Đại Mạc Thương Lang

Quyển 2 - Chương 49: Điều quái lạ




Bất luận thế nào, đầu tiên phải xác định được vị trí đang đứng. Vương Tứ Xuyên nói: “Nếu chúng ta đang ở Mông Cổ thì chỉ cần bước sai một bước là sang đến biên giới của Liên Xô, mà bất kể là phương hướng nào, thì chắc chắn chúng ta đang cách rất xa nơi sinh sống của con người. Đi lại trong rừng rất dễ bị lạc, xem ra chúng ta phải chuẩn bị tư tưởng để chiến đấu trường kì đây.”

“Về mặt lý thuyết thì chỉ cần đi về hướng nam thì chắc chắn có thể ra khỏi đây.” - Tôi nói, dẫu có phải đi nhiều một chút dưới bầu trời xanh thế này tôi cũng chẳng có ý kiến gì - “Trước đây, tôi cũng từng mò mẫm trong rừng suốt mấy tháng trời cùng quân đoàn đấy thôi. Đối với chúng ta hiện giờ thì thời gian không phải vấn đề.”

“Vấn đề là cậu đang bị thương mà chúng ta lại không có thuốc. Vết thương của cậu không thể tự khỏi được, thịt xung quanh chỗ viên đạn bị bắn vào sẽ hoại tử.” - Vương Tứ Xuyên lo lắng nói - “Trừ phi móc được viên đạn đó ra, nhưng nếu xử lý không khéo, vết thương lại nhiễm trùng thì nguy. Lúc ấy cậu chỉ còn nước phi nước kiệu về chầu tiên tổ. Hơn nữa, chúng ta lại không có lương thực, ôm bụng đói còn lâu mới đi xa được.”

“Cậu có cách gì sao?” - Tôi hỏi, nhìn cậu ta có vẻ chẳng mấy lo lắng về tình hình hiện tại.

“Cậu nhìn này, cây cối ở đây um tùm rậm rạp thế kia, dõi mắt ra xa cũng vẫn vậy, chứng tỏ mấy chục năm trở lại đây cánh rừng không hề bị chặt phá. Nơi đây phải hoang vắng và xa xôi hơn chúng ta nghĩ rất nhiều. Chúng ta đều biết đường núi vô cùng khó đi, trong khi cậu lại đang bị thương, anh Điền thì dở điên dở khùng thế kia. Tôi nghĩ chúng ta cứ ở lại nghỉ ngơi một thời gian trước đã, lấy động khắc tĩnh cũng là cách hay.” - Vương Tứ Xuyên đưa ra giải pháp - “Chúng ta đốt củi ướt, nếu gần đây có thợ săn hoặc người canh rừng, thì họ nhìn thấy khói chắc chắn sẽ tưởng lầm là cháy rừng và vội chạy đến chỗ chúng ta ngay. Đồng thời, chúng ta sẽ tự săn bắn, hái quả khô, dự trữ đủ thức ăn để chuẩn bị cho chuyến hành trình dài ngày.”

Tôi nghĩ, Vương Tứ Xuyên nói cũng đúng, tình trạng hiện giờ của chúng tôi quả thực không thích hợp để đi đường dài.

Trước đây tôi đi rừng, tuy phải hành quân suốt thời gian dài, nhưng luôn duy trì ba đến bốn ngày đường là đến trạm bổ sung gần nhất, hơn nữa lại còn có la và lừa giúp vận chuyển vật tư.

Tính chất của cuộc hành trình lần này hoàn toàn không giống lần đó, chúng tôi không có súng, Vương Tứ Xuyên đành ném lao, đặt bẫy săn bắt mấy loại thú nhỏ như gà rừng, thỏ rừng, mỗi lần đều tốn cả nửa ngày trời. Nếu cứ vừa săn bắn vừa vội lên đường như thế thì phải rất lâu sau chúng tôi mới có thể thoát ra khỏi rừng. Nếu giữa đường mà Vương Tứ Xuyên mắc bệnh hoặc bị thương thì chúng tôi chết chắc.

Nhớ lại thì chúng tôi bắt đầu vào rừng từ giữa thu, nghỉ ngơi chuẩn bị hơn một tháng, tiết trời lúc đó đã chuyển lạnh, sau đó lại đọa đày suốt mấy tháng trong hang động, tính từ đầu đến giờ thì có lẽ lúc này đang là mùa xuân năm 1963.

Tôi tin và làm theo kế hoạch của Vương Tứ Xuyên. Chúng tôi không muốn lãng phí thời gian thêm nữa.

Chúng tôi chuyển chỗ cắm trại đến doanh trại của quân Nhật, dẫu hoang tàn nhưng dù sao cũng còn có mái che. Tối hôm đó, Vương Tứ Xuyên đốt ít cỏ cây thành tro và cố thử nhổ viên đạn ra cho tôi nhưng không thành công, cuối cùng cậu ta đành dùng đầu cài của thắt lưng cạy viên đạn ra. Cơn đau khi ấy còn đau hơn cả lúc bị trúng đạn, không một từ ngữ nào đủ sức hình dung nỗi đau đớn mà tôi phải chịu đựng.

Sau đó, Vương Tứ Xuyên bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Đầu tiên, cậu ta tự đi săn một mình, sau đó vết thương của tôi đỡ hơn một chút thì cậu ta dạy tôi đi săn.

Đi săn với Vương Tứ Xuyên rất thú vị, ném lao là môn kĩ thuật phải rèn luyện từ nhỏ, hơn nữa cần có khả năng thiên bẩm, nên tôi không thể học nổi trò này, chỉ học được mấy cách đặt bẫy.

Thú săn được mỗi ngày không chỉ đủ cung cấp cho bữa ăn ngày hôm đó mà vẫn còn thừa để hun khô.

Các cánh rừng phía bắc thời bấy giờ vẫn còn rất nhiều thú rừng hoang dã, nên cơ bản ngày nào chúng tôi cũng gặt hái được thành quả.

Kế hoạch được tiến hành khá thuận lợi, chẳng bao lâu sau, thịt hun khói đã treo đầy xà nhà.

Anh Điền không tham gia hành động cùng chúng tôi, anh ấy vẫn đang chìm đắm suy nghĩ xem tại sao mọi chuyện lại như vậy. Lúc chúng tôi đi săn, anh ấy chỉ lởn vởn quanh đó và ngẫm ngợi mong tìm ra manh mối, nhưng anh Điền nghĩ mãi mà vẫn chẳng ra được kết quả gì, thỉnh thoảng giữa đêm đang ngủ anh ta lại bật dậy nói với tôi những giả thiết không tưởng. Cứ thế lâu dần, anh Điền trở nên khùng khùng điên điên, lúc khôn lúc dở. Tôi cảm thấy thần kinh anh ấy đúng là không còn bình thường nữa, dẫu có làm công tác tư tưởng với anh ấy cũng vô ích. Thế là chúng tôi đành để anh Điền ở lại trông nhà.

Lúc đi săn, có mấy lần chúng tôi đi qua một khu vực, tôi cảm thấy nó rất giống với cửa động thẳng đứng lúc chúng tôi xuống, nhưng tìm quanh hồi lâu mà vẫn chẳng phát hiện thấy lối vào hang động nằm ở chỗ nào. Không hiểu vì sao mà cả khu vực này lại có nhiều lá rụng như thế.

Tôi nhớ lúc họp lãnh đạo có nói, cửa hang bị lá khô vùi lấp. Tôi không rõ do mình nhớ sai hay đúng là cửa động này đã bị lá khô che mất lối rồi.

Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là tôi phát hiện trong thời gian này, thời tiết ở đây bắt đầu nóng lên trông thấy.

Theo tính toán của tôi thì bây giờ đang là mùa xuân, nhưng ánh mặt trời chiếu chói chang trên đầu đã nói với tôi không phải vậy.

Vương Tứ Xuyên cũng không hiểu tại sao lại thế. Thực ra miền Bắc không có bốn mùa theo ý nghĩa truyền thống. Thời tiết của mùa xuân và mùa đông hao hao giống nhau, thậm chí đến mùa hè vẫn còn rất mát mẻ, sau khi vào thu thời tiết chuyển lạnh rất nhanh, tới tháng mười là tuyết bắt đầu rơi. Nhiệt độ bây giờ rõ ràng là đang vào hạ. Nếu bây giờ quả là đầu xuân thì chắc chỉ có một khả năng, đó là năm nay gặp phải tiết noãn xuân[1].

[1] Tiết noãn xuân: là mùa xuân có thời tiết đột biến nóng như mùa hè.

Vương Tứ Xuyên phân tích, có lẽ vị trí chúng ta đang ở nằm gần biển nên bị ảnh hưởng bởi dòng khí nóng của Thái Bình Dương thổi vào.

Nếu như thế thật thì chúng tôi đã đến đây nhầm thời gian, tiết noãn xuân ở miền Bắc là kiểu thời tiết rất ít gặp. Trời vừa nóng lên một cái là cây cỏ sẽ đua nhau mọc lên và bầy sói sẽ từ thảo nguyên trở về rừng già. Trong khi đó chúng tôi lại không có vũ khí, nếu gặp phải chúng thì chỉ có nước bỏ mạng.

Lúc ấy tính sơ qua, số thịt hun khói chúng tôi dự trữ được chỉ đủ chống đỡ được hơn một tháng, ban đầu chúng tôi dự định sẽ chuẩn bị lương thực cho hai tháng, nhưng xem ra bây giờ đành phải đi bước nào hay bước đấy vậy. Đã có thịt khô, hơn nữa trên đường lại có thể tiện tay hái lượm săn bắt thêm, nên tôi nghĩ chuyện thoát ra khỏi rừng cũng không phải vấn đề gì lớn lắm. Thế là, chúng tôi quyết định sẽ xuất phát sớm hơn dự định, nhân lúc bầy sói vẫn đang ở trên thảo nguyên.

Chẳng ngờ, trước ngày dự kiến xuất phát hai hôm, giữa thời khắc quan trọng ấy, trời lại bắt đầu đổ mưa lạnh.

Mưa dai dẳng không ngừng, ngớt một chút rồi lại xối xả đổ xuống. Trong thoáng chốc, con đường phía ngoài đã lầy lội không thể tưởng tượng được, chúng tôi đành hoãn chuyến hành trình. Chúng tôi ngồi chống cằm đợi cả ngày trong căn nhà gỗ, khí hậu ẩm ướt lạnh lẽo khiến tôi phát sốt, giữa cơn mơ mơ tỉnh tỉnh, mấy lần tôi còn ngỡ mình vẫn đang ở trong động.

Mấy ngày sau, chúng tôi dần dần bình tĩnh trở lại và cảm thấy tình thế mỗi lúc một tiến triển theo chiều hướng tốt hơn nên nghĩ thực ra cũng không cần gấp gáp xuất phát. Lúc không bị tẩu hỏa nhập ma, anh Điền vẫn có thể đưa ra những ý kiến đáng giá. Anh bảo theo kinh nghiệm sống ở miền Bắc thì về cơ bản thời tiết của miền Bắc khá khô ráo, nên cơn mưa này sẽ không kéo dài quá lâu, mà qua cơn mưa, thời tiết sẽ trở nên rất đẹp trong suốt thời gian dài, vì thế chúng ta không nên đội mưa đi, tốt nhất cứ chờ tạnh mưa rồi bàn tiếp.

Ngày nào chúng tôi cũng khấn thầm cho mưa mau tạnh, mỗi lần nhìn sắc trời, Vương Tứ Xuyên lại nói chỉ năm sáu hôm nữa là sẽ tạnh mưa, nhưng hết năm, sáu ngày này lại đến năm, sáu ngày khác mà mưa vẫn không ngớt. Trong khi đó, chúng tôi lại buộc phải tiếp những vị khách không mời mà đến.

Có lẽ ấy là lúc nửa đêm của ngày thứ hai tuần thứ ba, tôi đột nhiên bị đánh thức bởi một chuỗi âm thanh kì quái. Tôi lơ mơ một lát rồi phát hiện đó là tiếng gõ vào ván gỗ. Ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là gió, tự nhiên lòng thấy rờn rợn. Nhưng phải nghe thêm mấy tiếng nữa, tôi mới phát hiện không phải, có điều phát hiện ấy lại khiến tôi càng lạnh gáy hơn.

Bởi vì đó là tiếng gõ cửa. Tôi nhìn hai người bạn đồng hành vẫn đang nằm bên cạnh, họ đều ở đây thì người nào đang gõ cửa ngoài kia? Bàn tay tôi túa mồ hôi. Ở nơi rừng rậm núi sâu này, ngoài mấy chúng tôi ra, thì còn ai có thể gõ cửa được nữa?