Đại Tấn Đẹp Đến Như Vậy (Đổi Nữ Thành Phượng)

Chương 75




Editor: Dứa

Beta: Hoàng Lan

Người cuối cùng trong số Trúc lâm thất hiền đã qua đời.

Bảy người này là những nhân vật mang tính biểu tượng của thời đại, Vương Nhung vừa đi, người dân thành Lạc Dương, thậm chí là toàn bộ Đại Tấn đều cảm giác được một thời đại đã kết thúc.

Sẽ không còn cảnh tượng nổi tiếng lo4 thể cười to chạy như điên trong rừng trúc, những câu thơ tự do phóng khoáng cũng sẽ không được tái hiện nữa.

Vương Nhung là hàng xóm của Vương Duyệt, người vợ già của ông đã đến Giang Nam Kiến Nghiệp, dưới gối lại không con, Vương Duyệt và Tào Thục tổ chức tang lễ cho Vương Nhung.

Ngựa xe tiến vào Vĩnh Khang lý phúng viếng xếp hàng dài từ đầu phố đến cổng, tiếng khóc rung trời.

Vương Duyệt mặc tang phục, toàn bộ quá trình hắn không rơi một giọt nước mắt, những người khác đều đang khóc, còn hắn lại ôm một chiếc Nguyễn cầm(*) gảy đàn…

(*): Một loại nhạc cụ cổ.

Loại nhạc cụ gảy bốn dây có bụng tròn và cổ dài này nổi tiếng do Nguyễn Tịch và Nguyễn Hàm, hai trong số bảy nhà hiền triết tại rừng trúc thường xuyên đàn tấu. Mọi người dứt khoát gọi loại nhạc cụ này là “Nguyễn”, dùng dòng họ của huynh đệ Nguyễn gia đặt tên cho nó.

Vương Duyệt đàn Nguyễn Cầm, lúc thì ưu thương, lúc lại vui vẻ, có đôi khi còn tự sáng tạo ra những bài hát của riêng mình để phối hợp với tiết tấu lên xuống của tiếng khóc bên người, tựa như vừa ca hát vừa phối nhạc, khiến người khóc tang không biết nên tiếp tục khóc, hay nên kết thúc sớm.

Hành vi nhảy nhót trước mộ phần của Vương Duyệt không bị coi là xúc phạm trong các đám tang ở thời đại này —— Tất nhiên, nó cũng chỉ giới hạn dành riêng cho hắn.

Trước tiên, Vương Duyệt có diện mạo tuấn tú, đã đẹp, cả người hiếu thuận, Vương Duyệt mặc tang phục, phong thái như được tăng thêm, vải bố trắng thô ráp càng làm nổi bật lên mặt mày sắc sảo như tranh vẽ của hắn.

Hắn ngồi quỳ trên đệm hương bồ, dáng người tựa cành liễu ngày xuân, mềm dẻo tao nhã, trong lòng lại ôm Nguyễn cầm gảy đàn, cảnh tượng đó, đẹp tới mức khiến người ta không rời mắt được.

Sau đó, thường có những hành vi bất thường như vậy tại các đám tang trong thời đại của bảy vị hiền triết trong rừng trúc. Ví như, tại đám tang của phò mã Vương Tế, chủ nhân thành lập nên trại nuôi ngựa Kim Câu. Lúc sinh thời, Vương Tế có hai sở thích lớn, đó là yêu ngựa như điên và nghe lừa hí, người bạn tốt Tôn Sở đã bắt chước tiếng lừa hí trong lễ tang, kêu giống như đúc, kêu xong liền rời đi, tuyệt đối không khóc.

Ít nhất thì âm thanh của Nguyễn cầm cũng dễ nghe hơn tiếng lừa hí rất nhiều, người đến bái tế trải qua kinh ngạc rồi cũng để Vương Duyệt gảy Nguyễn cầm, không ai ngăn cản.

Đương nhiên, cũng có kẻ âm thầm mắng chửi nói Vương Duyệt mượn lễ tang của Vương Nhung để mua danh chuộc tiếng.

Vương Duyệt không quan tâm đến những ánh mắt khen ngợi, nghi ngờ, khinh miệt hay ủng hộ đó, hắn chỉ nghĩ đến cảnh tượng Vương Nhung gần đất xa trời xách theo nửa bầu rượu, vừa chạy vừa thét dài trong rừng trúc tuyết bay đầy trời.

Vương Duyệt gảy Nguyễn cầm, hy vọng trong đoạn đường cuối cùng của cuộc đời Vương Nhung, thứ đưa ông xuống mồ chính là loại nhạc cụ được đặt tên theo họ của người bạn tốt mà không phải tiếng khóc nghìn bài một điệu.

Lúc đưa ma, Vương Duyệt là một trong số một trăm người của đoàn Vãn Lang, diện mạo tuấn tú nhất nên đương nhiên được xếp đầu hàng. Vương Duyệt dẫn đầu đoàn Vãn Lang vừa ca vừa nhảy suốt dọc đường, gương mặt mang ý cười, không hề nhuốm màu bi thương. Nếu không phải hắn mặc tang phục, chỉ sợ người qua đường còn tưởng rằng hắn đang tổ chức chuyện vui.

Thanh Hà cũng đến Vĩnh Khang lý tưởng nhớ Vương Nhung, nàng kể lại chi tiết cảnh tượng Vương Duyệt nhảy Disco trước mộ phần cho Dương Hiến Dung nghe.

Gần đây Dương Hiến Dung mải chăm sóc Hoàng đế, một tấc cũng không rời, nhìn dáng vẻ suy yếu của Hoàng đế, đầu óc bà cũng rối tinh rối mù, không quen biết ai, vợ chồng gặp lại không có vui vẻ, chỉ có lo lắng.

Nghe nói Vương Duyệt gảy Nguyễn cầm trong lễ tang, Dương Hiến Dung đã lộ ra nụ cười đầu tiên trong mấy ngày qua: “Đứa nhỏ này, không uổng công Huyện Hầu thương nó, một già một trẻ bọn họ chính là tri kỷ.”

Thanh Hà ngồi xuống bên cạnh giường bệnh của Hoàng đế: “Mẫu hậu nghỉ ngơi một lát đi, con sẽ chăm sóc phụ hoàng.”

Vừa trở về sau lễ tang của Vương Nhung, Thanh Hà nhớ lại cảnh tượng Vương Duyệt đàn Nguyễn cầm, nhìn cha suy yếu, nàng biết rõ đại nạn đã đến, lễ tang của phụ hoàng cũng không còn xa.

Dương Hiến Dung không chịu rời đi: “Ta không mệt khi chăm sóc phụ thân con, ta ngủ cũng nhớ thương ông ấy, chi bằng ở bên cạnh ông ấy, như vậy còn có thể an tâm hơn một chút.”

Hai người đang nói chuyện thì Phan Mỹ nhân tiến vào, sau khi bàn bạc các chi tiết về lễ cập kê của Thanh Hà, Dương Hiến Dung nói: “Kỷ Khâu Tử phu nhân Tào Thục sẽ làm khách mời danh dự.”

Con gái của Tào Thục, tất nhiên phải do mẹ ruột thịt vấn mái tóc đen cho nàng.

Lễ cập kê của thiếu nữ chính là một loại lễ trưởng thành, không có giới hạn độ tuổi cố định, thường được tổ chức sau lễ đính hôn, có nghĩa rằng nhà ta có con gái mới lớn, đến tuổi xuất giá, có người kết hôn sớm, thậm chí mười tuổi đã cập kê.

Nếu chưa đính hôn, thường ở độ tuổi mười lăm đến mười sáu, Thanh Hà còn chưa tới mười bốn tuổi, nàng vẫn chưa đính hôn, mặc dù độ tuổi này có chút sớm nhưng Dương Hiến Dung và Tào Thục đều sốt ruột gả nàng cho Vương Duyệt để thoát khỏi nỗi lo lắng này.

Ngoài ra, Hoàng đế sắp không xong rồi, dáng vẻ như muốn về trời bất cứ lúc nào, một khi Hoàng đế băng hà, Thanh Hà phải giữ đạo hiếu ba năm, ba năm này sẽ không ngừng thay đổi, hôn sự của Thanh Hà sẽ càng khó kiểm soát.

Dương Hiến Dung ngày đêm cầu nguyện, hy vọng Hoàng đế có thể sống lâu hơn một chút, sống đến khi Thanh Hà xuất giá.

Mùng một tháng Chạp,là sinh nhật mười bốn tuổi của Thanh Hà, cũng là lễ cập kê của nàng.

Các phu nhân nổi tiếng tại kinh thành, các thành viên hoàng thất đều được mời đến xem lễ, Kỷ Khâu Tử phu nhân Tào Thục chính là khách mời danh sự cho lễ cập kê của Thanh Hà.

Thanh Hà búi tóc l3n đỉnh đầu, lộ ra toàn bộ khuôn mặt, gương mặt non nớt dần nảy nở, tựa như thanh mai ngày xuân, nửa xanh nửa chín, có thể giải khát tốt nhất.

Nàng đứng ngược sáng, những sợi lông tơ trên gương mặt và cần cổ thanh tú được mạ lên một tầng ánh sáng vàng, tựa như trái đào chín ngày hè…

Thật muốn cắn một miếng, Vương Duyệt đang xem lễ, trong đầu bỗng dưng nảy ra ý nghĩ không nên có này, yết hầu mới lộ khẽ di chuyển lên xuống, hắn hạ tầm mắt tức thì, phi lễ chớ nhìn.

Sau ba lần bái và ba lần bổ sung, buổi lễ cập kê kết thúc.

Công chúa Thanh Hà, con gái duy nhất của Dương Hoàng hậu khuynh quốc khuynh thành, xuất hiện một vài “Mỹ danh” trong lễ cập kê, mặc dù con gái kém xa mẫu thân về độ xinh đẹp nhưng ai có thể sánh bằng Dương Hiến Dung?

Chỉ cần không so sánh nàng với mẹ thì nhan sắc của công chúa Thanh Hà vẫn khá xinh đẹp —— đặc biệt là dưới sự làm nền của công chúa Hà Đông, người chị gái cùng cha khác mẹ ở bên cạnh, công chúa Thanh Hà quả thực chẳng khác gì nữ thần.

Công chúa Hà Đông thật vất vả mới gầy được xuống sau nạn đói, gần đây lại bắt đầu tăng cân, gương mặt tròn trịa, trông có vẻ chắc nịch.

Trong lòng mọi người đều biết rõ ràng, năm ấy công chúa Thanh Hà mười bốn tuổi đã vội vàng tổ chức lễ cập kê, vì muốn lựa chọn phò mã cho công chúa —— Hoàng đế nửa chết nửa sống nằm ở đó, khó trách Hoàng thất lại sốt ruột như vậy.

Tuy nhiên, với tư cách là khách mời danh dự, Kỷ Khâu Tử phu nhân Tào Thục đã cài trâm ngọc cho công chúa Thanh Hà, cộng thêm tình bạn bắt đầu từ thời khuê các giữa Tào Thục và Dương Hoàng hậu, Vương Duyệt cũng được Dương Hoàng hậu yêu thích, thường xuyên triệu hắn vào cung.

Trong suốt năm lần phế rồi lại lập của Dương Hoàng hậu, Vương Duyệt đã đóng góp sức lực và trí tuệ để giữ gìn tôn nghiêm của Dương Hoàng hậu. Tất cả những điều trên, các sĩ tộc và hoàng tộc thành Lạc Dương đều biết rõ, mọi người sôi nổi suy đoán, có lẽ Vương Duyệt chính là vị phò mã mà Dương Hoàng hậu vừa ý, tâm trí của mọi người đều tạm thời nghỉ ngơi, cũng không tiến cử con cháu nhà mình trước mặt Dương Hoàng hậu.

Con người quý ở chỗ tự hiểu lấy mình, giống như việc sẽ không có ai mắt mù đi so sánh vẻ đẹp của mình với Dương Hiến Dung, cũng không có ai tranh giành được vị trí phò mã với Vương Duyệt, kỳ lân tử của Lang Gia Vương thị.

Quả thực tự rước lấy nhục!

Huống chi, trong thời đại hỗn loạn này, công chúa hoàng thất còn không được săn đón bằng con gái sĩ tộc đâu.

Vậy nên, Vương Duyệt Độc Cô Cầu Bại, không có đối thủ, ở trong mắt rất nhiều người, hắn đã là phò mã được hoàng thất lựa chọn.

Sau buổi lễ cập kê rườm rà, cả eo lưng Thanh Hà đều đau, nàng trở về nghỉ ngơi. Hôm nay Tuân Hoán cũng ăn mặc lộng lẫy tham dự với tư cách là khách quý. Nàng đi theo Thanh Hà, cười hỏi: “Ta nghe người trong nhà nói, tỷ cập kê sớm như vậy là vì muốn chọn phò mã để đính hôn.”

Khi Thanh Hà nhìn thấy Vương Duyệt trong lễ cập kê, trái tim nhỏ bé đập loạn xạ, hiện giờ vẫn chưa hồi phục, Tuân Hoán hiểu rõ tâm sự của nàng, Thanh Hà có chút thẹn thùng: “Nói hươu nói vượn.”

Thanh Hà đẩy nhanh bước chân, Tuân Hoán vẫn theo sát không bỏ: “Ta còn nghe nói phò mã của tỷ đã được quyết định rồi, tỷ có muốn biết là ai không?”

Hai má Thanh Hà ửng đỏ, nàng cũng không quay đầu lại: “Ta không muốn nghe muội nói nhảm.”

Tuân Hoán đã ăn cơm chó hơn hai năm sao có thể buông tha cho nàng được, theo sát một đường cho đến tận tẩm cung, nhìn thấy kiếm Khanh Khanh treo trên vách tường: “Cả ngày tỷ gọi một thanh kiếm là Khanh Khanh, vậy gọi một người sống là khanh khanh có đã ghiền hay không?”

Tuân Hoán ghé sát vào tai nàng nói: “Tỷ gọi một vạn tiếng Khanh Khanh với thanh kiếm cũng không có ai để ý đến tỷ, nhưng nếu tỷ gọi một người là khanh khanh thì chắc chắn huynh ấy sẽ đáp lại tỷ.”

Thanh Hà giả vờ mệt mỏi, nằm xuống giường, dùng ống tay áo to rộng che giấu gương mặt đỏ bừng: “Ta mệt rồi, muội về đi.”

Tuân Hoán không chịu buông tha, nàng rút thanh kiếm Khanh Khanh do chính tay Vương Duyệt làm ra rồi bắt đầu múa, hơn nữa còn vừa múa vừa ca, hát một bài thơ của Nguyễn Tịch” “Phương Tây có giai nhân, sáng như bạch nguyệt quang… gương mặt xinh đẹp tựa điêu khắc, trong gió thoảng hương thơm… trôi dạt trong cơn mê, đảo mắt ta trông đợi…”

Giai nhân là hắn, bạch nguyệt quang là hắn, vì hắn mà si mê, vì hắn mà hoảng hốt, vừa nhìn thấy hắn đã lâng lâng, thần hồn điên đảo.

Trái tim thiếu nữ của Thanh Hà bay bổng theo lời ca của Tuân Hoán, hồn phi phách tán nhưng lại luyến tiếc không muốn Tuân Hoán dừng lại.

Nếu được gả cho Vương Duyệt như ước nguyện, nàng có thể gọi hắn là khanh khanh một cách quang minh chính đại, giống như vợ chồng Vương Nhung trước đây, cả ngày khanh khanh ta ta…

Thanh Hà che mặt, cười ngây ngốc.

Buổi tối, tại Vĩnh Khang lý, mẹ con Tào Thục Vương Duyệt đang ăn cơm.

Bởi vì phải cởi giày ngồi quỳ, thời đó, sĩ tộc thường dùng bữa riêng biệt, mỗi người một cái bàn nhỏ, Tào Thục ngồi vị trí gia chủ, còn Vương Duyệt ngồi hàng đầu tiên ở phía dưới, Tào Thục đang ăn cơm, cứ thỉnh thoảng lại nhìn Vương Duyệt mỉm cười.

Vương Duyệt cảm thấy nụ cười của mẹ hôm nay có chút kỳ quái.

Trước kia Tào Thục cũng bật cười bởi người con trai hoàn mỹ không tỳ vết này, nhưng hôm nay là kiểu cười mà mẹ vợ nhìn con rể, đương nhiên phải có sự khác biệt.

Tào Thục cảm thấy vui sướng khi cây rau hẹ mình nuôi dưỡng mười bốn năm, cuối cùng cũng có thể thu hoạch.

Tào Thục tự tay nuôi nấng con rể, đương nhiên phải là chàng rể tốt nhất, quả đúng là một cặp xứng đôi vừa lứa

Vương Duyệt bị mẹ nhìn tới mức lông tơ dựng ngược, lúc ăn lúc ngủ không được nói chuyện, hắn không tiện mở miệng hỏi mẹ. Cơm nước xong xuôi, trong lúc uống trà, mẹ vẫn nhìn hắn mỉm cười, Vương Duyệt thật sự không nhịn được: “Hôm nay tâm trạng của mẫu thân có vẻ không tồi.”

Tào Thục cười nói: “Ta tận mắt nhìn tiểu công chúa lớn lên để rồi hôm nay tổ chức lễ cập kê, ta vui mừng cho nó.”

Ánh mắt bà dừng lại trên người Vương Duyệt: “Ngày mai là sinh nhật con, con muốn quà gì?”

Tặng con một cô dâu thanh mai trúc mã, con có muốn không?

Từ nhỏ tính tình Vương Duyệt đã già dặn, hắn nghiêm túc nói: “Ngày sinh nhật của nhi tử là ngày mẫu thân phải chịu khổ, cứ sinh hoạt bình thường thôi, không cần quà tặng gì cả, nhi tử chỉ hy vọng mẫu thân khỏe mạnh, bình an vui vẻ.”

Tào Thục lập tức nghĩ đến vận mệnh nhiều chông gai của Dương Hiến Dung, bà thở dài trong lòng, con trai hiểu chuyện tới mức khiến người ta phải đau lòng, mẹ hắn cũng…

Đang lúc suy nghĩ thì quản gia tới báo, nói rằng tộc trưởng Vương Diễn đến thăm.

Tộc trưởng của Lang Gia Vương thị vốn là Vương Nhung, sau khi Vương Nhung qua đời, thanh đao tượng trưng cho thân phận tộc trưởng được trao cho Vương Diễn, người có địa vị cao nhất trong gia tộc.

Vương Diễn là em họ của Vương Nhung, năm nay mới ngoài năm mươi tuổi nhưng lại là người có kinh nghiệm chính trị phong phú, đứng hàng tam công, là đại nhân vật co được giãn được, biết xem xét thời thế.

Con gái của Vương thị đã từng là Thái tử phi của Thái tử Mẫn Hoài, sau đó, khi Thái tử Mẫn Hoài bị Trình Cứ, vị thái y đồng thời là nhân tình của tiên Hoàng hậu Giả Nam Phong dùng chày giã thuốc hại chết, Vương Diễn lập tức yêu cầu con gái li hôn với Thái Tử, đưa về nhà. Sau cuộc nổi dậy của bát vương, Vương Diễn vì chỉ lo thân mình, dứt khoát giả điên gi3t ch3t nô tỳ trong nhà trốn tránh việc làm quan.

Hiện giờ Vương Nhung đã chết, cuộc nổi dậy của bát vương cũng kết thúc, Vương Diễn tiếp nhận vị trí tộc trưởng, cũng tiếp nhận lời mời của Đông Hải vương Tư Mã Hoạt - người chiến thắng trong cuộc nổi dậy của bát vương, xuất sĩ làm quan, trở thành Đại tư đồ, giữ địa vị tối cao trong gia tộc.

Tào Thục và Vương Duyệt không dám qua loa, vội vàng ra cửa nghênh đón Vương Diễn.

Đàn ông của Lang Gia Vương thị đều có mỹ danh “rực rỡ muôn màu”, tất cả đều có diện mạo không tồi, Vương Diễn là người xuất sắc trong số đó. Thời niên thiếu, vẻ đẹp của ông từng được Sơn Đào, một trong bảy vị hiền triết tại rừng trúc công nhận. Năm đó, khi Sơn Đào nhìn thấy Vương Diễn, ông ấy kinh ngạc tức thì, cảm thán: “Là phụ nhân dạng gì mới có thể sinh ra được một nhi tử tuấn tú như thế.”

Hiện giờ tuổi đã cao nhưng phong thái của Vương Diễn vẫn như cũ, là một người đàn ông phong độ nhẹ nhàng.

Tào Thục và Vương Duyệt hành lễ với ông, hai người cảm thấy hơi kỳ lạ —— bởi vì bên hông của Vương Diễn đeo thanh đao tượng trưng cho quyền uy của tộc trưởng, có thể thấy được đây tuyệt đối không phải chuyến thăm gia đình bình thường, thanh đao này sẽ chỉ được đeo trong những dịp long trọng như thượng triều hoặc tiến hành hội nghị gia tộc.

Vương Diễn gật đầu với Vương Duyệt: “Con lui xuống trước đi, ta có chuyện muốn nói với mẫu thân của con.”

Tào Thục mời Vương Diễn ngồi xuống vị trí tôn kính, Vương Diễn đặt bội đao lên bàn, kèm theo một bức thư: “Tức phụ của hiền chất, Vương Đạo đã viết thư thúc giục, muốn mẫu tử các con nhanh chóng trở về Kiến Nghiệp Giang Nam.”