Trong thời gian Tả Thiếu Dương ở Long Châu, thì ở Hợp Châu cỏ ngoài đồng đã mọc cao bằng lúa, chẳng còn nhận ra đâu là lúa đâu là cỏ nữa, mọi người vất vả đạp nước, gánh nước tưới cho đồng ruộng, không còn nhiều thời gian để nhổ cỏ, cứ thế này e là thời mua thu chẳng thu hoạch bao nhiêu.
Có chuyện lo cũng có chuyện vui, vì vào giữa hè, thời tiết nóng nực, ai cũng muốn ra bên sông uống trà hóng gió, chuyện kinh doanh của quán trà Thanh Hương ngày một phát đạt.
Từ khi tự mình làm chủ quán trà, Tiểu Muội có thể mặc sức làm theo ý mình, nàng đặt thợ làm bộ ấm chén như Tả Thiếu Dương từng nói, tuy vẫn còn khá to, nhưng có thể một tay cầm cốc trà không sợ nóng, tay kia nắp, có thể nhè nhẹ lướt qua miệng chén, phát ra tiếng leng keng kêu êm tai, động tác nho nhã. Ban đầu những thư sinh tới Hợp Châu dự thi là người phát hiện ra món này đầu tiên, cũng chính nhờ họ mà thứ dụng cụ uống trà mới này nhanh chóng trở nên phổ biến khắp Hợp Châu, không ít nơi học theo.
Dù thế điều này cũng không ảnh hưởng tới quán trà Thanh Hương, trái lại, càng làm nó thêm nổi tiếng, nhìn nơi khác học theo, mấy thư sinh ban đầu tới uống trà quán Thanh Hương thường cười mỉa mai nói “uống trà phải tới Thanh Hương”, có người không phục tìm đến quán trà nhỏ này, tức thì hiểu ý rồi, vì ở đây có hai nữ chưởng quầy xinh đẹp.
Đám thư sinh nhanh chóng dò hỏi, cũng chẳng tốn công nhiều, Vương bà làm mai ở ngay bên cạnh quán trà, mời bà ta ấm trà là bà ta nói hết, một nàng đã có trượng phu, đành quên đi, còn một vận mệnh không tốt, ngày rước dâu đột nhiên phát bệnh bị người ta trả về, sau đó tuy được Nghê đại phu chữa khỏi, song vì chuyện trước kia mà không ai tới dạm hỏi nữa.
Câu chuyện bi thương về giai nhân hồng nhan bạc mệnh của Vương bà càng khiến đám thư sinh sinh lòng thương tiếc, từ đó kết đoàn kết đội lượn lờ quanh nơi này, kẻ giả bộ trầm tư, kẻ làm thơ làm phú, bày đủ mọi trò lấy lòng giai nhân, mới đầu những chàng si tình này thấy nàng cười ngọt ngào với mình, thì tưởng đã thành, sau đó mới nhận ra bất kể là già trẻ nam nữ, nàng đều cười ngọt ngào như thế, thất vọng càng thêm si mê đắm đuối không rứt mình ra được.
Chỉ là kết quả thi chưa ra, không ai dám vọng động, chẳng may thi trượt thì không còn mặt mũi nào, vì thế đều âm thầm chung một suy nghĩ, nhất định ngày đỗ đạt sẽ thổ lộ, nhờ người mai mối đón giai nhân về.
Cái noãn các đã được Lý Đại Tráng làm xong ở hậu viện, cả bốn bức tường lẫn cửa sổ đều có thể tháo ra lắp vào thuận tiện, mùa hè thì để trống thành chòi nghỉ mất, mùa đông thì lắp thêm tường vào thành noãn các.
Hậu viện quán trà trước kia chỉ có Chúc Dược Quỹ và mấy lão trà khách tới ngồi, bây giờ thành địa điểm đám nho sinh tranh giành, bởi từ đây có thể nhìn vào bếp, có thể trông ra quầy, lúc nào cũng thấy bóng giai nhân.
Chỉ có điều cái chòi kia thì thì gần như độc quyền thuộc về nhóm ông già rồi không tranh nổi, tưởng tượng một ngày cùng giai nhân ngồi đó uống trà ngâm thơ ngắm cảnh sông nước, bồn lai tiên cảnh cũng chỉ đến thế mà thôi.
Tiểu Muội chẳng thể tới Tả gia hỏi tin, nên đỏ mặt hỏi Chúc Dược Quỹ chuyện Tả Thiếu Dương ở Long Châu. Hằng Xương dược hành ngày ngày đều truyền tin liên quan tới Tả Thiếu Dương về, Chúc Dược Quỹ trêu ghẹo một hồi cũng kể cho Tiểu Muội nghe, từ việc nối xương cho Điền thiếu gia, chữa bệnh trúng phong cho Đồng lão, khiến bây giờ ngày ngày có người tới Hằng Xương dược hành nhờ chữa bệnh, chuyện bán thuốc theo đó cũng tăng thêm hai thành.
Tiểu Muội mặc dù chẳng hiểu chuyện y thuật, song nghe say xưa, biết sự nghiệp Tả Thiếu Dương ngày một đi lên, lòng như được rót đầy mặt ngọt.
Quán trà ăn nên làm ra, phu thê Tang gia và Tang Oa Tử đều bận bịu tối mặt tối mày, chỉ riêng có Hoàng Cầm càng ngày càng lười, lúc nào cũng uể oải chẳng có tinh thần, lại hay ngây ra, gọi một cái là giật mình.
Sáng sớm hôm đó, đi gánh nước như mọi khi, Tiểu Muội hỏi:
- Tẩu tử, gần đây làm sao thế, trước kia đại ca muội suốt ngày như thiếu ngủ, cầm ấm nước cũng có thể ngủ gật được, bây giờ chăm chỉ nhiệt tình rồi lại tới tẩu, rốt cuộc là làm sao?
Hoàng Cầm cười hi hì:
- Không sao, tại vì ta nhớ Tả công tử đấy thôi.
Tiểu Muội mặt đỏ rực, đưa tay nhéo Hoàng Cầm:
- Tẩu lại trêu muội rồi.
Hai cô gái vừa đuổi nhau vừa cười đùa chạy ra đường lớn, bỗng nhiên nhìn thấy có rất nhiều người từ hướng cổng thành đi tới, người đẩy xe, người gồng gánh bao lớn bọc nhỏ, người khá hơn một chút thì xe lừa, xe trâu, đường phố khắp nơi đâu đâu cũng toàn người là người, làm Hợp Châu một thời gian đìu hiu vắng vẻ, bỗng chốc trở nên náo nhiệt.
Thấy tình cảnh này thì cả hai đều khiếp sợ, mấy tháng trước khi phản quân đánh tới, cũng như thế, Tiểu Muội vội chặn lấy một ông lão hỏi:
- Lão nhân gia, lại ở đâu đánh trận vậy?
Ông lão cười ha hả:
- Không phải đâu tiểu cô nương, chúng tôi đều là Phổ Châu tới đây, không phải là đi chạy nạn, mà triều đình nói Hợp Châu đất rộng người thưa, tới đây sẽ được phân ruộng, hiện giờ tới nha môn đăng ký.
Hai nàng thở phào, chỉ cần không đánh trận là được rồi, lòng vui sướng có thêm nhiều người tới, quán trà sẽ có thêm nhiều khách, Tiểu Muội trước đó có dự tính mở rộng quán trà, nàng thấy bán trà không thì hơi phí, nếu có thể bán cùng một số loại bánh ngọt sẽ tốt hơn, bánh nàng có thể làm, song như thế phải thuê thêm người, cần đợi Tả Thiếu Dương về mới quyết.
Gánh nước về nhà kể chuyện thấy trên đường, Tang mẫu chưa nghe hết đã bỏ cả ấm trà đó chạy đi, dọc đường đi thấy một vài người hàng xóm cũng đang hưng phấn chạy tới nha môn, đều là đi xem mình có được phân ruộng hay không?
Trước cửa nha môn đã đông nghìn nghịt, đa phần là người vùng ngoài mang theo gia đình, ai nấy mặt mày vừa cao hứng vừa khẩn trước, tay cầm thẻ bài. Sai dịch duy trì trật tự, còn những thư lại nha môn như Hầu Phổ mỗi người ngồi sau một cái bàn, phụ trách đăng ký.
Bức tường lớn bên cạnh nha môn có dán cáo thị, một lão tiên sinh đang chậm rãi đọc cho mọi người nghe.
Thì ra triều đình đang thực thi một chế độ gọi là "quân điền chế" trên toàn quốc, dựa theo số nam đinh trưởng thành trong nhà có thể phân cho hai loại ruộng, một loại gọi là ruộng khẩu phần, về nguyên tắc không được mua bán chuyển nhượng, sau khi chết phải trả lại cho triều đình. Một loại khác gọi là ruộng vĩnh nghiệp, có thể truyền lại cho con cháu cũng không thể mua bán.
Hợp Châu là vùng núi, đất thì bạt ngàn thật đấy, ruộng thực ra không nhiều, nhưng do chiến loạn lần trước chết quá nhiều, khiến vô số ruộng tốt bỏ hoang, cho nên triều đình tổ chức bách tính ở nơi người đông ruộng ít di cư tới Hợp Châu nhận ruộng, tổng cộng hơn năm vạn người, đồng thời còn cử hơn một vạn quan quân tới Hợp Châu truân điền, khiến nhân khẩu Hợp Châu thoáng cái tăng gấp đôi so với trước cuộc chiến.
Căn cứ vào nhân khẩu di cư và nhân khẩu cố hữu, mỗi đinh được phân chia sáu mươi mẫu ruộng, trong đó 40 mẫu là ruộng khẩu phần, chỉ đường trồng cấy mà không được sở hữu. Còn hai mươi mẫu ruộng vĩnh nghiệp có thể truyền cho con cháu và không được mua bán.
Triều đình còn ban bố một chính lệnh vô cùng trọng yếu, đó là thực hiện song song quân điền chế và tô dung điều, là những người được ruộng từ triều đình phải nộp thuế mà theo hạn ngạch nhất định cùng thực hiện lao dịch. Thuế mới rất thấp, đặc biệt với người nhiều ruộng, bởi vì không còn dựa theo số mẫu ruộng để thu thuế nữa, mà dựa theo nhân đinh.
Tang mẫu tới thì lão tiên sinh kia đã đọc được một nửa rồi, nghe không ra đầu đuôi, xung quanh lại bàn tán sôi nổi, nha này mấy trăm mẫu, nhà kia mấy chục mẫu, càng nghe càng như có mèo cáo trong lòng, một lúc sau Tang Oa Tử tới liền bảo hắn lên đọc cáo thị.