Đại Tranh Chi Thế

Quyển 2 - Chương 143: Dương Hổ tặng lễ




- Ơ, hồi bẩm đại nhân, vị tòng đệ đó của ngài tự xưng là Dương Bân.

- Hử? Ta làm gì có...

Dương Hổ đang nói bỗng im bặt, bỗng nhiên thấy lo sợ trong lòng, vội vàng hỏi:

- Hắn đang ở đâu, mau mời hắn vào.

- Vâng vâng vâng

Tên sai vặt vội vàng lui xuống, Dương Hổ liếc nhìn hai gia nô đang quỳ rạp dưới đất, hừ lạnh nói:

- Không còn chuyện của các ngươi nữa, cút hết ra cho ta, đem mấy con vịt chết tiệt này ra ngoài đi!

Hai gia nô cuống quít nhặt vội chiếc làn với mấy con vịt hoang rồi theo hướng cửa đi ra ngoài. Khánh Kỵ vào sảnh, vừa hay cũng đi ngang qua mặt họ, trông thấy những thứ đồ trong tay những gia nô kia, không khỏi nhìn chăm chú với con mắt tò mò, rồi mới bước thong thả tiến vào sảnh. Hắn thấy trong sảnh không có người hầu, liền chắp tay nói với Dương Hổ:

- Hổ huynh, đã lâu không gặp.

Dương Hổ thu lại vẻ mặt giận dữ lúc nãy, tiến lên nghênh đón:

- Khánh Kỵ công tử, tại sao công tử lại trở lại Khúc Phụ thế?

Dương Hổ vốn liên thủ với Khánh Kỵ, muốn phò Quý Thị đánh bạt Thúc Tôn, Mạnh Tôn hai nhà, từ đó nắm toàn bộ đại quyền Lỗ quốc. Sau khi chính lệnh ở Lỗ quốc được thống nhất, hắn với tư cách là quyền thần đệ nhất trong Quý Thị môn hạ sẽ có cơ hội để phát động chiến tranh đối ngoại, lấy chiến công để được bái tước phong hầu, từ đó thoát khỏi thân phận nô bộc. Không ngờ rằng Thúc Tôn, Mạnh Tôn Thị dùng kế rút củi đáy nồi, âm thầm đi mời Lỗ quân về nước, tuy rằng cuối cùng Lỗ quân bạo tử, thế nhưng để tránh bị hiềm nghi, chứng tỏ mình thanh bạch, Quý Tôn Ý Như chỉ còn cách đành phải tán thành việc lập tân quân, đồng thời từ bỏ chức vị chấp chính, trận chiến này trên thực tế Quý Thị đã nằm ở thế hạ phong, hùng tâm của Dương Hổ cũng tan thành mây khói.

Thế nhưng việc sắp thành lại bại, đều là bởi Quý Thị không quả quyết làm nhỡ thời cơ chiến đấu, không có can hệ gì tới Khánh Kỵ. Chính bởi lẽ mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, Dương Hổ cả đời kiêu hùng, không hề vì thế mà giận cá chém thớt hoặc gây sự với Khánh Kỵ, hai người hiện tại tuy không có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về lợi ích, thế nhưng hắn vẫn rất thân thiết đối với người chiến hữu kia.

Khánh Kỵ nói:

- Ở Phí thành ta gặp phải một ít chuyện khẩn yếu, cần phải thông báo cho Tam Hoàn đại phu với Dương Hổ đại nhân một tiếng, chính vì điều này mới quay về Khúc Phụ. Hổ huynh lúc nãy đấu khẩu với ai thế? Ta vừa nghe thấy... Khổng Khâu? Xảy ra chuyện gì vậy?

Dương Hổ nghe Khánh Kỵ nhắc đồng thời tới cả Tam Hoàn và mình, không giấu nổi vẻ mặt vui mừng, càng trở nên thân thiết với Khánh Kỵ hơn, vội kéo tay hắn vào trong, mỉm cười mà nói:

- Đừng nhắc tới hắn nữa, tên Khổng Khâu không biết trời cao đất dày là gì, để ta xem sau này hắn thành ra cái thá gì, nào nào nào, mau mau ngồi xuống đi.

Khánh Kỵ vốn định ngay lập tức vào chủ đề chính, vừa nghe tới việc hắn nhắc đến Khổng Khâu không khỏi có chút tò mò, Khổng Khâu đi cùng Triển Hoạch trở về Khúc Phụ, đáng nhẽ ra phải đi cùng đường với Triển Hoạch để mưu cầu một chân quan chức, trong khi Triển Hoạch và Dương Hổ chưa từng có qua lại với nhau, nước giếng không phạm nước sông, tại sao Khổng Khâu lại chọc tức Dương Hổ được?

Vì vậy Khánh Kỵ không vội bàn đến chuyện của mình, thuận miệng hỏi lại mấy câu. Dương Hổ ngồi xuống cùng bàn với hắn, bất đắc dĩ nói:

- Không giấu gì công tử, Hổ và Khổng Khâu quen biết từ nhỏ. Lúc tuổi còn trẻ, từng có một chút ít xích mích với nhau, có điều đó đã là chuyện của dĩ vãng rồi, Dương Hổ cũng không còn để tâm trong lòng nữa. Đến nay Dương Hổ làm việc cho Quý Tôn đại nhân, còn Khổng Khâu học thức uyên bác, trở thành văn nhân ở Lỗ quốc chúng ta, chính là bậc văn sỹ bác học, ta và hắn tuy đều là những kẻ có tiếng, nhưng lại không có cơ hội gặp mặt nhau.

Hắn nói rồi cầm lấy một chiếc bình gốm, rót cho Khánh Kỵ một cốc nước ô mai nhuận hầu. Bình gốm đó được ướp lạnh trong giếng nước, thời tiết oi bức, ngồi trong đại sảnh rộng rãi cũng chẳng thấy mát mẻ hơn là bao, uống chút nước ô mai không những làm dịu cơn khát mà còn có thể khử nóng.

Dương Hổ lại nói:

- Ta hành tẩu trước mặt Quý Tôn đại nhân, Triển Hoạch mời hảo hữu của hắn về đô thành, đòi hỏi Quý Tôn đại nhân một chức quan. Công tử cũng biết rồi đấy, Dương Hổ tuy rằng xuất thân là nô tài, nhưng những việc sát sườn của đại nhân đều do Dương Hổ lo liệu, đại nhân đương nhiên giao việc này cho ta. Ta nghĩ Khổng Khâu dù sao cũng là bậc chí sỹ bác học, về thân phận hiện tại tuy đã lụi bại, nhưng cũng là hậu duệ quý tộc, liền tuân theo phân phó của đại nhân, muốn tìm cho hắn một chức vụ thích hợp.

- Mấy ngày nay, vì công việc trên triều đình bận rộn, chưa kịp đưa ra sắp xếp cụ thể. Ta nghĩ, ta và Khổng Khâu sau này sẽ phải cùng làm việc trên triều, hắn vì một chút chuyện thù cũ ngày xưa, luôn canh cánh trong lòng đối với Dương Hổ, sau này không tiện cộng tác với nhau, liền bảo người tặng cho hắn hai cái chân lợn nướng để tỏ lòng hữu hảo. Đồng thời, giải thích cho hắn rằng bởi việc trong triều bận rộn, hai ngày sau sẽ có kết quả về chức quan của hắn, tránh cho hắn nghĩ ngợi này nọ.

Nói đến đây, cơn tức của Dương Hổ quay trở lại, đập mạnh xuống bàn mấy cái:

- Đáng hận Khổng Khâu, khiến ta nhục nhã. Người này quả thực gian trá vạn phần, nếu hắn không muốn kết giao với Dương Hổ, thì có thể cự tuyệt lễ vật đó, thế nhưng hắn lại nhận lấy lễ vật của ta, để rồi không chịu gặp mặt ta, lén lén lút lút, thừa dịp ta không có nhà đăng môn hoàn lễ(tặng lại lễ vật), hành vi tiểu nhân, quả thật khiến Dương Hổ tức chết đi được.

Khánh Kỵ nghe hắn kể đến đây mới hiểu rõ ngọn ngành câu chuyện, điểm mấu chốt trong câu chuyện này nếu như đổi lại là người hiện đại đi nghe thì chắc hẳn họ sẽ không nghe ra được đầu đuôi tai nheo ra sao. Ngươi tặng lễ cho người khác, tại sao lại nhất định phải muốn họ hoàn lễ cho mình? Hơn nữa hoàn lễ còn phải bắt buộc diện kiến đích thân ngươi, nếu không sẽ trở thành điều vô cùng bất kính? Bây giờ Khánh Kỵ đã được kế thừa toàn bộ ký ức và kiến thức của Khánh Kỵ trước đây, nên vừa nghe đã hiểu ý tứ của Dương Hổ.

Vào thời này, rất quan trọng chuyện có đi có lại, có tặng lễ, ắt phải có hoàn lễ, như vậy mới không mất lễ tiết. Đương nhiên, điều này không bao gồm lúc đút lót, nếu như người đã đứng tuổi hoặc có địa vị cao tặng lễ cho người ít tuổi hơn hoặc địa vị thấp hơn mình, vậy thì người nhận lễ cần phải đích thân cầm lễ vật đi tới phủ đối phương đáp lễ, lễ vật không quan trọng nhiều ít hay quý hiếm, điều cần ở đây chính là lễ tiết.

Nhưng Dương Hổ ngày nay quyền thế ngút trời, vốn không cần phải đi tỏ lòng hữu hảo với một quý tộc hết thời như Khổng Khâu, Khổng Khâu có cảm nhận như thế nào về hắn, cũng chẳng ảnh hưởng là bao tới hắn cả. Hắn làm như vậy là có ý đồ gì? Khánh Kỵ ngẫm nghĩ mọi chuyện, liền minh bạch dụng tâm của Dương Hổ, Dương Hổ tặng lễ, thì ra là để ném đá dò đường a!

Chắc có lẽ lần trước đám đại phu dùng âm mưu của xây Tắc từ này để hãm hại một kẻ không hiểu biết lễ trị như Dương Hổ, đã khiến cho hắn bị kích động nặng nề. Lần này hắn muốn tìm một chí sỹ bác học am hiểu lễ trị làm phụ tá cho mình. Việc học lễ trị vô cùng phức tạp rườm rà, hơn nữa những kiến thức này lại chỉ nằm trong tay các quý tộc, thường dân không thể được học những kiến thức rối rắm như vậy được. Thế nhưng những người có thân phận quý tộc thì liệu có ai lại khom lưng uốn gối mà đầu nhập vào một gia nô môn hạ như hắn? Chỉ có người đã sa cơ lỡ vận như Khổng Khâu mới có thể làm vậy. Dương Hổ tặng lễ cho Khổng Khâu, chính là để thăm dò thái độ của hắn. Nếu như Khổng Khâu nhận lấy lễ vật, rồi lại đích thân đăng môn hoàn lễ, như vậy cho thấy rằng hắn đã đồng ý cúc cung tận tụy cho Dương Hổ rồi. Nếu như từ chối nhận lễ vật của hắn, kẻ khác chỉ nói Khổng Khâu không biết thời thế, mặt mày Dương Hổ cũng không đến nỗi khó coi cho lắm. Điều đó gọi là kẻ khác không thể nào nắm thóp người có học vấn hàm súc được, đây vốn là một thủ đoạn thường dùng trong chốn quan trường.

Chỉ có điều phản ứng đáp lại lòng tốt của hắn lại quá mập mờ, hoặc là đừng nhận thì không nên chuyện, thế nhưng đã nhận lễ vật, lại chọn lúc Dương Hổ không có nhà để đến hoàn lễ, hơn nữa còn hoàn trả một con vịt hoang, khó trách Dương Hổ phẫn nộ uất ức. Cần biết rằng vào thời này không những coi trọng lễ tiết, mà còn quan trọng cả việc tặng thứ lễ vật gì nữa, bái sư thì phải tặng thịt cúng, thành thân thì tặng chim nhạn..., khi thăm viếng mà tặng vịt hoang thì sẽ là rất bất kính với đối phương.

Khánh Kỵ nghe xong sự tình cũng không khỏi khẽ lắc đầu:

- Khổng sư là người có học vấn, đáng tiếc lại làm chuyện như vậy..., ngài cũng đừng quá trông chờ vào tất cả những người qua lại với mình đều là chính nhân quân tử như Triển Hoạch, khi phương pháp sử dụng không thỏa đáng, làm sao có thể không đắc tội với người khác được đây?

Thực ra Khánh Kỵ cũng biết rõ cách nghĩ của Khổng Khâu, Khổng Khâu không hề có ý mượn cơ hội chọc tức Dương Hổ, khi Khổng Khâu thấy vị đệ nhất quyền thần Lỗ quốc này đăng môn tặng lễ, kỳ thực trong lòng có chút vừa mừng vừa sợ, đành vui vẻ nhận lấy lễ vật. Hành động chủ động tỏ lòng hữu hảo của Dương Hổ, một chút oán hận khi xưa bị hắn chế nhạo, Khổng Khâu cũng không hề để bụng.

Chỉ là sau khi nhận lễ vật, tâm tình xao động vừa mới yên bằng trở lại, Khổng Khâu liền lĩnh ngộ được thêm một tầng hàm ý trong việc Dương Hổ tặng quà cho mình. Khổng Khâu đắn đo nhiều lần, cân nhắc lợi hại, dần dần cảm thấy hối hận. Sau nhiều lần lận đận, bây giờ hắn chỉ muốn đạt được mục đích phát huy chủ trương chính trị của mình, vô luận đối phương là Quý Tôn Ý Như coi trời bằng vung hay là kẻ khí thế ngút trời như Dương Hổ, hắn đều không ngại. Thứ hắn muốn là mục đích, còn về lộ trình, đã không còn nghĩ tới việc cân nhắc chọn lựa nữa rồi.

Nhưng nói về việc không đồng đạo tất không đồng mưu, Dương Hổ cho dù chịu trọng dụng hắn, chẳng qua cũng chỉ coi hắn là một phụ tá bày mưu tính kế cho mình thôi, liệu có chịu ủng hộ hắn khôi phục lễ tiết nhà Chu, chủ trương chính trị nhân chính(nền chính trị nhân từ) không? Lại nói, những thế lực chính trị xưa nay luôn một mực ủng hộ hắn, là những quý tộc thế gia kế tục tước vị kia, lợi ích xung đột với thế lực đang lên của Dương Hổ, nếu như gia nhập môn hạ của Dương Hổ, chẳng khác nào tự cắt đường lui, đoạn tuyệt quan hệ với những quý tộc kia, từ đó ngoài việc quỳ gối hầu hạ Dương Hổ thì chẳng còn con đường thứ hai nào mà đi nữa cả.

Với cách nghĩ như vậy, thì Khổng Khâu liền không muốn thu nhận lễ vật của Dương Hổ, nhưng giờ đây hắn trả lại lễ vật, khó tránh khỏi đắc tội với Dương Hổ, đương nhiên sẽ gây cản trở cho con đường làm quan của hắn, vì vậy vắt óc nghĩ ra cách chạy lửa, hắn nghĩ rằng làm như vậy thì không chê vào đâu được nữa, vừa không chọc giận Dương Hổ, lại có thể bù đắp lại sơ suất khi nhận lễ, từ nay về sau không nợ nần gì Dương Hổ cả. Nào biết rằng Dương Hổ kia tuy học hành không nhiều, nhưng cũng không thiếu cơ trí, một chính nhân quân tử như hắn có thể nghĩ ra cách làm như vậy, một kẻ vùng vẫy đấu tranh trong môi trường lừa gạt lẫn nhau như Dương Hổ lại càng hiểu rõ hơn, làm sao mà lại không nhận ra được cơ chứ.

Khánh Kỵ thấy Dương Hổ căm hận tột cùng, không khỏi cau mày, Khổng Khâu là bạn tốt của hắn, hơn nữa do địa vị trong lịch sử của Khổng Khâu, Khánh Kỵ tự trong lòng luôn giữ vài phần kính ý với hắn, hắn không mong muốn vị Khổng Khâu kia bị kẻ khác chèn ép. Trong khi trước mắt, trợ lực lớn nhất của hắn lại là Dương Hổ, đối với đệ nhất quyền thần Lỗ quốc kia hắn càng không thể đắc tội được.

Suy nghĩ một hồi, Khánh Kỵ đành phải lựa lời khuyên bảo hắn:

- Hổ huynh là người làm đại sự, hà tất phải so đo với một sỹ tử như vậy. Khổng Khâu như Trúc Chi quân tử*, thanh cao liêm khiết, hắn làm như vậy, chắc hẳn bởi vì quyền thế của Dương Hổ đại nhân quá mạnh, là người chỉ dưới Tam Hoàn mà thôi, Khổng Khâu lo lắng sẽ bị người ngoài phỉ báng hắn cậy quyền cậy thế người khác, bất đắc dĩ mới đưa ra hạ sách này.

Lời nói của Khánh Kỵ đều nâng hai bên lên một chút, xem như là cho Dương Hổ một lối thoát, Dương Hổ không hiểu cho, hắn cười lạnh một tiếng, khinh miệt nói:

- Ha ha, Dương Hổ biết công tử và Khổng Khâu có chút giao tình, công tử không cần phải lấp liếm cho hắn làm gì. Cái gì mà Trúc Chi quân tử, thanh cao liêm khiết, theo Dương Hổ thấy, tên Khổng Khâu đó chỉ là tên chuột nhắt nhãi nhép mua danh chuộc tiếng, lừa gạt người đời mà thôi.

Hắn không háo danh không háo lợi? Hắc, nếu quả thật là vậy, thì hắn không thể nào sau khi sinh hạ nhi tử, quốc quân tặng cho một con cá chép làm quà mừng, rồi hồ hởi vui mừng mà đặt tên cho nó là Khổng Lý, vẫn chưa thấy được thân phận quý tộc của hắn đã được quốc quân thừa nhận? Ta ị vào! Lúc trước quốc quân tại sao không tặng hắn một cái đầu lừa!

Chú thích:

*Trúc Chi quân tử: Người xưa ví trúc với người quân tử, ý nói tính cách ngay thẳng, bền bỉ, hiên ngang giống như dáng cây trúc