Tuyết dày, gió buốt. Một cơn gió thổi qua, vén áo choàng lên. Liễu Xuân Dương ngồi trên lưng ngựa, hắt xì một cái.
"Liễu đại nhân, tối nay chúng ta đến trạm dịch phía trước rồi dừng chân nghỉ ngơi, hay là cố gắng chạy tới phủ thành phía trước?" Tùy tùng hỏi.
Liễu Xuân Dương quấn chặt áo choàng, nói: "Phía trước là phủ thành Mi Xuyên, bên đó có họ hàng xa của ta, vào thành đi."
Đám tùy tùng vâng dạ, vung roi giục ngựa phóng đi. Mãi khi đêm đã khuya, bọn họ mới tới trước một tòa phủ thành. Cửa thành đã đóng. Tùy tùng tiến lên trình văn thư. Xem qua thì thấy người tới là tiến sĩ lão gia quan lục bộ ở kinh thành tới công tác, quan canh giữ cửa thành không dám chậm trễ, vội vàng mở cửa thành ra, còn ân cần định thu xếp chỗ ở. Liễu Xuân Dương cảm ơn, biểu đạt rằng có chỗ ở trong thành rồi. Quan viên kia không gò ép, nhìn đám người phi nhanh vào thành.
Tiếng vó ngựa lộc cộc xuyên qua bóng đêm yên tĩnh rồi dừng lại trước một tòa nhà giàu có tráng lệ ở trên con phố phồn hoa nhất thành.
Các tùy tùng cũng biết vị Liễu Yết Liễu tiểu đại nhân này xuất thân từ nhà phú hào thành Trường An, nhưng nay thấy ngay cả họ hàng xa đều giàu có như vậy thì rất kinh ngạc. Người gác cổng bị đánh thức nên rất là căm tức, lại đề phòng khi thấy một đám người xa lạ xuất hiện trong đêm tối như này.
"Ta là họ hàng xa của Hà tứ lão gia, hôm nay đi ngang qua nên đặc biệt tới bái phỏng." Liễu Xuân Dương tự mình bước lên, nói.
Nghe được lời này, sắc mặt người gác cổng kiêu căng kia lập tức thay đổi, vừa vội vàng lại vừa bối rối mời bọn họ vào. Bên trong, đèn đuốc sáng ngời. Một người đàn ông trung niên béo mập khoác áo trắng bước vội tới.
Đêm đã khuya, người đi đường mệt mỏi. Liễu Xuân Dương khuyên vị thân thích thích ôn chuyện này, bảo hắn an trí chỗ cho mọi người nghỉ ngơi trước.
Các tùy tùng được quản gia tự mình đưa tới phòng dành cho khách sạch sẽ, lại mang đồ ăn khuya thanh đạm mà phong phú, lại có tỳ nữ chuẩn bị nước ấm tắm rửa. Nhà giàu có đãi khách, ngay cả tùy tùng cũng được hưởng thụ những cái trước nay chưa từng có.
Mà lúc này vị khách Liễu Xuân Dương thì không được ưu đãi như vậy. Chờ đám tùy tùng này rời đi, người đàn ông trung niên béo kia lập tức cung kính dâng lên một chiếc chìa khóa rồi dẫn Liễu Xuân Dương đi qua những khúc quanh rường cột chạm trổ mà đi tới trước một căn phòng.
"Xin đại nhân cứ tự nhiên." Người đàn ông kia cung kính cáo lui.
Liễu Xuân Dương gật đầu, nhìn người đàn ông kia rời đi. Trên khuôn mặt bình tĩnh được đèn lồng chiếu rọi kia thế mới hiện lên vẻ tò mò.
Nơi này cất giấu bảo bối gì vậy?
Chìa khóa kêu kẹt, cửa được mở ra. Đốt nên lên, rút đi những tấm vải dày bao phủ. Thứ xuất hiện trước mắt là mấy hàng giá sách, bên trên bày rất nhiều sách. Ra là thư phòng.
Liễu Xuân Dương chần chờ một chút rồi tiến lên xem. Càng xem càng kinh ngạc. Rất nhiều sách trên giá sách là những cuốn sách cổ bản đơn lẻ mà hắn chỉ nghe chứ chưa từng thấy bao giờ.
Đây đúng là bảo bối. Với người đọc sách, lấy được một quyển là đủ để làm của gia truyền. Thảo nào nàng nhờ hắn. Người khác thì đúng là đáng lo, sợ làm mất, hoặc bị trộm, hoặc làm hỏng...
Liễu Xuân Dương vừa nghĩ nên vận chuyển như thế nào, vừa lướt qua các cuốn sách. Mãi cho tới giá sách cuối cùng, ngoài tấm vải phủ lên từ trước, nơi này còn được phủ thêm một lớp nữa, trông có vẻ như là bảo bối trong bảo bối.
Liễu Xuân Dương cẩn thận xốc lên. Trên giá sách này cũng có các cuốn sách cao thấp lớn nhỏ. Hắn tiện tay rút một cuốn ra, bìa sách trông khá cũ, có bốn chữ Tâm kinh đại đạo. Ngay cả cái tên hắn cũng chưa từng nghe tới. Liễu Xuân Dương hít sâu một hơi, giở ra tờ đầu tiên, mắt lập tức trợn tròn, hơi nghẹn ở cổ. Hắn khép sách cái bộp, khuôn mặt tuấn tú như ngọc kia đã đỏ bừng lên.
Không biết là do sặc, hay là...
"Xấu quá." Liễu Xuân Dương như bị bỏng mà vội vàng thả cuốn sách lại, vẻ mặt do dự một lát, rồi rút một quyển nữa ra, cẩn thận giở một tờ, rồi quay đầu khép sách cái bộp...
"Thật là!"
"Không phải tất cả giá này đều là... loại sách này chứ?"
Giá sách khẽ vang, tay lại rút một quyển từ trong đó ra. Cám ơn trời đất, mở ra không thấy tranh vẽ nữa, nhưng nội dung thì... Mắt hạnh trợn tròn, để sát vào nhìn cho kỹ rồi lập tức nhắm mắt lại.
Thanh niên chừng hai mươi tuổi đứng trước giá sách, dưới ánh đèn, không thể không lẩm nhẩm tâm kinh. Thứ tâm kinh của thánh nhân chân chính.
Mấy thứ này, thật sự mang về cho nàng sao? Sau đó thành của riêng của nàng?
Chuyện này sao lại giao cho hắn xử lý! Người nhiều như vậy cơ mà! Cái tên yêu quái này, tới giờ cũng chỉ bắt nạt hắn, từ lúc chơi xúc cúc tung cước ngầm gạt ngã hắn, đến lừa hắn cược thua nhận đại ca, kéo hắn nửa đêm đi giết người... Giờ còn làm cho hắn vội vàng tới đây xử trí mấy thứ này.
Chuyện xấu thì làm hết ở trước mặt hắn, còn trước mặt kẻ khác thì tỏ ra nghiêm trang.
Vị quan thiếu niên tức giận, đại bất kính mà ân cần hỏi thăm vị hoàng đế đang thoải mái ngủ ngon trong hoàng cung.
Nhưng hoàng đế không được ngủ lâu, bởi trời chưa sáng đã bị đánh thức.
Trời đông giá rét, gió buốt vù vù. Trong đại điện triều chính, đuốc được đốt sáng. Mùa đông cũng vậy, khi lâm triều khiến người ta nhiều khi không rõ là ban ngày hay đang ban đêm.
Trong đại triều điện, văn võ bá quan đứng nghiêm ở chính giữa, còn lại thì bị gió lấp đầy.
Ngự sử trung thừa Lư Diêm đã ngồi yên. Đám nội thị đứng hầu vẫy tịnh liên, đám nhạc công sau màn che thì thổi, kéo gõ, âm nhạc du dương. Vương Liệt Dương đứng một mình ở đầu hàng cầm hốt bản hô to vạn tuế rồi dẫn quần thần lễ bái.
Khi quan thị tòng, các thái giám cầm các loại dụng cụ lễ với đủ màu sắc đứng lại, vị nữ đế mặc hoàng bào, đầu đội khăn vấn chậm rãi đến nhập tọa.
"Các khanh miễn lễ, bình thân."
Giọng nữ thanh thúy và mềm mại vang lên trong điện. Tiếng nhạc lập tức dừng lại. Chúng thần hô tạ ơn rồi đứng thẳng người dậy.
Vị trí đứng của Trương Liên Đường đã gần hơn lúc trước một ít. Là công thưởng mà đã cùng Khúc Bạch bức cung thành công. Đứng chỗ này, ngẩng đầu lên là có thể thấy rõ khuôn mặt trắng như ngọc và đôi mắt tỏa sáng của hoàng đế. Hoàng bào vừa người khiến nàng trông càng cao hơn. Ngày đông này, dường như đã cao hơn một ít...
Triều hội được tiến hành với sự chủ trì của Vương Liệt Dương. Đề tài chủ yếu vẫn là thảo luận chiến sự Tây Lương. Trương Liên Đường nửa nghe nửa không, bởi chuyện này không tới lượt hắn lên tiếng. Thi thoảng hắn liếc nhìn ghế rồng, nữ tử ngồi trên đó đang ngồi ngay ngắn và chăm chú nghe, nhưng có thật là chăm chú?
"Bệ hạ, hôm nay như thế nào?"
Cùng với tiếng hỏi này, điện yên tĩnh hẳn. Yên tĩnh không bao lâu, một giọng nói vang lên từ trên ghế rồng.
"Trời hôm nay càng lạnh hơn."
Ô? Tòa đại điện lại yên tĩnh một lát. Trương Liên Đường cúi đầu, mỉm cười.
Trên ghế rồng, Tiết Thanh đã nhìn về phía vị quan vừa hỏi, câu tiếp theo cũng truyền tới: "Trời càng lạnh, việc phải mau quyết, chớ kéo dài quá lâu, tránh dân sự chiến sự đều không dễ."
Là vậy à, vị quan vừa nói ban nãy cúi người: "Tây Lương vương đã trình quốc thư ba lần, việc nghị hòa tới nay vẫn chưa có kết luận. Trời lạnh, chiến sự càng thêm gian nan, số thương vong và lưu dân mà hôm qua báo lên đã lại tăng lên rồi."
Tiết Thanh à một tiếng, người hơi nghiêng ra trước, nói: "Tăng hơn bao nhiêu?"
Vương Liệt Dương cau mày, nói: "Bệ hạ, danh sách thống kê đã được trình báo từ giữa trưa hôm qua rồi."
Tiết Thanh có vẻ hơi bất an, nói: "Hôm qua hơi nhiều tấu chương, có vài cái nói về tình hình tai nạn do tuyết dày nên trẫm đọc hơi lâu, số còn lại thì không xem."
Không xem? Là giả ngu làm hồ đồ? Chuyện này căn bản chẳng lẽ thật sự phải nhờ tới số lượng thương vong cụ thể để quyết định à? Huống chi cái loại lấy cớ mà nhìn không được này có gì tốt, chẳng qua là để lại cái hình tượng vô dụng, mất nhiều hơn được.
Vương Liệt Dương thuận miệng nói tiếp: "Kính xin bệ hạ mau xem xét, chiến sự đã kéo dài nửa năm, quốc khố hao tổn, dân chúng mệt mỏi, đã không thể gánh chịu được nữa rồi."
Vị hoàng đế trên ghế rồng gật đầu, lại nói: "Tướng gia, chuyện này căn bản không phải là thời gian hay thương vong hao tổn, mà là thành ý của Tây Lương vương."
Cho nên nàng căn bản là không muốn xem thương vong như thế nào, nạn dân bao nhiêu, chơi trò này với ông ta à! Vương Liệt Dương cúi người nói: "Bệ hạ, trong thư cầu hòa mới của Tây Lương vương thì đã tăng thêm ba quan ải."
Thế này cũng đủ thể hiện thành ý rồi. Vương Liệt Dương góp ý cho triều sự, chẳng lẽ không biết có lý có cứ sao?
Tiết Thanh nói: "Là vậy à." Lại hiếu kỳ: "Ba tòa quan ải nào vậy?" Không chờ Vương Liệt Dương đáp, ngồi thẳng người dậy: "Mời bộ binh và các ty Tây Bắc họp, trình lên sự lợi hại về binh gia và kinh tế của quan ải đó rồi quyết định."
Có người của bộ binh bước ra khỏi hàng nhưng không hề lên tiếng tuân chỉ mà nhân cơ hội cúi đầu nói: "Bệ hạ, thần có bản tấu. Nhận được cấp báo tây bắc, gần đây quân Tây Lương đánh hai trại của ta, không hề có ý cầu hòa."
Vương Liệt Dương nhìn, người nói chuyện là chủ sự của bộ binh, Phương Kỳ, lòng hừ lạnh một tiếng. Cái đám dư đảng của Trần Thịnh này, ngày càng lớn mật.
Trần Thịnh cuối cùng đã bị định tội là bị Tần tặc và Tống Nguyên lừa gạt, nhận lầm đế cơ nhưng cũng vì cái từ "bị lừa gạt" đó mà khiến người cùng phe ông ta được lợi. Người không biết vô tội, công lao bình định vẫn như trước. Hơn nữa Trần Thịnh chết, Vương Liệt Dương ức hiếp khiến bọn họ tự lập ra một phe riêng, dốc sức khoe thành tích trước mặt hoàng đế, nhảy nhót trên dưới, rất là bừa bãi.
Bởi câu này của Phương Kỳ, triều đình lại rơi vào vòng tranh cãi mới. Vị hoàng đế ngồi trên ghế rồng không hề bày tỏ ý kiến nữa, mà chăm chú và nghiêm túc nghe chúng thần biện luận.
Việc tranh cãi trên triều đình này chưa bao giờ có kết quả luôn. Lần triều hội này lại tan mà không có kết quả gì.
"Bệ hạ rõ là cố ý."
"Cứ nói mình không hiểu, từ từ rồi học, tất cả đều tướng gia quyết định, nhưng lần nào cũng lý do này lý do kia mà từ chối."
"Phương Kỳ kia sao có thể nhảy nhót kiên quyết phản đối nghị hòa? Còn không phải do bệ hạ ngầm sai khiến à."
"Từ xưa đến nay, binh giả, hung khí dã."
"Đại Chu ta không sợ chiến, mà là biết chiến."
"Thiên tử tham lam, thần tử tham công, binh giáp không ngừng, lưỡng bại câu thương."
Triều hội tan nhưng việc chính của đám quan viên giờ mới bắt đầu. Đám quan viên ngồi trong trị phòng của Vương Liệt Dương, bàn tán rào rào.
Vương Liệt Dương thì tỏ ra bình thản, nắm tách trà ấm áp trong tay, nói: "Bệ hạ không đồng ý nghị hòa, vốn nằm trong dự liệu." Cười cười: "Bệ hạ không phải hạng nhân thiện nhát gan, giống như đám phụ nữ trẻ em ấy, nghe tới binh chết dân bị thương trôi giạt khắp nơi là đau lòng rơi lệ như bị khoét da khoét thịt, vì dân sinh mà Tây Lương cầu hòa một cái là lập tức ngừng chiến."
Nhìn mọi người.
"Ngài ấy là kẻ dám đánh nhau khi bị quan binh bao vây ngay cửa hoàng thành, ác với bản thân, sẽ ác hơn với người khác."
Đám quan viên đang ngồi lập tức nhớ lại, vẻ mặt phức tạp, gật đầu. Vị hoàng đế này giống tiên đế, văn thành võ công, mà còn lợi hại hơn cả tiên đế, lúc còn nhỏ đã phải vượt qua đuổi giết, bị truy sát mà cũng từng giết người.
"Ngài ấy đồng ý nghị hòa hay không, chúng ta cũng chỉ có thể chấp nhận." Vương Liệt Dương lại nói, uống một ngụm trà, sự ấm áp làm các nếp nhăn giãn ra: "Ban đầu ta tưởng ngài ấy mới đăng cơ muốn được lòng dân, được cái danh nhân thiện, hẳn là sẽ đồng ý nghị hòa, như vậy ngài ấy được thể diện, còn chúng ta thì có thể thu hồi quân vụ tây bắc."
Vì chống lại Tây Lương, Đốc nhân cơ hội lãnh binh được quyền, nhưng thời gian ngắn nên chưa nắm trọn cả tây bắc trong tay. Lúc này nghị hòa, chiến sự ngừng lại, Đốc không còn cớ mà củng cố quyền lực nữa. Đổi tướng soái rồi sẽ khiến uy thế của hắn ở trong tây bắc tan thành mây khói.
Người đang ngồi đều gật đầu.
"Nhưng ngài ấy tham lam hơn là ta tưởng. Với ngài ấy, vị trí hoàng đế này lấy được không dễ nên càng muốn thông qua chinh chiến Tây Lương mà xưng bá phát uy, hoặc là dồn sức lật đổ Tây Lương luôn." Vương Liệt Dương cười nói: "Kỳ thật ai mà không biết, đám nhãi Tây Lương kia không thể tin tưởng, nhưng muốn đánh bại Tây Lương lại là việc không hề dễ dàng, không nhẫn tâm một tướng công thành, vạn cốt khô thì không được. Như thế cũng được, ngài ấy được uy danh, chúng ta được lòng dân."
Dân chúng sẽ không nghĩ xa như vậy. Dân chúng chỉ muốn cuộc sống yên ổn nên một vị quân vương hiếu chiến, suốt ngày gây chiến, suốt ngày bất an, lại không phải chuyện tốt gì.
"Người trẻ tuổi, trị quốc chứ không phải đọc sách, từ từ sẽ được." Vương Liệt Dương nói, lại cầm tách trà lên, uống một hơi cạn sạch.
Cho nên mới bảo là làm hoàng đế không dễ.
Đám quan viên ngồi đây liếc nhau, cười rộ lên. Bên ngoài bỗng vang lên tiếng bước chân. Một người đẩy cửa bước vào, quên cả thông báo, có thể thấy chuyện khẩn cấp như thế nào.
"Tướng gia, bệ hạ triệu tướng gia tới bàn bạc chuyện nghị hòa với Tây Lương." Hắn nói.
Ơ? Không khí trong phòng đình trệ.
Vương Liệt Dương cũng kinh ngạc không thôi: "Hiện tại? Đồng ý rồi?"
Người kia gật đầu: "Thái giám truyền chỉ sắp đến ngay rồi, các quan viên khác cũng được truyền."
Vậy thì kỳ quái. Rõ ràng là kéo dài không đồng ý, sao đột nhiên lại đồng ý? Quyết định là không thể nào đột ngột có được, nếu muốn nghị hòa nhưng vẫn không nói thì phải là đang chờ cái gì đó...
"Phía tây bắc có tin gì mới không?" Vương Liệt Dương đặt chén trà xuống, hỏi.
Bên này vừa nói xong, lại có người vội vàng chạy tới.
"Tướng gia, tây bắc vừa cấp báo đại thắng. Thái tử Tây Lương Tác Thịnh Huyền bị bắt." Người kia nói.
Bắt được cả Tác Thịnh Huyền cơ à. Đám quan viên đang ngồi ở đây đều kinh ngạc.
Vì sao Tây Lương vương vội vàng nghị hòa như vậy, quá nửa là kéo dài thời gian để cứu Tác Thịnh Huyền đang bị bắt kia, không ngờ lại bị Đốc giành trước.
Một tiếng bộp vang lên, cùng với tiếng cười của Vương Liệt Dương.
"Đây là chuyện quá vui, phải chúc mừng." Ông ta vỗ tay, rồi nhìn mọi người: "Thì ra không phải bệ hạ không muốn nghị hòa, mà là đang đợi công lớn này. Bắt được Tác Thịnh Huyền rồi mới nghị hòa cùng người Tây Lương, đây là bệ hạ văn thành võ công lừng lẫy, chinh chiến lâu như vậy, thật đáng giá."
Cho nên vẫn là vì cái oai của bản thân mà hiếu chiến không ngừng. Các quan viên đang ngồi đều hô vạn tuế rồi cùng chạy ra ngoài.
Ngay sau đó tin hoàng đế đồng ý nghị hòa cùng Tây Lương truyền ra. Dân chúng kinh thành vui mừng.
Triều đình đã nhất trí nghị hòa, chuyện cần làm còn rất nhiều, nhưng đó đều là cái mà quan viên phải bận rộn bên hoàng đế thì nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Nhưng khi màn đêm buông xuống, Tiết Thanh vẫn ngồi trước long án trong điện Cần Chính, bên cạnh là chủ sự bộ binh Phương Kỳ đứng hầu, sắc mặt ưu tư.
"Bệ hạ, Đốc đại nhân nói, kỳ thật không phải là không thể lấy được vương đình Tây Lương." Hắn nói: "Không nhất định phải nghị hòa." Nói tới đây lại chần chờ: "Đốc đại nhân nói, bệ hạ không cần khó xử, hắn có thể kháng chỉ không thu binh, xông thẳng tới vương đình."
Dân oán chinh chiến, hoàng đế khó làm, sao bọn họ không biết. Thế nhưng Tây Lương chưa diệt, mầm họa chưa dứt. Lúc này là thời cơ cứ thế xông lên, hắn nguyện ý gánh cái danh hiếu chiến hiếu sát, giả mạo lệnh vua, kháng chỉ bất tuân.
"Giống như Tần Đàm Công lúc trước à?" Tiết Thanh cười nói.
Phương Kỳ im lặng.
"Trẫm không nói Đốc đại nhân sẽ là một Tần Đàm Công khác." Tiết Thanh nói: "Ý của trẫm là, làm như vậy mất nhiều hơn được, cái giá phải trả quá lớn."
Nàng khẽ thở dài, tầm mắt dừng trên đống tấu chương rải rác trên bàn.
"Binh sĩ thương vong, dân chúng ly tán, số lượng bao nhiêu, trẫm biết còn nhiều hơn những gì họ báo cáo. Cho dù Đốc đại nhân lấy được vương đình Tây Lương, chiến sự sẽ không ngừng. Tây Lương sẽ vì chó cùng rứt giậu mà lao lên chiến tiếp."
Phương Kỳ nói: "Bệ hạ nhân thiện."
Tiết Thanh nở nụ cười, nói: "Không, không, trẫm không nhân thiện mà vì trẫm đang chờ người khác làm chuyện này."
Người khác? Phương Kỳ khó hiểu.
Tiết Thanh nói: "Lần nghị hòa này, các ngươi không quan tâm các điều kiện khác, chỉ cần phải đảm bảo một cái cho trẫm, Tác Thịnh Huyền tới Đại Chu làm con tin."
Tác Thịnh Huyền làm con tin? Phương Kỳ kinh ngạc: "Hắn là thái tử Tây Lương, Tây Lương vương sẽ đồng ý sao?"
Tiết Thanh nói: "Hắn không đồng ý thì đánh tiếp. Đây không phải chúng ta nghị hòa, chinh chiến không phải vì tham công, mà là do bất đắc dĩ."
Phương Kỳ gật đầu, là cách hay.
"Tây Lương vương sẽ đồng ý." Tiết Thanh nói: "Hắn không chỉ có một đứa con trai, mặc dù đây là người được kỳ vọng nhiều nhất nhưng trên đời này không chỉ có một con đường có thể đi, Tây Lương vương sẽ hiểu rõ."
Với hoàng tộc quyền quý mà nói, con cháu dù thân thiết đến mấy không phải là không thể vứt bỏ. Chuyện này đã có sẵn ví dụ rồi.
"Đúng vậy, Tây Lương vương có rất nhiều thê thiếp, con cháu cũng rất nhiều." Phương Kỳ nói, hoàng đế luôn không thiếu con cháu.
Nhưng làm vậy là để sỉ nhục Tây Lương vương à?
"Thời hạn làm con tin của Tác Thịnh Huyền, bốn năm năm là được rồi nhưng thời hạn cụ thể thì phải xét rồi tính." Tiết Thanh nói.
Xét cái gì? Phương Kỳ nhìn nàng.
Tiết Thanh mỉm cười: "Xem đứa con mà Tây Lương vương tuyển ra có thành tài không? Nếu thành tài thì có thể đưa Tác Thịnh Huyền trở về."