Đại Tiểu Thư Phản Diện Thời Dân Quốc

Chương 1




Sáng sớm, ánh bình mình dần ló rạng phía chân trời, Thái Hồ mênh mông gợn sóng như một mặt gương lớn, yên ả tĩnh lặng.

Tô Thành bên Thái Hồ cũng chậm rãi tỉnh giấc trong nắng sớm, giống như một cô nương phấn trang trắng ngần, uyển chuyển soi mình trong gương.

Bên trong Tô Thành, sương mù vẫn chưa tan hết, thỉnh thoảng lại có tiếng người bán hàng rong cất lên nơi đầu đường cuối ngõ, quấy nhiễu giấc mộng đẹp của bao người. Người bán hàng rong đẩy xe đi qua từng đường lớn ngõ nhỏ, mỗi một ngõ hò hét vài câu là có thể kiếm được mười mấy đồng tiền.

Phu xe kéo tay lôi chiếc xe kéo tà tà qua chiếc cầu đá hình vòm, bánh xe lăn qua con đường đá xanh phát ra tiếng kêu cót két, chỉ cần anh ta nhanh chân một chút là có thể nhân giờ cao điểm đi học và đi làm mà kéo thêm vài cuốc.

Không biết nàng dâu mới nhà ai ôm một thùng quần áo đi đến bờ sông nhỏ, nước sông trong vắt khiến cô nàng không nhịn được mà ngắm nhìn ảnh phản chiếu của mình trên mặt nước, lại không biết nhớ tới chuyện gì mà khuôn mặt thoáng chốc đỏ bừng. Hai bên bờ sông liễu xanh rủ xuống, chiếc thuyền mái hiên nhẹ nhàng lắc lư dấy lên gợn sóng lăn tăn.

Không biết đứa trẻ nghịch ngợm nhà ai thức dậy quá sớm mà vẫn chưa tỉnh táo, quấy khóc om sòm, người lớn nghe đến nhức cả đầu bèn bế lên ầu ơ vỗ mông vài cái, kết quả nó càng gào to hơn.

Thuý Bình cầm một cái bọc nhỏ trong tay, đi qua hậu hoa viên của Lâm trạch ra cửa sau, chiếc áo khoác vải bông trên người cô ấy là đồng phục người hầu ở Lâm trạch, mái tóc thắt bím vắt qua một bên, điểm nhấn duy nhất chính là một sợi dây buộc tóc màu hồng. Lúc đi qua hoa viên, cô ấy tiện tay bứt một chùm hoa quế cài lên tai, hương thơm tức khắc lan ra bốn phía.

Ra khỏi cửa sau là phố Tư Bình trải dài từ Đông sang Tây, con phố này rải rác những toà nhà lớn nhỏ, nơi đây đều là những người có thu nhập cao nên bình thường tương đối yên bình.

Đi thẳng về hướng Đông phố Tư Bình, rẽ trái là đến hẻm Tư Thuỷ, đây là một con đường dài lát đá xanh, đường không rộng, hai bên cũng là nhà ở, nhưng các nhà lại cao thấp khác nhau, vừa nhìn là biết thu nhập mỗi nhà khác biệt. Đi trong hẻm Tư Thuỷ phải để ý trước sau, biết đâu lại có một chậu nước hắt ra từ nhà nào đó, xui xẻo là bị hắt cho ướt hết cả người.

Ra khỏi hẻm Tư Thuỷ rồi rẽ vào một khúc cua nữa là đến một con phố náo nhiệt.

Sắc trời vẫn còn sớm, rất nhiều cửa hàng vẫn chưa mở cửa buôn bán, nhưng các gian hàng ăn uống đã tấp nập từ sớm.

Bánh bao, hoành thánh, mì vịt tiềm, mì Dương Xuân,…

Thuý Bình ngửi thấy mùi đồ ăn khắp con đường thì chảy cả nước miếng, đi đến tiệm may mặc Tập Xuân Đường, vừa đúng lúc gặp anh thợ may trẻ trong tiệm đang mở cửa. Cánh cửa được ghép từ vài tấm ván gỗ, mỗi một tấm ván rộng khoảng hai bàn tay, dày một đốt tay, khi đóng cửa phải lắp từng tấm theo thứ tự, lúc mở lại tháo từng tấm ra, ván cửa của Tập Xuân Đường dùng gỗ đỏ(1), cho nên mỗi một tấm ván đều rất nặng, anh thợ may trẻ cũng chỉ mới mười sáu mười bảy tuổi, cơ thể gầy yếu, khiêng lên có vài phần khó khăn.

Thuý Bình đứng ở bên cạnh một lúc lâu thì đối phương mới phát hiện, vội vàng tiếp đón cô ấy: “Đây không phải chị Thuý Bình của nhà họ Lâm sao? Mới sáng sớm đã đến mở hàng rồi, hôm hay đúng là ngày mở cửa may mắn!”

Thuý Bình mím môi cười: “Dẻo miệng quá đi.”

Thợ may trẻ nhanh nhẹn tháo ván cửa khiêng vào trong tiệm rồi mời Thuý Bình vào.

Tập Xuân Đường thường nhận may đồ theo yêu cầu, để thợ đến nhà đo kích cỡ rồi đem về xưởng làm thành phẩm, sau mới gửi đến tận nơi. Loại hình kinh doanh này thường phục vụ cho các gia đình giàu có, một năm bốn mùa đều có đơn hàng, kiếm được không ít tiền. Cũng có khi có nhà bình dân đến tiệm đo kích cỡ rồi đặt làm, chỉ tết nhất lễ lạc mới có. Cũng có người đến mua thành phẩm lấy gấp, nhưng rất hiếm khi, ngàn năm hoạ chăng mới có một lần. Cho nên mặc dù Tập Xuân Đường rất có tiếng ở Tô Thành, nhưng cửa hàng lại không lớn, trang phục trưng bày cũng không nhiều, có điều kiểu dáng nào cũng có, áo choàng dài, áo choàng ngắn, váy, quần tây, áo lót, còn có cả các kiểu quốc phục, vải dệt lại càng đa dạng, vải bông, vải trơn, vải dệt máy, gấm vóc tơ lụa loại nào cũng có.

Thuý Bình lấy ra hai cái áo choàng ngắn làm bằng gấm, áo được may rất tỉ mỉ và tinh xảo, một cái màu xanh lam thêu hoa mẫu đơn, một cái màu xanh nhạt, cổ áo và cổ tay thêu thuý trúc, nhìn kiểu cách có vẻ là đồ dành cho các cô gái trẻ tuổi.

Anh thợ may trẻ liếc mắt một cái là nhận ra đó là đồ do ông chủ của Tập Xuân Đường đích thân làm, vội vàng hỏi: “Quần áo này mới may không lâu, có phải có chỗ nào không hài lòng không?”

Thuý Bình nói: “Anh trai đừng nóng vội, chỉ là phu nhân cảm thấy cái nút tự(2) này khó coi, muốn đổi thành nút như ý.”

Anh thợ may trẻ nhận lấy cái áo xem xét thử, cười tủm tỉm nói: “Với màu sắc và hoa văn thế này thì dùng nút tự vẫn tốt hơn, nhìn sẽ không có vẻ cầu kỳ rối mắt.”

Thuý Bình đáp: “Lão phu nhân muốn đổi, chúng ta không nên lắm miệng, anh bảo sư phó(3) sửa lại đi.”

“Được rồi, vậy cô muốn để quần áo lại đây, khi nào sửa xong tôi đưa qua hay sửa luôn rồi cô mang về?” Anh thợ may trẻ hỏi.

Thuý Bình ngẫm nghĩ: “Tôi chờ ở đây.”

Thợ may trẻ lại nói: “Vậy thì cô phải chờ một chút rồi, lát nữa sư phó mới làm việc.” Nói xong thì mời Thuý Bình đến chỗ ghế ngồi, bảo cô ấy ngồi một lát. Thợ may trẻ vốn định pha trà cho cô ấy, nhưng bữa sáng Thuý Bình chỉ mới ăn vội hai cái bánh bao, không dám uống trà sáng sớm nên bảo không cần.

Anh thợ may trẻ sợ Thuý Bình buồn nên vừa dọn dẹp ở trước cửa hàng vừa nói chuyện phiếm với cô ấy: “Quần áo này là lão phu nhân đặt may cho Lâm tiểu thư nhỉ?”

Thuý Bình cười nói: “Đúng vậy, tiểu thư nhà tôi chính là cục cưng của lão phu nhân mà, chỉ hận không thể đem đồ tốt nhất trên đời này cho cô ấy thôi.”

Anh thợ may trẻ lại nói: “Lâm tiểu thư đi du học, có khi không thích mặc kiểu dáng này đâu, nghe nói các phu nhân, tiểu thư nước ngoài ở Thượng Hải đều thích mặc âu phục.”

Thuý Bình không cho là đúng: “Đồ bên ngoài có tốt thế nào cũng không bằng của nhà được.”

Anh thợ may trẻ gật đầu tán đồng, nói: “Tôi cảm thấy Lâm tiểu thư lá gan rất lớn, mới bao nhiêu tuổi đâu mà đã dám đi du học rồi.” Nói xong còn giơ ngón tay cái.

Thuý Bình thở dài: “Lúc trước, khi tiểu thư làm ầm lên đòi ra ngoài, lão phu nhân đau lòng muốn chết, thế mà vẫn không giữ lại được.”

“Giờ thì tốt rồi, nghe bảo tiểu thư sắp trở về, chắc là cũng đi được hai năm rồi?”

“Thiếu một tháng nữa là tròn hai năm, mấy ngày nữa là thuyền về đến nơi.” Thuý Bình trả lời.

Một lát sau, thợ may trẻ lại đổi chủ đề, tỏ vẻ bí hiểm mà nhỏ giọng nói: “Cô có nghe nói gì không, Vũ Xương bên kia đánh nhau rồi.” Thật ra anh ta chỉ mới nghe tin này tối hôm qua thôi, sáng sớm nay đã nóng lòng muốn tìm người chia sẻ.

Thuý Bình rất kinh ngạc truy hỏi: “Sao lại đánh nhau rồi? Bên nào với bên nào đánh nhau?”

Thợ may trẻ có tin tức nhanh nhạy, rất đắc ý nói: “Là quân cách mạng với triều đình đánh nhau, lại còn thắng nữa, giờ Vũ Xương đã nằm trong tay quân cách mạng rồi.”

Thuý Bình chỉ là một người hầu bán thân, ngày nào cũng mặt trời mọc là làm, mặt trời lặn là nghỉ, có cơm ăn no bụng là được, cho tới nay đều cảm thấy chiến tranh ở cách cô ấy rất xa, nhưng giờ nơi đánh nhau lại là Vũ Xương, dù cô ấy không biết chữ thì cũng biết Hồ Bắc và Giang Tô chỉ cách nhau bởi An Huy mà thôi.

“Có thể đánh tới chỗ chúng ta không?” Cô ấy lo lắng hỏi anh thợ may trẻ.

Thợ may trẻ lắc đầu, làm sao mà anh ta biết được: “Hiện giờ nơi nào cũng có thanh niên tiến bộ âm thầm vận động cách mạng, rất khó nói, lúc trước có một người học việc trong xưởng đã cắt bỏ bím tóc, ông chủ sợ anh ta gây ra chuyện nên đã đuổi đi rồi.”

Thuý Bình thở dài: “Thời thế bây giờ không còn yên ổn nữa rồi, trước đó nghe nói bên Đông Bắc vẫn luôn xảy ra chiến sự, giờ lại là Vũ Xương, nói không chừng sẽ đánh đến Giang Tô thật đấy, cơ mà cái chuyện cắt bím tóc, thật ra tôi thấy nhiều người cắt lắm.”

Thợ may trẻ nói: “Thật ra tôi cũng muốn cắt, cắt đi cho dễ làm việc, nhưng tôi sợ bị đuổi lắm, lúc đó thì chết đói mất.”

Nói tới đây, cả hai người đều thở dài.

Nói chuyện không bao lâu thì sư phó đã bắt đầu làm việc, nút thắt quần áo được sửa rất nhanh. Thuý Bình định trả tiền, nhưng sư phó bảo là khách quen cũ nên không lấy, Thuý Bình nói cảm ơn, vui vẻ cầm bọc đồ rời đi. Chiến tranh gì đó, thời thế gì đó đều bị cô ấy vứt ra sau đầu, đối với một người bình thường mà nói, có cơm ăn, có chốn ngủ là được. Dù thế nào thì bầu trời trên đầu họ vẫn nguyên vẹn như thế chứ có thay đổi đâu, ai mà quan tâm nhiều như vậy. Dù cho tất cả có sập xuống thì vẫn sẽ có người to lớn chống đỡ mà.

Trên vùng biển bao la xanh thẳm cách Tô Thành hàng ngàn dặm có một con tàu viễn dương tải trọng hơn 1000 tấn giống như một chiếc thuyền lá đơn độc lênh đênh giữa biển, đích đến là Đại Thanh.

Trên thuyền có thương nhân buôn bán, có quan lại đi nhậm chức, cũng có dân thường muốn nhập cư, tất cả đều là người nước ngoài, cũng có một ít là người Trung Quốc nhưng không nhiều lắm, đều là du học sinh nôn nóng được trở về nhà.

Con tàu khởi hành từ Châu Âu, mất gần bốn tháng để xuyên qua mũi Hảo Vọng đến Ấn Độ Dương, rồi lại từ eo biển Malacca tiến vào Nam Hải, cuối cùng đến Hương Cảng, Quảng Châu, Thượng Hải, những nơi quen thuộc với người Trung Quốc.

Lâm Tập Tập tỉnh lại khi con tàu đến Hương Cảng, không gian lắc lư khiến cô cảm thấy không thích ứng nổi, cơn buồn nôn dữ dội ập đến, cho dù cô có mở to mắt thì bóng người trước mặt cũng chỉ là những cái bóng mờ ảo.

Có một cô gái quần áo giản dị đỡ cô dậy, hỏi cô có muốn uống nước không, khẩu âm của cô gái hơi lạ, nhưng bất ngờ là cô lại có thể hiểu được.

Lâm Tập Tập nhận lấy ly nước trong tay cô gái uống một ngụm, thế là dạ dày cô lại cồn cào lên, cô vội vàng đẩy trước ly trước mặt ra. Nhìn thấy cái chậu rửa mặt bên cạnh, cô lập tức nhào đến nôn thốc nôn tháo, nhưng dạ dày cô dường như chẳng có gì cả, nôn một hồi chỉ toàn nước chua.

Sau khi nôn xong rồi lau mặt, Lâm Tập Tập mới cảm thấy tinh thần tốt hơn một chút, lúc này mới nhận ra hình như cô đang ở trong một căn phòng nhỏ giống như toa xe lửa, một bên có ba cái giường nhỏ, bên còn lại để hành lý, rương hành lý kiểu dáng vuông vức cổ điển khiến cô phải nhìn nó thêm vài lần.

Lâm Tập Tập nhớ rõ, tối hôm qua trước khi đi ngủ cô còn cập nhật chương truyện mới nhất của mình trên web Tấn Giang, lúc ấy còn dẫn đến một trận tranh luận kịch liệt giữa các độc giả, sao mới ngủ một giấc mà đã đổi chỗ rồi? Hơn nữa còn là một không gian kỳ lạ thế này?

Đúng lúc này, có một người ở ngoài đẩy cửa ra, là một  thanh niên giọng nói có phần kích động: “Tàu sắp đến Hương Cảng rồi, mọi người có muốn ra ngoài tham quan không? Tàu sẽ dừng một ngày đấy.”

Lâm Tập Tập hiểu ra, hoá ra cô đang ở trên thuyền, bảo sao mà cô lại chóng mặt đến như vậy.

_____

(1) Gỗ đỏ: Gỗ gõ đỏ là loại gỗ có thể chịu nắng mưa rất tốt và không hề bị cong vênh mối mọt hay bị tác động bởi thời tiết, gỗ gõ đỏ khá nặng, cứng, bền với thớ mịn, vân gỗ đẹp, dễ gia công.

(2) Nút tự, nút như ý: Một loại nút thắt của Trung Quốc, thường thấy trên các loại áo truyền thống.