Mùa Đông Nam Kinh [1] đổ mưa, có một loại phong thái lạnh lùng rất riêng.
Tần Hoài Bát Diễm [2], Kim Lăng [3] mưa khói, chuyện cũ lục triều [4] trôi theo dòng nước chảy.
([1] Nam Kinh: Thành phố thủ phủ của tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Từng là kinh đô ở một số thời kì lịch sử.
[2] Tần Hoài Bát Diễm: Tần Hoài là tên một con sông chảy qua tỉnh Giang Tô. "Tần Hoài Bát Diễm" chỉ 8 vị ca kĩ nổi tiếng trên sông Tần Hoài vào cuối triều Minh đầu triều Thanh, theo sách "Bản Kiều Tạp Kí" ghi lại thì gồm có: Liễu Như Thị, Cố Hoàng Ba, Mã Tương Lan, Trần Viên Viên, Khấu Bạch Môn, Biện Ngọc Quỳnh, Lý Hương Quân và Đổng Tiểu Uyển.
[3] Kim Lăng: Tên gọi cũ của Nam Kinh.
[4] Lục triều (222 – 589): Thường chỉ 6 triều đại ở phương Nam Trung Quốc từ thời Tam Quốc cho tới thời nhà Tùy, gồm có Tôn Ngô, Đông Phổ, Nam Triều Tống, Nam Triều Văn, Nam Triều Lương và Nam Triều Trần.)
Thành phố này đã chứng kiến sự sụp đổ của vương triều và lớp lớp các tòa nhà chọc trời nối nhau mọc lên, phồn hoa lụi tàn bình thản tựa tiếng thở dài của chính nó. Huy hoàng hay đổ nát, rực rỡ hay điêu tàn, tất thảy đều ảm đạm qua đi.
Cơn mưa rả rích khiến miếu Phu Tử tĩnh lặng hơn rất nhiều. Khu chợ huyên náo cạnh bên thời khắc này không còn vẻ ồn ào hỗn loạn, những mảnh rác bị gió thổi bay rồi lại cùng nước đọng dính chặt xuống mặt đường, bầu không khí ẩm ướt làm tan bớt đi thứ mùi như đậu phụ thối, cũng đuổi bớt đi những du khách chụp ảnh lưu niệm nhốn nháo trên cầu.
Trần Kiến Hạ đứng bên bờ sông Tần Hoài, nghi hoặc nhìn đôi rồng khổng lồ uốn lượn ở phía đối diện.
Vừa nãy người tài xế taxi tán chuyện phiếm với cô, hỏi cô tới đây đi công tác hay tới để gặp bạn bè.
"Không phải đi công tác. Tôi cũng không có bạn bè ở đây."
Từ trước tới nay, Trần Kiến Hạ chưa từng có bạn bè. Người mẹ và em trai ngày trước chỉ một mực muốn tránh xa cô giờ lại thường xuyên gọi điện hỏi han, thân mật mà tự nhiên. Những chuyện của quá khứ đều bị thời gian làm cho phai màu, huyết thống là thứ không thể nào xóa bỏ, và hiện tại nó càng ngày càng chứng minh được sức mạnh của mình. Chỉ còn bọn họ là vẫn ở bên cô.
Người quan trọng càng ngày càng ít. Những người còn lại, cũng ngày càng trở nên quan trọng.
Cô men theo bờ đá chậm rãi tiến về phía trước, đọc thầm từng cái tên được điêu khắc, nhập tâm nghiền ngẫm sự huyền diệu trong từng phiến đá. Năm ấy cô đã từng mua một chiếc quạt nan ở phủ Tổng thống [5], mặt phải đề chữ "Thiên Hạ Vi Công", mặt trái đề chữ "Bác Ái", thậm chí còn cầm nó theo suốt nửa ngày thăm quan ở miếu Phu Tử, đứng bên bờ đá vừa mới được khánh thành, dùng quạt làm đạo cụ diễn các nhân vật được khắc tên trên vách đá. Cô diễn Liễu Như Thị [6], anh diễn Đường Dần [7], nhập vai như thật, khiến người qua đường lũ lượt đứng lại để chụp ảnh.
([5] Phủ Tổng thống: Phủ Tống thống Nam Kinh nằm ở đường số 292 khu Huyền Vũ thành phố Nam Kinh, là kiến trúc từ thời kì dân quốc được bảo tồn có quy mô lớn nhất.
[6] Liễu Như Thị: Một trong "Tần Hoài Bát Diễm" – xem chú thích số 2.
[7] Đường Dần (6/3/1470 – 7/1/1524): Nhà thư pháp, họa sĩ, thi nhân nổi tiếng thời Minh.)
Cô đứng trước tượng đá thoáng ngẩn ngơ, cũng có chút tiếc nuối.
Khung cảnh đẹp như vậy mà cô lại không có lấy một tấm ảnh kỉ niệm. Bọn họ của năm đó đều đã bị máy ảnh của những người xa lạ mang đi, cũng không biết đã đi về phương trời nào.
Con đường bên bờ sông không dài lắm, cô đi một lát đã tới điểm cuối, ngẫm nghĩ một hồi, cô bỏ ra 60 tệ mua một tấm vé vãn cảnh bằng thuyền.
Người bán vé nói với cô 10 phút nữa thuyền mới khởi hành. Cô tỏ ý bằng lòng chờ đợi.
Người đàn ông ở chỗ bán vé nhìn thấy cô gái trước mặt cầm một chiếc ô giấy dầu thì khóe miệng cong lên, định bắt chuyện mấy câu, song lại bị ánh mắt lạnh lùng của Kiến Hạ chặn đứt ý định.
Trần Kiến Hạ cũng ngẩng đầu nhìn chiếc ô giấy dầu màu xanh, rất nặng, chất lượng cũng không tốt chút nào. Lúc trời vừa đổ mưa cô đã mua nó ở cửa hàng bán đồ lưu niệm trong khu chợ, giá không hề rẻ, dẫu đã biết chắc là bị chặt chém một vố nhưng cô vẫn không tính toán.
Từ nhỏ Trần Kiến Hạ đã không thích tính toán, chỉ là trước đây cô đã từng bất đắc dĩ phải tính toán, vật lộn chiến đấu với sự sĩ diện của chính bản thân. Giờ đây đã độc lập trưởng thành, ở một mức độ nhất định không còn bị tiền bạc bức bách, cảm giác tự do này thoải mái vô cùng. Có phải bị hớ rồi hay không, sớm đã biến thành ý nghĩ chỉ lưu lại trong giây lát.
Chỉ là thật đáng tiếc. Cô nhìn đăm đăm những vết bẩn và vết keo trên tán ô, khẽ khàng cau mày. Anh rất không thoải mái với những lời lải nhải của cô, thế nhưng vào thời khắc trời đổ mưa, anh lại kéo tay cô cùng chạy đến bên bờ sông Tần Hoài, nhét chiếc ô vào tay cô.
Chiếc ô ấy trong kí ức hoàn mỹ đến như vậy. Sau này đã bị cô ném đi đâu mất rồi?
"Được rồi được rồi, không phải em muốn diễn 'Hồng Lâu Mộng' ư? Diễn đi diễn đi, em gái Lâm [8], lúc này em nên nôn ra máu rồi, action!"
([8] Em gái Lâm: Ý chỉ Lâm Đại Ngọc - nhân vật chính trong bộ tiểu thuyết "Hồng Lâu Mộng", nổi tiếng với tính cách yếu đuối, hay khóc, đa sầu đa cảm.)
Có phải anh đã từng nói như vậy hay không?
Chiếc ô giấy dầu gợi lại một số hồi ức, song cũng làm mờ đi một số khác.
Người đàn ông bán vé gõ gõ vào cửa sổ, khiến Trần Kiến Hạ bừng tỉnh.
"Khách ít quá, cô đừng ngồi nữa, bọn họ cũng không muốn một lượt đi chở ít người thế này."
Trần Kiến Hạ một lần nữa dùng ánh mắt lạnh lùng nhìn anh ta: "Thế à? Tôi đợi."
Người đàn ông khó xử hơi rụt cổ lại, đóng ô cửa sổ lại gọi điện thoại. Qua một lát, người chèo thuyền bực dọc hô lớn: Kiến Hạ lên đầu thuyền.
Chuyến tham quan xuất phát từ miếu Phu Tử, từ từ đi về hướng công viên Bạch Lộc Châu. Kiến Hạ là vị khách duy nhất trên thuyền, ngồi ở vị trí bên cạnh cửa sổ hàng thứ ba từ dưới lên. Hướng dẫn viên ngồi ở hàng một từ dưới lên phía sau cô, tay cầm loa, tai đeo tai nghe không dây, từ lúc Kiến Hạ lên thuyền đã bắt đầu liếc xéo, khuôn mặt vô cảm dùng ngữ điệu trầm bổng bắt đầu giới thiệu về cảnh sắc hai bên bờ.
Kiến Hạ không hề lắng nghe.
Cô cũng từng ngồi thuyền tham quan, song không phải loại to, có gắn động cơ xình xịch thế này. Người chèo thuyền khua mái chèo, chỉ đưa bọn họ đi một quãng ngắn, giảng giải cũng không chuyên nghiệp, chất giọng còn lẫn cả âm địa phương và tiếng cười. Kiến Hạ và anh cãi nhau, cô nén nước mắt cứng đầu cứng cổ không thèm để mắt đến anh, ngẩng đầu nhìn hai bên bờ, cố gắng tưởng tượng ra quang cảnh một ngàn năm trước của Tần Hoài, lại vì một câu nói của người bên cạnh "Đổng Tiểu Uyển [9] cũng xem như là phụ nữ trí thức thời đó rồi nhỉ" mà phì cười.
([9] Đổng Tiểu Uyển: Một trong "Tần Hoài Bát Diễm" – xem chú thích số 2.
Đổng Tiểu Uyển (1624 – 1651), tên Bạch, tự Tiểu Uyển, là người Thanh Liên, Giang Tô, thuở nhỏ vì gia đình khốn cùng mà phải bán thân vào lầu xanh.
Năm 1639, Đổng Tiểu Uyển gặp gỡ và quen biết nhà phục xã nổi tiếng Mạo Tích Cương, sau đó gả làm thiếp của ông. Sau khi nhà Minh sụp đổ, Tiểu Uyển cùng Mạo gia đi lánh nạn rồi cùng Mạo Tích Cương đồng cam cộng khổ cho tới tận lúc qua đời.)
Bây giờ chỉ còn lại tiếng thở dài.
"Chị không cần giảng. Tôi không muốn nghe."
Cô quay đầu lại mỉm cười với hướng dẫn viên, hướng dẫn viên ngây ra, dường như cảm thấy như vậy không hợp quy tắc, muốn từ chối.
"Thật đấy, chị có thể nghỉ ngơi một lát, tôi sẽ không khiếu nại chị đâu."
Cô gái hướng dẫn viên tròn mắt, nghĩ lại cảm thấy như thế bản thân cũng nhàn nhã hơn nhiều, bởi thế bèn gật gật đầu co người về chỗ ngồi.
Kiến Hạ dựa đầu vào cửa sổ. Chiếc thuyền lớn chạy khoan thai cuối cùng cũng bỏ lại miếu Phu Tử đằng sau, men theo con đường sông hẹp màu lục bích tiến về phía trước, tường trắng ngói đen hai bên bờ tựa như một thước phim không tiếng, không ngừng lùi về phía sau. Con thuyền này mang theo Trần Kiến Hạ, lật giở từng tấm từng tấm ảnh ngược dòng thời gian. Trăm năm huy hoàng tan biến thành mây khói, dẫu có vương lại được một sợi hồn phách thì cũng chỉ có thể nổi trôi trên không trung, ngậm cười nhìn máy ảnh kĩ thuật số của du khách thôi nhỉ.
Lúc qua cầu, động cơ của thuyền xảy ra chút trục trặc, đành lúng túng đỗ lại dưới cầu. Trên trụ cầu có khắc câu thơ "Hồng đậu sinh Nam quốc" trong bài "Tương tư" [10], những căn nhà cổ hai bên bờ sớm đã cải tạo thành câu lạc bộ cao cấp, trước cửa loáng thoáng nghe được tiếng nhạc phiêu dạt truyền tới trong màn mưa.
([10] "Tương tư": Là một bài thơ của thi nhân Vương Duy thời Đường.
Phiên âm:
"Hồng đậu sinh nam quốc,
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương ti (tư)."
Dịch nghĩa:
"Đậu đỏ sinh ở phương nam,
Mùa xuân đến, nẩy bao nhiêu cành.
Xin chàng hãy hái cho nhiều,
Vật ấy rất gợi tình tương tư."
Giải thích: Hồng đậu có hột hình tròn, màu sắc tươi hồng, hình dạng đáng yêu, thường làm trang sức trên mái tóc phụ nữ. Người xưa lấy cây này biểu tượng cho tình yêu nên mới có tên là cây "tương tư".
Nguồn: thivien.net.)
Kiến Hạ như bị ma xui quỷ khiến mở cửa sổ ra. Không khí ẩm ướt và lạnh lẽo khiến cô không kìm được run lên.
Giọng hát là bài "Chuồn chuồn ngang qua" của Trương Quốc Vinh.
"Nếu em không cách nào dừng chân lại nơi này
Vậy hãy để anh cùng trải qua hành trình lưu lạc
Sợ chi phải đối mặt với sinh mệnh vô thường..."
Kiến Hạ lắc đầu, nghe thấy cổ mình khậc nhẹ một tiếng. Chứng mỏi vai cổ của cô trước nay chưa từng được chữa khỏi, thời khắc này có cảm giác như khớp xương vừa tách rời, làm đứt đoạn sợi dây lí trí.
"Để anh được làm một chú chuồn chuồn ngang qua đường em đi
Lưu lại một quãng đường đầy thương nhớ
Dẫu có phải vứt bỏ cả sinh mệnh
Cũng muốn vì em mà chiếu sáng
Dẫu có bị người cười chê si tình
Không chấp nhận mà cũng không từ bỏ..."
Từng có một thiếu niên, đứng trên con thuyền mái chèo, vì cô mà lớn tiếng hát bài này. Cô nghe không hiểu tiếng Quảng Đông, hỏi anh đang hát những gì, anh liền nói, Trần Kiến Hạ, em hãy xem như ngang qua một chú chuồn chuồn là anh đi.
Cậu thiếu niên ngỗ ngược từng thoải mái trêu: "1, 2, 3, Lâm Đại Ngọc, em nên khóc rồi. Action!", vào thời khắc chia ly đã lặng lẽ đứng ở mũi thuyền, tha thiết nhìn vào mắt cô nói.
Em hãy xem như, ngang qua một chú chuồn chuồn là anh đi.
Bài thơ "Tương tư" trước tầm mắt vì ánh lệ mà nhoè mờ đi. Kiến Hạ khóc như đây là nơi không người, phấn mắt và lông mi đều dính bết vào nhau.
Nam Kinh đúng là một thành phố lạnh lùng. Trước đây cô không cảm thấy như vậy.
Lần đầu tiên đặt chân tới nơi đây, chợ miếu Phu Tử náo nhiệt mở rộng vòng tay chào đón cô. Phủ Tổng thống, bánh trôi nước, lăng Minh Hiếu, mì tiết vịt, bánh cua rán... - không chốn nào lạnh lẽo. Hoặc có lẽ là vì lúc ấy chàng trai bên cạnh cô không ngừng nói cười, hào hứng nhiệt tình, khiến Nam Kinh cũng động lòng mà cho cô chút mặt mũi.
Hoặc có lẽ thứ lạnh lùng là chính bản thân cô, sớm đã mất đi cảm giác kinh ngạc và xúc động, càng chứng kiến nhiều lại càng trở nên lãnh đạm.
Kiến thức giống như một loài thực vật không ngừng nuôi lớn con dã thú trong trái tim cô, con dã thú từng bị bỏ đói tới mức trở nên hiền lành như mèo ấy – giờ đây rốt cuộc cũng lớn mạnh. Con người yếu đuối là cô cuối cùng đã có thể đứng phía sau lưng nó mà cảm thấy tự hào, không còn ai có thể ức hiếp cô được nữa.
Dù phải bỏ ra rất nhiều năm để nuôi dưỡng con dã thú này, cô cũng không chịu dựa dẫm vào nó.
Kiến Hạ đã từng vô số lần tự hỏi chính mình, mày có hối hận không? Trần Kiến Hạ, mày có hối hận không?
Đáp án luôn là phủ định. Thẳm sâu trong đáy lòng, Kiến Hạ biết, khi ấy dù cô có lựa chọn con đường nào thì kết quả cũng sẽ là hối hận.
Vì thế nên cô không ngừng tự nói với bản thân rằng, thứ cảm giác đó không gọi là hối hận, mà gọi là tham lam.
Thế nhưng dù có hối hận hơn nữa thì tất cả những gì cô mong muốn cũng chỉ là cưỡi lên con dã thú đó trong tim, đuổi theo một cánh chuồn chuồn ngang qua.