Đại Tranh Chi Thế

Quyển 3 - Chương 197-1: Đánh úp sau lưng (Thượng)




“Mọi người xem.” Khánh Kỵ chỉ lên tấm bản đồ nói: “Phía Tây chỗ này là Ngư Phản, phía Đông chỗ này là Quyền Ấp, ở giữa là con sông La Giang, tàn quân của Sở đều tập trung cả ở đây. Mặt nam là Dĩnh Đô, mặt bắc khe núi này là thành Na Xứ chúng ta đang chiếm giữ. Nếu chúng ta xuất binh đi cứu quân Sở tại La Giang, Dĩnh Đô cũng xuất quân chặn đường chúng ta, sau đó quân Ngô tại Ngư Phản và Quyền Ấp sẽ tấn công hậu quân của ta, chúng ta cùng lúc bị đánh cả trước mặt sau lưng, làm không tốt thì cũng rơi vào tình cảnh của đám quân Sở này, mất đi thành trì hiểm yếu, lưu lạc tới vùng La Giang, đợi Tử Tây đến cứu, lúc đó cứu người không được, lại tự hại thân mình, sao có thể xuất binh đi cứu chứ?”

Đôi mắt Yểm Dư chớp chớp, đã hiểu ra vấn đề, nói: “Nếu quân Ngô lấy tàn quân của Sở tại La Giang làm mồi nhử, mục đích thật sự là nhằm vào chúng ta, vậy chúng ta hãy làm ra vẻ như muốn đưa quân đi cứu quân Sở, đánh trống khua chiêng tiến về La Giang, giữa đường ta thay đổi đột ngột, chỉ để lại ít người dẫn dụ quân địch, còn đại đội binh mã bất ngờ tấn công Ngư Phản hoặc Quyền Ấp, tương kế tựu kế cướp thành trì của chúng, có phải vậy không?”

Khánh Kỵ cười ha hả: “Hoàng thúc đoán đúng lắm, nhưng phải để lại ít quân thủ thành, quân chủ lực đi tấn công Quyền Ấp hoặc Ngư Phản, kết quả cuối cùng có thể là chiếm được một thành, mất một thành. Thành Nã Thứ nằm giữa Quyền Ấp và Ngư Phản, hồ Bách Tân từ khi biến thành xưởng đóng thuyền của quân ta, đã trở thành cứ điểm quan trọng quyết định đại nghiệp phạt Ngô sau này của ta có thành công hay không, nên cũng không thể khinh suất điều quân rời đi tiến đánh Quyền Ấp hoặc Ngư Phản. Ý của ta là…giả bộ xuất quân đến cứu viện La Giang, giữa đường chuyển sang tấn công Ngư Phản, sau đó…”

Ngón tay của Khánh Kỵ chỉ ngay vị trí của thành Na Xứ trên bản đồ, gằn từng tiếng một: “Một là hư chiêu, hai cũng là hư chiêu, ba mới là đánh thật. Chúng ta tương kế tựu kế, đợi khi quân Ngô tập kích thành Nã Thứ, đại quân quay về sau lưng chúng, đâm cho chúng một nhát hồi mã thương.”

Kinh Lâm không hiểu thế nào là “Hồi mã thương”, nhưng ý của Khánh Kỵ thì hắn đã hiểu ra, phấn khích khen ngợi: “Công tử quả nhiên diệu kế! Chúng muốn dụ chúng ta rơi vào bẫy mai phục, ngược lại rơi vào bẫy mai phục của chúng ta. Công tử thần cơ diệu toán như thế, lần này phạt Ngô phục quốc, đại sự tất thành.”

Khánh Kỵ khẽ lắc đầu, nghiêm nghị: “Binh sĩ có suy nghĩ như vậy, có thể nâng cao sĩ khí chiến đấu, nhưng thân làm tướng lĩnh, tuyệt đối không được tự tin thái quá, nên biết kiêu binh tất bại, trong binh pháp tuy có đề cập dùng binh tập kích bất ngờ giành thắng lợi, nhưng thắng lợi cuối cùng phần lớn thuộc về kẻ nào dùng binh lực hùng mạnh giao chiến chính diện. Cái gì mà lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh trong binh gia không phải là không có, chỉ là có quá ít, chính vì vậy mới được người ta xem như kinh điển, ngoài ra đó chỉ quyết định thành bại trong một trận chiến, cực ít trường hợp xoay chuyển được cục diện cả chiến dịch.”

Ánh mắt Khánh Kỵ dõi theo phương xa, tự nói với mình: “Cho dù có là Binh thánh, binh lực cũng là tiêu chuẩn duy nhất quyết định tất cả. Cầm ba vạn quân trong tay, thiên hạ không ai địch lại, chỉ là một câu tâng bốc không đúng với thực tế, cũng như Khánh Kỵ ta bị người ta nói thành vạn người khó chống lại, cứ cho một trăm binh sĩ vây kín ta, ta có mọc cánh cũng khó mà chạy thoát thân.”

Kinh Lâm thấy chủ soái nói có vẻ nghiêm trọng, liền luôn miệng nhận lỗi. Yểm Dư không biết hắn đang lo về cánh quân mấy ngàn người do Tôn Vũ thống lĩnh có nhiệm vụ tập kích bất ngờ vào Ngô quốc, những lời vừa nãy nghe hắn nhắc đến xưởng đóng thuyền, trong lòng chợt nổi lên một khúc mắc, liền lên tiếng hỏi: “Khánh Kỵ, cháu bản lĩnh đầy mình, điều đó ta biết. Luận về kiếm pháp, cháu không bằng ta. Luận về mâu pháp, ta không bằng cháu. Cháu trời sinh đã có thần lực, trên chiến trường ít có địch thủ, được xưng tụng là Đệ nhất dũng sĩ Ngô quốc, điều đó cũng xác đáng thôi. Nhưng nói về dẫn quân đánh trận, cháu luôn quen việc dẫn quân đường đường chính chính giáp chiến chính diện với quân địch, không giỏi về việc dùng mưu mẹo, bây giờ thói quen dụng binh của cháu so với hồi năm ngoái lúc rời khỏi Sở khác nhau một trời một vực. Còn nữa, cháu đường đường là vương tử Ngô quốc, sao lại biết nghiên cứu ra máy xay, bánh xe gió, rồi mấy thứ thuyền buồm, bánh lái gì đó? Ta nghe nói, bàn chải đánh răng mà hiện nay các công khanh quý tộc khắp các nước chư hầu đều thích dùng cũng do cháu thiết kế làm ra, cháu làm ra tất cả bao nhiêu thứ, khiến ta khó mà tin đó là sự thật.”

Nghe những lời này, Khánh Kỵ không khỏi giật mình, người thời đó phần lớn chỉ nghe oai danh Khánh Kỵ, chứ không hiểu rõ về hắn, nên hắn có phát minh quái lạ nào người ngoài cũng không thắc mắc. Nhưng Yểm Dư thì khác, Yểm Dư là hoàng thúc của hắn, hai người tuổi tác không mấy chênh lệch, lại từ nhỏ chơi chung với nhau, cùng nhau trưởng thành nên hiểu rõ hắn hơn ai hết. Phong cách cầm quân đánh trận của hắn giờ đúng là hoàn toàn khác trước, số phát minh quái lạ ngay cả số thợ lão luyện lành nghề nhất lúc bấy giờ cũng không nghĩ ra của hắn không giống như chủ ý mà một vương tử quý tộc có thể nghĩ ra, Yểm Dư nổi lòng nghi ngờ là lẽ đương nhiên. Sau này gặp mặt Chúc Dung, hoặc sau khi phục quốc quay về Ngô, số người hiểu rõ quá khứ của hắn chắc chắn nhiều hơn, số điểm khác biệt xuất hiện trên người hắn vào lúc này phải tìm lí do giải thích nghe sao cho hợp lí mới được, nếu không thì rắc rối đây.

Nghĩ đến đây, Khánh Kỵ đột nhiên nhớ đến chuyện hồi nãy Thúc Tôn Diêu Quang và Quý Tôn Tiểu Man tưởng lầm hắn trúng tà bị ma ám, bèn nảy ra một ý, vừa suy tính câu chuyện bịa đặt trong đầu, vừa nói giọng đều đều kéo dài thời gian: “Chuyện này nói ra thì…, thật ra đó là bí mật lớn nhất của ta, ta chưa từng nói cho người khác nghe, nhưng hai người một người là hoàng thúc, một người là tướng lĩnh vào sinh ra tử với ta, ta sẽ nói cho hai người nghe vậy.”

Yểm Dư và Kinh Lâm nghe Khánh Kỵ nói vẻ nghiêm trọng, đều hồi hợp nín thở nghe hắn kể tiếp câu chuyện.

Khánh Kỵ ra vẻ bí hiểm: “Không giấu gì hai người, ta ở trên sông bị Yêu Ly đâm cho một nhát xuyên thấu phủ tạng, với thương tích nặng thế thật ra khó mà sống sót. Lúc đó, ta thấy mình như đang trôi bồng bềnh trên bầu trời, ta còn nhìn thấy Kinh Lâm và Lương Hổ Tử ôm xác ta than khóc, định phóng hỏa đốt thuyền. Sau đó, trước mặt ta xuất hiện một tia sáng chói lòa, tia sáng xẹt ngang, toàn thân ta bị hút vào trong đó, thấy một thế giới hoàn toàn khác với thế giới hiện nay trong thiên hạ…”

Những gì tiếp theo, đối với Yểm Dư và Kinh Lâm mà nói, đều là chưa từng nghe qua, còn với người hiện đại như chúng ta thì đều đó cũng dễ hiểu. Khánh Kỵ đem chuyện thần thoại cổ tích và sự vật trong xã hội hiện đại kết hợp lại với nhau, thêu dệt cho họ nghe về một thế giới thiên đường. Thời đại Xuân Thu, truyện thần thoại Trung Quốc chưa có hệ thống hoàn thiện, người ta chỉ biết trên có thượng đế cai quản chúng sinh, còn chi tiết thế nào không một ai đủ sức tưởng tượng ra.

Khánh Kỵ nói đến nào là Nam Thiên môn, Kim Lăng điện, Tứ đại thiên vương, Bát đại kim cang, ba mươi ba tầng trời, sứ giả đi phong hỏa luân, rồi thiên lí nhãn, thuận phong nhĩ, thậm chí còn bịa ra các mỹ nhân mắt xanh môi đỏ mặc váy ngắn lái xe hơi, kết hợp cả cổ kim Đông Tây. Yểm Dư và Kinh Lâm nghe đến nỗi há hốc mồm không ngậm lại được.

Tóm lại, ý của câu chuyện này là: Khánh Kỵ vốn đã bỏ mạng, nhưng lên được thiên đình, được thần tiên thương hại, nên cho phép hắn tiếp tục sống để báo thù phục quốc, còn về những phát minh kì lạ của hắn, thật ra chỉ là lúc ở trên thiên đường hắn nhìn thấy mà thôi.

Câu chuyện thần tiên của Khánh Kỵ đem nói ra vào thời hiện đại còn hù dọa được đám dân đen quê mùa, nói gì đến thời đại Xuân Thu hơn hai ngàn năm trước, hắn kể xong câu chuyện bịa đặt, quay qua nhìn Yểm Dư và Kinh Lâm, thấy trong ánh mắt của hai người toát ra vẻ kính nể sợ sệt, cứ như trước mặt là một pho tượng thần.

Hội Kê, kinh đô Việt quốc, quần thần đang tranh luận nhau kịch liệt trên đại điện.

Đại phu Duệ Dong của Việt quốc khẳng khái mở lời phân tích: “Đại vương, hiện giờ Ngô vương Hạp Lư đang sa lầy ở Sở quốc, chính là cơ hội tốt cho chúng ta lợi dụng, năm trước Việt quốc ta lại bại trận lần nữa cho Ngô quốc, buộc phải nhục nhã xưng thần với Ngô, hai năm nay triều cống cho Ngô chịu nhiều sỉ nhục của người Ngô rồi, lúc này đây là lúc trả món nợ này.”

Đại phu Nhược Thành cũng đồng ý: “Duệ Dong đại phu nói có lí lắm, giờ ta nhận được tin Phù Khái bên Ngô vì người Đông Di làm loạn, đã quay về Hàn Ấp, binh lực ở Ngự Nhi thành không có bao nhiêu, nếu lúc này đại vương xua quân phạt Ngô, chiếm thành trì của chúng, thế như chẻ tre.”

Cao Như đại phu nói: “Đại vương, thực lực của Việt quốc ta không bằng Ngô quốc, thừa lúc Ngô đang trống rỗng xua quân thảo phạt chính là lúc này, hơn nữa chúng ta có thể lấy danh nghĩa giúp đỡ Sở quốc, nước Sở bao la rộng lớn, người Ngô tuy chiếm cứ Dĩnh Đô nhưng không đủ sức xâm lấn cả nước Sở đâu, bây giờ Tần, Vệ, Tống, Trần, Lỗ các nước đều xuất binh cứu Sở, Sở vương chắc sẽ quay về Dĩnh Đô, lúc đó chúng ta và Sở trở thành liên minh, người Ngô có hận cũng e dè chúng ta mấy phần.”