến đó – “Lời của điện hạ thực khiến nô tỳ hồ đồ, không biết là gương cho chuyện gì?”
“Với cô, là gương cho chuyện an nguy.” – Tần vương nói – “Với ngươi, là gương cho việc chọn sai chủ.”
Tôi hỏi – “Nô tỳ chọn sai ở đâu?”
Tần vương vặn lại – “Nguyên Sơ ngay cả chuyện ngươi xuất thân từ đâu cũng không rõ, mai một tài năng của ngươi, chẳng lẽ không phải sai chủ?”
Tôi không muốn dây dưa chuyện này với y liền hỏi – “Điện hạ nói là an nguy, không biết nguy hiểm ở chỗ nào?”
Tần vương hơi nhướng mày – “Nơi nguy hiểm nhất thiên hạ này chảng phải là Lạc Dương hay sao?”
“Điện hạ biết rõ đây là nơi nguy hiểm nhưng điện hạ cũng quay về rồi đấy thôi?”
“Lúc đó không giống lúc này. Mưa gió chưa ập tới, vẫn có thể quay về một phen, nhưng tai họa ẩn giấu phía sau, chỉ là chúng nhân không nhìn thấy mà thôi.”
Tôi nghi ngờ nhìn y, không hiểu đó là ý gì.
“Lần này điện hạ rời kinh. thiết nghĩ là chưa báo cho triều đình biết, điện hạ không sợ nô tỳ đi tố giác sao?” – Sau một hồi, tôi lại hỏi.
Thần sắc Tần vương không đổi, khóe miệng cong lên – “Ngươi có thể thử một lần, xem xem tin tức có thể truyền tới trước Đình Úy Thự mười bước hay không?”
Tôi biết lời này của y không phải là đùa giỡn. Loại người sát phạt nhiều năm, hiếm khi bại trận như Tần vương, tuyệt sẽ không nhất thời không tỉnh táo mà nói với tôi những chuyện như vậy.
“Nói với ngươi những chuyện này chẳng qua là vì muốn để cho ngươi biết, những điều cô nói lần trước vẫn có hiệu lực.” – Tần vương nói tiếp – ” Hôm nay, giờ Dậu ba khắc, cô sẽ ở bến Lạc Thủy ngoài Tây Nam Môn, quá giờ sẽ không chờ nữa.”
Dứt lời, y nhìn thật sâu vào mắt tôi rồi xoay người rời đi.Thời điểm quay về thang điện, tâm sự của tôi vô cùng nặng nề, đến nỗi thiếu chút nữa là va phải Thẩm Xung bên ngoài cửa điện.
Chàng nhìn tôi, có chút kinh ngạc – “Nghê Sinh, sao sắc mặt ngươi tệ thế, thân thể không khỏe sao?”
Nếu như là bình thương, tôi đại khái sẽ nhân cơ hội này bịa chuyện đau đầu chóng mặt, hòng khiến cho Thẩm Xung quan tâm, nhưng hôm nay thì tôi lại chẳng có hứng thú ấy.
“Nghê Sinh,” – Thanh Huyền vừa thấy tôi liền gọi – “Nghê Sinh, sao tìm khắp nơi mà chẳng thấy cô đâu thế? Công tử muốn hồi phủ!”
Tôi đáp lại một tiếng rồi vội vàng cám ơn Thẩm Xung, bước nhanh trở về.
Trên đường hồi phủ, Công tử liên tục nhắc đến Tần vương, tuy hắn không hay nhiều lời trước mặt người khác nhưng lại rất thích lải nhải ở bên tai tôi. Có điều, hiện tại, hai chữ Tần vương từ trong miệng hắn phát ra lại đặc biệt khiến người ta ghét.
“Nghê Sinh, chuyện hôm nay vẫn chưa nói xong.” – Hắn bảo tôi – “Không ngờ Tần vương lại không khách khí với Thái tử như vậy.”
Tôi đáp – “Ừm.” – Trong lòng vẫn suy nghĩ về những điều Tần vương đã nói.
“… Mưa gió chưa ập tới, vẫn có thể quay về một phen, nhưng tai họa ẩn giấu phía sau, chỉ là chúng nhân không nhìn thấy mà thôi.”
“Cũng không biết sau khi truyền đến tai Thánh thượng thì sẽ như thế nào.” – Công tử lắc đầu – “Với tính tình của Thái tử, nhất định sẽ không chịu để yên.”
Tôi gật đầu – “Đúng vậy.”
“…Hôm nay, lúc giờ Dậu ba khắc, cô sẽ ở bến Lạc Thủy ngoài Tây Nam Môn, quá giờ sẽ không chờ nữa…”
Giờ Dậu ba khắc.
Tôi không khỏi đưa mắt nhìn quang cảnh bên ngoài cửa xe, hiện tại vừa mới qua khỏi giờ Thân, vẫn còn hơn một canh giờ nữa.
Tôi dĩ nhiên sẽ không đi theo Tần vương.
Y còn tự phụ gấp mấy lần vị Thái tử mà người người đều lên án kia. Tôi ở trong phủ Hoàn đã ba năm, y chỉ dựa vào một câu hứa hẹn suông mà đã muốn tôi trong vòng một canh giờ đem mọi công sức đổ sông đổ bể, theo y chạy trốn ấy hả?
Đây đúng là chuyện cười lớn nhất thiên hạ.
Bất quá điều khiến tôi trăn trở không phải là ở điểm này, mà chủ yếu là nguyên nhân nằm ở phía sau hành động lần này của y kìa. Tuy không rõ vì sao Tần vương phải vội vã như vậy nhưng tôi có thể mơ hồ cảm thấy chuyện này không đơn giản.
“…Nghê Sinh!”– Giọng nói của Công tử cắt ngang suy nghĩ trong đầu tôi.
Tôi quay lại, hắn bất mãn trợn mắt trừng tôi – “Nàng đang suy nghĩ chuyện gì thế? Từ nãy đến giờ đều không tập trung.”
Có đôi lúc Công tử sẽ giống như một đứa trẻ bị chiều hư, không chịu được một giây lạnh nhạt.
Tôi bất lực, đành phải gạt tâm sự trong lòng sang một bên.
“Ta đang nghĩ đến chuyện nhã hội tháng sau.” – Tôi đáp
“Nhã hội ư?” – Công tử tỏ vẻ không hiểu – “Nhã hội gì vậy?”
“Là nhã hội trong phủ Dự Chương vương.” – Tôi đáp – “Nghe nói Tạ công tử cũng đến.”
Nhắc tới Tạ Tuấn, tôi lại nghĩ đến những lời kia của Tần vương. Nếu như hôm nay y định rời khỏi đây vậy thì có lẽ Tạ Tuấn sẽ không tới dự tiệc.
“Hửm? – Công tử nói – “Có chuyện này sao? Sao ta chưa từng nghe nhắc tới.”
“Hai ngày trước người hầu của phủ Dự Chương vương có đưa thiệp mời tới, có lẽ công tử từ trên triều trở về quá muộn nên chưa nhìn thấy.” – Tôi nói.
Cái này dĩ nhiên là lý do tôi bịa ra. Ban đầu tôi đoán Tần vương cũng sẽ tới nhã hội của phủ Dự Chương vương cho nên tôi mới đem thiệp mời nhét vào chỗ Công tử không nhìn thấy được.
Công tử khẽ gật đầu.
“Nàng vừa nói, Tạ công tử cũng tới?” – Hắn hỏi
“Đúng vậy.” – Tôi đáp – “Nghe nói Dự Chương vương cũng mời cả biểu công tử.”
Hắn chợt nhìn tôi – “Nàng muốn tới đó hả?”
Tôi nói – “Ta tất nhiên là đi theo công tử.”
“Vậy thì đi.” – Công tử nói – “Nghê Sinh, nàng cứ chuẩn bị lễ đi.”
Tôi cười một tiếng, đồng ý.Tôi theo Công tử hồi phủ, giúp hắn thay y phục, rồi lại cùng hắn đến thư phòng luyện tập. Bóng chiều dần đổ sau khung cửa, tôi cứ luôn nhìn ra ngoài, trong lòng không ngừng suy nghĩ xem bến Lạc Thủy hiện giờ như thế nào. Thậm chí tôi còn không khỏi hoài nghi rằng Tần vương nói những lời đó liệu có phải chỉ là để thử thăm dò tôi, từ đáy lòng trào lên một loại xung động mãnh liệt muốn mượn cớ rời phủ, đến chỗ bến đò bên ngoài Tây Nam Môn xem thử liệu y có thật sự chờ ở đó hay không.
Nhưng cuối cùng tôi vẫn không nhúc nhích.
Lúc tôi hầu Công tử luyện chữ xong thì đã qua giờ Dậu ba khắc.
Cho đến tận khi trời tối, hết thảy mọi chuyện trong phủ đều yên ổn như thường, bên ngoài không hề truyền đến bất kỳ tin tức dị thường nào.
Ngay vào lúc tôi quả quyết cho rằng Tần vương chỉ đang hư trương thanh thế thì phụ thân của Hoàn Tương lại đột nhiên đến phủ.
Lúc ấy, cả phủ Hoàn đang quây quần ở chính đường dùng bữa tối, thấy Hoàn Giám vội vã đi vào thì vô cùng kinh ngạc.
Ông ta phất tay một cái, cho tất cả gia nhân đang hầu hạ ở chính đường lui xuống, chỉ muốn nói chuyện cùng Hoàn Túc và Đại Trưởng công chúa.
“Xảy ra chuyện gì vậy? Sao mà phải thần bí như vậy?” – Sau bữa tối, Thanh Huyền hỏi thăm Lâm Huân, là người hầu bên cạnh Hoàn Túc.
Lâm Huân lắc đầu – “Không biết, chủ công và công chúa không chịu hé răng một chữ.”
“Là Tần vương.” – Hôm sau, Công tử từ trong cung trở về, thần sắc âm trầm nói – “Tần vương đi rồi.”
Tôi tỏ vẻ kinh ngạc nhưng trong lòng đã biết, Tần vương không hề lừa tôi. Y quả thật nói được làm được.
Lần này Tần vương rời khỏi Lạc Dương, đại khái là chỉ nói với một mình tôi.
Ngay cả phụ tá của y như đám người Tạ Tuấn cũng không rõ tung tích.
Cho đến tận hai ngày sau, triều đình mới hậu tri hậu giác phát hiện ra chuyện này. Nghe nói người của Đình Úy Thự sau khi tới, chỉ tìm thấy được một phong thư niêm kín do y để lại.
Thư nói, Tần vương bỗng nhiên cảm thấy thân thể khó chịu, mà đại phu chuyên chữa trị cho y lại đang ở trong Liêu Đông doanh, chuyện này không thể chậm trễ cho nên đành phải không từ mà biệt.
Những lời này chẳng qua chỉ là thoái thác, mà lại còn là thoái thác một cách qua loa.
Triều đình tức giận, lập tức phái người đuổi theo nhưng Tần vương đã biến mất không còn tung tích.Mười ngày sau, mãi đến khi y về đến đại doanh Liêu Đông thì tin tức mới được truyền về Lạc Dương.
Tần vương quả thực có chút bản lĩnh hô phong hoán vũ, một lần quay về cũng đủ khuấy cho Lạc Dương bàn tán không ngớt. Mà đối với nguyên nhân vì sao y rời đi, cũng có vô vàn cách nói nhưng đại đa số chúng nhân đều cảm thấy là triều đình muốn ra tay với Tần vương, Tần vương nghe được phong thanh nên đi trước một bước.
“Đúng là lời hoang đường.” – Hoàn Tương khinh thường nói – “Ta ngày ngày đều hầu ở trong điện của Thánh thượng, nếu như thật sự có chuyện này thì sao ta có thể không biết được?”
“Vậy thì theo đệ, chuyện này là vì sao?” – Thẩm Xung hỏi.
Hoàn Tương cười gượng – ” Ta cũng không rõ, nhưng Tần vương hành sự có khi nào thông báo với triều đình đâu?”
Công tử cau chặt chân mày.
Sau khi hồi phủ, hắn trầm mặc hồi lâu mới nói với tôi – “Nghê Sinh, hôm nay Tạ công tử nhờ người truyền thư cho ta.”
“Hả?” – Tôi hỏi – “Ngài ấy nói thế nào?”
“Huynh ấy nói, trong kinh sau này chỉ e sẽ bất ổn, bảo ta cẩn thận ngôn hành.”
Tôi kinh ngạc – “Ngài ấy không nói là vì nguyên nhân gì sao?”
“Không nói.”
Công tử thở dài – “Nghê Sinh, gần đây ta thường hay nhớ tới lời sấm kia của Toàn Cơ tiên sinh.”
“Vì sao?” – Tôi hỏi.
“Thân thể của Thánh thượng dạo gần đây ngày càng kém, chỉ e ngày tháng chẳng còn dài.”
Tôi nói – “Đây là chuyện mà ai ai cũng biết.”
“Nhưng Thái tử trong triều không quá được lòng người.” – Công tử nói – “Tương lai kế vị, chỉ sợ lại một phen mưa gió.”
“Thiết nghĩ Thánh thượng nhất định đã có cân nhắc.” – Tôi nói
“Cân nhắc thế nào? Thái tử luôn trái tính trái nết, cho dù có ủy thác đại thần phụ chính, cũng chỉ e không áp chế được Tuân thị.”
“Tuân thị ư?” – Tôi cố ý nói – “Ta thấy Tuần Thượng rất an phận.”
“An phận ấy à?” – Công tử cười nhạt, chẳng tỏ rõ là đúng hay sai.