Đại Tranh Chi Thế

Quyển 3 - Chương 201-1: Tường đồng vách sắt (Thượng)




Quân biên giới Tây Bắc của người Sở đang phối hợp với quân Tần, dốc sức chiến đấu với đại quân Tấn quốc đang đi xuống phía Nam. Mà một vài bộ lạc Tam Miêu ở phía Nam người Sở, thậm chí ngay cả một vài tiểu bá quốc vốn thần phục Sở quốc cũng đã bắt đầu rục rịch ổn định quốc nội. Tình hình như vậy, cho nên không thể tác chiến nhiều mặt, vì thể tiểu Sở vương và các quần thần vừa mới trở về Dĩnh Đô liền gặp phải một sự lựa chọn: triệu tập đội quân cần vương đánh theo quân Ngô ở phía Nam, lợi dụng cuộc tranh đoạt vương vị của Khánh Kỵ cùng Cơ Quang mà nhân cơ hội tiêu diệt quân đội của Cơ Quang; hay là lưu lại bảo vệ xung quanh đô thành, sau đó phân nhân mã ra làm hai, một bộ phân đi đàn áp bộ lạc Tam Miêu cùng với những tiểu bá quốc đang có phản tâm, một bộ phận khác phái đi tiếp viện cho quân biên giới Tây Bắc, đánh cho người Tấn về chầu ông bà ông vải.

Cuộc thảo luận rút ra được một nhất trí lạ thường, gần như tất cả công khanh đại thần đều lựa chọn con đường thứ hai. Lý do là bởi sự cường đại của Tấn quốc, người nước Ngô chỉ như một con sói dưới chân một con voi. Con sói có thể tha đi một miếng thịt, còn con voi lại có thể san bằng cả giang sơn Sở quốc. Nếu người Tấn đả bại người Tần, Tề Tấn liên quân đánh xuống phía Nam, thì thế cục toàn bộ thiên hạ sẽ thay đổi, Sở quốc mất nước cũng không có gì là lạ.

Về phần Ngô quốc thì họ lại không dám mạo hiểm, chi bằng cứ để mặc cho Khánh Kỵ cùng Cơ Quang tự giết lẫn nhau, cho dù là ai thắng thì cũng là thắng thảm, khi đó tuyệt đối sẽ không có lực lượng nào lại một lần nữa xâm nhập vào Sở quốc. Sở quốc nếu kết minh với Tần đả bại liên quân Tề Tấn, thì chính là bá chủ thiên hạ, khi đó quay lại đối phó với Ngô quốc chỉ dễ như trở bàn tay, huống chi, Sở quốc gặp phải đại nạn, cũng cần phải ổn định lại bên trong. Một hồi thương nghị xong xuôi, tiểu Sở Vương nghe thấy ai nói cũng có đạo lý, cuối cùng đành nhờ Phí Vô Cực làm chủ, lựa chọn quyết định thứ hai.

Những công khanh đại phu đưa ra lựa chọn như vậy, chân chính là có người sợ sự hung mãnh của người Ngô; có người quả thật là tính toán lâu dài, cảm thấy rằng nếu chưa giết đi người Tấn thì cảnh nội nước Sở vẫn còn bị uy hiếp; có người lại bởi vì gia chủ bị Bá bắt đi, bắt làm tù binh, ước gì gia chủ vĩnh viễn không cần trở về, gia tộc lại phân phối lại quyền lực, chính mình là tinh anh trong gia tộc có thể được phân một chén canh, đủ loại lý do các loại, phần lớn là không nói ra với người ngoài.

Phí Vô Cực chờ các công khanh thống nhất ý kiến, lập tức lấy danh nghĩa Sở vương, sai Tử Tây dẫn một lộ quân đi Tây Bắc tiếp viện, đối kháng quân Tấn, sai Yên tướng soái dẫn quân đi phía Nam đàn áp những bộ lạc Tam Miêu đang rục rịch cùng với những bá quốc dã tâm bừng bừng, rồi lập tức lấy cớ thắng lợi đuổi đi được người nước Ngô, xếp các thân tín và người của mình vào khắp các vị trí, chính mình lại vất vả lao tâm khổ tứ, chẳng những tiếp nhận chức lệnh doãn của Nang Ngõa, hơn nữa còn một thân mà kiêm cả tam công, quyền hành khuynh đảo đương triều, uy phong không ai bì kịp.

Đại quân Khánh Kỵ từ Bách Tân hồ nhập vào Trường Giang, đi xuống hơn mười dặm mới giương buồm đi nhanh. Trên dòng Trường Giang, mấy trăm chiến hạm giương cờ, đón gió đi về phía Đông. Ngẫu nhiên có một vài chiếc thuyền đánh cá trên bờ sông, thấy một đại đội chiến hạm không cần mái chèo trước kia chưa từng thấy, một đám không khỏi trợn mắt há hốc mồm. Gió thổi phần phật, kích động cánh buồm, hơn nữa dòng chảy của sông vốn là về hướng Đông, cho nên tốc độ cũng rất mau.

Ban đầu Yểm Dư công tử còn muốn cho người chèo thuyền, để cho thuyền đi nhanh hơn một ít, chỉ có điều chiến thuyền kiểu mới này, những người chèo thuyền vẫn còn chưa quen sử dụng, cho người chèo thuyền tuy rằng tốc độ có nhanh hơn, nhưng nắm giữ bánh lái còn chưa tốt, một con thuyền phía trước thẳng tắp nhắm ngay vào đá ngầm mà đâm vào. Cũng may là đã được Khánh Kỵ gợi ý, chiến hạm nào cũng được thiết kế một khoang thuyền kín, cho nên chiến thuyền đó cũng không đến mức chìm nghỉm, nhưng Khánh Kỵ không có thời gian sửa thuyền, liền để cho những sĩ tốt trên thuyền đó ở lại phía sau sửa tàu, đại quân lại chậm rãi đi tới Giang Đông, Yểm Dư cũng không dám đưa ra chủ trương lung tung nào đó nữa.

Ngô Vương Hạp Lư sớm đã làm đủ loại bố trí cho đường lui, một đường đi không gặp chút trở ngại nào. Tới khi hắn đi qua Sào thành, sắp vượt Giang Đông để tiến vào đất Ngô quốc, thì những thủ vệ mới được bố trí bên bờ sông cho biết đội thuyền Khánh Kỵ không ngờ đã đi qua đây từ ba ngày trước rồi. Ngô Vương Hạp Lư nghe thấy thế thì tim như muốn nhảy ra, hắn vô luận thế nào cũng không nghĩ ra, thuyền của Khánh Kỵ sao lại có thể chạy nhanh hơn hắn. Tới khi nghe binh lính phòng thủ kia kể rõ việc chứng kiến đoàn thuyền Khánh Kỵ, thấy có chỗ khác thường, Hạp Lư cùng Ngũ Tử Tư, Bá các tướng hai mặt nhìn nhau, bọn họ mặc dù còn chưa biết Khánh Kỵ đụng tay đụng chân gì vào thuyền, nhưng cũng mơ hồ đoán ra được hắn dựng trên thuyền một cái cột cao, chắc là trên đó treo một tấm ván gỗ thật lớn.

"Sức gió, đây là mượn sức gió mà đi..., hắn... sao lại có thể nghĩ ra chủ ý như vậy, từ khi gặp chuyện trên Trường Giang, Khánh Kỵ giống như thay đổi thành con người khác, hay là có thần trợ giúp?"

Một ý niệm xuất hiện, trong lòng Ngũ Tử Tư chấn động, nhưng hắn lập tức phủ định đi ý nghĩ của chính mình: "Không có khả năng, nếu thần linh thực có mắt, sao có thể trơ mắt ngồi xem Ngũ gia ta một nhà trung liệt lại bị đồ sát, Khánh Kỵ... hẳn là có một cao nhân ẩn dật tương trợ, mới có thể có biến hóa như thoát thai hoán cốt như vậy."

Ngũ Tử Tư nghĩ đến đây, vội nói: "Đại vương không nên kinh hoảng, từ khi biết Khánh Kỵ ở Lỗ quốc có một đội phục binh, thái tử điện hạ đã tăng cường đề phòng Cô Tô thành. Thái tử điện hạ túc trí đa mưu, Phu Khái công tử anh dũng thiện chiến, Cô Tô thành mà thần mới xây, lại chính là hùng thành đệ nhất Giang Đông, Khánh Kỵ cho dù chạy về Ngô quốc sớm hơn chúng ta mấy ngày, cũng không thể công được Cô Tô thành."

Nói tới đây, hắn vừa kiêu ngạo vừa tự phụ nói: "Với sự hùng vĩ hiểm trở của Cô Tô thành, chỉ cần phòng thủ thỏa đáng, không có mười vạn đại quân vây khốn ba năm, thì không thể đoạt thành mà vào. Chúng ta hiện tại trở về, lại có thể ngăn đường lui của Khánh Kỵ, khiến cho hắn hai mặt thụ địch, chắc chắn sẽ bị giết dưới thành Cô Tô."

Mặc dù được Ngũ Tử Tư xoa dịu, nhưng trong lòng Hạp Lư vẫn không yên, hắn lập tức phân phó qua sông, đẩy nhanh hành trình tiến về Cô Tô thành. Lúc này, đại quân Khánh Kỵ cũng đã đổ bộ lên bờ, ngày đêm chạy tới Cô Tô, cách Cô Tô thành chỉ còn hai ngày lộ trình.

Lúc này Tôn Vũ đang dẫn quân tới Thái Hồ nghỉ ngơi và chỉnh đốn, cũng phái nhân mã đi ngóng chờ hắn đến. Sau khi Chúc Dung bí mật chạy tới Vũ Nguyên để xúi giục quân trông giữ nơi đó tạo phản, Tôn Vũ cùng với vài vị lữ soái của hắn chia nhau suất lĩnh vài đội nhân mã xen kẽ phía sau, hội hợp ở bờ sông, biết Phu Khái vẫn tọa trấn ở Hàn Ấp chưa trở về, nghĩ rằng đây là một cơ hội khó có được, liền phái một đội nhân mã ra vẻ là một đội bán dạo đi vào Cô Tô thành, trong ngoài phối hợp cướp lấy Cô Tô.

Cho đến khi tới được Cô Tô thành, liên hệ với mật thám, biết được bố trí tường tận của Cô Tô thành, Tôn Vũ mới biết Cô Tô thành dễ phòng thủ khó tấn công, giống hệt như tường đồng vách sắt, sự hùng vĩ hiểm trở còn hơn xa khả năng dùng ngôn ngữ để miêu tả của mật thám. Đô thành này là do Ngũ Tử Tư tự mình đốc thúc xây dựng, thập phần chú trọng vào thiết kế phòng ngự quân sự, Phù Sai cũng có bản lĩnh thủ thành, Tôn Vũ vừa tới Cô Tô thành biết được những tư liệu này, liền biết phỏng đoán ban đầu của mình có khi là chính xác, tòa thành này căn bản là không thể dùng binh mã của hắn mà mạnh mẽ công phá được.

Phù Sai là một người trẻ tuổi chưa tới nhược quán lấy thân phận thái tử giám quốc, tọa trấn Cô Tô thành. Trong việc phòng ngự Cô Tô thành, đã biểu hiện ra khả năng quân sự trác tuyệt của hắn. Phù Sai đã nhận được tin tức của những binh lính trốn về từ biên cảnh Ngô Việt, Tôn Vũ còn chưa tới, Cô Tô thành đã tiến vào trạng thái toàn diện chuẩn bị cho chiến tranh.

Sự cảnh giới mở rộng ra cả ba mươi dặm xung quanh Cô Tô ngoài thành, Phù Sai di chuyển toàn bộ người nước Ngô trong vòng ba mươi dặm vào trong thành, tất cả nhà cửa trong vòng ba mươi dặm toàn bộ san bằng, đốt hết toàn bộ cây cối, hạ độc dược vào nước giếng, thực hiện vườn không nhà trống.

Cách mười dặm xung quanh Cô Tô thành bắt đầu dựng lầu quan sát, cứ cách trăm bước lại dựng một lầu quan sát, trên là ba gã Ngô quân, phụ trách trinh sát cảnh giới, ban ngày phát hiện quân địch thì phất cờ cảnh báo, ban đêm phát hiện quân địch thì đốt lửa cảnh báo. Muốn phái vào một đội nhân mã, dùng vũ lực cướp lấy cửa thành, sau đó phục binh bên ngoài thành mạnh mẽ đoạt thành là không có khả năng. Đại quân nếu tới, từ lúc ở ngoài mười dặm đã bị phát hiện, quân Ngô lập tức sẽ đứng đầy tường, một đội phục binh cho dù có vào được Cô Tô thành, thì cũng làm gì có cơ hội tiếp cận cổng thành?