- Bì chức rõ, bì chức sẽ không mang họa đến cho người khác đâu.
Thẩm Nam Mậu xoay người bước đi rồi, Thượng Quan Uyển Nhi đứng ngơ người ra một lúc, trong lòng nàng nặng trĩu, bước về phía điện Phượng Nghi…..
Trong thư phòng của điện Phượng Nghi, Võ Tắc Thiên đang phê chuẩn sớ tấu, tâm trạng của bà trong hai ngày vừa qua không được vui, biên cương không yên, quốc khố trống rỗng, nhưng những nơi cần phải chi thì lại quá nhiều.
Quốc khố dùng cho quân đội tăng, đủ loại bổng lộc quan lại, Hà Bắc gặp nạn hạn hán phải cứu tế, lại còn lễ sinh nhật của bà cũng phải tăng thêm chi phí, cải tạo lại Thiên Khu, Thiên Đường vẫn chưa hoàn công, còn cả các khoản chi lớn khác nữa, đủ thứ tiền làm bà thật sự rơi vào tình trạng tâm phiền ý loạn.
Hôm nay Tiết Hoài Nghĩa lại hỏi bà hai mươi vạn quan tiền, dùng để bố trí nơi ăn chốn ở cho lão ni Hà Nội và các tín đồ của bà ta, điều này khiến cho Võ Tắc Thiên nghĩ tới lời buộc tội vài ngày trước của Ngự sử đối với lão ni Hà Nội, yêu tà phóng túng, làm bẩn phật môn.
Bà liền bác bỏ lời thỉnh cầu của Tiết Hoài Nghĩa, Tiết Hoài Nghĩa đúng là quê quá hóa khùng, dám cả gan cãi nhau với bà, khiến bà vô cùng tức giận.
Võ Tắc Thiên càng nghĩ càng cảm thấy phiền, bèn đặt bút son xuống. Bà khoanh tay đi qua đi lại trong phòng, lúc này cửa phòng nhè nhẹ được mở ra, Thượng Quan Uyển Nhi nhẹ nhàng bước vào.
Nàng đứng ở cạnh bên, không quấy rầy những dòng suy nghĩ đang chảy trong đầu của Võ Tắc Thiên. Một lúc lâu sau, Võ Tắc Thiên thở dài một tiếng rồi nói:
- Uyển Nhi, gần đây Tiết Hoài Nghĩa càng ngày càng vô lễ với trẫm, trẫm cũng không thể dễ dàng bỏ qua cho hắn được nữa.
Thượng Quan Uyển Nhi và Vi Đoàn Nhi là hai người được Võ Tắc Thiên tín nhiệm nhất, cả hai nàng đều rất hiểu tâm lý của Võ Tắc Thiên, có thể nói là hiểu thấu được tâm tư của bà, đối với những quyết sách của Võ Tắc Thiên có một tầm ảnh hưởng rất lớn.
Bất đồng ở đây chính là Thượng Quan Uyển Nhi có nhiệm vụ giúp đỡ Võ Tắc Thiên công việc triều chính, còn Vi Đoàn Nhi lại lo cho hoàng thượng về những vấn đề trong sinh hoạt cuộc sống, hai người mỗi người quản một mảng, từ trước đến nay luôn là “nước sông không phạm nước giếng”.
Nhưng từ khi Võ Tắc Thiên phong Tiết Hoài Nghĩa là Lũng Hữu Đạo đại tổng quản, sau khi Tiết Hoài Nghĩa trong tay đã có chút quyền lực thì bắt đầu can dự vào việc triều chính, kẻ có quan hệ mật thiết với Tiết Hoài Nghĩa nghĩa là Vi Đoàn Nhi cũng thông qua Tiết Hoài Nghĩa mà nhúng tay vào việc triều chính rồi.
Vô hình chung đã phá vỡ đi giới hạn được hình thành từ nhiều năm nay giữa Vi Đoàn Nhi và Thượng Quan Uyển Nhi.
Có nhiều lúc, Thượng Quan Uyển Nhi truyền đạt mệnh lệnh của hoàng thượng, nàng biết chắc rằng chiếu thư là do Vi Đoàn Nhi đứng sau lưng trù định kế sách cho Tiết Hoài Nghĩa, nhưng nàng cũng không có cách nào làm khác đi được.
Ở trong cung, chỉ cần Vi Đoàn Nhi và Tiết Hoài Nghĩa liên kết với nhau thì Thượng Quan Uyển Nhi về cơ bản không phải là đối thủ của bọn chúng, ngoài việc phải nhẫn nhịn ra thì nàng chẳng còn cách nào khác cả.
Lúc này, sự ngang tàng của hắn đã làm tổn hại đến mối quan hệ của chính hắn với Võ Tắc Thiên, sự việc lão ni Hà Nội chính là điểm mẫu thuẫn lớn nhất giữa hai người.
Song Thượng Quan Uyển Nhi biết, Võ Tắc Thiên không thể rời xa Tiết Hoài Nghĩa được, sáng cãi nhau nhưng qua một đêm nằm bên cạnh nhau là coi như hết thôi, hiện tại thì còn lâu mới có thể có cách để đối phó với Tiết Hoài Nghĩa được.
Thượng Quan Uyển Nhi hành lễ rồi nói:
- Tiết Hoài Nghĩa tướng quân vốn là kẻ thô tục, học vấn không cao, thánh thượng giờ lại muốn hắn giống như một tướng quốc giỏi thực sự thì e là hơi quá nghiêm khắc rồi.
Những lời Thượng Quan Uyển Nhi vừa nói làm cho Võ Tắc Thiên cảm thấy nỗi sầu trong lòng đã vơi đi một chút, bà cười rồi gật đầu nói:
- Ngươi nói rất đúng, yêu cầu của ta với hắn là quá cao rồi, cũng không mang tính thực tế cho lắm, song hắn lại yêu cầu trẫm phải giao hai mươi vạn quan tiền để lo việc lão ni Hà Nội, ngươi nói xem ta nên làm gì?
Thượng Quan Uyển Nhi trong bụng vốn đã có sẵn câu trả lời rồi, nàng bình tĩnh nói:
- Bệ hạ cần phải cân bằng, trước mắt ngân khố và lương thực không nhiều, Bệ hạ có thể trả những khoản quân phí nhất định, tiền cứu tế và quan bổng khác trả sau thì khỏi phải lo lắng rồi.
Uyển Nhi cảm thấy, việc xây dựng Thiên Khu có thể từ từ mà làm, lễ mừng sinh nhật của bệ hạ có thể làm tăng thêm sự vui mừng náo nhiệt trong dân chúng, hạ chỉ đại xá, những việc làm như vậy hầu như không tốn kém, song về nghi điển thì nên tiết kiệm một chút, ví dụ như có rất nhiều loại khí cụ trước đây đã dùng rồi, bây giờ không cần phải mua nữa.
Về phần Tiết đại tướng quân, bệ hạ có thể để cho hắn chọn, hoặc là cắt giảm khoản tiền chi cho chùa Bạch Mã, hoặc là giảm mức chi tiêu cho Lân Chỉ Tự.
Võ Tắc Thiên âm thầm gật đầu, Thiên Khu quả thật có thể để từ từ, Thiên Khu và Thiên Đường cùng xây dựng tu bổ, giai đoạn này thợ thủ công ra vào kinh thành rất nhiều, đã gây nên những chuyện phiền phức không đáng có.
Mặt khác lễ mừng ngày sinh của mình cũng có thể tăng thêm độ vui mừng mà lại giảm được sự xa hoa lãng phí, lợi dụng những đồ vật đã cũ trong kho, đây có thể nói là cách rất hay để tiết kiệm chi phí, Võ Tắc Thiên tiếp nhận ý kiến này.
Song Võ Tắc Thiên lại nghe ra một ý nghĩa khác nữa trong đề nghị của Thượng Quan Uyển Nhi, kì thực chính là hi vọng bà xử lý việc liên quan đến lão ni Hà Nội thật thận trọng, việc này và lời tố cáo của quan ngự sử có sự liên quan với nhau, sự hung hăng càn quấy của lão ni Hà Nội đã làm cho vua tôi và dân chúng không khỏi lên tiếng chỉ trích.
Võ Tắc Thiên cầm tờ sớ buộc tội của quan Ngự Sử đọc, trên tờ sớ trình đã ghi tất thảy các loại tội trạng của lão ni Hà Nội kể từ khi bà ta vào thành, điều này làm cho Võ Tắc Thiên trong lòng cũng có chút không vui, bà bèn gật đầu nói:
- Ý kiến của Uyển Nhi rất hay, cứ như vậy phê chiếu đi.
Thượng Quan Uyển Nhi mừng thầm trong lòng khi Võ Tắc Thiên đã chấp nhận ý kiến của mình, thời cơ đã chín muồi, nàng nói:
- Uyển Nhi còn một việc muốn thưa với bệ hạ!
- Còn chuyện gì?
Thượng Quan Uyển Nhi quỳ xuống tâu:
- Uyển Nhi nguyện mang tính mạng của mình ra để đảm bảo Địch tướng quốc là người trung thành với bệ hạ, ông ấy tuyệt đối không phải là người hạ độc, là bị người ta âm mưu hãm hại mà thôi.
Võ Tắc Thiên ngẩn ra một chút, nhìn Thượng Quan Uyển Nhi một cách khó hiểu.
… .
Vào đêm hôm đó, Võ Tắc Thiên tuyên chỉ, Ngự Sử đài tạm dừng việc điều tra vụ án Địch Nhân Kiệt hạ độc, đình chỉ Tam ti hội thẩm, phóng thích cho Địch Nhân Kiệt.
Tuy nhiên chỉ là tạm thời dừng điều tra, cũng không phủ định những mối nghi ngờ về Địch Nhân Kiệt, tạm thời cách chức ở nhà chờ điều tra và phán quyết cuối cùng của triều đình.
Vì Ngự Sử Đài không còn kì hạn ba ngày, nên nguy cơ Địch Nhân Kiệt bị ám sát cũng vì thế mà tạm thời giảm đi rất nhiều.
Khi ý chỉ vừa được truyền đi không lâu, một tên thái giám đã lén lút đi ra ngoài hoàng thành, đem một bức mật thư tới chỗ của Ngụy Vương phủ.