Đại Tranh Chi Thế

Quyển 5 - Chương 280: Nam chinh Bắc chiến




Trong lúc biến loạn ở Tấn quốc làm cả trung nguyên rung chuyển, ở tận lưu vực Hoài Thủy, Tứ Thủy phía Đông xa xôi, Đông Di tiến hành đại điển lập quốc long trọng, Dư Khâu thành ngày nào nay trở thành kinh đô, đúc bảo đỉnh, tế Thiếu Hạo, sáu mươi bốn bộc lạc lớn nhỏ cùng tề tụ tham gia khai quốc đại điển, tám họ tộc đứng đầu đương nhiên không thể vắng mặt.

Vì Tần quốc và Sở quốc có dây mơ rễ má thời xa xưa với Đông Di nên nể mặt phái sứ giả đến chúc mừng, trong đó Tần quốc là long trọng nhất, vì trước đó Tần vương tiếp kiến sứ giả Đông Di Đan Ô, còn nhận lời thừa nhận nữ vương Doanh Thiền Nhi làm tộc muội, thậm chí còn long trọng viết cả tên nàng vào tộc phả.

Hành động này thiết lập mối quan hệ thân thiết giữa Tây Tần và Đông Di hơn cả cách kết thân bằng cách gả công chúa, cũng như Chu Công tách hậu nhân của nhà Thương thành hai nước Vệ, Tống, nhưng không tách được tình cảm sâu nặng giữa hai dân tộc cùng máu mủ. Đông Di và Tần cùng là hậu duệ của Thiếu Hạo, cùng mang họ Doanh, trong thời đại coi trọng quan hệ gia tộc, các nước chư hầu trong thiên hạ có tám phần mang họ Cơ, duy chỉ có Đông Di và Tây Tần cùng dòng họ, Tần quốc đương nhiên tỏ thái độ ủng hộ nhiệt tình việc Đông Di lập quốc.

Tần quốc ủng hộ và chấp nhận, không chỉ nâng cao thanh thế của Thành Bích, còn xác nhận chắc nịch thân phận của nàng, trước đó gần ngày lập quốc, có không ít lời ra tiếng vào nghi ngờ nàng không phải là hậu nhân của Thiếu Hạo, giờ đây Tần vương nhận Doanh Thiền Nhi làm tộc muội, ghi tên vào tộc phả, lời đồn tự động tan biến, dân chúng Đông Di vốn đôn hậu không còn nghi ngờ thân thế của Doanh Thiền Nhi đã đành, ngay cả các tộc trưởng phản đối lập quốc cũng không còn cớ để vịn vào tiến hành phản đối nàng lập quốc.

Điểm này đám người Thành Trí Ngọ không ngờ tới, họ cứ tưởng Doanh Thiền Nhi kết giao vơi Tần sẽ phá vỡ mối liên minh với Ngô, không hề nghĩ tới dụng ý thật sự của Doanh Thiền Nhi chỉ là muốn danh chính ngôn thuận lên ngôi, thân phận được thừa nhận.

Còn phía Ngô, đến giờ không thấy có gì bất mãn với việc Đông Di lập quốc, Ngô quốc cử sang đội ngũ sứ giả đông đúc long trọng, lấy cớ đề phòng có kẻ phá hoại và đám cường tặc ở Chung Ly cốc làm loạn, Lương Hổ Tử tướng quân dẫn quân phụ trách toàn bộ an ninh thành Dư Khâu, đảm bảo không ai dám mạo hiểm đối đầu với đại quân Ngô quốc đến quấy rối.

Sau khi Doanh Thiền Nhi đăng cơ, lập tức phong quan ban tước cho mọi người, tất cả tộc trưởng lớn nhỏ của Đông Di đều được căn cứ chức vụ lớn nhỏ hiện tại phong quan. Đám người Thành Trí Ngọ đương nhiên không để tâm, họ xưa nay phản đối lập quốc, gần đây vì bị suy tổn thực lực phải gật đầu đồng ý, nhưng vẫn ngấm ngầm chỉ đạo số ít bộ lạc nhỏ phụ thuộc mình gây xung đột với quân Ngô và hai bộ lạc lớn Doanh thị, Phong thị.

Những việc này Doanh Thiền Nhi đương nhiên biết rõ, nhưng nàng đang cần tạo lập uy tín, thái độ mềm mỏng của nàng khiến đám người Thành Trí Ngọ càng làm tới, chúng cho rằng Doanh Thiền Nhi chẳng qua chỉ là một nữ nhân, nàng chỉ biết giở chút thủ đoạn thu phục nhân tâm, còn việc lớn chắc không làm nên trò trống gì.

Doanh Thiền Nhi vừa lập quốc được năm ngày, Đại tư không Thành Trí Ngọ cuối cùng cũng nhận được tin hắn mong chờ lâu nay: Tống quốc tuyên chiến với Ngô. Theo như tin tức truyền về, liên quân Vệ Tống thừa lúc Tấn quốc nội loạn phản kích thành công, thu hồi lãnh thổ bị mất của Vệ, khí thế quân Tống đang lên, bèn lên tiếng đòi lại Bành thành với Ngô, Ngô vương Khánh Kỵ từ chối, Tống quốc xuất binh tập kích trong đêm, phái quân theo đường cống rảnh lẻn vào trong thành mở toang cổng, Xích Trung đại bại mất Bành thành, Khánh Kỵ điên tiết lệnh cho Anh Đào dẫn đại quân đóng tại Hàn Ấp đợi lệnh, còn phái người mang hổ phù đến Đông Di đưa cho Lương Hổ Tử bảo hắn điều quân đi trợ chiến, thề quyết đoạt lại Bành thành.

Lương Hổ Tử sau khi nhận lệnh không dám trễ nải, lập tức tập hợp đại quân cáo từ với nữ vương Doanh Thiền Nhi, ngày đêm lên đường đến Bành thành. Lương Hổ Tử vừa đi khỏi, tâm phúc của Thành Trí Ngọ lập tức rời khỏi Dư Khâu thành, chạy đến liên lạc Chung Ly cốc.

Khánh Kỵ từ khi dẫn quân thảo phạt Hạp Lư cho đến phục quốc, đánh trận nào thắng trận đó, sau khi đăng cơ lại đưa ra nhiều chính sách thiết thực, Ngô quốc ngày một lớn mạnh, nhưng năm nay không biết có phải là năm xui xẻo không? Chuyện không may liên tiếp xảy ra.

Tống quốc xua binh tấn công, thượng tướng quân mới lên chức Xích Trung sơ suất để mất Bành thành, Lương Hổ Tử vừa được điều đi trợ chiến, Công Sơn Bất Nữu và Trọng Lương Hoài ở Chung Ly cốc giết chết Cổ Quân Hải, sau đó dẫn quân đánh chiếm Dư Khâu thành.

Không biết có phải là có người tiếp ứng, quốc gia mới thành lập này chưa kịp phòng bị, đám cường đạo của Công Sơn Bất Nữu dễ dàng đánh vào thành, nữ vương Doanh Thiền Nhi được các thuộc hạ trung thành bảo vệ trốn khỏi Dư Khâu, đang tạm lui về trấn thủ tại vùng núi hiểm yếu của bộ lạc Doanh thị.

Thành Trí Ngọ lấy lí do Doanh Thiền Nhi xưng vương mới chín ngày đã để mất kinh đô, phản lại lời thề chấp nhận cho nàng làm quốc vương, sau đó thỏa thuận với Công Sơn Bất Nữu và Trọng Lương Hoài cắt đất cầu hòa, cùng đám đại đạo này xua quân tấn công bộ lạc Doanh thị.

Doanh Thiền Nhi trước giờ luôn tỏ ra yếu đuối lập tức ra chiếu chỉ hạ lệnh dẹp yên phản tặc. Lúc này đám người Thành Trí Ngọ mới biết trúng kế của ả nữ nhân này, lúc trước tuy họ không ủng hộ Doanh Thiền Nhi, nhưng xách động người trong bộ lạc xung đột nhau có thể giải thích là vì lợi ích bộ lạc, nay họ đã chịu đồng ý lập quốc chấp nhận chức quan Doanh Thiền Nhi phong tặng, đột nhiên dấy quân kiểu này chắc chắn gánh lấy tội danh phản loạn, Doanh Thiền Nhi có xua quân bình loạn, thậm chí mượn quân từ Ngô quốc, tất cả đều có danh nghĩa hợp tình hợp lí rõ ràng.

Đến bước đường này, đám người Thành Trí Ngọ hối hận thì đã muộn, cũng may còn một điều an ủi là quân Ngô đang bận chinh chiến với Tống, chắc không có binh lực giúp đỡ ả nữ nhân này.

Khánh Kỵ vừa gầy dựng uy danh tột đỉnh, nay gặp hết thất bại này đến thất bại khác, tức giận điên người. Nếu không đoạt lại Bành thành, Đông Di vừa được hắn ủng hộ lập quốc đã không giữ nổi, Ngô vương Khánh Kỵ chắc trở thành trò cười cho thiên hạ, vì lợi ích cá nhân hay đất nước, Khánh Kỵ cũng phải gắng đánh đến cùng, nhằm bảo vệ uy danh bá chủ Đông Nam của hắn, thế là Khánh Kỵ ra lệnh đại quân của Anh Đào lên đường, trong nước gấp rút tiếp tế lương thảo tiến lên Bắc phạt.

Việt thái tử Câu Tiễn nhận được tin tình báo từ Ngô quốc truyền về cười to khoái trí, lập tức đi gặp Việt vương Doãn Thường. Việt vương Doãn Thường đang dùng cơm sáng, nghe tin vui mừng ăn thêm vài chén cơm, chứng đau đầu bị Chúc Dung chọc tức sinh bệnh cũng khỏi hẳn.

Việt vương Doãn Thường đã sớm chịu hết nổi bị Ngô quốc hà hiếp, nếu không phải Câu Tiễn khuyên can, hắn đã mấy lần ra lệnh xua quân đánh Ngô rồi, dù sao Việt đánh Ngô cũng không phải lần đầu, thua trận thì cống nạp vàng bạc châu báu và mỹ nhân cầu hòa thôi. Người Ngô mấy trăm năm qua có diệt được Việt quốc đâu mà sợ? Hơn nữa bên cạnh Ngô quốc còn có nước Sở hùng mạnh lăm le dòm ngó, người Ngô đâu dám dốc toàn lực đáng Việt, kết quả cuối cùng lúc nào cũng là chấp nhận cầu hòa.

Thế nên trước giờ Doãn Thường luôn không e dè việc phạt Ngô, nhưng hắn xưa nay luôn tin vào tài trí của thái tử Câu Tiễn, nên mới nhẫn nhịn đến bây giờ, nay Câu Tiễn tán thành xuất binh, Doãn Thường mừng rơn, liền phái đại phu Duệ Dong đi sứ sang Sở bí mật liên lạc với Phí Vô Cực, chuẩn bị liên minh xua quân phạt Ngô.

Câu Tiễn vì thận trọng nên còn phái đại tư đồ Hạo Tiến đến quốc khố lấy ra gấm vóc năm vạn cuộn, mật ong chín ngàn hủ, da cáo năm trăm tấm và vô số lễ vật quý đi sứ sang Ngô đem dâng tặng Ngô quốc. Lấy danh nghĩa là nghe nói Ngô quốc chuẩn bị Bắc phạt, Việt quốc thân làm nước phụ thuộc đến tỏ chút lành thành, làm ra vẻ thần phục cho Ngô mất cảnh giác, đồng thời thừa cơ thám thính thực hư bố trí binh lực trong Ngô thế nào? Khánh Kỵ có ngự giá thân chinh hay không?

Hạo Tiến đi sứ sang Ngô, bí mật liên hệ với tai mắt rải đầy ở Ngô, lợi dụng thân phận sứ giả đến cống nạp lễ vật thu thập tình báo đưa về cho Câu Tiễn.

Lúc này, Úc Bình Nhiên theo lệnh Khánh Kỵ đã đến Lỗ quốc, trước là bái kiến Lỗ quân Cơ Tống, sau đó tìm đến xin gặp nhạc phục Thúc Tôn Ngọc của Khánh Kỵ, nhà Thúc Tôn xưa nay nắm quyền ngoại giao ở Lỗ, làm sứ giả đi gặp hắn là chuyện bình thường, hơn nữa hắn còn là nhạc phụ của Ngô vương, lấy lí do nào cũng ổn thỏa cả.

Thúc Tôn Ngọc nghe Úc Bình Nhiên trình bày xong việc mượn thuyền, nghĩ đến Khánh Kỵ là con rể của mình, thế lực của nó mạnh lên thì cũng có lợi cho hắn, địa vị của hắn ở Lỗ càng thêm vững chắc, thế là gật đầu đồng ý, còn tìm cách gọi Quý Tôn Ý Như qua nhà bàn bạc nữa.

Quý Tôn Ý Như có giúp Ngô hay không đều không thành vấn đề, hắn chỉ lo một điều, đó là Cơ Tống còn tức tối việc bị Quý Tôn Tiểu Man từ hôn, nay Tiểu Man trở thành hoàng phi của Khánh Kỵ, vì thế làm sao vừa giúp được Khánh Kỵ, vừa không đắc tội Cơ Tống, hắn cần thời gian để suy nghĩ.

Cứ thế cù cưa thêm mười mấy ngày, họ vẫn chưa tìm ra cách vẹn cả đôi đường, lúc này tin Tề quốc ra mặt bình loạn ở Tấn quốc đã truyền về Khúc Phụ, Quý Tôn Ý Như tuy không tài giỏi nhưng cũng hiểu ra Tấn quốc sụp đổ, không lâu nữa Tề sẽ lên ngôi bá chủ, Lỗ quốc nằm ngay dưới Tề sẽ trở thành miếng mồi ngon bị cắn trước tiên, chỉ còn cách giúp Ngô đưa quân Bắc tiến dẹp loạn ở Đông Di, có thêm quân Ngô hỗ trợ chống Tề dù sao cũng tốt hơn, có như thế quyền lực lợi ích của hắn ở Lỗ mới không mất đi.

Vì vậy Quý Tôn Ý Như không do dự nữa, lập tức đồng ý yêu cầu mượn thuyền của Úc Bình Nhiên, hai nhà Thúc Tôn thị và Quý Tôn thị đã đồng ý, Mạnh Tôn thị đương nhiên cũng dễ dàng thuyết phục, liền sau đó Tam hoàn cùng tỏ thái độ cứng rắn ép quốc quân Cơ Tống đóng ấn chấp nhận cho Ngô mượn thuyền.

Khổng Khâu đang phụ trách việc thủy lợi nghe tin dâng sớ can ngăn, hắn cho rằng tuy Tề hùng mạnh nhưng không có ý tiêu diệt Lỗ mà chỉ muốn áp chế Lỗ, còn Ngô vương Khánh Kỵ hùng tâm tráng chí, nếu giúp đỡ Ngô vương, sau này Ngô quốc chắc thành mối họa tiềm ẩn. Nay Lỗ và Ngô là liên minh, nếu không muốn đắc tội với Ngô có thể đưa quân đi Đông Di lấy danh nghĩa giúp Ngô dẹp loạn, làm vậy vừa có ơn với Ngô, vừa không trực tiếp tiếp xúc với quân Ngô, đồng thời lại nâng cao uy danh nhân nghĩa của Lỗ quân.

Ai ngờ tấu sớ của Khổng Khâu như đá trôi vào biển, dâng lên xong là bặt vô âm tín, Khổng Khâu không nản lòng dâng liền mười mấy tấu sớ, cuối cùng hắn cũng nhận được hồi âm, nhưng là một chỉ ý lạnh lùng của Cơ Tống: “Khổng Khâu trị thủy bất lực, phụ kỳ vọng của quả nhân, nay bãi miễn chức Đại tư khấu, từ đi nhiệm vụ trị thủy, giáng xuống làm đại phu.”

Khổng Khâu xem xong ý chỉ của Cơ Tống, trong lòng nhói đau, tấm thẻ tre rơi bộp xuống đất, đứng im chết lặng, trong phút chốc dường như già đi mất mười tuổi…