Đại Vũ Trụ Thời Đại

Chương 99: Cơn lũ phát minh




Ba Lệ vốn là một cô gái trầm tính, thường ngày nàng hiếm khi giao tiếp mà thường vùi đầu vào thư viện, hoặc ngồi ngơ ngẩn ở một nơi nào đó.
Thực ra, so với việc đọc sách trong thư viện hoặc ngồi ngơ ngẩn ở nơi nào đó, nàng thích ngồi đợi trong phòng thí nghiệm hơn.
Là một tân nhân loại nhĩ ngữ giả, năng lực của nàng sớm đã được khoa học nghiên cứu. Khi gặp phải vấn đề hóc búa, nhĩ ngữ giả sẽ có xác suất tiến vào một trạng thái kỳ diệu, khi ấy bên tai phảng phất vang lên tiếng nói giúp người nghe phá giải nan đề. Nhưng kỳ thật, tiếng nói kia chỉ là ảo giác, khi nhĩ ngữ giả cảm giác được tiếng nói vang lên bên tai thì thật ra, lúc ấy đại não đang hoạt động tối đa. Trong khoảng khắc ngắn ngủi đó, ước tính tốc độ suy luận và hoạt động của bộ não tăng gấp 10 lần. Vì vậy, mới có thể giúp người nghe giải quyết được các vấn đề hóc búa.
Đó là những kết quả nghiên cứu đầu tiên về nhĩ ngữ giả, cũng như là tài liệu sơ bộ về tân nhân loại của cơ quan newtypeongan. (1)
Thật ra điều này không lạ. Không có vấn đề mà khoa học không thể giải đáp, chỉ có trình độ khoa học chưa đủ mà thôi. Có sự khởi đầu kia, vô số giả thuyết ra đời, cái này thất bại thì cái sau sẽ tiếp tục. Đúng như lời một nhà khoa học từng nói – khoa học không sợ thất bại. Bởi thất bại là những viên đá tạo nên con đường thành công. Khoa học không sợ thất bại, chỉ sợ ngay cả thất bại cũng không có, đó mới là lúc khoa học diệt vong.
Điểm này, vô luận từ những kiến thức cơ học do các nhà triết học thời Hi Lạp cổ tìm ra, đến Newton với việc tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn, rồi đến sự xuất hiện của thuyết tương đối và đến vật lý lượng tử. Một loạt thành tựu khoa học xuất hiện trong lịch sử loài người là minh chứng rõ ràng nhất cho nguyên lý – khoa học không sợ thất bại.
Trên phi thuyền Hi Vọng, các hạng mục khoa học, các tiểu tổ khoa học cùng các hệ ngành cơ bản đã thành một cơ cấu hoàn chỉnh. Dĩ nhiên, so ra còn kém xa nền khoa học ở trên Trái Đất, nhưng quy mô nhỏ cũng có chỗ tốt của nó. Đó là giới khoa học trên phi thuyền Hi Vọng là một, không có quốc gia, dân tộc hay lợi ích chính trị nào chi phối. Có khác chỉ khác về ngành nghiên cứu thôi. Với trình độ phát triển khoa học kỹ thuật hiện giờ trên phi thuyền Hi Vọng, ước chừng đã bằng ¾ trình độ khoa học của nước Mỹ. Có thể nói là khá cao rồi.
Hơn nữa, giới khoa học trên phi thuyền Hi Vọng có thừa sức lực cùng tinh thần cống hiến. Bởi đây là giới khoa học hoàn toàn mới, tuy cũng có vài nhà khoa học lão thành khá bảo thủ, nhưng trong vũ trụ mênh mông tràn đầy nguy hiểm này, nếu chỉ bo bo sống theo kiểu giữ mình thì chỉ có tự diệt vong thôi. Cho nên, chỗ này không hề có hiện tượng chèn ép, hoặc ghen ghét người tài. Chỉ cần ngươi có nỗ lực và tài năng, thì việc thăng cấp từ thực tập sinh lên nhân viên nghiên cứu, rồi đến nhà khoa học dự bị không phải là không thể. Đủ thực lực thì có thể một bước lên trời, trở thành nhà khoa học, thậm chí là các nhà khoa học hàng đầu như Yvaine và Ba Lệ.
Hiện giờ, các nhà khoa học trên phi thuyền Hi Vọng đang tập trung nghiên cứu ba hạng mục lớn. Đầu tiên là hạng mục về thực vật ngoài hành tinh, nghiên cứu quá trình sản xuất ra hợp kim, năng lượng của chúng. Dù sao, lò phản ứng tinh thạch chỉ là biện pháp chữa cháy nhất thời, không phải là lò phản ứng tổng hợp năng lượng chân chính. Nói đúng ra, lò phản ứng tinh thạch hiện giờ là lò phản ứng thực vật ngoài hành tinh, nếu có thể phân tích cũng như hiểu được cấu tạo vật lý trong tinh thạch năng lượng, dùng các biện pháp cơ giới để lấy năng lượng, hiệu quả tốt hơn nhiều.
Hạng mục lớn thứ hai là nghiên cứu về tân nhân loại. Nếu phân loại theo kỹ năng, các tân nhân loại đã biết đến giờ là phản ứng giả (người phản ứng), thanh tích giả (người quan sát), dự tri giả (người cảm ứng), truyền đạt giả (người truyền đạt), nhĩ ngữ giả (người nhắc nhở), suy luận giả (người suy luận), khi phiến giả (người lừa gạt), kim năng giả (người kinh doanh???). Tổng cộng có 8 loại kỹ năng, dĩ nhiên suy luận giả bị rất nhiều khoa học phản đối, cho rằng nó không tồn tại. Bởi nếu có thể dùng kỹ năng có được trí thông minh như vậy, thì các thiên tài suy luận khác trong lịch sử là thứ gì đây? Cho nên, việc suy luận giả có thật hay không đến giờ vẫn đang được thảo luận.
Trong tám kỹ năng này, có những loại mà nền khoa học không sao giải thích được. Ví như thanh tích giả, khi Ưng sử dụng kỹ năng của mình, tốc độ quan sát sẽ nhanh tới mức nào? Nếu nhanh hơn người bình thường 10 lần, vậy khi hắn xem phim, làm sao thấy được hình ảnh trong đó, thấy được ảnh liền? Tuy nhiên, thực tế thì hắn lại thấy khá rõ ràng và chi tiết.
Hơn nữa không riêng gì tốc độ quan sát, khả năng thị lực thậm chí có thể nhìn thấy những vật có độ lớn gấp 10 lần nanômét! (2)
Được rồi, các nhà khoa học vốn không tin điều này nên đã sử dụng laser kỹ thuật nano, khắc lên một miếng kim loại mấy kí tự có độ lớn gấp 10 lần nanômét. Những ký tự này đều được lựa chọn ngẫu nhiên, đến người dùng tia laser cũng không biết những ký tự đó là gì. Nhưng trong thí nghiệm, Ưng vẫn viết lại chính xác các ký tự đó. Sau nhiều lần kiểm tra, các nhà khoa học đã phải xếp phạm trù này vào các hạng mục khoa học chưa có lời giải. Việc này càng kích thích các nhà khoa học nghiên cứu điên cuồng hơn, tựa như khi tìm thấy lục địa mới, bọn họ bắt đầu đưa ra vô số giả thuyết, rồi thí nghiệm liên tục. Trong đó giả thuyết về sự thay đổi của bộ não được nhiều người công nhận nhất.
Đó là hai hạng mục, còn hạng mục thứ ba là thứ có quan hệ mật thiết với sự an toàn của phi thuyền Hi Vọng – vũ khí chiến đấu vũ trụ.
Trước mắt ở phi thuyền Hi Vọng, bất kể quân đội hay người dân, chính phủ hoặc các nhà khoa học, tất cả đều biết sự yếu ớt của loài người. Trong vũ trụ bao la này, nền khoa học kỹ thuật của nhân loại còn lâu mới thích ứng được với cuộc sống trong vũ trụ.
Có nhận thức như vậy, đặc biệt sau sự kiện thực vật ngoài hành tinh, rất nhiều người đã đưa ra quan điểm. Đó là phi thuyền Hi Vọng tuyệt không thể chạm trán các nền văn minh ngoài hành tinh khác. Đặc biệt là các nền văn minh có khả năng du hành trong vũ trụ.
Sự lo lắng đó cũng khá bình thường. Đầu tiên, loài người chúng ta bị buộc phải rời khỏi Trái Đất lưu lạc trong vũ trụ, chứ thực ra trình độ khoa học kỹ thuật của nhân loại vẫn còn kém tới mấy trăm năm nữa mới đủ sức làm việc này. Xét theo các mốc lịch sử, con người chỉ mới đổ bộ lên vệ tinh gần Trái Đất nhất là Mặt Trăng vào thế kỷ 20, với tiến độ như vậy thì việc đổ bộ lên một hành tinh khác trong hệ Mặt Trời tối thiểu cũng phải tới giữa thế kỷ 21 mới hoàn thành.
Sau mốc đó, có lẽ loài người mới tiếp tục chế tạo các trạm không gian lớn, rồi từ từ cải tạo nó thành vệ tinh nhân tạo, phát triển thành phi thuyền vũ trụ. Những thứ này hẳn tới đầu thế kỷ 22 mới làm được.
Theo sự mở rộng của vũ trụ, loài người càng tiến gần tới việc thích ứng cuộc sống ngoài không gian, nghiên cứu những điểm mấu chốt trong việc sinh sống ngoài vũ trụ. Rồi mới thử nghiệm bằng cách đổ bộ lên những hành tinh tương đối gần Trái Đất như Kim Tinh, Hỏa Tinh. Những việc này ít nhất phải tới cuối thế kỷ 22 hoặc đầu thế kỷ 23, con người mới đủ khả năng thực hiện.
Đợi nền khoa học kỹ thuật tiến bộ thêm, thì ít nhất cũng đến giữa thế kỷ 24 mới có thể thiết kế ra phi thuyền chở người, bắt đầu thám hiểm bên ngoài hệ Mặt Trời. Như vậy, theo suy luận, để loài người có thể rời khỏi Trái Đất, sinh sống bên ngoài hệ Mặt Trời thì mốc thời gian phải vào khoảng cuối thế kỷ 25, thậm chí đầu thế kỷ 26. Còn muốn tạo thành hạm đội vũ trụ thực sự, di dời khỏi hệ Mặt Trời thì ít nhất phải tới thế kỷ 27!
Cũng chính là nền khoa học kỹ thuật tiên tiến hơn hiện giờ 600 năm!
Hai nền văn minh chỉ cần chênh lệch 100 năm thôi, trong chiến tranh đã có thể đồ sát đối phương rồi!
Nhiều người hiểu, vũ trụ không phải là nơi hòa bình hoặc màu mỡ gì. Đó là một nơi lạnh lẽo như băng, tĩnh mịch khủng khiếp. Đặc biệt, khi nhìn thấy những mảnh vỡ từ quần thể chiến hạm hư hỏng trước mắt, những người này càng thêm tin tưởng vào suy nghĩ của mình. Vũ trụ thật ra rất tàn khốc!
Do đó, từ sau bước nhảy không gian thứ 12, việc nghiên cứu vũ khí vũ trụ càng lúc càng được ủng hộ. Hơn nữa, tham gia cũng có rất nhiều các nhà khoa học nổi tiếng và xuất sắc, tỷ như nhà vật lý học người Đức – Schiele là người hăng hái nhất. Theo ông, hòa bình đích thực chỉ đến được từ sự tương quan phát triển khoa học, chứ không phải đến từ lợi ích chủng tộc. Một khi trình độ khoa học kỹ thuật cách nhau quá xa, như vậy vũ khí của hai bên cũng có khoảng cách tương tự như vậy. Do đó, bên yếu hơn chỉ có thể trở thành vật thế mạng hoặc đồ thí nghiệm cho bên mạnh thôi.
Nếu muốn duy trì nền văn minh loài người, như vậy nhất định phải phát triển vũ khí tác chiến trong vũ trụ!
Ngay sau đó, với Ba Lệ là người phụ trách, tiểu tổ nghiên cứu vũ khí chiến đấu trong vũ trụ nhanh chóng được thành lập, bắt đầu cải tiến những trang thiết bị. Vào ngày thứ ba sau khi Diêu Nguyên đưa ra sắc lệnh hạn chế bán sữa bột, phòng làm việc của hắn được một người “đặc biệt” ghé thăm.
-Ồ? Ba Lệ, quả là khách quý, sao vậy? Cần kinh phí hay vật liệu gì à?
Diêu Nguyên kinh ngạc nhìn cô bé trước mặt, đó là Ba Lệ với vẻ mặt lạnh lùng cố hữu.
Ba Lệ lắc đầu, nàng không nói lời nào ngồi xuống chiếc ghế đối diện Diêu Nguyên. Tiếp đó, nàng bắt đầu lấy từng xấp tài liệu dày cộm từ trong túi ra. Bàn của Diêu Nguyên vốn đã chất đầy văn kiện báo cáo, khi hắn thấy Ba Lệ lấy ra một hơi 10 xấp giấy thì sắc mặt đã trắng bệch, gượng cười nói:
-Từ từ từ từ, cô nhìn xem, chỗ này của ta loạn như vậy rồi. Toàn là những chuyện liên quan tới việc trẻ sơ sinh trong khoảng thời gian gần đây. Đúng rồi, khoang thuyền gắn bên ngoài cũng phải được tiến hành, còn có tình hình bệnh tật của mấy con bò chết tiệt trong khu sinh thái nữa. Chắc là bệnh truyền nhiễm rồi. Có gì cô cứ nói thẳng đi, cần gì nào?
Trong mắt Ba Lệ thoáng hiện nét cười, bất quá gương mặt nàng vẫn lạnh lùng như cũ. Nàng nhìn Diêu Nguyên nói:
-Thiết bị cảm ứng va chạm lúc trước ngươi nói đã hoàn thành, bất quá vẫn cần tàu con thoi thử nghiệm. Về phần vũ khí Gauss…Đáng tiếc, tuy đã có những lý thuyết cơ bản về nó cũng như các dữ liệu thí nghiệm, nhưng việc đem nó ra thực chiến thì còn xa mới làm được. Điều quan trọng là năng lượng. Chúng ta không có pin năng lượng nào đủ dung lượng để duy trì cho nó. Cho dù với kiểu pin mới nhất, vũ khí Gauss chỉ dùng tối đa 2 phút là hết. Ngươi hẳn không hi vọng khi đang chiến đấu thì súng bỗng dưng tắt điện, thành cục sắt vụn chứ?
Diêu Nguyên đứng lên, vừa đi vừa nói:
-Tổ của cô gần đây nhất đã có hơn mười phát minh mới, vượt qua sự dự đoán của ta cùng các nhà khoa học khác. Với tình huống hiện giờ, bọn họ dự đoán có thể cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới đã bắt đầu. Bất quá, ta biết vai trò của cô trong đó. Được rồi, có gì cứ nói thẳng đi. Lăng Ba Lệ, cô cần gì? Chỉ cần hợp lý thì bất cứ cái gì ta cũng sẽ cấp cho cô.
-Robot.
Ba Lệ căn bản không hề để ý tới ba chữ “Lăng Ba Lệ” kia, nàng bình tĩnh nói:
-Ta muốn các robot mà ngươi cùng các đồng đội lấy được trong căn cứ. Từ mảnh vỡ cho đến những robot hoàn chỉnh. Những robot này chứa đựng kỹ thuật Gauss sơ khai, ta muốn bọn chúng!
Chú thích:
1/Newtypeongan: Thật ra đến giờ mình vẫn không rõ nghĩa chính xác của từ này là gì. Nhưng mình cũng xin giải thích theo cách hiểu của mình.
Từ này được ghép lại từ hai từ newtype và ongan.
-New type: loại mới hoặc chủng loại mới. Ở đây mình hiểu đó là tân nhân loại.
-Ongan: Theo mình thật ra đó là từ organ - tổ chức, cơ quan. Đây có thể là một lỗi đánh máy khi chuyển từ file ảnh sang file dạng text. Hoặc cũng có thể là mục đích của tác giả. Ai biết được. Sau này nếu có sai sót hoặc bổ sung thì mình sẽ edit sau.
2/Nanômét (nm): 1nm= 10^-9 m